Thao túng tinh thần: Cách nhận biết và phòng tránh
Thao túng tinh thần là việc bóp méo nhận thức, khiến nạn nhân hoài nghi về bản thân và biến họ thành con rối cảm xúc trong tay những kẻ thao túng. Đây là một hình thức bạo hành tâm lý mà chúng ta cần tìm hiểu để không biến mình thành nạn nhân của mối quan hệ độc hại này.
Thao túng tinh thần là gì?
Thao túng tinh thần, hay còn được gọi bằng thuật ngữ gaslight hay gaslighting. Thuật ngữ “gaslight” (nghĩa đen: thắp sáng đèn ga) được lấy nguyên từ tên vở kịch “Gaslight” của nhà viết kịch Patrick Hamilton. Vở kịch được công diễn vào năm 1938, sau đó được chuyển thể thành phim, công chiếu năm 1940 và 1944.
Trong “Gaslight”, nhân vật chính Mr. Manningham đã có một loạt những hành vi thao túng tinh thần vợ mình, Mrs. Manningham, khiến mọi người và chính bà Manningham nghĩ rằng bà bị điên. Mục đích của hành động này là che giấu việc ông ta đang đi tìm báu vật. Người vợ đã nhận ra ánh đèn sáng lờ mờ vào mỗi đêm của chiếc đèn sắp hết ga, nhưng người chồng không công nhận điều đó và bảo rằng vợ mình đang ảo tưởng, từ đó dẫn đến tên vở kịch. Thuật ngữ gaslight hiện đang được sử dụng rộng rãi trong nghiên cứu tâm lý.
Thao túng tinh thần là một dạng thủ thuật tác động đến tâm lý con người. Kẻ thao túng sẽ liên tục cung cấp cho nạn nhân những thông tin sai lệch, chứng minh rằng trí nhớ hay suy nghĩ của họ có vấn đề. Lâu dần, nạn nhân sẽ hoài nghi về phán đoán và nhận xét của bản thân, bắt đầu tin tưởng vô điều kiện vào những lời nói của kẻ thao túng. Khi đó, họ có thể tự do điều khiển suy nghĩ và áp đặt những điều mình muốn lên nạn nhân, thậm chí có thể khiến nạn nhân hóa điên.
Thao túng tinh thần xảy ra rất chậm và khó nhận biết. Nạn nhân gần như không cảm giác được và thậm chí còn cảm thấy có lỗi khi đã nghi ngờ lời nói và hành động của kẻ thao túng. Hành vi thao túng tâm lý thường được nhận thấy trong các mối quan hệ yêu đương và hôn nhân. Hành vi này cũng xuất hiện trong các mối quan hệ bạn bè, công sở và trong gia đình. Những kẻ này sử dụng thủ thuật để áp đặt quyền lực lên người khác nhằm thao túng bạn bè, người thân và đôi khi là cả đồng nghiệp của mình để đạt được mục đích của bản thân.
Những thủ đoạn của một kẻ thao túng tinh thần
Có rất nhiều những thủ đoạn để thao túng tinh thần một ai đó. Dưới đây là một số thủ đoạn thường thấy mà bạn nên tham khảo.
1. Nói dối thường xuyên
Một kẻ thao túng giỏi là một kẻ rất giỏi nói dối. Họ phản bác với vẻ mặt rất bình thản trước sự chất vấn của bạn. Thậm chí khi bạn đưa ra những bằng chứng xác đáng, họ vẫn có thể tìm lý do bao biện cho hành vi của mình. Chính vì thái độ bình tĩnh đó, bạn bắt đầu nghi ngờ rằng có phải mình đã hiểu lầm? Có phải mình đang làm quá vấn đề? Lúc này, bạn đã rơi vào bẫy. Mục đích của họ chính là khiến bạn nghi ngờ vào phán đoán của bản thân, mất niềm tin vào sự thật để dễ bề thao túng tinh thần.
2. Thích hạ thấp giá trị người khác
Mục đích của kẻ thao túng là điều khiển cảm xúc và con người của nạn nhân, thế nên họ sẽ tìm mọi cách để hạ thấp giá trị của bạn. Họ sẽ không ngừng tiêm vào đầu bạn những suy nghĩ tiêu cực như bạn không xinh, không giỏi; bạn là một kẻ bất tài; bạn có nghĩa vụ chăm sóc cho họ và gia đình họ; bạn luôn vô cớ gây rối; bạn không biết cảm thông, chia sẻ với những khó khăn của người khác,… Những năng lượng tiêu cực được tích lũy ngày này qua tháng nọ có thể khiến bạn ngày càng suy sụp và tự ti.
3. Phủ nhận những điều từng nói, từng làm
Bạn nhớ rõ từng lời nói, hành động của kẻ thao túng, tuy nhiên, họ lại không thừa nhận mỗi khi nghe bạn nhắc đến. Kẻ thao túng không hề quên mất những chuyện đó, họ chỉ cố khiến bạn nghi ngờ bản thân và dần dần tin vào những lời nói dối. Khi điều này được lặp đi lặp lại nhiều lần, bạn sẽ bắt đầu tin tưởng vô điều kiện vào những lời kẻ thao túng tinh thần nói, bởi vì bạn cho rằng lời họ nói “luôn luôn đúng”, trong khi những suy nghĩ của bạn mới là sai.
4. Nói một đằng làm một nẻo
Những kẻ thao túng rất thích hứa hẹn, nhưng họ chẳng bao giờ thực hiện những điều đã nói. Lúc cần bạn, họ sẽ hứa hẹn đủ điều để khiến bạn cảm thấy lời hứa đó thật đẹp, thật có giá trị. Nhưng đến lúc cần thực hiện, họ hành động như thể bạn đang yêu cầu vô lý, rằng bạn ích kỷ chỉ nghĩ đến bản thân chứ không quan tâm đến cảm xúc của họ. Họ nói rằng việc quen biết bạn là một điều may mắn, và sau đó hành động như thể bạn là một gánh nặng mà họ đang cố chịu đựng. Họ bảo rằng bạn nên biết ơn, nên thay đổi thái độ và đừng cư xử như trẻ con thế nữa.
Thế nên khi đối mặt với kẻ thao túng, hãy nhìn vào những gì họ đang làm chứ đừng quan tâm đến những gì họ đang nói. Điều họ đang làm mới nói lên dụng ý thực sự của họ.
5. Thích đóng vai nạn nhân
Kẻ thao túng luôn cố gắng biến mình thành nạn nhân trong cuộc trò chuyện. Họ khiến bạn cảm thấy tội lỗi vì những hành động hay suy nghĩ của mình, dù bạn chẳng phải là người sai. Họ sẵn sàng đổ lỗi ngược lại cho bạn, nói rằng vì bạn nên họ mới hành động như vậy.
Đổ lỗi ngược là một thủ đoạn thường gặp ở những kẻ thao túng tinh thần. Trọng tâm của cuộc trò chuyện luôn chuyển hướng từ việc kẻ thao túng có lỗi, sang việc bạn là nguyên nhân cho những hành động đáng bị lên án của họ. Thậm chí khi bạn cố giãi bày những cảm xúc, suy nghĩ của mình về vấn đề, kẻ thao túng vẫn có thể xoay chuyển nội dung cuộc trò chuyện. Và cuối cùng, tất cả mọi lỗi lầm vẫn thuộc về bạn.
Kẻ thao túng tinh thần luôn đóng vai nạn nhân trong mọi tình huống, họ thích vào vai kẻ yếu thế để khơi dậy cảm giác tội lỗi trong bạn nhằm dễ bề điều khiển.
6. Thích chê bai, chế giễu bạn trước mặt mọi người
Những kẻ thao túng có thể mặc sức chê bai hay đùa cợt bạn trước đám đông mà không quan tâm đến cảm xúc của bạn. Họ nói với bạn rằng đây là sự thật, bạn chẳng có gì phải xấu hổ hay chối cãi. Họ khiến bạn cảm thấy bạn nên chấp nhận khiếm khuyết của bản thân và đừng bận tâm về những vấn đề đó nữa. Trên thực tế, họ chỉ đang lấy bạn làm bàn đạp để nâng bản thân mình lên. Những người tốt thật sự yêu thương bạn sẽ không bao giờ làm bạn tổn thương như cách kẻ thao túng thường làm.
7. Thích làm người xung quanh cảm thấy tội lỗi
Kẻ thao túng cảm xúc là bậc thầy trong việc thu hút sự chú ý của mọi người xung quanh vào những cảm xúc tiêu cực (đa phần là giả dối) của họ. Nếu họ đang có tâm trạng không tốt, bạn và tất cả mọi người xung quanh sẽ biết điều đó. Mọi người còn có thể cảm thấy được tâm trạng của họ và đồng cảm khi liên hệ đến bản thân. Chuyện này tạo ra một ảnh hưởng đến tâm lý đám đông, làm họ cảm thấy mình phải có trách nhiệm trong việc này và phải thay đổi hành vi, suy nghĩ để không làm tổn thương đến kẻ thao túng.
Những kẻ thao túng tinh thần rất giỏi lợi dụng cảm giác tội lỗi của bạn để mang lại lợi thế cho họ. Nếu bạn đang buồn rầu và muốn tâm sự, họ sẽ hành động như thể bạn không biết cảm thông, và luôn gây phiền phức chỉ vì mấy chuyện nhỏ nhặt. Còn nếu bạn không thổ lộ, họ lại khiến bạn cảm thấy có lỗi vì đã âm thầm chịu đựng, bảo rằng bạn tự làm khổ chính mình, rằng bạn không biết cách chia sẻ. Đứng trước kẻ thao túng, mọi việc bạn làm đều sai và cho dù vấn đề là của cả hai thì lỗi luôn là do bạn.
8. Khiến bạn nghĩ rằng mọi người đang chống lại bạn
Kẻ thao túng tinh thần luôn biết rằng thời điểm tốt nhất để đánh vào tâm lý một người là khi người đó cảm thấy cô đơn lạc lõng và hoang mang. Chính vì thế, họ sẽ cố tình xây dựng cho bạn một suy nghĩ sai lầm rằng, không ai thích bạn. Họ sẽ nói những câu đại loại như “A nói cậu không đẹp”, “Bạn bè mình chẳng ai thích cái tính của cậu” hay “Mọi người đều nói cậu như thế”
Trên thực tế, những câu nói này chưa chắc là sự thật, nhưng bạn lại hoàn toàn tin tưởng đó là cảm nhận của những người xung quanh. Đây là thủ đoạn lừa gạt của những kẻ thích thao túng người khác. Họ cô lập bạn với mọi người để dễ bề biến bản thân thành điểm tựa duy nhất của bạn, khiến bạn hoàn toàn phụ thuộc vào họ.
Những giai đoạn của quá trình thao túng tinh thần
Thao túng tinh thần luôn diễn ra âm thầm trong một thời gian dài và người bị thao túng gần như không thể phát hiện bản thân đang bị điều khiển. Thông thường, nạn nhân có thể trải qua 3 giai đoạn lớn sau đây.
1. Giai đoạn hoài nghi
Đầu tiên là giai đoạn hoài nghi. Bạn bắt đầu chịu ảnh hưởng của thao túng tinh thần và nghi ngờ những phán đoán của bản thân. Bạn nhận thức rất rõ về những suy nghĩ của mình nhưng dần bị lung lay bởi thái độ của kẻ thao túng.
Bạn bắt đầu tự hỏi rằng liệu có hiểu lầm gì ở đây? Liệu bản thân có đang quá nhạy cảm? Liệu bạn có sai khi đã đưa vấn đề đi quá xa? Dần dần những câu hỏi ấy sẽ lấp đầy đầu óc mà khiến bạn hoài nghi về suy nghĩ của bản thân.
2. Giai đoạn tự vệ
Tiếp theo là giai đoạn tự vệ. Bạn cố bảo vệ bản thân chống lại ảnh hưởng của kẻ thao túng. Bạn chứng minh bản thân đúng khi đưa ra những dẫn chứng, nhưng tất cả những gì bạn nhận lại là sự phủ định. Đến giai đoạn này mọi thứ trở nên tồi tệ hơn, bạn luôn để tâm và mong muốn có được sự công nhận của đối phương nên gần như chấp nhận những lời nói mà họ gán ghép lên người bạn, thậm chí làm những việc bạn không bao giờ làm để chứng minh mình không sai.
3. Giai đoạn trầm cảm
Giai đoạn trầm cảm là giai đoạn nguy hiểm nhất khi bạn bị thao túng tinh thần. Điều tồi tệ nhất của giai đoạn này và bạn dần mất đi chính kiến của bản thân. Bạn luôn cảm thấy lo sợ và phát điên vì những chuyện nhỏ nhặt. Cảm giác thất bại và sự buồn bực bủa vây, đẩy bạn vào hố sâu của những cảm xúc tiêu cực.
Sự chán nản, thất vọng, hoài nghi về bản thân giờ đây dường như rất bình thường, đến nỗi bạn không thể nhớ rõ được cuộc sống của bạn đã từng thoải mái, vui vẻ đến thế nào. Tất cả như một tảng đá nặng nề đè lên, khiến bạn cảm thấy ngột ngạt không thở nổi.
Đây thật sự là giai đoạn khủng khiếp đối với nhiều người, bời vì tất cả những gì còn lại trong bạn chỉ là sự vô vọng tuyệt đối, cảm giác bơ phờ mệt mỏi xâm chiếm cả con người. Thậm chí trong một số trường hợp, bạn có thể trở nên hoang tưởng và hóa điên nếu bị thao túng nặng nề.
Cách nhận biết bản thân bị thao túng tinh thần
Nhận ra bản thân đang bị thao túng và nhanh chóng thoát ra là điều cần thiết để tránh bị người xấu lợi dụng với những mục đích sai trái. Việc bị thao túng trong thời gian dài sẽ khiến bạn tưởng như mình là người cần phải nỗ lực thay đổi để thích nghi và phục tùng đối phương, nhưng đến khi bạn bị dồn ép đến chân tường, hoặc sức khỏe suy sụp nghiêm trọng, bạn mới nhận ra bạn đang hủy hoại bản thân chứ không hề nỗ lực giúp mình trở nên tốt hơn.
Hãy nhanh chóng thoát ra khỏi một mối quan hệ độc hại, bị thao túng tinh thần nếu bạn có những biểu hiện sau:
- Hoài nghi bản thân: Bạn liên tục ngờ vực, tự chất vấn rằng bản thân có phải đang quá vấn đề. Bạn nghĩ rằng mọi chuyện không tồi tệ đến thế và bạn chỉ hơi nhạy cảm về mọi thứ. Bạn cứ luôn tự hỏi rằng liệu mình có phải là một người yêu/con/vợ/chồng tốt. Bạn không còn tự tin vào những điều mình làm nữa và luôn trong tình trạng căng thẳng.
- Thường xuyên là người có lỗi: Khi một mối quan hệ xảy ra tranh chấp, thông thường đôi bên đều là người có lỗi, hoặc ít hoặc nhiều. Mỗi bên đều phải chịu trách nhiệm cho phần lỗi của mình. Tuy nhiên khi bị thao túng tinh thần, bạn thường xuyên phải là người xin lỗi vì tất cả tội lỗi đều được đổ lên đầu bạn. Bạn thấy mình thật xấu xa và luôn là người gây rắc rối.
- Không cảm thấy hạnh phúc: Bạn luôn tự hỏi rằng tại sao bạn có một người yêu tuyệt vời, có bố mẹ yêu thương, có đồng nghiệp thân thiện và rõ ràng bạn đang được đối đãi rất tốt nhưng vẫn không cảm thấy hạnh phúc. Bạn không còn thấy vui vẻ trong cuộc sống, làm chuyện gì cũng không xong. Bạn tìm đến bia, rượu, chất kích thích để mong lấy lại tinh thần nhưng hoàn toàn vô dụng. Bạn luôn cảm thấy bản thân đã từng là một con người rất khác với hiện tại: năng động, vui vẻ, tự tin và hạnh phúc hơn rất nhiều.
- Tìm cách biện hộ cho kẻ thao túng: Bạn tìm cách để bao che, viện cớ cho người yêu/vợ/chồng hoặc người đang bạo hành bạn với gia đình và bạn bè. Bạn bắt đầu nói dối để không phải bị lăng mạ, hoặc vì bạn không muốn thấy người kia tìm cách bẻ cong thực tế nữa.
- Không thể tự đưa ra quyết định: Việc đưa ra những quyết định, dù là đơn giản nhất, cũng trở nên khó khăn. Bạn không còn khả năng xem xét và nhìn nhận vấn đề một cách khách quan nữa vì bị ảnh hưởng từ kẻ thao túng. Trong vô thức, bạn sẽ luôn đưa ra những quyết định tuân theo ý muốn của kẻ khác chứ không phải chính mình.
- Cảm thấy hoang mang như muốn hóa điên: Bạn có thể nhận thấy rằng có điều gì đó không ổn nhưng bạn không thể giải thích được, kể cả với chính mình. Đây là lúc việc thao túng tinh thần đã ảnh hưởng đến bạn một cách trầm trọng. Những lời nói của người khác qua miệng kẻ thao túng (dù là giả dối) cũng khiến bạn cảm thấy mình làm sai, hay mình sắp điên rồi. Đôi khi bạn còn thấy mình lặp đi lặp lại những lời này với bản thân. Bạn ngày càng lún sâu vào những cảm xúc tiêu cực và không thể rút chân ra được.
Tìm hiểu thêm: Tâm lý đám đông trên mạng xã hội: Hiểu rõ hơn về các tác động
Cách để thoát khỏi sự thao túng tinh thần
Sau khi nhận thức được mình đang bị thao túng tinh thần bạn phải nhanh chóng tìm cách thoát ra càng nhanh càng tốt. Đây là một quá trình yêu cầu sự quyết tâm và nghị lực rất lớn. Hãy nhớ, bạn chỉ có thể thoát khỏi một mối quan hệ độc hại khi bạn hoàn toàn buông bỏ. Hãy chủ động rời bỏ những mối quan hệ khiến bạn cảm thấy lo âu sợ hãi, một mối quan hệ mà bạn gần như không được tôn trọng và luôn phải chịu sự thao túng cảm xúc của đối phương. Dưới đây làm một số cách mà bạn nên áp dụng.
1. Đừng tự trách móc bản thân
Kẻ thao túng luôn cố gắng hạ thấp giá trị của bạn, khiến bạn có cảm giác mình thấp kém. Hãy nhớ rằng đó không phải con người thật, bạn chỉ đang bị thao túng để cảm thấy như vậy. Khi bắt đầu cảm thấy mình tồi tệ, bạn cần nhận biết điều gì đang xảy ra và xem lại cảm giác của mình. Hãy tự hỏi rằng bạn có đang hạnh phúc, rằng kẻ thao túng có đang tôn trọng bạn, và trong mối quan hệ này có phải chỉ có mình bạn là người có lỗi? Nếu câu trả lời cho mọi câu hỏi đều là “không” thì vấn đề không phải ở bạn, bạn chỉ đang bị thao túng mà thôi.
2. Học cách từ chối
Bạn càng nhượng bộ, càng thuận theo ý của kẻ thao túng thì mọi thứ sẽ ngày càng tồi tệ. Thế nên hãy học cách từ chối. Từ chối làm những việc bạn không muốn. Từ chối chu cấp hay cho mượn tiền với những lý do không chính đáng vì số tiền đó của bạn chắc chắn sẽ một đi không trở lại. Từ chối đáp ứng những yêu cầu vô lý của kẻ thao túng. Bạn phải đứng lên bảo vệ quyền lợi, bảo vệ bản thân mình trước những chiêu trò của kẻ xấu.
3. Đừng cảm thấy tội lỗi
Khi bạn muốn chấm dứt một mối quan hệ độc hại, kẻ thao túng tinh thần sẽ cố gắng khiến bạn cảm thấy tội lỗi, rằng bạn là kẻ phản bội. Lúc này, bạn cần nhớ một trong những điều quan trọng để thoát khỏi sự ràng buộc của cảm giác tội lỗi là loại trừ ngay từ khi nó bắt đầu xuất hiện. Hãy dùng phương pháp “gậy ông đập lưng ông” để đối phó với những lời buộc tội này, và đừng để những lời biện hộ của kẻ thao túng làm bạn lung lay.
Phương pháp “gậy ông đập lưng ông” là dùng chính những điều kẻ thao túng vừa nói để khiến họ thấy rằng, họ đã cư xử thô lỗ, vô tâm và tàn nhẫn với bạn đến mức nào. Bạn cảm thấy thất vọng trong mối quan hệ và không muốn tiếp tục, việc bạn phản ứng lại với họ là chuyện đương nhiên khi bạn thấy bản thân không được tôn trọng.
4. Tìm sự giúp đỡ từ người thân, bạn bè
Thay vì ở bên cạnh kẻ thao túng, bạn hãy đến ở với người thân hoặc bạn bè để thay đổi môi trường sống, cũng như tham khảo những lời khuyên từ họ. Hãy đến thăm người thân, ra ngoài kết bạn mới, tham gia các hoạt động xã hội, thiền định, tập trung vào những mối quan hệ lành mạnh và dành thời gian ở bên cạnh những người khiến bạn hạnh phúc và tự tin. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể tham khảo những lời khuyên từ gia đình và bạn bè, những người thấu hiểu, yêu thương và không bao giờ làm bạn đau khổ.
Những người có thể cho bạn lời khuyên xác đáng nhất để từ bỏ mối quan hệ độc hại với kẻ thao túng có thể là người thân trong gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, thậm chí là bạn trên internet. Những người này có thể giúp bạn cải thiện tâm trạng, thoát khỏi bóng ma tâm lý để trở nên tự tin, vui vẻ hơn. Đừng để mình cô đơn, cách biệt với mọi người.
5. Tham khảo chuyên gia tâm lý
Tìm đến sự giúp đỡ của chuyên gia tâm lý là một biện pháp hay giúp bạn nhanh chóng ổn định tinh thần. Những người có chuyên môn sẽ đánh giá tình hình tâm lý, cho bạn lời khuyên và hướng dẫn những biện pháp cụ thể, hiệu quả để chống lại kẻ thao túng.
Cách để phòng tránh thao túng tinh thần
Thao túng tinh thần rất khó nhận biết vì nó xảy ra rất chậm và kéo dài. Việc bị thao túng cũng ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe thể xác và tinh thần của bạn. Vì thế, bạn nên biết những cách phòng tránh được liệt kê dưới đây để không rơi vào bẫy của những kẻ thao túng.
- Nhận thức quyền lợi của mình trong mối quan hệ: Đừng để kẻ thao túng xâm phạm nhân quyền của bạn. Mọi người là bình đẳng trong mối quan hệ. Bạn có quyền được tôn trọng, bộc lộ cảm xúc, được chăm sóc, được phát biểu ý kiến cá nhân, được bảo vệ khỏi bạo lực và có quyền được sống hạnh phúc. Nếu có ai cố gắng xâm phạm chúng bằng cách thao túng bạn, hãy tránh xa người đó.
- Không tự trách, coi thường bản thân: Kẻ thao túng luôn biết cách đánh vào điểm yếu của bạn, khiến bạn cảm thấy yếu thế và tự trách khi không làm hài lòng họ. Bạn hãy luôn nhớ rằng vấn đề không nằm ở bạn, bạn chỉ đang bị thao túng để cảm thấy tồi tệ về bản thân rồi dễ đánh mất chính mình mà thôi.
- Học cách trả ơn và nói “Không”: Ban đầu, kẻ thao túng sẽ tự nguyện giúp đỡ bạn một số việc nhỏ nhặt để khiến bạn có cảm giác mang ơn. Sau đó, họ có thể lấy cái cớ từng giúp đỡ để đòi hỏi bạn trả ơn. Trong trường hợp này, bạn nên từ chối sự giúp đỡ, hoặc có thể giúp ngược lại người kia một số việc vặt để không ai nợ ai. Bạn cũng nên học cách nói “Không” với những đòi hỏi vô lý. Biết cách cư xử khôn ngoan sẽ giúp bạn tránh trở thành kẻ vô ơn trong miệng kẻ thao túng.
- Giữ khoảng cách an toàn: Tránh xa những kẻ hai mặt sẽ giúp bạn an toàn. Con người luôn có chút thay đổi về hành vi, cách ứng xử để phù hợp với các mối quan hệ xã hội khác nhau, còn kẻ thao túng chính xác là kẻ hai mặt. Họ có thể cực kỳ lịch sự với một người nhưng lại cư xử thô lỗ với một người khác. Nếu một người thường xuyên có kiểu thái độ như vậy, bạn hãy tránh tiếp xúc với họ trừ trường hợp bắt buộc.
Tóm lại, nếu bạn chưa bị thao túng thì nên biết cách phòng tránh để giữ an toàn cho bản thân, còn nếu bạn nhận ra mình đã rơi vào một mối quan hệ độc hại thì hãy nhanh chóng tìm cách thoát ra. Việc bị thao túng tinh thần lâu dài có thể khiến bạn mất đi chính kiến, niềm tin vào bản thân và ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe thể xác và tinh thần.
Hãy tìm cho mình một hoàn cảnh sống mới để dứt ra khỏi kẻ thao túng và tham gia những hoạt động xã hội, thể dục thể thao hoặc ngồi thiền để nâng cao sức khỏe tinh thần, thanh lọc tâm hồn. Bạn cũng có thể tìm đến chuyên gia tâm lý, người thân, bạn bè, đồng nghiệp,… để nhận được những lời khuyên khách quan. Đặc biệt, đừng bao giờ tìm đến bia rượu mỗi khi thấy căng thẳng, mệt mỏi vì nó chỉ giúp phá hủy con người bạn nhanh hơn mà thôi. Tinh thần của bạn càng tồi tệ thì càng dễ kiểm soát. Đừng biến mình thành nạn nhân của kẻ thao túng.
Hy vọng những chia sẻ của Tạp Chí Tâm Lý Học sẽ giúp bạn có cái nhìn toàn diện hơn về hành vi thao túng tâm lý này, và cách để thoát khỏi nó nếu bạn đang lâm vào trường hợp tương tự.
Tham khảo thêm:
- Bạo Hành Tinh Thần: Nỗi đau “không thương tích” ít ai nhận ra
- Bạo Hành Tâm Lý Trong Tình Yêu: Biểu Hiện Và Cách Ứng Phó
- Tâm lý bất ổn là gì? Dấu hiệu và Hướng khắc phục hiệu quả
- Cách nhận biết đang mắc bệnh tâm lý nguy hiểm?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!