Cha mẹ nuông chiều con cái: Nguyên nhân của nhiều hệ lụy xấu

Cha mẹ nuông chiều con cái không đúng cách sẽ làm con có nhiều tư tưởng sai lệch, luôn ỉ i vào gia đình, cho rằng bản thân là “trung tâm của vũ trụ” và muốn những người xung quanh cũng phải cung phụng mình như vậy. Không ít đứa trẻ trở nên “lầm đường lạc lối”, không biết cách ứng xử phù hợp, khó tự lập khi trưởng thành chính bởi sự bảo bọc, yêu thương quá mức từ cha mẹ.

Biểu hiện cha mẹ nuông chiều con cái

Phong cách giáo dục từ gia đình là yếu tố quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến tính cách, nhận thức, suy nghĩ của một đứa trẻ ngay từ khi chào đời. Chẳng hạn có thể thấy nếu người cha có xu hướng gia trưởng thì người con gái sẽ có xu hướng nhẫn nhịn, luôn hạ thấp vai trò của mình sau khi lấy chồng. Ngược lại nếu cha mẹ có tính cách hiền lành, thoải mái thì những người con thường rất phóng khoáng.

cha mẹ nuông chiều con cái
Cha mẹ nuông chiều con cái quá mức nhưng sai cách có thể khiến trẻ hư rất nhiều

Theo các chuyên gia, có thể chia phong cách giáo dục của phụ huynh thành 4 nhóm bao gồm Permissive parenting (nuông chiều, dễ dãi);  Authoritarian parenting (độc đoán, cứng nhắc); Uninvolved parenting (thờ ơ, vô tâm) và Authoritative style (uy tín, quyết đoán). Trong đó phong cách Permissive parenting – cha mẹ nuông chiều con cái quá mức đang là một trong những vấn đề gây ra rất nhiều tranh cãi.

Thực tế bất cứ cha mẹ nào mà không yêu thương, không muốn nuông chiều con cái, không muốn dành cho con những điều tốt nhất. Tuy nhiên yêu thương, chiều chuộng không đồng nghĩa với việc luôn đáp ứng tất cả các yêu cầu của con, cho dù điều đó là vô lý và quá sức. Nuông chiều không có điểm dừng có thể gây ra những hệ lụy tiêu cực cho cả cha mẹ và con cái.

Một số biểu hiện của cha mẹ nuông chiều con cái quá mức và sai cách như:

  • Biểu hiện tình cảm cho con mình ở tất cả mọi nơi, luôn dành như thứ tốt nhất cho con dù có vất vả như thế nào
  • Luôn khen ngợi con, cảm thấy con mình là nhất, là số 1
  • Đáp ứng vô điều kiện những yêu cầu, đề nghị của con, cho dù điều đó là vô lý hay quá sức
  • Luôn tin tưởng con, luôn cho rằng con mình đúng kể cả khi con đã có các hành vi, lời nói sai trái
  • Không bao giờ la mắng con hoặc nếu có vô tình lớn tiếng sẽ cảm thấy rất có lỗi và làm mọi thứ để bù đắp cho con
  • Cha mẹ nuông chiều con cái quá mức thường không bao giờ để con động tay vào làm việc nhà hay bất cứ việc gì khác vì “xót con”
  • Không bao giờ đặt ra giới hạn cho con, để con làm mọi thứ mình thích, kể cả khi điều đó là không phù hợp
  • Không bao giờ yêu cầu con làm điều gì hoặc khi muốn con làm điều gì sẽ lựa chọn cách năn nỉ, “nịnh nọt” con mặc dù đang giữ cương vị là cha mẹ
  • Sẵn sàng làm mọi thứ để bảo vệ con, kể cả khi điều đó là sai trái
  • Luôn cảm thấy con còn nhỏ chưa biết gì, coi mọi lỗi lầm của con đều là vô tình nên cần phải bao bọc con hết mức
  • Yêu cầu những người xung quanh cũng cần bảo vệ con như thế, không được phép làm tổn thương con trong mọi trường hợp
  • Luôn không an tâm khi con ra ngoài hay làm điều gì đó một mình, thậm chí có những trẻ khi học xa nhà cha mẹ cũng phải chuyển đi theo để bảo vệ con
  • Sẵn sàng chu cấp và đưa tiền bạc, làm mọi thứ cho con ngay cả khi con đã trưởng thành

ads chuyên gia tâm lý bùi thị hải yến tư vấn ngay

Thực tế nhiều người nhìn nhận rằng các hành vi như trên là rất bình thường bởi cha mẹ yêu thương, tin tưởng hay giúp con cái đạt ước nguyện là bình thường, là trách nhiệm. Tuy nhiên khi các họ thể hiện sai lầm, quá mức lại trở thành thành sai lầm không thể khắc phục được.

Chẳng hạn như có những gia đình dù không hề khá giả nhưng khi con đòi mua xe sang, mua điện thoại xịn vẫn đi khắp nơi vay mượn để mua cho con, để cho con vui. Hay có tranh cãi giữa những đứa trẻ nhưng người cha mẹ nuông chiều con cái quá mức đã tiến tới đánh đứa trẻ kia trong khi sự việc chưa rõ ràng và nguyên nhân xuất phát hoàn toàn từ đứa con yêu quý của họ.

Thậm chí có nhiều cha mẹ sẵn sàng làm hại hay hạ bệ người khác chỉ để cho con đạt được điều mà con muốn. Chẳng hạn như khi có bạn học đứng thứ nhất và con chỉ đứng thứ hai, phụ huynh có thể làm mọi cách để “đối thủ” của con bị điểm kém và giành lại ngôi vị cho con. Đây là cách cha mẹ nuông chiều con cái cực kỳ sai lầm và làm hại chứ không hề giúp trẻ.

Chuyện cha mẹ nuông chiều con cái quá mức thường xuất hiện ở những gia đình có con một, khó có con nên họ luôn muốn làm mọi cách để con được sung sướng nhất. Ngoài ra tình trạng này cũng xảy ra với những gia đình trọng nam khinh nữ, chỉ có một đứa con trai trong nhà là được hưởng tất cả mọi đặc quyền tốt nhất.

Vì sao những đứa trẻ được cha mẹ nuông chiều dễ hư hỏng?

Tất nhiên cần hiểu rằng, không phải tất cả các trường hợp cha mẹ nuông chiều con cái quá mức thì con cũng sinh hư. Tuy nhiên chính cha mẹ lại là người “tiêm nhiễm” vào bộ não non nớt của trẻ những suy nghĩ sai lệch về giá trị của bản thân chúng. Các tư tưởng, suy nghĩ này cứ lớn dần, ghim vào nhận thức của trẻ, khiến con luôn tự cho mình là “trung tâm vũ trụ”.

cha mẹ nuông chiều con cái
Trẻ biết được tầm quan trọng của bản thân với cha mẹ nên sẵn sàng chống đối, nghịch ngợm mà không sợ hậu quả

Nhận thức của một người đã được hình thành ngay từ khi mới chào đời. Những đứa trẻ hoàn toàn có thể ý thức được cha mẹ đã nuông chiều chúng như thế nào, cưng chiều ra sao nên sẽ có xu hướng từng bước lấn tới những thứ nghiêm trọng hơn. Chẳng hạn một đứa trẻ khi lấy trộm của cha mẹ 100K nhưng không bị la chúng bắt đầu lấy nhiều hơn, 200K, 500K rồi cả triệu.

Có thể nói rằng những đứa trẻ được cha mẹ quá yêu thương và cung phụng có thể “thao túng tinh thần” của cha mẹ chúng cực kỳ giỏi khi mà đã biết mình chính là điểm yếu của họ. Chẳng hạn khi muốn gì mà không đạt được chúng sẽ bỏ ăn vì biết rằng cha mẹ sẽ “xót” mình nên nhất định sẽ mua, thậm chí có những đứa trẻ còn “đòi sống, đòi chết” chỉ để bắt ép cha mẹ thực hiện theo điều mà chúng muốn.

Cha mẹ nuông chiều con cái khiến chúng sinh hư chính bởi các hành vi bao che, bảo bọc quá mức của mình. Khi một đứa trẻ hư, chúng cần bị phạt để nhìn nhận lỗi lầm để không tái phạm. Tuy nhiên nếu cha mẹ không chỉ không chỉ cho chúng biết sai ở đâu mà làm mọi cách để bảo vệ cho cái sai của chúng, làm mọi cách để biến tội lỗi của chúng thành một điều “có lý” thì chắc chắn chúng không thể sửa đổi được.

Mặt khác trong cách hành xử hằng ngày, cha mẹ vẫn luôn nói với con cái rằng con là số 1, con là đúng nhất, nuông chiều mọi yêu cầu của con cũng khiến chúng có những tư tưởng sai lệch. Khi chúng làm sai một lần nhưng vẫn được bỏ qua, vẫn được bảo vệ, không phải sửa chữa tội lỗi thì tự khắc dần dần chúng sẽ cho rằng bản thân mình chính là “nguyên tắc” và tất cả mọi người phải làm theo.

Thực tế việc cha mẹ nuông chiều con cái thì không phải hiếm nhưng cách học giáo dục con như thế nào. truyền bá tư tưởng ra sao mới là điều quyết định trẻ hư hay ngoan, phát triển theo chiều hướng xấu hay tốt. Có những đứa trẻ dì cha mẹ nuông chiều và dễ tính nhưng vẫn ngoan ngoãn, có những đứa trẻ dù ba mẹ nghiêm túc tuyệt vời nhưng vẫn nổi loạn và hư hỏng, điều này không phải chuyện hiếm thấy.

Những hệ lụy khi cha mẹ nuông chiều con cái sai cách

Cha mẹ nuông chiều con cái sai cách không chỉ gây ra hệ lụy cho bản thân trẻ mà còn do chính cha mẹ. Họ càng cố gắng khắc phục những sai lầm của mình lại càng khiến tích cách trẻ kích động, nổi loạn hơn vì không còn nhận được sự quan tâm chu cấp từ cha mẹ như trước. Mặt khác khi vốn đã luôn yêu thương con nên thường cha mẹ cũng không “nỡ” khiến con tổn thương.

Không thể tự lập

Nhiều cha mẹ nuông chiều con cái tới mức không muốn để con quét nhà, rửa chén, không cần làm bất cứ việc gì, chỉ cần chú tâm học hành và làm những điều con muốn. Điều này khiến trẻ bị thiếu các kỹ năng cơ bản và gặp rất nhiều khó khăn nếu cần phải sống tự lập khi trưởng thành hơn. Trẻ dễ trở nên khép mình, tự ti, dễ căng thẳng hơn khi thiếu vắng hình bóng của cha mẹ.

cha mẹ nuông chiều con cái
Nhiều trẻ dù đã lớn nhưng không thực hiện được các kỹ năng chăm sóc cá nhân cơ bản

Nhiều phụ huynh lo lắng đến mức khi con đã trưởng thành và đi học xa cũng cần phải sắp xếp đi theo con vì không an tâm. Trẻ luôn sống trong khoảng an toàn, phụ thuộc vào gia đình sẽ dễ cảm thấy lo lắng, căng thẳng khi có các tình huống bất ngờ trong đời sống. Hơn hết việc quá phụ thuộc vào gia đình, tin tưởng rằng luôn có cha mẹ phía sau hỗ trợ cũng không có ý chí, quyết tâm, nỗ lực trong cuộc sống.

Bởi cha mẹ nuông chiều con cái quá mức nên nhiều người ngay cả khi trưởng thành, đã đi làm nhưng vẫn không đủ tiêu mà phải xin thêm cha mẹ thường xuyên. Thiếu vắng cha mẹ khiến chúng cảm thấy thiếu thốn về tài chính, thiếu an toàn và gần như không thể độc lập. Một số người còn có xu hướng không đi làm và “ăn bám” hoàn toàn vào cha mẹ dù họ vốn đã già yếu.

Thiếu các kỹ năng xã hội

Cha mẹ nuông chiều con cái là nguyên nhân khiến rất nhiều đứa trẻ thiếu các kỹ năng xã hội, không biết cách ứng xử trong cuộc sống hằng ngày, không hiểu các phép tắc lễ nghĩa cơ bản mà luôn cho rằng mình chính là ” cái rốn của vũ trụ”. Bởi khi ở nhà cha mẹ đã quá cung phụng, quá nuông chiều chúng khiến những đứa trẻ này trở nên tự cao và cho rằng những người khác cũng cần đối xử với mình như thế.

Chẳng hạn trẻ có xu hướng không biết lắng nghe, không biết tôn trọng ý kiến của người khác, luôn nói chen lời, thiếu đi sự đồng cảm, thấu hiểu và luôn bắt người khác phải làm theo ý mình. Trẻ luôn muốn làm mọi thứ theo ý mình  kể cả khi bị người khác phản đối. Hay chơi trong một hội nhóm con cũng luôn tin rằng mình là nhóm trưởng, là người đứng đầu nên những người khác phải làm theo.

Thiếu vắng các kỹ năng xã hội có thể ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển tương lai của con và tác động tiêu cực đến các mối quan hệ xung quanh. Cha mẹ dù nuông chiều con cái nhưng không thể lúc nào cũng theo con hay bắt người khác làm theo ý của con. Việc con quá tự cao và bảo thủ, độc đoán, thiếu sự thấu hiểu và sẻ chia khiến con dễ bị cô lập ngay cả khi trẻ rất giỏi.

Cha mẹ nuông chiều con cái khiến trẻ không biết tôn trọng

Bởi ý thức về giá trị của bản thân quá cao từ cách mà cha mẹ nuông chiều khiến chúng luôn cảm thấy bản thân mình là nhất, là số một, dần dần hình thành tâm lý coi thường người khác. Trẻ luôn có thái độ coi thường những người xung quanh và bắt mọi người phải tôn trọng, phải làm theo ý mình, như thế mới là đúng.

cha mẹ nuông chiều con cái
Cha mẹ nuông chiều con cái có thể khiến con không biết tôn trọng người khác

Đặc biệt, nhiều đứa trẻ còn có xu hướng coi thường chính cha mẹ chúng. Nhiều đứa trẻ ngay từ nhỏ đã dùng như từ ngữ thiếu tôn trọng với cha mẹ mình. Khi những yêu cầu của chúng không được đáp ứng, chúng không tiếc lời chửi mắng, thậm chí đánh đập cha mẹ. Đây chính là một trong những điều đáng buồn từ việc cha mẹ nuông chiều con cái sai cách đã xảy ra với rất nhiều người.

Tính cách bốc đồng, khó kiểm soát

Cha mẹ nuông chiều con cái sai cách, luôn nhanh chóng đáp ứng các yêu cầu từ con cũng khiến trẻ hình thành tính cách bốc đồng, dễ kích động, “muốn gì được đó” nhanh chóng, thiếu sự kiên nhẫn. Điều này hoàn toàn có thể gây hại đến bản thân con trong đời sống hằng ngày, đặc biệt khi con đã trưởng thành cần phải va vấp nhiều với xã hội.

Tính cách bốc đồng của con có thể được biểu hiện trên mọi đối tượng, kể cả những người có tuổi tác hay vai vế hơn. Một số trẻ có thể e dè khi bên ngoài nhưng thường thể hiện sự kích động, bốc đồng, chống đối đặc biệt rõ ràng với cha mẹ. Bởi chúng luôn ý thức được rằng cha mẹ sẽ không nỡ làm tổn thương mình, thế nhưng, chúng sẵn sàng làm tổn thương đấng sinh thành để giải tỏa các cảm xúc tiêu cực của mình.

Trẻ bị nuông chiều sai cách dễ phạm tội

Từng có rất nhiều vụ án đánh nhau hay giết người xảy ra ở thanh thiếu niên, trong đó các đối tượng này đều sống trong gia đình được cha mẹ nuông chiều, bảo bọc con quá mức. Chẳng hạn một đứa trẻ được cha mẹ nuông chiều nhưng vô tình bị đứa trẻ khác trêu ghẹo điều này khiến chúng cảm thấy danh dự bị hạ thấp, tức giận, kích động nên nhanh chóng tìm cách trả thù bằng bạo lực.

cha mẹ nuông chiều con cái
Cha mẹ luôn bảo bọc và bênh vực khiến nhiều người dám làm chuyện xấu vì nghĩ sẽ có cha mẹ bảo vệ

Một điều đáng buồn hơn chính nhiều cha mẹ vì quá nuông chiều và yêu thương con cái mà quên mất đi đạo lý. Ngay cả khi con sai phạm, cả khi con chính là người đã bạo hành người khác nhưng vẫn một mực bênh vực con, tìm cách đút lót tiền bạc để khắc phục, để con được thả ra chứ không muốn con đi cải tạo để sửa chữa lỗi lầm của bản thân.

Rất nhiều người đã trở nên lầm đường lạc lối, đã sai lại càng sai thêm, không biết điểm dừng vì luôn nghĩ rằng có cha mẹ đằng sau “chống lưng”. Có những người ngay cả khi đã rơi vào vòng lao lý vẫn không hề biết mình sai ở đâu, vẫn chỉ muốn cha mẹ nhanh chóng “cứu” mình ra ngoài chứ không chấp nhận thay đổi.

Cha mẹ nuông chiều con cái khiến trẻ thiếu sự đồng cảm và thấu hiểu

Khi con quá được chiều chuộng, được đáp ứng tất cả những mong muốn, được sống trong môi trường no ấm, đầy đủ, không phải lo nghĩ điều gì đặc biệt nếu có tính tự cao, tự đại thì bản thân con cũng mất đi sự đồng cảm và thấu hiểu với người khác. Trẻ không hiểu vì sao người khác lại phải sống thiếu thốn và bản thân chúng cũng không muốn chấp nhận điều này.

Trẻ luôn ích kỷ chỉ nghĩ đến cảm xúc của bản thân mà không cần suy nghĩ đến hoàn cảnh của người khác. Với những người có hoàn cảnh khó khăn, chúng hoàn toàn có thể nảy sinh tâm lý coi thường và không muốn tiếp xúc. Chúng luôn nghĩ rằng việc mình được hưởng thụ là điều hiển nhiên và chính việc nuông chiều con cái quá mức của cha mẹ đã gieo rắc trong đầu chúng suy nghĩ này.

Cha mẹ nuông chiều con cái quá mức khiến chúng vô cảm với chính người thân trong gia đình. Có những trường hợp dù cha mẹ bận rộn, ốm đau, bệnh tật nhưng vẫn phải chuẩn bị cơm nước cho con vì con không biết làm gì và cũng c chỉ muốn được ăn cơm mẹ nấu. Kể cả việc cha mẹ đang mệt mỏi cũng không quan trọng bằng việc chúng được ăn.

Tăng nguy cơ các rối loạn về nhân cách và vấn đề tâm lý

Những tư tưởng, suy nghĩ, nhận thức lệch lạc được đình hình trong tâm thức trẻ từ thời thơ ấu có thể trở thành tiền đề cho những nhân cách dị dạng xuất hiện ở những đứa trẻ được cha mẹ nuông chiều quá mức. Mặt khác rất nhiều các nghiên cứu cũng đã chỉ ra chính lối giáo dục vô tổ chức, nuông chiều trẻ thái quá sẽ làm tăng nguy cơ hình thành các rối loạn nhân cách trên rất nhiều người.

  • Rối loạn nhân cách thể kịch tính (Histrionic personality disorder): cảm xúc bất ổn và luôn biểu hiện một cách quá mức, hay đóng vai nạn nhân để thu hút sự quan tâm từ những người xung quanh. Những người này cũng rất dễ bị ảnh hưởng từ những người xung quanh và bản thân họ luôn cần là người được chú ý và quan tâm nhất.
  • Rối loạn nhân cách ái kỷ (Narcissistic personality disorder): cha mẹ nuông chiều con cái có thể khiến con mắc bệnh ái kỷ với đặc trưng là sự tự cao tự đại, luôn cho mình là tâm điểm của vũ trụ, “tự luyến” rằng mình là người thành công và có địa vị, quyền lực hơn hẳn so với người khác cho dù thực tế không phải như vậy. Những người này luôn đặt bản thân lên hàng đầu, muốn thao túng người khác để họ phục vụ bản thân mình.
  • Rối loạn nhân cách phụ thuộc (Dependent personality disorder): luôn có xu hướng phải phụ thuộc vào một ai đó và cần những người xung quanh phải bảo vệ, chăm sóc cho họ. Bị bỏ rơi hay bị người khác phản đối chính là điều họ cảm thấy sợ hãi nên họ có thể chấp nhận nhún nhường, hạ thấp bản  thân để người khác bảo vệ họ. Tuy nhiên khi đã nắm bắt được một ai đó họ có xu hướng kìm kẹp, ràng buộc quá mức
  • Rối loạn nhân cách chống đối xã hội (Antisocial Personality Disorder): được biểu hiện khi người này luôn chống đối, muốn làm ngược các luật lệ đã đặt ra, không có trách nhiệm và không có nhu cầu quan tâm đến người khác mà chỉ muốn làm theo ý thích, bảo vệ quyền lợi của mình. Những người này cũng có xu hướng lừa đảo, nói dối, bạo lực và thao túng người khác.

Mặt khác, do quá được bao bọc và chăm sóc nên khi phải xa rời vòng tay của gia đình, những người này cũng rất dễ gặp các vấn đề tâm lý như trầm cảm, rối loạn lo âu vì bị cô lập, không biết cách giao tiếp và không hòa nhập được với cuộc sống. Cha mẹ nuông chiều con cái không đúng cách hoàn toàn là hại con chứ không hề giúp ích cho con trên con đường trưởng thành.

Cha mẹ nuông chiều con cái sai cách, làm thế nào để thay đổi?

Thực tế không dễ gì để thay đổi suy nghĩ của những cha mẹ đang nuông chiều con cái sai cách. Thậm chí có những người dù biết rằng mình đang chiều hư con nhưng vì quá thương con nên họ thường mặc kệ, không thay đổi bởi trong mắt họ, con cái họ luôn ngoan ngoãn, luôn tuyệt vời. Tuy nhiên phụ huynh cần phải thay đổi, đó mới là cách tốt nhất để con có cuộc sống hạnh phúc.

cha mẹ nuông chiều con cái
Nuôi dạy con đúng cách, giúp con tự lập và biết trân trọng giá trị do mình tạo dựng ra là điều rất cần thiết

Vậy cha mẹ nuông chiều con cái sai cách cần làm gì để thay đổi?

  • Cha mẹ nên nhìn nhận lại cách giáo dục con một cách khách quan để biết liệu bản thân có đang nuông chiều con cái sai hướng hay không
  • Luôn có quy tắc trong gia đình rõ ràng, con làm tốt sẽ được thưởng và làm sai sẽ bị phạt, áp dụng cho các thành viên một cách công bằng, tuyệt đối không được bênh vực và che dấu lỗi sai cho con
  • Bắt đầu để trẻ tự lập bằng những biện pháp đơn giản như làm việc nhà, giúp mẹ nấu cơm, rửa bát thay vì không để trẻ làm gì như trước đây
  • Cha mẹ nuông chiều con cái quá mức cần “yêu cầu” thay vì “nhờ vả” hay “năn nỉ” con làm việc gì khác
  • Yêu cầu con cùng làm việc cùng để hiểu được những khó khăn mà cha mẹ hay những người khác phải làm để có cuộc sống tốt đẹp cho con như hiện tại
  • Trò chuyện thường xuyên để lắng nghe và điều chỉnh ngay những suy nghĩ sai lệch của trẻ nếu có
  • Cho con tham gia vào các hoạt động xã hội để tăng tính tự lập, tự giác và thay đổi cách nhìn nhận về thế giới xung quanh thay vì mãi bảo bọc và kìm kẹp con ở nhà
  • Gia tăng sự đồng cảm và thấu hiểu cho trẻ thông qua việc giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn hơn
  • Cha mẹ nuông chiều con quá mức cần cho trẻ thấy sức mạnh của tri thức để trẻ có định hướng tốt hơn
  • Giáo dục con một cách văn minh, không sử dụng ngôn từ thô lỗ và bạo lực

ads chuyên gia tâm lý cao kim thắm

Làm sao để con có một cuộc sống sung sướng, đầy đủ không khó nhưng làm thế nào để trẻ có thể phát triển cả về trí tuệ, đạo đức, nhân cách thì lại chưa bao giờ dễ dàng. Cha mẹ nuông chiều con cái sai cách sẽ để lại rất nhiều hậu quả khôn lường. Giáo dục trẻ không chỉ có yêu thương mà còn cần có trách nhiệm, cứng rắn khi cần thiết để con có đầy đủ Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín.

Có thể bạn quan tâm:

Rate this post

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *