Các loại bệnh tâm lý và hội chứng thường gặp ở người

Theo thông tin từ Bộ Y tế, Việt Nam có đến 14 triệu người mắc bệnh tâm lý (bệnh rối loạn sức khỏe tâm thần). Các loại bệnh tâm lý và các hội chứng tâm lý được biết đến phổ biến nhất là rối loạn lo âu, trầm cảm, rối loạn cảm xúc lưỡng cực, rối loạn tâm thần liên quan đến sử dụng chất, rối loạn giấc ngủ – thức…

Bệnh tâm lý là gì?

Bệnh tâm lý (Psychological Disorder) là tập hợp các vấn đề liên quan đến các rối loạn về hành vi, cảm xúc, nhận thức của con người. Gây ra sự đau khổ hoặc suy giảm vai trò chức năng trong các khía cạnh cuộc sống như công việc, hoạt động xã hội, gia đình…

Có rất nhiều loại bệnh tâm lý thường gặp, trong đó phổ biến nhất là rối loạn lo âu và trầm cảm
Có rất nhiều loại bệnh tâm lý thường gặp, trong đó phổ biến nhất là rối loạn lo âu và trầm cảm

Bệnh tâm lý còn được gọi là rối loạn tâm thần. Tuy nhiên, thuật ngữ rối loạn tâm thần được sử dụng phổ biến và có tính bao quát hơn. Theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO, năm 2019 thế giới có hơn 970 triệu người đang sống chung với một loại rối loạn tâm thần. Trong đó, phổ biến nhất là trầm cảm và rối loạn lo âu.

Tại Việt Nam, tỷ lệ người mắc rối loạn tâm lý là 14.9%, với hơn 15 triệu người mắc bệnh. Trong đó, trầm cảm và rối loạn lo âu chiếm tới 5 – 6% dân số. Tỷ lệ trẻ em mắc rối loạn tâm lý là 12%, tương đương với hơn 3 triệu trẻ em mắc bệnh.

Các loại bệnh tâm lý thường gặp

Sổ tay chẩn đoán và thống kê các rối loạn tâm thần DSM-5 liệt kê hàng trăm tình trạng rối loạn tâm lý riêng biệt. Trong đó, phổ biến nhất là 10 loại dưới đây:

1. Rối loạn lo âu

Rối loạn lo âu là tình trạng cơ thể xuất hiện cảm giác lo lắng, sợ hãi quá mức, kéo dài và ngày càng có xu hướng tồi tệ theo thời gian. Rối loạn lo âu là bệnh tâm lý phổ biến nhất hiện nay. Theo thống kê của WHO, năm 2019, thế giới có 301 triệu người mắc rối loạn lo âu, trong đó có 58 triệu trẻ em.

Loại rối loạn tâm lý này có nhiều loại khác nhau, bao gồm:

  • Rối loạn lo âu tổng quát (GAD): Cảm giác lo âu, sợ hãi, lo lắng quá mức, thường xuyên dai dẳng về những thứ xảy ra hàng ngày trong cuộc sống.
  • Rối loạn hoảng sợ: Thường xuyên có các cơn hoảng sợ xuất hiện đột ngột, mất kiểm soát ngay cả khi không có mối nguy hiểm hoặc tác nhân rõ ràng. Gây ra các triệu chứng như tim đập nhanh, đau ngực, run rẩy, đổ mồ hôi, cảm giác mất kiểm soát.
  • Rối loạn lo âu xã hội: Nỗi lo lắng, sợ hãi dai dẳng, mãnh liệt về việc bị theo dõi, phán xét. Triệu chứng thường gặp gồm đỏ mặt, tim đập nhanh, khó khăn giao tiếp, sợ bị đánh giá, run rẩy, đổ mồ hôi…
  • Rối loạn liên quan đến chứng sợ hãi: Nỗi sợ hãi mãnh liệt hoặc ác cảm với các đối tượng hoặc tình huống cụ thể. Gồm các loại như ám ảnh sợ hãi cụ thể, sợ không gian rộng, rối loạn phân ly chia tay…

2. Trầm cảm – bệnh tâm lý thường gặp

Trầm cảm đứng thứ 2 trong danh sách các loại bệnh tâm lý thường gặp ở người. Thống kê của WHO cho thấy rằng, năm 2019, thế giới có 280 triệu người mắc trầm cảm, trong đó có 23 triệu trẻ em.

Tỷ lệ mắc 10 bệnh tâm lý phổ biến nhất ở Việt Nam là 14.2%, trong đó trầm cảm chiếm 2.45%
Tỷ lệ mắc 10 bệnh tâm lý phổ biến nhất ở Việt Nam là 14.2%, trong đó trầm cảm chiếm 2.45%

Trầm cảm là một rối loạn tâm lý đặc trưng với cảm giác buồn bã, chán nản kéo dài. Kèm theo các triệu chứng như mất năng lượng, mất hứng thú, mất ngủ hoặc ngủ nhiều, chán ăn hoặc ăn nhiều, có hành vi tự tử hoặc suy nghĩ tự hại.

Cũng giống như rối loạn lo âu, trầm cảm được chia làm nhiều loại gồm:

  • Trầm cảm nặng
  • Rối loạn trầm cảm dai dẳng
  • Rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt
  • Trầm cảm theo mùa
  • Trầm cảm sau sinh
  • Rối loạn mất điều hòa tâm trạng…

3. Rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD)

Rối loạn căng thẳng sau chấn thương hay rối loạn căng thẳng sau sang chấn là tình trạng sang chấn tâm lý. Xảy ra sau chấn thương, tai nạn hoặc sau một sự kiện kinh hoàng đe dọa đến tính mạng như thảm họa thiên tai, bạo lực, lạm dụng tình dục, chiến tranh…

Tỷ lệ mắc rối loạn căng thẳng sau chấn thương chiếm 5 – 10% người từng trải qua qua các sự kiện kinh hoàng. Các triệu chứng của PTSD gồm:

  • Hồi tưởng: Gặp ác mộng, thường tưởng tượng lại sự kiện
  • Tránh né: Tránh xa các tình huống, địa điểm hoặc người liên quan đến sự kiện
  • Thay đổi cảm xúc và nhận thức: Thường xuyên buồn bã, chán nản, cảm thấy xấu hổ, tội lỗi, suy nghĩ tiêu cực về bản thân hoặc thế giới
  • Tăng cường phản ứng: Dễ bị kích thích, khó ngủ, luôn trong trạng thái phòng thủ…

4. Rối loạn lưỡng cực

Rối loạn lưỡng cực cũng là một trong các bệnh tâm lý thường gặp ở người. Thống kê năm 2019 của WHO cho thấy, có 40 triệu người mắc loạn bệnh tâm lý này. Đây là một rối loạn sức khỏe tâm thần nghiêm trọng cần được điều trị, do người mắc bệnh thường có nguy cơ tự tử cao.

Rối loạn lưỡng cực gây ra 2 thái cực cảm xúc đan xen bao gồm một cơn trầm cảm và một cơn hưng cảm. Trong cơn trầm cảm, người bệnh hầu như lúc nào cũng có cảm giác chán nản, buồn bã, mất niềm vui, mất hứng thú, diễn ra gần như mỗi ngày.

Trong cơn hưng cảm, người bệnh lại có cảm giác hưng phấn, nhiều năng lượng, hoạt động không ngừng. Có các triệu chứng như nói nhiều, suy nghĩ nhanh, giảm nhu cầu ngủ. Đặc biệt, họ thường dễ cáu kỉnh và có hành vi liều lĩnh bốc đồng.

5. Tâm thần phân liệt

Tâm thần phân liệt là một rối loạn sức khỏe tâm thần nghiêm trọng, phá vỡ cách hoạt động của não bộ, ảnh hưởng đến suy nghĩ, hành vi, giác quan và trí nhớ. Theo WHO, tâm thần phân liệt ảnh hưởng đến 24 triệu người trên thế giới, tỷ lệ mắc bệnh là 0.32%.

Tâm thần phân liệt xảy ra phổ biến ở nam hơn là nữ
Tâm thần phân liệt xảy ra phổ biến ở nam hơn là nữ

Bệnh thường khởi phát vào cuối tuổi vị thành niên, phổ biến ở nam giới hơn là nữ giới. Người mắc tâm thần phân liệt có các triệu chứng như:

  • Ảo tưởng, có niềm tin cố định rằng điều gì đó là đúng trái ngược với bằng chứng thực tế
  • Có ảo giác dai dẳng, nghe/ngửi/nhìn thấy những thứ không có trong thực tế
  • Suy nghĩ thiếu tổ chức, lời nói lộn xộn, hành vi kỳ lạ, không phù hợp với lẽ thường
  • Chậm chạp trong chuyển động hoặc kích động quá mức
  • Gặp khó khăn về tư duy, nhận thức, giảm khả năng tập trung chú ý, khả năng kiểm soát vấn đề.

6. Rối loạn phát triển thần kinh

Rối loạn phát triển thần kinh là một rối loạn sức khỏe tâm thần ảnh hưởng đến sự phát triển thần kinh và làm thay đổi cách não hoạt động. Loại rối loạn này gây ra các vấn đề về tâm lý, hành vi, khả năng giao tiếp, khả năng học tập, trí nhớ, ngôn ngữ và kỹ năng.

Các loại rối loạn phát triển thần kinh thường gặp gồm:

  • Rối loạn phổ tự kỷ (ASD)
  • Tăng động giảm chú ý (ADHD)
  • Rối loạn hành vi
  • Chậm phát triển trí tuệ
  • Rối loạn học tập
  • Bại não…

7. Rối loạn giấc ngủ – thức

Rối loạn giấc ngủ – thức cũng là một trong các bệnh tâm lý thường gặp. Xảy ra khi các vấn đề liên quan đến chất lượng, thời lượng và thời gian ngủ liên quan tâm lý, gây ra tình trạng đau khổ và làm suy giảm chức năng vào ban ngày. Rối loạn giấc ngủ – thức hay xuất hiện cùng các bệnh tâm lý khác như trầm cảm, rối loạn lo âu.

Một số loại rối loạn giấc ngủ – thức thường gặp:

  • Bệnh ngủ rũ
  • Rối loạn mất ngủ
  • Buồn ngủ quá mức
  • Rối loạn giấc ngủ Parasomnia (mộng du, nói mơ, ác mộng…)

8. Rối loạn ăn uống

Rối loạn ăn uống là một căn bệnh gây ra các rối loạn nghiêm trọng trong hành vi ăn uống, kèm theo những cảm xúc đau khổ dai dẳng. Liên quan đến sự bận tâm quá mức về cân nặng, thức ăn và hình dáng cơ thể. Có 5% dân số thế giới gặp phải tình trạng này, phổ biến nhất là phụ nữ từ 12 đến 35 tuổi.

Có đến 5% dân số mắc rối loạn ăn uống và thường xảy ra ở nữ giới
Có đến 5% dân số mắc rối loạn ăn uống và thường xảy ra ở nữ giới

Các loại rối loạn ăn uống:

  • Chán ăn tâm thần (Anorexia Nervosa)
  • Chứng cuồng ăn (Bulimia Nervosa)
  • Rối loạn ăn uống vô độ (Binge Eating Disorder)
  • Rối loạn ăn uống hạn chế/tránh né (ARFID)
  • Chứng ăn bậy Pica
  • Rối loạn nhai lại (Rumination Disorder)

Ngoài ra, theo DSM-5, khi một người có hành vi rối loạn ăn uống nhưng không đáp ứng tiêu chuẩn chẩn đoán các rối loạn như chứng cuồng ăn, chán ăn tâm thần… Sẽ được chẩn đoán là SFED (Specified Feeding and Eating Disorder) – rối loạn ăn uống và ăn uống cụ thể.

9. Rối loạn ám ảnh cưỡng chế OCD

Rối loạn ám ảnh cưỡng chế là một rối loạn sức khỏe tâm thần với các suy nghĩ ám ảnh và hành vi cưỡng chế gây đau khổ cho cuộc sống. OCD gây ra cảm giác lo lắng, khó chịu, đau khổ cho người bệnh nên đây là một trong những bệnh tâm lý thường gặp.

Trước đây OCD nằm trong nhóm rối loạn lo âu. Tuy nhiên, trong phiên bản mới nhất của DSM-5, OCD được chuyển sang một nhóm rối loạn riêng. Triệu chứng đặc trưng của OCD là nỗi ám ảnh nghiêm trọng gây đau khổ lo lắng và các hành vi cưỡng chế, bắt buộc phải thực hiện để giải tỏa lo lắng.

Các rối loạn nằm trong nhóm rối loạn ám ảnh cưỡng chế:

  • Rối loạn ám ảnh cưỡng chế OCD
  • Rối loạn tích trữ
  • Rối loạn cào xước da
  • Rối loạn lo âu về cơ thể
  • Rối loạn nhổ tóc (Trichotillomania)

10. Rối loạn sử dụng chất gây nghiện

Rối loạn sử dụng chất gây nghiện và rối loạn nghiện là loại rối loạn liên quan đến việc sử dụng sai các chất như methamphetamine, cocaine, rượu, chất gây nghiện. Gây ra các vấn đề như ngộ độc, loạn thần, lo âu, mê sảng…

Các loại rối loạn liên quan đến sử dụng chất bao gồm:

  • Rối loạn sử dụng chất kích thích
  • Rối loạn sử dụng thuốc lá
  • Rối loạn liên quan đến rượu
  • Rối loạn liên quan đến cần sa

11. Rối loạn nhân cách

Rối loạn nhân cách (Personality Disorder) là một nhóm các bệnh tâm lý đặc trưng bởi suy nghĩ, hành vi, cảm xúc không linh hoạt, không thích nghi kéo dài. Gây tổn hại nghiêm trọng đến các mối quan hệ và các lĩnh vực khác trong cuộc sống.

Các loại rối loạn nhân cách gồm:

  • Rối loạn nhân cách chống đối xã hội
  • Rối loạn nhân cách kịch tính
  • Rối loạn nhân cách ái kỷ
  • Rối loạn nhân cách hoang tưởng
  • Rối loạn nhân cách phân liệt
  • Rối loạn nhân cách phụ thuộc…

Các hội chứng tâm lý thường gặp ở người

Hội chứng tâm lý là tập hợp các triệu chứng xảy ra đồng thời, do nhiều nguyên nhân khác nhau, chưa đáp ứng các tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh cụ thể. Hội chứng tâm lý thường không có nguyên nhân y học rõ ràng nhưng có thể gây ra nhiều vấn đề cho sức khỏe tâm thần của cá nhân.

Các hội chứng tâm lý gây đau khổ và ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống
Các hội chứng tâm lý gây đau khổ và ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống

Các hội chứng tâm lý thường gặp:

  • Hội chứng Stockholm: Là hội chứng kỳ lạ mà con tin, người bị bạo hành phát triển sự đồng cảm, đối xử tốt với người bắt cóc, đối xử tệ hại với họ.
  • Hội chứng tự ngược đãi bản thân: Là một hôi chứng tâm lý khiến một người có các hành vi gây thương tổn, hủy hoại cơ thể để giải tỏa cảm xúc tiêu cực.
  • Hội chứng sợ không gian hẹp: Là nỗi sợ hãi vô lý, tột đột gây ra phản ứng quá mức với các không gian hẹp.
  • Hội chứng sợ bị bỏ lỡ (FOMO): Hội chứng gây ra nỗi lo lắng, sợ hãi, bất an rằng bản thân sẽ bỏ lỡ, đánh mất một thứ gì đó. Sợ hãi người khác sẽ đạt được thứ gì đó còn bản thân mình sẽ bỏ lỡ.
  • Hội chứng Baby Blues: Là một rối loạn tâm lý phổ biến ở phụ nữ sau sinh, có 80% phụ nữ sau sinh mắc hội chứng này.
  • Hội chứng trầm cảm cười: Là một rối loạn sức khỏe tâm thần mà cá nhân sử dụng nụ cười, sự lạc quan để che giấu cảm xúc buồn bã chán nản trong tâm trí.
  • Hội chứng Todd: Còn gọi là hội chứng Alice ở xứ sở thần tiên, là hội chứng mà cá nhân có những nhận thức sai lệch về thế giới hiện thực, bao gồm về thời gian, không gian và kích thước.
  • Hội chứng sợ lỗ: Nỗi sợ hãi, ám ảnh khi nhìn thấy các vật thể có nhiều lỗ tròn ở gần nhau.
  • Hội chứng sợ kim tiêm: Là nỗi sợ hãi tột độ, nghiêm trọng với các thủ thuật y tế liên quan đến kim tiêm, đinh ghim, vật sắc nhọn.
  • Hội chứng Peter Pan: Một rối loạn tâm lý mà người trưởng thành không muốn hoặc từ chối chấp nhận trách nhiệm, vai trò của người lớn.
  • Hội chứng Savant: Hội chứng thiên tài, khiến cho một người có khả năng đặc biệt trong một số lĩnh vực nhưng lại bị hạn chế ở các kỹ năng khác.
  • Các hội chứng tâm lý khác: Hội chứng ám ảnh cân nặng, hội chứng sợ rắn, hội chứng sợ sấm sét, hội chứng sợ máu, hội chứng ăn tóc, hội chứng sợ đám đông, hội chứng sợ bẩn, hội chứng sợ bóng tối, hội chứng nghiện nhổ tóc…

Tâm lý là một lĩnh vực rộng và phức tạp, có rất nhiều loại bệnh tâm lý và hội chứng tâm lý được phát hiện. Các loại bệnh tâm lý thường dễ bị bỏ qua và che giấu, do định kiến và nhận thức sai lầm của xã hội về khái niệm bệnh tâm thần. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, bệnh tâm lý cũng là bệnh, cần được khám và điều trị càng sớm càng tốt.

Tham khảo thêm:

Nguồn tham khảo:

  • WHO, Mental Disoders, https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/mental-disorders
  • https://www.verywellmind.com/a-list-of-psychological-disorders-2794776
  • https://www.lifeadjustmentteam.com/10-types-of-mental-health-disorders/
Rate this post

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *