11 cách chia tay người yêu dứt khoát, không tổn thương ai
Chia tay dứt khoát, không dây dưa bi lụy sẽ giúp giảm thiểu tối đa vết thương lòng của cả hai người. Nếu bạn đang muốn kết thúc một mối quan hệ nhưng chưa biết làm sao để không gây tổn thương cho đối phương, hãy thử tham khảo một số cách được chia sẻ trong bài viết dưới đây.
11 cách chia tay dứt khoát mà không làm đối phương tổn thương
Chia tay một cách dứt khoát khi bạn hoặc cả hai không còn tình cảm là cách tốt nhất để hạn chế những tổn thương cho bản thân và cả đối phương. Cố gắng níu kéo và che giấu sự rạn nứt của mối quan hệ chỉ khiến hai bên thêm đau khổ và dằn vặt lẫn nhau. Bạn có thể đề nghị chia tay trước, nhưng nên nói một cách văn minh và đúng thời điểm để cả hai có thể chia tay trong hòa bình, tránh làm cho người kia xấu hổ.
Nếu bạn đang bối rối không biết làm sao để mở lời, và phải chuẩn bị những gì để việc chia tay diễn ra êm đẹp thì hãy tham khảo một số gợi ý dưới đây:
1. Xác định rõ lý do chia tay
Trong một mối quan hệ luôn tồn tại những bất đồng và mâu thuẫn, và một khi cả hai đã không thể giải quyết những vấn đề đó, không còn tìm được tiếng nói chung thì chia tay là một điều dễ hiểu.
Bạn nên xác định rõ lý do muốn chấm dứt cuộc tình này, là do cả hai không còn tình cảm, do không thể dung hòa những bất đồng và mâu thuẫn, do sức ép từ gia đình, do công việc, do suy nghĩ quá khác biệt,… hay một lý do nào khác. Đối phương chắc chắn sẽ hỏi bạn nguyên nhân và bạn cần có một câu trả lời minh bạch về vấn đề tồn tại giữa đôi bên. Bạn cần cho người kia thấy bạn có lý do chính đáng và đã suy nghĩ rất kỹ về vấn đề này.
Việc giấu giếm nguyên nhân, hoặc chia tay do hờn dỗi và tự ái cá nhân sẽ làm đối phương cảm thấy bạn không tôn trọng mối quan hệ. Nếu xác định đã hết tình cảm và chia tay là cách tốt nhất để giải thoát cho cả hai, bạn hãy nghĩ đến bước chuẩn bị tiếp theo.
2. Chọn thời điểm chia tay thích hợp
Ông bà ta có câu “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để chỉ 3 yếu tố quan trọng làm nên thành công. Mọi việc cũng đều phải đúng người, đúng nơi, đúng thời điểm thì mới dễ dàng thắng lợi. Việc bạn nói lời chia tay cũng tương tự như thế, hãy chọn một thời điểm thích hợp, khi cả hai bình tĩnh và thoải mái nhất. Không có một thời điểm cụ thể nào để nói chia tay, nhưng bạn nên tránh mở lời trong trong một số trường hợp sau:
- Đối phương đang gặp khủng hoảng: Nếu người yêu của bạn đang lâm vào một trong các hoàn cảnh như trầm cảm, thất nghiệp, công ty phá sản, suy sụp tinh thần vì nỗi đau mất người thân, biết mình bị bệnh nan y,… thì bạn nên cân nhắc thật kỹ nếu thật sự muốn mở lời. Cho dù đã hết tình cảm nhưng họ vẫn là người đã gắn bó cùng bạn rất lâu. Vì vậy, cho người ấy chút thời gian vượt qua khó khăn trước khi chia tay dứt khoát là sự tử tế cuối cùng bạn có thể làm cho người mình từng yêu.
- Cả hai đang tranh cãi kịch liệt: Những lúc nóng giận, bạn có thể vô tình thốt ra những lời nói làm tổn thương đối phương. Câu nói “chia tay đi” khi cả hai đang cãi vã là câu nói gây tổn thương nhất, vì đối phương sẽ cảm thấy bạn không coi trọng tình cảm giữa hai người. Bạn dễ dàng muốn kết thúc một mối quan hệ chỉ vì một bất đồng chưa được giải quyết. Về sau khi mọi việc lắng xuống, bạn có hối hận thì cũng đã muộn rồi. Chính vì thế, đừng thốt lên câu chia tay khi hai bạn đang không giữ được bình tĩnh.
- Nói trước mặt nhiều người: Chia tay là việc riêng của hai bạn, vì thế bạn cũng nên nói lời chia tay ở một nơi riêng tư. Công khai chia tay trước mặt nhiều người giống như một sự ép buộc, một động thái không tôn trọng đối phương khiến họ có cảm giác bị xúc phạm. Thay vào đó, ta nên chọn một không gian riêng tư, hoặc nếu là quán café thì cũng nên chọn bàn yên tĩnh để nói chuyện.
3. Chuẩn bị tinh thần cho người ấy
Trong tình yêu không ai muốn đối mặt với chuyện chia tay cả, thế nên bạn nên cho bản thân và người ấy một khoảng lặng để chuẩn bị tinh thần. Trước khi đề cập đến chia tay, bạn hãy nói vu vơ về việc chia tay của một ai đó và cách họ đã vượt qua chuyện này thế nào. Việc này giống như một phép thử giúp bạn thấy được thái độ và góc nhìn của họ về việc chia tay dứt khoát là tích cực hay tiêu cực. Từ đó bạn sẽ dễ mở lời hơn, tránh làm tổn thương đến đối phương.
Ngoài ra trước khi chia tay, bạn nên cho cả hai một khoảng lặng, giống như một tín hiệu đến đối phương rằng “mối quan hệ của chúng ta đang có vấn đề” và “em/anh cần suy nghĩ nhiều hơn về tương lai của chúng ta”. Bạn không nên đột nhiên quá xa cách mà hãy dần giảm bớt tần suất gặp mặt, cho cả hai một chút thời gian.
4. Nói chuyện mặt đối mặt
Mở lời chia tay rất khó khăn, thế nhưng nếu đã không thể cứu vãn thì đừng im lặng một cách hèn nhát. Bạn nói ra cho đôi bên cùng thông suốt và nhẹ nhàng buông tay. Dù mối quan hệ của bạn đủ lâu và sâu đậm, hay chỉ vừa mới bắt đầu, một khi bạn cảm thấy không thể hòa hợp hay cứu vãn thêm, đừng ngần ngại đối diện với đối phương và bảy tỏ quan điểm của mình.
Gặp mặt trực tiếp và thẳng thắn nói lời chia tay là lựa chọn tốt nhất để kết thúc một mối quan hệ. Sẽ có rất nhiều người cảm thấy khó khăn khi đối mặt với người kia, họ chọn cách gọi điện, nhắn tin, viết thư và rất nhiều những cách khác để tránh cả hai chạm mặt. Điều đó vô tình gây đau khổ và khó hiểu cho đối phương. Chẳng lẽ người yêu của bạn không có quyền được nhận một lời chia tay thẳng thắn hay sao?
Không nên nói lời chia tay qua tin nhắn, không qua trung gian, cũng không phải bất kỳ một hình thức nào khác ngoài việc đối mặt. Lời chia tay nói trực tiếp không chỉ thể hiện bạn tôn trọng đối phương và mối quan hệ của cả hai mà còn cho thấy bạn là người trưởng thành, đứng đắn và đã suy nghĩ nghiêm túc về quyết định này.
5. Tỏ thái độ dứt khoát, cứng rắn khi nói lời chia tay
Thái độ dứt khoát và cứng rắn là cần thiết khi bạn nói lời chia tay. Việc dây dưa, níu kéo không giải quyết được vấn đề mà còn khiến mọi thứ xấu đi và tổn thương đối phương nhiều hơn. Ông bà có câu “bỏ thì thương, vương thì tội”, sự thương hại chỉ khiến người ta thêm hy vọng chứ không thể chữa lành mối quan hệ đã rạn nứt. Về lâu về dài, cả hai sẽ mãi không thể kết thúc trong êm đẹp.
Khi tỏ thái độ dứt khoát, bạn chắc chắn phải đối mặt với những phản ứng từ đối phương. Dưới đây là một số phản ứng thường gặp và cách để giải quyết chúng để tránh gây tổn thương cho người ấy.
- Liên tục hỏi tại sao: Người ấy của bạn sẽ muốn biết tại sao bạn lại đưa ra quyết định chấm dứt mối quan hệ. Do đó, bạn nên trả lời các câu hỏi một cách trung thực nhất có thể. Hãy nói thẳng vì sao bạn muốn chia tay, về những mâu thuẫn không thể giải quyết của đôi bên để người kia nhìn ra vấn đề.
- Cố gắng tranh luận hoặc làm lơ: Đối phương có thể giải thích và biện minh cho những hành động của bản thân, hoặc cố ý làm lơ và giả vờ rằng lời chia tay của bạn chỉ là một trò đùa. Bạn nên tỉnh táo để không bị lôi kéo vào cuộc chiến không có giá trị này. Hãy thể hiện cho người kia biết rằng tranh cãi cũng sẽ không làm thay đổi quyết định của bạn.
- Mặc cả hoặc ăn năn: Người ấy có thể đề nghị thay đổi hoặc làm những gì bạn yêu cầu để tiếp tục mối quan hệ. Nếu trong quá khứ bạn đã từng cho đối phương cơ hội để thay đổi nhưng họ không làm thì bây giờ, những lời ăn năn muộn màng này cũng vô nghĩa. Bạn không nên bị lung lay vì những lời hứa như vậy.
- Khóc lóc: Đối phương có thể bị sốc và bật khóc trước quyết định của bạn. Đây là cảm xúc bình thường của một con người. Tuy nhiên, bạn không nên vì thế mà mềm lòng nhượng bộ. Bạn có thể khuyên bảo người ấy nhưng tuyệt đối không cho phép bản thân vì việc này mà thay đổi quyết định ban đầu.
- Đe dọa: Người ấy có thể đe dọa bạn bằng những câu đơn giản như: “Anh sẽ không bao giờ tìm thấy ai tốt hơn em đâu” hoặc đáng sợ hơn là: “Anh sẽ hối hận vì quyết định này”. Khi nói như vậy đối phương thường chỉ đang cố gắng khiến làm bản thân cảm thấy tốt hơn. Nếu những lời đe dọa đó biến thành mối đe dọa thực sự làm tổn hại thể chất và sức khỏe tinh thần thì bạn nhất quyết không nên bỏ qua.
6. Đừng đổ lỗi cho đối phương
Chuyện tình tan vỡ không phải là lỗi của một bên, thế nên đừng trách móc và đổ mọi tội lỗi lên người đối phương. Bạn buộc phải nhìn nhận một thực tế rằng khi mối quan hệ rạn nứt, trách nhiệm đến từ hai phía và việc chối bỏ chúng là không hay chút nào. Chia tay là chấm hết, là cắt đứt hoàn toàn những gì của quá khứ. Than trách đổ lỗi chẳng giải quyết được gì cả mà lại khiến cho cả hai thêm tổn thương.
Khi quyết định chia tay, có thể bạn vẫn còn buồn giận và chính cảm giác này thôi thúc bạn kết tội người yêu cũ. Tuy nhiên, nếu bạn muốn chia tay dứt khoát mà không làm đối phương tổn thương thì đổ lỗi không phải là một ý tưởng hay.
Khi bắt đầu một mối quan hệ mọi người đều mong nó sẽ luôn tốt đẹp. Nhưng nếu nó không được như kỳ vọng, bạn chỉ cần học hỏi từ những sai lầm của cả hai và vượt qua thôi. Nhìn ra những vấn đề trong một mối quan hệ và tránh để nó phát sinh trong một mối quan hệ khác mới là điều quan trọng.
Xem thêm: Lý do con gái hay giận dỗi trong tình yêu và cách xử lý
7. Hướng đến mặt tích cực
Một mối quan hệ yêu đương lành mạnh luôn có những mặt tích cực, nó giúp bạn và người ấy trở nên tốt hơn, hoàn thiện hơn. Chính vì thế bạn có thể hướng đến những mặt tích cực trong mối quan hệ của cả hai để khiến người kia cảm thấy dễ chịu. Gần đến cuối cuộc đối thoại, bạn hãy cố gắng tập trung vào lợi ích của cả đôi bên.
Bạn nên suy nghĩ lựa chọn câu từ trước khi nói chuyện với đối phương. Hãy cư xử đúng mực, đừng bao giờ la hét hay dùng từ ngữ lăng mạ. Nếu bạn làm vậy, cuộc chia tay sẽ không bao giờ kết thúc trong hòa bình. Bạn nên nhấn mạnh vào những điều tốt đẹp người yêu cũ đã dành cho bạn. Bạn hãy làm sao để khi kết thúc cuộc đối thoại, đối phương thấy rằng mối quan hệ này là xứng đáng mặc dù không thể tiếp tục. Đó là một sự an ủi dịu dàng cho tâm hồn bị tổn thương của người ấy.
Sau đó hãy nói về những thay đổi của người kia, khuyến khích đối phương nhớ về những khoảng thời gian hai người vui vẻ bên nhau. Cả hai đã học hỏi từ nhau rất nhiều. Người yêu cũ của bạn sẽ biết ơn và thấy nhẹ lòng hơn vì bạn đã giúp anh ấy (cô ấy) thay đổi, nhận ra những điều tốt đẹp cho dù có phải chấm dứt mối quan hệ.
8. Không mủi lòng trước điện thoại/tin nhắn của người ấy
Những cuộc điện thoại lúc nửa đêm, lúc say rượu hay những dòng tin nhắn “anh/em vẫn còn yêu em/anh nhiều lắm”, “nhớ em/anh”… rất dễ khiến bạn mủi lòng và cảm thấy tội lỗi khi đã đề nghị chia tay. Những lúc thế này bạn phải luôn tự nhủ rằng mối quan hệ của cả hai đã kết thúc, dây dưa chỉ khiến đôi bên thêm đau khổ. Mặc dù sẽ rất khó để nhắm mắt làm ngơ trước những việc này nhưng nếu bạn cảm thấy day dứt, hay thương cảm đối với người kia thì sẽ rất khó chấm dứt. Mọi thứ sẽ quay lại vòng luẩn quẩn, và rồi sẽ lại càng mệt mỏi.
Bạn có thể giúp đỡ trên cương vị bạn bè, yêu cầu anh/cô ấy không gọi nữa một cách lịch sự. Nếu họ vẫn không từ bỏ và tiếp tục làm phiền thì bạn hãy chặn số, đây chính là cách chia tay dứt khoát nếu không muốn cứ mãi đau khổ.
9. Giữ khoảng cách thích hợp cho cả hai
Sau khi chia tay cả hai đều cần những khoảng lặng để dần thoát khỏi cảm giác mờ mịt trống vắng khi không có người kia bên cạnh, thế nên bạn hãy cắt đứt liên lạc từ mạng xã hội đến điện thoại cá nhân một thời gian để cả hai bình tĩnh.
Bạn phải giữ một khoảng cách nhất định với họ, không xa lạ nhưng đừng quan tâm quá mức để tránh gây ngộ nhận rồi nuôi hy vọng. Bạn sẽ cảm thấy khó xử và người ấy cũng vậy. Bạn càng xuất hiện nhiều thì họ càng khó quên và chấp nhận chuyện chia tay. Hãy để hình bóng của bạn dần mờ nhạt và để họ có cơ hội bắt gặp những người mới, có những mối quan hệ mới. Sau thời gian bình ổn, nếu đôi bên đã suy nghĩ cẩn thận và có thể nói chuyện, các bạn vẫn có thể liên lạc bình thường.
10. Cư xử lịch sự sau khi chia tay
Sau khi chia tay bạn có thể sẽ tình cờ gặp lại người yêu cũ trên đường, những lúc ấy hãy tỏ ra chân thành và thân thiện. Hai bạn đã không còn tình cảm, nhưng bạn cũng đừng né tránh hay tức giận vì nó sẽ khiến người kia tổn thương. Nếu chia tay trong yên bình, đối phương không có lỗi gì để bị đối xử như vậy.
Hãy nhớ là bạn có thể bất chợt gặp người yêu cũ khi đi làm, đi học hay đi đâu đó, nên chuẩn bị tâm lý trước là điều nên làm. Bạn càng bình tĩnh, càng thoải mái thì càng chứng tỏ bạn đã buông xuống được mối tình này. Việc trốn tránh có thể làm đối phương lầm tưởng bạn vẫn còn vương vấn, đôi bên còn cơ hội nối lại tình cảm. Cư xử lịch sự sẽ không cho người ấy cơ hội ảo tưởng về mối tình này nữa
11. Không công khai chuyện chia tay lên mạng xã hội
Mạng xã hội là con dao hai lưỡi. Nếu bạn muốn chia tay dứt khoát mà không làm đối phương tổn thương, hãy tránh đăng việc này lên mạng xã hội. Bạn có thể thông báo việc chia tay với người thân, bạn bè, nhưng không phải bằng cách công khai trên Facebook để tất cả mọi người vào bình phẩm, đoán già đoán non và làm phiền đến người yêu cũ. Đối phương có thể bị tổn thương vì bài đăng của bạn.
Hãy ngừng theo dõi những trang mạng xã hội của người ấy sau khi chia tay. Bạn cần tạo ra khoảng cách giữa hai người để giúp cả hai bước tiếp. Cắt đứt một số liên lạc xã hội trên mạng có thể giúp bạn làm điều đó.
Tình yêu dù đã qua đi nhưng mối tình ấy vẫn lưu lại trong lòng bạn những kỷ niệm đẹp. Dù cả hai không đến được với nhau, cũng không thể tiếp tục làm bạn, bạn vẫn nên chọn một cách chia tay nhẹ nhàng, tránh gây ảo tưởng cho đối phương. Hãy coi những hiểu lầm, sai trái của nhau là bài học để trưởng thành hơn.
Hy vọng những chia sẻ của Tạp Chí Tâm Lý Học đã giúp các bạn biết cách chia tay dứt khoát mà không làm người yêu cũ tổn thương. Sự kết thúc của một mối quan hệ có thể mở ra một mối quan hệ mới. Hy vọng những chia sẻ trên có thể giúp bạn và đối phương nhẹ lòng hơn và nhanh chóng bước tiếp trên con đường phía trước.
Tham khảo thêm:
- Tâm lý con gái sau khi chia tay: Đã cạn tình hãy vẫn còn yêu?
- Dấu hiệu cảnh báo trầm cảm sau khi chia tay và cách vượt qua
- 8 cách vượt qua nỗi đau bị phản bội – Chữa lành tổn thương
- #11 Cách vượt qua giai đoạn Chia Tay “Quên ngay NY Cũ”
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!