Rối loạn khiếm khuyết cơ thể (mặc cảm ngoại hình) là gì?

5/5 - (7 bình chọn)

Rối loạn khiếm khuyết cơ thể (mặc cảm ngoại hình) là một dạng rối loạn tâm thần mà bản thân người bệnh quá chú ý về một hoặc nhiều khuyết điểm trên cơ thể. Nỗi ám ảnh về ngoại hình khiến người bệnh né tránh một số tình huống xã hội và dành nhiều thời gian để chăm chút bản thân.

Rối loạn khiếm khuyết cơ thể
Rối loạn khiếm khuyết cơ thể (Body dysmorphic disorder) là chứng bệnh tâm thần ít gặp

Rối loạn khiếm khuyết cơ thể là gì?

Rối loạn khiếm khuyết cơ thể (Body dysmorphic disorder – BDD) còn được gọi là mặc cảm ngoại hình hoặc hội chứng “sợ xấu”. Thuật ngữ này đề cập đến một dạng rối loạn tâm thần mà người bệnh quá chú ý và lo lắng về một hoặc nhiều khuyết điểm của ngoại hình – ngay cả khi khuyết điểm này rất nhỏ và người khác cũng khó có thể nhận thấy.

Sự lo lắng và ám ảnh về khuyết điểm của ngoại hình khiến bệnh nhân né tránh nhiều tình huống xã hội. Ngoài ra, sự ám ảnh quá mức về ngoại hình cũng khiến bệnh nhân chăm chút nhiều cho bản thân, thường xuyên soi gương, chải chuốt,…

Đối với những khuyết điểm không thể tự cải thiện, không ít bệnh nhân lựa chọn phẫu thuật thẩm mỹ để bản thân trở nên hoàn hảo hơn. Điều này có thể giúp bệnh nhân tạm thời hài lòng với ngoại hình và giảm bớt sự lo lắng, chú ý về khuyết điểm trên cơ thể. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn, bệnh nhân lại nhận ra các khuyết điểm khác và tiếp tục xuất hiện tâm lý lo lắng, xấu hổ vì tin rằng bản thân có ngoại hình xấu, dị dạng.

Tương tự như các rối loạn tâm thần khác, rối loạn khiếm khuyết cơ thể làm suy giảm chức năng xã hội, ảnh hưởng đến các mối quan hệ cá nhân, gây gián đoạn việc học và công việc. Thậm chí, một số bệnh nhân có thể xấu hổ quá mức về khuyết điểm trên cơ thể và có xu hướng tự cách ly, cô lập bản thân với xã hội. Theo số liệu thống kê, khoảng 1 – 2% dân số ở Mỹ mắc chứng bệnh này với tỷ lệ ngang nhau ở nam và nữ giới. Theo phân loại ICD 10, rối loạn khiếm khuyết cơ thể là một trong những dạng lâm sàng của rối loạn dạng cơ thể.

ads bùi thị hải yến chuyên gia tâm lý

Biểu hiện của rối loạn khiếm khuyết cơ thể (mặc cảm ngoại hình)

Rối loạn khiếm khuyết cơ thể đặc trưng bởi tình trạng chú ý, lo âu và ám ảnh quá mức về khuyết điểm trên cơ thể dù khuyết điểm này không quá nghiêm trọng. Tùy theo mức độ ám ảnh, bệnh nhân có thể có một số biểu hiện như sau:

Rối loạn khiếm khuyết cơ thể
Người mắc chứng rối loạn khiếm khuyết cơ thể dành nhiều thời gian để soi gương và chăm chút ngoại hình
  • Quan tâm và chú ý quá mức đến khuyết điểm của cơ thể, ngay cả khi khuyết điểm này rất nhỏ và những người xung quanh gần như không hề nhận thấy.
  • Suy nghĩ về khuyết điểm của bản thân mỗi ngày
  • Thường xuyên soi gương để kiểm tra khiếm khuyết. Ngược lại, một số bệnh nhân sợ phải soi gương và có xu hướng sờ, chạm vào khuyết điểm.
  • Luôn cho rằng bản thân trở nên xấu xí hoặc thậm chí là dị dạng do những khiếm khuyết về ngoại hình.
  • Luôn có suy nghĩ người khác sẽ chú ý đến ngoại hình của bản thân với thái độ tiêu cực và sẽ chế ngạo, cười cợt nếu nhận thấy bản thân có nhiều khuyết điểm về ngoại hình.
  • Vì quá chú ý và suy nghĩ về khiếm khuyết của bản thân nên người bệnh có xu hướng thực hiện những hành vi sửa chữa và che giấu khuyết điểm như chải chuốt, soi gương, trang điểm đậm, lựa chọn trang phục kín,…
  • Không ngừng so sánh bản thân với những người xung quanh
  • Thường xuyên đặt câu hỏi về ngoại hình của bản thân với bạn bè, người thân để được trấn an.
  • Cầu toàn về ngoại hình và dành nhiều thời gian để chăm sóc bản thân.
  • Một số người có thể can thiệp các phương pháp thẩm mỹ để khắc phục khuyết điểm. Sau khi thẩm mỹ, người bệnh sẽ có cảm giác hài lòng và thỏa mãn. Tuy nhiên, bệnh nhân sẽ nhanh chóng trở lại trạng thái lo lắng khi cố gắng tìm kiếm các khuyết điểm trên cơ thể – mặc dù chỉ là những khuyết điểm rất nhỏ.
  • Vì luôn lo lắng, xấu hổ với khuyết điểm về ngoại hình nên bệnh nhân có thể né tránh các tình huống xã hội. Thậm chí, một số trường hợp nặng có thể tự cách ly với cộng đồng vì luôn cho rằng bản thân là người xấu xí và dị dạng.
  • Nghiêm khắc với bản thân khi tập thể dục và ăn kiêng.

Người mắc chứng mặc cảm ngoại hình thường bận tâm, lo lắng quá mức về khuyết điểm trên cơ thể. Tình trạng này dẫn đến nhiều hành vi không cần thiết (chải chuốt quá mức, soi gương thường xuyên,…) gây mất nhiều thời gian và ảnh hưởng không nhỏ đến việc học, công việc, các mối quan hệ xã hội và nhiều vấn đề khác trong cuộc sống.

Rối loạn khiếm khuyết cơ thể
Các khuyết điểm trên khuôn mặt là vị trí bệnh nhân mắc chứng mặc cảm ngoại hình chú ý đến nhiều nhất

Theo thống kê, người mắc chứng rối loạn khiếm khuyết cơ thể thường tập trung về khuyết điểm ở những cơ quan như:

  • Khuôn mặt (mụn trứng cá, nếp nhăn, sẹo, màu da, mũi, mắt,…)
  • Tóc (tóc rụng từng mảng, màu tóc, hói đầu,…)
  • Kích thước ngực
  • Kích thước của cơ
  • Các vấn đề của da như dày sừng nang lông, giãn tĩnh mạch,…
  • Các khuyết điểm ở cơ quan sinh dục

Biểu hiện của rối loạn khiếm khuyết cơ thể rất đa dạng. Trong đó, có một số ít trường hợp nhận thấy sự vô lý về nỗi ám ảnh quá mức của bản thân nhưng không thể nào kiểm soát. Những trường hợp này thường có đáp ứng tốt khi điều trị hơn là những người có niềm tin tuyệt đối về suy nghĩ và nhận thức của bản thân.

Nguyên nhân gây mặc cảm ngoại hình

Mặc cảm ngoại hình chủ yếu khởi phát trong giai đoạn thanh thiếu niên và đầu độ tuổi trưởng thành (độ tuổi trung bình rơi vào khoảng 16 – 17 tuổi). Đây là giai đoạn mà bản thân mỗi người bắt đầu chú ý hơn đến ngoại hình và nhạy cảm với những lời đánh giá của những người xung quanh.

Hiện nay, nguyên nhân chính xác gây ra chứng mặc cảm ngoại hình vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên qua nhiều nghiên cứu, các chuyên gia nhận thấy, bệnh lý này là hệ quả do nhiều yếu tố kết hợp. Dù chưa xác định được nguyên nhân nhưng rối loạn khiếm khuyết cơ thể được xác định có liên quan đến những yếu tố sau:

  • Mất cân bằng các chất dẫn truyền trong não bộ dẫn đến sự quá lo lắng quá mức về những khuyết điểm trên cơ thể.
  • Mắc các bệnh tâm lý khác như rối loạn lo âu và trầm cảm
  • Tuổi thơ phải trải qua những sự kiện sang chấn như bị bỏ rơi, bị tẩy chay, bị sỉ nhục,… đặc biệt là những sự kiện có liên quan đến khiếm khuyết của ngoại hình.
  • Trẻ nhỏ thường xuyên bị cha mẹ và những người xung quanh nói về khuyết điểm của bản thân cũng có nguy cơ bị rối loạn khiếm khuyết cơ thể khi trưởng thành.
  • Sinh sống trong xã hội quá coi trọng ngoại hình.
  • Người có tính cách cầu toàn dễ mắc chứng bệnh này hơn do luôn hướng đến sự hoàn hảo, bao gồm cả ngoại hình của bản thân.
  • Gia đình có người mắc chứng mặc cảm ngoại hình hoặc trẻ sinh sống với người mắc chứng bệnh này (ngay cả khi không cùng huyết thống).

Rối loạn khiếm khuyết cơ thể có ảnh hưởng gì không?

Trên thực tế, đôi khi chúng ta có thể không hài lòng về một số điểm trên khuôn mặt và cơ thể như mũi, màu tóc, màu da, dáng người,… Tuy nhiên, việc không hài lòng với ngoại hình khác hoàn toàn với chứng rối loạn khiếm khuyết cơ thể. Người mắc chứng bệnh này thường quá ám ảnh và lo lắng về khuyết điểm của ngoại hình, mặc dù những khuyết điểm này rất nhỏ và không đáng kể như mụn, vết thâm, nếp nhăn, tóc mỏng.

Sự ám ảnh quá mức về khuyết điểm trên cơ thể khiến bệnh nhân rơi vào trạng thái lo âu, đau khổ và né tránh nhiều tình huống xã hội vì cho rằng người khác sẽ chế nhạo và cười cợt về ngoại hình của bản thân. Để sửa chữa khuyết điểm, bệnh nhân dành nhiều thời gian chăm sóc da, tập thể dục, ăn kiêng, chải chuốt quá mức,… Những hành vi này lặp đi lặp lại gây hao tốn thời gian và ảnh hưởng đáng kể đến hiệu suất lao động, học tập.

Các nghiên cứu cho thấy, đa phần bệnh nhân mắc chứng mặc cảm ngoại hình đều có các bệnh tâm thần kết hợp như rối loạn lo âu (chủ yếu là rối loạn ám ảnh sợ xã hội, rối loạn ám ảnh cưỡng chế) và trầm cảm. Trong đó, 76% trường hợp trầm cảm có biểu hiện mặc cảm ngoại hình. Ngoài ra, vì ám ảnh quá mức về hình thể, một số người có thể mắc chứng ăn ói hoặc chán ăn tâm thần.

Rối loạn khiếm khuyết cơ thể
Bệnh nhân có thể phải đối mặt với nhiều vấn đề sức khỏe do nghiện phẫu thuật thẩm mỹ, ăn kiêng và tập thể dục quá độ

Những trường hợp rối loạn khiếm khuyết cơ thể kết hợp với các bệnh tâm thần khác có thể hình thành suy nghĩ, hành vi tự sát nếu không được thăm khám và điều trị sớm. Ngoài ra, không ít bệnh nhân sử dụng rượu bia và chất gây nghiện để giải tỏa tâm trạng lo lắng, sợ hãi và ám ảnh quá mức.

Bên cạnh những ảnh hưởng trên, người bị rối loạn khiếm khuyết cơ thể còn phải đối mặt với những vấn đề sức khỏe do ăn kiêng nghiêm ngặt, tập thể dục quá mức và can thiệp phẫu thuật thẩm mỹ nhiều lần. Chính vì vậy, việc thăm khám và điều trị sớm chứng bệnh này là vô cùng cần thiết.

Chẩn đoán rối loạn khiếm khuyết cơ thể

Rối loạn khiếm khuyết cơ thể có biểu hiện tương đối đa dạng. Để chẩn đoán chứng bệnh này, bác sĩ sẽ tiến hành khám lâm sàng, khai thác tiền sử bệnh lý của cá nhân, gia đình và đánh giá tâm lý chuyên sâu. Sau khi đã thực hiện các kỹ thuật chẩn đoán, bác sĩ sẽ dựa vào tiêu chuẩn DSM-5 để đưa ra chẩn đoán xác định.

Rối loạn khiếm khuyết cơ thể thường đi kèm với nhiều rối loạn tâm lý khác. Do đó, quá trình chẩn đoán thường gặp nhiều khó khăn hơn do các triệu chứng chồng chéo lên nhau. Các kỹ thuật chẩn đoán được thực hiện không chỉ giúp bác sĩ xác định được vấn đề bệnh nhân gặp phải mà còn đánh giá được mức độ của hội chứng này. Qua đó lên kế hoạch điều trị phù hợp với tình trạng sức khỏe và độ tuổi của bệnh nhân.

Các phương pháp điều trị rối loạn khiếm khuyết cơ thể

Rối loạn khiếm khuyết cơ thể được điều trị chủ yếu thông qua tâm lý trị liệu. Ngoài ra, một số trường hợp đi kèm với biểu hiện lo âu và căng thẳng quá mức có thể phải kết hợp với sử dụng thuốc.

1. Tâm lý trị liệu

Tâm lý trị liệu là phương pháp chính trong điều trị rối loạn khiếm khuyết cơ thể. Trong đó, liệu pháp nhận thức – hành vi là phương pháp được áp dụng phổ biến nhất. Phương pháp này giúp bệnh nhân nhận thức được cảm xúc, hành vi đều do ý thức chi phối. Qua đó dần thay đổi suy nghĩ tiêu cực của bản thân để thoát khỏi cảm giác đau khổ, buồn bã và lo lắng về khuyết điểm của ngoại hình.

mặc cảm ngoại hình
Tâm lý trị liệu là phương pháp chính trong điều trị chứng mặc cảm ngoại hình

Ngoài ra, chuyên gia cũng sẽ hướng dẫn một số cách để bệnh nhân có thể kiểm soát hành vi soi gương và chải chuốt quá mức. Đồng thời trang bị những kỹ năng cần thiết nhằm hạn chế sự né tránh với các tình huống xã hội.

Sự lo lắng, ám ảnh quá mức do rối loạn khiếm khuyết cơ thể gây ra có thể khiến người bệnh rơi vào trạng thái căng thẳng và phiền muộn. Chính vì vậy, bệnh nhân cũng sẽ được hướng dẫn những kỹ năng để giải tỏa stress và căng thẳng trong cuộc sống. Bên cạnh trị liệu cá nhân, bác sĩ có thể chỉ định liệu pháp gia đình để người thân hiểu hơn về suy nghĩ của bệnh nhân. Qua đó giúp người bệnh vượt qua những ám ảnh và lo lắng về khuyết điểm của ngoại hình.

2. Sử dụng thuốc

Hiện tại, không có bất cứ loại thuốc nào được cho là có hiệu quả trong điều trị rối loạn khiếm khuyết cơ thể. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân có biểu hiện căng thẳng và lo âu quá mức, bác sĩ có thể chỉ định dùng một số loại thuốc như:

mặc cảm ngoại hình
Thuốc có thể được sử dụng để cải thiện tình trạng lo âu, phiền muộn và căng thẳng ở bệnh nhân mắc chứng mặc cảm ngoại hình
  • Thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRIs): SSRI là loại thuốc được sử dụng phổ biến cho bệnh nhân bị rối loạn khiếm khuyết cơ thể. Nhóm thuốc này có tác dụng tăng serotonin trong não bộ, từ đó cải thiện tình trạng buồn chán, căng thẳng, lo âu quá mức do sự ám ảnh về khiếm khuyết cơ thể. Khi sử dụng SSRIs, các hành vi và cảm xúc tiêu cực ở bệnh nhân sẽ thuyên giảm rõ rệt.
  • Các loại thuốc khác: Ngoài thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc, bác sĩ cũng có thể chỉ định dùng thêm một số loại thuốc khác tùy theo triệu chứng mà bệnh nhân gặp phải.

Rối loạn khiếm khuyết cơ thể làm tăng nguy cơ tự sát và có các hành vi tự hủy hoại. Chính vì vậy, bệnh nhân cũng có thể phải nhập viện để được theo dõi và điều trị chặt chẽ.

3. Các biện pháp hỗ trợ

Rối loạn khiếm khuyết cơ thể gây ra rất nhiều ảnh hưởng đối với các khía cạnh của cuộc sống. Về cơ bản, trị liệu tâm lý có thể giúp bệnh nhân chế ngự cảm xúc và hành vi tiêu cực. Tuy nhiên để quản lý bệnh thành công, bệnh nhân cũng cần thực hiện thêm một số biện pháp hỗ trợ:

  • Chủ động tìm hiểu về chứng bệnh mà bản thân gặp phải. Điều này sẽ giúp bệnh nhân hiểu hơn về suy nghĩ, cảm xúc, hành vi của bản thân và đặc biệt nhận thức rõ ảnh hưởng của chứng bệnh này. Từ đó thôi thúc bệnh nhân đến trị liệu đều đặn và nỗ lực để vượt qua nỗi ám ảnh của bản thân.
  • Thực hiện một số biện pháp thư giãn để giải tỏa những cảm xúc tiêu cực như thiền định, liệu pháp mùi hương, tập thể dục thường xuyên, tắm nước ấm, đọc sách, viết nhật ký,…
  • Tuyệt đối không sử dụng thuốc lá, rượu bia và chất gây nghiện.
  • Nên dành thời gian tham gia các câu lạc bộ lành mạnh để nâng cao kỹ năng sống và học cách tự tin hơn về ngoại hình. Để được thấu hiểu và đồng cảm, bệnh nhân nên lựa chọn các câu lạc bộ dành riêng cho người mắc chứng mặc cảm ngoại hình.
  • Học cách chia sẻ nỗi lo lắng, phiền muộn của bản thân với những người xung quanh. Khi nhận được sự đồng cảm và thấu hiểu, những cảm xúc tiêu cực sẽ dần được cải thiện.

Hiện nay, điều trị các rối loạn tâm lý nói chung và rối loạn khiếm khuyết cơ thể nói riêng vẫn còn khá nhiều khó khăn và hạn chế. Do đó, các biện pháp chăm sóc và tự cải thiện tại nhà có vai trò vô cùng quan trọng.

Rối loạn khiếm khuyết cơ thể có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau bao gồm cả các yếu tố nội sinh. Vì vậy, việc phòng ngừa hoàn toàn bệnh lý này gần như là không thể. Tuy nhiên, cha mẹ có thể giảm nguy cơ mắc bệnh ở trẻ bằng cách giáo dục đúng cách và xây dựng cho trẻ môi trường sống lành mạnh.

ads cao kim thắm chuyên gia tâm lý trị liệu
Rối loạn khiếm khuyết cơ thể (mặc cảm ngoại hình) gây ra những ảnh hưởng đáng kể đối với sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Nếu nghi ngờ mắc chứng bệnh này, người bệnh cần chủ động thăm khám và nỗ lực trong quá trình điều trị. Bên cạnh đó, có thể nhờ sự trợ giúp của những người xung quanh để có thể vượt qua chứng bệnh này một cách dễ dàng hơn.

Tham khảo thêm:

ArrayArray
5/5 - (7 bình chọn)
Array

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *