Hội chứng sợ yêu (Philophobia) là gì? Làm sao thoát khỏi?
Hội chứng sợ yêu (Philophobia) có thể xuất phát từ nhiều lý do như đổ vỡ trong quá khứ, chứng kiến sự đau khổ của người khác khi yêu,… Nếu không sớm kiểm soát, những người này có thể đơn độc đến suốt cuộc đời, tự cô lập mình với thế giới xung quanh vì lo sợ rằng trái tim sẽ rung động.
Hội chứng sợ yêu (Philophobia) là gì?
Hội chứng sợ yêu có tên khoa học là Philophobia và được xếp vào nhóm rối loạn lo âu. Thuật ngữ này được bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp, trong đó “filos” có nghĩa là tình yêu hoặc được yêu và “phobia” là nỗi sợ, nỗi ám ảnh vô lý. Bệnh được đặc trưng bởi nỗi ám ảnh, lo lắng quá mức với tình yêu, bao gồm cả việc nhận tình yêu của người khác hay những rung cảm xuất phát từ chính bản thân mình.
Người mắc hội chứng sợ yêu hoàn toàn có thể là nam hay nữ, thanh thiếu niên hay người trưởng thành. Tuy nhiên bệnh thường có xu hướng hình thành từ thời thơ ấu, bộc phát mạnh mẽ hơn khi ở tuổi trưởng thành. Nếu không nhận biết sớm và khắc phục kịp thời, nhiều người có thể sẽ phải sống cô độc đến già.
Tình yêu tất nhiên không phải là tất cả mọi thứ trong cuộc sống nhưng rõ ràng, một trái tim trở nên tràn đầy sức sống, nhiệt huyết, hạnh phúc khi được tiếp xúc với “tình yêu”. Tình yêu chính là khởi nguồn để tiến tới các mối quan hệ xa hơn, chính là vợ chồng. Những đứa con được sinh ra, tiếp tục xoay vòng với tình yêu và tạo ra nhiều thế hệ sau đó. Đây chính là quy luật bất biến trong xã hội loài người.
Philophobics (người mắc hội chứng sợ yêu) thường không tìm thấy được mối liên hệ sâu sắc với những người khác theo xu hướng tính dục của họ ( trừ cha mẹ hay người thân). Chẳng hạn một người con gái mắc chứng sợ yêu sẽ không thể nào gần gũi với nam giới mặc dù họ thực sự có cảm tình với đối phương. Tuy nhiên điều này không có nghĩa là họ thích nữ giới mà chỉ là họ sợ cảm giác “yêu”.
Biểu hiện của hội chứng sợ yêu
Tình yêu là nhu cầu tự nhiên của tất cả mọi người, thế nhưng những Philophobics lại tìm tất cả mọi cách để tránh né điều này. Chính do đó mà những người trưởng thành mắc hội chứng này thường bị cho là dị hợm, trái tính trái nết… và luôn bị người lớn bắt ép tìm cách để sớm dựng vợ gả chồng. Vậy nên, các triệu chứng sợ yêu thường kèm theo căng thẳng stress do áp lực với nghĩa vụ lập gia đình.
Các triệu chứng của hội chứng sợ yêu thường xuất hiện khi họ nghĩ về tình yêu, bắt đầu một cuộc gặp gỡ hay đang trong một mối quan hệ tình cảm nào đó, không phải lúc nào cũng xuất hiện. Một số triệu chứng điển hình của Philophobia như sau:
- Luôn cảm giác lo lắng, sợ hãi, suy nghĩ quá nhiều khi hẹn hò, gặp gỡ với một ai đó nên thường tìm cách né tránh tối đa.
- Từ chối xem cả các bộ phim tình cảm hay đến sự đám cưới của một người nào khác hay những nơi có quá nhiều cặp đôi
- Cảm xúc khi nghĩ đến hoặc đang trong một tình yêu nào đó thường gặp như tim đập nhanh, mặt trắng bệnh, chân tay run rẩy, hụt hơi, gặp vấn đề về tiêu hóa, buồn nôn.,…
- Có thể gặp ác mộng, ngủ không sâu giấc, dễ tỉnh giấc giữa chừng nếu cảm thấy tình yêu, chẳng hạn như ai đó tỏ tình hoặc cảm giác như mình đang rung động với người khác
- Luôn chạy trốn hoặc có cảm giác thôi thúc phải chạy trốn một cách mãnh liệt
- Cảm giác thoải mái, nhẹ nhàng hết khi sống một mình, làm việc một mình, không phải tiếp xúc với ai
- Ở một số Philophobics nhẹ hơn, họ vẫn có thể bước vào một mối quan hệ yêu đương nhưng lúc nào cũng cảm thấy vô cùng gò bó, khó chịu, bức bối nên thường nhanh chóng muốn thoát ra
- Có xu hướng cô lập, tách biệt bản thân với những người xung quanh, đặc biệt người theo hướng tính dục của họ để tránh tối đa việc phải rung động
- Né tránh các vấn đề kết hôn, làm mai, thậm chí có thể trở nên kích động nếu có ai đó nhắc đến các vấn đề này quá nhiều
- Luôn có quá nhiều suy nghĩ tiêu cực về tình yêu, chẳng hạn cho rằng nó sẽ làm ảnh hưởng đến cuộc sống, tài chính, chỉ khiến mình đau khổ chứ không mang lại điều gì may mắn hay hạnh phúc cả
Trong các mối quan hệ bạn bè bình thường thì những người này vẫn có thể trò chuyện bình thường, giao tiếp bình thường nếu họ xác định không có tình cảm. Tuy nhiên vẫn có một số người có nỗi lo sợ ám ảnh đến mức họ từ chối mọi cuộc quan hệ, tự tách biệt khỏi xã hội để tránh rung động với bất cứ ai.
Thực tế cần hiểu rằng, người mắc hội chứng sợ tình yêu không phải người vô cảm, họ hoàn toàn có cảm xúc với người khác, chỉ đơn giản là đứng trước cảm giác “yêu” khiến họ cảm giác cực kỳ run rẩy, hoảng loạn không thể kiểm soát được. Cảm giác khi được ai đó nói yêu mình hoặc đang rung động trước ai đó khiến người bệnh có cảm giác như trái tim đang bị bóp nghẹt, không thể thở được, đứng không vững.
Nguyên nhân gây ra hội chứng sợ yêu
Những ám ảnh từ quá khứ có liên quan đến chuyện tình cảm do chính bản thân người đó đã trải qua hoặc chứng khiến, ảnh hưởng từ cách giáo dục hay văn hóa gia đình có thể dần hình thành nỗi lo lắng quá mức cho người mắc hội chứng sợ yêu. Những ảnh hưởng này có thể dần hình thành từ quá khứ nhưng không thể kiểm soát được nên kéo dài đến hiện tại và tác động tiêu cực đến cả tương lai.
Cụ thể, một vài yếu tố có thể tác động đến tâm lý khiến rất nhiều người cảm thấy lo lắng, ám ảnh với tình yêu như:
1. Trải nghiệm từ quá khứ
Đây có thể là một trong những nguyên nhân chính gây hội chứng sợ yêu. Chẳng hạn như một người từng bị người yêu phản bội, chứng khiến những cặp đôi yêu nhau nhưng lại chia tay, bị người khác lợi dụng trong tình yêu, cha mẹ đổ vỡ hôn nhân dù từng cực kỳ hạnh phúc.
Tất cả đều đều khiến những người này cảm thấy mất hoàn toàn niềm tin vào tình yêu, cho rằng nó chỉ mang đến đau khổ và thường tìm cách tránh né, không muốn vướng vào. Tệ hơn là trong đầu họ lúc nào cũng bị ám ảnh bởi trải nghiệm tồi tệ trong quá khứ, khiến họ luôn bị giằng xé tâm can, suy nghĩ không ngừng trong cuộc sống.
2. Ảnh hưởng từ quá trình giáo dục
Ở một số gia đình thường có xu hướng cấm đoán con cái yêu đương sớm, nếu có sẽ phạt rất nặng. Ngoài ra để giáo dục con các gia đình này cũng có thể đưa ra các ví dụ “tiêm nhiễm” vào đầu con những hệ lụy từ việc yêu đương khiến chúng dần bị ám ảnh, không dám mở lòng, không dám có mối quan hệ quá mức với những người khác và mắc hội chứng sợ tình yêu khi trưởng thành.
3. Ảnh hưởng từ truyền thông
Những câu chuyện “bóc phốt” về tình yêu 20 năm, hy sinh vì nhau nhưng vẫn ngoại tình; những vụ ly hôn hay chính những phim ảnh về sự đau khổ trong tình yêu quá tiêu cực khiến không ít người cảm thấy sợ hãi, ám ảnh, dần dần không muốn tình yêu vì sợ giống với các nhân vật này.
Ngoài ra, những chia sẻ sai lệch trong tình yêu từ người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội cũng có thể “đầu độc” tâm hồn của những người theo dõi họ. Người hâm mộ cũng thường có xu hướng sống theo tư tưởng, phong cách sống của người mà họ ngưỡng mộ, tôn thờ.
4. Ảnh hưởng từ nền văn hóa
Một số nền văn hóa, dân tộc, tín ngưỡng có thể cho rằng tình yêu là tội đồ và cấm cản tuyệt đối, đặc biệt với nữ giới. Những người sống trong các văn hóa này chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng theo hoặc nếu trong gia đình có người theo các văn hóa này cũng sẽ dễ bị ảnh hưởng.
Ở nhiều quốc gia hiện nay, hôn nhân vẫn còn do sự sắp đặt của cha mẹ. Tình yêu cũng được coi là vô nghĩa nếu ngay từ khi còn nhỏ, cha mẹ đã dàn xếp trước vợ / chồng trong tương lai. Cũng vì điều này, nhiều người trẻ có suy nghĩ tiêu cực với tình yêu, dường như phớt lờ hoàn toàn những tình cảm, cảm xúc của bản thân.
Ảnh hưởng của hội chứng sợ yêu đến cuộc sống
Yêu và được yêu là nhu cầu của tất cả mỗi con người mặc dù thực tế không có tình yêu chúng ta vẫn hoàn toàn có thể sống được. Một thế giới không có tình yêu sẽ là một thế giới vô cảm, một thế giới chết bởi nếu chúng ta chỉ đơn độc, không muốn quan tâm, không quan tâm đến ai thì không thể tạo ra sự kết nối trong xã hội.
Mặt khác cảm xúc khi trò chuyện, chia sẻ với bạn bè lại hoàn toàn những xúc cảm với tình yêu. Bất cứ ai cũng mong muốn có thể tìm được một người đồng điệu về tâm hồn, cảm xúc để giải tỏa những buồn phiền hằng ngày. Ở những người mắc hội chứng sợ yêu, họ vừa chẳng thể đạt được sự thăng hoa về mặt cảm xúc, vừa phải tự ôm trong mình bao nhiêu lo lắng, sợ hãi nên rất dễ tiến đến các vấn đề tâm lý khác nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như trầm cảm.
Như đã nói, hội chứng sợ yêu được hình thành do ảnh hưởng rất lớn từ những tổn thương tâm lý trong quá khứ. Chính do không được giải tỏa hết nên mới hình thành một bóng đen trong tâm trí khiến người đó không dám thoát ra khỏi vùng an toàn của bản thân, luôn lo lắng rằng những đau thương sẽ quay trở lại. Cuộc sống không tình yêu, tự cô lập bản thân là một cảm giác cực kỳ đáng sợ.
Bên cạnh đó, sự stress, mệt mỏi của Philophobics đến từ chính gia đình hay những người xung quanh thường ép buộc họ phải yêu đương, phải lập gia đình. Một số người thậm chí còn không dám về nhà chỉ vì những căng thẳng, áp lực từ gia đình quá lớn khiến họ trở nên cô đơn, lạc lõng trong chính căn nhà của mình.
Tìm hiểu thêm: Hội chứng sợ hạnh phúc (Cherophobia) và cách vượt qua
Hướng điều trị cho người mắc chứng sợ yêu
Người mắc hội chứng sợ yêu thường dễ bị những người xung quanh, đặc biệt là gia đình chỉ trích là hâm dở, chảnh, tính khác người, vô cảm.. mà rất ít người cho rằng họ đang gặp vấn đề về tâm lý. Bản thân người bệnh cũng thường chỉ cho rằng mình chưa sẵn sàng để bắt đầu một mối quan hệ, chưa tìm được người phù hợp chứ không nghĩ rằng tâm lý mình không ổn định.
Người bệnh cần đến các bệnh viện có chuyên khoa về thần kinh, chuyên gia tâm lý để thăm khám. Nhà trị liệu sẽ đưa ra một số câu hỏi hoặc yêu cầu thân chủ làm một số bài test. Nếu đủ các tiêu chuẩn của Pholiphobia và đã kéo dài trên 6 tháng sẽ được chẩn đoán mắc bệnh và đưa ra liệu trình điều trị cho từng người.
1. Trị liệu tâm lý
Hội chứng sợ yêu xuất phát từ chính những tổn thương tâm lý, do đó cần phải thông qua phục hồi tâm lý để lấy lại nhận thức cho người bệnh. Liệu pháp nhận thức hành vi CBT chính là biện pháp được áp dụng chủ yếu với Philophobics để loại bỏ được những nỗi lo âu phi lý của người bệnh và thay thế bằng những nhận thức đúng đắn hơn.
Người bệnh cần trung thực trong việc chia sẻ về những cảm xúc, lo lắng của bản thân ở hiện tại cũng như những trải nghiệm không vui từ quá khứ làm hình thành nên nỗi ám ảnh này. Thông qua đó, nhà tham vấn sẽ chỉ rõ cho thân chủ biết, nỗi ám ảnh đó đã tác động đến suy nghĩ, cảm xúc, hành vi của họ như thế nào và đưa ra cách loại bỏ phù hợp.
Các liệu pháp được đưa ra đều nhằm mục đích loại bỏ được bóng đen tâm lý. gỡ được nút thắt trong tâm trí mỗi người bệnh. Bên cạnh đó, chuyên gia tâm lý cũng hướng dẫn thân chủ các cách đối diện với căng thẳng, kiểm soát cảm xúc hay nhìn nhận vấn đề một cách tích cực hơn.
Người đáp ứng tốt với các liệu pháp trị liệu thường nhanh chóng lấy lại sự tự tin, giải phóng bản thân khỏi quá khứ để bắt đầu một cuộc sống mới tốt đẹp, tràn ngập tình yêu và hạnh phúc.
2. Dùng thuốc
Không có bất cứ loại thuốc nào có thể loại bỏ được nỗi lo âu của một người hoặc giúp họ lấy lại niềm tin vào tình yêu. Tuy nhiên với những người mắc hội chứng sợ yêu có các triệu chứng quá mức như rối loạn giấc ngủ, trầm cảm, tự cô lập bản thân thì bác sĩ cũng có thể chỉ định một vài loại thuốc phù hợp để hỗ trợ.
Thuốc an thần, thuốc chống trầm cảm hay các nhóm thuốc giảm lo âu thường được chỉ định cho bệnh nhân để phòng tránh các vấn đề nguy hiểm khác xuất hiện. Người bệnh chỉ nên dùng thuốc khi có chỉ định từ bác sĩ, đảm bảo dùng đúng liều lượng, không được lạm dụng hay ngung thuốc sớm vì đều làm giảm hiệu quả điều trị.
3. Chăm sóc sức khỏe tinh thần cho bản thân
Bản thân người mắc hội chứng sợ yêu phải tự ý thức, tự quyết tâm điều trị cho chính mình chứ không thể hoàn toàn phụ thuộc vào bất cứ loại thuốc hay các chuyên gia tâm lý. Nhà tham vấn sẽ chỉ đưa ra hướng giải quyết, phân tích vấn đề, bản thân bạn mới là người thực hiện, dám bứt phá khỏi vòng tròn an toàn của mình. Nếu cứ chỉ nghe chuyên gia tư vấn mà không thực hiện theo, không quyết tâm, luôn sợ hãi thì dù điều trị cả đời cũng không thể nào vượt qua được nỗi ám ảnh này.
Thế giới có đến 9 tỷ người, mỗi người lại là một cá thể riêng biệt, không ai giống ai. Đừng vì những ám ảnh từ quá khứ mà vội vàng đánh đồng tất cả mọi người xung quanh đều như thế. Thế giới có người tốt và người xấu, đó giống một quy luật của cuộc sống mà không ai có thể thay đổi được.
Kể cả khi bạn đã hết mình với cuộc hôn nhân đó nhưng vẫn đi đến bước đường li dị thì hãy đừng lo lắng, người phải hối tiếc là đối phương chứ không phải bản thân. Hãy cứ tin rằng vào một tương lai tốt đẹp phía trước bởi khi bạn chân thành, bạn hết mình với cuộc sống, bạn tự tin và yêu thương bản thân thì rất nhiều điều tốt đẹp sẽ đến với bạn mà thôi.
Dù có cố gắng chạy trốn nhưng chúng ta chẳng thể nào phủ nhận, tình yêu là một thứ vô cùng diệu kỳ, nó chẳng phải là thuốc mà có thể chữa lành bất cứ vết thương nào trong trái tim. Chỉ cần chứng kiến người ta hạnh phúc trong tình yêu cũng đủ khiến bạn bật cười, cảm thấy vui lây, vậy vì sao với bản thân lại né tránh?
Những lời khuyên giúp thoát khỏi hội chứng sợ yêu
Dưới đây là một số lời khuyên hữu ích dành cho những ai đang cố gắng tự mình vượt qua hội chứng này:
1. Tìm ra nguyên nhân gốc rễ
Hãy dành thời gian để đánh giá lại lịch sử tình cảm của bạn. Xem xét liệu có phải những tổn thương trong quá khứ đang khiến bạn sợ lặp lại trải nghiệm đó trong một mối quan hệ mới hay không. Việc nhận ra nguyên nhân gốc rễ giúp bạn hiểu rõ hơn về hội chứng sợ yêu của mình và từ đó tìm cách vượt qua nó.
2. Nhận diện những suy nghĩ tiêu cực
Những suy nghĩ tiêu cực trong đầu khiến bạn cảm thấy không hạnh phúc trong mối quan hệ. Hãy cố gắng nhận diện và thách thức những suy nghĩ này. Thay vì để chúng kiểm soát, bạn cần học cách thấu hiểu và thay thế chúng bằng những suy nghĩ tích cực hơn.
3. Cho phép bản thân trải qua những cảm xúc tiêu cực
Đừng cố gắng né tránh những cảm xúc khó chịu. Thay vào đó, hãy cho phép bản thân trải qua chúng. Điều này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về chính mình và giúp bạn dần dần vượt qua những cảm xúc tiêu cực.
4. Đánh giá lại những định kiến về tình yêu
Hãy tự hỏi liệu những định kiến mà bạn có về tình yêu và các mối quan hệ có thật sự đúng hay không. Đôi khi, chúng ta có những quan niệm sai lầm về tình yêu, và việc đánh giá lại chúng có thể giúp bạn mở lòng hơn và thoát khỏi hội chứng sợ yêu.
5. Nhận diện những phòng thủ trong tâm trí
Nhận ra những điều khiến bạn bật chế độ phòng thủ và không thể mở lòng với người khác. Việc nhận diện và hiểu rõ nguồn gốc của chúng sẽ giúp bạn dần dần vượt qua nỗi sợ yêu và học cách tin tưởng người khác.
Tự đấu tranh với những nỗi sợ này là bước đầu tiên trong hành trình chữa lành hội chứng sợ yêu. Tuy nhiên, nếu bạn cảm thấy quá khó khăn khi làm điều này một mình, đừng ngần ngại tìm đến sự hỗ trợ từ một chuyên gia tâm lý.
Những lời khuyên trên không chỉ giúp bạn vượt qua hội chứng sợ yêu, hiểu rõ hơn về bản thân mà còn giúp bạn có thể tự tin hơn khi bước vào một mối quan hệ mới. Nhớ rằng, tình yêu không chỉ là về sự kết nối với người khác mà còn là về việc hiểu và yêu chính mình.
Để vượt qua hội chứng sợ yêu (Philophobia) sau những tổn thương tâm lý chắc chắn không phải điều dễ dàng. Hãy học cách chăm sóc bản thân sau những đổ vỡ, luôn yêu thương chính mình, dành thời gian gặp gỡ nhiều người, cứ chân thành và mở lòng thì chắc chắn những điều tuyệt vời sẽ đến bởi bạn xứng đáng nhận được những điều này.
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:
- Áp lực đồng trang lứa: Nguyên nhân, tác hại và cách vượt qua
- Bạo Hành Tâm Lý Trong Tình Yêu: Biểu Hiện Và Cách Ứng Phó
- Hội Chứng Hoang Tưởng Người Khác Yêu Mình (Erotomania) Là Gì?
- Cảm giác xấu hổ là gì? Nguyên nhân, biểu hiện và cách vượt qua
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!