8 loại rối loạn lo âu thường gặp và điều cần biết
Các loại rối loạn lo âu thường gặp hiện nay như rối loạn lo âu lan tỏa, rối loạn lo âu xã hội, rối loạn stress sau sang chấn, rối loạn hoảng loạn,… Mặc dù được chia thành nhiều loại khác nhau nhưng đặc điểm chung của các bệnh lý này tình trạng lo âu, căng thẳng và sợ hãi quá mức, xảy ra trong một thời gian dài. Để nhận biết cần tìm hiểu kỹ các biểu hiện của từng loại.
Các loại rối loạn lo âu thường gặp
Rối loạn lo âu (Anxiety Disorder) là một trong những vấn đề tâm lý phổ biến nhất hiện nay. Hội chứng này đặc trưng bởi sự lo âu, phiền muộn và căng thẳng quá mức về một hoặc nhiều đối tượng/ tình huống trong cuộc sống. Đôi khi, người bệnh có cảm giác lo âu dai dẳng và kéo dài nhưng mơ hồ và không xác định được nguồn gốc của nỗi lo.
Trên thực tế, không ít bệnh nhân nhận thấy rõ sự lo âu của bản thân là vô lý và thừa thãi nhưng không thể nào chế ngự. Lo âu kéo dài, lặp đi lặp lại gây ra tâm trạng buồn bã, chán nản, mệt mỏi,… Người bệnh trở nên nhạy cảm và dễ cáu gắt với những người xung quanh một cách vô lý.
Rối loạn lo âu có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng ảnh hưởng nhiều hơn đến người trưởng thành. Thống kê cho thấy, khoảng 15% dân số mắc chứng bệnh này và tỷ lệ cao hơn ở nữ giới. Biểu hiện của bệnh rất đa dạng và mức độ có sự khác biệt ở từng bệnh nhân.
Dựa vào đặc điểm và biểu hiện lâm sàng, rối loạn lo âu được chia thành nhiều dạng khác nhau. Đôi khi bệnh nhân cũng có thể mắc đồng thời từ 2 – 3 dạng. Trong những năm gần đây, tỷ lệ người bị trầm cảm và rối loạn lo âu tăng lên đáng kể. Do đó, chủ động trang bị cho bản thân những kiến thức hữu ích sẽ giúp bạn đọc biết cách phòng ngừa, phát hiện sớm và chủ động hơn trong quá trình thăm khám – điều trị.
Như đã đề cập, rối loạn lo âu được chia thành nhiều loại khác nhau, trong đó thường gặp nhất 8 loại sau:
1. Rối loạn lo âu lan tỏa (GAD)
Rối loạn lo âu lan tỏa (GAD – Generalized Anxiety Disorder) là một trong những loại rối loạn lo âu phổ biến. Hội chứng này còn được biết đến với những tên gọi khác là rối loạn lo âu toàn thể. GAD cũng đặc trưng bởi sự lo lắng, căng thẳng quá mức và kéo dài. Sự lo lắng ở người mắc hội chứng này thường liên quan đến những vấn đề xoay quanh cuộc sống như quan hệ vợ chồng, gia đình, tài chính, nghề nghiệp, việc học,…
Khác với sự lo lắng thông thường, người mắc chứng rối loạn lo âu lan tỏa (GAD) thường lo lắng thái quá và mức độ không tương xứng với tính chất nghiêm trọng của vấn đề/ tình huống. Tình trạng lo lắng, phiền muộn do GAD gây ra kéo dài liên tục trong ít nhất 6 tháng và gây ra những ảnh hưởng đáng kể đối với sức khỏe, chất lượng cuộc sống.
Một số biểu hiện thường gặp ở người mắc chứng rối loạn lo âu lan tỏa (GAD):
- Thường trực sự lo lắng về nhiều vấn đề của cuộc sống và mức độ lo âu thường không tương xứng với tính chất của vấn đề.
- Có xu hướng nhìn nhận mọi sự việc theo chiều hướng bi quan trong khi thực tế, sự việc này có mức độ không quá nghiêm trọng và hoàn toàn không đe dọa đến sức khỏe hay chất lượng cuộc sống.
- Dành nhiều thời gian để suy nghĩ về mối lo và tìm các giải pháp để đối phó nếu tình huống xấu nhất xảy ra.
- Sự lo âu quá mức và kéo dài khiến người bệnh chần chừ, do dự và thường tham khảo ý kiến của người khác trước khi đưa ra quyết định – ngay cả với những quyết định không quan trọng.
- Lo lắng, căng thẳng kéo dài dẫn đến giảm khả năng tập trung, người bệnh trở nên nhạy cảm, dễ cáu gắt, bực bội và gần như không bao giờ cảm thấy thoải mái hay thư giãn
Ngoài những triệu chứng về mặt cảm xúc, rối loạn lo âu lan tỏa còn gây ra các biểu hiện thể chất như:
- Khó ngủ, mất ngủ
- Căng cơ dẫn đến đau nhức vai gáy, đau thắt lưng, ê mỏi toàn thân
- Tim đập nhanh, đổ mồ hôi, đau thắt ngực, bất an, hồi hộp
- Tiểu tiện nhiều lần
- Kích thích các bệnh mãn tính bùng phát như viêm dạ dày, loét dạ dày, hội chứng ruột kích thích, viêm mũi dị ứng, mề đay, các bệnh da mãn tính,…
- Gây rối loạn tiêu hóa, đầy hơi, khó tiêu, chướng bụng,…
- Đau đầu, uể oải
Rối loạn lo âu lan tỏa (GAD) gặp nhiều hơn ở nữ giới và thường khởi phát trong giai đoạn từ 20 – 30 tuổi. Loại rối loạn lo âu này có liên quan mật thiết đến căng thẳng thần kinh, triệu chứng thường xuất hiện một cách từ từ nhưng dai dẳng và dễ tái phát.
2. Rối loạn stress sau sang chấn (PTSD)
Rối loạn stress sau sang chấn (Post-traumatic Stress Disorder) cũng là một trong những loại rối loạn lo âu thường gặp. PTSD còn được biết đến với nhiều tên gọi như hậu chấn tâm lý, rối loạn căng thẳng sau chấn thương,… Hội chứng này gặp ở người phải trải qua hoặc chứng kiến những sự kiện có tính chất kinh khủng như tai nạn thảm khốc, chiến tranh, bị lạm dụng, cưỡng bức, suýt bị sát hại, bị bắt cóc, đe dọa hoặc chứng kiến những người khác phải trải qua những sự kiện tương tự.
Sau khi trải qua những sự kiện gây sang chấn, tâm trạng sẽ bị ảnh hưởng trong một thời gian nhất định. Trong đó, sẽ có một số trường hợp không thể tự điều chỉnh cảm xúc và phát triển thành rối loạn stress sau sang chấn. PTSD thường xảy ra trong vòng 6 tháng kể từ thời điểm sự kiện sang chấn xảy ra và triệu chứng kéo dài ít nhất trong vòng 1 tháng.
Rối loạn stress sau sang chấn là tình trạng người bệnh xuất hiện những hồi tưởng (giấc mơ, suy nghĩ) có tính chất thâm nhập, tái hiện về sự kiện gây tổn thương tâm lý. Sự tái hiện của những sự kiện này gây ra rối nhiễu tâm trí, cảm xúc và cuộc sống của người bệnh. Người mắc phải chứng bệnh này sẽ gặp phải 4 nhóm triệu chứng chính sau:
Hồi tưởng ký ức có tính chất thâm nhập:
- Người bệnh thường mơ hoặc gặp ác mộng về sự kiện đã xảy ra một cách rất chân thực
- Xuất hiện ý nghĩ về sự kiện đau buồn một cách không tự chủ và có tính chất lặp đi lặp lại
- Khác với sự hồi tưởng thông thường, bệnh nhân PTSD thường xuất hiện ý nghĩ một cách không tự chủ và sự hồi tưởng này có tính chất thâm nhập khiến bệnh nhân cảm nhận rõ trải nghiệm và cảm giác tại thời điểm chứng kiến/ trải qua sự kiện này.
- Sau khi hồi tưởng, bệnh nhân thường rơi vào trạng thái hoảng loạn, sợ hãi và đau khổ.
- Xuất hiện cảm giác đau khổ tột độ khi phải đối diện với những tình huống, sự việc gợi nhắc về sự kiện đã xảy ra trong quá khứ.
Phản ứng, hành động né tránh:
- Sự sợ hãi, hoảng loạn và đau khổ khi hồi tưởng về những sự kiện đã xảy ra khiến bệnh nhân né tránh hoàn toàn những lời nói, suy nghĩ có liên quan đến sự kiện này.
- Tránh tiếp xúc với những đối tượng, địa điểm, hoạt động có liên quan đến những sự kiện sang chấn.
- Phản ứng quá khích, gây hấn khi có người yêu cầu diễn tả lại cảm xúc và tình tiết của sự kiện.
Tâm trạng, nhận thức thay đổi:
- Bi quan, tiêu cực và vô vọng về tương lai
- Xuất hiện suy nghĩ tiêu cực về bản thân và những người xung quanh
- Bắt đầu hình thành tâm lý tự đổ lỗi cho bản thân hoặc những người xung quanh về nguyên nhân, hậu quả của sự kiện.
- Thường sợ hãi tột độ, hoảng loạn, tức giận xen lẫn với tâm trạng xấu hổ, tội lỗi
- Giảm hứng thú và sự quan tâm với các hoạt động, bao gồm cả các sở thích trước đây
- Mất cảm giác, tê liệt hoàn toàn với mọi thứ
- Cảm thấy bản thân tách biệt với mọi người, luôn có cảm giác cô đơn và lạc lõng
- Mất hẳn các cảm xúc tích cực
- Trí nhớ bị gián đoạn và suy giảm, thường là mất một đoạn ký ức về sự kiện gây sang chấn (đặc biệt là các chi tiết quan trọng nhất)
Cảm xúc và phản ứng thể chất thay đổi:
- Hay giật mình, dễ sợ hãi
- Chú ý quan sát và luôn có sự đề phòng vì tin rằng xung quanh luôn tiềm ẩn nguy hiểm
- Ngủ chập chờn, khó ngủ, thường gặp ác mộng
- Giảm khả năng tập trung
- Hành vi hung hăng, dễ tức giận và gắt gỏng
- Gia tăng các hành vi thiếu thận trọng, có thể hủy hoại và làm tổn thương bản thân như uống rượu bia, đua xe,…
Người bị rối loạn stress sau sang chấn (PTSD) bị rối nhiễu cuộc sống nghiêm trọng, sức khỏe và chức năng xã hội cũng suy giảm theo thời gian. Tỷ lệ người mắc chứng bệnh này trọn đời chiếm 9% và khoảng 4% bệnh nhân có thể khỏi bệnh trong vòng 1 năm đầu tiên. Tương tự như các rối loạn lo âu khác, PTSD được điều trị bằng tâm lý trị liệu và sử dụng thuốc.
3. Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD)
Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (Obsessive Compulsive Disorder – OCD) hay rối loạn ám ảnh nghi thức là một loại rối loạn lo âu tương đối ít gặp. Bệnh ảnh hưởng đến khoảng 0.05 – 1% dân số thế giới với tỷ lệ cân bằng ở cả nam và nữ giới.
OCD là một loại rối loạn lo âu đặc trưng bởi sự xuất hiện về một hoặc nhiều ý nghĩ lặp đi lặp lại và có tính chất tái diễn. Những suy nghĩ này tạo ra sự ám ảnh, gia tăng mức độ lo âu, căng thẳng, bức bối nhằm thôi thúc người bệnh thực hiện các hành vi cưỡng chế.
Sau khi thực hiện các hành vi cưỡng chế, mức độ lo âu và căng thẳng sẽ giảm đi, bệnh nhân cảm thấy dễ chịu hơn. Tuy nhiên, bệnh nhân hoàn toàn không có cảm giác hài lòng hay thích thú khi thực hiện những hành vi này. Ngược lại, không ít bệnh nhân chống đối với chứng OCD bằng cách không thực hiện hành vi cưỡng chế dẫn đến sự bức bội, khó chịu, lo âu, căng thẳng và buộc phải tiếp tục thực hiện các hành vi này.
Người mắc chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế thường có những biểu hiện như:
- Ám ảnh về suy nghĩ bị nhiễm bệnh do tiếp xúc với đất cát, bụi bẩn, nhiễm virus, vi khuẩn dẫn đến thôi thúc hành vi rửa tay rất nhiều lần trong ngày.
- Dọn dẹp nhà cửa quá mức, sắp xếp đồ vật ngăn nắp, trật tự và rất khó chịu khi người khác thay đổi vị trí của vật dụng.
- Luôn hình thành sự lo lắng về những vấn đề như đã khóa cửa nhà, đã tắt bếp gas , đóng cửa sổ, khóa ba lô, túi xách, đã sắp xếp đủ hành lý hay chưa,… Sự nghi ngờ này thôi thúc người bệnh phải kiểm tra rất nhiều lần.
- Một số bệnh nhân có thể xuất hiện những suy nghĩ ám ảnh một cách không chủ đích như ý nghĩ tục tĩu, muốn giết hại đứa con của mình, có ý nghĩ về hành vi xâm phạm tình dục,… Tuy nhiên, những trường hợp này chỉ xuất hiện ý nghĩ ám ảnh nhưng không phát sinh hành vi cưỡng chế. Tỷ lệ bệnh nhân gặp phải dạng OCD này ít hơn, chỉ khoảng 25%.
- Người mắc chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế mất ít nhất 1 giờ mỗi ngày để suy nghĩ và thực hiện các hành vi cưỡng bức. Điều này làm gián đoạn quá trình sinh hoạt, ảnh hưởng đến công việc, học tập và nhiều dự định trong ngày.
- Một số bệnh nhân có thể nhận thấy sự thừa thãi của những hành vi này nhưng không thể nào chế ngự và ngăn chặn.
Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) dễ bị nhầm lẫn với rối loạn nhân cách ám ảnh cưỡng chế. Ngoài ra, không ít người lầm tưởng OCD gắn liền với sự trật tự, ngăn nắp và sạch sẽ. Tuy nhiên trên thực tế, biểu hiện của chứng bệnh này khá đa dạng và có không ít bệnh nhân mắc OCD vẫn có lối sống cẩu thả, bừa bộn.
4. Rối loạn hoảng loạn/ hoảng sợ
Rối loạn hoảng loạn (Panic Disorder) là một dạng rối loạn lo âu phổ biến. Tỷ lệ mắc bệnh chiếm từ 2 – 3% dân số thế giới trong giai đoạn từ 15 – 25 tuổi với tỷ lệ cao hơn ở nữ giới. Rối loạn hoảng sợ là tình trạng xuất hiện cơn lo âu cấp tính, có tính chất đột ngột và khởi phát mà không có yếu tố báo trước.
Trong cơn lo âu cấp tính, bệnh nhân có biểu hiện hoảng loạn, sợ hãi tột độ và có nỗi sợ mạnh mẽ về những vấn đề như sợ chết, sợ mất kiểm soát, sợ mất trí nhớ,… Thông thường, cơn hoảng loạn thường xảy ra trong 20 – 30 phút và gần như không bao giờ kéo dài quá 1 giờ. Vì không có yếu tố báo trước nên các cơn hoảng loạn, lo âu cấp tính có thể xảy ra ở nơi công cộng, trường học và nơi làm việc. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.
Các biểu hiện thường gặp ở bệnh nhân bị rối loạn hoảng sợ:
- Xuất hiện cơn lo âu cấp tính một cách đột ngột, kịch phát mà không có yếu tố báo trước
- Bệnh nhân rơi vào trạng thái hoảng loạn và sợ hãi mạnh mẽ
- Cảm giác sợ hãi kích thích bùng phát các triệu chứng thần kinh thực vật như bồn chồn, khó thở, đánh trống ngực, đau vùng ngực, đổ mồ hôi, tay chân nóng bừng hoặc lạnh cóng,…
- Sự sợ hãi tăng dần lên trong các cơn hoảng loạn và bệnh nhân có xu hướng thoát khỏi tình huống để tìm kiếm sự giúp đỡ
- Nếu đã từng khởi phát cơn lo âu cấp tính ở nơi công cộng, bệnh nhân có xu hướng né tránh việc đi ra ngoài hoặc thậm chí từ chối việc đi học và lựa chọn làm việc tại nhà.
Rối loạn hoảng sợ không được điều trị gây ra vô số ảnh hưởng đối với sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Thực tế cho thấy, người mắc chứng bệnh này có thể phát triển một số loại rối loạn lo âu khác như rối loạn lo âu xã hội, chứng sợ khoảng rộng,…
5. Rối loạn lo âu xã hội
Rối loạn lo âu xã hội (Social Anxiety Disorder – SAD) là dạng lâm sàng của rối loạn lo âu. Chứng bệnh này còn được biết đến với tên gọi là hội chứng sợ xã hội, ám ảnh sợ xã hội,… Đúng như tên gọi, người mắc chứng SAD thường trực sự sợ hãi, lo âu và căng thẳng quá mức về những tình huống xã hội thông thường như gặp người lạ, ăn uống nơi công cộng, trò chuyện qua điện thoại, hẹn hò và nói chuyện trước đám đông.
Rối loạn lo âu xã hội thường khởi phát sớm hơn các dạng rối loạn lo âu khác, độ tuổi khởi phát trung bình từ 11 – 19 tuổi và tỷ lệ mắc bệnh cao hơn ở nữ giới. So với các rối loạn lo âu khác, hội chứng này làm suy giảm trầm trọng chức năng xã hội của người bệnh. Nếu không được điều trị, bệnh nhân gần như không thể kết hôn vì lo sợ hẹn hò và bắt chuyện với người lạ.
Các dấu hiệu thường gặp ở bệnh nhân bị rối loạn lo âu xã hội:
- Luôn thường trực cảm giác lo âu, sợ hãi, căng thẳng trước những tình huống xã hội. Cảm giác này kéo dài trong nhiều tháng khiến bệnh nhân có xu hướng né tránh các tình huống xã hội không hề tiềm ẩn mối đe dọa đối với bản thân.
- Bệnh nhân không thể gặp gỡ và giao tiếp với người lạ, hầu như chỉ thực hiện hoạt động giao tiếp với người thân trong gia đình.
- Luôn lo sợ cảm giác bị bẽ mặt, xấu hổ trước đám đông.
- Người bệnh thường có phản ứng sợ hãi quá mức khi người khác chú ý quan sát và đưa ra lời phê bình, đánh giá bản thân một cách tiêu cực. Ngoài ra, người mắc chứng bệnh này cũng rất sợ để người khác phát hiện ra sự căng thẳng và sợ hãi của bản thân.
- Luôn lo lắng về các tình huống xã hội chưa bao giờ xảy ra (hẹn hò, kết hôn) và luôn dự đoán kết quả xấu nhất khi bản thân tham gia vào các tình huống, hoạt động xã hội.
Người mắc chứng rối loạn lo âu xã hội thường tách rời với cộng đồng và có xu hướng tự cô lập bản thân. Bệnh nhân gặp khó khăn khi học tập, làm việc và thường không có cơ hội để thể hiện năng lực bản thân do sợ giao tiếp, gặp gỡ và thiếu kỹ năng sống trầm trọng.
6. Rối loạn lo âu chia ly
Rối loạn lo âu chia ly (Separation Anxiety Disorder) là một loại rối loạn lo âu thường gặp ở trẻ từ 8 – 24 tháng tuổi. Hội chứng này đặc trưng bởi sự sợ hãi, lo lắng và căng thẳng quá mức về việc phải rời xa bố mẹ và người thân trong gia đình. Phản ứng này thường xuất hiện lần đầu tiên khi trẻ đến trường học..
Quấy khóc, đeo bám và la hét là phản ứng thường thấy ở trẻ khi mới đến trường và phải rời xa gia đình. Tuy nhiên, tình trạng này sẽ nhanh chóng được cải thiện khi trẻ quen dần với môi trường mới. Hơn nữa khi trẻ lớn lên, nỗi sợ về việc xa bố mẹ cũng sẽ giảm đi do trẻ đã dạn dĩ và hiểu biến hơn về thế giới.
Chứng rối loạn lo âu chia ly được chẩn đoán khi tình trạng sợ hãi, căng thẳng, lo lắng khi phải xa bố mẹ và người thân trong gia đình xảy ra trong thời gian ít nhất 4 tuần. Đồng thời tình trạng này phải gây ra những ảnh hưởng nhất định đối với quá trình học tập và vui chơi của trẻ.
Biểu hiện của trẻ mắc chứng rối loạn lo âu chia ly:
- Trẻ có phản ứng than thở, cầu xin, khóc lóc khi phải rời xa bố mẹ và người thân. Nếu không được đáp ứng, trẻ sẽ có phản ứng mạnh hơn như la hét, cáu kỉnh, đeo bám và ăn vạ.
- Bản thân trẻ mắc chứng rối loạn lo âu chia ly luôn thường trực sự lo lắng, sợ hãi và đau khổ.
- Trẻ thường lo lắng bố mẹ và người thân có thể gặp phải tai nạn, mắc bệnh và thậm chí là qua đời trong thời gian phải tách xa gia đình.
- Trẻ không thích ngủ một mình và luôn muốn ngủ cùng bố mẹ, đồng thời bày tỏ thái độ không muốn đi học hay đến đến những địa điểm khác mà không có người thân đi cùng.
- Trẻ mắc chứng rối loạn lo âu chia ly thường gặp phải ác mộng với nội dung là bị tách rời khỏi gia đình
- Sự lo lắng và đau khổ quá mức khiến trẻ không tập trung trong giờ học, luôn buồn bã và không tham gia các hoạt động vui chơi cùng với bạn bè cùng trang lứa.
Rối loạn lo âu chia ly khiến trẻ buồn bã, đau khổ và lo lắng kéo dài. Nếu không được thăm khám và điều trị sớm, chứng bệnh này làm gián đoạn việc học của trẻ dẫn đến tình trạng trẻ chậm tiếp thu, phát triển và hạn chế sự hiểu biết về cuộc sống. Ngoài ra, rối loạn lo âu chia ly cũng gia tăng nguy cơ phát triển các rối loạn tâm lý và gây lệch lạc, méo mó trong quá trình hình thành nhân cách.
7. Rối loạn lo âu bệnh tật (chứng nghi bệnh)
Rối loạn lo âu bệnh tật (Illness anxiety disorder) hay chứng nghi bệnh là một loại rối loạn lo âu ít gặp (0.8%). Người mắc chứng bệnh này luôn cho rằng bản thân mắc các vấn đề sức khỏe thể chất nghiêm trọng mặc dù không có bất cứ biểu hiện nào. Đồng thời có xu hướng quy chụp các triệu chứng và cảm giác gặp phải đều là dấu hiệu cảnh báo bệnh tật.
Bệnh nhân mắc hội chứng rối loạn lo âu bệnh tật luôn thường trực sự sợ hãi vô lý, thậm chí hoang đường về việc bản thân mắc bệnh. Ngay cả khi đã khám sức khỏe và được chẩn đoán khỏe mạnh, tình trạng sợ hãi và lo lắng về bệnh tật vẫn tiếp diễn. Tương tự như các loại rối loạn lo âu khác, chứng nghi bệnh gây ra sự đau khổ, phiền muộn, căng thẳng và ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống.
Các biểu hiện thường gặp ở người mắc chứng nghi bệnh (rối loạn lo âu bệnh tật):
- Cho rằng bản thân mắc các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như ung thư và các bệnh lý nguy hiểm không thể chữa trị.
- Nỗi sợ về bệnh tật kéo dài trong nhiều tháng mặc dù cơ thể hoàn toàn khỏe mạnh và không có bất cứ triệu chứng nào khác thường.
- Cố gắng tìm kiếm các dấu hiệu bệnh tật trên cơ thể và quy chụp các biểu hiện, cảm giác gặp phải (dù không nghiêm trọng) đều là dấu hiệu cảnh báo bệnh lý.
- Thường xuyên đến bệnh viện để kiểm tra sức khỏe. Tuy nhiên, sự sợ hãi và lo lắng gần như không thuyên giảm ngay cả khi được chẩn đoán hoàn toàn khỏe mạnh. Một số bệnh nhân có thể né tránh đến bệnh viện/ phòng khám do lo sợ về việc sẽ bị chẩn đoán mắc các bệnh nan y.
- Sự sợ hãi, lo âu quá mức về bệnh tật khiến bệnh nhân đau khổ, buồn bã, chán nản và luôn bất an.
Người mắc chứng nghi bệnh thường rơi vào trạng thái buồn bã, đau khổ và thường trực cảm giác bất an. So với các chứng rối loạn lo âu khác, người mắc chứng bệnh này phải đối mặt với áp lực tài chính lớn hơn do thường xuyên nghỉ làm và đến bệnh viện kiểm tra sức khỏe quá nhiều lần.
8. Rối loạn ám ảnh sợ đặc hiệu
Rối loạn ám ảnh sợ đặc hiệu là loại rối loạn lo âu thường gặp. Người mắc chứng bệnh này thường sợ hãi, căng thẳng và lo lắng quá mức trước những tình huống/ đối tượng không tiềm ẩn bất cứ mối đe dọa nào.
Biểu hiện của chứng rối loạn ám ảnh sợ đặc hiệu tương đối đa dạng. Mỗi bệnh nhân sẽ sợ hãi với một hoặc nhiều đối tượng khác nhau, trong đó thường gặp nhất là chứng sợ không gian hẹp, khoảng trống, sợ động vật, độ cao, sợ kim tiêm, máu,… Rối loạn ám ảnh sợ đặc hiệu được chẩn đoán khi nỗi sợ kéo dài ít nhất 6 tháng và gây ra những ảnh hưởng đáng kể đối với cuộc sống.
Các dạng rối loạn ám ảnh sợ đặc hiệu thường gặp bao gồm:
- Các hiện tượng thiên nhiên: Sóng thần, giông bão, sấm chớp, mưa bão, lốc xoáy,…
- Sợ động vật: Sâu, bò cạp, nhện, chó, mèo, rắn rết,…
- Các thủ thuật y tế: Sợ phẫu thuật, sợ vết tiêm, sợ máu, sợ kim tiêm và các vật dụng được sử dụng trong y tế
- Sợ các tình huống cụ thể: Đi máy bay, sợ không gian hẹp, sợ bóng tối, sợ đi học,…
- Một số dạng ám ảnh sợ đặc hiệu ít gặp hơn như sợ chú hề, sợ độ cao, sợ tiếng động lớn,…
Người mắc chứng rối loạn ám ảnh sợ đặc hiệu thường có những biểu hiện như:
- Luôn thường trực cảm giác sợ hãi, lo lắng về những đối tượng, tình huống cụ thể.
- Bệnh nhân luôn né tránh những tình huống và đối tượng gây ra sự sợ hãi. Điều này dẫn đến nhiều phiền toái trong cuộc sống.
- Khi phải đối mặt với đối tượng, tình huống gây ra sự sợ hãi, bệnh nhân sẽ xuất hiện các biểu hiện như nôn mửa, ngất xỉu, buồn nôn, đổ mồ hôi, choáng váng, tức ngực, khó thở,…
Rất ít bệnh nhân bị có duy nhất 1 nỗi sợ. Thống kê cho thấy, khoảng 75% bệnh nhân sợ hãi về 3 tình huống/ đối tượng cụ thể và đặc biệt là các đối tượng này thường có mối liên hệ mật thiết.
Trên đây là thông tin về 8 loại rối loạn lo âu thường gặp có thể xuất hiện ở cả trẻ em và người lớn. Nếu nghi ngờ mắc chứng bệnh này, bạn nên chủ động thăm khám để được chẩn đoán và điều trị sớm. Bên cạnh đó, cần nâng cao kiến thức của bản thân về sức khỏe tâm thần để kịp thời phát hiện và điều trị các vấn đề tâm lý.
Có thể bạn quan tâm:
- Rối loạn lo âu có tự khỏi không hay phải điều trị?
- 9 Cách vượt qua rối loạn lo âu đơn giản tại nhà bạn nên áp dụng
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!