Làm rõ quan niệm “chậm đi thì đói, chậm nói thì giàu”
“Chậm đi thì đói, chậm nói thì giàu” là một trong các quan niệm đã được lưu truyền từ xa xưa. Nhiều người hay cho rằng, trẻ chậm đi thì nghèo đói, vất vả nhưng đối với trẻ chậm nói thì lại sung sướng, giàu sang. Nhưng liệu suy nghĩ này có thực sự đúng và phù hợp không?
Quan niệm “Chậm đi thì đói, chậm nói thì giàu” có thực sự đúng?
“Chậm đi thì đói, chậm nói thì giàu” là một thành ngữ được sử dụng khá nhiều trong dân gian và lưu truyền cho đến hiện nay. Dựa vào quan niệm này thì:
- Chậm đi thì đói: Nghĩa là những trẻ chậm đi thường sẽ có cuộc sống nghèo khổ, khó khăn và vô cùng vất vả nên khiến cho nhiều bậc phụ huynh cảm thấy lo lắng, trăn trở tìm cách khắc phục.
- Chậm nói thì giàu: Còn đối với những trẻ chậm nói thì lại có đời sống sung túc, khỏe mạnh, giàu sang và nhận được nhiều sự tài lộc nên có nhiều trẻ dù đã đến tuổi đi học nhưng vẫn chưa biết nói cũng không khiến các bậc phụ huynh cảm thấy quá lo ngại.
Khi nhắc đến vấn đề này, nhiều người thường nghĩ ngay đến Albert Einstein – một trong những nhà khoa học nổi tiếng nhất mọi thời đại. Được biết, ông là một trong trường hợp trẻ chậm nói đã trở thành thiên tài, năm 4 tuổi ông vẫn mới bắt đầu tập nói và cho đến 7 tuổi vẫn hạn chế về việc giao tiếp với mọi người xung quanh. Theo đó, người ta cũng sử dụng tên ông để đặt cho Hội chứng Einstein – chỉ đến những trẻ chậm nói, chậm ngôn ngữ nhưng sở hữu năng khiếu vượt trội về một số lĩnh vực khác.
Cũng chính vì thế mà có không ít các bậc phụ huynh cảm thấy vô cùng bình thản khi trẻ chậm nói và nghĩ rằng con mình là thiên tài đang ẩn giấu một tài năng nổi bật nào đó. Tuy nhiên, trong thực tế “Chậm đi thì đói, chậm nói thì giàu” chỉ là những lời truyền miệng từ trong dân gian và hiện vẫn chưa có bất kỳ bằng chứng chứng minh khoa học nào về vấn đề này. Vì thế, các bậc phụ huynh cũng đừng nên quá vội tin mà cho rằng những trẻ chậm nói là tốt, là vượt trội, sung sướng hơn so với bình thường.
Trong thực tế, lời nói, ngôn ngữ là công cụ đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với cuộc sống của mỗi chúng ta. Trẻ nhỏ từ khi vừa mới sinh ra đời đã được tiếp xúc với ngôn ngữ thông qua lời nói của ba mẹ, người thân. Trẻ từ 3 tháng tuổi trở lên đã có thể phản ứng và lắng nghe những âm thanh bên ngoài để tương tác xã hội hiệu quả.
Bằng lời nói, chúng ta có thể giao tiếp, hiểu và bày tỏ rõ các quan điểm, mong muốn, suy nghĩ, cảm xúc của bản thân một cách chân thật và dễ hiểu nhất. Đồng thời, đây cũng chính là phương tiện để học tập, trau dồi kiến thức và là tiền đề vững chắc để con người phát huy tối đa các tiềm lực vốn có của bản thân.
Nói chính là một trong các kỹ năng cần phải học và phát triển ngay từ sớm để có thể kích thích não bộ và tạo tiền đề vững chắc để xây dựng tốt những kỹ năng khác. Những đứa trẻ chậm nói, chậm phát triển ngôn ngữ sẽ phải liên tục đối diện với rất nhiều khó khăn trong cuộc sống, đặc biệt là khía cạnh giao tiếp, tương tác và kết nối với mọi người xung quanh.
Nhất là trong những năm trở lại đây, tỷ lệ trẻ chậm nói đang ngày càng gia tăng để kể trong cộng đồng và gây nên nhiều trở ngại đối với chất lượng cuộc sống của trẻ nhỏ. Trẻ chậm nói được chia thành 2 dạng cơ bản là trẻ chậm nói đơn thuần và trẻ chậm nói tự kỷ. Tùy vào nguyên nhân gây ra tình trạng chậm nói mà trẻ cần được can thiệp và hỗ trợ bằng những biện pháp khác nhau để kích thích ngôn ngữ hiệu quả.
Chậm nói nếu được can thiệp ở giai đoạn sớm sẽ dễ dàng giúp trẻ nâng cao khả năng sử dụng ngôn ngữ, giao tiếp bằng lời nói linh hoạt và hiệu quả hơn. Theo lời khuyên của các chuyên gia thì trẻ từ 2 đến 5 tuổi là giai đoạn vàng để hỗ trợ hình thành và phát triển ngôn ngữ toàn diện cho mỗi trẻ nhỏ.
Chính vì thế, ngay khi nhận thấy các dấu hiệu chậm ngôn ngữ ở trẻ, trẻ được 2 tuổi nhưng vẫn chưa thể nói được những từ đơn giản, vốn từ ít hơn 20 thì cần được cân nhắc thăm khám và can thiệp bằng các biện pháp phù hợp. Các bậc phụ huynh không nên chủ quan và thờ ơ đối với sự phát triển ngôn ngữ của trẻ nhỏ để tránh gây ra các ảnh hưởng tiêu cực khó khăn phục trong tương lai, gây cản trở đến cuộc sống của trẻ nhỏ.
Nhìn chung, quan niệm “Chậm đi thì đói, chậm đói thì giàu” vẫn chưa thực sự được công nhận và xác minh về tính chính xác. Đồng thời trong dân gian vẫn còn một câu nói khác là “nhất chậm đi nhì chậm nói” với ý nghĩa xác định hai cột mốc quan trọng trong sự phát triển của trẻ là biết đi và biết nói.
Câu này có hai phần, mỗi phần đều nhắc đến một khía cạnh quan trọng trong quá trình lớn lên của trẻ:
- “Nhất chậm đi”: Trong quá trình phát triển của trẻ, việc biết đi được coi là một cột mốc quan trọng. Khi trẻ bắt đầu tập đi, điều này cho thấy sự phát triển bình thường về thể chất và khả năng vận động. Nếu trẻ chậm biết đi so với những đứa trẻ khác, cha mẹ có thể lo lắng và coi đây là một dấu hiệu cần lưu ý đặc biệt. Vì vậy, dân gian cho rằng “chậm đi” là vấn đề cần quan tâm hàng đầu (“nhất chậm đi”).
- “Nhì chậm nói”: Kỹ năng ngôn ngữ và giao tiếp cũng rất quan trọng trong sự phát triển của trẻ. Việc trẻ biết nói, phát âm và giao tiếp là dấu hiệu cho thấy não bộ và khả năng ngôn ngữ của trẻ đang phát triển tốt. Nếu trẻ chậm biết nói, điều này có thể gây lo ngại, nhưng dân gian xếp nó sau việc chậm đi, nên gọi là “nhì chậm nói.”
Dân gian có nhiều quan niệm khác nhau, tuy nhiên, mỗi đứa trẻ đều phát triển theo tốc độ riêng, và chậm đi hay chậm nói không nhất thiết là dấu hiệu của một vấn nào cả. Nếu cha mẹ lo lắng về sự phát triển của con mình, tốt nhất là tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc chuyên gia nhi khoa để được tư vấn và hỗ trợ đúng cách.
Nên làm gì khi nhận thấy trẻ chậm nói?
Như đã chia trẻ, quan niệm “Chậm đi thì đói, chậm nói thì giàu” chưa thực sự đáng tin cậy và còn nhiều sự bất cập về mặt khoa học. Đối với những trẻ chậm đi, chậm nói cần được hỗ trợ thăm khám và can thiệp kịp thời để giúp trẻ cải thiện và phát triển toàn diện hơn.
Vì thế, ngay khi nhận thấy các dấu hiệu chậm đi, chậm nói của trẻ, các bậc phụ huynh cần thực hiện ngay các biện pháp sau đây:
1. Cho trẻ tiến hành thăm khám
Cách tốt nhất để có thể xác định được tình trạng sức khỏe của trẻ nhỏ đó chính là cho trẻ tiến hành thăm khám và chẩn đoán chính xác tại các bệnh viện, cơ sở Nhi khoa uy tín. Tại đây, trẻ sẽ được tiến hành kiểm tra khả năng ngôn ngữ, ăn nói để thông qua các bài đánh giá chuyên khoa để hiểu rõ hơn về tình trạng của trẻ.
Để có thể hỗ trợ tốt các biện pháp can thiệp cho trẻ chậm nói thì đầu tiên chúng ta cần xác định rõ về nguyên nhân gây ra những tình trạng này. Có rất nhiều các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng giao tiếp của trẻ nhỏ. Tùy vào các lý do khác nhau mà trẻ cần được hỗ trợ áp dụng các biện pháp can thiệp phù hợp để mang đến hiệu quả vượt trội nhất.
Cụ thể một số nguyên nhân thường được nhắc đến khiến trẻ chậm nói như:
- Trẻ chậm nói do ảnh hưởng của môi trường sinh hoạt. Sự nuông chiều quá mức hoặc sự vô tâm, thờ ơ, lạnh nhạt của gia đình, ba mẹ đối với trẻ cũng có thể là yếu tố khiến trẻ nhỏ gặp khó khăn trong việc phát triển ngôn ngữ.
- Thói quen sử dụng điện thoại, xem tivi quá nhiều sẽ làm cho trẻ giảm đi nhu cầu được tương tác trực tiếp và không muốn học hỏi, tiếp thu ngôn ngữ.
- Chậm nói có thể là vì sự khiếm khuyết về thính giác, các bộ phận liên quan đến phát âm như lưỡi, môi, hàm, răng,….
- Sự tổn thương nghiêm trọng về mặt tâm lý, tinh thần khiến trẻ thu mình, ngại giao tiếp.
- Chế độ ăn uống không được đảm bảo cũng gây ảnh hưởng lớn đối với sự phát triển ngôn ngữ, giao tiếp ở trẻ nhỏ.
- Chậm nói do tự kỷ là một trong các vấn đề phổ biến và đáng lo ngại đối với xã hội hiện nay.
Chậm nói dù xuất phát bởi bất kỳ nguyên nhân nào cũng cần được hỗ trợ cải thiện kịp thời để tránh gây ra những tác hại nghiêm trọng đối với cuộc sống của trẻ nhỏ. Do đó, có thể thấy rằng, quan niệm “chậm đi thì đói, chậm nói thì giàu” khiến cho nhiều bậc phụ huynh lơ là, chủ quan không để ý và kịp thời can thiệp đối với những sự bất thường của trẻ nhỏ, dẫn đến việc trẻ không được hỗ trợ tốt và gây nên nhiều cản trở đối với giao tiếp, học tập, sinh hoạt đời sống.
2. Hỗ trợ kích thích ngôn ngữ ở trẻ
Sau khi tiến hành thăm khám và tìm ra nguyên nhân cụ thể khiến trẻ chậm nói thì các bậc phụ huynh cần phải trao đổi và phối hợp chặt chẽ cùng với các chuyên gia để đưa ra biện pháp can thiệp cho trẻ nhỏ. Đặc biệt là đối với những trẻ chậm nói do các nguyên nhân thực thể hoặc chứng tự kỷ gây ra thì cần được hỗ trợ kết hợp nhiều biện pháp điều trị chuyên khoa trong thời gian dài để giúp trẻ dần khắc phục khả năng nghe hiểu và phát triển ngôn ngữ ổn định.
Hiện nay có rất nhiều các biện pháp được đánh giá cao về mức độ hiệu quả đối với trẻ chậm nói. Phần lớn những đứa trẻ này sẽ được khuyến khích trị liệu ngôn ngữ kết hợp cùng với các biện pháp kích thích tại nhà để trẻ có thể dần nâng cao kỹ năng sử dụng lời nói và giao tiếp linh hoạt hơn.
Cụ thể một số biện pháp hỗ trợ cải thiện cho trẻ chậm nói mà các bậc phụ huynh nên thực hiện càng sớm càng tốt như:
- Hãy tạo cho trẻ thói quen được nói và giao tiếp mỗi ngày để gia tăng nhu cầu sử dụng lời nói ở trẻ. Các bậc phụ huynh nên dành nhiều thời gian để trò chuyện và tương tác trực tiếp với trẻ, dạy cho trẻ cách gọi tên các đồ vật, con vật quen thuộc để trẻ hiểu và nói được nhiều hơn.
- Trẻ chậm nói cần được tạo thêm nhiều cơ hội để khám phá và tiếp xúc với những điều thú vị xung quanh cuộc sống. Khi trẻ được tham gia vào các hoạt động ngoài trời sẽ giúp trẻ gia tăng sự tự tin, kích thích nhu cầu sử dụng ngôn ngữ.
- Âm nhạc được xem là một trong các biện pháp hữu hiệu để hỗ trợ tốt cho trẻ chậm nói, đặc biệt là những trẻ bị hạn chế về mặt thính giác. Các bậc phụ huynh nên cho trẻ nghe những bản nhạc có giai điệu vui tươi phù hợp với sở thích, lựa chọn bài hát có nội dung đơn giản, ca từ dễ hiểu.
- Thường xuyên đọc sách, kể chuyện sẽ giúp trẻ chậm nói mở rộng vốn từ, khả năng tư duy, nhận thức, sáng tạo.
- Trẻ chậm nói cần được bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng cần thiết, tăng cường ăn những thực phẩm giàu khoáng chất, protein, vitamin cần thiết cho sự phát triển của não bộ.
- Khi trò chuyện với trẻ chậm nói, ba mẹ cần đơn giản hóa lời nói, sử dụng từ ngữ ngắn gọn, dễ hiểu để trẻ tiếp thu tốt hơn. Đồng thời, cần chú ý đến các phát âm, diễn đạt bằng lời nói và cả cử chỉ một cách cụ thể, nhất quán, chính xác.
- Thường xuyên động viên và khen ngợi về khả năng nói của trẻ. Khi trẻ học và nói được những từ mới, hãy dành cho trẻ những lời khen, cổ vũ để trẻ có thêm động lực phấn đấu nhiều hơn.
- Hạn chế cho trẻ chậm nói tiếp xúc với các thiết bị công nghệ như điện thoại, máy tính, iPad, tivi,…Thay vào đó hãy khuyến khích và yêu cầu trẻ thực hiện nhiều công việc hàng ngày phù hợp với lứa tuổi và khả năng của trẻ.
- Để dạy trẻ nói, các bậc phụ huynh cần rèn luyện sự kiên nhẫn của bản thân. Khi đưa ra cho trẻ một yêu cầu nào đó, ví dụ như “Lấy cho mẹ con gấu” thì bạn hãy chờ đợi phản ứng của trẻ. Nếu trẻ vẫn chưa hiểu rõ được điều đó, hãy nhắc lại yêu cầu và đưa ra hướng dẫn để trẻ có thể thực hiện, tương tác tốt hơn.
Thông tin của bài viết trên đây đã giúp bạn đọc làm rõ được quan niệm “Chậm đi thì đói, chậm nói thì giàu”. Nói là một trong các kỹ năng cần thiết và quan trọng đối với sự phát triển của mỗi con người nên ngay khi nhận thấy trẻ có dấu hiệu chậm nói thì các bậc phụ huynh cần chủ động cho trẻ tiến hành thăm khám và can thiệp tại các cơ sở chuyên khoa để hỗ trợ trẻ cải thiện tốt hơn.
Có thể bạn quan tâm:
- Trẻ 4 tuổi chưa biết nói khiến nhiều phụ huynh hoang mang
- Bài Test trẻ chậm nói giúp sớm phát hiện và kịp thời can thiệp
- Trẻ chậm phát triển ngôn ngữ: Nguyên nhân và Cách can thiệp
- Trẻ nói nhiều nhưng không rõ có bình thường không? Nên làm gì?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!