Nên làm gì khi người yêu bị trầm cảm?

Trầm cảm là một chứng rối loạn tâm thần nguy hiểm, nó có thể khởi phát ở bất kì ai, kể cả những người thân trong gia đình, bạn bè hay người yêu của bạn. Việc chăm sóc và hỗ trợ người bệnh trầm cảm đóng vai trò rất quan trọng. Đặc biệt nếu người yêu của bạn bị trầm cảm thì những cảm xúc, suy nghĩ, lời nói, hành động khi yêu sẽ có ảnh hưởng rất lớn đối với tâm lý của người bệnh. 

Nên làm gì khi người yêu bị trầm cảm?
Khi yêu một người bị trầm cảm bạn cần phải kiên nhẫn, học cách lắng nghe và thấu hiểu nhiều hơn

Những điều cần biết khi yêu một người bị trầm cảm

Hiện nay, tỉ lệ người mắc phải chứng bệnh trầm cảm đang ngày càng gia tăng, đặc biệt là những nước đang phát triển. Căn bệnh này có thể gây nên rất nhiều hậu quả nghiêm trọng và có thể khởi phát ở bất kì đối tượng nào. Để có thể tiếp xúc và chăm sóc những đối tượng bệnh bạn cần phải lưu ý rất nhiều vấn đề, đặc biệt hơn nếu đó là người yêu của bạn.

Các chuyên gia cho biết rằng, khi yêu một người bị trầm cảm bạn phải thực sự kiên nhẫn và cố gắng rất nhiều. Cũng bởi những lời nói, hành vi, cử chỉ khi yêu có thể tác động rất mạnh mẽ đối với tâm lý, suy nghĩ của đối phương. Vì thế, nếu người yêu của bạn đang rơi vào trạng thái trầm cảm, bạn cần tìm hiểu và lưu ý một số vấn đề sau đây:

ads bùi thị hải yến chuyên gia tâm lý
1. Trầm cảm không phải là sự lựa chọn

Trầm cảm có thể khởi phát bởi rất nhiều nguyên nhân khác nhau, tuy nhiên các yếu tố đó điều gây ra những trạng thái, căng thẳng, áp lực kéo dài cho người bệnh. Khi con người cảm thấy chán nản, tuyệt vọng và không có lối thoát họ sẽ bắt đầu suy nghĩ tiêu cực, dần thu mình lại và tách biệt khỏi xã hội. Trong thực tế không ai muốn mình phải rơi vào tình trạng này, tuy nhiên do áp lực từ cuộc sống nên họ phải đối mặt với rất nhiều cảm xúc tiêu cực và tồi tệ.

Khi mắc phải chứng bệnh trầm cảm, họ sẽ bị tê liệt về tâm trí, cảm xúc, không còn cảm thấy hứng thú và quan tâm đến bất kì điều gì xảy ra xung quanh. Thậm chí họ còn suy nghĩ về cái chết và có ý định muốn tự sát để giải thoát cho bản thân. Do đó, bạn nên hiểu rằng chứng bệnh trầm cảm không phải là sự lựa chọn của bất kì ai, không ai muốn mình phải rơi vào trạng thái trầm cảm. Những người xung quanh, đặc biệt là người yêu không nên đem căn bệnh này ra trách móc hay đổ lỗi cho họ.

2. Những người bị trầm cảm không muốn trở thành gánh nặng cho người khác

Hầu hết những người mắc bệnh trầm cảm đều có xu hướng muốn tự cô lập chính mình, không muốn tiếp xúc hay trò chuyện với những người xung quanh. Cũng bởi họ có đủ nhận thức để nhìn nhận và hiểu được những cách hành xử, thái độ và cảm xúc của người khác đối với mình. Vì thế họ luôn cố gắng tự kiểm soát bản thân, không muốn nhờ vả hay tìm đến sự giúp đỡ của bất kì ai.

Tuy nhiên, do những suy nghĩ này lại là yếu tố khiến cho tình trạng bệnh của họ càng trở nên nghiêm trọng và phức tạp hơn. Những người mắc bệnh trầm cảm đôi khi sẽ nói hoặc có những hành động nào đó làm tổn thương đến cảm xúc của những người xung quanh.

Vì thế nếu bạn đang yêu một người bị bệnh trầm cảm hãy học cách bình tĩnh và luôn nhắc nhở rằng đó là do sự tác động của bệnh chứ không hẳn xuất phát từ bản thân của đối phương. Đồng thời bạn hãy thường xuyên dành những lời khích lệ hoặc nói về các ưu điểm mà họ có để họ có thể nhận thấy được những điểm tốt của mình và dần phát huy chúng tốt hơn.

3. Người trầm cảm luôn cần sự quan tâm và chia sẻ

Như đã chia sẻ ở trên thì những người mắc bệnh trầm cảm thường rất ngại giao tiếp, họ không muốn trò chuyện và luôn tránh né các buổi gặp mặt động người. Thế nhưng nếu họ nhận được một lời quan tâm, động viên hay chia sẻ nào đó sẽ giúp họ cảm thấy bớt cô đơn và thoải mái hơn.

Tuy họ luôn nói rằng bản thân cảm thấy thực sự thoải mái và ổn khi ở một mình nhưng trong thực tế họ sẽ rất cảm kích khi ai đó dành thời gian và lo lắng cho họ. Vì thế, những người bệnh cạnh, đặc biệt là người yêu nên dành cho họ nhiều sự quan tâm, hỏi thăm và trò chuyện với họ nhiều hơn.

4. Trầm cảm không phải là “khiếm khuyết” hay “thương tật”

Trầm cảm là một chứng rối loạn tâm thần nguy hiểm và có thể gây ra nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng đối với sức khỏe và đời sống của người bệnh. Tuy nhiên bạn nên hiểu rằng người bị trầm cảm hoàn tòan không phải là người bị “khiếm khuyết” hay “thương tật”. Tuy rằng đã có rất nhiều các phương tin thông tin nói về chứng bệnh này nhưng hiện nay vẫn có nhiều người ác cảm và có cái nhìn không tốt về những đối tượng mắc bệnh trầm cảm.

Vì thế nếu người thân hoặc người yêu của bạn đang bị trầm cảm, bạn nên hiểu rằng cho dù căn bệnh  này khởi phát từ bất kì lý do nào thì phẩm chất và tính cách của họ vẫn sẽ không bị thay đổi. Đối với những người bị trầm cảm nhẹ hoàn toàn có thể tự sinh hoạt và làm việc như một người bình thường nếu có thể kiểm soát và điều trị kịp thời. Do đó, hãy luôn tôn trọng và yêu quý họ, đối xử với họ giống như cách mà bạn làm với mọi người xung quanh.

5. Trầm cảm có thể gây cản trở giao tiếp trong tình yêu

Đối với tình yêu, để có có thể thấu hiểu nhau và xây dựng một cuộc tình bền chặt đòi hỏi cả hai phải thực sự mở lòng và chia sẻ với nhau thật nhiều. Thế nhưng khi bạn yêu một người bị trầm cảm thì họ lại có xu hướng muốn che giấu cảm xúc và gặp nhiều khó khăn trong việc bắt đầu một câu chuyện riêng tư.

Có khi họ sẽ trở nên im lặng và không thể tìm kiếm ngôn ngữ để diễn tả trọn vẹn được tâm trạng, cảm xúc của chính mình. Thậm chí đôi lúc họ không thể hiểu được bản thân đang muốn gì và có cảm giác bất lực trong việc bày tỏ và biểu đạt ý muốn của mình với người khác. Điều này gây cản trở rất nhiều trong tình yêu, có thể bạn sẽ gặp phải nhiều sự xung đột, cãi vã trong việc giao tiếp với nhau. Vì thế nếu yêu một người bệnh trầm cảm bạn cần phải kiên nhẫn và cố gắng rất nhiều.

6. Người bệnh trầm cảm không thích bị so sánh các trải nghiệm

Bình thường khi ai đó chia sẻ và tâm sự những vấn đề khó khăn hay trải nghiệm đau buồn thì chúng ta sẽ có nhiều xu hướng muốn liên hệ và so sánh với những tình huống, câu chuyện tương tự mà bản thân đã từng gặp phải. Thế nhưng đối với những người mắc bệnh trầm cảm, họ chỉ cần một người lắng nghe.

Bởi đôi khi những trải nghiệm và suy nghĩ của họ không giống với bình thường. Khi bạn chia sẻ về những điều tương tự mà mình đã từng đối diện sẽ không làm cho họ cảm thấy ổn hơn mà ngược lại có thể khiến cho họ cảm thấy khó chịu và không được tôn trọng. Vì thế, nếu tâm sự cùng một người mắc bệnh trầm cảm, bạn hãy dành thời gian để lắng nghe nhiều hơn, đôi lúc có thể nói ra những câu khẳng định lại nỗi buồn của họ như “chắc bạn đã khó khăn lắm” hoặc “điều đó thật khủng khiếp”.

7. Người bệnh trầm cảm rất dễ bị kích động

Những đối tượng mắc bệnh trầm cảm thường sẽ rất nhạy cảm, họ có thể thay đổi cảm xúc bất thường, hay cáu gắt, nổi giận với những người bệnh cạnh, ngay cả người yêu của họ. Nếu nhận thấy người bệnh bắt đầu có những lời nói hoặc hành vi làm tổn thương đến đối phương bạn nên thật bình tĩnh và đừng phản ứng quá gay gắt với họ. Ngược lại hãy cố gắng nhẹ nhàng và an ủi để họ có thể ổn định lại cảm xúc của mình.

Nếu người bệnh vẫn không thể kiểm soát được cảm xúc của mình thì tốt nhất bạn chỉ nên im lặng. Sau khi các cơn nóng giận, cáu gắt của họ qua đi và dần trở lại trạng thái bình thường thì bạn có thể ngồi xuống nói chuyện lại với họ. Hãy dành những lời nói yêu thương và thể hiện tình cảm của mình để giúp họ cảm thấy thoải mái và dẫn hiểu được những hành động sai lệch của mình.

8. Khi bị trầm cảm người bệnh sẽ không có nhiều năng lượng

Các triệu chứng buồn bã, chán nản, mất ngủ, rối loạn ăn uống, suy nghĩ tiêu cực cứ liên tục kéo dài sẽ khiến cho người bệnh trở nên mệt mỏi, không có sức sống và không muốn thực hiện bất cứ việc gì. Tình trạng này khiến cho họ mất dần năng lượng, không còn đủ sức khỏe để có thể sinh hoạt hoặc hoàn thành tốt các công việc hàng ngày.

Vì thế, để giúp cho người bệnh gia tăng được sức khỏe và phòng tránh tốt các ảnh hưởng tiêu cực đến từ bên ngoài thì bạn có thể động viên và cùng họ tập luyện thể dục thể thao hoặc tham gia các hoạt động thư giãn thú vị. Hãy cùng người yêu đi bộ, tập yoga, ngồi thiền, đạp xe đạp để nâng cao sức đề kháng, cung cấp năng lượng tích cực cho cơ thể.

9. Đôi lúc họ có thể buồn không rõ lý do

Buồn bã, chán nản là một trong các triệu chứng đặc trưng mà hầu hết người bệnh trầm cảm nào cũng gặp phải. Họ thường xuyên cảm thấy buồn chán, ủ rũ, suy nghĩ vẩn vơ, đôi lúc có thể khóc lóc không rõ nguyên nhân. Tâm trạng của người bệnh có thể thay đổi một cách bất thường, họ trở nên dễ xúc động, nhạy cảm với những việc xảy ra xung quanh, ngay cả khi đó là một việc hết sức bình thường.

Do đó, để giúp cho người bệnh có thể kiểm soát tốt cảm xúc, hạn chế thời gian suy nghĩ tiêu cực thì những người thân bên cạnh, đặc biệt là người yêu nên dành nhiều thời gian ở bên họ. Có thể cùng họ tham gia nhiều hoạt động vui chơi, giải trí tùy vào sở thích như đọc sách, xem phim, nghe nhạc, vẽ tranh, chăm sóc cây cảnh, nấu ăn để họ cảm thấy thoải mái và dễ chịu hơn.

Nên làm gì khi người yêu bị trầm cảm?

Bên cạnh những điều cần lưu ý nêu trên thì bạn cũng cần thực hiện một số điều dưới đây để giúp cho người yêu mình mau chóng vượt qua được căn bệnh trầm cảm.

Nên làm gì khi người yêu bị trầm cảm?
Những người bệnh trầm cảm luôn cảm thấy cô đơn và rất cần một người bệnh cạnh

1. Học cách lắng nghe nhiều hơn

Việc có thể lắng nghe những tâm sự, chia sẻ của người bệnh trầm cảm sẽ giúp họ cảm thấy được an ủi và bớt cô đơn hơn. Bạn có thể bắt đầu câu chuyện với họ bằng các thể hiện sự quan tâm và đặt ra những câu hỏi tìm hiểu về họ trong suốt buổi nói chuyện. Tuy nhiên hãy nhớ rằng người bệnh chỉ muốn nói về những thứ họ đang nghĩ nhưng họ không muốn nhận bất cứ lời khuyên nào. Hãy cố gắng lắng nghe và đặt ra cho họ nhiều câu hỏi để có thể thấu hiểu và biết rõ về cảm xúc của họ.

Điều này không chỉ giúp bạn có thể thấu hiểu và san sẻ được những nỗi buồn, lo âu cùng người yêu mà còn giúp cho quá trình điều trị bệnh của họ được diễn ra tốt hơn. Cũng bởi khi có thể nói ra được những tâm tư, suy nghĩ của bản thân sẽ giúp họ cảm thấy thoải mái, dễ chịu hơn. Bạn cũng có thể dễ dàng theo dõi và quan sát được những sự thay đổi trong cảm xúc, cử chỉ của họ để hỗ trợ tốt cho quá trình điều trị bệnh.

2. Khuyến khích và đồng hành với họ trong quá trình điều trị bệnh

Thông thường, quá trình điều trị trầm cảm cần rất nhiều thời gian và người bệnh phải thực sự kiên trì mới có thể vượt qua được căn bệnh quái ác này. Tuy nhiên, trong thời gian chữa bệnh, đôi lúc người bệnh sẽ cảm thấy mệt mỏi và muốn bỏ cuộc. Do đó, bạn nên khuyến khích và đồng hành cùng họ trong suốt quá trình điều trị bệnh. Nếu họ muốn hủy cuộc hẹn trị liệu thì bạn hãy nên nhẹ nhàng động viên họ bằng cách đưa ra những lời nhận xét tích cực về tình trạng bệnh có họ.

Khi người bệnh được chỉ định sử dụng thuốc chống trầm cảm thì bạn nên theo dõi và giúp họ uống thuốc đúng theo hướng dẫn của bác sĩ. Nếu người bệnh muốn ngừng sử dụng thuốc vì bất cứ lý do nào, bạn cũng cần tham khảo và trao đổi kỹ với bác sĩ điều trị. Cũng bởi việc ngừng sử dụng thuốc chống trầm cảm đột ngột có thể gây ra rất nhiều hậu quả nghiêm trọng và làm ảnh hưởng đến quá trình phục hồi bệnh.

3. Tìm hiểu thông tin về chứng bệnh trầm cảm

Nếu bạn lựa chọn yêu một người bị trầm cảm thì trước tiên hãy tìm hiểu về thông tin của căn bệnh. Như vậy bạn mới có thể giúp và hỗ trợ tốt cho họ trong quá trình điều trị bệnh. Đồng thời việc nắm rõ các triệu chứng, thông tin về bệnh trầm cảm sẽ giúp bạn dễ dàng trò chuyện và thông cảm tốt cho người bệnh. Bạn có thể tìm hiểu về bệnh thông qua các trang mạng uy tín, sách vỡ hay trao đổi trực tiếp với bác sĩ.

4. Hãy kiên nhẫn với người bệnh trầm cảm

Những người bệnh trầm cảm có thể gặp nhiều khó khăn trong việc giao tiếp, trò chuyện và chia sẻ với những người xung quanh. Do đó, nếu họ tránh né hoặc bày tỏ những cảm xúc khó chịu khi ở cùng bạn thì cũng đừng vội trách móc họ. Cũng bởi đây có thể là do sự ảnh hưởng từ bệnh trầm cảm chứ không xuất phát từ mong muốn của họ. Vì thế bạn hãy thực sự bình tĩnh và kiên nhẫn để dần giúp họ thoát khỏi những tâm trạng tiêu cực và dần cởi mở hơn.

Bên cạnh đó, quá trình điều trị bệnh trầm cảm là một chặng đường dài. Đôi lúc việc điều trị có thể không mang lại thành công như mong muốn khiến cho bản thân người bệnh và những người xung quanh bị nản lòng. Vì thế bạn hãy thực sự vững vàng và kiên định để có thể giúp cho người yêu của mình có thêm động lực để vượt qua căn bệnh quái ác này.

5. Giữ liên lạc thường xuyên với người yêu

Hãy để cho người yêu của bạn biết rằng bạn luôn quan tâm và dành nhiều sự yêu thương đối với họ, ngay cả khi bạn không ở cạnh họ. Những lúc không thể ở cạnh để chăm sóc và tâm sự bạn cũng nên dành thời gian để liên lạc với họ qua những cuộc gọi, tin nhắn. Hãy cố gắng làm những điều tích cực và dành những lời động viên để họ cảm thấy bớt cô đơn và có thêm niềm tin vào cuộc sống.

6. Động viên họ tìm kiếm sự giúp đỡ

Chắc hẳn bạn không thể dành 100% thời gian của mình để ở cạnh chăm sóc và quan tâm cho người yêu. Vì thế hãy luôn động viên và khuyến khích họ tìm kiếm sự giúp đỡ từ những người xung quanh khi cảm thấy cần thiết. Bạn hãy thường xuyên nói với họ về những sự quan tâm, yêu thương của người thân dành cho họ. Điều này sẽ giúp họ cảm thấy an tâm và tin tưởng hơn để có thể chia sẻ và tâm sự với nhiều người hơn. Đôi lúc bạn cũng nên cùng người yêu của mình gặp gỡ với những người thân xung quanh để gia tăng kết nối và giúp họ dần phục hồi được khả năng giao tiếp của mình.

ads cao kim thắm chuyên gia tâm lý trị liệu
Bài viết trên đây đã giúp cho bạn đọc biết được những điều nên làm khi yêu một người bị bệnh trầm cảm. Để giúp họ có thể mạnh mẽ vượt qua được căn bệnh này, bạn cần phải dành nhiều thời gian để lắng nghe, đồng hành cùng họ và luôn dành cho họ nhiều lời động viên, khích lệ. Bên cạnh đó, bản thân người bệnh cũng cần phải nỗ lực và tuân thủ đúng theo chỉ định điều trị của bác sĩ mới có thể mau chóng phục hồi sức khỏe và dần tái hòa nhập tốt với cộng đồng.

 Tham khảo thêm:

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *