Phương pháp sốc điện chữa trầm cảm có hiệu quả không?

Bên cạnh những phương pháp phổ biến như tâm lý trị liệu, sử dụng thuốc thì để cải thiện sức khỏe tâm thần nhiều người còn sử dụng đến liệu pháp sốc điện. Đây là một thủ thuật sử dụng dòng điện nhỏ truyền qua não để làm thay đổi các chất hóa học bên trong. Tuy nhiên, khi nhắc đến liệu pháp này nhiều người vẫn đang còn băn khoăn không biết rằng áp dụng phương pháp sốc điện để chữa bệnh trầm cảm có hiệu quả không.

Phương pháp sốc điện chữa trầm cảm
Liệu pháp sốc điện là một thủ thuật sử dụng dòng điện có cường độ nhỏ để truyền  qua não bộ

Tìm hiểu chi tiết về phương pháp sốc điện chữa trầm cảm

1. Phương pháp sốc điện là gì?

Liệu pháp sốc điện hay còn được gọi tắt là ECT – Electroconvulsive Therapy là một thủ thuật sử dụng dòng điện có cường độ nhỏ để truyền  qua não bộ, cố ý tạo ra một cơn co giật ngắn hạn trong khi người bệnh đã được gây mê toàn thân. ECT có thể gây ra những thay đổi về các chất hóa học bên trong não bộ, các dòng điện được truyền vào có thể nhanh chóng làm đảo ngược những triệu chứng của một số các vấn đề sức khỏe tâm thần.

Thông thường, liệu pháp sốc điện sẽ được áp dụng khi người bệnh không thể đáp ứng tốt với các phương pháp điều trị khác (tâm lý trị liệu, sử dụng thuốc,…) hoặc tình trạng bệnh quá nghiêm trọng, sau khi đã áp dụng hầu hết các biện pháp điều trị nhưng không mang lại hiệu quả như mong muốn. Tuy nhiên, trước đây phần lớn các bệnh nhân điều phản đối việc áp dụng ECT vào quá trình cải thiện bệnh.

Nhiều người cho rằng liệu pháp sốc điện sử dụng dòng điện với liều cao mà không tiến hành gây mê, sau quá trình điều trị sẽ dẫn đến tình trạng mất trí nhớ, gãy xương hoặc làm xuất hiện các biến chứng nghiêm trọng hơn. Tuy nhiên, hiện  nay ECT đã được cải tiến và an toàn hơn rất nhiều. Mặc dù phương pháp này có thể gây ra một số tác dụng phụ nhưng nó vẫn được kiểm soát về việc sử dụng các dòng được đưa ra vào não bộ và đã cân nhắc kỹ lưỡng về lợi ích và rủi ro trước khi thực hiện.

Phương pháp sốc điện thường mang lại hiệu quả khá nhanh, vì thế trong các trường hợp bị trầm cảm nặng, rối loạn tâm thần hoặc người bệnh xuất hiện các hành vi tự sát thì sẽ được ưu tiên áp dụng. Các chuyên gia cho biết rằng, nếu không nhanh chóng đưa ra quyết định cho các trường hợp này sẽ làm gia tăng nguy cơ tự sát hoặc dẫn đến những tình huống xấu không thể kiểm soát được.

2. Lịch sử hình thành phương pháp sốc điện chữa trầm cảm

Vào khoảng hơn 80 năm về trước, biện pháp sốc điện đã được áp dụng để điều trị cho bệnh nhân bị tâm thần. Cụ thể tại Đại học Rome La Sapienza của Ý, các bác sĩ đã tiến hành áp dụng liệu pháp sốc điện cho người đàn ông 39 tuổi đang mắc phải chứng tâm thần phân liệt nặng. Theo chia sẻ của bác sĩ chuyên khoa tâm thần  Ferdinando Accornero thì khoảng 1 tuần trước đó, người đàn ông này đã được cảnh sát của thành phố tìm thấy khi ông đang đi lang thang trên đường và lẩm bẩm những từ mà không ai có thể hiểu được.

Phương pháp sốc điện chữa trầm cảm
Biện pháp sốc điện đã được áp dụng để điều trị cho bệnh nhân bị tâm thần vào khoảng 80 năm trước

Sau khi gặp bác sĩ  Ferdinando Accornero thì người đàn ông đó đã được chẩn đoán mắc phải chứng tâm thần phân liệu và được chỉ định áp dụng liệu pháp sốc điện. Lúc này bác sĩ sẽ sử dụng dòng điện 100 volt để truyền qua đầu của bệnh nhân, quá trình thực hiện được theo dõi cẩn thận.

Sau khoảng vài tuần, các bác sĩ nhận thấy người bệnh đã có những chuyển biến đáng kể về sức khỏe tinh thần lẫn thể chất. Ông bắt đầu nói chuyện bình thường trở lại và cũng hòa nhập tốt hơn với cuộc sống là một kỹ sư làm việc tại Milan. Đây cũng chính là người bệnh đầu tiên được áp dụng liệu pháp ECT và nhận được kết quả khả quan. Mặc dù sau vài tháng tiếp theo người đàn ông vẫn có dấu hiệu tái phát bệnh nhưng các bác sĩ đã có cách để hỗ trợ ông kiểm soát bệnh.

3. Các giai đoạn thăng trầm cảm phương pháp sốc điện

Vào năm 1934, Ladislas von Meduna – nhà thần kinh học của Đại học Budapest đã khởi xướng việc áp dụng phương pháp sốc điện vào điều trị các bệnh lý tâm thần. Ông đã sử dụng một loại thuốc mang tên là cardiazol để tiêm vào cơ bắp của người bệnh đang mắc chứng căng trương lực nhằm tạo nên một cơn co giật xảy ra trong vài giây hoặc có thể là vài phút.

Sau khi bệnh nhân đã lấy lại ý thức, họ sẽ rời khỏi giường, mặc lại quần áo và một số trường hợp có thể nói chuyện lại ngay sau đó. Liệu pháp khi vừa mới được áp dụng đã tạo ra một tiếng vang rất lớn và cũng là yếu tố dẫn đường cho một viễn cảnh đẹp về khả năng có thể chữa khỏi các chứng tâm thần nặng – một trong các bệnh lý khó chữa trong giai đoạn này.

Sau đó, Ugo Cerletti – Trưởng khoa Tâm thần và Thần kinh của Đại học Rome La Sapienza dựa vào liệu pháp này và đã phát hiện ra một cách vượt trội hơn đó chính là sử dụng dòng điện. Để phục vụ cho điều này, các sinh viên của Cerletti, Lucio Bini đã tiến hành thiết kế và chế tạo ra máy sốc điện để có thể tạo được dòng điện chạy qua hai điện cực, chúng sẽ được bọc trong một tấm vải ngâm cùng với dung dịch muối và đặt ở mỗi bên của thái dương bệnh nhân.

Tuy nhiên, khi áp dụng phương pháp này lại gây ra khá nhiều các tác dụng phụ như gãy xương (xương sống, xương hông, xương bả vai), mất trí nhớ tạm thời hoặc vĩnh viễn,….Do đó, để cải thiện và hạn chế điều này, các chuyên gia đã kết hợp cùng với thuốc gây tê và thuốc giãn cơ để giúp người bệnh phòng tránh được các cơn co giật, hạn chế tình trạng gãy xương và đảm bảo được giấc ngủ sâu trong suốt quá trình tiến hành chữa bệnh bằng thuốc an thần mạnh kết hợp cùng chiết xuất của nhựa độc cura.

Sau đó cho đến những năm 1950, để nâng cao mức độ an toàn, người ta đã sử dụng succinylcholine clorua để thay thế cho cura, đồng thời kết hợp cùng với thuốc gây mê toàn thân. Nhờ đó mà tỉ lệ tử vong giảm đi rõ rệt, chỉ còn khoảng 1/ 10.000 bệnh nhân. Tuy nhiên, sau những năm 1960 thì phương pháp này vẫn không được ưa chuộng bởi sự gia tăng thuốc theo toa và do sự truyền thông về những khía cạnh bất lợi khiến cho nhiều người cảm thấy hoang mang và lo sợ.

4. Phương pháp sốc điện chữa trầm cảm hoạt động ra sao?

Phương pháp sốc điện sẽ sử dụng một dòng điện kích thích với cường độ thích hợp và được kiểm soát kỹ lưỡng để truyền qua não bộ nhằm tạo ra một cơn co giật ngắn hạn. Các cơn cơ giật này sẽ làm thay đổi một số chất hóa học bên trong não bộ và góp phần đảo ngược các triệu chứng của bệnh trầm cảm nhưng không làm ảnh hưởng đến cấu trúc của não.

Để đảm bảo được quy trình của liệu pháp sốc điện thì bệnh nhân sẽ được yêu cầu nằm viện để tiếp tục theo dõi và quan sát. Trước khi được sốc điện, bệnh nhân sẽ được gây mê toàn phần và dần chìm sâu vào giấc ngủ và hoàn toàn không thấy đau đớn hay cảm nhận gì trong quá trình điều trị. Các bác sĩ chuyên khoa có thể chỉ định cho người bệnh sử dụng một số loại thuốc giãn cơ.

Phương pháp sốc điện chữa trầm cảm
Người bệnh sẽ được áp các điện cực đã được điều chỉnh vào da đầu của bệnh nhân.

Sau đó sẽ bắt đầu áp các điện cực đã được điều chỉnh vào da đầu của bệnh nhân. Sau khi thiết bị được khởi động, các dòng điện dần di chuyển vào não bộ và tạo ra một cơn động kinh ngắn hạn. Thuốc mê lúc này sẽ kiểm soát cơ thể nên bạn hoàn toàn không thể cử động được khi co giật. Sau khi quá trình sốc điện kết thúc, vài phút sau người bệnh sẽ dần tỉnh táo trở lại và không có kí ức gì về quá trình đã trải qua.

Tùy vào tình trạng bệnh của mỗi người mà số buổi tiến hành sốc điện cũng sẽ khác nhau. Thông thường người bệnh trầm cảm nặng cần phải duy trì điều trị trong khoảng 6 đến 12 buổi và kéo dài từ 2 đến 3 tuần/ lần. Sau khi kết thúc liệu trình, bệnh nhân có thể yêu cầu bác sĩ tiếp tục điều trị nội khoa hoặc hướng dẫn các biện pháp thư giãn để phòng ngừa tình trạng bệnh trầm cảm tái phát.

5. Phương pháp sốc điện chữa trầm cảm có hiệu quả không?

Trong thực tế, phương pháp sốc điện đã được áp dụng trong quá trình chữa trầm cảm từ rất lâu và cũng đạt được những kết quả nhất định. Liệu pháp này thường được ưu tiên lựa chọn cho các trường hợp trầm cảm nặng hoặc những đối tượng bệnh không thể đáp ứng tốt với các hình thức điều trị chuyên khoa khác. Hiện nay cũng có nhiều nghiên cứu khoa học chứng minh và công nhận về hiệu quả mà sốc điện mang đến cho các người bệnh trầm cảm kháng trị.

Một cuộc nghiên cứu được tiến hành trên 39 người bệnh trầm cảm kháng trị nhằm so sánh hiệu quả và công dụng của phương pháp sốc điện và điều trị nội khoa. Kết quả sau khoảng 2 đến 3 tuần điều trị nhận thấy rằng có khoảng 71% các trường hợp người bệnh đáp ứng tốt với liệu pháp sốc điện. Trong khi đó, chỉ có khoảng 28% các đối tượng bệnh sử dụng thuốc cảm thấy tốt hơn sau khi dùng thuốc điều trị được 4 tuần. Tạp chí y khoa Acta Psychiatrica Scandinavica đã công bố kết quả của nghiên cứu này vào năm 1997.

Tiếp đó, một nghiên cứu của Hiệp hội Nghiên cứu về Liệu pháp Sốc điện Hoa Kỳ (CORE) – một chương trình do Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia Mỹ tài trợ được thực hiện vào năm 2004 . Kết quả nhận thấy rằng trong số 253 người bệnh bị trầm cảm mức độ nặng có đến 75% (189 bệnh nhân) cải thiện tốt sức khỏe và thuyên giảm các triệu chứng sau khi tiến hành sốc điện trong 3 tuần.

Bên cạnh đó, hiệu quả của quá trình sốc điện còn thể hiện được ưu thế cao đối với người cao tuổi và phụ nữ mang thai – đây là hai đối tượng có nguy cơ cao bị trầm cảm và thường không thể áp dụng phương pháp sử dụng thuốc để điều trị. Ngoài việc hỗ trợ chữa bệnh trầm cảm thì phương pháp sốc liệu còn được đánh giá cao trong quá trình áp dụng cho các trường hợp như:

  • Hội chứng căng trương lực: Đây là một dạng rối loạn tâm thần gây nên những tác động tiêu cực đến sự vận động bình thường của một người. Bệnh nhân có thể không nói chuyện được, di chuyển khó khăn và không phản ứng tốt với những kích thích.
  • Rối loạn lưỡng cực nhất là tình trạng hưng cảm nặng, người bệnh kích động, tăng động dữ dội và có những hành động, suy nghĩ bốc đồng.
  • Các tình trạng kích động, hung hăng quá mức ở những đối tượng bị sa sút trí tuệ.

Hiện nay, vẫn còn rất nhiều người lo ngại, hoài nghi và ác cảm với liệu pháp sốc điện. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến cho rất nhiều người bệnh tâm thần nói chung và bệnh trầm cảm nói riêng không được hưởng lợi từ phương pháp này. Tuy nhiên, trong thực trạng tự sát và trầm cảm là nguyên nhân hàng đầu gây nên tình trạng tử vong và tàn tật ở nhiều người trên toàn thế giới thì người bệnh cần sự hỗ trợ của tất cả các phương pháp điều trị có thể mang lại lợi ích cho họ.

Ngày nay, các chuyên gia đã nghiên cứu và cải tiến phương pháp sốc điện chữa bệnh trầm cảm bằng nhiều dạng điện có chọn lọc hơn như kích thích từ xuyên sợ (TMS), kích thích não sâu (DBS). Cả hai đều mang lại kết quả tốt và phát triển trong quá trình điều trị các bệnh về tâm thần, trong đó có trầm cảm.

6. Các rủi ro và tác dụng phụ

Trên thực tế, bất kì biện pháp điều trị bệnh nào cũng có nguy cơ xảy ra rủi ro hoặc làm xuất hiện các tác dụng phụ. Không phương pháp nào có thể chắc chắn sự an toàn 100%. Do đó, liệu pháp ECT cũng không ngoại lệ, nó vẫn có thể gây ra một số tác động đến người bệnh.

Vì thế, trước khi tiến hành áp dụng sốc điện, người bệnh sẽ được yêu cầu khám sức khỏe tổng quát và thực hiện một số các xét nghiệm cần thiết để đảm bảo vấn đề sức khỏe và không gặp phải các vấn đề y tế cản trở nào. Thông thường, những người được áp dụng liệu pháp này sẽ cảm nhận được nhanh chóng sự thay đổi tích cực của bản thân.

Tuy có thể mang lại hiệu quả nhanh chóng cho người bệnh nhưng có khoảng hơn 50% các đối tượng bệnh sau điều trị gặp phải tình trạng tái phát bệnh sau khoảng vài tháng tiếp theo nếu không áp dụng duy trì áp dụng các biện pháp phòng ngừa hoặc điều trị nội khoa (sử dụng thuốc). Do đó, sau khi kết thúc liệu trình sốc điện, các bác sĩ chuyên khoa sẽ cân nhắc để đưa ra phác đồ duy trì với những loại thuốc hoặc phương pháp phù hợp cho người bệnh. Bên cạnh đó, một số trường hợp còn được tiến hành thêm các buổi sốc điện xen kẽ để kiểm soát bệnh tốt hơn, phòng ngừa tình trạng tái phát.

Dựa trên số lượng người đã từng chữa trầm cảm bằng phương pháp sốc điện thì mất trí nhớ tạm thời là tác dụng phụ phổ biến nhất. Người bệnh sẽ gặp một chút khó khăn trong quá trình phục hồi và ghi nhớ lại các sự kiện, hoạt động đã từng diễn ra trong khoảng vài tuần hoặc vài tháng trước đó. Tuy nhiên, sau khoảng vài tuần hoặc vài tháng sau khi kết thúc liệu trình người bệnh sẽ dần cải thiện lại trí nhớ như bình thường.

Phương pháp sốc điện chữa trầm cảm
Liệu pháp sốc điện có thể khiến cho người bệnh bị mất trí nhớ, lú lẫn tạm thời

Bên cạnh đó, liệu pháp sốc điện còn có thể khiến cho người bệnh bị lú lẫn từ vài phút đến vài giờ. Họ sẽ không thể nhận định được bản thân đang làm gì, ở đâu. Một số trường hợp tình trạng này có thể kéo dài trong khoảng vài ngày liên tiếp. Tác dụng phụ này thường sẽ gặp nhiều hơn ở người lớn tuổi.

Ngoài ra, khi áp dụng phương pháp sốc điện chữa trầm cảm còn có thể gây ra một số triệu chứng đau nhức, mỏi cơ, buồn nôn, đau hàm. Những biểu hiện này có thể được kiểm soát tốt bằng thuốc Tây. Các chuyên gia còn cho biết thêm, sau khi áp dụng ECT người bệnh còn có khả năng tăng huyết áp, nhịp tim trong một khoảng thời gian ngắn. Vì thế phương pháp này sẽ không được khuyến khích áp dụng cho các trường hợp bệnh trầm cảm đang gặp vấn đề về tim mạch.

Cho đến hiện nay, cách thức hoạt động của phương pháp này vẫn chưa được nghiên cứu và chứng minh cụ thể trong quá trình điều trị trầm cảm và những vấn đề rối loạn tâm thần khác. Thế nhưng nếu xét về góc độ hóa học thì trong và sau khi sốc điện chức năng của não bộ sẽ bị thay đổi. Nhờ những sự biến đổi này mà các triệu chứng của trầm cảm và rối loạn tâm thần được cải thiện tốt hơn.

Tuy nhiên, ngay cả khi người bệnh đã cảm thấy thoải mái và thuyên giảm các triệu chứng trầm cảm sau khi tiến hành sốc điện thì vẫn nên tiếp tục duy trì các liệu pháp điều trị khác như dùng thuốc, tâm lý trị liệu, sốc điện xen kẽ, thay đổi lối sốc để ngăn ngừa tốt tình trạng tái phát.

ads chuyên gia tâm lý bùi thị hải yến tư vấn ngay

Những lầm tưởng thường gặp về liệu pháp sốc điện

Cho dù đã có rất nhiều bệnh nhân trầm cảm chữa khỏi bệnh sau khi áp dụng phương pháp sốc điện và cũng có nhiều nghiên cứu khoa học chứng minh về điều này nhưng cũng có không ít người cảm thấy ác cảm và kì thị với liệu pháp này. Cũng bởi họ chỉ được biến đến sốc điện qua phim ảnh, tài liều về những tình huống tra tấn dã man. Vì thế họ cho rằng sốc điện là hình thức chữa bệnh lỗi thời, dã man và gây đau đớn rất nhiều cho người bệnh.

Dưới đây là một số nhận định, cái nhìn sai lệch về phương pháp sốc điện của nhiều người.

1. Phương pháp sốc điện chỉ chữa được bệnh trầm cảm

Nhiều người hay lầm tưởng rằng, phương pháp sốc điện chỉ có thể chữa được bệnh trầm cảm nặng và các trường hợp trầm cảm kháng trị. Tuy nhiên trong thực tế liệu pháp này còn được áp dụng nhiều trong các trường hợp bệnh rối loạn lưỡng cực, tâm thần phân liệt và nhiều dạng rối loạn tâm thần khác. Việc ứng dụng liệu pháp ECT đúng cách sẽ giúp người bệnh dần phục hồi được chức năng sống và tái hòa nhập tốt hơn với cộng đồng.

2. Liệu pháp sốc điện có thể gây co giật lâu dài

Thông thường khi tiến hành liệu pháp sốc điện để điều trị bệnh thì các bác sĩ chuyên khoa sẽ cố ý tạo ra một cơn co giật ngắn (vài giây hoặc vài phút) cho người bệnh bằng việc dẫn truyền dòng điện đi qua não bộ. Gary Kennedy – chuyên gia tâm thần tại Montefiore Medical Center  tại New York, Hoa Kỳ cho biết rằng, kỹ thuật này sẽ giúp tái tạo và kích thích lại hoạt động của hệ thần kinh, giống như quá trình khởi động lại máy tính.

Cơn co giật này sẽ góp phần trong quá trình phục hồi lại sự liên kết giữa các nơron thần kinh và thúc đẩy quá trình sản sinh các chất dẫn truyền thần kinh quan trọng như serotonin, dopamine, norepinephrine. Nhờ đó mà người bệnh có thể dần đẩy lùi các triệu chứng của bệnh và phục hồi khả năng thích ứng tốt với cuộc sống.

3. Người bệnh sẽ đau đớn khi áp dụng sốc điện

Thực tế, khi mới được áp dụng trong thời gian đầu thì biện pháp sốc điện không có bất cứ sự kiểm soát nào nên quá trình thực hiện có thể gây ra đau đơn cho người bệnh. Tuy nhiên, ngày nay các nhà khoa học đã cải tiến và nâng cao kỹ thuật này, quá trình thực hiện cũng được giám sát và theo dõi kỹ lưỡng.

Trước khi tiến hành sốc điện, người bệnh sẽ được gây mê toàn thân và sử dụng các loại thuốc giãn cơ để giảm thiểu các cơn co giật và giúp người bệnh không gặp phải đau đớn. Do đó người bệnh có thể hoàn toàn yên tâm khi áp dụng phương pháp điều trị này.

4. Chỉ các bệnh viện tâm thần mới được tiến hành liệu pháp ECT

Thông thường nhiều người nghĩ rằng biện pháp sốc điện chỉ được thực hiện cho các bệnh viện tâm thần. Tuy nhiên trong thực tế phương pháp này có thể được áp dụng cho những đối tượng bán trú và nội trú ở trung tâm hoặc bệnh viện có chuyên môn. Trung bình mỗi người bệnh phải tiến hành 6 đến 12 buổi trị liệu trong suốt từ 2 đến 4 tuần.

Hiện nay vẫn chưa có bất kì báo cáo cụ thể nào về liệu pháp điều trị này. Do đó các chuyên gia cũng không thể tổng hợp được chi tiết về số lượng người bệnh đã từng áp dụng liệu pháp ECT để chữa bệnh tâm thần. Tuy nhiên theo số liệu ước tính tình tại Hoa Kỳ có khoảng gần 100.000 trường hợp trên mỗi năm.

5. Liệu pháp sốc điện không mang lại hiệu quả

Trong rất nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh rằng, liệu pháp sốc điện có thể mang lại được hiệu quả ngắn, nhất là đối với các trường hợp bệnh đang có ý định muốn tự sát. Thực tế đã có khoảng 85% các trường hợp bệnh nhân được phục hồi sức khỏe sau quá trình điều trị bằng ECT.

Tuy nhiên hầu hết các người bệnh trầm cảm sau khi điều trị vẫn có khả năng tái phát sau khoảng vài tuần hoặc vài tháng. Vì thế có thể nói rằng, biện pháp sốc điện mang đến hiệu quả nhanh chóng và tạm thời để ngăn chặn các hậu quả xấu có thể xảy ra đối với bệnh nhân bị rối loạn tâm thần.

6. Dùng phương pháp sốc điện chữa trầm cảm là cách lâu dài

Nhiều người hay cho rằng sốc điện có thể điều trị và duy trì hiệu quả lâu dài, Tuy nhiên trong thực tế thì phương pháp này chỉ có hiệu quả tức thời, sau quá trình điều trị người bệnh vẫn phải duy trì áp dụng các biện pháp nội khoa hoặc tâm lý trị liệu để phòng ngừa tình trạng tái phát. Đồng thời, bệnh nhân cũng phải chú ý xây dựng thói quen sinh hoạt hàng ngày, tăng cường vận động để nâng cao sức khỏe tổng thể.

7. Liệu pháp sốc điện sẽ gây mất trí nhớ vĩnh viễn

Mất trí nhớ là một trong các tác dụng phụ thường gặp ở những đối tượng chữa trầm cảm bằng phương pháp sốc điện. Tuy nhiên tình trạng này không kéo dài vĩnh viễn, thường người bệnh sẽ tạm thời quên đi kí ức diễn ra gần đây trong khoảng vài phút hoặc vài giờ. Một số trường hợp người bệnh lớn tuổi thì có thể kéo dài lâu hơn từ vài ngày đến vài tuần sau khi liệu trình điều trị kết thúc.

8. Phương pháp sốc điện là lựa chọn cuối cùng

Biện pháp sốc điện thường được áp dụng đối với những bệnh nhân trầm cảm nặng đã áp dụng qua các phương pháp điều trị nhưng không mang lại kết quả như mong muốn hoặc người bệnh không đáp ứng được với những loại thuốc điều trị. Tuy nhiên, trong một số trường hợp người bệnh phát triển bệnh quá nhanh và xuất hiện liên tục các hành vi tự sát thì liệu pháp ECT luôn được ưu tiên hàng đầu trong quá trình chữa bệnh.

9. Sốc điện là hình thức trừng phạt người bệnh

Lúc xưa, sốc điện thường được áp dụng với mục đích trừng trị những bệnh nhân tâm thần bất trị hoặc để quản giáo ý chí của người bệnh. Do đó, hiện nay nhiều người vẫn có ác cảm và kì thì phương pháp này. Tuy nhiên trên thực tế vào khoảng những năm 50, 60 của TK XX cho đến hiện nay thì liệu pháp ECT đã được nghiên cứu và cải tiến rất nhiều nhằm phục vụ tốt cho quá trình chữa lành các tổn thương về mặt tâm thần, trong đó có trầm cảm. Do đó, việc áp dụng phương pháp sốc điện không còn mang tính chất xấu mà có thể giúp ích rất nhiều cho những bệnh nhân trầm cảm, rối loạn lưỡng cực.

ads chuyên gia tâm lý cao kim thắm

Qua những thông tin trên đây có thể nhận thấy việc áp dụng phương pháp sốc điện để chữa trầm cảm cũng mang lại hiệu quả rất tốt cho người bệnh. Tuy nhiên trước khi quyết định tiến hành liệu pháp này, người bệnh cùng bác sĩ điều trị nên trao đổi và cân nhắc kỹ lưỡng về những lợi ích/ rủi ro có thể mang đến để đảm bảo an toàn và giúp cho quá trình chữa bệnh được thành công hơn.

Tham khảo thêm:

5/5 - (1 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *