Ergophobia (hội chứng sợ làm việc): Lười biếng hay bệnh tâm lý?
Ergophobia là một rối loạn tâm lý đặc trưng bởi nỗi sợ hoặc ác cảm mạnh mẽ với công việc. Nỗi sợ hoặc cảm giác căm ghét này xuất hiện thường trực, quá mức và phi lý, ảnh hưởng nhiều đến chức năng xã hội và nghề nghiệp. Nhiều người cho rằng, Ergophobia thực chất chỉ là lời biện hộ của những kẻ lười biếng mà không hề biết rằng đây thật sự là một vấn đề tâm lý cần được can thiệp, điều trị.
Ergophobia (hội chứng sợ làm việc) là gì?
Ergophobia (hội chứng sợ làm việc) là một rối loạn tâm lý liên quan đến nỗi sợ hãi quá mức và vô lý với công việc hoặc môi trường làm việc. Người mắc hội chứng này thường có cảm giác lo lắng, căng thẳng trước các vấn đề liên quan đến công việc như các cuộc họp, trách nhiệm công việc, mối quan hệ đồng nghiệp, quy tắc nơi làm việc…
Hội chứng sợ làm việc không được chẩn đoán là một rối loạn riêng biệt theo DSM-5. Tuy nhiên, tình trạng này được xếp vào nhóm rối loạn lo âu, đặc trưng với nỗi ám ảnh sợ hãi nghiêm trọng về công việc. Một người được chẩn đoán mắc chứng sợ hãi cụ thể như nỗi sợ làm việc khi nỗi sợ đó không cân xứng với tình huống thực tế.
Ergophobia là sự kết hợp của từ “ergon” (nghĩa là lao động, công việc) và “phobia” (nghĩa là ám ảnh, sợ hãi) trong tiếng Hy Lạp. Theo đó, nghĩa của cả cụm từ chính là ám ảnh sợ hãi trong công việc, hay còn gọi là hội chứng sợ công việc.
Ergophobia là bệnh tâm lý hay sự biện hộ của kẻ lười biếng?
Hội chứng sợ đi làm không quá phổ biến, rất nhiều người thậm chí còn chưa từng nghe đến cụm từ này. Vì thế, khi một người có các biểu hiện căng thẳng, lo lắng, sợ hãi, chậm trễ trong công việc, họ được đánh giá là yếu kém, lười biếng. Hoặc khi nghe có người mắc hội chứng này, nhiều người chỉ cho rằng thực tế đây là lời biện minh của những kẻ lười biếng mà thôi.
Thế nhưng thực tế thì Ergophobia không phải là lời biện minh, bào chữa cho thái độ lười biếng ở một số người. Sợ công việc không phải là do lười biếng mà là một rối loạn tâm lý thực sự, người mắc hội chứng này dù cố gắng cũng rất khó có thể kiểm soát nỗi sợ hãi, ám ảnh của bản thân.
Họ phải trải qua cảm giác bồn chồn, lo lắng, căng thẳng quá mức thậm chí hoảng loạn khi nghĩ đến việc làm việc. Trong khi đó, người lười biếng thường không có nỗi sợ hãi liên quan đến công việc. Họ không làm vì không muốn nỗ lực hoặc thiếu động lực.
Người mắc hội chứng sợ làm việc cần được điều trị và hỗ trợ. Không nên bị quy kết là lười biếng, nhác việc, thiếu trách nhiệm. Bởi vì người mắc ergophobia thường nhận thức được nỗi sợ vô lý của bản thân và luôn tìm cách vượt qua nó. Trong khi đó, người lười biếng là do bản thân họ không muốn làm việc và không có ý định thay đổi hành vi của bản thân.
Dấu hiệu của hội chứng Ergophobia
Bản chất của hội chứng sợ làm việc chính là cảm giác lo âu, căng thẳng cực độ khi tham gia bất kỳ hoạt động lao động nào. Đây là nỗi sợ hãi vô hình, mạnh mẽ không thể kiểm soát, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe thể chất, tinh thần và công việc của các nhân.
Các dấu hiệu nhận biết:
- Lo lắng, sợ hãi quá mức khi nghĩ đến công việc hoặc môi trường làm việc
- Sợ đi làm mỗi sáng, trì hoãn, không hoàn thành tốt công việc
- Vắng mặt thường xuyên hoặc tránh đến nơi làm việc
- Không thể kiểm soát được nỗi lo lắng, sợ hãi của bản thân
- Có các dấu hiệu thể chất như tim đập nhanh, run rẩy, đổ mồ hôi, khó thở, đau đầu, buồn nôn
- Thiếu tập trung, gặp khó khăn ngay cả với các nhiệm vụ đơn giản
- Né tránh tiếp xúc với đồng nghiệp
- Sự đau khổ, lo lắng kéo dài và có xu hướng ngày càng nghiêm trọng
- Từ chối, né tránh việc tiếp nhận các nhiệm vụ mới
- Không nộp đơn xin việc hoặc không tham gia phỏng vấn
- Các triệu chứng thường trực, kéo dài ít nhất 6 tháng.
Nguyên nhân gây ra hội chứng Ergophobia
Hội chứng sợ công làm việc không đơn thuần làm cảm giác chán nản, không muốn làm việc. Tình trạng này là nỗi sợ vô lý gây ra cảm giác căng thẳng, lo âu đến mức hoảng loạn khi nghĩ đến công việc và tâm lý sợ đi làm. Cũng giống như các rối loạn tâm lý khác, nguyên nhân của Ergophobia vẫn chưa được xác định chính xác.
Tuy nhiên, các nghiên cứu nhận thấy, có nhiều yếu tố liên quan mật thiết đến hội chứng này. Có thể kể đến như:
- Trải nghiệm tiêu cực trong quá khứ: Môi trường làm việc độc hại, bị bắt nạt, quấy rối hoặc chỉ trích nặng nề; ám ảnh từ thất bại hoặc sai lầm nghiêm trọng trong công việc cũ…
- Áp lực công việc: Kỳ vọng quá cao từ lãnh đạo, đồng nghiệp hoặc bản thân cá nhân; khối lượng công việc lớn quá sức gây quá tải hoặc deadline quá gấp; môi trường làm việc cạnh tranh cao…
- Tính cách cá nhân: Người có tính cách tự ti, thiếu lòng tin vào bản thân, sợ bị đánh giá tiêu cực dễ mắc hội chứng sợ làm việc.
- Tác động từ gia đình và xã hội: Kỳ vọng, áp lực của gia đình; thiếu sự hỗ trợ từ bạn bè, đồng nghiệp…
- Chấn thương: Tai nạn lao động, sang chấn tâm lý, các trải nghiệm đáng sợ liên quan đến công việc hoặc nơi làm việc.
- Vấn đề về sức khỏe tâm lý: Mắc các vấn đề tâm lý khác như rối loạn lo âu xã hội, rối loạn hoảng sợ, rối loạn ám ảnh cưỡng chế, trầm cảm…
Ảnh hưởng của hội chứng Ergophobia
Hội chứng Ergophobia là một rối loạn tâm lý cần được can thiệp và điều trị. Người mắc hội chứng không muốn làm việc, sợ đi làm không chỉ gặp vấn đề về sức khỏe thể chất mà còn gặp nhiều ảnh hưởng về sức khỏe tinh thần, công việc và cuộc sống cá nhân.
Các ảnh hưởng của Ergophobia:
- Làm giảm hiệu suất làm việc, bỏ lỡ cơ hội thăng tiến, phát triển, nguy cơ mất việc cao
- Gây tâm lý sợ đi làm mỗi sáng, khiến cá nhân xin nghỉ thường xuyên, dài ngày
- Giảm sự tự tin, gia tăng nguy cơ mắc các vấn đề tâm lý, đặc biệt là trầm cảm
- Giảm chất lượng cuộc sống, ảnh hưởng đến tài chính cá nhân
- Ảnh hưởng đến mối quan hệ gia đình, xã hội, dễ xuất hiện mâu thuẫn với đồng nghiệp
- Tăng nguy cơ cao huyết áp và các bệnh lý về dạ dày, tim mạch
- Hạn chế khả năng học hỏi kỹ năng mới và không gian phát triển của cá nhân.
Các triệu chứng của Ergophobia thường không giảm đi mà có xu hướng ngày càng nghiêm trọng. Việc chủ quan trước các biểu hiện bất thường của bản thân chỉ khiến tình trạng trở kéo dài, các ảnh hưởng ngày một nghiêm trọng hơn mà thôi.
Chẩn đoán hội chứng Ergophobia
Chưa có tiêu chuẩn chẩn đoán riêng cho Ergophobia trong DSM-5-TR. Tuy nhiên, hội chứng sợ làm việc được xếp vào nhóm rối loạn ám ảnh cụ thể. Theo DSM-5TR tiêu chuẩn chẩn đoán ám ảnh cụ thể như sau:
- Phải có nỗi sợ hãi, lo lắng rõ rệt, triệu chứng kéo dài dai dẳng, trên 6 tháng về một tình huống hoặc đối tượng cụ thể nào đó.
Ngoài ra, người bệnh phải có những điều sau:
- Đối tượng, tình huống gần như gây ra lo sợ căng thẳng ngay lập tức khi nghĩ đến
- Cá nhân luôn né tránh tình huống hoặc đối tượng
- Nỗi sợ không phù hợp với nguy hiểm thực tế
- Cảm giác lo âu, sợ hãi gây căng thẳng đáng kể hoặc làm ảnh hưởng đến nghề nghiệp hoặc chức năng xã hội.
Việc chẩn đoán Ergophobia cần được thực hiện bởi chuyên gia tâm lý hoặc tâm thần thông qua các đánh giá chi tiết. Một số phương pháp thường được sử dụng bao gồm:
- Đánh giá lâm sàng (phỏng vấn tâm lý, quan sát hành vi)
- Sử dụng bảng câu hỏi và thang đo (BAI, FSS…)
- Tham vấn với gia đình và người thân
- Loại trừ các rối loạn tâm lý khác
- Chẩn đoán phân biệt với các loại rối loạn lo âu
- Đánh giá sức khỏe tổng quát
Phương pháp điều trị hội chứng sợ làm việc
Việc khắc phục và điều trị ergophobia đòi hỏi phải có phương pháp tiếp cận toàn diện, cần có sự kết hợp của nhiều yếu tố. Khi có dấu hiệu nghi ngờ mắc hội chứng này, cách tốt nhất là bạn nên tìm đến bác sĩ, chuyên gia tâm lý hoặc tâm thần để được đánh giá và có biện pháp hỗ trợ phù hợp.
Các phương pháp điều trị hội chứng này bao gồm:
1. Điều trị bằng thuốc
Việc sử dụng thuốc điều trị chỉ được cân nhắc trong một số trường hợp nhất định. Chỉ được sử dụng thuốc khi được bác sĩ kê đơn và dưới sự giám sát, hướng dẫn theo dõi chặt chẽ của bác sĩ.
Các thuốc thường được sử dụng là:
- Thuốc chống lo âu: Được dùng trong trường hợp triệu chứng lo âu, căng thẳng nghiêm trọng quá mức. Cần kết hợp với liệu pháp tâm lý để đạt được hiệu quả tốt nhất.
- Thuốc an thần nhẹ: Được dùng với trường hợp lo âu nghiêm trọng ảnh hưởng đến công việc, có tác dụng giúp cá nhân vượt qua tình huống căng thẳng. Thường dùng là benzodiazepin được kê đơn.
- Thuốc chống trầm cảm: Thuốc ức chế hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI), thuốc ức chống trầm cảm ba vòng, thuốc ức chế tái hấp thu serotonin và norepinephrine…
- Thuốc kháng histamine: Hydroxyzine được FDA chấp thuận trong điều trị rối loạn lo âu.
- Thuốc chẹn beta: Thường dùng là propranolol có tác dụng kiểm soát triệu chứng sợ hãi cụ thể.
2. Tâm lý trị liệu
Các liệu pháp tâm lý được đánh giá cao về hiệu quả trong việc hỗ trợ cải thiện tâm lý sợ đi làm. Ưu điểm của các phương pháp này là an toàn, lành tính, hiệu quả cao, không xâm lấn, không gây tác dụng phụ.
Các liệu pháp thường được áp dụng:
- Liệu pháp EMDR (Eye Movement Desensitization and Reprocessing Therapy): Là kỹ thuật chuyển động mắt để kích thích tâm lý, tác động vào cảm xúc của thân chủ về các sự kiện trong quá khứ, giải phóng những kí ức buồn bã, tiêu cực và khôi phục niềm tin.
- Liệu pháp nhận thức hành vi (CBT): Liệu pháp giúp nhận diện và thay đổi những mô hình suy nghĩ, hành vi tiêu cực liên quan đến công việc. Khiến cá nhân có những suy nghĩ tích cực về công việc, phát triển kỹ năng đối phó với nỗi sợ hãi.
- Liệu pháp khác: Ngoài ra, nhà trị liệu có thể áp dụng một số liệu pháp khác như liệu pháp tương tác cá nhân (IPT), liệu pháp phơi nhiễm, liệu pháp hành vi biện chứng (DBT)…
Biện pháp hỗ trợ can thiệp cải thiện ergophobia
Bên cạnh việc tuân theo hướng dẫn điều trị của bác sĩ, chuyên gia tâm lý hoặc nhà trị liệu, việc tự hỗ trợ cải thiện tại nhà cũng góp phần đáng kể trong điều trị ergophobia.
Các biện pháp hỗ trợ bao gồm:
1. Thay đổi lối sống
Một lối sống lành mạnh có thể hỗ trợ làm giảm căng thẳng, lo âu, giảm bớt nỗi sợ và giúp bạn xây dựng sự tự tin. Bạn có thể điều chỉnh lối sống của mình bằng cách:
- Áp dụng các kỹ thuật thư giãn: Thực hiện các kỹ thuật thư giãn như thở sâu, yoga, thiền định có tác dụng rất tốt trong việc kiểm soát căng thẳng, lo âu và thư giãn tinh thần.
- Thiết lập mục tiêu nhỏ: Lập kế hoạch, thiết lập mục tiêu nhỏ, rõ ràng, vừa sức, từ việc hoàn thành mục tiêu nhỏ, bạn sẽ dễ dàng hơn trong việc kiểm soát công việc và hoàn thành mục tiêu lớn.
- Quản lý thời gian: Nên liệt kê các công việc cần làm, phân chia thời gian phù hợp để quản lý thời gian hiệu quả, giảm căng thẳng và cảm giác quá tải.
2. Xây dựng sự tự tin
Để giảm nỗi sợ hãi đối với công việc và môi trường làm việc, bạn cần xây dựng sự tự tin bằng cách nâng cao kỹ năng chuyên môn của bản thân. Hãy tham gia các khóa học hoặc khóa đào tạo nâng cao kỹ năng ngắn hạn để giúp bạn có niềm tin hơn vào bản thân.
Đồng thời cũng cần xem xét lại giá trị, cách nhìn nhận của bản thân về công việc. Hãy chọn những công việc mà bạn yêu thích, đừng xem công việc là gánh nặng, hãy xem đây là môi trường để bạn khẳng định giá trị bản thân, được rèn luyện và trải nghiệm.
3. Tìm kiếm sự hỗ trợ từ môi trường làm việc
Trong một số trường hợp, nếu công việc quá tải bạn nên trao đổi với cấp trên về nỗi sợ hãi của bạn và tìm giải pháp để cải thiện. Có thể đề nghị được thay đổi thời gian làm việc hay thay đổi nhiệm vụ để bạn cảm thấy thoải mái hơn.
Sự hỗ trợ từ đồng nghiệp cũng là yếu tố quan trọng giúp bạn giảm thiểu lo lắng, căng thẳng. Đối với những đồng nghiệp đáng tin cậy, bạn có thể chia sẻ với họ những khó khăn mà bạn đang gặp phải để họ có thể giúp đỡ, hỗ trợ bạn khi cần thiết.
4. Tăng cường chăm sóc bản thân
Hãy chú ý hơn đến việc chăm sóc bản thân thay vì lo nghĩ quá nhiều về công việc. Tốt nhất bạn nên:
- Xây dựng một chế độ ăn uống lành mạnh, đầy đủ chất dinh dưỡng
- Ngủ đúng giờ, đủ giấc, đảm bảo chất lượng giấc ngủ
- Tăng cường hoạt động thể chất với các hoạt động như đi bộ, bơi lội, chạy bộ…
- Sử dụng kỹ thuật dừng lại và đánh giá, kỹ thuật xử lý từng bước để đối phó với căng thẳng.
Hội chứng sợ làm việc (ergophobia) ngày càng phổ biến và được nhiều người biết đến. Người mắc hội chứng này cần kịp thời nhận ra, chấp nhận và tìm kiếm giải pháp hỗ trợ thay vì bỏ mặc các rối loạn tâm lý của bản thân.
Có thể bạn quan tâm:
- Hội chứng sợ yêu (Philophobia) là gì? Làm sao thoát khỏi?
- Hội chứng Pareidolia – Ảo giác khuôn mặt ở mọi nơi là gì?
- Hội chứng sợ giấy: Nguyên nhân và cách trị
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!