Thực trạng stress ở sinh viên: Nguyên nhân và cách khắc phục
Stress ở sinh viên có thể bắt nguồn từ áp lực học tập, các vấn đề tài chính, khó hòa nhập với môi trường mới, mâu thuẫn trong các mối quan hệ,… Nếu không biết cách kiểm soát, căng thẳng có thể kéo dài khiến sức khỏe bị ảnh hưởng và thành tích học tập giảm sút.
Thực trạng stress ở sinh viên hiện nay
Stress (căng thẳng) là trạng thái tâm lý xảy ra khi cơ thể phải đối mặt với áp lực, vấn đề khó khăn hoặc những sự kiện gây tổn thương tâm lý. Ngày nay, stress được xem là một phần tất yếu của cuộc sống. Cả trẻ em và người lớn đều có thể bị căng thẳng, trong đó người trẻ tuổi là nhóm đối tượng có nguy cơ cao nhất.
Stress ở sinh viên là tình trạng rất phổ biến. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khoảng 25% dân số gặp phải tình trạng này. Mặc dù chưa có thống kê về thực trạng stress trên cộng đồng nhưng đã có không ít nghiên cứu được thực hiện ở các nhóm đối tượng cụ thể bao gồm nhân viên văn phòng, học sinh và sinh viên.
Nghiên cứu được thực hiên vào năm 2011 tại Trường Đại học Y Dược TPHCM cho thấy, 11% trên tổng số 252 sinh viên y khoa năm thứ 4 có biểu hiện stress nặng. Sau đó, các nghiên cứu tương tự cũng được thực hiện cho thấy tỷ lệ sinh viên bị stress dao động từ 22.8 – 71.4%, đặc biệt là sinh viên ngành y.
Trên thực tế, stress không hẳn lúc nào cũng gây ra tác động tiêu cực. Tuy nhiên, căng thẳng kéo dài chính là nguồn cơn của nhiều vấn đề tâm lý, tâm thần như rối loạn lo âu, trầm cảm, các rối loạn liên quan đến stress và gia tăng nguy cơ mắc các bệnh lý thể chất. Đối với sinh viên, căng thẳng thần kinh còn ảnh hưởng đến thành tích học tập và gia tăng tỷ lệ bỏ học, thất nghiệp trong tương lai.
Nguyên nhân gây stress ở sinh viên
Stress ở sinh viên có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng thường có liên quan đến việc học, các mối quan hệ và vấn đề tài chính. Ngoài ra, tính cách nhút nhát, tự ti, thiếu kỹ năng giao tiếp và kinh nghiệm sống cũng là những yếu tố gia tăng căng thẳng thần kinh.
Các nguyên nhân thường gây stress ở sinh viên:
1. Áp lực từ việc học
Áp lực từ việc học là nguyên nhân hàng đầu gây stress ở học sinh và sinh viên. Thực tế, chương trình học ở nước ta tương đối nặng vì quá chú trọng đến lý thuyết. Do đó, sinh viên thường mất nhiều thời gian để đọc hiểu và học thuộc các khái niệm, nguyên lý trước khi thực hành. Tình trạng này khiến cho sinh viên mất nhiều thời gian cho việc học, không có thời gian để nghỉ ngơi và trau dồi các kỹ năng cần thiết khác.
Thực tế cho thấy, sinh viên y dược là nhóm đối tượng có nguy cơ bị stress cao nhất. Bởi so với các chuyên ngành khác, y dược là chuyên ngành có chương trình học rất nặng, đòi hòi sinh viên phải nắm rõ lý thuyết và thực hành thường xuyên.
Song song với chương trình đào tạo tại trường, sinh viên phải dành thời gian để thực hành tại các cơ sở y tế. Vào cuối kỳ, sinh viên còn phải đối mặt với tiểu luận, khóa luận, đồ án,… nên việc căng thẳng (stress) là điều không thể tránh khỏi.
2. Do vấn đề tài chính
Đa phần sinh viên đều sống xa gia đình và phải tự quản lý chi tiêu. Đối với những gia đình không có điều kiện, chi phí học tập và sinh hoạt tại các thành phố lớn thật sự là “bài toán khó”. Vì vậy ngoài thời gian học, không ít sinh viên phải làm thêm ngoài giờ để trang trải cuộc sống. Hơn nữa, một số sinh viên còn phải kiếm tiền để tự trang trải học phí, nơi ở, chi phí đi lại, ăn uống,…
Ngoài ra, không ít sinh viên cũng gặp phải các vấn đề tài chính do chi tiêu không hợp lý, đua đòi,… Nếu không biết cách cân đối, nhiều người phải đối mặt với khoản nợ lớn. Do đó ngoài áp lực từ việc học, vấn đề tài chính cũng là nguyên nhân thường gặp gây ra tình trạng stress ở sinh viên.
3. Do khó thích nghi với môi trường mới
So với cấp 3, môi trường đại học có khá nhiều điểm khác biệt. Vì vậy, sinh viên năm nhất thường mất nhiều thời gian để thích nghi và hòa nhập. Thực tế, những người có tính cách hoạt bát, năng nổ và kỹ năng giao tiếp tốt chỉ mất một thời gian ngắn để hòa nhập với mọi người.
Trong khi đó, người có tính cách nhút nhát, hướng nội, thiếu kinh nghiệm sống và kỹ năng giao tiếp kém có thể gặp khó khăn trong việc hòa nhập. Ở môi trường đại học, sinh viên cần phải chủ động cập nhật thông tin để nắm rõ lịch học, các chương trình của khoa và đoàn hội. Vì vậy, tình trạng khó thích nghi và ít các mối quan hệ có thể khiến sinh viên gặp phải nhiều phiền toái trong thời gian đầu.
4. Do ngành học không phù hợp
Thực tế, rất nhiều sinh viên chọn ngành theo mong muốn của gia đình hoặc chọn tùy ý theo năng lực mà không biết thực sự mình thích gì. Ngoài ra, cũng có không ít sinh viên nhận ra ngành học thực tế không như mong đợi. Những trường hợp này rất dễ bị stress do không tìm được sự hào hứng trong việc học và luôn cảm thấy mệt mỏi, chán nản.
Đối với những sinh viên chọn ngành không phù hợp, tỷ lệ bỏ học là rất cao. Tuy nhiên, không phải ai cũng có đủ nghị lực và tài chính để thi lại. Rất nhiều sinh viên quyết định nghỉ học để thử các công việc khác nhau. Nhưng với năng lực hạn chế và kỹ năng còn yếu kém, rất ít sinh viên tìm được công việc ổn định để phát triển.
5. Mâu thuẫn trong các mối quan hệ
So với học sinh, đời sống sinh viên phức tạp hơn do phải sống chung với bạn bè thay vì với gia đình. Hơn nữa, khoảng thời gian đại học cũng là giai đoạn lý tưởng để yêu đương. Tuy nhiên ở giai đoạn này, cả hai đều chưa ổn định về tài chính và chưa có đủ kinh nghiệm sống nên rất dễ phát sinh mâu thuẫn.
Cảm xúc tiêu cực trong tình yêu và các mối quan hệ bạn bè, đồng nghiệp khiến không ít sinh viên bị stress. Ngoài những mối quan hệ trên, mâu thuẫn cũng có thể phát sinh trong quá trình học tập, làm việc nhóm. Vì không có gia đình ở bên cạnh nên không ít sinh viên phải tự mình đối mặt với stress mà không có người để chia sẻ, thấu hiểu.
Biểu hiện stress ở sinh viên
Stress thực chất là phản ứng của cơ thể khi đối mặt với áp lực, những vấn đề khó khăn và các sự kiện không mong muốn xảy ra trong cuộc sống. Ngay khi đối mặt với stress, não bộ sẽ truyền tín hiệu đến các cơ quan trong cơ thể. Do đó, stress không chỉ ảnh hưởng đến cảm xúc mà còn biểu lộ qua thể chất và hành vi.
Stress ở sinh viên thường có những biểu hiện như:
- Tâm trạng nhạy cảm và không ổn định. Khi bị stress, tính tình thường trở nên khó chịu, dễ cáu gắt, bực dọc, lo âu, thiếu kiên nhẫn,…
- Thường thiếu hứng thú với các hoạt động, chán nản và uể oải khi học tập
- Mất phương hướng, giảm khả năng tập trung, suy giảm trí nhớ,…
- Có cái nhìn tiêu cực, bi quan
- Thường xuyên mất ngủ, khó ngủ, gặp ác mộng, ngủ chập chờn và dễ thức giấc,…
- Thay đổi thói quen ăn uống (ăn quá nhiều hoặc chán ăn)
- Tâm trạng luôn lo lắng, bồn chồn,…
- Một số sinh viên sử dụng rượu bia, thuốc lá để giải tỏa căng thẳng
- Stress còn gây ra các triệu chứng thể chất như đau đầu, nhức mỏi, chóng mặt, cơ thể uể oải, giảm năng lượng, đau dạ dày, chướng bụng, tiêu hóa kém,…
Biểu hiện của stress ở sinh viên tương đối đa dạng tùy theo mức độ căng thẳng. Ngoài các biểu hiện trên, một số sinh viên cũng có thể xuất hiện các triệu chứng stress nặng như đau đầu, tâm trạng lo lắng, buồn bã, bồn chồn, bất an, kích động, gặp ác mộng thường xuyên, khó kiểm soát hành vi và cảm xúc.
Hậu quả của stress đối với sinh viên
Stress xảy ra trong thời gian ngắn hầu như không ảnh hưởng đến sức khỏe. Thậm chí, căng thẳng thần kinh còn giúp nâng cao khả năng tập trung, tạo nguồn năng lượng dồi dào và động lực giúp sinh viên nỗ lực học tập, làm việc để chuẩn bị tốt cho tương lai. Thực tế, có không ít người chỉ tập trung cao độ khi phải đối mặt với áp lực.
Tuy nhiên, căng thẳng kéo dài thật sự là vấn đề lớn đối với sinh viên. Sinh viên có kinh nghiệm sống khá hạn chế và tài chính chưa thật sự thoải mái nên stress có thể kéo dài trong nhiều tuần đến nhiều tháng. Nếu không có biện pháp khắc phục, stress có thể gây ra không ít ảnh hưởng như:
- Thành tích kém do thiếu tập trung khi học tập, cơ thể mệt mỏi, uể oải,…
- Dễ phát sinh mâu thuẫn với bạn bè, người yêu và đồng nghiệp do khó kiểm soát cảm xúc và hành vi
- Có thể phải đối mặt với nhiều vấn đề tâm lý như trầm cảm, rối loạn lo âu,…
- Stress kéo dài cũng gia tăng nguy cơ mắc các bệnh lý khác như viêm loét dạ dày tá tràng, rối loạn giấc ngủ, cao huyết áp, thiếu máu não, rối loạn tiền đình,… Với những người có cơ địa dị ứng, căng thẳng làm bùng phát hen suyễn, viêm da cơ địa và một số bệnh lý khác.
Ngoài những ảnh hưởng trên, stress ở sinh viên còn gia tăng tỷ lệ sử dụng rượu bia, thuốc lá,… Thực tế, không ít sinh viên lựa chọn lối sống phóng túng, buông thả để giải tỏa bản thân khỏi những áp lực của cuộc sống. Tuy nhiên, rất nhiều sinh viên không thể từ bỏ lối sống này dẫn đến nhiều hệ lụy như bỏ học, tham gia tệ nạn xã hội, năng lực kém, không thể cạnh tranh khi tìm kiếm việc làm và dần trở thành gánh nặng của gia đình, xã hội.
Cách khắc phục stress ở sinh viên
Stress ở sinh viên thực sự là vấn đề lớn nếu không biết cách kiểm soát và giải tỏa. Nếu phải đối mặt với nhiều sang chấn tâm lý, stress có thể là nguồn cơn của trầm cảm, rối loạn lo âu và nhiều vấn đề tâm lý khác. Chính vì vậy, bên cạnh các kỹ năng cần thiết, sinh viên cũng cần biết cách giải tỏa stress để giữ cho bản thân sức khỏe thể chất và tinh thần tốt nhất.
Các biện pháp khắc phục stress sinh viên có thể áp dụng:
1. Kết bạn và mở rộng mối quan hệ
Khi bước vào môi trường đại học, việc có nhiều mối quan hệ sẽ hỗ trợ bạn rất nhiều trong quá trình học tập và sinh sống. Thay vì tự ti, nên cố gắng mở lòng và chủ động trò chuyện với những người xung quanh. Hãy bắt đầu bằng những câu hỏi đơn giản về tên tuổi, quê quán,… để có thể dễ dàng tạo mối quan hệ.
Tuy nhiên, bạn chỉ nên duy trì các mối quan hệ này ở mức vừa phải và tìm hiểu kỹ lưỡng trước khi kết thân. Thực tế, việc dễ dãi trong kết bạn đôi khi cũng là nguồn cơn dẫn đến nhiều vấn đề trong cuộc sống. Chọn cho mình những người bạn thân tốt bụng, hòa hợp về tính cách sẽ giúp bạn có chỗ dựa tinh thần và trải qua quãng đời sinh viên một cách đáng nhớ.
2. Loại bỏ mối quan hệ “độc hại”
Stress ở sinh viên cũng có thể bắt nguồn từ các mối quan hệ “độc hại”. Mối quan hệ “độc hại” là cách gọi các mối quan hệ chỉ mang lại những cảm xúc tiêu cực và chỉ có bản thân là người nỗ lực, đồng cảm, chia sẻ,… Trong khi người còn lại không quan tâm hay chú ý đến cảm xúc của bạn.
Thực tế, dạng mối quan hệ này có thể gặp ở cả bạn bè, đồng nghiệp và cả mối quan hệ yêu đương. Nếu nhận thấy đối phương có biểu hiện bất thường, bạn nên chủ động kết thúc để bắt đầu các mối quan hệ lành mạnh hơn. Việc “thanh lọc” các mối quan hệ “độc hại” sẽ giúp tâm trạng trở nên nhẹ nhàng và có thể giảm thiểu stress, phiền muộn trong cuộc sống.
3. Lên kế hoạch học tập khoa học
Khác với khi còn là học sinh, đại học yêu cầu các bạn sinh viên sự chủ động trong học tập. Do đó, bạn cần phải chủ động trao đổi với giảng viên nếu có vướng mắc về bài học và tự tìm tòi, nghiên cứu thêm tài liệu để hiểu sâu hơn về bài giảng cũng như áp dụng vào thực tế một cách có hiệu quả.
Ngoài ra, cần lên kế hoạch học tập khoa học để có thể hoàn thành tốt tiểu luận, khóa luận và đồ án. Thông thường, các môn học sẽ có thời gian kết thúc chênh lệch khoảng vài tuần. Vì vậy khi kết thúc môn học, bạn nên dành thời gian để nghiên cứu và học thuộc các kiến thức cơ bản. Điều này sẽ giúp bạn nắm chắc bài học và dễ dàng vượt qua kỳ thi thay vì học dồn dập các môn chỉ trong một thời gian ngắn.
Như vậy có thể thấy rằng, việc lên kế hoạch học tập của sinh viên là điều vô cùng quan trọng. Nó sẽ giúp bạn học tập, làm việc và sinh hoạt đạt hiệu quả cao nhất. Không những vậy với bản kế hoạch học tập cũng dễ truyền cảm hứng, mang đến động lực và thúc đẩy tính tự giác trong bạn.
4. Chi tiêu hợp lý
Bên cạnh việc học, sinh viên cũng cần học cách quản lý chi tiêu hợp lý để hạn chế những vấn đề liên quan đến tài chính. Đầu tiên, cần chuẩn bị số tiền cho những vấn đề cần thiết như tiền trọ, xăng xe, chi phí mua sách, vở và đồ dùng học tập. Sau đó, cân đối tiền cho các chi tiêu hằng ngày.
Nếu có làm thêm ngoài giờ, bạn cần có khoản tiết kiệm nhỏ để sử dụng khi có vấn đề phát sinh. Thực tế, việc chủ động về tài chính sẽ giúp bạn giảm thiểu nhiều vấn đề trong cuộc sống và hạn chế stress đáng kể.
5. Cân nhắc “gap-year”
Gap-year là khoảng thời gian “dừng lại” một cách chủ động giữa quá trình học tập và làm việc. Nhiều người quyết định gap-year để tìm ra thứ mình thật sự yêu thích, xác định được định hướng trong tương lai hay chỉ đơn giản là muốn dành thời gian để trải nghiệm cuộc sống.
Đối với sinh viên đại học, gap-year là lựa chọn đáng cân nhắc nếu bạn cảm thấy hoài nghi về ngành học, nghề nghiệp trong tương lai, không thể theo kịp tiến độ học,… Ngoài ra, không ít sinh viên lựa chọn gap-year để chuẩn bị tài chính cho những năm học tiếp theo bởi học phí đại học thật sự là con số không hề nhỏ.
Nếu bạn cảm thấy quá stress, nên cân nhắc gap-year để hiểu hơn về sở thích và định hướng của bản thân. Trong khoảng thời gian này, nên thử nhiều công việc để xác định được bản thân thích gì, học hỏi thêm các kỹ năng mềm và tăng thêm thu nhập. Nếu dư dả về tài chính, có thể học thêm ngoại ngữ, tin học hoặc có thể tham gia các khóa học chuyên ngành để nâng cao năng lực.
6. Xây dựng lối sống lành mạnh
Stress, mệt mỏi ở sinh viên có thể bắt nguồn từ lối sống thiếu khoa học. Thực tế cho thấy, rất nhiều sinh viên có thói quen thức khuya, ít tập thể dục và ăn uống tạm bợ. Những thói quen này không chỉ gia tăng nguy cơ bị stress mà còn gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe thể chất.
Do đó, bên cạnh những biện pháp trên, bạn cũng cần xây dựng lối sống lành mạnh để hạn chế căng thẳng. Trước tiên, cần phải cân đối thời gian học tập – làm việc để ngủ đủ giấc, có thời gian nghỉ ngơi và tập thể dục thể thao. Ngoài ra, cần có chế độ ăn lành mạnh, hạn chế sử dụng rượu bia, thuốc lá và các món ăn chế biến sẵn.
7. Tham vấn tâm lý
Nếu không thể kiểm soát stress, bạn nên cân nhắc tham vấn tâm lý. Hiện nay, một số trường đại học có phòng tư vấn tâm lý để hỗ trợ sinh viên vượt qua những khó khăn và học cách giải quyết các vấn đề trong cuộc sống. Ngoài ra, bạn cũng có thể tìm đến các bệnh viện/ phòng khám nếu cần thiết.
Tư vấn hay tham vấn tâm lý là phương pháp giúp giải tỏa cảm xúc, giúp bạn biết cách kiểm soát stress, nhìn nhận và đánh giá khách quan những vấn đề đang gặp phải. Bên cạnh đó, bạn có thể tham gia các khóa học để rèn luyện kỹ năng sống, từ đó có thể dễ dàng hơn khi kết bạn và hòa nhập với mọi người xung quanh.
Stress ở sinh viên là tình trạng khó có thể tránh khỏi, đặc biệt là vào thời điểm thi cử. Hy vọng qua bài viết, bạn đọc đã hiểu rõ hơn về nguyên nhân và cách giải tỏa căng thẳng hiệu quả. Nếu cần thiết, nên tìm kiếm sự giúp đỡ từ gia đình hoặc các chuyên gia tâm lý.
Tham khảo thêm:
- Căng thẳng mệt mỏi kéo dài có nguy hiểm không? Khắc phục thế nào?
- 17 Cách giảm stress, căng thẳng nhanh chóng hiệu quả
Em là người ở quê lên thành phố học đại học, thực sự lên thành phố thấy nhiều điều choáng ngợp. Cùng mức tháng điểm đầu vào nhưng sao có những bạn giỏi vậy, tự tin vậy, cái gì cũng biết, khả năng tự lập của họ cũng rất tốt. rồi tự mình thấy mình thật yếu kém
Chị nghĩ là em chưa nhìn vào những điểm mạnh của bản thân thôi, mỗi người đều có điểm mạnh riêng mà, đồng ý là các bạn ở thành phố có môi trường học tập tốt hơn ở quê nhưng ko có nghĩa là họ hơn mình về tất cả mọi mặt, và bản thân mình nếu muốn cũng có thể học được hết mà. Sinh viên ở tỉnh sau khi ra trường đi làm có kém gì sinh viên gốc thành phố đâu.
Thực sự em muốn học thiết kế nhưng ba mẹ không cho, bảo vẽ vời không có tiềm năng, ko kiếm ra nhiều tiền, rồi bắt đi học kinh tế, chán thực sự, học kỳ đầu thi lại 6 môn, chật vật mãi mới qua, thực sự ko muốn học nữa
Bạn có thể học song song với các khóa học thiết kế cũng được mà, hãy theo đuổi đam mê của mình đi
Cho em hỏi chi phí tham vấn tâm lý khoảng bao nhiêu ạ
Có số đt kìa, gọi hỏi luôn xem sao
Chi phí tham vấn tâm lý ở Trung tâm NHC là 500k đấy
Tham vấn tâm lý có tác dụng gì vậy bạn?
Để kiểm tra sức khỏe tâm thần xem có vấn đề gì không bạn ạ
Đã ai tham vấn tâm lý với trị liệu bên NHC chưa, có uy tín không. Tôi có em học đại học năm 2 có nhiều dấu hiệu của trầm cảm rồi
Bên này uy tín đấy bạn, mình thấy lên cả VTV2
Đồng nghiệp của tôi có con bị trầm cảm cũng đang trị liệu ở nhc, thấy chị bảo là hiệu quả tốt, bạn đưa em qua tham vấn thử xem, phí tham vấn cũng rẻ thôi
Bị stress thì nghe nhạc, giải trí, đi chơi với bạn bè vui vẻ là hết mà
Phương pháp của bạn chỉ áp dụng cho stress nhẹ thôi, stress nặng, áp lực lớn, hoặc bị trầm cảm rồi thì phải điều trị mới khỏi
Bạn tôi từ khi chia tay người yêu đến giờ có nhiều biểu hiện bất thường. Bạn ấy khóc nhiều, im lặng nhiều ngày rồi, bỏ học suốt. Hôm trước mình còn phát hiện bạn ấy uống thuốc ngủ, phải gọi người đưa đi rửa ruột. Như vậy có phải biểu hiện của trầm cảm không vậy
Chắc là bị sang chấn tâm lý, bạn khuyên bạn ấy nên đi gặp chuyên gia tâm lý đi
Nếu đã có ý định tự tử thì nên đưa bạn ấy đi gặp chuyên gia tâm lý sớm bạn ạ
Bạn tôi từ khi lên hà nội học bị nghiện mua sắm, nghiện shopee, trung bình một ngày bạn ấy phải nhận hàng đến 3 lần liền, thường xuyên vay tiền của bạn bè để mua sắm. Sau mọi người biết không cho vay thì bạn ấy vay nặng lãi để mua sắm. Mặc dù đã khuyên bảo rất nhiều lần nhưng bạn ấy vẫn không nghe. Nợ của bạn ấy hiện tại đã rất nhiều và bạn ấy bắt đầu rơi vào tình trạng khủng hoảng, có lúc bảo với tôi là muốn đi chết. Tôi định nsoi chuyện với bố mẹ bạn ấy, như vậy có nên không
Nhiều người bình thường ở nhà với bố mẹ bị cấm đoán nhiều, ko được tiên tiền bao giờ, lên hà nội thấy cái gì hay cũng muốn mua, bị cuốn vào mua sắm, ăn chơi, chơi game ko dứt ra được. Tôi nghĩ bạn nên nói chuyện với bố mẹ bạn ấy, thứ nhất là để trả nợ cho con, thứ 2 là để đưa bạn ấy đến chuyên gia tâm lý, nghe bạn kể thì hình như bạn ấy cũng đang bị khủng hoảng tâm lý.
Đúng đấy bạn, bạn nên nói chuyện với bố mẹ bạn ấy nhé
Tôi không thích học ngành mà bố mẹ tôi bắt học, tôi thích học lập trình nhưng bố mẹ không cho. Học ở một ngôi trường mà mình không thích khiến cho tôi chán ghét mọi thứ, tôi không thích kết giao với bạn bè, ko tham gia bất kỳ một hoạt động tập thể nào. Ban ngày tôi bỏ học đi đánh game, đêm đêm đi uống rượu với bạn bè. Chuyện này đã diễn ra được một thời gian khá dài rồi tôi mới nhận ra là mình đang sa ngã. Tôi muốn thay đổi, tôi muốn đi làm kiếm tiền học thêm nghề tôi thích. nhưng không làm thế nào để từ bỏ được những thói quen xấu. Tôi phải làm sao?
Lập mục tiêu và lên kế hoạch để thực hiện dần dần bạn ạ
Tôi nghĩ nếu bạn có một công việc làm thêm đủ bận rộn, bạn sẽ không còn thời gian để đi chơi với bạn bè hay chơi game nữa
Giống tôi, tôi đã có một thời gian sa ngã vì bị bố mẹ ép buộc phải làm thế này, phải làm thế kia…
Trước khi lên đại học, mình sống khá nhút nhát và thường dựa dẫm vào bố mẹ. Nhưng khi lên đại học rồi, mình phải tự làm mọi thứ, tự chi tiêu, tự học tập, tự kết bạn. Nhưng nhìn bạn bè của mình rất tự tin và năng nổ, họ không chỉ học tốt mà con biết rất nhiều thứ. Tôi thấy mình rất kém cỏi và thiếu tự tin lắm
Tôi bị stress vì không tìm được bạn ở ghép ưng ý. Tính tôi sạch sẽ quá, các bạn ấy không chịu được, cứ ở được khoảng 1 tháng là các bạn ấy chuyển đi. Tiền bố mẹ đưa cho tôi không đủ để trang trải hết được tiền nhà trọ
Bạn có thể đi làm để kiếm thêm tiền trả tiền nhà để ở một mình hoặc là tập sống chung với lũ đi, sinh viên có mấy đứa sạch sẽ, kỹ tính quá đâu
Bạn muốn sạch sẽ mà lại muốn có bạn ở cùng thì phải chấp nhận người ta ở bẩn ở một mức độ nào đó thôi
Bạn cùng phòng với tôi đợt này hình như bị stress, trầm cảm hay sao ấy, bạn ấy cứ ở nhà một mình, rủ đi đâu cũng không đi, cứ lầm lì ít nói, đêm thì không ngủ được, lúc thì khóc, lúc thì nằm xem phim cả đêm
Bảo bạn ấy đi khám hoặc đi tham vấn tâm lý xem
Bài viết quá là hay và hữu ích ạ. Cám ơn những chia sẻ của tác giả.
Mong thật có nhiều bài viết dành cho sinh viên nữa ạ.