Khủng hoảng tâm lý ở học sinh lớp 9 trước khi bước vào lớp 10
Áp lực cạnh tranh một vị trí tại những trường cấp 3 tốt của thành phố, nỗi buồn khi phải rời xa bạn bè thầy cô ở cấp 2 để bắt đầu lại tại một môi trường mới, kỳ vọng phải thi đậu vào trường chuyên lớp chọn, cùng rất nhiều những vấn đề tuổi mới lớn là những điều các bạn học sinh lớp 9 phải đối mặt. Khủng hoảng tâm lý ở học sinh lớp 9 trước khi bước vào lớp 10 đang là vấn đề phụ huynh và xã hội cần quan tâm.
Vì sao có tình trạng khủng hoảng tâm lý ở học sinh lớp 9?
Những bạn học sinh lớp 9 là những đối tượng đang nằm giữa lằn ranh của tuổi thiếu niên và người trưởng thành. Ở độ tuổi này, các bạn đã có những thay đổi nhất định về thể chất và tinh thần, không còn ngây thơ như trẻ con, nhưng cũng chưa đủ chín chắn như người trưởng thành. Đây được xem là giai đoạn quan trọng trong sự phát triển của các bạn thanh thiếu niên, đặc biệt là khi các em còn phải chịu nhiều áp lực từ học tập và cuộc sống.
Khủng hoảng tâm lý ở học sinh lớp 9 là trường hợp không hiếm gặp, và nghiêm trọng nhất những tháng cuối năm học gần hè. Khi đó các bạn không chỉ phải chuẩn bị cho kỳ thi học kỳ, mà còn phải lên tinh thần để đối diện với kỳ thi chuyển cấp lên lớp 10 tiếp theo. Đây là bước ngoặt quan trọng giúp các bạn lựa chọn được ngôi trường bản thân hằng ao ước, nhất là những bạn có ước muốn thi vào trường chuyên.
Những thay đổi về thể chất, suy nghĩ, cùng áp lực thi cử với lịch học, lịch thi dày đặc dễ khiến các em cảm thấy stress mệt mỏi và rơi vào khủng hoảng. Lý do chính yếu nhất vẫn là việc học và chọn trường. Những em có học lực giỏi sẽ có nhiều cơ hội, muốn cạnh tranh vào trường chuyên, lớp chọn hay những trường có môi trường học tập tốt. Trái lại, những em có học lực kém hơn sẽ phải nỗ lực gấp nhiều lần để không bị trượt tuyển sinh.
Ngoài kỳ thi vào đại học, thi chuyển cấp lên lớp 10 được xem là kỳ thi vô cùng quan trọng. Mục đích là để chuẩn bị cho ba năm cấp 3 cùng kỳ thi đại học về sau. Bởi lẽ chọn được trường tốt, được học trong môi trường thuận lợi sẽ nâng cao xác suất đậu đại học, có cơ hội cạnh tranh với bạn bè đồng trang lứa. Do đó ngay từ lớp 9, lịch học của nhiều bạn đã trở nên vô cùng căng thẳng, đặc kín những lớp học thêm, luyện thi và lấn át cả thời gian nghỉ ngơi.
Chính những áp lực học tập, thi cử cùng với sự thay đổi thể chất tuổi mới lớn gây ra tình trạng khủng hoảng tâm lý ở học sinh lớp 9. Việc gánh trên vai kỳ vọng của cha mẹ, thầy cô, và từ chính bản thân khiến các bạn cảm thấy stress, mệt mỏi, mê mang không bản thân thật sự thích gì và muốn gì. Thêm vào đó, những tò mò, rung động, hay những cú sốc đầu đời cũng khiến tinh thần của các bạn trở nên bất ổn hơn.
Không có thống kê cụ thể về tình trạng khủng hoảng tâm lý ở học sinh lớp 9. Nhưng thông qua những dòng tin tức vào mỗi mùa thi, và những câu chuyện được chia sẻ, chúng ta cũng có thể thấy được tình trạng này là không hề ít. Có những bạn thậm chí khóc nức nở và ngất xỉu vì quá mệt mỏi, hay những bạn bị rối loạn cảm xúc tuổi dậy thì, thường xuyên vui mừng hoặc tức giận vô cớ vì áp lực quá lớn.
Dẫu biết rằng áp lực có thể giúp chúng ta cố gắng, là liều thuốc tinh thần thúc đẩy con người tiến bộ, nhưng áp lực đến mức gây khủng hoảng thì lại là một vấn đề khác. Độ tuổi 15-16 là độ tuổi nhạy cảm, dễ sa ngã, cũng là lúc những bạn học sinh khó ổn định cảm xúc nhất. Vì thế, gia đình, nhà trường và xã hội cần đặc biệt quan tâm để giúp các em có môi trường học tập và phát triển tốt. Tránh tạo áp lực quá lớn đến các em.
Nguyên nhân gây khủng hoảng tâm lý ở học sinh lớp 9
Khủng hoảng tâm lý ở học sinh lớp 9 thường là kết quả của nhiều yếu tố, bao gồm tự thân các em và môi trường bên ngoài tác động. Việc khủng hoảng thường không đến từ một nguyên nhân cụ thể, mà là tổng hòa của nhiều yếu tố. Tuy nhiên, trong từng trường hợp cụ thể, vẫn có những nguyên nhân chính ảnh hưởng mạnh mẽ nhất đến tinh thần của các em và sinh ra khủng hoảng. Những yếu tố có thể kể đến như:
1. Tâm sinh lý tuổi mới lớn
Vấn đề đầu tiên chúng ta cần bàn đến là tâm sinh lý tuổi mới lớn. Thanh thiếu niên ngày nay có cơ hội tiếp xúc với thông tin nhiều hơn thông qua internet, do đó nhận thức và suy nghĩ của nhiều bạn có phần trưởng thành trước tuổi. Đây cũng là giai đoạn các bạn dần hoàn thiện về thể chất, có những đặc điểm giới tính rõ ràng, và có khoảng cách nhất định giữa nam và nữ. Các bạn cũng bắt đầu tò mò về tình yêu và có những rung động đầu đời.
Chính vì sự thay đổi về cả thể chất và suy nghĩ, một số bạn có thể cảm thấy khủng hoảng vì mình phát triển nhanh hơn bạn bè, và trở thành đối tượng bị trêu chọc. Vấn đề giới tính ngày nay vẫn bị các bạn học sinh mang ra đùa giỡn, thậm chí trêu chọc một cách ác ý. Hiện nay giáo dục giới tính vẫn có phần bị xem nhẹ, và nhiều phụ huynh cũng không trang bị cho các em đầy đủ kiến thức, dẫn đến các em không nhận thức được sự nghiêm túc của vấn đề.
Những rung động đầu đời của tuổi mới lớn, cảm giác lo sợ bị gia đình và thầy cô phát hiện, hoặc bị lạm dụng nhưng không dám nói thật với gia đình cũng là những yếu tố gây khủng hoảng tâm lý ở học sinh lớp 9. Tình trạng tâm lý của các em trong giai đoạn này rất không ổn định. Do đó gia đình cần quan tâm nhiều hơn, giúp các em tháo gỡ những thắc mắc, lo lắng, bối rối về vấn đề tâm sinh lý.
2. Áp lực học tập nặng nề
Lớp 9 là năm học cuối cấp, vì thế điều đang chờ đợi các em vào cuối năm học là thi học kỳ, cùng với kỳ thi vào lớp 10 quan trọng. Chính vì thế, áp lực học tập có phần nặng nề hơn, buộc các em phải cố gắng hết sức, dành nhiều thời gian để trao dồi kiến thức. Với những bạn muốn thi vào những trường top đầu, hoặc trường chuyên lớp chọn thì ngoài giờ học trên lớp, các bạn còn phải tham gia lớp luyện thi.
Lịch trình của các bạn học sinh cuối cấp có thể dày đặc từ 5 giờ sáng đến 10 giờ tối với đủ thứ lớp học, từ học chính khóa, học phụ đạo, đến lớp luyện thi, lớp nâng cao,… Nhằm đảm bảo bắt kịp tiến độ học hành và thi cử, nhiều bạn phải thức từ sớm để chuẩn bị bài vở để đi học, tối về vẫn phải cặm cụi làm bài tập, giải đề nâng cao đến tận tối mịt. Lịch học nặng nề, không có thời gian nghỉ ngơi khiến tinh thần của các em trở nên bất ổn.
Tình trạng học “24/7” kể cả những ngày cuối tuần không có gì là lạ với những bạn học sinh lớp 9 vào giai đoạn những tháng cuối năm học. Có khi các em chỉ được nghỉ ngơi một buổi chiều nào đó trong tuần, mà thường thì các bạn cũng tận dụng thời gian đó để ngủ, còn lại đều bao phủ bởi lịch học từ chính khóa đến luyện thi. Tình trạng này ở những bạn học sinh muốn thi trường chuyên còn nghiêm trọng hơn. Nhiều bậc phụ huynh xót con nhưng cũng không thể làm gì hơn ngoài động viên, cổ vũ.
Có thể thấy với lịch học dày đặc như vậy, cộng thêm sức khỏe yếu do không ăn uống và nghỉ ngơi đầy đủ, tình trạng khủng hoảng tâm lý ở học sinh lớp 9 xảy ra ngày càng nhiều hơn là hoàn toàn có thể hiểu được. Stress và những cảm xúc tiêu cực được tích tụ trong thời gian dài không có cơ hội giải tỏa sẽ khiến các em rơi vào tình trạng mệt mỏi, chán nản, khó tập trung, khó kiềm chế cảm xúc, hoặc kiệt sức do quá mệt mỏi.
3. Áp lực thành tích và sự ganh đua
Có một điều không thể chối cãi là nền giáo dục của chúng ta vẫn còn nặng thành tích. Cha mẹ muốn con có thành tích tốt để hãnh diện với những người xung quanh, giáo viên và nhà trường cần thành tích tốt để thi đua khen thưởng và báo cáo lên Bộ, Bộ cũng cần thành tích nhằm báo cáo với những cấp cao hơn. Cứ như thế, căn bệnh thành tích khiến các em phải gồng mình học tập nhằm đáp ứng yêu cầu của thầy cô và gia đình.
Những suy nghĩ như không đậu vào cấp 3, hoặc có một suất trong trường chuyên là kẻ thất bại, không bằng bạn bè, không có tương lai,… được nhiều phụ huynh và cả xã hội tiêm nhiễm vào đầu các em ngay từ bé. Nhiều bạn học sinh chia sẻ rằng, những lời nói đó ám ảnh và khiến các bạn luôn trong trạng thái lo sợ, hoảng hốt, sợ hãi bản thân khi không tốt. Vì thế các bạn lại cố gắng học tập nhiều hơn.
Ngoài ra, không thể không nhắc đến sự ganh đua giữa các bạn học sinh với nhau. Đây cũng là nguyên nhân gây nên tinh trạng khủng hoảng tâm lý ở học sinh lớp 9. Số lượng học sinh đậu vào một trường cấp 3, hoặc số lượng học sinh trong những lớp chọn trường chuyên có hạn, trong khi có rất nhiều người muốn giành được một vị trí. Muốn vậy, các bạn ganh đua nhau từng điểm, và không được phép có sai sót nếu muốn chiến thắng.
4. Phương pháp học tập sai lầm
Nhiều bạn cho rằng, học thuộc lòng kiến thức và làm bài tập càng nhiều càng tốt thì sẽ thi điểm cao. Quan điểm này có phần không chính xác, vi khi gặp những đề thi lạ, yêu cầu khả năng phân tích và sự tinh ý thì các bạn sẽ gặp khó khăn. Quan trọng là các bạn hiểu rõ những kiến thức cơ bản, nắm được trọng điểm thì trong bài thi, bất cứ dạng đề nào cũng có thể tìm ra cách giải. Học nhiều, học lan man, làm bài như một chiếc máy photocopy là phương pháp học tập sai lầm.
Khối lượng kiến thức khổng lồ phải ghi nhớ, cộng với phương pháp học tập sai lầm khiến các bạn trở nên mệt mỏi, chán nản vì không có mục tiêu cụ thể. Các bạn học rất nhiều, nhưng lại cảm thấy bản thân không hiểu, không nắm bắt được bài học. Do đó các bạn lại càng cố gắng nhồi nhét nhiều kiến thức hơn. Phương pháp ôn thi phản khoa học như thế này không chỉ khiến các bạn cảm thấy mệt mỏi, khủng hoảng, mà còn ảnh hưởng đến kết quả thi.
5. Áp lực từ gia đình
Có lẽ áp lực từ gia đình là một trong những nguyên nhân thường gặp nhất khi nghe những chia sẻ từ các bạn học sinh. Nếu trong gia đình có cha mẹ, cô chú, hay anh chị học giỏi và thành đạt trong một lĩnh vực nào đó, các bạn thường phải chịu một áp lực vô hình là phải giỏi ngang bằng, hoặc vượt qua người đi trước. Áp lực này có thể là do các bạn tự tạo ra cho bản thân, hoặc do ảnh hưởng từ lời nói của cha mẹ.
“À, là con/em của ABC hả, học hành thế nào rồi con? Cha mẹ/Anh chị con giỏi thế thì chắc con cũng giỏi nhỉ?” là những điều các bạn thường xuyên phải nghe người xung quanh nhận xét về bản thân. Điều này tạo nên một áp lực tâm lý khủng khiếp, bởi vì dường như việc bạn thi không được điểm cao, không vào được trường chuyên, hay không giỏi một môn học nào đấy là một chuyện thật mất mặt và xấu hổ.
Việc này còn tồi tệ hơn nếu khủng hoảng tâm lý ở học sinh lớp 9 bắt nguồn từ chính các bậc phụ huynh, khi họ đòi hỏi con mình những điều vượt quá khả năng của trẻ. Có những phụ huynh chỉ muốn con mình có môi trường học tập tốt, nhưng lại biểu hiện sai cách. Có những người thì xem con cái như những “tấm huân chương” nhằm khoe khoang với người xung quanh, thế nên họ ép con cái học ngày học đêm để “bằng với con người ta”.
Những áp lực này không chỉ khiến các em mệt mỏi, chán nản, mà còn để lại những vết thương lòng, khiến các em có xu hướng nổi loạn hoặc có hành vi dại dột khi bị dồn ép quá đáng. Đã có không ít trường hợp thương tâm xảy ra khi các em tự tử do áp lực quá lớn, có em qua đời, có em tuy cứu sống nhưng lại thiếu một bộ phận cơ thể, hoặc bị liệt do chấn thương. Tương lai các em cũng vì thế mà hủy hoại.
Những hệ lụy khó lường khi trẻ bị khủng hoảng tâm lý
Nhiều người cho rằng học sinh thời nay chỉ có nhiệm vụ học, không giống như cha ông ngày trước phải vừa học vừa làm, thậm chí còn không có khả năng đến trường, nên không có lý do gì để phải trầm cảm hay khủng hoảng tâm lý. Đây là quan niệm sai lầm, vì chúng ta cần phải đánh giá từng thế hệ trong môi trường sống của họ, chứ không thể so sánh hai thế hệ với những quan điểm sống, quá trình phát triển, và biến động xã hội khác nhau.
Khủng hoảng tâm lý ở học sinh lớp 9, hay khủng hoảng tâm lý ở học sinh lớp 12 hoàn toàn là điều bình thường trong thời đại hiện nay. Bởi vì tất cả các em đều có cơ hội học tập ngang nhau, và phải cạnh tranh để giành lấy vị trí mà mình muốn. Tỉ lệ chọi ở các trường là rất cao, do đó áp lực của các em cũng vì thế mà tăng lên. Áp lực cao có thể dẫn đến những hệ lụy khó lường khi trẻ bị khủng hoảng tâm lý như:
- Cảm giác hoang mang, mệt mỏi, không có mục tiêu cụ thể khi lịch học quá dày đặc. Trẻ không có thời gian nghỉ ngơi khiến khả năng tập trung bị ảnh hưởng, khó tiếp thu bài vở, có thể ngủ gục trong lớp vì quá mệt mỏi.
- Lịch trình sinh hoạt bị ảnh hưởng vì thời gian ăn uống, nghỉ ngơi bị đảo lộn. Trẻ không ăn đúng giờ, đúng bữa, có thể bỏ bữa vì quá mệt mỏi. Trẻ có xu hướng ăn thức ăn nhanh, hoặc những món ăn chế biến sẵn tiện lợi ít dinh dưỡng để tiết kiện thời gian. Tình trạng này kéo dài có thể gây béo phì, hoặc làm cho tâm trạng tiêu cực của trẻ ngày càng tồi tệ hơn.
- Trẻ cũng thường xuyên thức khuya để ôn bài và luyện đề khiến sức khỏe bị bào mòn nghiêm trọng.
- Trẻ có cảm giác hoang mang, lo ắng, thường xuyên thẩn thờ, uể oải, mất tập trung trong mọi việc.
- Trẻ khó ngủ vào ban đêm, ngủ không sâu giấc, dễ giật mình giữa đêm.
- Cám giác tự ti, xấu hổ, cảm thấy không bằng bạn bè hoặc gia đình sẽ ám ảnh suy nghĩ của trẻ, khiến trẻ không thể hiện tốt trong bài thi vì quá lo lắng việc phạm sai lầm. Tâm lý này cũng khiến trẻ suy sụp, chịu những cú sốc lớn về tinh thần nếu kết quả học tập không được như mong đợi.
- Trẻ dễ kích động, khó kiềm chế cảm xúc, tâm trạng thay đổi thất thường vì chịu nhiều áp lực. Nếu tình trạng này không được cải thiện thì có thể diễn biến thành trầm cảm hoặc những bệnh tâm lý khác.
- Trẻ không dám nói thật với gia đình về những rắc rối của bản thân nên tìm cách tự giải quyết. Việc tự giải quyết có thể khiến vấn đề ngày càng nghiêm trọng hơn, không chỉ ảnh hưởng đến tinh thần mà còn là thân thể của các em.
- Trẻ có xu hướng thu mình, không muốn nói chuyện hay tiếp xúc với ai vì sợ bị hỏi về chuyện học hành. Trẻ cũng luôn cảm thấy áp lực khi nói chuyện với người thân về kết quả học tập.
- Sức đề kháng suy giảm khiến trẻ dễ mắc những căn bệnh truyền nhiễm. Trẻ cũng thường có biểu hiện đau đầu, chóng mặt, đau nhức cơ thể (vai, cổ, lưng, bụng.,…) khi ngồi học trong thời gian dài. Trẻ cũng có những vấn đề tiêu hóa như đau bụng, rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy,… làm ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày.
- Khi chịu áp lực quá lớn, các bạn học sinh có thể rơi vào trầm cảm và có ý định tự tử. Tình trạng tự tử ở thanh thiếu niên đang ngày càng tăng cao. Nhiều bạn đã từ bỏ cuộc sống này khi tuổi đời còn quá trẻ, cũng chỉ vì những áp lực khủng khiếp của việc học mà không biết chia sẻ cùng ai.
Khủng hoảng tâm lý ở học sinh lớp 9 không chỉ bào mòn sức khỏe, ảnh hưởng đến khả năng tập trung và kết quả học tập của các em, mà còn gây ra những hệ lụy nghiêm trọng đến tính mạng. Vì thế gia đình, nhà trường và xã hội cần có những biện pháp thiết thực giúp trẻ vượt qua giai đoạn quan trọng này. Vấn đề này cần sự chung tay của tập thể, cùng sự thấu hiểu, thông cảm, và yêu thương từ phía người thân, gia đình của trẻ.
Hạn chế tình trạng khủng hoảng tâm lý ở học sinh lớp 9
Để hạn chế tình trạng khủng hoảng tâm lý của các em học sinh lớp 9, chúng ta cần quan tâm, chăm sóc, lắng nghe và thấu hiểu hơn những tâm tư tình cảm của các em. Trong giai đoạn nhạy cảm và nhiều biến động này, điều các em cần nhất là sự tôn trọng, được cổ vũ và được thấu hiểu, chứ không phải là những lời thúc giục, so sánh và tạo áp lực quá đáng từ xã hội, trường lớp và phụ huynh.
- Môi trường học tập lành mạnh: Một môi trường học tập lành mạnh cho phép các em xây dựng thời khóa biểu hợp lý, ôn tập bài vở một cách khoa học, và có thể cân bằng giữa thời gian học tập và nghỉ ngơi. Ngoài những giờ học trên lớp, các em chỉ nên tham gia những lớp học thêm vừa phải, dành thời gian cuối tuần nghỉ ngơi, vận động nhiều hơn để bảo vệ sức khỏe, đảm bảo đầu óc luôn trong trạng thái tỉnh táo, sức khỏe tốt trong suốt giai đoạn thi cử. Để đảm bảo ôn tập đúng trọng tâm, đạt được điểm tốt trong kỳ thi, và giảm bớt áp lực khi phải ôm đồm quá nhiều kiến thức, các bạn học sinh cũng cần có phương pháp học tập đúng đắn.
-
- Không tạo áp lực cho trẻ: Cha mẹ cần nhìn rõ năng lực của con, và chính bản thân các bạn nên nhận thức được khả năng của bản thân. Đặt hy vọng cao để cố gắng là điều tốt, nhưng nếu mục tiêu vượt quá khả năng, các bạn sẽ cảm thấy hụt hẫng, suy sụp khi không đạt được mục tiêu đã đề ra. Điều này làm ảnh hưởng nặng nề đến tinh thần và ý chí. Phụ huynh cũng nên có cái nhìn thực tế, không được ép buộc trẻ đi theo định hướng của bản thân mà không quan tâm đến khả năng và ước muốn của trẻ. Cha mẹ và thầy cô cần cho trẻ nhiều sự cổ vũ, giúp trẻ ổn định tinh thần chứ không phải liên tục tạo áp lực cho trẻ.
- Chăm sóc sức khỏe trong mùa thi: Việc bảo vệ sức khỏe và vô cùng quan trọng, vì sức khỏe tốt có thể giúp các bạn học sinh giảm căng thẳng, hạn chế những ảnh hưởng xấu của stress đến tinh thần. Cách chăm sóc sức khỏe tốt nhất trong năm cuối cấp là đảm bảo ngủ đủ giấc, không ngủ sau 12h đêm, thức dậy sớm vận động, ăn uống đủ chất, hạn chế thức ăn nhanh và chất kích thích như cà phê, nước ngọt,… Vì thời gian học trên lớp quá nhiều, các em sẽ ít có thời gian vận động, nên vào những lúc nghỉ ngơi các em nên tập thể dục nhẹ nhàng để cơ thể vận động, tránh ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa và sức khỏe.
- Tâm sự cùng con nhiều hơn: Cha mẹ và thầy cô nên quan tâm đến suy nghĩ của trẻ nhiều hơn. Áp lực học tập, cùng những thắc mắc tuổi mới lớn không biết tỏ cùng ai khiến trẻ dần trở nên xa cách, ít nói, suốt ngày chỉ vùi đầu vào bài vở, không muốn tâm sự với mọi người, vì nghĩ rằng không ai hiểu bản thân. Cha mẹ nên đồng hành cùng trẻ trong giai đoạn này để giúp trẻ tháo gỡ những vấn đề khó khăn gặp phải trong học tập và cuộc sống, cũng như nhanh chóng phát hiện những bất ổn về tinh thần của trẻ để có biện pháp xử lý phù hợp.
- Đưa trẻ đi tham vấn tâm lý: Tham vấn tâm lý là một biện pháp mà gia đình có thể cân nhắc nếu trẻ có những biểu hiện khủng hoảng tâm lý. Những chuyên gia tâm lý với nhiều năm kinh nghiệm sẽ giúp trẻ bình tĩnh, cảm thấy thoải mái và sẵn sàng trải lòng hơn. Có những điều trẻ không thể tâm sự với gia đình hoặc những người quen biết, nhưng có thể nói thật với bác sĩ tâm lý. Vì thế đây cũng là cách giúp cha mẹ biết được tâm tư, tình cảm và nguyện vọng của con để có cách cư xử hợp lý, không làm tổn thương trẻ.
- Giúp trẻ thiết lập mục tiêu học tập: Mục tiêu học tập là yếu tố vô cùng quan trọng giúp các bạn trẻ chủ động và có trách nhiệm với việc học tập của chính mình. Khi thiết lập được mục tiêu rõ ràng, các bạn sẽ dành sự tập trung vào học hành, không bị xao nhãng bởi nhiều hoạt động không cần thiết xung quanh, đặc biệt có thêm những động lực để phấn đấu đạt được kết quả tốt nhất. Ngoài ra, các bạn cũng có thời gian nghỉ ngơi hợp lý, hạn chế được áp lực của việc học tập.
Áp lực phải vào trường điểm, trường chuyên, hay phải thi điểm cao khiến các bạn học sinh lao vào việc học bất chấp sức khỏe của bản thân. Kết quả là nhiều bạn gục ngã khi gần đến ngày thi, hoặc quá mệt mà ngủ gục khi đang làm bài, không hoàn thành tốt bài thi. Do đó, để đảm bảo trạng thái tinh thần tốt nhất, hạn chế những khủng hoảng tâm lý trong giai đoạn nhạy cảm này, các bạn học sinh cần tạo cho mình một lối sống lành mạnh. Ba mẹ cũng đừng quên đồng hành để con có thêm động lực học tập mỗi ngày.
Có lẽ bạn quan tâm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!