Rối loạn cảm xúc theo mùa là gì? Biểu hiện và cách phòng ngừa

Rate this post

Rối loạn cảm xúc theo mùa (Seasonal Affective Disorder – SAD) là tình trạng bệnh khởi phát định kỳ vào những thời điểm cụ thể trong năm (chủ yếu là mùa thu đông). Bệnh lý này có triệu chứng khá đa dạng nhưng chiếm chủ đạo vẫn là các biểu hiện trầm cảm. 

Rối loạn cảm xúc theo mùa là gì
Rối loạn cảm xúc theo mùa là gì?

Rối loạn cảm xúc theo mùa là gì?

Rối loạn cảm xúc theo mùa (Seasonal Affective Disorder/ SAD) còn được biết đến với tên gọi là bệnh trầm cảm theo mùa và trầm cảm mùa đông/ mùa hè. Thuật ngữ này đề cập đến tình trạng rối loạn cảm xúc (chủ yếu là trầm cảm) khởi phát định kỳ vào những thời điểm cụ thể trong năm (thường là mùa thu – đông). SAD chỉ được chẩn đoán khi tình trạng này diễn ra liên tục trong ít nhất 2 năm.

Các triệu chứng rối loạn cảm xúc có thể xảy ra đột ngột hoặc phát triển từ từ vào mùa thu – đông. Sau đó giảm nhẹ vào mùa xuân hè. Biểu hiện của bệnh có sự khác biệt rõ rệt theo mùa nên cơ chế bệnh sinh được xác định có liên quan đến yếu tố thời tiết.

Rối loạn cảm xúc theo mùa khởi phát vào giai đoạn thanh thiếu niên và đầu độ tuổi trưởng thành. Tương tự như các dạng rối loạn cảm xúc khác, SAD gặp nhiều hơn ở nữ giới (gấp 4 lần nam giới). Thống kê cho thấy, khoảng 10 triệu người ở Mỹ mắc phải chứng bệnh này. Ở nước ta, sự thay đổi thời tiết giữa mùa thu đông và xuân hè không quá rõ rệt nên tỷ lệ mắc bệnh tương đối thấp.

ads bùi thị hải yến chuyên gia tâm lý

Biểu hiện của hội chứng rối loạn cảm xúc theo mùa (SAD)

Các triệu chứng rối loạn cảm xúc theo mùa (SAD) thường khởi phát âm thầm hoặc đột ngột vào tháng 10 – 11 và giảm dần vào tháng 3 – 4 năm sau. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp ngược lại với triệu chứng nặng hơn vào mùa hè và giảm dần vào mùa thu – đông nhưng rất hiếm gặp.

hội chứng rối loạn cảm xúc theo mùa
Hội chứng rối loạn cảm xúc theo mùa gây ra cảm giác buồn bã, chán nản, uể oải và buồn ngủ quá mức vào mùa thu – đông

Các triệu chứng SAD vào mùa thu đông:

  • Luôn có cảm giác mệt mỏi, uể oải vào ban ngày
  • Khả năng tập trung giảm, hiệu quả học tập và lao động giảm sút đáng kể
  • Thường trực sự buồn bã quá mức nhưng không rõ nguyên do, chán nản, bi quan và tuyệt vọng
  • Cảm xúc thất thường, dễ cáu gắt và nổi nóng
  • Giảm hoặc mất hứng thú với các hoạt động xã hội, kể cả những sở thích trước đây
  • Luôn có cảm giác bản thân bất hạnh, tội lỗi, tự ti và lòng tự trọng thấp
  • Giảm ham muốn tình dục
  • Tăng cân do tăng cảm giác thèm ăn, đặc biệt là các món ăn chứa nhiều đường và tinh bột
  • Cơ thể uể oải và giảm các hoạt động thể chất
  • Gặp các vấn đề về giấc ngủ vào ban đêm dẫn đến buồn ngủ quá mức vào ban ngày
  • Có ý nghĩ và hành vi tự sát

Vào mùa hè, các triệu chứng rối loạn cảm xúc theo mùa có xu hướng thuyên giảm đáng kể:

  • Khó ngủ, mất ngủ
  • Giảm cân do ăn uống kém
  • Lo lắng, kích động
  • Luôn cảm thấy bồn chồn

Trong hầu hết các trường hợp, triệu chứng của rối loạn cảm xúc có thể xuất hiện trước với mức độ nhẹ. Khi chuyển sang mùa thu – đông, các triệu chứng sẽ khởi phát với tần suất và mức độ nghiêm trọng hơn. Ở những người bị rối loạn lưỡng cực, hưng cảm thường xảy ra trong mùa xuân – hè và trầm cảm xảy ra vào mùa thu – đông. Biểu hiện lâm sàng và mức độ của các triệu chứng có sự khác biệt rõ rệt ở từng bệnh nhân.

Nguyên nhân gây rối loạn cảm xúc theo mùa

Nguyên nhân gây rối loạn cảm xúc nói chung và rối loạn cảm xúc theo mùa nói riêng vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên như đã đề cập, vì bệnh khởi phát định kỳ theo mùa nên có thể khẳng định được vai trò của thời tiết trong cơ chế bệnh sinh. Ngoài ra các nghiên cứu đã được thực hiện cũng cho thấy vai trò của yếu tố di truyền, rối loạn chất dẫn truyền thần kinh, đặc điểm tính cách,… trong hình thành chứng rối loạn cảm xúc theo mùa.

hội chứng rối loạn cảm xúc theo mùa
Tăng sản xuất hormone melatonin quá mức là yếu tố kích thích hội chứng rối loạn cảm xúc theo mùa bùng phát

Các nguyên nhân, yếu tố có thể gây rối loạn cảm xúc theo mùa (SAD):

  • Rối loạn nhịp sinh học: Sự thay đổi đột ngột của thời tiết vào mùa thu – đông có thể gây rối loạn nhịp sinh học. Ngoài tác động đến chức năng của các cơ quan trong cơ thể, tình trạng này còn ảnh hưởng đến tâm trạng. Do đó, các triệu chứng rối loạn cảm xúc có thể tái phát định kỳ mỗi năm vào mùa thu và mùa đông (khoảng tháng 10 – 11).
  • Tăng hormone melatonin: Melatonin được tuyến tùng sản xuất vào buổi tối nhằm thư giãn cơ, giảm căng thẳng và tạo cảm giác buồn ngủ. Vào mùa thu – đông, thời gian chiếu sáng của mặt trời giảm dẫn đến hiện tượng tuyến tùng tăng sản xuất hormone này. Nồng độ melatonin tăng mạnh gây ra tình trạng buồn ngủ quá mức, uể oải, mệt mỏi và làm giảm thấp tâm trạng (thất vọng, chán nản, buồn bã, bi quan).
  • Giảm nồng độ serotonin: Vitamin D trong ánh nắng mặt trời là thành phần quan trọng trong sản sinh serotonin – chất dẫn truyền thần kinh có tác dụng giải tỏa căng thẳng, tạo cảm giác vui vẻ và lạc quan. Thời gian chiếu sáng của mặt trời giảm mạnh vào mùa thu – đông khiến khả năng tổng hợp vitamin D giảm, hậu quả là giảm serotonin và gia tăng cảm giác buồn chán, uể oải, bi quan.
  • Di truyền: Tương tự như các rối loạn tâm lý khác, rối loạn cảm xúc theo mùa (SAD) cũng có liên quan đến di truyền. Cụ thể, nguy cơ mắc bệnh tăng lên đáng kể nếu có người thân mắc chứng SAD, trầm cảm, hưng cảm, rối loạn lưỡng cực,… Ngoài ra, trẻ được sinh ra trong gia đình có người mắc chứng bệnh này cũng có thể học theo cảm xúc, phản ứng và cách nhìn nhận bi quan, tiêu cực. Khi có tổn thương tâm lý tác động, khả năng hình thành rối loạn cảm xúc theo mùa là rất cao.
  • Các yếu tố khác: Ngoài những nguyên nhân kể trên, rối loạn cảm xúc theo mùa (SAD) cũng có liên quan đến các yếu tố như ít hoạt động ngoài trời dẫn đến giảm tiếp xúc với ánh nắng, tính cách hướng nội, nhút nhát, hay lo âu, căng thẳng, sinh sống ở những khu vực xa đường xích đạo (những vị trí địa lý này có thời tiết mùa thu đông và mùa xuân hè khác nhau rõ rệt),…

Trên thực tế, chỉ có một vài cá thể phát triển hội chứng rối loạn cảm xúc theo mùa (SAD) trong một cộng đồng (tương đồng về khí hậu, cách ăn uống, văn hóa). Do đó ngoài yếu tố thời tiết, cơ chế bệnh sinh phải có sự tham gia của các yếu tố nội sinh. Theo các chuyên gia, SAD là kết quả của sự tương tác phức tạp giữa các tác nhân bên ngoài và bên trong cơ thể.

Rối loạn cảm xúc theo mùa có nguy hiểm không?

Rối loạn cảm xúc theo mùa (SAD) là một trong những chứng bệnh tâm thần phổ biến hiện nay. Tương tự như rối loạn cảm xúc thông thường, chứng bệnh này cũng có biểu hiện trầm cảm hoặc trầm cảm xen kẽ với hưng cảm. Do đó, triệu chứng cũng có thể trở nên nghiêm trọng hơn theo thời gian nếu không được thăm khám và điều trị sớm.

Trong đó, trầm cảm được quan tâm hơn so với các biểu hiện hưng cảm do ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống và tỷ lệ tự sát cao. Vào mùa thu – đông, bệnh nhân thường xuất hiện nỗi buồn sâu sắc và kéo dài không rõ nguyên do. Cảm giác buồn bã, chán nản, bi quan và mất hứng thú khiến người bệnh tự cô lập bản thân, kém tập trung khi học tập và làm việc.

Những rắc rối hằng ngày do chứng bệnh này gây ra khiến bệnh nhân ngày một buồn bã, cảm thấy bản thân yếu kém, thiếu tự tin và bi quan về tương lai. Vì không thể thoát khỏi những cảm xúc tiêu cực, nhiều bệnh nhân lựa chọn dùng rượu bia, chất gây nghiện và hút thuốc lá.

hội chứng rối loạn cảm xúc theo mùa
Rối loạn cảm xúc theo mùa không được điều trị có thể khiến bệnh nhân tự cô lập và cách ly với xã hội

Tuy nhiên, các hành vi này chỉ giúp bệnh nhân giảm buồn bã trong một thời gian ngắn. Với tác dụng ức chế hệ thần kinh trung ương, lạm dụng chất gây nghiện lâu dài còn gia tăng mức độ lo âu, muộn phiền, bi quan và chán nản. Hầu hết bệnh nhân SAD lựa chọn lối sống thiếu lành mạnh có nguy cơ phát triển đồng thời các chứng bệnh khác như rối loạn ăn uống, rối loạn lo âu,… Trường hợp nặng có thể dẫn đến ý nghĩ và hành vi tự sát.

Ngoài những ảnh hưởng đối với cuộc sống và sức khỏe tâm thần, rối loạn cảm xúc theo mùa còn gây ra nhiều vấn đề thể chất như rối loạn giấc ngủ, cao huyết áp, đau vai gáy, rối loạn tiêu hóa, các vấn đề sinh lý,… Bên cạnh đó, chứng bệnh này còn làm nghiêm trọng mức độ và gia tăng biến cố của các bệnh lý sẵn có.

Chẩn đoán rối loạn cảm xúc theo mùa

Rối loạn cảm xúc theo mùa (SAD) chỉ được chẩn đoán khi bệnh tái phát định kỳ vào thời điểm cụ thể trong ít nhất 2 năm liên tiếp. Chứng bệnh này sẽ được chẩn đoán thông qua tiêu chuẩn DSM-5. Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng cần thực hiện một số kỹ thuật cần thiết để loại trừ các nguyên nhân thực thể và các rối loạn tâm thần khác.

Các kỹ thuật chẩn đoán rối loạn cảm xúc theo mùa (SAD):

  • Khám sức khỏe tổng quát
  • Xét nghiệm công thức máu toàn bộ, xét nghiệm nồng độ hormone tuyến giáp
  • Đánh giá tâm lý
  • MRI, CT não bộ

Vì triệu chứng khởi phát vào thời điểm cụ thể trong năm nên bệnh lý này tương đối dễ chẩn đoán và ít bị nhầm lẫn với các bệnh tâm thần khác. Tuy nhiên đối với bệnh nhân mắc đồng thời các rối loạn tâm thần khác, bác sĩ thường phải thực hiện nhiều kỹ thuật để đưa ra chẩn đoán chính xác.

Các phương pháp điều trị rối loạn cảm xúc theo mùa (SAD)

Tương tự như rối loạn cảm xúc thông thường, SAD được điều trị bằng liệu pháp tâm lý và dùng thuốc. Ngoài ra, bệnh nhân cần áp dụng thêm liệu pháp ánh sáng và bổ sung vitamin D để cải thiện các triệu chứng do bệnh lý này gây ra.

Đa phần những trường hợp tích cực điều trị đều có đáp ứng tốt và nhanh chóng ổn định được cuộc sống. Tuy nhiên, bệnh lý này có khả năng tái phát cao và tỷ lệ chữa khỏi tương đối thấp. Do đó, điều trị cần được thực hiện lâu dài kết hợp với lối sống và biện pháp chăm sóc hợp lý.

1. Liệu pháp ánh sáng

Thời gian chiếu sáng của mặt trời giảm thấp vào mùa thu đông chính là yếu tố kích thích rối loạn cảm xúc bùng phát. Do đó, phương pháp chính trong điều trị SAD là liệu pháp ánh sáng. Liệu pháp này sử dụng ánh sáng nhân tạo có đặc tính sinh học tương tự như ánh nắng mặt trời để điều chỉnh hormone melatonin, tăng tổng hợp vitamin D và ổn định nồng độ serotonin trong não bộ.

Tùy theo mức độ triệu chứng, bệnh nhân cần chiếu sáng khoảng 30 – 60 phút mỗi ngày và phải duy trì trong suốt thời gian mùa thu – đông. Ánh sáng nhân tạo có thể gây hại cho mắt và da nên bệnh nhân cần dùng kính bảo hộ và thoa kem dưỡng ẩm lên một số vùng da nhạy cảm.

hội chứng rối loạn cảm xúc theo mùa
Liệu pháp ánh sáng mang lại cải thiện rõ rệt đối với hội chứng rối loạn cảm xúc theo mùa

Sau khoảng vài tuần, các triệu chứng rối loạn cảm xúc theo mùa sẽ giảm đi rõ rệt. Tuy nhiên, bệnh nhân vẫn cần duy trì liệu pháp này từ tháng 10 – tháng 4 năm sau để phòng ngừa tình trạng tái phát. Bên cạnh hiệu quả giảm triệu chứng của SAD, liệu pháp ánh sáng còn cải thiện tình trạng rối loạn nhịp sinh học vào mùa thu đông.

Liệu pháp ánh sáng mang lại cải thiện rõ rệt đối với chứng rối loạn cảm xúc theo mùa (SAD) nhưng ít tác dụng phụ và rủi ro thấp. Tác dụng ngoại ý thường gặp nhất là cháy nắng, kích ứng, da đen sạm, mỏi mắt và nhức đầu nhẹ. Tuy nhiên, tình trạng này sẽ nhanh chóng thuyên giảm sau khi ngưng trị liệu vài ngày.

Tuy nhiên, liệu pháp ánh sáng không được thực hiện cho một số đối tượng sau:

  • Rối loạn lưỡng cực (do nguy cơ khởi phát cơn hưng cảm nặng)
  • Rối loạn chuyển hóa porphyrin
  • Đang sử dụng thuốc hoặc các loại thảo dược gia tăng mức độ nhạy cảm với ánh sáng
  • Mắc các bệnh da liễu, mắt,… cần tránh tiếp xúc với ánh nắng.

Nhìn chung, liệu pháp ánh sáng là phương pháp hiệu quả trong điều trị rối loạn cảm xúc theo mùa (SAD). Do đó, chỉ trừ những trường hợp chống chỉ định tuyệt đối, bệnh nhân dùng thuốc tăng nhạy cảm với ánh sáng sẽ được thay thế thuốc để có thể áp dụng phương pháp này.

2. Sử dụng thuốc

Trong một số trường hợp, liệu pháp ánh sáng có thể không cải thiện hoàn toàn triệu chứng của SAD. Lúc này, bệnh nhân cần dùng phối hợp với thuốc để giảm cảm xúc tiêu cực và cải thiện các triệu chứng thể chất.

Tương tự như các rối loạn cảm xúc khác, lựa chọn ưu tiên khi điều trị bằng thuốc cho bệnh nhân SAD là thuốc chống trầm cảm – đặc biệt là chất ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRIs). Nhóm thuốc này có tác dụng giảm cảm xúc buồn bã, chán nản, uể oải, bi quan và căng thẳng quá mức. Tuy nhiên, SSRIs mang lại hiệu quả khá chậm nên cần phải sử dụng trong thời gian dài.

Ngoài ra, bệnh nhân rối loạn cảm xúc SAD cũng có thể sử dụng viên uống chứa vitamin D tổng hợp nhằm tăng nồng độ serotonin. Qua đó cải thiện phần nào các biểu hiện trầm cảm. Viên uống vitamin D tổng hợp thường được dùng cho các trường hợp chống chỉ định với liệu pháp ánh sáng và những bệnh nhân có đáp ứng kém.

3. Tâm lý trị liệu

Ngoài dùng thuốc và áp dụng liệu pháp ánh sáng, bệnh nhân rối loạn trầm cảm theo mùa (SAD) cũng cần phải trị liệu tâm lý. Đây là phương pháp dài hạn giúp bệnh nhân kiểm soát cảm xúc và hạn chế tình trạng tái phát bệnh.

Liệu pháp tâm lý sử dụng giao tiếp bằng ngôn ngữ và phi ngôn ngữ để người bệnh bộc lộc suy nghĩ, cảm xúc, cách nhìn nhận và suy nghĩ. Thông qua liệu pháp này, nhà trị liệu sẽ đánh giá chi tiết sức khỏe tâm thần của từng bệnh nhân để lên kế hoạch điều trị lâu dài và phù hợp.

hội chứng rối loạn cảm xúc theo mùa
Trị liệu tâm lý giúp bệnh nhân kiểm soát, cân bằng cảm xúc và loại bỏ sự bi quan, tiêu cực trong cách nhìn nhận

Trong liệu pháp tâm lý, bác sĩ sẽ giúp bệnh nhân kiểm soát các cảm xúc tiêu cực, biết cách cân bằng tâm trạng, thay đổi cách nhìn nhận bi quan về tương lai và ngưng mặc cảm tội lỗi. Ngoài ra, liệu pháp này cũng góp phần điều chỉnh hành vi và giúp bệnh nhân xây dựng lối sống, thói quen lành mạnh hơn.

Sau khi cảm xúc của bệnh nhân đã ổn định, nhà trị liệu sẽ trang bị cho người bệnh những kỹ năng cần thiết để quản lý căng thẳng, giảm lo âu và dễ dàng hòa nhập với cộng đồng. Những bệnh nhân có tính cách nhút nhát, giao tiếp kém sẽ được rèn luyện khả năng giao tiếp và kỹ năng sống để chủ động hơn trong cuộc sống.

Điều trị rối loạn cảm xúc theo mùa bằng liệu pháp tâm lý cần thực hiện lâu dài và phác đồ được cá thể hóa tùy theo tình trạng cụ thể của từng bệnh nhân. Ngoài trị liệu cá nhân, chuyên gia có thể cho bệnh nhân trị liệu theo nhóm và gia đình để tăng tính cởi mở, dễ dàng hòa nhập và tự tin hơn trong cuộc sống.

ads cao kim thắm chuyên gia tâm lý trị liệu

Chăm sóc, phòng ngừa rối loạn cảm xúc theo mùa (SAD) tái phát

Rối loạn cảm xúc theo mùa (SAD) gây ra nhiều ảnh hưởng đối với sức khỏe và cuộc sống. Vì luôn thường trực nỗi buồn, sự chán nản, mặc cảm tội lỗi và bi quan nên bệnh nhân thường bị căng thẳng thần kinh và lo âu quá mức. Do đó ngoài các phương pháp chuyên sâu, bệnh nhân nên xây dựng lối sống lành mạnh để kiểm soát cảm xúc, nâng cao sức khỏe và hỗ trợ ngăn ngừa bệnh tái phát.

hội chứng rối loạn cảm xúc theo mùa
Bệnh nhân nên tận dụng ánh sáng tự nhiên để cải thiện các triệu chứng của SAD

Cách xây dựng lối sống cho bệnh nhân rối loạn cảm xúc theo mùa (SAD) bao gồm:

  • Trang bị những liệu pháp thư giãn để giảm căng thẳng và lo âu như thái cực quyền, yoga, ngồi thiền, âm nhạc trị liệu,…
  • Thay vì dành thời gian để suy nghĩ về những sự kiện trong quá khứ và chìm đắm trong nỗi buồn, bệnh nhân nên thực hiện các hoạt động lành mạnh như dọn dẹp nhà cửa, đọc sách, chăm sóc cây cối, chơi đùa với thú cưng, du lịch,… Các hoạt động này vừa góp phần xây dựng lối sống khoa học vừa giúp giải tỏa tâm trạng và mang đến nguồn năng lượng tích cực.
  • Cần xây dựng thực đơn ăn uống hợp lý với nhiều rau xanh, trái cây, thực phẩm giàu vitamin D, axit béo không no, khoáng chất,… Giảm lượng đường và chất béo bão hòa trong chế độ dinh dưỡng. Ngoài ra, bệnh nhân cần tránh dùng rượu bia và đồ uống chứa cồn.
  • Vào mùa thu đông, nên tận dụng ánh sáng tự nhiên bằng cách tham gia các hoạt động ngoài trời, cắt tỉa cây cối quanh nhà, mở rèm và cửa sổ. Tăng thời gian tiếp xúc với ánh nắng sẽ giúp cải thiện các triệu chứng rối loạn cảm xúc theo mùa (SAD) đáng kể.
  • Nâng cao sức khỏe thể chất và tâm thần bằng cách tập thể dục thường xuyên. Các bộ môn có cường độ nhẹ như yoga, đi bộ, đạp xe, bơi lội, cầu lông,… có thể giảm đau nhức cơ thể, thúc đẩy tiêu hóa, giảm căng thẳng, đau đầu và cải thiện giấc ngủ. Ngoài ra, hoạt động thể chất còn giúp giải tỏa lo âu và mang đến cảm giác thoải mái, lạc quan hơn.
  • Nếu cảm thấy buồn bã sâu sắc, nên trò chuyện với người thân/ bạn bè hoặc chơi đùa với thú cưng thay vì sử dụng rượu bia và chất gây nghiện. Bệnh nhân cũng nên tham gia các câu lạc bộ để phát triển thế mạnh của bản thân, từ đó gia tăng sự tự tin và loại bỏ dần mặc cảm tội lỗi về những sự kiện đã xảy ra trong quá khứ.

Rối loạn cảm xúc theo mùa (SAD) là chứng bệnh rối loạn tâm lý khá đặc biệt với triệu chứng thay đổi vào từng thời điểm trong năm. Mặc dù tỷ lệ chữa dứt điểm không nhiều nhưng nếu tích cực điều trị và có lối sống lành mạnh, bệnh nhân hoàn toàn có thể duy trì cuộc sống và học tập, làm việc một cách bình thường.

Tham khảo thêm:

ArrayArray
Rate this post
Array

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *