Căng thẳng stress có thể gây vô sinh ở nam giới

Rate this post

Căng thẳng (stress) là nguyên nhân gây vô sinh ở nam giới mà nhiều người không ngờ đến. Trong những năm gần đây, hàng loạt các nghiên cứu được thực hiện đều cho thấy stress ảnh hưởng đến nồng độ testosterone, chất lượng và số lượng tinh trùng.

căng thẳng gây vô sinh
Stress (căng thẳng) là nguyên nhân gây vô sinh ở nam giới mà nhiều người không ngờ đến

Căng thẳng (stress) có thể gây vô sinh ở nam giới?

Căng thẳng (stress) là vấn đề mà bất cứ ai cũng có thể gặp phải khi đối diện với những tình huống và áp lực trong cuộc sống. Trong xã hội hiện đại, stress được xem là một phần tất yếu của cuộc sống do sự cạnh tranh gay gắt trong công việc, áp lực học tập, tài chính và nhiều mối lo khác.

Căng thẳng xảy ra trong một thời gian ngắn hầu như không ảnh hưởng đến sức khỏe. Ngược lại, stress kéo dài chính là nguồn cơn của nhiều vấn đề sức khỏe thể chất và tinh thần. Các nghiên cứu được thực hiện đều cho thấy những bằng chứng đáng tin cậy về việc stress gia tăng nguy cơ cao huyết áp, các vấn đề tim mạch, tiểu đường, cơ xương khớp, trầm cảm, rối loạn lo âu,…

Đặc biệt, stress còn ảnh hưởng đến chức năng sinh lý và khả năng sinh sản của nam giới. Cụ thể, các chuyên gia nhận thấy nam giới bị căng thẳng kéo dài gặp khó khăn trong việc có con và tỷ lệ vô sinh – hiếm muộn cũng tăng lên đáng kể. Ngoài ra, căng thẳng còn gây rối loạn kinh nguyệt, giảm ham muốn và khả năng sinh sản của nữ giới.

Stress gây ảnh hưởng một cách từ từ đến các cơ quan trong cơ thể và làm giảm khả năng sinh sản của nam giới dần theo thời gian. Do đó, rất ít người chủ động thăm khám vì hầu như không nhận thấy triệu chứng quá rõ rệt. Chỉ đến khi cơ quan sinh sản bị ảnh hưởng nghiêm trọng và không thể thụ thai trong một thời gian dài, các cặp vợ chồng mới đến bệnh viện thăm khám.

ads bùi thị hải yến chuyên gia tâm lý

Cơ chế gây vô sinh, hiếm muộn ở nam giới do stress

Stress được biết đến là trạng thái căng thẳng, lo âu trước những vấn đề và tình huống trong cuộc sống. Tuy nhiên trên thực tế, căng thẳng thần kinh bao gồm cả sự thay đổi của thể chất và tinh thần. Khi bị stress, cơ thể sẽ tăng sản sinh cortisol và adrenaline. Nếu các hormone này tăng mạnh trong thời gian dài, cơ thể phải đối mặt với nhiều ảnh hưởng bao gồm cả suy giảm chức năng sinh sản.

Hiện tại, các chuyên gia cho rằng tình trạng vô sinh – hiếm muộn ở nam giới bị căng thẳng kéo dài xảy ra thông qua cơ chế sau:

1. Giảm sản xuất hormone testosterone

Testosterone là hormone chính trong cơ thể của nam giới và giữ nhiều vai trò quan trọng như tăng cơ bắp, cải thiện mật độ xương, tham gia vào quá trình tạo máu, tạo ra ham muốn tình dục và đảm bảo số lượng, chất lượng tinh trùng. Khi bị stress, tuyến thượng thận sẽ gia tăng hormone cortisol dẫn đến ức chế sản xuất testosterone (tuyến thượng thận sản sinh khoảng 4% testosterone).

Ngoài ra khi cortisol tăng trong thời gian dài, hoạt động sản xuất testosterone của tinh hoàn cũng bị ức chế. Bởi nồng độ cortisol và adrenaline càng cao thì testosterone càng giảm và ngược lại. Chính vì vậy, stress kéo dài là nguyên nhân hàng đầu làm giảm nồng độ testosterone và gia tăng nguy cơ vô sinh – hiếm muộn.

căng thẳng gây vô sinh
Stress kéo dài làm giảm nồng độ hormone testosterone trong cơ thể

Căng thẳng không chỉ làm giảm testosterone thông qua việc gia tăng nồng độ cortisol và adrenaline mà còn làm giảm nội tiết do mất ngủ và khó ngủ kéo dài. Nghiên cứu được công bố trên Tạp chí của Hiệp hội y khoa Mỹ cho thấy, nam giới ngủ ít hơn 5 giờ/ ngày sẽ giảm khoảng 15% nồng độ testosterone chỉ sau 1 tuần.

Sự sụt giảm của hormone testosterone khiến nam giới suy giảm chức năng tình dục và sinh sản. Ngoài ra, nồng độ hormone này thấp còn gây ra nhiều vấn đề sức khỏe như mệt mỏi, uể oải, khó tập trung, tâm trạng bất ổn, dễ cáu gắt, thiếu tính linh hoạt và sáng tạo trong công việc. Bên cạnh đó, giảm testosterone còn khiến nam giới đánh mất ngoại hình cân đối, rắn chắc và thường có xu hướng tích mỡ ở bụng, đùi,…

2. Tăng nguy cơ rối loạn cương dương và các rối loạn tình dục

Khi đối mặt với căng thẳng, amygdala (hạch hạnh nhân) – cơ quan kiểm soát và điều hòa nỗi sợ bên trong não bộ sẽ truyền xung động đến tuyến yên. Tuyến yên tạo ra kích thích khiến tuyến thượng thận tăng sản sinh cortisol và adrenalin để cơ thể có thể đối mặt với sự sợ hãi. Do đó khi bị căng thẳng, cơ thể thường gặp phải một số triệu chứng thể chất như đỏ bừng mặt, đổ mồ hôi, tim đập nhanh, nghẹn thở,…

Ngoài những triệu chứng lâm sàng, hormone này còn kích hoạt hàng loạt phản ứng sinh hóa trong cơ thể như ức chế sản xuất insulin nhằm tăng đường huyết, dự trữ năng lượng, tăng nhịp tim, tăng nhịp thở. Khi bị căng thẳng, cơ thể sẽ tập trung lượng máu về các cơ quan liên quan đến sự sống còn như não bộ, tim mạch, phổi và giảm lượng máu đến các cơ quan còn lại.

stress gây vô sinh
Khi bị căng thẳng kéo dài, nam giới phải đối mặt với tình trạng rối loạn cương dương và xuất tinh sớm

Tình trạng tăng adrenaline kéo dài khiến nam giới phải đối mặt với tình trạng rối loạn cương dương. Do lượng máu tuần hoàn đến dương vật bị giới hạn nên nam giới gặp khó khăn khi cương cứng dù có ham muốn tình dục. Thậm chí, dương vật có thể bị xìu trước khi xuất tinh.

Rối loạn cương dương khiến nam giới khó hoàn tất quá trình quan hệ tình dục dẫn đến không thể phóng tinh và giảm khả năng thụ thai. Hơn nữa, tình trạng này cũng gây ra tâm lý thiếu tự tin, e ngại và gia tăng mức độ lo âu, căng thẳng. Ngoài rối loạn cương dương, stress còn gia tăng nguy cơ bị xuất tinh sớm, khó đạt cực khoái, đau khi xuất tinh,…

3. Tăng nồng độ chất gây viêm cytokine

Cytokine là một dạng protein được tiết ra bởi các tế bào trong cơ thể với chức năng chính là kích thích phản ứng gây viêm nhằm tăng cường miễn dịch, chống lại sự xâm nhập của virus, vi khuẩn, biệt hóa tế bào bạch cầu, kích thích quá trình tăng sinh tế bào gốc tạo máu,… Tuy nhiên, sự gia tăng quá mức của cytokine trong huyết thanh, tinh dịch, cổ tử cung gây ra nhiều vấn đề sức khỏe mãn tính và ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản của cả nam lẫn nữ giới.

Nghiên cứu của Tiến sĩ Florina Haimovici được thực hiện vào năm 2018 cho thấy, cytokine tăng mạnh do stress ảnh hưởng đến sự thành công khi thực hiện các phương pháp hỗ trợ sinh sản như IVF (thụ tinh trong ống nghiệm). Cụ thể, các cặp vợ chồng bị stress khi thực hiện IVF sẽ gặp phải những vấn đề như hợp tử yếu, sức sống kém, dễ gặp phải biến chứng khi mang thai,… Do đó hầu hết những cặp vợ chồng trước khi thụ tinh trong ống nghiệm hoặc thực hiện các phương pháp hỗ trợ sinh sản khác đều phải được đánh giá và trị liệu tâm lý để đảm bảo hiệu quả.

4. Giảm chất lượng và số lượng tinh trùng

Các nghiên cứu được thực hiện đều cho thấy, căng thẳng (stress) có thể gây vô sinh do giảm chất lượng và số lượng tinh trùng. Nghiên cứu được thực hiện bởi Giáo sư Tracy Bale – Đại học Maryland, Baltimore nhận thấy, sự gia tăng của hormone coritsol (một trong những hormone gây căng thẳng) làm thay đổi protein của các tinh trùng trưởng thành. Điều này dẫn đến nguy cơ tinh trùng bị dị tật, không có khả năng di động và sức sống kém.

stress gây vô sinh ở nam giới
Nồng độ cortisol tăng mạnh trong thời gian dài làm giảm số lượng và chất lượng tinh trùng rõ rệt

Hơn nữa, nồng độ cortisol tăng lên còn làm giảm hormone testosterone và hậu quả làm giảm số lượng tinh trùng. Sự suy giảm toàn diện của cả chất lượng và số lượng tinh trùng khiến nam giới phải đối mặt với nguy cơ vô sinh – hiếm muộn. Đa phần các tinh trùng kém chất lượng đều bị tiêu diệt ở âm đạo và tỷ lệ tinh trùng đi qua cổ tử cung vào buồng tử cung để thụ thai là rất thấp.

5. Giảm ham muốn tình dục

Giảm ham muốn tình dục là tình trạng thường gặp ở nam giới bị stress, căng thẳng kéo dài. Tâm trạng căng thẳng quá mức khiến cơ thể mệt mỏi, thiếu sức sống, căng cơ, từ đó giảm nhu cầu và ham muốn “gần gũi”. Ngoài ra, giảm ham muốn cũng có thể bắt nguồn từ tình trạng sụt giảm hormone testosterone, tâm lý e ngại khi quan hệ do phải đối mặt với tình trạng xuất tinh sớm và rối loạn cương dương.

Khác với nữ giới, nam giới ít khi chủ động thăm khám khi gặp phải các vấn đề “giường chiếu”. Vì vậy, đa phần đều để tình trạng kéo dài gây ra nhiều ảnh hưởng đối với chức năng sinh lý, sinh sản và hình thành rạn nứt trong mối quan hệ với bạn đời.

Giảm ham muốn tình dục khiến tần suất quan hệ giảm đi đáng kể. Tình trạng này cộng với việc số lượng, chất lượng tình trạng giảm, xuất tinh sớm, rối loạn cương dương, khó đạt cực khoái làm cho tỷ lệ thụ thai thành công sụt giảm trầm trọng.

Phòng ngừa vô sinh ở nam giới do căng thẳng

Căng thẳng (stress) có thể gây vô sinh ở nam giới và nhiều vấn đề sức khỏe khác. Đây là nguyên nhân thường gặp và tương đối dễ cải thiện. Nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Human Reproduction cho thấy, sức khỏe sinh lý và sinh sản tăng lên đáng kể khi các cặp vợ chồng giải tỏa được tình trạng căng thẳng, có tâm lý lạc quan và vui vẻ.

Chính vì vậy, nam giới có thể phòng ngừa tình trạng vô sinh, hiếm muộn do stress (căng thẳng) thông qua một số biện pháp đơn giản như:

1. Học cách kiểm soát stress

Stress là nguyên nhân trực tiếp gây vô sinh, hiếm muộn và nhiều vấn đề khác ở nam giới. Do đó, cách hiệu quả nhất để phòng ngừa tình trạng này là kiểm soát stress.

stress gây vô sinh ở nam giới
Chia sẻ với người khác những vấn đề mà bản thân gặp phải là cách giải tỏa căng thẳng, phiền muộn hiệu quả

Các biện pháp kiểm soát stress hiệu quả:

  • Xác định vấn đề, tình huống gây ra căng thẳng để tìm hướng giải quyết triệt để.
  • Lên kế hoạch làm việc, học tập khoa học và bài bản để đảm bảo hoàn thành đúng hạn, tránh tối đa tình trạng sai sót.
  • Nếu bị căng thẳng về vấn đề tài chính, cần học cách kiểm soát chi tiêu và hạn chế đầu tư rủi ro.
  • Quản lý thời gian hiệu quả để tránh những tình huống ngoài ý muốn. Đồng thời giúp bạn có thời gian để nghỉ ngơi và chăm sóc bản thân.
  • Thay vì lo lắng, buồn bã trước những vấn đề trong cuộc sống, hãy lên kế hoạch để giải quyết từng vấn đề một. Ngoài ra, bạn cũng nên nâng cao năng lực của bản thân để gia tăng cơ hội nghề nghiệp và ổn định tài chính.
  • Song song với những biện pháp trên, cần học cách điều chỉnh suy nghĩ và xây dựng thái độ sống tích cực.
  • Chia sẻ với bạn bè, người thân những vấn đề mà bản thân đang gặp phải. Sự thấu hiểu, đồng cảm từ những người xung quanh là liều thuốc giúp xoa dịu tinh thần và giải tỏa căng thẳng hiệu quả.
  • Có thể áp dụng một số biện pháp giảm stress như dùng trà thảo mộc, tập thể dục, ngủ đủ giấc, ngâm chân với nước ấm, liệu pháp mùi hương, thiền định,…

Trên thực tế, bất cứ ai cũng phải đối mặt với những khó khăn trong cuộc sống. Thay vì căng thẳng và lo âu quá mức, nên học cách duy trì thái độ sống tích cực, lên kế hoạch giải quyết các vấn đề một cách khoa học và hiệu quả. Nếu mông lung và mất định hướng, hãy nhờ sự trợ giúp của người thân và bạn bè.

2. Xây dựng lối sống lành mạnh

Stress và lối sống là hai yếu tố có mối liên hệ mật thiết. Các chuyên gia nhận thấy, người có lối sống lành mạnh thường dễ dàng kiểm soát căng thẳng và loại bỏ những cảm xúc tiêu cực. Ngược lại, sự phiền muộn, lo âu do stress gây ra có thể kéo dài ở những đối tượng có lối sống thiếu khoa học, thường xuyên dùng rượu bia và chất kích thích.

Xây dựng lối sống lành mạnh giúp nam giới chế ngự stress và những cảm xúc tiêu cực xảy ra trong cuộc sống. Ngoài ra, thói quen này cũng giúp phái mạnh tăng sản xuất hormone testosterone, cải thiện số lượng, chất lượng tinh trùng và tăng ham muốn tình dục.

stress gây vô sinh ở nam giới
Nam giới cũng cần xây dựng chế độ ăn hợp lý để giải tỏa căng thẳng và nâng cao sức khỏe thể chất, tinh thần

Lối sống lành mạnh giúp giảm căng thẳng và cải thiện sức khỏe sinh sản ở nam giới:

  • Học tập, làm việc và nghỉ ngơi điều độ. Cần đảm bảo ngủ đủ 6 – 7 giờ/ ngày và dành ít nhất 1 giờ để thư giãn, chăm sóc bản thân.
  • Xây dựng chế độ ăn uống hợp lý nhằm giảm lo âu, căng thẳng và nâng cao sức khỏe thể chất. Các thực phẩm giàu Omega 3, rau xanh, trái cây, thực phẩm giàu kẽm và vitamin nhóm B vừa giúp nâng cao sức khỏe vừa hỗ trợ tăng sản sinh testosterone.
  • Hạn chế sử dụng thuốc lá, rượu bia và đồ uống chứa caffeine. Ngoài ra, bạn cũng nên kiêng đồ ăn chứa nhiều dầu mỡ, gia vị và thức ăn chế biến sẵn. Các món ăn và thức uống này được cho là gia tăng mức độ lo âu và giảm ngưỡng chịu đựng stress của não bộ.
  • Dành ít nhất 30 phút mỗi ngày để luyện tập các bộ môn có cường độ phù hợp với thể trạng. Trong đó, chạy bộ, bơi lội và yoga được đánh giá có hiệu quả giải tỏa stress hiệu quả nhất.
  • Quan hệ tình dục cũng là cách giải tỏa căng thẳng và phiền muộn hiệu quả. Khi quan hệ, hormone dopamin và serotonin tăng mạnh tạo cảm giác sảng khoái, hưng phấn và thư giãn. Do đó, bạn nên quan hệ tình dục với tần suất vừa phải để giải tỏa căng thẳng và cải thiện sức khỏe sinh sản.

3. Điều trị y tế khi cần thiết

Trên thực tế, không phải ai cũng có thể tự kiểm soát căng thẳng thần kinh – đặc biệt là với những người phải đối mặt với những vấn đề nan giải. Nếu cần thiết, bạn nên tìm gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Với tình trạng căng thẳng kéo dài, bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc và một số viên uống bổ sung để giảm lo âu, tăng cường hoạt động của não bộ và cải thiện chất lượng giấc ngủ. Một số người có thể phải can thiệp trị liệu tâm lý để thay đổi suy nghĩ và quan niệm sai lầm của bản thân.

Đối với nam giới đã gặp phải những ảnh hưởng nhất định do stress kéo dài, nên tìm gặp bác sĩ Nam khoa để được kiểm tra sức khỏe sinh sản. Nếu tình trạng không được cải thiện hoàn toàn sau khi điều trị stress, bác sĩ sẽ tư vấn các phương pháp hỗ trợ sinh sản với những trường hợp mong muốn có con.

ads cao kim thắm chuyên gia tâm lý trị liệu
Căng thẳng (stress) có thể gây vô sinh ở nam giới và ảnh hưởng đáng kể đến nhiều cơ quan khác như tim mạch, tuyến nội tiết, não bộ, cơ xương khớp,… Chính vì vậy, mỗi người cần phải trang bị cho bản thân kỹ năng cần thiết để kiểm soát stress và những cảm xúc tiêu cực.

Tham khảo thêm:

Rate this post

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *