Rối Loạn Khí Sắc Là Gì? Dấu Hiệu Nhận Biết Và Điều Trị

5/5 - (1 bình chọn)

Rối loạn khí sắc là một nhóm bệnh bao gồm rối loạn trầm cảm đơn thuần và rối loạn cảm xúc hưng cảm. Tình trạng này thường sẽ kéo dài liên tục trong một khoảng thời gian gây nên nhiều cản trở đối với sức khỏe, chất lượng cuộc sống của người bệnh. Nếu không sớm can thiệp điều trị thì bệnh rất dễ tiến triển đến mức độ nặng với biểu hiện loạn thần rất nguy hiểm.

Rối Loạn Khí Sắc
Trầm cảm và hưng cảm là 2 hội chứng rối loạn đặc trưng của bệnh lý rối loạn khí sắc

Rối loạn khí sắc là gì?

Khí sắc và cảm xúc là hai thuật ngữ thường được sử dụng trong tâm thần học, đôi lúc chúng được dùng với ý nghĩa khá tương đồng. Tuy nhiên, các nhà khoa học cho biết, hai trạng thái này có sự khác nhau nhất định. Cảm xúc chính là một trong những trạng thái được biểu hiện ngắn hạn, tạm thời. Chẳng hạn như vui, buồn, giận dữ, cáu gắt, hờn dỗi,…Trái lại, khí sắc chính là tính khí, tâm trạng được thể hiện một cách bền bỉ, nó chính là trạng thái tình cảm được biểu hiện ở mức độ mạnh mẽ và rõ rệt hơn.

Khí sắc của mỗi người cũng được ví như một trương lực tình cảm, chúng sẽ dần thay đổi ở mức khí sắc cao (vui vẻ, hào hứng, phấn khích, sung sướng) cho đến những mức khí sắc thấp hơn (chán nản, buồn bã, tuyệt vọng, ủ rũ). Thực chất, khí sắc chính là phản ứng của cảm xúc, nó được thể hiện trên các phương diện theo thứ tự như:

  • Phản ứng thực tại sống theo hướng khó chịu hoặc dễ chịu
  • Các ảnh hưởng đến cảm nhận, suy nghĩ, hành vi
  • Cuối cùng là sự tác động đến năng lực của bộ máy cơ thể.

Vì thế, có thể hiểu rối loạn khí sắc khi biểu hiện từ buồn bã quá mức sẽ được gọi là trầm cảm, ngược lại khi biểu hiện từ vui sướng quá mức sẽ được gọi là hưng cảm. Trầm cảm và hưng cảm cũng chính là hai hội chứng đặc trưng của tình trạng rối loạn này. Tuy nhiên, xét về mặt lâm sàng thì các rối loạn trầm cảm sẽ chiếm phần lớn bởi triệu chứng diễn ra phức tạp, quá trình điều trị cũng sẽ gặp nhiều cản trở và khó khăn hơn hưng cảm.

Thực chất, rối loạn khí sắc là trạng thái rối loạn được biểu hiện bằng những rối loạn trầm cảm đơn thuần cùng với sự xen kẽ của các rối loạn hưng cảm hoặc rối loạn khí sắc chu kỳ thể hiện ở mức độ cao và kéo dài liên tục hoặc các rối loạn tác phong, hành vi một cách cụ thể. Những trạng thái bệnh lý này gây nên nhiều ảnh hưởng đối với sức khỏe, làm suy giảm chất lượng cuộc sống và cản trở đến khả năng hoạt động, thích ứng với môi trường.

ads bùi thị hải yến chuyên gia tâm lý

Dấu hiệu nhận biết rối loạn khí sắc

Như đã chia sẻ ở trên, rối loạn khí sắc sẽ bao gồm cả các rối loạn trầm cảm và  rối loạn hưng cảm. Bệnh lý này được chia thành các loại như sau:

  • F30: Giai đoạn hưng cảm.
  • F31: Rối loạn cảm xúc lưỡng cực.
  • F32: Giai đoạn trầm cảm.
  • F33: Rối loạn trầm cảm tái diễn.
  • F34: Các trạng thái rối loạn khí sắc dai dẳng.
  • F38: Các rối loạn khí sắc khác.
  • F39: Rối loạn khí sắc không biệt định.

Tùy vào loại rối loạn và giai đoạn bệnh mà mỗi người sẽ có các biểu hiện khác nhau.

1. Giai đoạn rối loạn trầm cảm

Thông thường, các triệu chứng của rối loạn trầm cảm sẽ xuất hiện và kéo dài tối thiểu 2 tuần. Lúc này khí sắc của người bệnh sẽ giảm đi đáng kể và không thể thích ứng tốt với hoàn cảnh bên ngoài. Thậm chí người bệnh còn có xu hướng lạm dụng nhiều chất kích thích, rượu bia, các chất gây nghiện nhằm giải tỏa cảm xúc. Một vài trường hợp sẽ xuất hiện các nỗi sợ hãi, ám ảnh cực độ.

triệu chứng rối loạn khí sắc
Các triệu chứng của giai đoạn trầm cảm thường sẽ kéo dài tối thiểu 2 tuần

Một số biểu hiện thường gặp của người bệnh rối loạn khí sắc giai đoạn trầm cảm như:

  • Khí sắc kém, buồn bã, chán nản, tuyệt vọng, thiếu sức sống.
  • Giảm hứng thú đối với hầu hết các hoạt động, sự việc xảy ra xung quanh, kể cả những điều mà bản thân đã từng rất yêu thích trước đây.
  • Mất tập trung, khó khăn khi đưa ra lựa chọn, quyết định một việc gì đó, không thể hoàn thành tốt các công việc hàng ngày.
  • Luôn cảm thấy mệt mỏi, chán chường, ủ rũ, không có năng lượng và không muốn làm bất kì việc gì.
  • Lòng tự trọng thấp, luôn có cảm giác tội lỗi, tự trách bản thân.
  • Cho rằng bản thân vô dụng, không có giá trị.
  • Rối loạn giấc ngủ, ngủ không sâu giấc, thường xuyên mơ gặp ác mộng hoặc có thể buồn ngủ và ngủ liên tục.
  • Thói quen ăn uống thay đổi bất thường, bỏ bữa, chán ăn hoặc ăn uống không kiểm soát làm ảnh hưởng đến cân nặng.
  • Một số triệu chứng cơ thể như choáng váng, đau nhức cơ, vấn đề về tiêu hóa,….
  • Suy nghĩ về cái chết và muốn thực hiện hành vi tự sát.

2. Giai đoạn hưng cảm

Giai đoạn hưng cảm là trạng thái khí sắc tăng cao khiến cho người bệnh không thể đáp ứng tốt với những hoàn cảnh xã hội. Lúc này năng lượng của người bệnh sẽ gia tăng đột ngột và biểu hiện ở mức độ nghiêm trọng với các triệu chứng điển hình như nói nhanh, nói rất nhiều, giảm sự tập trung.

biểu hiện rối loạn khí sắc
Trong giai đoạn hưng cảm, nguồn năng lượng của người bệnh được gia tăng đáng kể.
  • Hưng cảm nhẹ

Nếu hưng cảm chỉ biểu hiện ở mức độ nhẹ thì khí sắc cũng chỉ gia tăng vừa phải nhưng sẽ kéo dài dai dẳng trong khoảng vài ngày liên tiếp.

Lúc này cơ thể sẽ gia tăng năng lượng đột ngột, những hoạt động của cơ thể cũng được nâng cao đáng kể, thông thường bệnh nhân sẽ cảm thấy thoải mái, vui vẻ và phấn khích. Thậm chí có một số trường hợp tăng nhu cầu tình dục, hoạt động không muốn nghỉ ngơi, giảm khả năng chú ý.

Tuy vậy các triệu chứng này sẽ không gây quá nhiều cản trở đối với đời sống sinh hoạt hàng ngày, quá trình giao tiếp xã hội cũng như công việc, học tập của người bệnh.

  • Hưng cảm không có kèm triệu chứng loạn thần

Lúc này khí sắc sẽ gia tăng mạnh mẽ hơn, các triệu chứng biểu hiện sẽ không còn tương ứng với hoàn cảnh xã hội. Người bệnh có thể chuyển đổi từ trạng thái vui vẻ, thoải mái sang kích động, không thể kiểm soát tốt được cơ thể.

Khi năng lượng được gia tăng quá mức sẽ làm cho người bệnh xuất hiện một số triệu chứng bất thường như nói nhiều, nói nhanh liên tục, giảm nhu cầu ngủ, nghỉ ngơi, khó khăn trong việc tự kiềm chế bản thân, giảm sự tập trung, trí nhớ suy giảm, tự cao một cách thái quá.

Một vài trường hợp người bệnh còn quá khoa trương, lạc quan, khuếch đại vấn đề và có xu hướng thực hiện một số hành vi vượt qua thực tế, ví dụ như công kích, chi tiêu quá mức, si tình, đùa giỡn quá trớn, xen vào công việc hoặc đời sống riêng tư của người khác.

Thông thường, tình trạng hưng cảm không có kèm triệu chứng loạn thần sẽ kéo dài tối thiểu 1 tuần và làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, gián đoạn công việc và các hoạt động sinh hoạt hàng ngày của người bệnh.

  • Hưng cảm có triệu chứng loạn thần

Những đối tượng rối loạn khí sắc khi bước vào giai đoạn hưng cảm có triệu chứng loạn thần thường sẽ có những triệu chứng như tự cao, hoang tưởng, tôn giáo. Họ luôn cảm thấy nghi ngờ, cho rằng bản thân đang bị người khác theo dõi, đe dọa hoặc có ý đồ muốn hãm hại.

rối loạn khí sắc kèm loạn thần
Ở giai đoạn hưng cảm kèm theo loạn thần, người bệnh khó kiểm soát cảm xúc hành vi của mình

Ngoài ra, người bệnh còn thường xuyên cáu kỉnh, kích động, trở nên hung hăng, chống đối, không còn chú tâm nhiều đến bản thân, bỏ bê việc ăn uống, vệ sinh cá nhân. Tình trạng này sẽ làm gây ra những ảnh hưởng nặng nề đối với sức khỏe cũng như làm suy giảm nghiêm trọng về chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Nguyên nhân dẫn đến rối loạn khí sắc

Cũng tương tự như các chứng rối loạn tâm thần khác, rối loạn khí sắc hiện vẫn chưa thể xác định được chính xác về nguyên nhân gây ra bệnh. Một số nhà nghiên cứu cũng đã tìm hiểu và nhận thấy một số yếu tố nguy cơ như sau:

  • Yếu tố di truyền: Trong nhiều nghiên cứu khoa học nhận thấy rằng, ADN là một trong các yếu tố có liên quan đến những rối loạn tâm thần. Nếu trong gia đình có người thân như cha mẹ, ông bà, anh chị em ruột từng mắc phải chứng rối loạn khí sắc thì khả năng cao các thành viên khác cũng sẽ mắc bệnh.
  • Yếu tố môi trường: Tình trạng căng thẳng, stress kéo dài, hậu quả của những cuộc chấn thương tâm lý nặng nề có thể là nguyên nhân khiến nhiều người bị rối loạn khí sắc.
  • Các quá trình sinh hóa cơ thể: Tỉ lệ mắc bệnh sẽ tăng cao nhiều các chất hóa học bên trong não bộ bị thay đổi hoặc tác động nặng nề.

Cách điều trị rối loạn khí sắc

Sau khi chẩn đoán và biết được tình trạng bệnh của mỗi người thì các chuyên gia sẽ tiến hành đưa ra phương pháp điều trị. Mỗi loại rối loạn khí sắc sẽ có tính chất riêng biệt nên phác đồ điều trị của mỗi người cũng sẽ không giống nhau.

Hiện nay, quá trình điều trị rối loạn khí sắc sẽ sử dụng biện pháp hóa dược nhằm điều chỉnh và kiểm soát tốt các triệu chứng riêng lẻ của từng giai đoạn trầm cảm và hưng cảm. Cho đến nay vẫn chưa có thuốc dự phòng cho tình trạng rối loạn này.

Tùy thuộc vào tình trạng bệnh lý, mức độ nghiêm trọng của bệnh, trình độ chuyên môn của cơ sở, các trang thiết bị, điều kiện thuốc men mà các chuyên gia sẽ lựa chọn phương pháp điều trị thích hợp nhất. Trong thực tế, vẫn chưa có phác đồ điều trị cụ thể cho chứng rối loạn khí sắc.

Tuy nhiên, ở một mức độ nhất định các bác sĩ, chuyên gia vẫn có thể đưa ra biện pháp khắc phục hiệu quả cho từng người bệnh.

1. Điều trị bằng thuốc

thuốc chữa rối loạn khí sắc
Rối loạn khí sắc thường sẽ được chỉ định điều trị bằng phương pháp hóa dược.

Giai đoạn rối loạn trầm cảm

Trong giai đoạn trầm cảm, các chuyên gia sẽ xem xét và đánh giá về mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng để đưa ra đơn thuốc điều trị phù hợp nhất. Thông thường các loại thuốc chống trầm cảm 3 vòng, các chất ức chế tái hấp thu chọn lọc serotonin,  thuốc ức chế tái hấp thu Serotonin-norepinephrin sẽ được sử dụng nhiều trong trường hợp này.

Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ra các tác dụng phụ ngoài ý muốn. Do đó, người bệnh cần phải cẩn trọng và tuân thủ đúng theo chỉ định dùng thuốc của bác sĩ chuyên khoa. Quá trình sử dụng cũng cần được sự theo dõi và quan sát của chuyên gia để đảm bảo được sự an toàn.

Nếu trong thời gian uống uống nhận thấy có xuất hiện các biểu hiện bất thường thì cũng cần thông báo ngay cho bác sĩ để được hướng dẫn cách xử lý kịp thời.

Thông thường, quá trình điều trị rối loạn khí sắc giai đoạn trầm cảm bằng thuốc sẽ được thực hiện theo quy tắc tăng dần. Lúc đầu người bệnh sẽ được hướng dẫn dùng với liều lượng thấp, sau khi nhận thấy thuốc đạt hiệu quả và đáp ứng tốt với cơ thể thì sẽ được tăng liều để duy trì sử dụng trong thời gian nhất định.

Sau khi các triệu chứng trầm cảm được thuyên giảm đáng kể thì người bệnh vẫn sẽ phải sử dụng tiếp tục với liều lượng gia giảm hoặc cũng có trường hợp ngừng hẳn thuốc nhưng phải theo đúng chỉ định của chuyên gia.

Giai đoạn rối loạn hưng cảm

Người bệnh rối loạn khí sắc khi bước vào giai đoạn hưng cảm thường sẽ được hướng dẫn và chỉ định kiểm soát bằng một số loại thuốc bình thần hoặc thuốc an thần. Trong một vài tài liệu chuyên khoa cho biết thì các triệu chứng hưng cảm sẽ được kiểm soát tốt khi người bệnh sử dụng triphtazin (stelazin) 40 – 60mg/ngày hoặc aminazin  với liều 200 – 800mg/ngày (chia thành nhiều lần uống).

Ngoài ra, nếu người bệnh có xuất hiện các triệu chứng kích động dữ dội, hoang tưởng thì có thể được cân nhắc chỉ định dùng haloperidol 10-30mg/ ngày. Một số loại thuốc bình thần sẽ được kê đơn cho những bệnh nhân rối loạn thực vật nhằm kiểm soát tốt các triệu chứng nguy hiểm.

Một số lưu ý cần nhớ:

  • Khi các triệu chứng bệnh dần được thuyên giảm, người bệnh không nên tự ý ngừng thuốc đột ngột mà phải cắt giảm liều lượng theo hướng dẫn của bác sĩ để tránh tình trạng làm cho các triệu chứng hưng cảm tái phát với mức độ nghiêm trọng hơn.
  • Khi người bệnh xuất hiện đồng thời các triệu chứng trầm cảm và hưng cảm thì nên thông báo ngay với chuyên gia và cắt thuốc để phòng ngừa tình trạng chuyển giao giai đoạn giữa hai hội chứng.
  • Trong thời gian uống các loại thuốc chống loạn thần thì người bệnh cần phải tăng cường bổ sung nước, nâng đỡ thể trạng, vệ sinh răng miệng, cơ thể sạch sẽ, chống bội nhiễm hô hấp để phòng tránh tình trạng kiệt quệ về cả sức khỏe thể chất lẫn tinh thần.
  • Nên chú ý để ngăn chặn các hành vi gây tổn thương cho bản thân hoặc gây thương tích cho những người bên cạnh. Đồng thời, đề phòng tình trạng cưỡng dâm, loạn dâm do các cơn rối loạn hưng cảm gây ra.

2. Tâm lý trị liệu

Hiện nay, tâm lý trị liệu cũng là một trong các biện pháp hiệu quả hỗ trợ cải thiện cho người bệnh rối loạn khí sắc. Đây là liệu pháp sử dụng ngôn ngữ để trò chuyện và giao tiếp giữa chuyên gia tâm lý và người bệnh. Bằng những kỹ thuật chuyên môn của mình mà các nhà trị liệu có thể giúp người bệnh nhìn nhận được vấn đề của bản thân, tháo gỡ các nút thắt trong tâm trí để cân bằng cảm xúc, trạng thái tâm lý được ổn định hơn.

điều trị rối loạn khí sắc
Tâm lý trị liệu là phương pháp hiệu quả và an toàn có thể áp dụng tốt cho người bệnh rối loạn khí sắc

Hơn thế, các chuyên gia tâm lý còn giúp cho người bệnh biết rõ được nguyên nhân gốc rễ gây ra tình trạng thay đổi khí sắc đột ngột. Sau quá trình trị liệu người bệnh sẽ được phục hồi một cách tự nhiên và không để lại biến chứng về sau. Đồng thời, các chuyên gia còn hướng dẫn cho bệnh nhân cách kiểm soát và quản lý tốt cảm xúc của mình, nâng cao các kỹ năng cần thiết để đối mặt với những cản trở trong cuộc sống.

Tùy vào mức độ nghiêm trọng của bệnh và các yếu tố khác mà chuyên gia sẽ cân nhắc để lựa chọn phương pháp trị liệu phù hợp nhất. Thông thường đối với các trường hợp bị rối loạn khí sắc sẽ được gợi ý áp dụng liệu pháp cá nhân kết hợp cùng với liệu pháp nhóm, gia đình. Để quá trình trị liệu mang lại hiệu quả cao thì người bệnh cũng cần phải cởi mở, thoải mái chia sẻ và tin tưởng vào chuyên gia trị liệu cho mình. Sự nỗ lực và kiên trì của bệnh nhân cũng là yếu tố quyết định đến sự thành công của quá trình trị liệu.

3. Áp dụng liệu pháp sốc điện

Đối với một số trường hợp bệnh nghiêm trọng, người bệnh không đáp ứng tốt với các biện pháp điều trị như sử dụng thuốc, trị liệu tâm lý thì sẽ được cân nhắc tham khảo đến liệu pháp sốc điện. Thông thường, việc sử dụng sốc điện sẽ được ưu tiên cho các trường hợp rối loạn khí sắc đang ở trong giai đoạn hưng cảm với những biểu hiện nặng nề.

Tùy vào mức độ bệnh của mỗi người mà thời gian điều trị cũng sẽ có phần riêng biệt. Trung bình một quá trình sốc điện thường sẽ kéo dài từ 4 đến 6 lần, mỗi ngày có thể thực hiện 1 lần hoặc cách ngày 1 lần. Còn đối với những người bệnh rối loạn khí sắc giai đoạn trầm cảm thì sẽ được sốc điện nhằm cải thiện triệu chứng ảo giác, hoang tưởng, người bệnh từ chối việc ăn uống hoặc xuất hiện các hành vi tự tử.

4. Áp dụng các biện pháp khắc phục tại nhà

Ngoài việc áp dụng tốt các phương pháp điều trị nêu trên thì người bệnh rối loạn khí sắc còn được khuyến khích xây dựng lại lối sống theo hướng tích cực hơn để cơ thể phục hồi được sức khỏe một cách toàn diện nhất.

khắc phục rối loạn khí sắc tại nhà
Mỗi ngày 30 phút tập yoga sẽ giúp người bệnh rối loạn khí sắc thư giãn và ổn định tâm trí tốt hơn.

Một số biện pháp mà người bệnh cần kết hợp thực hiện tại nhà như:

  • Chú ý nâng cao chất lượng giấc ngủ là điều rất cần thiết đối với quá trình điều trị rối loạn khí sắc. Đối với người trưởng thành cần phải đảm bảo giấc ngủ đủ 7 đến 8 tiếng mỗi ngày, tốt nhất là nên rèn luyện thói quen ngủ trước 23 giờ. Nếu người bệnh cảm thấy khó ngủ, trằn trọc không thể ngủ được thì nên áp dụng các liệu pháp thư giãn như ngâm chân với nước ấm, sử dụng tinh dầu thơm, thiền định, uống trà thảo mộc,…
  • Thường xuyên tập thể dục, nâng cao sức khỏe thể chất bằng các bài tập thể thao. Tùy vào tình trạng sức khỏe của bản thân mà người bệnh có thể lựa chọn các môn thể thao phù hợp như yoga, đi bộ, chạy bộ, đạp xe đạp, bơi lội,…Mỗi ngày chỉ cần dành ra khoảng 30 phút để tập luyện cũng giúp tăng cường sức khỏe, thư giãn đầu óc, sảng khoái tinh thần.
  • Xây dựng lại thực đơn ăn uống, chú ý bổ sung nhiều thực phẩm có lợi cho sức khỏe thể chất lẫn não bộ. Các chuyên gia khuyên rằng người bệnh nên ăn nhiều rau xanh, các loại thịt cá tươi, các loại đậu, loại hạt,…Đồng thời hạn chế các món ăn cay nóng, đồ ăn đóng hộp chứa nhiều chất bảo quản.
  • Người bệnh rối loạn khí sắc tuyệt đối không được sử dụng rượu bia, các chất kích thích, chất gây nghiện,…
  • Sắp xếp công việc, học tập một cách hợp lý, tránh tình trạng căng thẳng, mệt mỏi quá sức. Nếu cảm thấy công việc gây nên nhiều áp lực thì nên dành thời gian để nghỉ ngơi, thư giãn và tham gia các hoạt động mới mẻ để cảm thấy thoải mái hơn.
  • Chủ động tìm kiếm sự hỗ trợ từ những người xung quanh. Nếu cảm thấy chán nản, mệt mỏi, kiệt sức thì bạn nên chia sẻ và tìm kiếm sự giúp đỡ từ người thân trong gia đình, bạn bè, đồng nghiệp. Tham gia vào các hoạt động, các nhóm cộng động cũng là cách để giải tỏa tâm trạng hiệu quả.

ads cao kim thắm chuyên gia tâm lý trị liệu
Rối loạn khí sắc là một chứng rối loạn tâm thần nghiêm trọng và dai dẳng, gây ảnh hưởng xấu đến cuộc sống của người bệnh. Ngay khi nhận thấy các triệu chứng của bệnh, hãy chủ động thăm khám và điều trị tại các cơ sở chuyên khoa để kiểm soát bệnh sớm nhất, tránh gặp phải hệ lụy khó lường.

Tham khảo thêm:

ArrayArray
5/5 - (1 bình chọn)
Array

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *