Dạy con nên làm gì khi bị bạn bè trêu chọc
Bạo lực học đường luôn là một trong các vấn đề nhức nhối và đáng lo ngại của ngành giáo dục hiện nay. Chính vì thế, dạy con nên làm gì khi bị bạn bè trêu chọc cũng là việc vô cùng cần thiết để con có thể tự bảo vệ bản thân tránh khỏi những hành vi, lời nói làm tổn thương trong môi trường học tập hàng ngày và giúp trẻ biết được cách ứng xử với bạn bè cùng trang lứa.
Cha mẹ nên dạy con cần làm gì khi bị bạn bè trêu chọc?
Độ tuổi đến trường là một trong các giai đoạn vô cùng nhạy cảm về tâm lý và đây cũng chính là lúc mà trẻ bắt đầu hoàn thiện hơn về nhân cách. Tuy nhiên, trẻ em sẽ dễ bị ảnh hưởng bởi môi trường xung quanh và rất nhiều các yếu tố khác thường xuyên tác động. Đặc biệt là những đứa trẻ đang trong giai đoạn dậy thì lại càng có xu hướng muốn khẳng định mình, thể hiện bản thân một cách thái quá. Trong thực tế đã có không ít các trường hợp học sinh vì muốn chứng minh mình đã trưởng thành nên liên tục sử dụng những hành động, lời nói nhằm đả kích, bắt nạt, trêu chọc các bạn bè cùng trang lứa.
Bên cạnh hình thức bắt nạt bằng bạo lực thì những lời nói trêu chọc cũng chính là một con dao sắc nhọn có thể tác động đến tâm hồn của một đứa trẻ. Có thể những lời nói “cậu béo như heo”, “cậu đen như than” chỉ mang tính chất đùa giỡn, chọc phá nhưng nếu nó cứ liên tục lặp đi lặp lại nhiều lần thì đôi khi lại khiến cho một đứa trẻ bị tổn thương, tự ti và mặc cảm với chính mình.
Những ảnh hưởng tâm lý từ việc bị bạn bè trêu chọc có thể khiến cho con bạn trở nên nhút nhát, hình thành tâm lý sợ sệt, kết quả học tập cũng bị sa sút, sức khỏe dần suy yếu. Hơn thế, việc bắt nạt, trêu chọc xảy ra ở trường học thường có xu hướng lập thành nhóm. Điều này vô tình khiến cho nạn nhân của tình trạng bị trêu chọc trở nên cô lập, không có bạn bè, không ai giúp đỡ.
Theo số liệu thống kê hiện nay cho thấy, có không ít các trường hợp trẻ em bị stress, trầm cảm, rối loạn lo âu do ảnh hưởng từ việc bị bạn bè trêu chọc trong thời gian dài. Nếu tình trạng này không được sớm phát hiện và có biện pháp can thiệp phù hợp sẽ khiến cho trẻ nhỏ bị ám ảnh tâm lý nặng nề, nhiều trẻ còn bị cản trở đối với con đường thành công trong tương lai.
Qua một cuộc khảo sát thực tế, khi các em học sinh được đặt ra câu hỏi “Nên làm gì khi bị bạn bè trêu chọc?” thì có khoảng 38,8% em chọn cách đối chất lại ngay, 29,6% em sẽ dùng hành động để phản kháng và có khoảng 36,7% chọn cách chia sẻ với gia đình. Tuy nhiên, cũng có đến gần 4% các em học sinh chọn cách im lặng và chịu đựng. Hầu hết những em thuộc nhóm này đều có hoàn cảnh gia đình khó khăn, cha mẹ ly hôn, không nhận được sự hỗ trợ tốt từ phía người thân.
Để có thể giúp trẻ thoát khỏi những ảnh hưởng mà tình trạng bị bạn bè trêu chọc gây ra thì các bậc phụ huynh cần phải dành thời gian để quan tâm và giáo dục con cái. Gia đình cần phải hiểu và nắm rõ được tình huống mà con đang gặp phải, từ đó mới có thể dạy con nên làm gì khi bị bạn bè trêu chọc, bắt nạt. Nếu con bạn đang rơi vào tình huống này, bạn hãy nhanh chóng hướng dẫn cho con các cách sau đây:
1. Dạy con cách giữ bình tĩnh khi bị bạn bè trêu chọc
Trước những hành vi trêu chọc, bắt nạt của bạn bè thì ít đứa trẻ nào có thể giữ được sự bình tĩnh. Đa phần trẻ sẽ có các biểu hiện như giận dữ, cáu gắt, nóng nảy, sợ sệt, lo lắng, thậm chí là khóc lóc, van xin. Tuy nhiên, các phản ứng này lại tạo cho kẻ trêu chọc thêm cảm giác hứng thú, vui thích và tiếp tục gia tăng hành động của mình.
Chính vì thế, để giúp con thoát khỏi những lời nói, hành động trêu chọc của bạn bè thì đầu tiên cha mẹ nên dạy con cách giữ bình tĩnh, kiểm soát cảm xúc của bản thân. Trong thực tế, việc giữ bình tĩnh đối với trẻ nhỏ không phải là đều dễ dàng. Tuy nhiên, cha mẹ vẫn có thể dạy con một số mẹo hay như hít thở thật sâu khi cảm thấy tức giận, tránh đi một chỗ khác và không quan tâm đến những lời nói chọc phá, khiêu khích của bạn bè.
2. Cha mẹ nên trò chuyện và tâm sự với con
Như đã chia sẻ ở trên, những đứa trẻ thường xuyên bị bạn bè trêu chọc rất dễ bị tổn thương về mặt tâm lý. Nhiều trẻ dần trở nên rụt rè, nhút nhát, mặc cảm và thu mình lại. Tình trạng này nếu không được sớm phát hiện sẽ gây ra hàng loạt các ảnh hưởng nghiêm trọng về mặt thể chất lẫn tinh thần của trẻ nhỏ, khiến cho kết quả học tập của trẻ bị giảm sút đáng kể.
Chính vì thế, cha mẹ cần phải dành nhiều thời gian quan tâm và chia sẻ với con cái nhiều hơn, đặc biệt là khi nhận thấy con có các biểu hiện tâm lý bất thường. Ngay khi con chia sẻ rằng con bị bạn bè trêu chọc ở trường thì phụ huynh nên nói chuyện và hỏi rõ con về vấn đề này. Nếu ngay lúc này cha mẹ tỏ thái độ thờ ơ, không quan tâm hoặc thậm chí là phớt lờ con cái sẽ khiến cho trẻ cảm thấy vô cùng tự ti và dần giữ khoảng cách với cả cha mẹ của mình.
Vì thế, điều cần thiết đó chính là các bậc phụ huynh nên tìm hiểu rõ xem sự việc bắt đầu từ khi nào, con đang bị bạn bè trêu chọc về vấn đề gì và mức độ nghiêm trọng ra sao. Việc tìm hiểu rõ sự việc và nguyên nhân khiến con trẻ bị bạn bè trêu chọc sẽ giúp cho cha mẹ dễ dàng tìm ra hướng khắc phục phù hợp nhất.
Lúc này thay vì vội vàng đưa ra những cách giải quyết cho trẻ thì cha mẹ nên thể hiện sự quan tâm và đồng cảm với những tổn thương mà trẻ đang phải chịu đựng. Nếu nhận thấy những lời trêu chọc của bạn bè chỉ mang tính chất đơn thuần là vui đùa thì phụ huynh có thể dạy con cách hòa nhập và pha trò cùng với các bạn. Tuy nhiên, khi mức độ của việc trêu chọc nghiêm trọng hơn, trong lời nói có hàm ý xấu thì cần phải hướng dẫn con cách phản kháng và chống đối thay vì cứ cố gắng chịu đựng và im lặng.
3. Dạy con cách tự bảo vệ bản thân
Cách tốt nhất để con trẻ tự thoát khỏi những lời nói trêu chọc của bạn bè đố chính là học cách tự bảo vệ bản thân. Đôi khi im lặng và cho qua mọi chuyện không phải là cách tốt nhất để giải quyết vấn đề. Thậm chí sự im lặng của trẻ nhỏ còn có thể khiến cho mọi việc càng trở nên nghiêm trọng và tồi tệ hơn rất nhiều. Chính vì thế, cha mẹ nên dạy cho con cách tự bảo vệ chính mình, lên tiếng khi cần thiết và khiến cho mọi người xung quanh phải tôn trọng mình.
Đối với học sinh, cha mẹ cũng có thể giúp con thể hiện năng lực của mình bằng cách động viên và tạo nhiều điều kiện cho con học tập tốt hơn. Hãy khuyến khích con chú tâm nhiều hơn vào việc học, khi con đạt được những thành tích tốt thì mọi người xung quanh cũng sẽ tôn trọng và nể phục con nhiều hơn.
Đồng thời, khi trẻ biết được ưu điểm của bản thân, trẻ cũng sẽ trở nên tự tin hơn trước những lời trêu chọc, thách thức của bạn bè. Chẳng hạn khi ai đó nói rằng trẻ mập thì trẻ vẫn có thể tự tin trả lời rằng “nhưng mình thông minh, học giỏi”. Chỉ có như thế trẻ mới có thể mau chóng thoát khỏi những lời trêu chọc từ bạn bè và có thể tự bảo vệ bản thân dù ở bất cứ đâu.
Tuy nhiên, cha mẹ chỉ nên khuyến khích và tạo điều kiện để con phát huy tốt các tiềm lực của bản thân. Tránh tình trạng bắt ép con phải học tập hoặc làm một điều gì đó mà trẻ không thích. Việc phải học tập quá nhiều cũng có thể khiến trẻ bị áp lực và dần trở nên mệt mỏi cả về thể chất lẫn tinh thần.
4. Dạy con cách nói chuyện và phản kháng lại với kẻ trêu chọc
Nếu kẻ bắt nạt và trêu chọc cứ liên tục thực hiện các hành vi, lời nói xúc phạm và làm tổn thương đến trẻ thì cha mẹ nên dạy con cách phản kháng và yêu cầu đối phương ngừng các hành vi tiêu cực của mình lại. Tốt nhất bạn nên khuyên trẻ nói chuyện trực tiếp với những người bạn hay trêu chọc mình. Tuy nhiên, cần phải dạy trẻ cư xử một cách lịch thiệp và bình tĩnh, không nên sử dụng thái độ hống hách, tức giận quá mức để nói chuyện với bạn bè.
Cha mẹ cũng có thể cho trẻ thực hành trước tại nhà, đưa ra các tình huống để trẻ có thể xử lý thật tốt. Cũng bởi đôi khi lời đề nghị và phản kháng của trẻ nhỏ sẽ không có tác dụng với đối phương nên cha mẹ cần phải xem xét kỹ về độ tuổi, tính cách của trẻ để có thể hướng dẫn con một cách phù hợp nhất.
Đối với những đứa trẻ còn quá nhỏ như trẻ mầm non, cấp 1 thì nên nhờ đến sự giúp đỡ của giáo viên hoặc phụ huynh học sinh. Còn đối với những trẻ lớn hơn, bước vào giai đoạn cấp 2, cấp 3 thì có thể tự giải quyết được vấn đề của mình. Cha mẹ nên khuyên còn gặp gỡ trực tiếp đối phương và chia sẻ về cảm nhận và mong muốn của mình. Đồng thời, trẻ cũng cần hỏi rõ vì sao bạn bè lại có những lời nói, hành vi trêu chọc đến mình, từ đó đôi phương cũng sẽ dễ dàng giải quyết các mâu thuẫn, xây dựng tốt mối quan hệ trong môi trường học tập.
5. Dạy con cách nhờ sự giúp đỡ của thầy cô
Trong trường hợp kẻ trêu chọc không đồng ý thỏa hiệp và cứ cố gắng thực hiện các hành vi, lời nói xúc phạm, ác ý thì cha mẹ nên khuyên con tìm đến sự trợ giúp của giáo viên chủ nhiệm. Cũng bởi đây là phạm vi trường học nên giáo viên là những người có quyền lực cao nhất và có thể đứng ra giải quyết, khuyên bảo và xử lý vấn đề giữa các em học sinh với nhau.
Vì thế, cha mẹ hãy luôn nhắc nhở con rằng, khi gặp phải bất kì vấn đề khó khăn nào đó mà bản thân không thể giải quyết tốt thì cách tốt nhất đó chính là nhờ đến sự giúp đỡ của thầy cô. Giáo viên chủ nhiệm là những người theo sát và hiểu rõ các em học sinh nên sẽ dễ dàng hơn trong việc tìm ra nguyên nhân của việc trêu chọc, nhờ đó mà vấn đề cũng sẽ được giải quyết một cách hòa thuận hơn. Đồng thời, khi sự việc được kiểm soát bởi thầy cô thì nếu các em học sinh có những hành vi vượt quá mức cho phép cũng sẽ bị kỷ luật và có hình thức răn đe, trách phạt phù hợp.
6. Cha mẹ nên lắng nghe con
Khi là nạn nhân của những lời nói trêu chọc, đả kích của bạn bè sẽ khiến nhiều đứa trẻ cảm thấy vô cùng bị tổn thương và mặc cảm. Chính vì thế, để xoa dịu tâm hồn của trẻ nhỏ thì cha mẹ nên dành thời gian để lắng nghe và tâm sự với con nhiều hơn. Hãy thể hiện sự quan tâm của bạn đối với những lời nói của trẻ, cho trẻ hiểu rằng cha mẹ sẽ luôn bên cạnh và thấu hiểu những nỗi đau mà con đang chịu đựng.
Khi trẻ cảm nhận được tình yêu thương và sự quan tâm của cha mẹ dành cho mình thì trẻ cũng sẽ cảm thấy được an ủi và tự tin hơn rất nhiều. Chỉ cần trẻ hiểu được rằng, gia đình luôn là chỗ dựa và sẵn sàng giúp đỡ, hỗ trợ trẻ mỗi khi trẻ cần. Để con có thể thoải mái tâm sự, cha mẹ nên dùng thái độ nhẹ nhàng, tốt nhất là nên lắng nghe nhiều hơn thay vì thể hiện cảm xúc quá khích hoặc trách mắng con cái.
Đồng thời, không nên đổ lỗi cho con vì bản thân trẻ cũng không muốn mình trở thành nạn nhân của những lời trêu chọc. Vì thế nếu cha mẹ cứ liên tục trách mắng, đổ lỗi cho con sẽ khiến còn càng cảm thấy lo lắng, bất an và mặc cảm hơn về chính mình.
7. Dạy con không được phản ứng thái quá với những lời trêu chọc
Mục đích của những kẻ trêu chọc đó chính là muốn làm cho nạn nhân trở nên mất bình tĩnh, cáu gắt, nóng giận, hổ thẹn và thậm chí là bộc lộc cảm xúc một cách tiêu cực nhất. Những phản ứng như khóc lóc, la hét, tức giận, mắng chửi càng khiến cho những kẻ trêu chọc cảm thấy phấn khích và thú vị hơn.
Chính vì thế, cha mẹ hãy nên dạy con cách phớt lờ và ngừng quan tâm đến những lời trêu chọc của bạn bè. Tốt nhất cứ xem đó là những điều vô hình và cứ tập trung vào những điều mà mình thực sự phải làm. Nếu có thể hãy dạy con cái bỏ qua mọi điều nhỏ nhặt, xem mọi thứ một cách đơn giản để không phải bận tâm quá nhiều đến những lời nói xung quanh.
8. Cùng con thực hành
Cùng con thực hành và nhập vai có thể là một trong các cách hay giúp con có thể dễ dàng xử lý tốt các tình huống tiêu cực khi bị bạn bè trêu chọc tại trường lớp. Nhờ vào những lần thực hiện cùng với cha mẹ mà trẻ có thể học được nhiều cách ứng phó tốt với những lời nói xúc phạm, ác ý từ bên ngoài. Đồng thời, cha mẹ cũng có thể phát hiện và điều chỉnh những phản ứng chưa phù hợp của con cái để tránh gây ra các tình huống nghiêm trọng.
Chẳng hạn như cha mẹ có thể hướng dẫn con cách tự bảo vệ mình, tự xây dựng cho bản thân một hàng rào chắn để không bị tổn thương bởi những lời nói từ bên ngoài. Điều này có thể giúp con hiểu rằng những lời nói của bạn bè xung quanh sẽ không thể làm ảnh hưởng và hạ thấp được danh dự của con. Từ đó con cũng sẽ cảm thấy thoải mái và ít bị tác động bởi những hành vi bạo lực học đường.
9. Dạy con đồng ý với những sự thật
Đôi khi những lời nói trêu chọc đều dựa trên sự thật và những gì trẻ đang sở hữu. Chẳng hạn như ngoại hình quá khổ, khuôn mặt có nhiều tàn nhang, nước da ngăm đen,…Khi ấy, bạn có thể dạy con đồng ý và chấp nhận về những lời trêu chọc đó. Tuy nhiên, điều này hoàn toàn không đồng nghĩa với việc những gì con đang có là những điều tồi tệ, thua kém bạn bè.
Hãy phân tích cụ thể cho con hiểu rằng những điều đó không phải là lỗi của con và con hoàn toàn có thể khắc phục chúng nếu con thật sự cố gắng. Chẳng hạn như con có thể tập luyện thể dục để giảm cân, con có thể chăm sóc da để giảm bớt những khuyết điểm trên gương mặt,….
Ngoài ra, cha mẹ cũng có thể dạy con cách biến những khuyết điểm và những lời trêu chọc thành những ưu điểm. Ví dụ như khi trẻ bị bạn bè trêu là kẻ bốn mắt thì hãy dạy con cách cảm ơn vì bạn đã chú ý và quan tâm đến đôi mắt của mình. Điều này không chỉ giúp con cảm thấy tự tin hơn mà còn khiến cho kẻ bắt nạt cảm thấy nhàm chán và không còn hứng thú để tiếp tục hành vi của mình nữa.
Việc chủ động dạy con nên làm gì khi bị bạn bè trêu chọc sẽ giúp trẻ biết cách xử lý và ứng phó tốt với những tình huống tiêu cực xảy ra trong môi trường học tập và cả cuộc sống hàng ngày. Hi vọng qua những chia sẻ của bài viết này, các bậc phụ huynh cũng sẽ biết cách rèn luyện cho con trẻ những kỹ năng cần thiết để có được sự tự tin và biết cách bảo vệ chính mình.
Tham khảo thêm:
- Cách giúp trẻ tự tin mạnh dạn trước đám đông cha mẹ nên biết
- Làm Thế Nào Để Trẻ Tự Tin Vào Bản Thân Mình Hơn?
- Quy Tắc Để Duy Trì Mối Quan Hệ Vợ Chồng Trong Hôn Nhân
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!