Những câu nói gây tổn thương tâm lý trẻ mà cha mẹ nên tránh

Trẻ em luôn có một tâm hồn trong sáng và đầy vô tư, tuy nhiên không phải vì thế mà trẻ không bị tổn thương, đặc biệt là sự tổn thương từ những câu nói của cha mẹ. Các bậc phụ huynh cần phải thực sự cẩn trọng trong việc sử dụng ngôn ngữ đối với con cái, tránh việc gây hiểu lầm hoặc làm tổn thương tâm lý của trẻ. 

câu nói gây tổn thương tâm lý trẻ
Những câu nói chỉ trích, khiển trách của cha mẹ đôi khi sẽ làm tổn thương nghiêm trọng đến tâm lý của trẻ.

Những câu nói gây tổn thương tâm lý trẻ mà cha mẹ nên tránh nói với con

Giáo dục con cái là một vấn đề vô cùng phức tạp, nó không diễn ra trong một sớm một chiều mà cần phải có quá trình lâu bền. Cha mẹ cần phải có sự hiểu biết, kiên trì, nhẫn nại, cẩn thận trong từng hành vi, lời nói, cử chỉ khi hướng dẫn, trao đổi với trẻ nhỏ. Tuy rằng trẻ em rất vô tư và mau quên nhưng không đồng nghĩa với việc trẻ không bị tổn thương bởi những lời la mắng, trách phạt hoặc những câu nói nặng nề từ cha mẹ, người thân.

Tâm hồn trẻ nhỏ được ví như một tờ giấy trắng tinh tươm nhưng trẻ vẫn có thể nhận thức và hiểu rõ về những thái độ, hành vi và lời nói của người lớn dành cho mình. Đôi khi những lời nói thốt ra lúc tức giận, cáu gắt sẽ để lại những vết thương lớn trong tâm trí của mỗi đứa trẻ, hình thành những suy nghĩ tiêu cực, bi quan cho con.

Trong thực tế, có những câu nói tưởng chừng như bình thường hoặc nó chỉ mang tính chất bông đùa, trêu ghẹo nhưng lại khiến cho trẻ nhỏ cảm thấy không thoải mái, thậm chí là làm tổn thương nghiêm trọng đến tâm lý của trẻ nhỏ. Chính vì thế, cha mẹ cần phải biết cách lựa chọn ngôn ngữ, lời nói phù hợp để tránh làm tổn thương trẻ nhỏ.

Dưới đây là một số câu nói gây tổn thương tâm lý trẻ mà cha mẹ nên tránh nói với con:

1. Cha mẹ thật xấu hổ vì con

Bất kì đứa trẻ nào cũng mong muốn nhận được sự yêu thương và công nhận từ cha mẹ. Tuy nhiên, không ít các trường hợp, trẻ nhỏ mắc phải một sai lầm gì đó, thậm chí là những điều nhỏ nhặt nhưng cha mẹ lại vô tình thốt ra câu nói “Cha mẹ thật xấu hổ, thất vọng vì con”. Đây là câu nói không chỉ làm tổn thương nặng nề đối với tâm lý của trẻ nhỏ mà còn khiến cho trẻ cảm thấy buồn bã, tự ái rất nhiều. Đồng thời, trẻ cũng có thể cha mẹ đã chán ghét mình, muốn bỏ rơi mình và dần cảm thấy tủi thân, xấu hổ.

Theo chia sẻ và phân tích đến từ các chuyên gia tâm lý thì trong các trường hợp xấu nhất, nhiều trẻ còn hình thành các suy nghĩ tiêu cực, bi quan. Sự buồn, bã, chán nản và tuyệt vọng kéo dài còn có nguy cơ làm gia tăng khả năng phát triển bệnh trầm cảm, khiến trẻ nhỏ chậm trưởng thành so với các bạn bè cùng trang lứa. Nhiều trường hợp, trẻ nhỏ sẽ bị ám ảnh bởi câu nói này và có xu hướng trốn tránh cha mẹ, lo sợ về những sai lầm bởi trẻ cho rằng cha mẹ sẽ không hài lòng về những điều mà mình đã làm.

2. Mẹ chán con lắm rồi đó

“Mẹ chán con lắm rồi đó” câu nói này mang tính sát thương cực cao. Không chỉ trẻ em mà ngay cả những người trưởng thành khi nhận được lời nói này từ cha mẹ cũng không khỏi những sự hụt hẫng và buồn bã. Cũng bởi cha mẹ chính là những người gần gũi, thân thiết và là chỗ dựa vững chắc cho con cái. Vì thế, nếu trẻ nhỏ nhận được câu nói này sẽ vô cùng cảm thấy tổn thương về mặt tâm lý, dần mất đi sự an toàn trong cuộc sống gia đình.

Đồng thời, một số trẻ còn tự trách mắng bản thân mình, trẻ cho rằng mình không đủ tốt, không đủ xuất sắc mới bị cha mẹ chán ghét và ghẻ lạnh. Ngoài ra, nếu trẻ liên tục phải nghe những câu nói tương tự như thế thì sẽ dần có xu hướng xa lánh cha mẹ vì cho rằng họ đã không còn yêu thương mình. Điều này gây ảnh hưởng rất lớn đối với tình cảm giữa con cái và cha mẹ, khiến cho không khí gia đình càng trở nên ngột ngạt.

3. Con là đứa ngu ngốc, vô dụng

Đây thực sự là một câu nói khiến tâm lý của trẻ nhỏ bị tổn thương nặng nề, thậm chí trẻ có thể trở nên buồn bã, trầm cảm trong một thời gian kéo dài. Việc cha mẹ bảo con là đứa vô dụng, ngu ngốc sẽ khiến con trẻ có cảm giác như mình thực sự như thế, bản thân mình không làm tốt được việc gì và mình chính là gánh nặng, cản trở đối với gia đình.

câu nói gây tổn thương tâm lý trẻ
Đừng luôn bảo rằng con là người ngu ngốc, vô dụng bởi trẻ nhỏ cần phải được dạy bảo để phát triển toàn diện hơn.

Trong thực tế, không có bất kì đứa trẻ nào là vô dụng. Mỗi đứa trẻ sẽ có những sở trường khác nhau. Chính vì thế, nếu cha mẹ cảm thấy không hài lòng điều gì đó ở con thì cũng nên nhẹ nhàng góp ý, hướng dẫn và chỉ dạy con nhiều hơn. Đồng thời hãy dành cho con những lời động viên để con có thể dần uốn nắn và hoàn thiện hơn.

4. Con nhìn xem, bạn bè ai cũng ngoan và giỏi hơn con

“Con nhà người ta” luôn là chuẩn mực mà rất nhiều các bậc phụ huynh muốn con mình học hỏi và phấn đấu noi theo. Mặc dù con đã cố gắng hết khả năng và làm tốt nhiệm vụ của mình nhưng cũng có không ít bậc cha mẹ cảm thấy không hài lòng và muốn con phải luôn dành vị trí đầu tiên, luôn đứng đầu trong các hạng mục.

Việc cha mẹ luôn đem con cái ra so sánh với người khác thực tế không phải là cách hữu hiệu giúp con có thể phát triển hơn mà ngược lại nó chính là “hung khí” khiến cho tâm lý của trẻ nhỏ bị tổn thương nặng nề. Khi con liên tục bị đem ra so sánh với những bạn cùng trang lứa sẽ vô tình hình thành tâm lý lo sợ, trẻ không còn nhiều sự tự tin vào năng lực của chính mình.

Hơn thế, không ít các trường hợp cho dù trẻ đã cố gắng rất nhiều nhưng không nhận được sự công nhận của cha mẹ nên lâu dần trẻ tự cho mình là thấp kém, buông xuôi và không còn nỗ lực. Hoặc thậm chí có nhiều trẻ còn tìm cách phá hoại, hạ thấp người khác, khiến họ trở thành người hư hỏng, yếu kém thực sự để cha mẹ công nhận mình dù chỉ một lần.

5. Nếu con đạt được điểm 10, cha mẹ sẽ mua cho con thứ này

Việc đưa ra những phần thưởng khi trẻ hoàn thành tốt một công việc nào đó hoặc đạt được thành tích đáng mong đợi trong học tập cũng là cách để khích lệ con. Khi trẻ có được mục tiêu cụ thể thì sẽ cố gắng và nỗ lực nhiều hơn để hoàn thành mọi thứ. Tuy nhiên, nếu bất kì việc gì cần trẻ phải thực hiện cũng kèm theo một điều kiện, món quà nào đó thì nó lại trở thành thứ vô nghĩa.

Trong thực tế, có rất nhiều các bậc phụ huynh vì muốn con trẻ nỗ lực nhiều hơn trong học tập nên thường xuyên đưa ra phần thưởng cho con, họ luôn nói rằng “Nếu con đạt được 10 điểm thì cha mẹ sẽ thưởng cho con một món quà mà con yêu thích”. Cứ như thế, trẻ sẽ dễ hình thành tâm lý ỷ lại, chỉ khi có quà mới thực sự cố gắng.

Đặc biệt hơn, nếu như lời hứa của cha mẹ chỉ là lời nói suông thì nó lại trở thành một yếu tố khiến trẻ nhỏ bị tổn thương tâm lý. Khi con trẻ quá mong chờ về những điều cha mẹ hứa hẹn nhưng khi đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và không nhận được những gì như đã hứa thì trẻ sẽ vô cùng thất vọng. Chính vì thế, đừng vội đưa ra bất kì lời hứa nào chỉ để mong muốn con trở nên ngoan ngoãn hay đạt được những thành tích tốt, đôi khi những thất hứa sẽ trở thành vết thương khó chữa lành trong tâm hồn của mỗi đứa trẻ.

6. Mẹ sắp có em rồi, con sẽ bị ra rìa

Người lớn thường hay trêu chọc trẻ nhỏ bằng việc nói trẻ sẽ ra rìa, cha mẹ sẽ không yêu thương trẻ nữa khi họ có em nhỏ. Tuy rằng đây chỉ là những câu nói bông đùa, chọc ghẹo nhưng đối với trẻ nhỏ nó trở thành một điều gì đó vô cùng đáng sợ. Câu nói đó sẽ khơi dậy sự ganh ghét, đố kỵ trong tâm hồn của trẻ, thậm chí có nhiều trường hợp còn cảm thấy chán ghét anh chị em của mình.

Cũng bởi, trẻ nhỏ cho rằng vị sự chào đời của em mà cha mẹ không còn dành tình yêu thương cho mình nữa. Lúc này, chỉ cần một cử chỉ nhỏ, một sự thờ ơ, vô tâm nào đó cũng khiến cho trẻ cảm thấy cô đơn, buồn tủi và đau khổ. Chỉ vì câu nói đùa cợt này mà nhiều trẻ rơi vào trạng thái hoang mang, lo sợ sẽ bị cha mẹ bỏ rơi, không cần đến mình nữa. Tình trạng này kéo dài sẽ khiến cho tâm lý của trẻ bị ảnh hưởng rất nhiều, trẻ không chỉ cảm thấy chán ghét đứa em của mình mà còn cảm thấy thù hằn cha mẹ.

7. Tại sao con lại phạm sai nữa rồi, con chẳng làm được việc gì

Trẻ con đang trong quá trình học hỏi và phát triển bản thân nên không thể tránh khỏi những lúc sai lầm. Cha mẹ nên cho phép con được phạm sai và cố gắng đồng hành, chỉ dạy con phát triển tốt hơn. Sau những lần thất bại con luôn cần được dạy bảo, giáo dục và định hướng chứ không phải là đối diện với những lời chỉ trích, trách phạt.

câu nói gây tổn thương tâm lý trẻ
Khi trẻ phạm sai lầm, cha mẹ nên dạy bảo thay vì trách mắng, chỉ trích con.

Khi con phạm phải sai lầm, cha mẹ cần phải biết cách chọn lọc những gì cần và không cần thiết nói với trẻ. Để trẻ có thể phát triển một cách lành mạnh và toàn diện thì cha mẹ cần phải nhu chứ không phải cương. Hãy luôn nói về con về những việc con đã làm hàng ngày, tuyên dương những việc làm tốt và nhắc nhở, chỉnh sửa những điều sai lầm.

Việc cha mẹ nói với con rằng “con thật ngu ngốc, con chẳng làm được việc gì” sẽ khiến con cảm thấy vô cùng mặc cảm, tổn thương và buồn bã. Lâu dần con cũng sẽ có tâm lý sợ sai, không dám thử sức với bất kì điều gì, kể cả những việc nhỏ nhặt nhất. Đồng thời, con cũng có xu hướng tự trách bản thân, cho rằng mình thực sự bất tài.

8. Con không được làm như thế, không được cãi lời

Đôi khi cha mẹ quá lạm dụng quyền hành của mình và thường đứng bên ngoài để chỉ đạo các suy nghĩ, hành vi của trẻ nhỏ. Các bậc phụ huynh thường cho rằng, con cái phải luôn nghe lời cha mẹ, phải làm theo những gì cha mẹ chỉ bảo, cha mẹ là người lớn và là người đi trước nên sẽ luôn có những hướng đi đúng đắn.

Tuy nhiên, bạn nên hiểu rằng, dù là trẻ nhỏ vẫn luôn có những suy nghĩ, mong muốn riêng của mình. Việc cha mẹ liên tục cấm đoán, ngăn cản con thực hiện các mong muốn của mình, dù đó là điều đúng hoặc sai thì cũng khiến cho con cảm thấy vô cùng bất mãn, đặc biệt là những câu nói cấm cản nhưng không kèm theo bất kì lời giải thích nào.

Nếu mọi hành động, lời nói và suy nghĩ của trẻ nhỏ luôn bị cha mẹ kiểm soát, áp đặt và cấm đoán một cách quá mức thì sẽ khiến con trở nên nhút nhát, rụt rè, hình thành tâm lý sợ sệt, hoang mang. Cha mẹ hãy để con được làm những điều mình muốn và dạy con cách tự chịu trách nhiệm với hành động, lời nói của chính mình.

9. Biết con hư thế này mẹ đã không sinh con ra

“Biết con hư thế này mẹ đã không sinh con ra” là câu nói gây tổn thương tâm lý nặng nề đối với trẻ nhỏ mà cha mẹ cần phải tránh. Cha mẹ chính là người thân và là người mà trẻ yêu quý nhất. Nếu ngay cả họ cũng phủ nhận và ghét bỏ trẻ thì trẻ sẽ cảm thấy vô cùng tuyệt vọng, đau khổ. Trẻ sẽ tin rằng, cha mẹ thực sự không muốn sinh mình ra và mình chính là nỗi phiền toái của cha mẹ.

10. Nếu con không ngoan, cha mẹ sẽ không yêu con nữa

Đây cũng là một trong các câu nói trêu đùa có thể gây tổn thương đến tâm lý của con trẻ. Bởi trẻ nhỏ rất lo sợ đến việc cha mẹ không còn yêu thương và quan tâm đến mình nữa. Tuy nhiên, các bậc phụ huynh lại thường xuyên nói rằng “Nếu con không lo học hành thì cha mẹ sẽ không yêu con nữa” hay ” Nếu con không nghe lời, mẹ sẽ không quan tâm đến con nữa”.

Tuy rằng, mục đích của câu nói này cũng chỉ mong muốn con trở nên tốt hơn nhưng nếu cha mẹ sử dụng quá nhiều sẽ tạo sự ám ảnh đối với con trẻ, con sẽ mặc định rằng điều đó là đúng. Lúc này con sẽ cố gắng để trở nên hoàn hảo, lao đầu vào việc học tập với tâm thế rằng chỉ cần bản thân làm sai một điều gì đó cũng sẽ bị cha mẹ bỏ rơi, chán ghét.

Trẻ em tuy vô tư nhưng lại rất nhạy cảm và dễ bị tổn thương tâm lý bởi những câu nói của cha mẹ. Chính vì thế, các bậc phụ huynh cần phải chú ý và cân nhắc kỹ lưỡng để có thể giao tiếp, giáo dục trẻ một cách lành mạnh, giúp trẻ phát triển tốt hơn.

Tham khảo thêm:

5/5 - (1 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *