Mặc cảm ngoại hình (Hội chứng sợ xấu) – Cách vượt qua

Mặc cảm ngoại hình (hội chứng sợ xấu) là vấn đề tâm lý nghiêm trọng ảnh hưởng đến khoảng 0.7 – 2.4% dân số thế giới. Nếu không sớm có sự quan tâm đúng cách thì tình trạng này có thể gây ra nhiều hệ lụy nguy hiểm, bao gồm cả tự tử.

mặc cảm về ngoại hình
Làm sao để thoát khỏi chứng mặc cảm về ngoại hình?

Mặc cảm về ngoại hình là gì?

Mặc cảm ngoại hình (hội chứng sợ xấu – BDD) là một rối loạn tâm thần đặc trưng bởi sự ám ảnh về những khuyết điểm dù rất nhỏ trên cơ thể của mình. Hoặc đôi khi họ tự tưởng tưởng ra các khiếm khuyết thực tế không tồn tại. Nỗi ám ảnh này có thể gây cản trở học tập, công việc, gia đình và cuộc sống xã hội.

Trên thực tế, mặc cảm ngoại hình là một rối loạn mãn tính có thể ảnh hưởng tới mọi người ở bất kỳ giới tính nào. Nó thường bắt đầu từ những năm thiếu niên hay đầu tuổi trưởng thành. Số liệu thống kê ghi nhận, hội chứng sợ xấu ảnh hưởng tới khoảng 0.7 – 2.4% dân số thế giới. Tại Hoa Kỳ, ước tính có khoảng 5 – 10 triệu người mắc phải hội chứng này.

Các khuyết điểm phổ biến nhất mà người mắc hội chứng sợ xấu quan tâm bao gồm:

  • Các khuyết điểm trên da: Ví dụ như nếp nhăn, sẹo, mụn, nám da, da chảy sệ…
  • Tóc: Có thể bao gồm tóc bết dính, gãy rụng, ngứa da đầu, gàu…
  • Đặc điểm khuôn mặt: Thường liên quan đến mũi nhưng cũng có thể là hình dạng và kích thước của bất cứ bộ phận nào trên khuôn mặt.
  • Trọng lượng của cơ thể: Thường là sự ám ảnh về cân nặng hay độ săn chắc của cơ bắp.
  • Yếu tố khác: Kích thước dương vật, vú, cơ, đùi, mông hay sự hiện diện của một số mùi cơ thể.

Người bị mặc cảm ngoại hình có thể mắc một số rối loạn khác. Điển hình như rối loạn ăn uống, trầm cảm, rối loạn lo âu hay rối loạn ám ảnh cưỡng chế.

Hội chứng sợ xấu có một số đặc điểm giống với rối loạn ăn uống là đều lo lắng về hình ảnh cơ thể. Sự khác biệt là người bị rối loạn ăn uống thường tập trung vào cân nặng và hình dáng cơ thể. Trong khi đó, người mắc hội chứng sợ xấu lại lo lắng về một bộ phận cụ thể trên cơ thể.

hội chứng sợ xấu là gì
Người mắc hội chứng sợ xấu thường bận tâm đến những khiếm khuyết cụ thể trên cơ thể

Các chuyên gia cho biết, mặc cảm ngoại hình có thể liên quan tới chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD). Người bị OCD có những suy nghĩ khó chịu mà bản thân họ không thể kiểm soát. Những suy nghĩ này thường dẫn tới nhu cầu thực hiện các hành động hay thói quen nhất định.

Còn người mắc hội chứng sợ xấu lại thường bận tâm tới khuyết điểm cơ thể đến mức mà họ bắt đầu thực hiện các hoạt động mang tính nghi lễ. Họ có thể soi gương hay soi da mọi lúc. Nỗi ám ảnh này gây ra rất nhiều phiền toái đến cuộc sống xã hội, gia đình và công việc của họ.

ads chuyên gia tâm lý bùi thị hải yến tư vấn ngay

Dấu hiệu nhận biết hội chứng sợ xấu

Những người bị mặc cảm ngoại hình thường có cái nhìn không chính xác về bản thân. Điều này sẽ khiến họ né tránh người khác hay dẫn tới các hành vi có hại. Điển hình như phải phẫu thuật nhiều lần nhằm khắc phục những vấn đề mà họ nghĩ rằng họ mắc phải.

Một số dấu hiệu cảnh báo một người có thể bị hội chứng sợ xấu bao gồm:

  • Mối bận tâm về một hay nhiều khiếm khuyết về ngoại hình nhưng người khác không thể nhìn thấy hoặc không bận tâm.
  • Thực hiện các hành vi lặp đi lặp lại tốn thời gian. Ví dụ như soi gương, soi da hay cố gắng che đậy khuyết điểm bằng cách trang điểm, tạo kiểu tóc và quần áo.
  • Thường xuyên yêu cầu sự trấn an rằng khuyết điểm không được nhìn thấy hoặc không quá rõ ràng.
  • Gặp vấn đề ở nơi làm việc, trường học hay trong các mối quan hệ vì người đó không thể ngừng tập trung vào các khiếm khuyết.
  • Cảm thấy tự ti và không muốn ra ngoài, đến nơi công cộng. Đồng thời cảm thấy lo lắng khi có người lạ xung quanh.
  • Liên tục tham khảo ý kiến của các chuyên gia y tế. Thường là bác sĩ da liễu hoặc bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ để tìm cách cải thiện ngoại hình.
  • Có xu hướng cầu toàn, không ngừng so sánh ngoại hình của bản thân với những người khác.
dấu hiệu nhận biết mặc cảm về ngoại hình
Người mắc chứng mặc cảm về ngoại hình có xu hướng soi gương thường xuyên

Nhận thức về chứng mặc cảm ngoại hình rất đa dạng. Bạn có thể nhận ra rằng niềm tin của bản thân về những khiếm khuyết là quá mức. Tin rằng chúng luôn hiện hữu và đúng là sự thật dù người khác có thể không nhìn thấy. Niềm tin tuyệt đối về sự tồn tại của các khuyết điểm trên cơ thể sẽ càng khiến cho bạn gặp nhiều khó khăn và chướng ngại trong cuộc sống.

Nguyên nhân gây mặc cảm về ngoại hình

Cho đến nay, các nhà nghiên cứu vẫn chưa xác định được nguyên nhân cụ thể gây ra hội chứng sợ xấu. Tương tự như nhiều tình trạng sức khỏe tâm khác, mặc cảm về ngoại hình có thể là kết quả của sự kết hợp nhiều vấn đề khác nhau. Điển hình như tiền sử gia đình mắc chứng rối loạn, những đánh giá hay trải nghiệm tiêu cực về hình ảnh bản thân hay những bất thường trong não.

Số liệu thống kê cho thấy, hội chứng sợ xấu thường bắt nguồn từ tuổi thanh thiếu niên và ảnh hưởng tới cả nam và nữ giới. Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ phát triển hay gây ra hội chứng sợ xấu bao gồm:

  • Có họ hàng cùng huyết thống mắc chứng mặc cảm về ngoại hình hay rối loạn ám ảnh cưỡng chế.
  • Trải nghiệm cuộc sống tiêu cực, chẳng hạn như bị bỏ rơi, trêu chọc hay lạm dụng ở thời thơ ấu.
  • Một số đặc điểm tính cách, ví dụ như quá cầu toàn, chủ nghĩa hoàn hảo.
  • Áp lực xã hội hay kỳ vọng về cái đẹp ngoại hình.
  • Có một tình trạng sức khỏe tâm thần khác, chẳng hạn như trầm cảm hay lo lắng.

Mặc cảm về ngoại hình có ảnh hưởng gì?

Mặc cảm về ngoại hình ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý và gây ra nhiều phiền toái cho cuộc sống. Hội chứng sợ xấu kéo dài sẽ khiến cho bạn cảm thấy hoảng loạn thực sự.

Đối với những trường hợp nhẹ, người bệnh có thể chỉ tốn thời gian vào việc soi gương nhằm tìm kiếm các khiếm khuyết của bản thân hay né tránh hoàn toàn các bề mặt phản chiếu như kính, nước… Tuy nhiên về lâu dài, hội chứng sợ xấu sẽ khiến bạn mất tự tin, ngại giao tiếp. Thậm chí là tự cách ly bản thân với xã hội.

Trong các trường hợp nghiêm trọng, người bệnh có thể tự cào cấu hay tự lột da bản thân nhằm cố gắng cải thiện sự xấu tới tuyệt vọng của mình. Có người lại liên tục tìm đến phẫu thuật thẩm mỹ để cải thiện nhan sắc của bản thân. Một số trường hợp còn bị trầm cảm nặng dẫn tới tự tử.

hội chứng sợ xấu có nguy hiểm không
Hội chứng sợ xấu không được quan tâm có thể dẫn tới trầm cảm nặng

Có thể thấy rằng, hội chứng sợ xấu hoàn toàn có khả năng hủy hoại cuộc sống của một con người. Chung quy lại, các biến chứng mà người bệnh gặp phải thường bao gồm:

  •  Trầm cảm nặng hay cái rối loạn tâm thần khác
  • Suy nghĩ hoặc có hành vi tự sát
  • Rối loạn lo âu, bao gồm cả ám ảnh sợ xã hội
  • Chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế
  • Rối loạn ăn uống
  • Hành vi lạm dụng
  • Đau đớn về thể chất hay nguy cơ biến dạng do can thiệp phẫu thuật thẩm mỹ lặp đi lặp lại

Làm sao để chẩn đoán hội chứng sợ xấu?

Mặc cảm về ngoại hình thường khó chẩn đoán do đa số người bệnh đều cảm thấy xấu hổ và không muốn chia sẻ triệu chứng của họ. Họ thường không nói với bác sĩ tâm lý về cảm giác và triệu chứng của mình. Nhiều trường hợp, hội chứng sợ xấu có thể không được chú ý và không nhận được chẩn đoán trong nhiều năm.

Sau khi đánh giá y tế để loại trừ các tình trạng sức khỏe khác thì bác sĩ có thể giới thiệu người bệnh đến chuyên gia sức khỏe tâm thần để đánh giá thêm. Chẩn đoán hội chứng cơ thể thường dựa trên:

  • Đánh giá tâm lý và các yếu tố nguy cơ. Bao gồm suy nghĩ, cảm xúc và các hành vi tiêu cực liên quan đến hình ảnh bản thân.
  • Tiền sử cá nhân, gia đình, xã hội và y tế.
  • Các triệu chứng được liệt kê trong DSM-5.

Cách điều trị chứng mặc cảm về ngoại hình

Điều trị hội chứng sợ xấu thường bao gồm sự kết hợp của nhiều phương pháp để nhận được kết quả tốt nhất. Có thể là liệu pháp hành vi nhận thức, thuốc và các biện pháp chăm sóc tại nhà. Cụ thể như sau:

1. Liệu pháp nhận thức hành vi

Liệu pháp nhận thức hành vi (CBT) có thể giúp bạn kiểm soát các triệu chứng mặc cảm về ngoại hình bằng cách thay đổi suy nghĩ và hành vi của bạn. Nó sẽ giúp bạn tìm hiểu xem những gì gây ra triệu chứng. Đồng thời dạy bạn những cách khác nhau để suy nghĩ và đối phó với các nguyên nhân ấy.

điều trị chứng mặc cảm về ngoại hình
Liệu pháp nhận thức hành vi (CBT) được áp dụng phổ biến trong điều trị hội chứng sợ xấu

CBT cho chứng mặc cảm về ngoại hình thường tập trung vào:

  • Giúp bạn học cách phản ứng cảm xúc và hành vi duy trì các vấn đề theo thời gian.
  • Thách thức những suy nghĩ tiêu cực tự động về hình ảnh cơ thể của bạn. Đồng thời học cách suy nghĩ tích cực và linh hoạt hơn.
  • Học cách thay thế để xử lý những thúc giục hay nghi thức nhằm giúp giảm thiểu việc soi gương hay tìm kiếm sự trấn an.
  • Dạy cho bạn các hành vi khác nhằm cải thiện sức khỏe tâm thần. Đồng thời giúp giải quyết vấn đề né tránh xã hội.

Bác sĩ trị liệu thường sẽ trao đổi với bạn về mục đích trị liệu. Sau đó phát triển một kế hoạch điều trị được cá nhân hóa nhằm học hỏi để củng cố các kỹ năng đối phó. Sự tham gia của các thành viên trong gia đình vào quá trình điều trị là rất quan trọng. Đặc biệt là đối với trẻ em và thanh thiếu niên.

ads chuyên gia tâm lý cao kim thắm

2. Thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI)

Hiện nay vẫn chưa có loại thuốc nào được FDA phê duyệt cụ thể cho việc điều trị chứng mặc cảm về ngoại hình. Tuy nhiên, việc dùng thuốc có thể được chỉ định nhằm làm giảm các tình trạng sức khỏe tâm thần có liên quan. Chẳng hạn như chứng trầm cảm hay rối loạn ám ảnh cưỡng chế.

Thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI) hiện đang được sử dụng phổ biến nhất. Do hội chứng sợ xấu được cho là một phần của các vấn đề liên quan tới hóa chất serotonin trong não gây ra. Loại thuốc này sẽ giúp kiểm soát những suy nghĩ tiêu cực và hành vi lặp đi lặp lại.

Có rất nhiều loại thuốc ức chế tái hấp thu serotonin khác nhau. Tuy nhiên, fluoxetine là được sử dụng phổ biến nhất để điều trị hội chứng sợ xấu. Có thể phải mất đến 12 tuần để các thuốc SSRI phát huy tác dụng.

Trường hợp thuốc phát huy tác dụng tốt thì bạn có thể yêu cầu tiếp tục sử dụng chúng trong vài tháng nhằm cải thiện tốt hơn triệu chứng và ngăn chúng quay trở lại. Bạn có thể gặp phải một số tác dụng phụ khi dùng SSRI nhưng chúng thường sẽ hết trong vài tuần.

Bác sĩ sẽ theo dõi sát sao quá trình sử dụng thuốc của bạn trong vài tuần đầu tiên. Điều quan trọng là bạn cần cho họ biết nếu cảm thấy lo lắng, xúc động hay đang có ý định tự làm hại bản thân.

thuốc chữa hội chứng sợ xấu
Một số loại thuốc có thể được dùng để cải thiện triệu chứng liên quan đến mặc cảm về ngoại hình

Sau đó, nếu bạn không có các triệu chứng trong vòng 6 – 12 tháng thì bác sĩ sẽ chỉ định ngừng sử dụng SSRI. Điều này sẽ được thực hiện bằng cách giảm liều từ từ theo thời gian để tránh tác dụng phụ và đảm bảo triệu chứng không quay trở lại.

Những người dưới 30 tuổi cần được theo dõi cẩn thận khi điều trị mặc cảm về ngoại hình bằng thuốc SSRI. Bởi họ có nguy cơ cao nảy sinh ý định tự tử hay cố gắng làm tổn thương bản thân ở giai đoạn đầu điều trị.

Trẻ em và thanh thiếu niên chỉ được cung cấp SSRI nếu họ có các triệu chứng nghiêm trọng của hội chứng sợ xấu. Thuốc chỉ được đề nghị khi họ đã gặp bác sĩ tâm lý và được cung cấp liệu pháp cụ thể.

3. Các biện pháp hỗ trợ tại nhà

Mặc cảm về ngoại hình cần được điều trị theo chỉ dẫn từ chuyên gia sức khỏe tâm thần. Tuy nhiên, bạn có thể hỗ trợ kế hoạch điều trị của mình với một số biện pháp tại nhà.

Các biện pháp được đề cập có thể bao gồm:

  • Bám sát kế hoạch điều trị: Tuyệt đối không được bỏ qua các buổi trị liệu. Ngay cả khi bạn không muốn đi thì vẫn phải cố gắng có mặt. Trường hợp thấy bản thân đã khỏe hơn thì hãy tiếp tục dùng thuốc. Nếu bạn ngừng thuốc, các triệu chứng hoàn toàn có thể quay trở lại. Ngoài ra bạn còn có thể gặp phải các triệu chứng tương tự như cai nghiện khi dừng thuốc quá đột ngột.
  • Tìm hiểu về hội chứng sợ xấu của bạn: Tìm kiếm các thông tin về tình trạng rối loạn mà bạn đang gặp phải sẽ tiếp thêm sức mạnh cho bạn. Đồng thời thúc đẩy bạn kiên trì hơn với kế hoạch điều trị của mình.
  • Chú ý đến các dấu hiệu cảnh báo: Làm việc với bác sĩ để tìm hiểu những nguyên nhân gì có thể gây ra các triệu chứng của bạn. Đồng thời lập kế hoạch để bạn biết nên làm gì nếu triệu chứng quay trở lại. Liên hệ với bác sĩ nếu bạn nhận thấy bất cứ thay đổi nào trong các triệu chứng hay cảm xúc của bạn.
  • Thực hành các kỹ năng đã học: Tại nhà, bạn hãy thường xuyên thực hành các kỹ năng mà bản thân học được trong quá trình điều trị. Điều này sẽ giúp chúng dễ dàng trở thành thói quen của bạn hơn.
  • Tránh rượu và chất kích thích: Rượu bia và chất kích thích có thể làm nghiêm trọng thêm các triệu chứng mặc cảm về ngoại hình. Hơn nữa còn tương tác với thuốc điều trị và gây ra nhiều rủi ro cho sức khỏe.
  • Hoạt động thể chất: Tập thể dục có thể giúp kiểm soát nhiều triệu chứng như căng thẳng, lo lắng và trầm cảm. Bạn có thể đi bộ, chạy bộ, bơi lộ hay tham gia các hoạt động thể chất khác mà bản thân yêu thích. Tuy nhiên cần tránh tập luyện quá sức như một cách để sửa chữa khuyết điểm.
thoát khỏi ám ảnh về ngoại hình
Có thể ngồi thiền để thư giãn tinh thần và làm giảm căng thẳng thần kinh

Ngoài ra, bạn có thể thực hiện thêm một số mẹo khác để đối phó với hội chứng sợ xấu như:

  • Viết cảm xúc để bạn xác định rõ hơn những cảm xúc, suy nghĩ và hành vi tiêu cực.
  • Cố gắng tham gia các hoạt động xã hội, thường xuyên gặp gỡ người thân và bạn bè. Những người này có thể đóng vai trò như người hỗ trợ giúp bạn tốt lên.
  • Chú ý ngủ đủ giấc, ăn uống khoa học và vận động cơ thể phù hợp.
  • Kết nối với những người khác cũng đang phải đối mặt với những thử thách tương tự như bạn.
  • Tập trung vào mục tiêu của bạn và duy trì động lực để đạt được nó.
  • Học thư giãn và quản lý căng thẳng. Có thể thử thực hành các kỹ thuật giảm căng thẳng như hít thở sâu hay thiền.
  • Tuyệt đối không đưa ra các quyết định quan trọng khi bản thân đang cảm thấy tuyệt vọng và đau khổ.

Lối sống cho người bị mặc cảm về ngoại hình

Những người bị mặc cảm về ngoại hình luôn được khuyên là cần xây dựng lối sống lành mạnh. Đây là liều thuốc hữu ích với cả sức khỏe thể chất và tinh thần. Đồng thời tránh được những rủi ro và biến chứng do hội chứng sợ xấu gây ra.

Cách xây dựng lối sống cho người mắc hội chứng sợ xấu:

  • Học cách chia sẻ lo lắng về khuyết điểm của bản thân với người khác. Điều này không phải tìm kiếm sự trấn an mà tránh làm tăng nguy cơ trầm cảm thứ phát.
  • Ghi chép lại những cảm xúc, suy nghĩ và hành vi của bản thân. Đồng thời hạn chế tiếp xúc với những luồng thông tin tiêu cực.
  • Xây dựng chế độ dinh dưỡng cân bằng và lành mạnh. Nên bổ sung đủ nước và tăng cường các loại rau củ quả giàu vitamin và khoáng chất trong chế độ ăn.
  • Cân đối thời gian làm việc và nghỉ ngơi, chú ý ngủ đúng giờ đủ giấc để tinh thần được thoải mái, nâng cao sức khỏe tổng thể.
  • Tập thể dục mỗi ngày để giảm bớt sự lo lắng, căng thẳng và cải thiện sức khỏe.
  • Nên tham gia các hoạt động xã hội để không có thời gian tập trung vào những khiếm khuyết về ngoại hình của bản thân.

Mặc cảm về ngoại hình hiện đang là bệnh tâm thần thường gặp gây ra nhiều hệ quả nghiêm trọng. Tốt nhất nên chủ động tìm đến bác sĩ để được chẩn đoán kịp thời và hướng dẫn điều trị đúng cách. Tránh để tình trạng này kéo dài bởi có thể dẫn đến các hành vi tiêu cực, bao gồm cả tự tử.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN:

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *