Trẻ chậm phát triển ngôn ngữ: Nguyên nhân và Cách can thiệp

5/5 - (1 bình chọn)

Trẻ chậm phát triển ngôn ngữ dù có thể nói được nhưng ngôn ngữ lại hạn chế nên cũng gặp rất nhiều khó khăn trong giao tiếp bình thường. Quá trình xử lý và tiếp nhận ngôn ngữ khó khăn cũng tác động trực tiếp đến sự phát triển nhận thức của con, đặc biệt là quá trình hòa nhập, sinh hoạt trong cộng đồng nên gia đình cần sớm có biện pháp can thiệp để khắc phục sớm tình trạng này.

Trẻ chậm phát triển ngôn ngữ là gì?

Ngôn ngữ là phương tiện quan trong trong quá trình giao tiếp, có thể sử dụng thông qua lời nói, chữ viết hoặc cả cử chỉ. Nội dung lời nói được biểu hiện thông qua ngôn ngữ và cũng chỉ có ngôn ngữ thì chúng ta mới có thể thể diễn đạt được những suy nghĩ trong tâm trí. Do đó việc thiếu ngôn ngữ có thể gây ra những ảnh hưởng lớn trong quá trình giao tiếp hằng ngày.

Trẻ chậm phát triển ngôn ngữ
Chậm phát triển ngôn ngữ là tình trạng trẻ có thể nói được nhưng ngôn ngữ lại rất hạn chế nên cũng không thể giao tiếp

Trẻ chậm phát triển ngôn ngữ là tình trạng trẻ có thể nói được nhưng lại có vốn từ rất hạn hẹp nên cũng không để dùng lời nói để diễn đạt các nhu cầu cá nhân bình thường. Nhóm trẻ này thậm chí có thể phát âm chính xác một số âm, có thể nói được vài từ ngữ đơn giản nhưng thực tế đôi khi bản thân con cũng không ý thức được con đang nói gì, có ý nghĩa gì.

Do chậm phát triển về ngôn ngữ nên cách dùng từ ngữ của trẻ khá lộn xộn, thiếu logic nên người khác thường không hiểu được con muốn gì. Một số trẻ còn gặp phải tình trạng rối loạn ngôn ngữ, có nghĩa là con nói những ngôn ngữ lạ kỳ, thậm chí là tiếng nước ngoài khiến cha mẹ dù không hiểu con nói gì mà còn cho rằng con là thiên tài.

Trẻ chậm phát triển không phải là trẻ chậm nói, tuy nhiên cả hai tình trạng này thường có những đặc điểm giống nhau nên dễ bị nhầm lẫn. Chậm phát triển ngôn ngữ vẫn có thể nói bình thường, tuy nhiên do không có đủ ngôn ngữ nên con cũng có xu hướng ít nói, ít giao tiếp nên dễ bị đánh đồng cả hai trường hợp này.

Ngôn ngữ rất cần thiết trong quá trình giao tiếp hằng ngày nên việc con có vốn từ ít ỏi sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến quá trình tương tác, tìm hiểu về thế giới xung quanh. Do trẻ vẫn có thể nói được nên đa phần phụ huynh thường khá chủ quan, ít phát hiện thấy những bất thường về ngôn ngữ của con dẫn tới tình trạng ngày càng thêm nghiêm trọng.

Biểu hiện của trẻ chậm phát triển ngôn ngữ

Các biểu hiện của trẻ chậm phát triển ngôn ngữ thường sẽ rõ ràng hơn khi con trên 1 tuổi – độ tuổi mà trẻ đang bắt đầu học về lời nói, ngôn ngữ. Mặt khác ngôn ngữ là thứ được sử dụng hằng ngày, hằng giờ, cực kỳ cần thiết trong cuộc sống để giao tiếp và thể hiện các nhu cầu cá nhân nên bất cứ vấn đề bất thường nào đều cũng có thể nhận thấy khá rõ ràng.

