Hãy là một vị trưởng bối đáng kính trong quan hệ mẹ chồng nàng dâu

5/5 - (1 bình chọn)

Quan hệ mẹ chồng nàng dâu luôn luôn là một chủ đề “nóng” trong cuộc sống hàng ngày, trên các trang báo mạng, trong các group mẹ bỉm sữa đến hay trên phim ảnh. Điều gì đã tác động vào mối quan hệ này và mẹ chồng – một vị trưởng bối trong gia đình có thể làm gì để cải thiện mối quan hệ này.

Tại sao mẹ chồng thường không ưa nàng dâu?

Bởi vì con dâu của họ được sinh ra và trưởng thành trong một gia đình khác nên họ sẽ có những thói quen, suy nghĩ, hành vi, cảm xúc khác với gia đình nhà chồng. Sự khác biệt này khiến mẹ chồng cảm thấy không giống với những người trong gia đình mình, không giống với chuẩn mực, mong muốn của mình nên không ưa con dâu. Và với cương vị của người làm mẹ trong gia đình, nhiều mẹ chồng lại nghĩ đến cần phải “dạy lại con dâu”. Tại sao vậy?

Vì trước kia mẹ chồng cũng đã từng “chân ướt, chân ráo” bước vào một gia đình khác làm dâu. Rồi họ cũng bị mẹ chồng của họ soi mói, xét nét, dạy bảo từng tí một cho hợp với gia phong của gia đình nhà chồng. Những hành động, suy nghĩ đó là một trải nghiệm trọng đại trong đời mẹ chồng được nếm trải. Nó được ghi sâu vào tâm trí họ và khi bản thân mình có con dâu, người mẹ chồng lại sử dụng những “bài học” đó để áp lên con dâu của mình.

Về phần con dâu, khi bị mẹ chồng “sửa” thì luôn cảm thấy tức tối, khó chịu. Bởi đối với họ, cha mẹ – những người nuôi dưỡng họ từ nhỏ – là người đáng kính trong cuộc đời của họ. Nên họ tôn trọng những điều họ được học, được dạy dỗ từ cha mẹ mình.

Từ chính những mâu thuẫn về chuẩn mực, thói quen, suy nghĩ, hành vi, cảm xúc của mẹ chồng và nàng dâu mà sinh ra những mâu thuẫn, xung đột trong mối quan hệ này.

ads bùi thị hải yến chuyên gia tâm lý

Hãy là một vị trưởng bối đáng kính trong quan hệ mẹ chồng – con dâu

Làm thế nào để hòa hợp mối quan hệ mẹ chồng – con dâu? Đây cũng là vấn đề mà mỗi người lại có những quan điểm và góc nhìn riêng. Dưới góc nhìn của các chuyên gia tâm lý trị liệu, người có kinh nghiệm trong việc hòa hợp các mối quan hệ trong gia đình hay xã hội, việc cải thiện mối quan hệ có thể xuất phát từ một người mà thôi, có thể là từ mẹ chồng hoặc có thể từ nàng dâu.

Xét về tuổi tác hay kinh nghiệm sống, mẹ chồng đều hơn con dâu rất nhiều. Vì vậy, hãy làm một vị trưởng bối đáng kính trong mắt con dâu, để con có thể thấu hiểu và học hỏi những điều mình mong muốn mà không cần phải tạo ra những căng thẳng, mâu thuẫn trong gia đình.

Hãy cởi mở chia sẻ và chấp nhận những điều khác biệt từ con dâu

Có một thực tế mà ai cũng phải thừa nhận, đó là anh em trong gia đình, ngay cả anh chị em sinh đôi cùng ngày, được nuôi dưỡng như nhau cũng trở nên khác biệt khi trưởng thành. Bởi mỗi con người có những trải nghiệm và góc nhìn khác nhau, từ đó mà sinh ra những hệ tư duy, suy nghĩ, hành vi cảm xúc khác nhau. Bởi vậy, việc con dâu khác với văn hóa, lối sống trong gia đình mình là chuyện rất bình thường.

mẹ chồng nàng dâu

Hãy chấp nhận sự khác biệt này khi mà nó không vi phạm chuẩn mực đạo đức của xã hội, không vi phạm pháp luật và không làm ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của các thành viên trong gia đình.

Hãy dành thời gian để quan sát (quan sát bằng thái độ tích cực chứ không phải soi mói tiêu cực) và chia sẻ nhiều hơn với con dâu. Mỗi con người đều có những ưu – nhược điểm riêng. Bởi vậy, tuy khác nhau về thói quen hay quan điểm sống, con dâu vẫn có thể có những ưu điểm mà chúng ta có thể học hỏi.

Hãy chia sẻ với con dâu nhiều hơn về gia đình mình để con có thể hiểu hơn về những văn hóa, thói quen trong gia đình. Và tất nhiên, bố mẹ chồng phải là người thực hiện tốt những quy tắc trong gia đình mình để con tôn trọng và học hỏi. Còn nữa, hãy cho con dâu thời gian để làm quen với gia đình nhà mình.

Tôn trọng quyền tự quyết của gia đình con

Khi chúng ta đồng ý cho con cưới vợ là chúng ta đã chấp nhận con đã trưởng thành và có gia đình Riêng. Vì vậy, hãy để các con tự quyết định các vấn đề trong gia đình nhỏ của mình: Từ nuôi con như thế nào, mua sắm cái gì, tiêu tiền cho ra sao… cho đến việc ai rửa bát.

XEM THÊM: Cách thống nhất quan điểm nuôi con giữa cha mẹ và ông bà (câu hỏi số 2).

Có nhiều gia đình có quan điểm không cho con trai rửa bát, coi đó là việc của phụ nữ. Đến khi con có gia đình lại thấy con rửa bát cho vợ thì nổi giận, thậm chí nghĩ là con mình bị vợ nó bắt nạt hay mê hoặc gì đó. Hãy bình tĩnh để xem xét lại vấn đề này. Con trai chúng ta đã TRƯỞNG THÀNH và trong gia đình có rất nhiều việc cần làm, chắc chắn các con mình đã có sự phân công sắp xếp và được sự đồng tình của hai bên. Hoặc có thể chính con trai mình đang muốn vun đắp hạnh phúc gia đình từ những việc nhỏ như vậy. Đừng phá vỡ hạnh phúc của con.

Tất nhiên, trong cuộc sống mới, các con có thể đưa ra những quyết định sai lầm. Nếu vấn đề đó không có nguy cơ gây ra những vấn đề nghiêm trọng, hãy để con tự trải nghiệm và tự rút kinh nghiệm. Hoặc bạn có thể chia sẻ trải nghiệm thực tế của mình để con tự đưa ra quyết định.

Rõ ràng về vấn đề tài chính

Tiền bạc là một vấn đề rất nhạy cảm. Có nhiều mẹ chồng cho rằng, tiền con trai mình làm ra, mình có quyền được tiêu xài, thậm chí là tiền con dâu cũng là tiền của mình. Hoặc nhiều bố mẹ chồng đã cho con rồi nhưng lại dùng tiền bạc, tài sản đó để kiểm soát các con.

Tốt nhất, hãy rõ ràng về vấn đề tiền bạc ngay từ đầu. Nếu đã cho con thì là của con, con có quyền sử dụng và quyết định. Và tài sản của bố mẹ thì bố mẹ có quyền quyết định, các con không có quyền can thiệp.

Coi con dâu như một thành viên trong gia đình

Quyền và nghĩa vụ luôn luôn song hành với nhau. Nếu chúng ta áp đặt con vào những nghĩa vụ của một người con dâu nhưng lại không cho con những quyền của một thành viên trong gia đình thì vô tình sẽ tạo ra những điều tiêu cực trong suy nghĩ và hành động của con dâu. Lâu dần, những điều tiêu cực được tích tụ lại thành những cảm xúc cực kỳ tiêu cực như căm hận, ghét bỏ đẩy mối quan hệ này ra xa hơn, thậm chí là tạo sóng gió trong gia đình bạn.

Con dâu có quyền tham gia, bàn bạc và biểu quyết các vấn đề quan trọng trong gia đình. Điều này sẽ khiến con cảm thấy đây là một mái nhà thực sự của mình và vun đắp cho nó. Khi đó, con dâu sẽ tự nguyện thực hiện nghĩa vụ một cách vui vẻ và hết mình, chứ không phải là một tâm trạng đầy tiêu cực nữa.

Bố mẹ chồng cũng đừng ép con dâu phải hiếu thảo với mình trong khi mình chưa thực sự coi họ là một người con trong gia đình. Tình cảm với người xa lạ không dễ gì có được, nó cũng cần thời gian để vun đắp, nên không thể gượng ép được.

ads cao kim thắm chuyên gia tâm lý trị liệu

Bên cạnh đó, mẹ chồng cũng nên đối xử công bằng giữa các thành viên trong gia đình. Thưởng phạt phân minh, không nên dung túng cho các hành động sai trái của con ruột mà đổ lỗi lên đầu con dâu, như vậy mới là vị trưởng bối đáng kính.

Có thể bạn quan tâm: 

Bắc Giang: Kết hợp y học truyền thống trong phòng chống dịch Covid-19
17 Cách giảm stress, căng thẳng nhanh chóng hiệu quả

Mối liên hệ giữa trầm cảm và chứng mất trí nhớ

ArrayArray
5/5 - (1 bình chọn)
Array

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *