Phương pháp can thiệp rối loạn ngôn ngữ ở trẻ hiệu quả hiện nay
Hiện nay, có khá nhiều phương pháp can thiệp rối loạn ngôn ngữ ở trẻ. Tùy theo độ tuổi và tình trạng cụ thể của từng trường hợp, trị liệu viên sẽ lựa chọn phương pháp và hướng tiếp cận phù hợp.
Các phương pháp can thiệp rối loạn ngôn ngữ ở trẻ
Trong những năm gần đây, tỷ lệ trẻ bị rối loạn ngôn ngữ đang có xu hướng gia tăng. Thông thường, tình trạng này sẽ khởi phát trước năm 3 tuổi và phát triển cho đến khi trưởng thành nếu không có biện pháp can thiệp.
Rối loạn ngôn ngữ ở trẻ thường có liên quan đến các rối loạn phát triển thần kinh như chậm phát triển toàn bộ, tự kỷ, tổn thương não trong quá trình chu sinh, u não, sang chấn tâm lý,… Dù xảy ra do bất cứ nguyên nhân nào, rối loạn ngôn ngữ cũng cần phải được can thiệp càng sớm càng tốt.
Ngày nay, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ khiến nhiều gia đình cho phép trẻ tiếp xúc sớm với thiết bị hiện tử. Âm thanh và hình ảnh sinh động từ những thiết bị này khiến trẻ bị thu hút, từ đó có xu hướng không quan tâm đến những yếu tố và tác động xung quanh.
Hơn nữa, các thiết bị điện tử chỉ tạo ra tác động một chiều và không đòi hỏi trẻ phải tương tác lại. Điều này trái ngược với giao tiếp bình thường. Do đó, trẻ sẽ khó tránh khỏi tình trạng thụ động, chậm nói, chậm phát triển ngôn ngữ và đôi khi không có nhu cầu giao tiếp.
Rối loạn ngôn ngữ ở trẻ hoàn toàn có thể điều trị và cải thiện. Can thiệp càng sớm thì khả năng phục hồi càng tốt và trẻ có thể phát triển thuận lợi như bạn bè đồng trang lứa tuổi. Hiện tại, có khá nhiều phương pháp can thiệp rối loạn ngôn ngữ ở trẻ và đa phần được áp dụng trong giai đoạn từ 1.5 – 5 tuổi. Trong đó, các phương pháp sau đây được đánh giá mang lại hiệu quả cao:
1. Phương pháp trị liệu viên chỉ đạo (Clinician Directed Approach)
Phương pháp trị liệu viên chỉ đạo là phương pháp không tự nhiên nhất trong tất cả các phương pháp can thiệp rối loạn ngôn ngữ ở trẻ. Tuy nhiên, phương pháp này mang lại hiệu quả nên được áp dụng rất phổ biến cho những trẻ bị rối loạn ngôn ngữ.
Phương pháp trị liệu viên chỉ đạo cho phép trị liệu viên kiểm soát mọi thứ từ sử dụng vật dụng, đồ chơi, tần suất củng cố khen ngợi, loại hình khen ngợi, câu trả lời của trẻ sẽ được chấp nhận,… Việc kiểm soát sẽ giúp trị liệu viên loại bỏ những yếu tố gây xao nhãng và giúp trẻ tập trung vào ngôn ngữ.
Phương pháp trị liệu viên chỉ đạo tập trung vào việc cho trẻ lặp lại các từ ngữ và tập phát âm đúng những âm giống nhau như r, l, s, x,… Vì tập trung vào cách phát âm nên phương pháp này rất thích hợp với trẻ nói ngọng, phát âm sai và phát âm kỳ lạ.
Phương pháp này bao gồm nhiều kỹ thuật, trong đó phổ biến nhất là kỹ thuật Drill (học vẹt) và Drill Play (học vẹt thông qua trò chơi):
– Kỹ thuật Drill (học vẹt):
Kỹ thuật Drill (học vẹt) được thực hiện bằng cách hướng dẫn trẻ lặp lại tên đồ vật, động vật,… Kỹ thuật này sẽ được thực hiện theo các bước như sau:
- Hướng dẫn trẻ lặp lại tên đồ vật hoặc con vật sau khi trị liệu viên làm mẫu
- Sau đó, trị liệu viên sẽ dùng hình ảnh, chỉ vào ảnh và nói tên con vật/ đồ vật. Kế tiếp, trị liệu viên sẽ chờ một khoảng thời gian để trẻ suy nghĩ và lặp lại.
- Nếu trẻ trả lời đúng, nên củng cố hành vi của trẻ bằng lời khen kết hợp tặng quà (có thể là hình dán hoặc tem). Trị liệu viên sẽ khuyến khích trẻ sưu tầm đủ tem để đổi quà tặng sau buổi trị liệu. Như vậy, trẻ sẽ có động lực tham gia trị liệu và hứng thú hơn khi làm theo yêu cầu của trị liệu viên.
- Trường hợp trẻ trả lời sai, trị liệu viên cần phản hồi ngay lập tức bằng những câu nói động viên như “Con trả lại gần đúng rồi. Cô/ thầy sẽ làm thử lại để xem lần sau con có trả lời đúng không nha”. Tránh các phản hồi tiêu cực như “Con làm sai rồi, không đúng”. Sau đó, trị liệu viên lặp lại và đợi trẻ trả lời.
- Cứ như vậy, trị liệu viên sẽ giúp trẻ học được từ ngữ thông qua hình ảnh. Trong quá trình trị liệu, cần củng cố bằng lời khen và phản hồi lại khi trẻ trả lời sai.
Trong các buổi trị liệu, trị liệu viên thường sẽ chọn vật dụng hoặc tranh ảnh thuộc cùng chủ đề để trẻ tăng khả năng tiếp thu. Điều này cũng sẽ giúp trẻ có sự liên hệ tốt và sử dụng ngôn ngữ đúng cách hơn.
– Kỹ thuật Drill Play (Học vẹt qua trò chơi):
Kỹ thuật học vẹt qua trò chơi có cách thức tương tự kỹ thuật học vẹt. Tuy nhiên, trị liệu viên sẽ kết hợp thêm với trò chơi để giúp trẻ hứng thú và vui vẻ hơn khi tham gia trị liệu. Cách thức thực hiện sẽ được điều chỉnh tùy theo độ tuổi, sở thích và giới tính của trẻ. Mục tiêu của phương pháp này là giúp trẻ phát âm đúng và gia tăng vốn từ vựng.
2. Phương pháp lấy trẻ làm trung tâm (Child-Centered)
Phương pháp lấy trẻ làm trung tâm là phương pháp can thiệp rối loạn ngôn ngữ ở trẻ được áp dụng phổ biến hiện nay. Phương pháp này được đánh giá có mức độ tự nhiên cao vì trị liệu viên không yêu cầu trẻ phải làm theo hoặc nói theo. Trẻ sẽ được thoải mái đáp lại một cách tự nhiên nhất.
Phương pháp lấy trẻ làm trung tâm sẽ được thực hiện dưới sự dẫn dắt của trẻ. Mục tiêu của phương pháp này là thúc đẩy sự phát triển ngôn ngữ của trẻ một cách gián tiếp. Vì không có sự kiểm soát nên trẻ rất thoải mái khi trị liệu. Tuy nhiên, cũng vì điều này mà phương pháp lấy trẻ làm trung tâm mất khá nhiều thời gian và đôi khi không đạt được mục tiêu trong từng buổi trị liệu.
Các kỹ thuật phổ biến trong phương pháp lấy trẻ làm trung tâm bao gồm:
– Kỹ thuật nói một mình (Self-Talk):
Như tên gọi, trong kỹ thuật Self-Talk trị liệu viên sẽ tự nói một mình. Kỹ thuật này sẽ được thực hiện khi trị liệu viên chơi cùng với trẻ. Khi trẻ đang dùng lego để xây nhà, trị liệu viên cũng làm tương tự. Sau đó vừa làm vừa nói để mô tả về hành động của mình.
Trị liệu viên thường sẽ lựa chọn câu nói đơn giản, nhấn mạnh lại câu nói 2 – 3 lần. Sau đó, miêu tả cụ thể hơn như xây nhà bằng khối lego hoặc khối gỗ để trẻ ghi nhớ. Ngoài ra, trị liệu viên cũng sẽ lôi kéo sự chú ý của trẻ bằng những câu nói như “Con thấy không?” hoặc “Con thấy nhà cô xây có đẹp không?”. Cứ như vậy, trẻ sẽ ghi nhớ hành động của mình là xây nhà đồ chơi bằng các khối gỗ.
– Kỹ thuật nói song song (Parallel Talk):
Kỹ thuật nói song song cũng sẽ được thực hiện khi trị liệu viên đang chơi cùng với trẻ. Tuy nhiên, trị liệu viên sẽ không thực hiện giống hành động của trẻ mà tường thuận cho trẻ nhỏ. Cùng ví dụ trên, trị liệu viên sẽ nhấn mạnh rằng trẻ đang xây nhà bằng gỗ, đồng thời miêu tả hành động lấy từng khối gỗ và xếp chồng lên nhau. Tập trung vào đặc điểm của ngồi nhà mà trẻ đang xây như cao quá, lớn quá hoặc có nhiều cửa sổ quá.
Kỹ thuật nói song song và nói một mình thường được áp dụng cho trẻ chưa thể nói được. Hai kỹ thuật này giúp trẻ hiểu được hành vi của mình và biết cách sử dụng từ, cụm từ và câu nói trong giao tiếp. Khi trẻ có đáp ứng, trị liệu viên sẽ áp dụng thêm một số phương pháp khác.
– Kỹ thuật bắt chước (Imitation):
Kỹ thuật bắt chước khác với phương pháp trị liệu viên chỉ đạo. Tức là trị liệu viên sẽ lặp lại lời nói và hành động của trẻ. Trong quá trình giao tiếp, trị liệu viên sẽ phản hồi trước từ vựng, ngữ pháp, ngữ âm của trẻ.
Khi bắt chước trẻ, trẻ sẽ có xu hướng lặp lại sự bắt chước này của trị liệu viên từ trẻ. Lúc này, trị liệu viên sẽ thay đổi lời nói để giúp trẻ phát triển ngôn ngữ.
– Kỹ thuật mở rộng ngữ pháp (Expansions):
Kỹ thuật mở rộng ngữ pháp có cách thức khá giống với kỹ thuật bắt chước. Trị liệu viên cũng sẽ lặp lại lời nói của trẻ nhưng thay đổi câu nói phức tạp hơn để giúp trẻ học thêm cấu trúc ngữ pháp mới. Chẳng hạn như trẻ cho gấu bông nằm trên giường và nói “Gấu bông ngủ”. Trị liệu viên có thể lặp lại và điều chỉnh câu nói cho phù hợp như “À, gấu bông đang ngủ này”.
– Kỹ thuật mở rộng ngữ nghĩa/từ vựng (Extensions):
Trong kỹ thuật mở rộng ngữ nghĩa/từ vựng, trị liệu viên cũng sẽ lặp lại câu nói của trẻ nhưng mở rộng nội dung câu. Lấy ví dụ như trên, trẻ nói “Gấu bông ngủ”, nhà trị liệu sẽ lặp lại câu nói với nội dung mở rộng như “Gấu bông mệt rồi”, “Gấu bông nhắm mắt lại ngủ thôi”.
– Kỹ thuật mở rộng và thu gọn (Buildups And Breakdowns):
Kỹ thuật mở rộng và thu gọn được thực hiện bằng cách trị liệu viên lặp lại câu nói của trẻ với nội dung mở rộng, sau đó thu ngắn lại. Điều này sẽ giúp trẻ hiểu được ngữ pháp và biết cách nói câu đầy đủ ngữ pháp.
– Kỹ thuật thay đổi mẫu câu (Recast Sentences):
Đối với kỹ thuật thay đổi mẫu câu, trị liệu viên sẽ thay đổi cách phản hồi. Thay vì lặp lại câu nói, trị liệu viên có thể thay đổi thành dạng câu hỏi hoặc câu nói phủ định.
3. Phương pháp động (Hybrid Approach)
Phương pháp động là phương pháp kết hợp giữa phương pháp lấy trẻ làm trung tâm và trị liệu viên chỉ đạo. Trong phương pháp này, trị liệu viên vẫn kiểm soát trong việc lựa chọn vật dụng, hoạt động nhưng sẽ tạo điều kiện để cho trẻ có các phản ứng tức thời. Sau đó sẽ tiến hành can thiệp thay vì bắt trẻ lặp lại.
Các kỹ thuật được sử dụng phổ biến trong phương pháp động là cấu trúc dọc và kích thích tập trung. Phương pháp này đôi khi sẽ được kết hợp với các liệu pháp tâm lý để mang lại hiệu quả tốt nhất.
Các phương pháp can thiệp rối loạn ngôn ngữ ở trẻ giúp ích rất nhiều trong việc cải thiện chức năng ngôn ngữ. Thực tế, không có phương pháp nào toàn diện mà mỗi phương pháp đều sẽ có những ưu điểm và hạn chế riêng. Do đó, trẻ sẽ được can thiệp nhiều phương pháp để có thể cải thiện ngôn ngữ một cách hiệu quả nhất.
Tham khảo thêm:
- Rối loạn ngôn ngữ sau tai biến điều trị như thế nào?
- Trẻ chậm nói có phải tự kỷ? Làm sao phân biệt?
- 10 Địa Chỉ Khám Tâm Lý Cho Trẻ Ở TPHCM Uy Tín Nhất
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!