Trẻ chậm phát triển ngôn ngữ
Trẻ thường có xu hướng dùng từ ngữ lộn xộn, không có nghĩa

Một số dấu hiệu rõ ràng của trẻ bị chậm phát triển ngôn ngữ như

  • Trẻ từ 4-5 tháng tuổi không ê a
  • Trẻ 12 tháng tuổi vẫn chưa nói các từ đơn cơ bản được dạy như mama,” “baba
  • Trẻ 15 tháng tuổi chưa biết tạm biệt, không hiểu được các yêu cầu cơ bản mà ba mẹ yêu cầu dù đã được dạy rất nhiều
  • Trẻ 18 tháng chưa chỉ được các bộ phận trên cơ thể hay các đồ vật xung quanh khi được cha mẹ gọi tên; trẻ có vốn từ vựng không đến 10 từ
  • Trẻ 20 tháng tuổi không có đến 25 từ, không làm nhảm nói chuyện một mình
  • Trẻ trên 24 tháng tuổi không thể nói được từ ghép, hiểu và nói được không đến 50 từ
  • Trẻ có thể bộc phát nói ra một vài từ nhưng không hiểu được từ đó có nghĩa là gì
  • Trẻ 3 tuổi vẫn chưa thể sắp xếp các từ thành một câu để diễn đạt
  • Trẻ chậm phát triển ngôn ngữ không hiểu và không biết cách dùng đại từ nhân xưng, câu nói không có chủ vị
  • Có thể nói được câu ngắn nhưng từ ngữ sắp xếp lộn xộn, dùng từ sai với mục đích, hoàn cảnh
  • Có thể không đáp lời, không thực hiện các mệnh lệnh từ cha mẹ do không hiểu hết cha mẹ muốn gì
  • Không chủ động nói chuyện hay thể hiện nhu cầu vì không có đủ vốn từ để diễn đạt
  • Tốc độ học thêm từ mới rất chậm
  • Trẻ 4- 5 tuổi vẫn chưa thể dùng lời nói kể lại một câu chuyện ngắn đơn giản, không biết cách chơi trò đóng vai
  • Lặp đi lặp lại một vài từ ngữ khó hiểu, vô nghĩa
  • Trẻ chậm phát triển ngôn ngữ nếu bị rối loạn ngôn ngữ cũng có thể nói năng lộn xộn, từ ngữ khó hiểu, thậm chí có thể là tiếng nước ngoài hay các âm thanh như các nhân vật trong hoạt hình

Thông thường trẻ chậm phát triển ngôn ngữ thường chậm hơn tốc độ phát triển về ngôn ngữ so với những đứa trẻ bình thường khoảng 12 tháng. Do hạn chế về mặt từ ngữ, giao tiếp cũng gây ra một vài bất ổn về mặt tâm lý, nhận thức, giao tiếp làm ảnh hưởng đến cuộc sống và sự phát triển của con. Bao gồm

  • Có xu hướng thích một mình hơn là đến nơi đông người, trẻ dễ cảm thấy sợ hãi, lạc lõng
  • Trẻ bám cha mẹ quá mức
  • Một số có thể có xu hướng dễ kích động, bốc đồng, la hét khó kiểm soát
  • Có thể có xu hướng không tương tác với cha mẹ, không quay đầu khi cha mẹ gọi tên
  • Không biết các hành vi cơ bản như vẫy tay, xin chào, không hiểu các biểu cảm trên mặt và cũng không biểu cảm
  • Mất tập trung, trẻ thường lơ đãng, không nghe những gì cha mẹ nói hay hướng dẫn
  • Có xu hướng la hét để gây chú ý hoặc khi muốn một điều gì đó để cha mẹ đáp ứng
  • Trẻ đến tuổi đi học cũng có thể trở nên căng thẳng hơn bình thường do không hiểu thầy cô và bạn bè nói gì

Nguyên nhân khiến trẻ chậm phát triển ngôn ngữ

Ngôn ngữ của trẻ nhỏ được phát triển thông qua việc giao tiếp hằng ngày, đơn giản chỉ là việc bố mẹ nói chuyện với con, chia sẻ với con điều này điều kia. Thông qua trò chuyện, trẻ có thể biết thêm được rất nhiều điều, gia tăng được vốn từ của mình. Bởi thế những trẻ sống trong gia đình có cha mẹ nói nhiều, con thường tiếp xúc với nhiều người thường rất dạn dĩ và hay nói.

Trẻ chậm phát triển ngôn ngữ thường có liên quan đến rất nhiều nguyên nhân, bao gồm cả bệnh lý và sự tác động từ môi trường sống sinh hoạt hằng ngày. Bao gồm

Trẻ thiếu sự tương tác với gia đình

Như đã nói, ngôn ngữ là vấn đề được hình thành và trau dồi qua từng ngày và cha mẹ chính là người cần làm điều này. Cha mẹ nếu trong thời thơ ấu không nói chuyện, giao tiếp với con, để con chơi một mình thì chắc chắn con sẽ không có cơ hội để trau dồi, tăng cường vốn từ, thiếu hiểu biết về thế giới xung quanh hơn hẳn so với các bạn bè đồng trang lứa.

Trẻ chậm phát triển ngôn ngữ
Nhiều gia đình thường luôn cho trẻ xem điện thoại để con chịu ngồi yên, chính tình trạng này khiến khả năng trẻ phát triển ngôn ngữ cực kỳ hạn hẹp

Một trường hợp khác xảy ra chính là trẻ vừa không được nói chuyện tương tác trực tiếp, vừa phải làm bạn với máy tính, điện thoại trong thời gian dài. Trẻ vốn đã kém về ngôn ngữ nên khi xem các chương trình trên điện thoại như hoạt hình sẽ vừa không hiểu gì, vừa dễ bị “lậm” và bắt chước các ngôn ngữ mà con nghe hằng ngày. Đây cũng chính là lý do mà trẻ nói những từ ngữ nghe kỳ lạ.

Rất nhiều các nghiên cứu đã chỉ ra rằng sóng của các thiết bị di động như TV, máy tính, điện thoại không tốt cho não bộ, đặc biệt là não bộ trẻ nhỏ. Hơn nữa việc xem các thiết bị này thì não của trẻ phải hoạt động nhiều nhưng chỉ tiếp nhận thông tin 1 chiều và không cung cấp các nội dung cần thiết nên sẽ dễ gây ra những rối loạn

Một thực trạng hiện nay chính là tỷ lệ trẻ chậm phát triển ngôn ngữ gia tăng vì cha mẹ quá bận rộn, không có nhiều thời gian dành cho con. Một số người thường cho trẻ chơi trên điện thoại, cho con xem hoạt hình vì con có thể ngồi yên lặng cả ngày. Thậm chí để bé ăn, bé chịu đi tắm hay đi ngủ cũng cần phải cho con xem gì đó con mới không khóc và ngày càng lệ thuộc vào thiết bị này.

Các bệnh lý thực thể

Việc trẻ phát âm rối loạn, chậm phát triển ngôn ngữ có thể liên quan đến rất nhiều các nguyên nhân bệnh lý khác. Chẳng hạn như do trẻ không nghe thấy được nên không thể tiếp nhận ngôn ngữ, nội dung, thông tin được cha mẹ cung cấp; phần não đảm nhiệm việc tiếp nhận và học ngôn ngữ bị tổn thương khiến quá trình này cũng diễn ra chậm chạp hơn bình thường.

Cụ thể, một số yếu tố khiến Trẻ chậm phát triển ngôn ngữ

  • Tổn thương thính giác: tai là cơ quan tiếp nhận thông tin, ngôn ngữ, lời nói. Trẻ khi có thể nghe được mới có thể học được ngôn ngữ, mới nhại lại lời người khác, mới có thể phát triển vốn từ. Do đó khi trẻ không nghe được sẽ đồng nghĩa với việc vốn từ cũng không thể phát triển như những bạn bè đồng trang lứa khác. Đây cũng có thể là nguyên nhân khiến trẻ hay có xu hướng không đáp lời, không tương tác lại khi cha mẹ gọi tên.
  • Tổn thương tại não bộ: Vùng Broca nằm ở thùy trán là cơ quan đảm nhiệm chức năng học ngôn ngữ, do đó nếu vùng não này bị tổn thương thì trẻ cũng có xu hướng tiếp nhận ngôn ngữ kém hơn bình thường. Trẻ chậm phát triển ngôn ngữ cũng có thể liên quan đến các vùng não đảm nhiệm việc ghi nhớ. Các tổn thương não này có thể hình thành do bé bị té ngã, va đập đầu hoặc cũng có thể liên quan đến các tổn thương trong khi sinh.
  • Một số vấn đề khác: trẻ sinh non, trẻ thiếu dinh dưỡng cũng được cho là một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ chậm phát triển ngôn ngữ ở rất nhiều trường hợp

Trẻ chậm phát triển trí tuệ

Chậm phát triển trí tuệ là một vấn đề bẩm sinh và nhóm trẻ này chỉ có chỉ số IQ dưới 70, do đó việc học, ghi nhớ hay tiếp nhận ngôn ngữ chậm là một vấn đề khá hiển nhiên. Nhóm trẻ này tiếp nhận bất cứ thông tin, nội dung hay kỹ năng nào cũng chậm chạp, không chỉ riêng ngôn ngữ. Quá trình phát triển như biết đi, biết đứng, biết chạy của trẻ cũng có xu hướng chậm hơn các trẻ khác.

Trẻ chậm phát triển ngôn ngữ
Trẻ chậm phát triển trí tuệ do có chỉ số IQ thấp nên việc phát triển ngôn ngữ cũng rất chậm chạp

Trẻ chậm phát triển ngôn ngữ nếu liên quan đến thiểu năng trí tuệ hiện tại vẫn chưa thể điều trị. Do có chỉ số IQ thấp nên các vấn đề nhận thức của con cũng rất hạn chế, trẻ khi đi học sẽ mất thời gian gấp nhiều lần so với nhóm trẻ thông thường, dù đó chỉ là các kiến thức cơ bản bình thường. Với những nhóm trẻ có chỉ số IQ quá thấp hầu như không thể học quá cao và phải phụ thuộc vào sự chăm sóc của gia đình.

Trẻ tự kỷ

Trẻ chậm phát triển ngôn ngữ, chậm nói, không có biểu cảm, không giao tiếp trong những năm tháng đầu đời, thích chơi 1 mình, thường có các hành vi kỳ lạ như vỗ tay liên tục hay nhạy cảm quá mức với âm thanh có thể chính là biểu hiện của tự kỷ. Đây là một dạng rối loạn phát triển lan tỏa với những đặc trưng về thiếu hụt ngôn ngữ, giao tiếp và hành vi lặp lại bất thường.

Các biểu hiện tự kỷ kỷ, bao gồm cả chậm phát triển ngôn ngữ đã xuất hiện từ giai đoạn trẻ sơ sinh, chẳng hạn như con không phát ra bất cứ âm thanh nào. Nhiều phụ huynh khi không thấy con ê a, thậm chí không khóc lại còn cho rằng là con ngoan, khi thấy trẻ đã lớn hơn mà vẫn không nói cũng vẫn cho là bình thường. Do đó mới bỏ lỡ các thời điểm thích hợp nhất để can thiệp.

Rối loạn phổ tự kỷ cũng là vấn đề bẩm sinh và hiện tại vẫn chưa có phương pháp điều trị. Nguyên nhân gây hội chứng này có thể liên quan đến những tổn thương não bộ từ thời điểm mẹ mang thai, chẳng hạn như dùng thuốc sai cách, dùng chất kích thích, va đập, nhiễm chất độc… Trẻ tự kỷ thường gặp một số khó khăn trong giao tiếp dẫn tới khó hòa nhập với cộng đồng, bao gồm cả gia đình.

 Hướng can thiệp với trẻ chậm phát triển ngôn ngữ

Hướng can thiệp cho trẻ chậm phát triển ngôn ngữ còn liên quan đến nguyên nhân gây ra tình trạng này. Gia đình ngay khi thấy trẻ có những biểu hiện bất thường trong quá trình phát triển ngôn ngữ, lời nói cần nhanh chóng đưa trẻ đi thăm khám để có hướng can thiệp phù hợp nhất.

Bác sĩ thường sẽ yêu cầu trẻ làm một số xét nghiệm về thính giác, kiểm tra não bộ, quan sát các biểu hiện khi giao tiếp, tương tác, hành vi hay lắng nghe lời nói của con để có đưa ra chẩn đoán chính xác cuối cùng. Việc can thiệp phát triển ngôn ngữ cho trẻ cần kết hợp giữa nhiều phương pháp để có kết quả tốt nhất.

Điều trị theo nguyên nhân

Giải quyết nguyên nhân là yếu tố quan trọng hàng đầu để biết tình trạng chậm phát triển ngôn ngữ ở trẻ có thể điều trị được hay không. Chẳng hạn nếu việc trẻ tiếp nhận ngôn ngữ kém do có liên quan đến tự kỷ hay chậm phát triển trí tuệ thì hầu như không có biện pháp nào có thể điều trị hoàn toàn. Các biện pháp hiện tại chỉ nhằm cải thiện một phần nào hoạt động não bộ chứ không thể chữa lành hoàn toàn.

Trẻ chậm phát triển ngôn ngữ
Nếu liên quan đến các tổn thương thính giác thì cần phải thực hiện phẫu thuật hoặc đeo máy trợ thính để hỗ trợ khả năng nghe

Tuy nhiên nếu trẻ chậm tiếp nhận ngôn ngữ là do tổn thương thính giác thì có thể thông qua phẫu thuật để phục hồi các tổn thương tại đây. Trẻ khi nghe được sẽ bắt đầu nhận thức, tiếp thu và học ngôn ngữ nhanh chóng, bắt kịp với tốc độ của bạn bè đồng trang lứa. Với trường hợp xấu nhất là trẻ bị điếc, nếu không thể điều trị trước 5 tuổi thì cần lựa chọn phương án cuối là dùng máy trợ thính.

Trị liệu phát triển ngôn ngữ

Trẻ do có thể nói được, phát âm được nên cần phải tăng cường các hoạt động trị liệu để phát triển ngôn ngữ và nhận thức cho con. Với nhóm trẻ đặc biệt như trẻ tự kỷ, trẻ chậm phát triển trí tuệ thì quá trình này cần được thực hiện càng sớm càng tốt, thích hợp nhất là từ giai đoạn 2 tuổi. Trẻ được tiếp nhận ngôn ngữ sớm sẽ dễ dàng tiếp cận với thế giới, hỗ trợ quá trình phát triển nhận thức và trí não.

Các liệu pháp trị liệu ngôn ngữ cá nhân cho trẻ chậm phát triển ngôn ngữ thường chỉ được thực hiện 1-1 bởi tình trạng, mức độ nhận thức của mỗi trẻ sẽ là khác nhau. Trẻ chậm tiếp thu ngôn ngữ do tự kỷ sẽ học tập chậm hơn trẻ có vốn từ vựng ít ỏi dô thiếu tương tác với cha mẹ, do đó bác sĩ và các chuyên gia cần phải xây dựng lộ trình phục hợp với từng trẻ.

Ngữ âm trị liệu cho nhóm trẻ này còn được tăng cường thông các liệu pháp từ âm nhạc, trò chơi, cần phải sử dụng các công cụ sinh động để trẻ dễ hiểu, dễ ghi nhớ. Trẻ được phát triển ngôn ngữ song song với việc tăng cường hoạt động giao tiếp, nhận thức, các kỹ năng cần thiết khác để con nhanh chóng bắt kịp bạn bè đồng trang lứa.

Tuy nhiên với các nhóm trẻ đặc biệt, các liệu pháp phát triển ngôn ngữ này cũng chỉ khắc phục được một phần nhỏ các khiếm khuyết của con. Thời gian để trẻ có thể tăng cường ngôn ngữ, lời nói hay giao tiếp là rất dài, thậm chí kéo dài đến suốt đời nhưng vẫn cực kỳ cần thiết để hỗ trợ cho cuộc sống của trẻ ở cả hiện tại lẫn tương lai.

Gia đình cũng có thể đưa trẻ bị chậm phát triển ngôn ngữ đến các trung tâm giáo dục chuyên biệt để có các giáo viên, chuyên gia thực hiện can thiệp có hiệu quả. Trẻ cần được học tập, tăng cường vốn từ trước khi đến trường hay tham gia vào các hoạt động cộng đồng bình thường để tránh trường hợp con không thể hòa nhập do không hiểu người khác nói gì và bị cô lập.

Tăng cường các hoạt động tương tác phát triển ngôn ngữ

Thực tế với các yếu tố khiến trẻ chậm phát triển ngôn ngữ do ảnh hưởng bởi môi trường sống, gia đình thiếu sự quan tâm thì hướng giải quyết không hề phức tạp. Chính các hoạt động trò chuyện, tương tác hằng ngày của cha mẹ với trẻ là tiền đề để con bắt đầu nhận thức và học được ngôn ngữ mà không cần phải điều trị chuyên môn.

Trẻ chậm phát triển ngôn ngữ
Gia đình nên cùng con tham gia các hoạt động tăng cường ngôn ngữ hằng ngày, chẳng hạn như đọc sách cho trẻ nghe

Một lưu ý là nếu trẻ trong độ tuổi khá lớn, chẳng hạn như 4- 5 tuổi có những bất thường về ngôn ngữ thì đôi khi chỉ can thiệp tại nhà thôi sẽ không hiệu quả bởi chính cha mẹ cũng không biết cách để tiếp cận với con. Do đó nên kết hợp với các liệu pháp can thiệp chuyên môn bởi bác sĩ và các chuyên gia để đẩy nhanh tiến độ và đi đúng hướng nhất.

Gia đình có thể làm rất nhiều cách để có thể giúp trẻ phát triển ngôn ngữ nhanh chóng và hiệu quả hơn. Chẳng hạn

  • Trò chuyện với trẻ hằng ngày là cách đơn giản nhất phụ huynh cần phải làm ngay. Các chuyên gia cho biết, ngay từ thời điểm mang thai, cha mẹ đã nên bắt đầu việc trò chuyện, kể chuyện, tương tác với con. Điều này không chỉ giúp trẻ gia tăng mối liên kết về mặt tình cảm mà còn giúp trẻ phát triển nhận thức, ngôn ngữ ngay từ khi còn trong bụng mẹ.
  • Tăng cường ngôn ngữ và nhận thức cho trẻ nên bắt đầu từ những thứ quen thuộc và đơn giản nhất. Chẳng hạn như tên của con, tên của cha mẹ, tên của các bộ phận trên cơ thể, tên của những đồ vật quanh nhà, tên của những con vật nhà nuôi.. Đừng quá vội vàng dạy trẻ những thứ quá xa vời vì con sẽ khó ghi nhớ và tiếp cận được
  • Tạo tình huống để kích thích trẻ nói chuyện, tương tác, sử dụng ngôn ngữ đúng cách. Chẳng hạn khi bé cần yêu cầu một điều gì đó thì cha mẹ không nên thực hiện ngay mà đợi đến khi con nói ra thì mới làm.
  • Đọc sách truyện cũng là cách tăng cường vốn từ cho trẻ chậm phát triển ngôn ngữ hiệu quả. Phụ huynh nên chú ý chọn những nội dung đơn giản, có hình ảnh sinh động để giúp trẻ hiểu nội dung, từ đó sẽ tăng cường nhận thức và vốn từ một cách tự nhiên
  • Cho trẻ nghe nhạc cũng là một cách vừa tăng cường ngôn ngữ, vừa giúp tinh thần con thoải mái để học tập có hiệu quả hơn
  •  Trẻ chậm phát triển ngôn ngữ nên tránh xa việc xem điện thoại, máy tính hay xem các chương trình truyền hình, thay vào đó hãy dành thời gian để tương tác hay đưa con ra ngoài chơi nhiều hơn
  • Tăng cường cả ngôn ngữ và khả năng tương tác cho trẻ thông qua  việc đưa trẻ ra ngoài, đến các khu vui chơi phù hợp với lứa tuổi. Do rào cản về ngôn ngữ nên nhóm trẻ này hầu như cảm thấy cô đơn, khó giao tiếp, do đó việc đưa trẻ đến gặp gỡ các bạn bè cùng trang lứa có thể tạo cho con cảm giác muốn kết bạn và muốn trò chuyện nhiều hơn
  • Luôn tạo không gian vui chơi, học tập nhẹ nhàng, thoải mái, tích cực cho trẻ. Cha mẹ nên dùng những từ ngữ đơn giản, ngắn gọn, dễ hiểu khi trò chuyện hay muốn dạy trẻ học. Tuyệt đối không được có thái độ khó chịu, cáu gắt, lớn tiếng có thể khiến con có cảm giác sợ hãi và không muốn tiếp tục trò chuyện, tương tác với cha mẹ
  • Trao đổi trực tiếp với bác sĩ, chuyên gia để biết cách giáo dục, hỗ trợ con tốt nhất

Trẻ chậm phát triển ngôn ngữ có liên quan đến rất nhiều nguyên nhân mà chính cha mẹ cũng không ngờ tới. Bất cứ yếu tố nhỏ nào cũng có thể liên quan đến quá trình phát triển của trẻ nên gia đình cần theo dõi các biểu hiện của con trong từng giai đoạn để sớm phát hiện các biểu hiện bất thường và có hướng can thiệp phù nhanh chóng nhất, từ đó trẻ phát triển toàn diện về mọi mặt.

Có thể bạn quan tâm:

5/5 - (1 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *