Rối loạn hoảng sợ có nguy hiểm không? Chữa khỏi được không?
Rối loạn hoảng sợ có nguy hiểm không là vấn đề được nhiều người quan tâm. Thông tin trong bài viết sẽ giúp bạn đọc giải đáp thắc mắc và ý thức sâu sắc hơn về những biến chứng do bệnh lý này gây ra.
Rối loạn hoảng sợ có nguy hiểm không? Biến chứng có thể gặp phải
Rối loạn hoảng sợ là một trong những dạng rối loạn lo âu thường gặp bên cạnh rối loạn lo âu lan tỏa và các ám ảnh sợ đặc hiệu. Thể bệnh này đặc trưng bởi các cơn hoảng sợ kịch phát, xuất hiện đột ngột mà không có yếu tố báo trước. Trong các cơn hoảng sợ, bệnh nhân có cảm giác sợ hãi tột độ về cái chết, sợ bị phát điên, sợ nhồi máu cơ tim hoặc sợ mất kiểm soát.
Các cơn hoảng sợ thường kéo dài từ 5- 20 phút nhưng cũng có thể kéo dài đến 1 giờ đồng hồ và có tính chất hay tái phát. Đến nay, các chuyên gia vẫn chưa tìm ra nguyên nhân gây rối loạn hoảng sợ và yếu tố nào kích thích cơn hoảng sợ kịch phát. Bởi các cơn hoảng sợ xuất hiện rất đột ngột mà không hề có dấu hiệu cảnh báo.
Tương tự như các rối loạn tâm thần khác, rối loạn hoảng sợ gây ra nhiều phiền toái trong cuộc sống. Tuy nhiên, mọi người chưa thực sự hiểu rõ về ảnh hưởng của chứng bệnh này. Thông tin sau sẽ giúp bạn đọc có hình dung cụ thể hơn về vấn đề “Rối loạn hoảng sợ có nguy hiểm không?”.
1. Gặp các vấn đề tại trường học, công ty
Như đã đề cập, rối loạn hoảng sợ đặc trưng bởi các cơn hoảng sợ có tính chất kịch phát và không có dấu hiệu báo trước. Do đó, nhiều khả năng cơn hoảng sợ sẽ bùng phát ở trường, công ty và nơi công cộng.
Trong các cơn hoảng sợ, ngoài nỗi sợ cực độ, bệnh nhân còn có các biểu hiện như đánh trống ngực, mạch nhanh, có cảm giác nghẹt thở, run tay chân, chóng mặt, mất thăng bằng, thở nông, buồn nôn,… Tình trạng này khiến bệnh nhân phải đối mặt với nhiều phiền toái khi học tập và làm việc. Nếu đang lái xe, cơn hoảng sợ kịch phát có thể gia tăng nguy cơ tai nạn và chấn thương.
Hiện nay, những hiểu biết của cộng đồng về các bệnh tâm thần nói chung và rối loạn hoảng sợ còn khá hạn chế. Do đó, bệnh nhân ít khi được thấu hiểu. Nhiều công ty quyết định cho bệnh nhân nghỉ việc vì lo sợ người bệnh có các vấn đề tâm thần và dính líu đến chất gây nghiện.
Bên cạnh đó, những ảnh hưởng của rối loạn hoảng sợ cũng khiến bệnh nhân khó có thể tập trung cho việc học. Sau mỗi cơn hoảng sợ, người bệnh thường rơi vào trạng thái căng thẳng và đau khổ. Tâm lý này ảnh hưởng đáng kể đến khả năng tiếp thu và tập trung.
2. Lạm dụng rượu bia, chất gây nghiện
Bệnh nhân bị rối loạn hoảng sợ thường tìm đến rượu bia và chất gây nghiện để giải tỏa cảm xúc. Cồn và chất gây nghiện đều có tác dụng ức chế hệ thần kinh trung ương, từ đó giúp bệnh nhân quên đi phiền muộn, căng thẳng và cảm giác đau khổ. Tuy nhiên khi những chất này hết tác dụng, tình trạng lo âu và căng thẳng sẽ quay trở lại với mức độ nghiêm trọng hơn.
Lạm dụng rượu bia và sử dụng chất gây nghiện làm gia tăng mức độ nghiêm trọng của chứng rối loạn hoảng sợ. Nhiều bệnh nhân có thể xuất hiện hoang tưởng, ảo giác và có hành vi kích động trong cơn hoảng sợ. Bên cạnh đó, tác động của rượu bia và chất gây nghiện cũng làm gia tăng các vấn đề sức khỏe thể chất như cao huyết áp, mất ngủ, rối loạn tiền đình, tiểu đường,…
3. Thu nhập thấp
Người bị rối loạn hoảng sợ thường phải đối mặt với thu nhập thấp do năng lực kém và khó tập trung hoàn toàn trong công việc. Ngoài ra, tình trạng tái phát các cơn hoảng sợ thường xuyên cũng khiến bệnh nhân phải thay đổi công việc nhiều lần và thu nhập không ổn định.
Nhiều bệnh nhân lựa chọn các công việc làm tại nhà để tránh phải ra ngoài và hạn chế giao tiếp. Những công việc này thường có thu nhập không cao, bệnh nhân ít có cơ hội phát triển và thăng tiến trong sự nghiệp. Thu nhập thấp đồng nghĩa với đời sống không ổn định, bệnh nhân khó kết hôn và nuôi dạy tốt con cái. Ngoài ra, các vấn đề về tài chính cũng làm gia tăng mức độ lo âu, căng thẳng và gây ra tâm lý bức bối cho người bệnh.
4. Cô lập xã hội
Đa số bệnh nhân rối loạn hoảng sợ đều có xu hướng sống khép kín và cô lập xã hội. Bởi các cơn hoảng sợ thường xuất hiện ở những nơi công cộng, nhà trường hoặc công ty nên bệnh nhân dần hình thành nỗi sợ phải ra khỏi nhà. Vì lo lắng cơn hoảng sợ tái phát, người bệnh thường ít giao thiệp, dành nhiều thời gian ở nhà và chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết.
Bản thân người bị rối loạn hoảng sợ có khả năng giao tiếp kém nên không biết cách mở rộng mối quan hệ. Hơn nữa, tình trạng lo lắng về việc cơn hoảng sợ bùng phát cũng khiến người bệnh không muốn kết bạn. Với tính cách khép kín và có đôi chút kỳ lạ, những người xung quanh cũng gần như không tương tác với bệnh nhân.
Bệnh nhân chỉ duy trì mối quan hệ với những thành viên trong gia đình và một vài người bạn thân từ khi còn nhỏ. Nếu không được điều trị sớm, nhiều khả năng bệnh nhân sẽ sống cô độc suốt đời.
5. Phát triển các dạng rối loạn ám ảnh cụ thể
Rối loạn hoảng sợ thường đi kèm với các rối loạn ám ảnh sợ chuyên biệt. Các chuyên gia cho rằng, nỗi sợ tột độ bùng phát không có yếu tố báo trước khiến bệnh nhân hình thành nỗi sợ khoảng trống, sợ một mình, sợ đến nơi xa lạ, sợ vào thang máy, sợ đi du lịch xa nhà,…
Bệnh nhân rối loạn hoảng sợ chỉ cảm thấy thoải mái khi ở nhà cùng với người thân. Bởi khi có người thân bên cạnh, bệnh nhân mới cảm thấy an tâm và được hỗ trợ khi cơn hoảng sợ kịch phát.
Nỗi sợ khiến cho người bệnh né tránh sử dụng phương tiện công cộng, lựa chọn đi thang bộ thay vì thang máy, không dám đi du lịch, ngại đến nơi đông người và đôi khi cần có người thân đi cùng khi muốn ra bên ngoài. Rối loạn ám ảnh cụ thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của bệnh nhân. Nếu không điều trị sớm, bệnh nhân có thể nhốt mình trong phòng và không thể rời khỏi nhà.
6. Gia tăng nguy cơ trầm cảm, rối loạn lo âu
Bản thân người bị rối loạn hoảng sợ vẫn giữ được ý thức trong các cơn hoảng sợ. Chính vì vậy, bệnh nhân ý thức sâu sắc những phiền toái bản thân phải đối mặt. Cảm giác bất lực trước nỗi sợ tột độ và sự lo lắng dai dẳng về việc cơn hoảng loạn bùng phát khiến bệnh nhân khó tránh khỏi căng thẳng, âu lo.
Rối loạn hoảng sợ không được điều trị chính là điều kiện để phát triển các rối loạn tâm thần khác như rối loạn lo âu lan tỏa, trầm cảm,… Trong trường hợp có trầm cảm kết hợp, tiên lượng bệnh thường xấu.
7. Sống phụ thuộc hoàn toàn vào gia đình
Rối loạn hoảng sợ nặng có thể khiến bệnh nhân không ra khỏi nhà, mất hoàn toàn chức năng nghề nghiệp, kỹ năng xã hội. Bệnh nhân lựa chọn nhốt mình trong nhà và sống phụ thuộc vào gia đình. Điều này làm gia tăng gánh nặng về tài chính và ảnh hưởng đáng kể đến tinh thần của những thành viên khác.
Thực tế, rất nhiều người bị trầm cảm, stress nặng do trong gia đình có người bị rối loạn hoảng sợ. Đối với những gia đình có điều kiện, tình trạng này chỉ ảnh hưởng đến tâm lý. Tuy nhiên nếu xảy ra ở những gia đình có thu nhập thấp, đời sống sẽ ngày càng đi xuống và gia tăng gánh nặng cho xã hội.
8. Hành vi tự hủy hoại, tự tử
Rối loạn hoảng sợ cũng làm gia tăng hành vi tự hủy hoại và tự tử. Hành vi tự hủy hoại thường được thực hiện để giải tỏa cảm xúc kìm nén, phẫn uất. Thực tế, bệnh nhân rối loạn hoảng sợ luôn có cảm giác muốn nổ tung, bức bối do nỗi sợ thường trực và bất lực khi không thể kiểm soát nỗi sợ của bản thân.
Sau một thời gian bệnh tiến triển, nhiều người có ý tưởng tự sát vì cho rằng đây là cách duy nhất để giải thoát bản thân và những người xung quanh. Những trường hợp tự sát thường có biểu hiện trầm cảm, lạm dụng rượu bia và chất gây nghiện.
Rối loạn hoảng sợ có chữa khỏi được không?
Rối loạn hoảng sợ có tiên lượng đa dạng. Một số bệnh nhân có thể lui bệnh sau vài năm tiến triển mà không cần điều trị. Tuy nhiên, đa số bệnh đều tiến triển nặng nếu không được thăm khám và điều trị kịp thời. Nếu can thiệp điều trị sớm, rối loạn hoảng sợ có thể được kiểm soát. Tuy nhiên, để phòng ngừa tái phát, bệnh nhân phải điều trị củng cố trong ít nhất 30 tháng. Trong đó, có một số ít bệnh nhân phục hồi hoàn toàn sau vài năm.
Với những trường hợp điều trị tích cực, bệnh nhân đều có đáp ứng tốt và ổn định cuộc sống lâu dài. Các cơn hoảng sợ có thể tái phát sau khoảng vài năm nhưng sẽ được kiểm soát nếu can thiệp điều trị kịp thời. Nhìn chung, rối loạn hoảng sợ có thể được quản lý nên người bệnh không cần lo lắng quá mức.
Tuy nhiên, cũng có một vài trường hợp có tiên lượng xấu như xuất hiện cơn hoảng sợ mạnh mẽ, thời gian cơn hoảng sợ kéo dài đến 1 giờ đồng hồ, sống cô độc, không có tiềm lực tài chính và đặc biệt là có trầm cảm phối hợp. Những bệnh nhân này có đáp ứng kém hơn và đa phần đều bỏ dở điều trị sau một thời gian.
Thống kê ở các bệnh nhân rối loạn hoảng sợ điều trị trong vòng 5 năm nhận thấy, khoảng 34% khỏi bệnh, 46% còn một ít triệu chứng và 20% có cải thiện rất hạn chế. Những trường hợp còn lại bệnh tiến triển nặng và phát sinh biến chứng.
Khả năng đáp ứng với điều trị ở mỗi bệnh nhân là khác nhau. Tuy nhiên, gia đình nên hỗ trợ người bệnh về mặt tinh thần và vật chất để bệnh nhân có động lực vượt qua bệnh tật. Đa số người bệnh được sống trong gia đình hạnh phúc, có điều kiện tài chính, được yêu thương và chia sẻ đều có đáp ứng tốt với điều trị. Ngược lại, bệnh nhân sống trong môi trường bạo lực, thường xuyên có xung đột, đời sống thấp thường có tiên lượng xấu.
Hy vọng qua thông tin hữu ích trong bài viết trên, bạn đọc đã hiểu rõ hơn về vấn đề Rối loạn hoảng sợ có nguy hiểm không? Có chữa khỏi được không?. Qua đó có thêm hiểu biết về chứng bệnh này và biết cách quản lý bệnh nếu mắc phải. Ngoài ra, nâng cao hiểu biết cũng giúp bạn phát hiện các dấu hiệu bất thường ở những người xung quanh.
Tham khảo thêm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!