Chronophobia: Hội chứng sợ thời gian trôi là thế nào?

Hội chứng sợ thời gian trôi – Chronophobia nghe thì có vẻ lạ nhưng thực tế đang có rất nhiều người gặp phải, đặc biệt ở những người già, người đang có tình trạng sức khỏe suy yếu. Thời gian trôi là một quy luật hiện hữu của tạo hóa, chẳng có bất cứ công nghệ hay sức mạnh nào có thể làm nó ngưng lại. Bởi vậy nỗi sợ của những người này cũng ngày càng tăng lên, đặc biệt khi họ nhìn vào đồng hồ.

Hội chứng sợ thời gian trôi
Thời gian trôi qua là một điều cực kỳ hiển nhiên, không gì có thể thay đổi được nhưng nhiều người lại trở nên hoảng loạn vì điều này

Hội chứng sợ thời gian trôi – Chronophobia là gì?

Con người có vô vàn các nỗi sợ kỳ lạ không thể nào lý giải được, chẳng hạn có người sợ tốc độ, có người sợ cái chết, người sợ nuốt.. Và đặc biệt có cả những người cảm thấy lo lắng, hoảng loạn, căng thẳng đột độ khi nhận thức được rằng thời gian đang trôi qua. Đó chính là biểu hiện của hội chứng sợ thời gian trôi – Chronophobia.

Chronophobia là thuật ngữ được kết hợp từ các từ Hy Lạp cổ đại, trong đó “Chrono” có nghĩa là thời gian và “Phobia” có nghĩa là nỗi sợ.  Trong cuốn sách “Chronophobia: On Time in the Art of the 1960s” của  viết bởi tác giả Pamela Lee đã miêu tả về hội chứng này là “một sự trải qua các cảm giác không hài lòng và lo lắng về thời gian, cảm giác rằng các sự kiện đang diễn ra quá nhanh và do đó khó có thể hiểu được”.

Như đã nói, đặc trưng của hội chứng sợ thời gian trôi chính là trạng thái lo lắng, hoảng sợ, căng thẳng quá mức về những điều phi lý. Việc thời gian trôi hay trái đất chuyển động chính là điều hoàn toàn bình thường nhưng những người này lại chỉ muốn thời gian quay ngược trở lại chứ không muốn tiến đến tương lai.

Nếu như nỗi sợ gián, sợ chuột thường cụ thể, rõ ràng, liên quan đến các đối tượng và tình huống có thể trốn tránh thì Chronophobia lại có xu hướng cực kỳ mơ hồ. Bởi việc thời gian trôi qua mỗi phút, mỗi giây là quy luật của đất trời, không có bất cứ thế lực hay sức mạnh có thể làm nó quay ngược trở lại hay làm cho nó dừng lại được. Điều này đồng nghĩa với việc người mắc hội chứng sợ thời gian trôi luôn phải sống trong sợ hãi, lo âu không thể kiểm soát được.

Biểu hiện hội chứng sợ thời gian trôi

Hội chứng sợ thời gian trôi thường có xu hướng gặp nhiều ở người già, người lớn tuổi hơn là người trẻ. Nỗi sợ càng mơ hồ càng khiến người ta dễ trở nên hoảng loạn hơn bởi không thể xác nhận thực hư. Người mắc chứng Chronophobia luôn cảm thấy chông chênh, lo lắng, cô đơn mà thậm chí họ còn chẳng thể biết nguyên nhân xuất phát từ đâu.

Hội chứng sợ thời gian trôi
Việc nhận thức ra thời gian đang trôi qua khiến người bệnh rơi vào hoảng loạn và kích động

Làm sao để biết thời gian trôi? Tất nhiên ngay cả khi không làm gì cả chúng ta cũng có thể nhận ra rằng trái đất vẫn đang xoay vòng và thời gian vẫn cứ trôi. Nỗi sợ của những Chronophobia bởi vậy hầu như luôn xuất hiện thường trực. Đặc biệt nỗi lo này có thể tăng lên khi họ thấy các đồ vật biểu thị thời gian như đồng hồ, lịch, hoặc đơn giản là các sự kiện về một cột mốc nào đó.

Cụ thể, một số biểu hiện cụ thể ở những người mắc hội chứng sợ thời gian trôi như

  • Trạng thái lo âu được biểu hiện rõ ràng qua các yếu tố căng cơ, tăng huyết áp, tim đập nhanh, nhịp thở ngắn và gấp, toát mồ hôi, người run rẩy, khô miệng, chóng mặt, nôn và buồn nôn.. Mức độ lo lắng và hoảng sợ cũng được bộc lộ tùy theo từng tình huống, hoàn cảnh, sự kiện mà người đó đang đối mặt
  • Tìm cách né tránh việc cho thấy rằng thời gian đang trôi qua, chẳng hạn không sử dụng đồng hồ, không có các tấm lịch trong nhà, từ chối đến các sự kiện kỷ niệm nào đó cũng là đặc trưng của hội chứng Chronophobia ( chẳng hạn kỷ niệm 10 ngày ngày cưới – sự kiện này có thể cho thấy rõ ràng thời gian đã trôi qua được 10 năm và khiến người bệnh hoảng sợ)
  • Thường lơ đãng, mất tập trung, dễ giật mình do thường suy nghĩ và lo lắng về việc thời gian đang trôi qua
  • Người mắc hội chứng sợ thời gian trôi thường có những suy nghĩ tiêu cực về tương lai, chẳng hạn suy nghĩ về việc sẽ già, sẽ chết, cảm thấy thời gian của bản thân mỗi ngày lại ít đi một chút
  • Luôn muốn thời gian quay ngược trở lại quá khứ chứ không muốn nó tiếp diễn đến tương lai
  • Thường xuyên trễ hẹn do những người này không sử dụng đồng hồ nên dần mất nhận thức chính xác về thời gian
  • Có thể có xu hướng chỉnh đồng hồ chậm, quay ngược trở lại hoặc không xé lịch, vẫn còn để nguyên những ngày cũ bởi họ không muốn công nhận rằng 1 tiếng đã trôi qua, một ngày đã hết

Nói chung, Chronophobia vẫn mang nhiều yếu tố mơ hồ, trừu tượng dẫn tới các yếu tố kích thích trạng thái sợ hãi của người bệnh cũng không thực sự rõ ràng, hầu hết những nhóm người này đều có thể trở nên hoảng loạn bất cứ lúc nào.

Nguyên nhân hội chứng Chronophobia

Thực tế trong chúng ta, hầu hết ai cũng có một nỗi sợ mơ hồ nào đó, thậm chí là sợ thời gian đang trôi qua trong một vài tình huống. Chẳng hạn khi làm bài thi chúng ta muốn thời gian trôi chậm thật chậm để có thể làm kịp hoặc khi chúng ta mắc một sai lầm nào đó, chúng ta cũng muốn quay trở lại quá khứ để có thể sửa chữa. Hội chứng sợ thời gian trôi cũng dần được hình thành từ những trải nghiệm tiêu cực này.

Hội chứng sợ thời gian trôi
Những người thường phải đương đầu với thi cử, dealine rất sợ thời gian trôi vì sẽ nhanh chóng tới lúc phải nộp thành quả của bản thân

Tuy nhiên cơ chế chính xác gây ra nỗi sợ phi lý này vẫn chưa được nghiên cứu chính xác. Dù vậy các chuyên gia cũng đã chỉ ra một vài yếu tố liên quan có thể tác động trực tiếp đến tinh thần và gây ra hội chứng Chronophobia như

  • Yếu tố tuổi tác: hội chứng sợ thời gian trôi có tỉ lệ cao gặp ở những già, người lớn tuổi bởi họ luôn lo lắng rằng thời gian trôi qua mỗi ngày đồng nghĩa với việc thời gian của họ ngày càng ngắn đi. Đặc biệt với những người có sức khỏe không tốt, bệnh tật tuổi già, nỗi lo “gần đất xa trời” khiến họ sợ cảm giác thời gian đang trôi qua. Mặt khác người già cũng rất hay có xu hướng hoài niệm về quá khứ, họ suy nghĩ về những thời gian mình đã phung phí ở quá khứ và cảm thấy tiếc nuối, mỗi ngày trôi qua họ lại càng suy sụp hơn.
  • Căng thẳng thần kinh: stress, căng thẳng về các tình huống, vấn đề, sự kiện cần “chạy đua” với thời gian cũng là yếu tố khiến rất nhiều người trở nên lo lắng hơn về việc thời gian đang trôi qua. Chẳng hạn học sinh sinh viên đang trong giai đoạn nước rút, ôn tập và thi cử căng thẳng, các kỳ thi quan trọng ngày càng đến gần; người làm các công việc có áp doanh số, KPI khi gần đến ngày nộp báo cáo mà vẫn chưa đủ số..
  • Sang chấn tâm lý: theo các chuyên gia, hội chứng Chronophobia có thể xảy ra sau các sự kiện sang chấn như bị bắt cóc, sống sót sau thiên tai, bị tai nạn một mình.. Chẳng hạn một người bị thương khi đi du lịch trong rừng 1 mình và mất kết nối với bên ngoài, họ lo lắng rằng nếu thời gian cứ trôi qua, vết thương của họ nghiêm trọng hơn mà không có ai phát hiện kịp thời thì mình sẽ mất mạng nên chỉ mong thời gian ngưng lại
  • Môi trường sống tù túng: chẳng hạn như các tù nhân hay chính là những người từng bị bắt cóc, giam giữ trong các không gian nhỏ hẹp. Bởi vì bị giam giữ và không gian chia sẻ, giao tiếp với người khác giới hạn hạn hẹp nên có thể phát triển các triệu chứng này.
  • Một số yếu tố khác: yếu tố di truyền; các bệnh lý như thận, tim, người chuẩn bị thực hiện các phẫu thuật cũng là các yếu tố được cho là có liên quan đến hội chứng Chronophobia. Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, hội chứng sợ thời gian trôi  thậm chí có thể xuất hiện một cách đột ngột khi người đó thường xuyên nghe các cụm từ sự thoáng qua của cuộc sống hoặc thường xuyên bị những người xung quanh bàn về tương lai.

Theo các chuyên gia, Chronophobia còn có mối liên hệ mật thiết với Thanatophobia – nỗi sợ về cái chết hay Prison Neurosis(chứng loạn thần kinh của tù nhân). Ngoài ra nó còn được coi như một tiêu chuẩn chẩn đoán rối loạn căng thẳng sau sang chấn tâm lý (PTSD), đã được đưa vào từ năm 2014 trong một số trường hợp.

Hệ lụy từ hội chứng sợ thời gian trôi

Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng, con người hầu như đều từng có một nỗi sợ mơ hồ trong một thời điểm nào đó và dù là nỗi sợ nào thì cũng ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống và tinh thần mỗi người. Tuy nhiên không như các nỗi sợ có đối tượng nhất định, chẳng hạn như Cynophobia: Chứng sợ chó chỉ cần tránh gặp loài động vật này thì sự hoảng loạn căng thẳng của bạn cũng hạn chế xuất hiện thì nỗi sợ thời gian dường như luôn thường trực.

Hội chứng sợ thời gian trôi
Nỗi sợ khiến họ dường như trở nên tách biệt với thời gian, không gian, xa rời thực tại và trốn tránh mọi thứ

Việc tránh né đồng hồ hay lịch thường không giúp người bệnh giảm được nỗi lo của bản thân quá nhiều mà chỉ khiến họ mất nhận thức về thời gian, thường xuyên trễ hẹn, bỏ lỡ các cơ hội về công việc hay học tập. Nỗi lo lắng cũng khiến họ thường xuyên mất ngủ, ngủ không ngon, ăn uống kém nên cơ thể suy nhược và xanh xao hơn hẳn.

Một số hệ lụy khác mà Chronophobia gây ra chính là khiến người bệnh có xu hướng cách ly xã hội, lạm dụng rượu bia để giải tỏa căng thẳng, xa rời dần các mối quan hệ. Khi không thể chia sẻ được cảm xúc của mình với ai và đồng thời cũng không tự xử lý hay kiểm soát được những căng thẳng của bản thân, những người này cũng có nguy cơ mắc trầm cảm cùng hàng loạt các vấn đề tâm lý – tâm thần khác.

Hướng điều trị hội chứng sợ thời gian trôi

Mặc dù hội chứng sợ thời gian trôi chưa được đề cập đến trong Sổ tay chẩn đoán và thống kê các loại rối loạn tâm thần DSM nhưng nó hoàn toàn được điều trị thông qua các biện pháp chăm sóc, trị liệu tâm lý. Liên minh Quốc gia về Bệnh Tâm thần cũng cho rằng mỗi dạng lo âu sẽ có phác đồ điều trị riêng, tuy nhiên cũng có thể áp dụng chung một số hướng điều trị do bản chất hình thành nỗi sợ khá tương đương nhau.

Người bệnh nên đến các bệnh viện có chuyên khoa tâm thần hay các trung tâm tâm lý để được thăm khám, chẩn đoán và có hướng điều trị chính xác nhất.

Trị liệu tâm lý

Hội chứng sợ thời gian trôi hầu hết đều xuất phát từ những căng thẳng, lo lắng trong tâm trí nhưng không được giải tỏa. Do đó trước hết cần giải quyết được cốt lõi tạo nên những nỗi sợ trong tâm trí, giải tỏa được những căng thẳng lo âu, từ đó tinh thần sẽ dần được khai mở và thoải mái hơn khi đối diện với việc trái đất chuyển động, thời gian trôi qua mỗi ngày, mỗi giờ, mỗi phút, mỗi giây.

Hội chứng sợ thời gian trôi
Trị liệu tâm lý là một trong những phương pháp chính được hướng tới cho người mắc hội chứng sợ thời gian trôi

Liệu pháp nhận thức hành vi là phương pháp chính được áp dụng cho người mắc chứng Chronophobia. Mục đích của liệu pháp này chính là giúp người bệnh hiểu rõ bản chất vấn đề mà mình đang gặp phải và thay thế bằng các nhận thức đúng đắn hơn. Các biện pháp giải tỏa căng thẳng, kiểm soát cảm xúc cũng được hướng dẫn để bệnh nhân khống chế được sự sợ hãi của bản thân.

Liệu pháp thôi miên cũng được áp dụng cho nhiều bệnh nhân mắc hội chứng sợ thời gian trôi để điều hướng các nhận thức của họ theo hướng đúng đắn, tích cực hơn. Nhà trị liệu sẽ điều chỉnh chronophobe tâm lý đi đúng hướng, thay đổi cách nhìn nhận vấn đề của thân chủ, từ đó giúp họ loại bỏ dần được sự căng thẳng vô lý của bản thân.

Kỹ thuật phơi nhiễm cũng được thực hiện thông qua việc tạo ra một môi trường phù hợp để người bệnh đối diện trực tiếp với nỗi sợ hãi của bản thân để có thể thích nghi dần. Kỹ thuật giải mẫn cảm có hệ thống là sự kết hợp cả thôi miên và phơi nhiễm, trong đó được tiếp xúc với nỗi sợ, vừa được dạy một loạt các chiến lược vượt qua nỗi ám ảnh của chính mình cũng được áp dụng cho bệnh nhân Chronophobia.

Theo các chuyên gia, trị liệu tâm lý thực sự mang đến nhiều cải thiện đáng kể cho những người mắc hội chứng sợ thời gian trôi. Tinh thần người bệnh dần tích cực, vui vẻ hơn, dám theo dõi sự thay đổi của thời gian, nhẹ nhàng hơn khi nghĩ về tương lai và cũng hạnh phúc hơn khi tham gia các sự kiện mang tính chất kỷ niệm.

Dùng thuốc

Thuốc không phải là biện pháp điều trị chính vì thực tế chưa có bất cứ loại thuốc nào có thể giúp con người loại bỏ được nỗi lo âu của bản thân. Tuy nhiên để giảm các cảm xúc lo âu quá mức, xoa dịu tinh thần nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống cho người mắc hội chứng sợ thời gian trôi tạm thời bác sĩ vẫn có thể chỉ định một vài loại thuốc để hỗ trợ.

Các nhóm thuốc an thần, thuốc chống trầm cảm, thuốc chẹn beta là những nhóm thuốc phổ biến được chỉ định phổ biến nhất, tuy nhiên cũng kèm theo rất nhiều tác dụng phụ không mong muốn. Liều lượng thuốc sẽ được điều chỉnh giảm dần tùy theo mức độ cải thiện của người bệnh Chronophobia để hạn chế các tác dụng phụ này. Người bệnh cần đảm bảo tuân thủ chỉ định về liều lượng của bác sĩ để mang đến kết quả cải thiện tốt nhất.

Chăm sóc và cải thiện tại nhà

Bản thân người bệnh cần học cách vượt qua nỗi sợ hãi của bản thân, bởi chỉ có sự quyết tâm của chính bạn mới có thể giúp được bạn, mọi biện pháp vẫn chỉ mang tính chất hỗ trợ. Học cách nhìn nhận vấn đề một cách tích cực hơn, thực hiện đúng các hướng dẫn từ bác sĩ và nhà trị liệu đồng thời thay đổi một lối sống tích cực hơn có thể mang đến cho người bệnh rất nhiều lợi ích trong cuộc sống.

Hội chứng sợ thời gian trôi
Thiền là một trong những liệu pháp giúp cải thiện tinh thần và tâm lý cho người luôn có những nỗi lo âu phi lý

Tất nhiên để vượt qua hoàn toàn nỗi sợ hãi về thời gian trôi không hề là một điều dễ dàng chút nào bởi để phát triển thành một hội chứng thì mức độ nỗi sợ phải cực kỳ nghiêm trọng và đã tồn tại trong ít nhất 6 tháng nên không phải ngày 1, ngày 2 là có thể biến mất. Một số biện pháp có thể giúp ích cho người bệnh trong quá trình này như

  • Duy trì thói quen ngủ đủ giấc mỗi ngày, đây là một trong những nền tảng giúp tinh thần khỏe mạnh, tỉnh táo, suy nghĩ tích cực hơn.
  • Thiền nguyện được đánh giá là một trong những giải pháp tích cực có thể mang đến rất nhiều lợi ích cho những người đang có tinh thần bất ổn, những nỗi lo âu vô lý ở những người mắc hội chứng sợ thời gian trôi. Trong những thời điểm căng thẳng, thiền thực sự có thể xoa dịu tâm trí, đưa chúng ta về với sự cân bằng để vượt qua những nỗi sợ phi lý của chính mình.
  • Một liệu pháp đơn giản hơn giúp người mắc hội chứng sợ thời gian trôi có thể đối diện với những lo lắng của bản thân chính là hít thở sâu. Hơi thở, huyết áp và nhịp tim của bạn sẽ nhanh chóng trở về trạng thái ổn định nếu bạn áp dụng đúng cách. Bạn cũng có thể học cách kiểm soát hơi thở ổn định thông qua các liệu pháp thiền hay yoga.
  • Nhìn nhận tích cực về tương lai. Quá khứ thì không thể thay đổi nhưng tương lai thì hoàn toàn có thể. Thay vì cứ ngồi một chỗ lo lắng và than vãn về việc tương lai đáng sợ như thế nào thì bạn cần phải tự lực đứng lên để xây dựng về một cuộc sống tốt đẹp cho bản thân ở phía trước. Tuổi già không có gì đáng sợ nếu bạn biết chăm lo cho sức khỏe của bản thân từ ngay bây giờ, kỳ thi cũng không có gì đáng lo nếu bạn đã học tập và chuẩn bị tốt cho nó. Kể cả cho dù đã thất bại bạn cũng không được nản lòng vì chí ít mình đã cố gắng hết sức.
  • Có thể sử dụng các thảo dược như bạc hà, oregano và dầu chanh để tinh thần thư thái, dễ chịu hơn,
  • Dành thời gian để chăm sóc cho bản thân hiện tại, thực hiện những công việc mà chính bản thân mà mình yêu thích, cảm thấy hạnh phúc. Chúng ta cần sống cho hiện tại, lo lắng quá nhiều về quá khứ hay tương lai chỉ làm ta thêm phiền não mà thôi.
  • Chia sẻ với người thân về nỗi lo lắng của mình về Chronophobia để được chia sẻ, tránh giữ trong lòng quá nhiều. Hãy trò chuyện chia sẻ với những người có tính cách  lạc quan để luôn tiếp nhận được những năng lượng tích cực hơn.

Hội chứng sợ thời gian trôi  Chronophobia gây ra vô cùng phiền toái cho cuộc sống, tinh thần và sức khỏe mỗi người nên cần có biện pháp phòng tránh càng sớm càng tốt. Học cách yêu thương bản thân hơn,  sống hết mình cho thực tại cùng việc thay đổi các thói quen để hướng đến lối sống lành mạnh tích cực hơn sẽ đem đến rất nhiều lợi ích cho cuộc sống của mỗi người.

Có thể bạn quan tâm:

Rate this post

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *