Hội chứng sợ hóa chất (Chemophobia): Cách nhận biết sớm

Hội chứng sợ hóa chất là một chứng rối loạn với đặc trưng là nỗi sợ hãi tột độ, vô lý đối với hóa chất. Những người này sẽ luôn tồn tại nỗi lo lắng, quan tâm quá mức đối với những rủi ro mà hóa chất có thể gây ra, đồng thời họ tin rằng hóa chất sẽ có hại ở bất kì nồng độ nào. 

Chemophobia
Chemophobia tên khoa học chỉ hội chứng sợ hóa chất với nỗi sợ quá mức và phi lý về hóa chất.

Hội chứng sợ hóa chất (Chemophobia) là gì?

Hóa chất được sử dụng rất nhiều trong đời sống hàng ngày của chúng ta và mang lại rất nhiều lợi ích, gặt hái được những thành tựu đáng kể. Hóa chất đã xuất hiện từ rất lâu đời và không ngừng phát triển nhằm phục vụ tốt cho nhu cầu sinh hoạt của con người. Hóa chất được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực đời sống, chẳng hạn như cung cấp nguồn nhiên liệu, phục vụ cho sinh hoạt (dầu gội, bột giặt, nước rửa chén,…), làm đẹp (nước hoa, son, thuốc nhuộm,…), y tế, công nghiệp, nông nghiệp,…

Tuy nhiên, khi nhắc đến hóa chất, nhiều người thường nghĩ ngay đến những sự độc hại và không an toàn, thậm chí còn có người hình thành nỗi sợ phi lý về nó hay còn gọi là hội chứng sợ hóa chất (tên khoa học là Chemophobia hoặc Chemphobia hoặc Chemonoia). Đây là tình trạng mà người bệnh tồn tại nỗi sợ hãi mãnh liệt đối với hóa chất và có niềm tin dữ dội về việc hóa chất có thể gây hại cho con người ở mọi mức độ phơi nhiễm.

Cũng chính nỗi sợ hãi vô lý này khiến cho nhiều người bị ảnh hưởng đối với hành vi và quyết định. Họ luôn có xu hướng tránh né việc tiếp xúc với những gì có liên quan đến hóa chất hoặc từ chối đưa ra các quyết định sáng suốt đối với việc lựa chọn sản phẩm tiêu dùng có hóa chất. Chẳng hạn như họ có thể từ chối việc sử dụng các dược phẩm, vắc xin có lợi vì cho rằng nó có chứa hóa chất không an toàn.

Theo nghiên cứu nhận thấy, những người mắc phải hội chứng sợ hóa chất thường có xu hướng sợ hãi nhiều hơn đối với những loại hóa chất tổng hợp, các loại hóa chất nhân tạo, không tự nhiên. Đối với các trường hợp nhẹ có thể chấp nhận những loại hóa chất tự nhiên nhưng trong thực tế loại hóa chất này cũng có nhiều khả năng gây hại nguy hiểm.

Cho đến hiện nay, hội chứng sợ hóa chất vẫn chưa thực sự được công nhận là một chứng rối loạn tâm thần trong DSM -5. Tuy nhiên, Chemophobia vẫn được xem là một trong của các dạng rối loạn lo âu ám ảnh cụ thể với những biểu hiện và cách điều trị tương tự. Chứng sợ hãi này cần được can thiệp và khắc phục nhanh chóng để tránh các ảnh hưởng tiêu cực đối với sức khỏe và đời sống của con người.

Biểu hiện của hội chứng sợ hóa chất

Trong thực tế thì mỗi chúng ta đều có nỗi lo lắng về các loại hóa chất, cũng bởi nếu sử dụng các hóa chất không phù hợp, không đúng mục đích cũng gây ra nhiều hậu quả vô cùng đáng tiếc. Do đó, mọi người thường sẽ ưu tiên việc lựa chọn các sản phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên, hạn chế dùng những thứ có liên quan đến hóa chất.

Chemophobia
Người mắc chứng Chemophobia luôn lo lắng và mất nhiều thời gian để tránh né những gì liên quan đến hóa chất.

Tuy nhiên, sự lo lắng này chỉ ở mức độ phù hợp và đôi khi tồn tại thoáng qua. Còn đối với những người mắc phải hội chứng sợ hóa chất thì nỗi sợ hãi sẽ biểu hiện một cách dữ dội, kéo dài dai dẳng và gây ảnh hưởng đối với chất lượng cuộc sống, các sinh hoạt hàng ngày của con người. Cụ thể một số dấu hiệu giúp nhận biết như:

  • Tồn tại sự ác cảm đối với hóa chất và có niềm tin mãnh liệt về việc hóa chất luôn tồn tại những rủi ro, nguy hiểm.
  • Luôn cảm thấy sợ hãi, lo lắng, bất an về những gì liên quan đến hóa chất hoặc hoảng loạn ngay cả khi nghe nói, nhìn thấy hình ảnh của hóa chất.
  • Có xu hướng né tránh, từ chối việc sử dụng các vật dụng, sản phẩm hoặc phương pháp điều trị có liên quan đến hóa chất cho dù nó mang lại nhiều lợi ích.
  • Luôn đọc kỹ bảng thành phần của tất cả các sản phẩm cần tiêu dùng để lựa chọn sản phẩm thiên nhiên, không sử dụng hóa chất.
  • Người mắc chứng sợ hóa chất còn có thể không sử dụng xe máy để di chuyển vì họ cho rằng xăng xe có thể làm ảnh hưởng đến sức khỏe của họ.
  • Từ chối việc trang điểm, sử dụng mỹ phẩm nếu biết nó có chứa thành phần hóa chất.
  • Sự lo lắng quá mức gây ảnh hưởng đến sinh hoạt đời sống, làm suy giảm chất lượng làm việc, mất tập trung, suy giảm trí nhớ.

Bên cạnh đó, nếu người bệnh tiếp xúc với hóa chất hoặc sử dụng các sản phẩm, biện pháp điều trị có liên quan đến hóa chất sẽ khiến họ xuất hiện hàng loạt các triệu chứng thể chất như:

  • Run rẩy
  • Ra nhiều mồ hôi
  • Tim đập nhanh liên hồi
  • Khó thở, thở gấp
  • Chóng mặt, hoa mắt
  • Ớn lạnh
  • Buồn nôn, nôn
  • Tức ngực, đau thắt ngực
  • Đau dạ dày

Tùy vào mức độ nghiêm trọng của nỗi sợ mà các biểu hiện của từng người sẽ khác nhau. Bệnh nhân có thể hiểu rõ về nỗi sợ phi lý của mình, tuy nhiên họ không thể tự kiểm soát và khống chế sự sợ hãi về hóa chất. Thậm chí có nhiều trường hợp do sợ hãi quá mức còn làm ảnh hưởng đến hành vi, nhận thức và khiến họ thực hiện các hoạt động không phù hợp.

Nguồn gốc hình thành hội chứng sợ hóa chất

Cũng tương tự như các hội chứng sợ khác, hội chứng sợ hóa chất vẫn chưa được xác định về nguồn gốc, nguyên nhân gây ra nỗi sợ phi lý. Tuy nhiên, theo nghiên cứu của các chuyên gia thì nỗi sợ không tự nhiên sinh ra mà nó thường là kết quả của một quá trình trải nghiệm tồi tệ. Một số yếu tố được cho là có khả năng làm gia tăng nguy cơ khởi phát chứng Chemophobia như:

Chemophobia
Hội chứng sợ hóa chất có thể hình thành do những trải nghiệm tiêu cực từ trong quá khứ
  • Trải nghiệm tiêu cực về hóa chất: Nếu trong quá khứ bạn đã từng trải qua những kí ức tồi tệ có liên quan đến hóa chất, chẳng hạn như hỏa hoạn, bị kích ứng, bỏng da, ngộ độc,…thì nhiều khả năng nỗi sợ sẽ được hình thành và phát triển dai dẳng. Cũng bởi khi xuất hiện các trải nghiệm xấu thì hạch hạnh nhân ở não bộ sẽ ghi nhớ và tái lại sự sợ hãi khi bạn tiếp xúc với hóa chất, điều này khiến bạn cảm thấy vô cùng lo sợ về nó.
  • Quan niệm sai lầm: Chúng ta thường có những định kiến về hóa chất, cho rằng đây là một chất độc hại và có tác hại nghiêm trọng đối với sức khỏe. Nhiều người có sự nhận định méo mó, chưa đúng đắn về hóa chất có thể hình thành sự ác ám với nó và cho rằng nó chính những thứ tồi tệ cần phải tránh xa. Trong một số nghiên cứu nhận thấy rằng, hội chứng sợ hóa chất có liên quan đến mức độ hiểu biết thấp về sự độc hại và lợi ích của nó. Do sự thiếu hiểu biết về hóa chất và các nguyên tắc cơ bản của nó khiến cho nhiều người hình thành nỗi sợ một cách vô lý.
  • Do ảnh hưởng của báo đài, thông tin tiêu cực: Chemophobia cũng có thể khởi phát từ những thông tin mang tính chất tiêu cực trên báo đài hoặc ngoài thực tế. Cũng bởi đã có không ít các trường hợp mắc bệnh hiểm nghèo, bị đe dọa đến tính mạng có liên quan đến hóa chất. Khi tiếp xúc với quá nhiều thông tin này sẽ khiến cho con người hình thành nỗi ám ảnh và sự sợ hãi quá mức.

Hóa chất luôn tồn tại xoay quanh cuộc sống của chúng ta và chúng mang lại rất nhiều lợi ích tích cực cho đời sống. Cũng giống như mọi thứ khác, hóa chất cũng có 2 mặt lợi và hại. Tuy nhiên, khi chúng ta biết cách sử dụng đúng với mục đích thì nó có thể mang đến rất nhiều lợi ích cho sức khỏe cũng như các sinh hoạt hàng ngày.

Đặc biệt là đối với đời sống hiện nay, hóa chất luôn góp mặt trong mọi lĩnh vực và được xem như một phần thiết yếu của con người. Do đó, dù hội chứng sợ hóa chất có xuất phát từ nguyên nhân nào cũng cần được nhanh chóng cải thiện và khắc phục tốt để hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực, làm cản trở chất lượng cuộc sống của con người.

Chemophobia gây ảnh hưởng như thế nào?

Hội chứng sợ hóa chất gây nên nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng đối với cuộc sống và sức khỏe của con người. Những người mắc phải chứng bệnh này luôn tồn tại nỗi sợ quá mức liên quan đến những thứ có chứa hóa chất và họ sẽ có xu hướng tránh né tiếp xúc với trong bất kì trường hợp nào. Do sự lo sợ quá lớn khiến cho tinh thần của bệnh nhân dần bị suy giảm và hao hụt rất nhiều, họ sẽ cảm thấy mệt mỏi, suy kiệt về mặt thể chất lẫn tinh thần, không thể tập trung vào bất cứ việc gì.

Những người mắc phải hội chứng sợ hóa chất sẽ mất rất nhiều thời gian để có thể chọn lựa các sản phẩm tiêu dùng hàng ngày hoặc những loại mỹ phẩm chăm sóc sắc đẹp. Họ luôn phải nghiên cứu kỹ lưỡng về thành phần sản phẩm để đảm bảo không có bất kì loại hóa chất nào trong đó, chính vì thế họ thường có khuynh hướng dùng những thứ từ thiên nhiên, hữu cơ.

Người Chemophobia có niềm tin rằng những thứ có sự can thiệp của con người sẽ không đảm bảo được sự an toàn so với những gì có nguồn gốc từ thiên nhiên. Vì thế họ luôn sử dụng các biện pháp tự nhiên trong hầu hết những nhu cầu hàng ngày. Điều này cũng mang nhiều mặt lợi ích nhưng lại gây nên sự bất tiện bởi không phải bất cứ thứ gì cũng có sẵn trong thiên nhiên hoặc không phải tất cả các sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên đều đảm bảo an toàn.

Một số trường hợp mắc phải chứng sợ hóa chất hiểu rằng nỗi sợ của họ là vô lý nhưng không có cách nào để kiểm soát nó. Từ đó họ hình thành tâm lý mặt cảm, xấu hổ, tự ti và có xu hướng tách biệt với thế giới xung quanh, không giao tiếp hoặc tham gia bất kì hoạt động nào của cộng đồng. Tình trạng này nếu không được can thiệp kịp thời sẽ làm gia tăng nguy cơ phát triển các chứng rối loạn tâm thần nguy hiểm hơn, phổ biến nhất là rối loạn lo âu và trầm cảm.

Cách để khắc phục hội chứng sợ hóa chất

Cũng tương tự như các chứng rối loạn lo âu ám ảnh cụ thể khác, hội chứng sợ hóa chất cũng sẽ được chẩn đoán và điều trị chủ yếu bằng biện pháp trị liệu tâm lý, kết hợp cùng một số loại thuốc khi cần thiết. Quá trình điều trị cần phải duy trì trong một khoảng thời gian nhất định để bệnh nhân có thể dần thay đổi nhận thức và hành vi của mình, có được cái nhìn đúng đắn hơn về hóa chất và kiểm soát tốt nỗi sợ hãi của mình.

Cụ thể một số biện pháp giúp cải thiện chứng Chemophobia như:

1. Trị liệu tâm lý

Đối với hầu hết các chứng sợ hãi đều sẽ được ưu tiên áp dụng liệu pháp tâm lý để giúp bệnh nhân hiểu và thay đổi tốt về nhận thức sai lệch của mình. Đây là biện pháp sử dụng ngôn ngữ giao tiếp để có thể tác động và điều chỉnh những suy nghĩ, cảm xúc, hành vi con người, giúp họ đối phó tốt với nỗi sợ và những sự bất ổn trong tâm trí.

Chemophobia
Trị liệu tâm lý là phương pháp hữu hiệu và an toàn nhất thường được áp dụng cho người Chemophobia

Thông thường thì đối với các chứng sợ hãi, trong đó có hội chứng hóa chất thì các chuyên gia tâm lý sẽ kết hợp nhiều liệu pháp trị liệu khác nhau, phổ biến nhất là liệu pháp tiếp xúc, liệu pháp nhận thức và hành vi, liệu pháp thôi miên. Cụ thể như:

  • Liệu pháp tiếp xúc hay còn được gọi là liệu pháp phơi nhiễm là một trong các cách cải thiện hiệu quả và an toàn đối với các trường hợp bị rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi. Người bệnh sẽ được gặp gỡ và trao đổi trực tiếp cùng chuyên gia. Tại đây, chuyên gia sẽ tạo môi trường an toàn để bệnh nhân tiếp xúc và đối diện với những nỗi sợ hãi của mình. Nhiệm vụ của họ là giúp bạn kiểm soát, khống chế cảm xúc tiêu cực, vượt qua được những sự sợ hãi quá mức của bản thân.
  • Liệu pháp nhận thức và hành vi sẽ được áp dụng song song với liệu pháp tiếp xúc để giúp cho tình trạng Chemophobia mau chóng được khắc phục tốt. Với liệu pháp này, người bệnh sẽ hiểu rõ hơn về những nhận thức sai lệch của mình và dần điều chỉnh chúng theo chiều hướng đúng đắn, tích cực hơn, nhờ đó mà các hành vi của họ cũng sẽ được thay đổi, kiểm soát tốt. Sau quá trình trị liệu, bệnh nhân sẽ dần giảm bớt nỗi sợ của mình và có cái nhìn phù hợp hơn đối với hóa chất.
  • Liệu pháp thôi miên sẽ giúp người bệnh chìm vào trạng thái tĩnh và tạm thời tách biệt với thế giới bên ngoài. Trong lúc này, chuyên gia tâm lý sẽ dần khai thác các thông tin về quá khứ, khơi gợi những yếu tố liên quan để hiểu rõ hơn về nguồn gốc của nỗi sợ hãi, từ đó có biện pháp khắc phục hiệu quả cho từng trường hợp khác nhau.

2. Sử dụng thuốc

Phần lớn các trường hợp bị rối loạn lo âu ám ảnh cụ thể đều không nhất thiết phải sử dụng đến thuốc điều trị và hội chứng sợ hóa chất cũng nằm trong số đó. Tuy nhiên, đối với một số trường hợp nghiêm trọng, nỗi sợ biểu hiện quá mức và gây ảnh hưởng nặng nề đối với đời sống, sức khỏe con người thì cũng sẽ được cân nhắc đến kê đơn thuốc kiểm soát.

Những loại thuốc được sử dụng đều không có tác dụng điều trị tận gốc nỗi sợ hãi vô lý này nhưng nó có khả năng làm thuyên giảm và khống chế tốt các triệu chứng và hạn chế những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra. Việc dùng thuốc thường sẽ được chỉ định bởi các bác sĩ chuyên khoa tâm thần để đảm bảo an toàn và hiệu quả.

Một số loại thuốc thường được sử dụng như thuốc chống trầm cảm, thuốc chống lo âu, thuốc an thần, thuốc chẹn beta, các loại vitamin, khoáng chất cần thiết. Người bệnh cần sử dụng thuốc đều đặn đúng với hướng dẫn của bác sĩ để đạt được hiệu quả cao và tránh những tác hại ngoài ý muốn.

3. Hỗ trợ tại nhà

Bên cạnh việc áp dụng tốt các phương pháp điều trị chuyên khoa thì những người mắc phải hội chứng sợ hóa chất cũng nên chú ý nhiều hơn về chế độ sinh hoạt hàng ngày của mình. Xây dựng một lối sống lành mạnh sẽ giúp bạn có được một sức khỏe thể chất tốt, một tinh thần ổn định để đối mặt với những yếu tố gây sợ hãi vô lý. Một số lưu ý như sau:

  • Cần xây dựng một chế độ ăn uống lành mạnh với đầy đủ dưỡng chất. Bổ sung các thực phẩm giàu dinh dưỡng, vitamin, khoáng chất có lợi cho sức khỏe. Ăn nhiều rau xanh, các loại hoa quả tươi ngon, các loại hạt để cơ thể luôn khỏe mạnh. Đồng thời cần hạn chế các món ăn nhiều dầu mỡ, cay nóng, đồ ăn đóng hộp, chế biến sẵn chứa nhiều chất bảo quản độc hại.
  • Tăng cường tập luyện thể dục thể thao để nâng cao sức khỏe. Theo kết quả nhiều cuộc nghiên cứu nhận thấy rằng, việc tập luyện thể dục mỗi ngày sẽ giúp cho cơ thể gia tăng sức đề kháng, đồng thời sức khỏe tinh thần cũng được cải thiện đáng kể, hạn chế căng thẳng, lo âu. Bạn có thể dành ra khoảng 20 đến 30 phút mỗi ngày để đi bộ, chạy bộ, yoga, thiền định, bơi lội, đánh cầu lông,…
  • Chú ý nhiều hơn đến chất lượng giấc ngủ, ngủ đủ 8 tiếng mỗi ngày và nên duy trì thói quen ngủ đúng giờ, hạn chế thức khỏe. Nếu lo lắng khiến bạn khó ngủ, hãy thử đặt một ít tinh dầu thơm trong phòng, ngâm chân với nước ấm, ngồi thiền 10 phút trước khi ngủ để cơ thể được thả lỏng, đầu óc thoải mái hơn.
  • Trang bị cho bản thần những kỹ năng kiểm soát căng thẳng, lo lắng. Mỗi khi cảm thấy hoảng sợ, mất kiểm soát, bạn hãy thử hít thở sâu, uống một ly nước ấm, vận động, đi lại nhẹ nhàng, nghe nhạc,…để ổn định tâm trạng hiệu quả.
  • Nên chủ động chia sẻ với người thân, bạn bè về nỗi sợ của riêng bạn. Điều này sẽ giúp mọi người xung quanh có thể thấu hiểu hơn về những biểu hiện, phản ứng phi lý của bạn. Đồng thời họ cũng có thể giúp đỡ, hỗ trợ bạn vượt qua hội chứng này.
  • Ghi nhật ký về những cảm xúc, những tình huống khó khăn mà bạn đã phải trải qua trong ngày. Thói quen này sẽ giúp bạn quản lý tốt suy nghĩ, hành vi của bản thân. Ngoài ra, khi bình tĩnh lại, bạn có thể nhìn nhận vấn đề theo nhiều chiều hướng hơn, dễ dàng tìm ra hướng giải quyết cho những triệu chứng bất ổn của mình.

Hội chứng sợ hóa chất tuy hiếm gặp nhưng những ảnh hưởng của nó là vô cùng lớn. Do đó, bên cạnh việc biết và áp dụng tốt các biện pháp điều trị hiệu quả thì mỗi chúng ta cùng cần có phải xây dựng chế độ sinh hoạt, rèn luyện những thói quen tích cực để phòng tránh tốt nỗi sợ này.

Tham khảo thêm:

5/5 - (1 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *