[Tư vấn] Bị rối loạn ám ảnh cưỡng chế có nguy hiểm không?
Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) có nguy hiểm không là thắc mắc của không ít bạn đọc. Để hình dung được mức độ nguy hiểm của chứng bệnh này, bạn đọc có thể tham khảo thông tin hữu ích trong bài viết sau.
Bệnh rối loạn ám ảnh cưỡng chế có nguy hiểm không?
Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) là một dạng rối loạn tâm thần có tính chất mãn tính, dai dẳng và khởi phát trong giai đoạn từ 15 – 25 tuổi. Bệnh đặc trưng bởi sự lặp đi lặp lại của các ý nghĩ, tạo ra sự ám ảnh kèm theo tâm lý lo lắng, căng thẳng và khó chịu. Tâm lý này thôi thúc người bệnh phải thực hiện các hành vi cưỡng chế để giải tỏa.
Các hành vi bị chi phối bởi ý nghĩ ám ảnh thường được thực hiện một cách cưỡng bức, người bệnh hoàn toàn không cảm thấy hứng thú và hay vui vẻ khi thực hiện. Tuy nhiên, các hành vi này giúp giảm bớt sự lo âu do ý nghĩ ám ảnh gây ra. Những ý nghĩ này có tính chất lặp đi lặp lại, tái diễn thường xuyên khiến người bệnh phải thực hiện các hành vi cưỡng chế nhiều lần trong ngày.
Người mắc chứng OCD thường bị ám ảnh về việc nhiễm bệnh nên có xu hướng rửa tay rất nhiều lần, dọn dẹp nhà cửa thường xuyên, đồ đạc được sắp xếp rất ngăn nắp, chú ý đến sự đối xứng và thứ tự. Bên cạnh đó, bệnh nhân luôn có mối nghi ngờ về những việc đã xảy ra và thường xuyên kiểm tra để chắc chắn đã khóa cửa nhà, tắt bếp gas, đem đủ hành lý, khóa cửa sổ,…
Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) là hội chứng hiếm gặp với tỷ lệ mắc bệnh chỉ chiếm khoảng 0.05 – 1%. Do đó, sự hiểu biết của cộng đồng về hội chứng này còn khá hạn chế. Ngoài thắc mắc về biểu hiện, nguyên nhân và cách điều trị, không ít người còn băn khoăn về vấn đề “Rối loạn ám ảnh cưỡng chế có nguy hiểm không?”.
Không ít người lầm tưởng, OCD chỉ khiến người bệnh trở nên ngăn nắp và sạch sẽ quá mức. Tuy nhiên trên thực tế, hội chứng này có biểu hiện đa dạng và gây ra rất nhiều ảnh hưởng đối với sức khỏe, cuộc sống của bệnh nhân. Để hiểu rõ hơn về mức độ nguy hiểm của rối loạn ám ảnh cưỡng chế, bạn nên tìm hiểu các biến chứng mà bệnh nhân OCD có thể gặp phải:
1. Gây hao tốn, lãng phí thời gian
Rối loạn ám ảnh cưỡng chế khiến bệnh nhân mất nhiều thời gian để thực hiện những hành vi vô nghĩa, thậm chí là các nghi thức kì dị, không phù hợp với tiêu chuẩn xã hội (thường gặp ở trẻ em). Thống kê cho thấy, người mắc chứng OCD mất khoảng 60 phút mỗi ngày cho các ý nghĩ ám ảnh và những hành vi cưỡng chế.
Thậm chí, một số trường hợp rối loạn ám ảnh cưỡng chế nặng, bệnh nhân có thể dành hàng giờ đồng hồ cho các hoạt động vô nghĩa như dọn dẹp nhà cửa liên tục, sắp xếp đồ đạc tỉ mỉ quá mức (xếp theo màu, kích thước,…), rửa tay quá thường xuyên,… Bệnh nhân cũng bỏ lỡ nhiều kế hoạch trong ngày vì phải quay lại nhà kiểm tra rất nhiều lần để chắc chắn đã đóng cửa, khóa bếp gas,…
2. Giảm hiệu quả khi làm việc, học tập
Đặc trưng của chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế là tình trạng lặp đi lặp lại của các ý nghĩ dẫn đến sự ám ảnh và cảm giác lo âu, căng thẳng, bức bối. Chính sự ám ảnh này thôi thúc người bệnh thực hiện hành vi một cách cưỡng chế. Khi thực hiện hành vi, sự lo lắng và căng thẳng sẽ được giải tỏa tuy nhiên người bệnh hoàn toàn không có cảm giác vui vẻ hay hào hứng.
Người mắc chứng OCD hiếm khi có thể thoải mái, thư giãn và thường trực sự lo lắng, căng thẳng, bồn chồn về những ý nghĩ lặp đi lặp lại có tính chất tái diễn. Tình trạng này không chỉ gây hao tốn, lãng phí thời gian mà còn làm giảm khả năng tập trung khi học tập và làm việc.
Trong quá trình làm việc và học tập, người bệnh dễ xuất hiện những ý nghĩ không theo chủ đích và thôi thúc thực hiện các hành vi cưỡng chế. Để tránh sao nhãng, người bệnh buộc phải kiềm chế không thực hiện hành vi. Tuy nhiên, tình trạng này khiến người bệnh gần như không thể tập trung, cảm thấy lo lắng, bức bối và hậu quả là kết quả học tập kém, hay gặp phải sai sót và chậm trễ trong công việc.
Sự căng thẳng, lo âu do các suy nghĩ ám ảnh cùng với tình trạng giảm hiệu quả học tập và làm việc khiến bệnh nhân rơi vào trạng thái tuyệt vọng, đau khổ, bứt rứt, từ đó nỗ lực hơn để chế ngự suy nghĩ và hành vi của bản thân. Tuy nhiên nếu không có các phương pháp chuyên sâu, sự nỗ lực của bệnh nhân gần như không mang lại hiệu quả. Trái lại còn khiến bệnh nhân dễ bị stress và đau khổ kéo dài.
3. Tăng mâu thuẫn trong các mối quan hệ
Người bị rối loạn ám ảnh cưỡng chế rất khó có được những cảm xúc tích cực như vui vẻ, thỏa mãn và thoải mái hoàn toàn. Những suy nghĩ vô nghĩa lặp đi lặp lại trong đầu khiến người bệnh thường bị căng thẳng, lo âu quá mức và dai dẳng. Đa phần bệnh nhân mắc chứng OCD đều nhận thấy được sự vô nghĩa trong hành vi của bản thân nhưng không thể nào khống chế.
Sự bất lực trong việc chế ngự suy nghĩ và hành vi khiến tâm trạng của bệnh nhân luôn bị căng thẳng, bất ổn và nhạy cảm quá mức. Người bệnh dễ nổi nóng, tức giận với những người xung quanh – đặc biệt là khi những người này thay đổi vị trí đồ vật hoặc làm dính bụi bẩn lên quần áo của bản thân. Tâm trạng căng thẳng, nhạy cảm và hầu như không vui vẻ, thoải mái khiến cho bệnh nhân OCD khó duy trì được mối quan hệ với những người xung quanh.
Đa phần người mắc chứng bệnh này chỉ duy trì được mối quan hệ với gia đình và rất hiếm khi có bạn bè (nhất là khi chứng OCD khởi phát sớm). Những người xung quanh gần như không thể thấu hiểu và đồng cảm với cảm xúc, hành vi và cách cư xử của người bệnh nên bệnh nhân luôn cảm thấy cô độc, lạc lõng và không có nhu cầu gắn kết với mọi người.
4. Tăng nguy cơ mắc các dạng rối loạn lo âu khác
Người mắc chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế có khả năng phát triển một số chứng rối loạn lo âu khác. Rối loạn lo âu bao gồm nhiều dạng lâm sàng với đặc điểm chung là sự lo âu thái quá, kéo dài về một hoặc nhiều tình huống/ vấn đề.
Tâm lý căng thẳng, bất lực, khó chịu ở người mắc OCD nếu không được điều trị sớm có thể gia tăng nguy cơ mắc các bệnh lý như:
- Rối loạn lo âu lan tỏa (GAD): GAD là dạng rối loạn lo âu thường gặp nhất, đặc trưng bởi sự lo lắng thường trực, kéo dài và quá mức so với tính chất của vấn đề. Mối lo âu của người mắc chứng bệnh này thường xoay quanh những khía cạnh của cuộc sống như việc học, nghề nghiệp, gia đình, con cái và đặc biệt là tài chính.
- Rối loạn ám ảnh sợ xã hội: Khoảng 25% bệnh nhân OCD phát triển chứng rối loạn ám ảnh sợ xã hội. Chứng bệnh này xảy ra khi người bệnh lo lắng và căng thẳng quá mức trước những tình huống xã hội thông thường như giao tiếp với người lạ, nói chuyện qua điện thoại, phát biểu trước đám đông, hẹn hò,… Những trường hợp mắc đồng thời rối loạn ám ảnh cưỡng chế và rối loạn ám ảnh sợ xã hội thường không thể học tập, làm việc như bình thường và có khả năng trở thành gánh nặng cho gia đình.
Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể mắc các dạng rối loạn lo âu khác như rối loạn hoảng sợ, chứng nghi bệnh (rối loạn lo âu sợ bệnh tật) và các ám ảnh sợ đặc hiệu khác.
5. Nguy cơ trầm cảm cao
Bên cạnh các rối loạn lo âu, người bị rối loạn ám ảnh cưỡng chế cũng có nguy cơ phát triển chứng trầm cảm (chiếm 67% trường hợp). Tình trạng này thường xảy ra do bệnh nhân bị căng thẳng, lo âu kéo dài và bất lực trước hành vi, ý nghĩ của bản thân. Về lâu dài, cảm xúc của bệnh nhân giảm thấp đi kèm với biểu hiện ức chế về tư duy và hoạt động (các biểu hiện của trầm cảm).
Các chuyên gia nhận thấy, nguy cơ bị trầm cảm cao ở những bệnh nhân rối loạn ám ảnh cưỡng chế chỉ xuất hiện ý nghĩ ám ảnh, hoàn toàn không có hành vi cưỡng bức. Ngoài triệu chứng thường gặp là sự ám ảnh về việc nhiễm bệnh, sạch sẽ quá mức và kiểm tra mọi thứ kỹ lưỡng, người bị OCD còn bị ám ảnh bởi những suy nghĩ kì dị.
Ví dụ, người mẹ bị OCD có thể bị ám ảnh bởi ý tưởng lặp đi lặp lại với nội dung như làm hại, giết chết con cái, bạn đời,… Những ý nghĩ này xuất hiện không theo chủ đích và tái diễn khiến người bệnh luôn cảm thấy bản thân mang tội lỗi, đáng bị nguyền rủa và chê trách. Suy nghĩ này khiến bệnh nhân dễ hình thành rối loạn lo âu, trầm cảm và có thể tự sát với mong muốn bảo vệ con cái khỏi hành vi gây hại của bản thân.
6. Dễ lạm dụng chất và nghiện rượu bia
Tương tự như các dạng rối loạn lo âu khác, người mắc hội chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế phải sống chung với cảm giác lo âu, căng thẳng kéo dài và dai dẳng. Ban đầu, người bệnh cố gắng khống chế suy nghĩ và chế ngự các hành vi cưỡng bức của bản thân nhưng không mang lại hiệu quả. Ngược lại, sự chống đối này còn làm gia tăng mức độ căng thẳng, bức bối.
Người mắc các chứng rối loạn tâm lý nói chung và OCD nói riêng thường lựa chọn dùng rượu bia, chất gây nghiện để giải tỏa cảm xúc. Khi dùng chất kích thích, não bộ sẽ tạo ra phản ứng hưng phấn với cảm giác thoải mái, giảm lo âu, sợ hãi,…
Tuy nhiên khi qua giai đoạn hưng phấn, hệ thần kinh trung ương sẽ bị ức chế dẫn đến những cảm xúc tiêu cực như đa nghi, giận dữ, dễ tức giận, buồn rầu và gia tăng mức độ lo âu, căng thẳng. Sử dụng rượu bia và lạm dụng chất khiến sức khỏe, chất lượng cuộc sống của bệnh nhân suy giảm trầm trọng. Người bệnh lựa chọn lối sống bê tha, bỏ mặc bản thân và trở thành gánh nặng của gia đình, xã hội.
7. Có các hành vi tự hủy hoại, tự sát
Biến chứng nặng nề nhất của rối loạn ám ảnh cưỡng chế là hành vi tự hủy hoại và tự sát. Những trường hợp tự sát thường mắc đồng thời với chứng rối loạn lo âu lan tỏa, trầm cảm và nghiện rượu bia, lạm dụng chất. Người bệnh nỗ lực tự sát để giải thoát bản thân khỏi tâm trạng buồn rầu, căng thẳng, lo âu không lối thoát. Hoặc tự sát để bảo vệ con cái, người thân vì lo sợ bản thân sẽ gây ra các hành vi đáng chê trách (giết hại con cái, người thân).
8. Rối loạn TIC
Rối loạn TIC thường xảy ra ở người dưới 18 tuổi và có mối liên hệ mật thiết với hội chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế. Hội chứng này đặc trưng bởi các cử động cơ nhanh, có tính chất lặp lại, xảy ra đột ngột không có nhịp điệu (bao gồm cả giọng nói).
Hiện nay, nguyên nhân chính xác gây ra rối loạn TIC vẫn chưa được xác định nhưng nhận thấy có vai trò của yếu tố di truyền và OCD. Do đó, trẻ em bị rối loạn ám ảnh cưỡng chế có thể làm gia tăng nguy cơ mắc hội chứng này. Đối với những trường hợp mắc đồng thời nhiều bệnh lý, điều trị thường gặp nhiều khó khăn, bệnh tiến triển phức tạp và nguy cơ tiến triển mãn tính cao.
9. OCD ở trẻ em tăng nguy cơ rối loạn nhân cách
Rối loạn ám ảnh cưỡng chế ở trẻ em còn có khả năng gây rối loạn nhân cách. Các nghiên cứu đều cho thấy bằng chứng rõ rệt về ảnh hưởng của OCD đối với quá trình hình thành nhân cách. Cụ thể, trẻ mắc chứng bệnh này có nguy cơ hình thành rối loạn nhân cách ám ảnh cưỡng chế cao hơn trẻ bình thường.
Hiện nay, sự hiểu biết về rối loạn ám ảnh cưỡng chế và các rối loạn tâm lý khác còn nhiều hạn chế. Tuy nhiên, thực tế và những nghiên cứu đã được thực hiện đều cho thấy, OCD gây ra rất nhiều ảnh hưởng đối với sức khỏe và các khía cạnh của cuộc sống. Hy vọng qua những thông tin trong bài viết, bạn đọc đã hiểu rõ hơn về vấn đề “Rối loạn ám ảnh cưỡng chế có nguy hiểm không?”, từ đó chủ động bảo vệ sức khỏe tâm thần, nhận biết sớm dấu hiệu bất thường ở bản thân và những người xung quanh.
Tham khảo thêm:
- Cảm thấy trong người bồn chồn, lo lắng, khó ngủ là biểu hiện của bệnh gì?
- 17 Cách giảm stress, căng thẳng nhanh chóng hiệu quả
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!