Nghiện mạng xã hội: Vấn đề nhức nhối hiện nay cần quan tâm
Ngày nay với sự phát triển của công nghệ và truyền thông, hiện tượng nghiện mạng xã hội đã trở thành một vấn đề đáng lo ngại. Sức hấp dẫn của các nền tảng này quá lớn, biến việc sử dụng nó thành một phong trào nghiện ngập cần được mọi người quan tâm, giải quyết kịp thời.
Thực trạng nghiện mạng xã hội ở Việt Nam
Theo số liệu thống kê từ ComScore cho rằng ở Việt Nam hơn 30 triệu người dùng Internet thì tỉ lệ người sử dụng mạng xã hội chiếm đến 87,5%. Đáng chú ý, có khoảng 71% là những người trẻ trong độ tuổi từ 15 đến 34.
Hiện nay, một trong những mạng xã hội được sử dụng phổ biến nhất ở Việt Nam là Facebook, bên cạnh đó còn có: Tiktok, Zalo, Instagram, Youtube, Skype, Twitter,… Mạng xã hội được cho là có ảnh hưởng mạnh mẽ đối với mọi người, đặc biệt là đối tượng trẻ tuổi, bao gồm cả những người sống ở thành thị, nông thôn.
Ở Việt Nam, mọi người thường sử dụng mạng xã hội cho nhiều mục đích khác nhau. Theo số liệu từ một khảo sát về mục đích sử dụng mạng xã hội của thanh thiếu niên cho rằng: để tìm kiếm, cập nhật thông tin chiếm 66,3 %, kết bạn mới và trò chuyện cùng bạn cũ khoảng 60% và 59% là sử dụng để giữ liên lạc với người thân.
Theo dữ liệu thống kê của một số nghiên cứu, có 50% tỷ lệ thanh thiếu niên cho rằng họ đang gặp vấn đề nghiện mạng xã hội, tỷ lệ 59% cha mẹ cho biết con của họ không dứt được cơn nghiện sử dụng mạng xã hội.
Những năm gần đây, tình trạng người nghiện mạng xã hội xuất hiện nhiều hơn. Theo nghiên cứu của UNICEF, số người ở Việt Nam thường xuyên dùng mạng xã hội là 78,1%.
Nguyên nhân
Việc mọi người trở nên nghiện mạng xã hội không giới hạn trong một nguyên nhân nhất định, nó có thể phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, bao gồm:
- Nhu cầu kết nối: Mạng xã hội là cách để mọi người kết nối với bạn bè, gia đình và cộng đồng dễ dàng, làm cho người dùng cảm thấy không cô đơn trong cuộc sống hàng ngày.
- Sự hấp dẫn, kích thích: Đa số các mạng xã hội đều có những tính năng hấp dẫn như like, comment, share,…hoặc giao diện được thiết kế thân thiện với người dùng. Ngoài ra, cảm giác được chú ý thông qua việc chia sẻ và nhận phản hồi trên mạng xã hội có thể tạo ra sự kích thích tinh thần, khiến người dùng muốn tiếp tục tham gia.
- Tiện lợi và truy cập dễ dàng: Mạng xã hội có sẵn trên nhiều thiết bị di động và có thể truy cập mọi lúc, mọi nơi. Nó tạo ra một môi trường thú vị để mọi người dễ dàng tiếp cận.
- Sự phụ thuộc: Một số người trở nên phụ thuộc vào mạng xã hội để cảm thấy hạnh phúc và tự giải tỏa căng thẳng. Điều này, không chỉ khiến bạn không dứt khỏi mạng xã hội được mà còn có thể dẫn đến các vấn đề về sức khỏe tinh thần như rối loạn lo âu, stress, mệt mỏi kéo dài.
- Muốn được thể hiện bản thân: Thông qua việc chia sẻ thông tin cá nhân, hình ảnh và trải nghiệm để nhận được sự công nhận và phản hồi từ người khác mang đến cho người dùng cảm giác vui vẻ và thỏa mãn.
Dấu hiệu nhận biết
Những dấu hiệu dưới đây không nhất thiết ám chỉ một người đang nghiện mạng xã hội, nhưng có thể là một phần hình ảnh về tình trạng của họ, hãy để ý nếu có một số biểu hiện sau:
- Họ thường xuyên kiểm tra thông báo điện thoại, có thể là đếm từng lượt like và comment.
- Người nghiện mạng xã hội sẽ rất mong muốn được kết nối với mọi người qua các ứng dụng mạng xã hội thay vì tương tác trực tiếp.
- Họ dành nhiều thời gian hàng ngày để truy cập và tham gia vào các hoạt động trên nền tảng xã hội, thậm chí là vào các giờ khuya hoặc trong bất kỳ hoàn cảnh nào.
- Cảm thấy khó chịu nếu họ không được truy cập vào mạng xã hội hoặc khi bị ngắt kết nối với nền tảng đó.
- Lướt mạng xã hội thường xuyên không nhằm mục đích gì cũng có thể là dấu hiệu của người đang nghiện mạng xã hội.
Tác động tiêu cực của nghiện mạng xã hội
Sử dụng các nền tảng xã hội quá mức sẽ khiến người dùng dần trở nên phụ thuộc vào nó hơn, những tác động tiêu cực mà nghiện mạng xã hội gây ra có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của con người.
Một số tác động mọi người cần nhận biết để xử lý một cách hiệu quả, cụ thể:
- Sức khỏe tin thần: Nghiện mạng xã hội có thể gây ra căng thẳng, lo âu và trầm cảm do người dùng cảm thấy phải duy trì một hình ảnh hoàn hảo trên mạng xã hội hoặc không nhận được sự chú ý và sự khen ngợi như mong muốn.
- Chất lượng giấc ngủ không được đảm bảo: Thói quen sử dụng mạng xã hội vào ban đêm có thể gây ra rối loạn giấc ngủ do ánh sáng xanh từ các thiết bị điện tử.
- Cô lập trong mối quan hệ xã hội: Người nghiện mạng xã hội có thể khó khăn để kết nối trực tiếp với những người xung quanh. Người dùng có thể dành quá nhiều thời gian trên mạng xã hội thay vì giao tiếp trực tiếp với bạn bè và gia đình.
- Mất thời gian và hiệu suất làm việc giảm: Thói quen kiểm tra và cập nhật tin tức liên tục trên mạng xã hội có thể làm trì trệ trong công việc hoặc mất thời gian cho việc hoàn thành các nhiệm vụ khác.
- Sức khỏe thể chất: Ngồi lâu trên mạng xã hội có thể gây ra các vấn đề về sức khỏe như đau lưng, cổ và đau đầu hoặc các vấn đề về thị lực do căng thẳng mắt.
Cách cai nghiện mạng xã hội hiệu quả cho bạn
Để duy trì một cuộc sống cân bằng và lành mạnh, việc cai nghiện mạng xã hội là rất quan trọng mà bạn cần thực hiện một cách kiên nhẫn. Dưới đây là một số cách hiệu quả, mọi người nên áp dụng:
Giảm thời gian dùng mạng xã hội
Đặt cho bản thân mục tiêu giảm dần thời gian truy cập mạng xã hội hàng ngày và thực hiện nghiêm túc đối với mục tiêu đó. Chẳng hạn như một sinh viên đại học, nhận ra mình không tập trung cho việc học do dùng mạng xã hội quá nhiều nên đã quyết định giảm thời gian từ 3 giờ xuống còn 1 giờ mỗi ngày.
Ngoài ra, bạn nên sử dụng tính năng hẹn giờ trên điện thoại để giới hạn thời gian sử dụng mạng xã hội. Khi nhận được cảnh báo, bạn sẽ ngừng sử dụng mạng xã hội và chuyển sang hoạt động khác.
Thực hiện những hình thức giải trí lành mạnh khác
Mọi người cần phải tìm kiếm các hoạt động thú vị và bổ ích khác như đọc sách, tập thể dục, học một kỹ năng mới hay là tích cực tham gia các câu lạc bộ cộng đồng. Ví dụ một nhân viên văn phòng ngoài giờ làm việc nên tham gia hoạt động đá bóng, cầu lông cũng là cách cai nghiện mạng xã hội hiệu quả.
Lên kế hoạch và đi du lịch vào ngày nghỉ để thay đổi môi trường, tránh cảm giác phụ thuộc vào mạng xã hội. Điều này không những giúp bạn cai nghiện mạng xã hội mà còn có thể khám phá thêm nhiều địa điểm và món ăn ngon.
Đặt ra nguyên tắc cho bản thân khi sử dụng mạng xã hội
Xác định những nguyên tắc cụ thể và rõ ràng cho việc sử dụng mạng xã hội như không truy cập trong những thời gian quan trọng như đang làm việc, học tập hoặc vừa ngủ dậy, trước khi đi ngủ,…
Ví dụ để đảm bảo rằng bạn đang dùng mạng xã hội một cách lành mạnh và hiệu quả, hãy đặt ra nguyên tắc chỉ sử dụng điện thoại sau khi hoàn thành công việc.
Tìm kiếm sự hỗ trợ từ gia đình, bạn bè và cộng đồng
Chia sẻ với gia đình và bạn bè về quyết định cai nghiện mạng xã hội của bạn để tìm kiếm sự giúp đỡ khi cần. Việc thảo luận vấn đề này với người thân cũng giúp bạn nhận được những khích lệ từ họ.
Tham gia vào các nhóm hoặc diễn đàn với những người có cùng mục tiêu cai nghiện mạng xã hội, nơi bạn có thể chia sẻ kinh nghiệm và nhận được lời khuyên hữu ích.
Tình trạng nghiện mạng xã hội không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần mà còn tác động mạnh mẽ đến các hoạt động trong cuộc sống hàng ngày của mỗi cá nhân. Chính vì thế, mỗi người cần ý thức vấn đề này để đảm bảo rằng mạng xã hội là một công cụ hữu ích, không phải là một thách thức đối với cuộc sống của chúng ta.
Có thể bạn quan tâm:
- Nghiện game Online: Thực trạng báo động và giải pháp khắc phục
- Nguy cơ trầm cảm do mạng xã hội – Hồi chuông cảnh báo giới trẻ
- Trẻ bị công kích trên mạng xã hội cha mẹ cần cảnh giác
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!