Rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị
Rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi (Phobia) đặc trưng bởi sự lo âu, sợ hãi quá mức và kéo dài trước những sự việc và tình huống không thật sự nguy hiểm. Hội chứng này thường khởi phát ở trẻ em, thanh thiếu niên và rất ít trường hợp xảy ra sau 30 tuổi.
Rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi là gì?
Rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi (Phobia) còn được gọi là hội chứng ám ảnh sợ hãi, các ám ảnh sợ và rối loạn ám ảnh sợ hãi. Đây là một trong những dạng thường gặp của rối loạn lo âu bên cạnh rối loạn lo âu lan tỏa và rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD). Hội chứng ám ảnh sợ là tình trạng sợ hãi quá mức và vô lý với những tình huống, sự vật không thật sự nguy hiểm (các tình huống xã hội, độ cao, không gian hẹp, động vật,…).
Thông thường, cảm giác sợ hãi có thể xảy ra khi cơ thể nhận thấy những tình huống nguy hiểm. Tuy nhiên, chứng rối loạn ám ảnh sợ là nỗi sợ kéo dài, quá mức về những tình huống và sự việc hết sức bình thường. Sự lo lắng thái quá không chỉ gây ra các bất thường về mặt tâm lý mà còn đi kèm với các phản ứng thể chất.
Người bị rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi có xu hướng né tránh với một số sự vật và tình huống. Nếu phải đối mặt với đối tượng gây ám ảnh, cảm giác lo âu và sợ hãi có thể tăng lên mạnh mẽ. Hội chứng này ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống, thậm chí khiến người bệnh không thể học tập và làm việc một cách bình thường.
Theo số liệu thống kê, rối loạn ám ảnh sợ là dạng phổ biến nhất của rối loạn lo âu. Trong đó, các ám ảnh sợ thường gặp nhất là sợ hãi động vật, sợ độ cao, sợ sấm sét và ám ảnh sợ xã hội. Hội chứng này ảnh hưởng nhiều hơn đến nữ giới với tỷ lệ cao gấp 2 – 3 lần. Ảnh hưởng của rối loạn ám ảnh sợ phụ thuộc vào mức độ sợ hãi và đối tượng mà bệnh nhân lo sợ.
Triệu chứng nhận biết rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi
Triệu chứng của rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi phụ thuộc vào sự vật và tình huống mà bệnh nhân lo sợ. Một số trường hợp có thể bùng phát sợ lo lắng quá mức, tột đột trong trạng thái hoảng loạn do tiếp xúc với một số sự vật và tình huống gây ám ảnh.
Vì không thể kiểm soát tâm lý và hành vi của bản thân nên rất nhiều trường hợp gây ra các rắc rối tại nơi làm việc và học tập. Những trường hợp này thường đi kèm với rối loạn hoảng loạn – một trong những dạng rối loạn lo âu thường gặp khác.
Triệu chứng cụ thể của từng rối loạn ám ảnh sợ:
- Ám ảnh sợ xã hội (rối loạn lo âu xã hội): Luôn có cảm giác sợ hãi và căng thẳng trước những tình huống xã hội thông thường (trả lời điện thoại, phát biểu trước đám đông, ăn uống trước mặt người lạ, hẹn hò,…). Dần dần, người bệnh né tránh các tình huống kể trên, có xu hướng tự cô lập bản thân và gần như không thể duy trì hiệu quả trong công việc, học tập.
- Glossophobia (ám ảnh sợ đám đông): Người có nỗi sợ đám đông thường có cảm giác lo sợ khi phát biểu trước đám đông, tham gia các buổi tiệc đông người,… Khi phải đối mặt với những tình huống có đông người, bản thân người bệnh sẽ gia tăng sự sợ hãi dẫn đến trạng thái hoảng loạn kèm theo các triệu chứng thể chất như khô miệng, đổ mồ hôi, đau dạ dày và khó thở.
- Claustrophobia (ám ảnh sợ không gian kín): Người mắc hội chứng Claustrophobia luôn có nỗi lợ quá mức và kéo dài về những không gian nhỏ, hẹp như thang máy, phòng không có cửa sổ,… Khi đối mặt với những không gian này, người bệnh thường xuất hiện các cơn lo âu cấp tính và hoảng loạn. Hội chứng sợ không gian kín thường kết hợp với rối loạn hoảng sợ. Hội chứng này ảnh hưởng từ 5 – 7% dân số thế giới.
- Acrophobia (hội chứng sợ độ cao): Acrophobia là một trong những ám ảnh sợ đặc hiệu khá phổ biến. Hội chứng này đặc trưng bởi sự ám ảnh và sợ hãi quá độ về độ cao. Khi đứng ở những nơi quá cao, người bệnh thường có cảm giác sợ rơi xuống bên dưới dẫn đến tâm trạng hoảng loạn và kích động. Hội chứng này xảy ra ở khoảng 2 – 5% dân số thế giới với tỷ lệ cao hơn ở nam giới.
- Aviophobia (ám ảnh sợ đi máy bay): Aviophobia là hội chứng sợ đi máy bay. Đây là hội chứng tương đối ít gặp. Nỗi sợ khi phải di chuyển bằng máy bay khiến người bệnh né tránh hình thức di chuyển này. Dù không ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng ám ảnh sợ đi máy bay gây ra không ít phiền toái trong cuộc sống.
- Agoraphobia (ám ảnh sợ khoảng trống): Ngược lại với ám ảnh sợ không gian hẹp, một số người có xu hướng sợ hãi quá mức trước những không gian mở, công cộng (trung tâm mua sắm, các tàu điện ngầm hay nghiêm trọng hơn là tất cả các không gian bên ngoài ngôi nhà). Người mắc hội chứng sợ khoảng trống thường có xu hướng thích ở nhà và sợ hãi việc phải điều khiển phương tiện giao thông hay ra ngoài 1 mình.
- Các ám ảnh sợ khác: Trên thực tế, có rất nhiều ám ảnh sợ hãi. Ngoài những dạng thường gặp kể trên, một số người có thể sợ hãi quá mức với những sự vật/ tình huống hết sức bình thường như sợ động vật (nhện, rắn, gián, chó), sợ máu, sợ bị chấn thương, sợ sấm sét, sợ tiêm chích,… Một số trường hợp sợ hãi tột độ có thể bị ngất xỉu khi tiếp xúc với một số sự vật/ tình huống gây ám ảnh.
Nhìn chung, rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi đều gây ra các triệu chứng như:
- Có cảm giác lo sợ thái quá trước những sự việc/ tình huống không quá nghiêm trọng
- Người mắc rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi có thể nhận biết được sự nỗi sợ quá mức của bản thân nhưng hoàn toàn không thể kiểm soát và chế ngự.
- Để giảm các cảm giác này, người bệnh có xu hướng né tránh với những tình huống và sự vật gây ra sự lo âu và căng thẳng.
- Không thể kiểm soát hành vi khi tiếp xúc với các sự vật/ tình huống gây ám ảnh
- Cùng với các triệu chứng về mặt tâm lý, bệnh nhân có thể gặp phải các phản ứng thể chất như đổ mồ hôi, nhịp tim nhanh, thở gấp, đau bụng, đau thắt ngực, căng cơ, tay chân và giọng nói run lẩy bẩy
Nguyên nhân gây rối loạn ám ảnh sợ hãi
Tương tự như các dạng rối loạn lo âu khác, nguyên nhân chính xác gây ra rối loạn ám ảnh sợ hãi vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên, đa phần các trường hợp đều không xảy ra do 1 nguyên nhân cụ thể mà là kết quả do sự tương tác giữa nhiều yếu tố.
Dưới đây là một số nguyên nhân, yếu tố được xác định có liên quan đến chứng ám ảnh sợ hãi:
- Yếu tố gia đình: Nguy cơ mắc các ám ảnh sợ có xu hướng tăng lên đáng kể nếu có người thân mắc hội chứng ám ảnh sợ hãi. Hội chứng này có thể xảy ra do gen di truyền hoặc hình thành từ tác động của lối sống và hành vi của những người thân trong gia đình.
- Sang chấn tâm lý: Sang chấn tâm lý là yếu tố gia tăng nguy cơ mắc hội chứng ám ảnh sợ hãi và các dạng rối loạn lo âu khác. Các nghiên cứu cho thấy, sự sợ hãi quá độ về những sự vật/ tình huống có thể xảy ra sau khi phải đối mặt với các tổn thương tâm lý như suýt chết đuối, bị bắt cóc, mất người thân, gặp tai nạn do rơi từ độ cao xuống, bị động vật cắn,…
- Sự bất thường của các chất hóa học trong não bộ: Cảm xúc và hành vi của cơ thể bị chi phối bởi các chất hóa học bên trong não bộ. Nghiên cứu cho thấy, người mắc các bệnh tâm thần nói chung và các ám ảnh sợ có sự sụt giảm nghiêm trọng của serotonin. Ngoài ra, hoạt động của các cơ quan trong não bộ ở những bệnh nhân bị hội chứng ám ảnh sợ cũng có một số vấn đề bất thường.
- Các yếu tố khác: Hội chứng ám ảnh sợ thường phát triển sau khi chấn thương sọ não và mắc các bệnh lý về não bộ. Ngoài ra, nguy cơ mắc hội chứng này cũng tăng lên đáng kể ở những người bị trầm cảm và lạm dụng chất gây nghiện. Những trường hợp có các bệnh tâm thần kết hợp thường có nỗi sợ hãi tột độ kèm theo các cơn hoảng loạn khi phải tiếp xúc với những tình huống/ sự vật gây ám ảnh.
Đến nay, các nghiên cứu về nguyên nhân gây rối loạn lo âu nói chung và rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi nói riêng vẫn đang được thực hiện. Tuy nhiên, việc xác định chính xác nguyên nhân gần như là không thể. Bởi sự hình thành của các ám ảnh sợ có liên quan đến rất nhiều yếu tố như nhân cách, tác động từ môi trường, nhận thức,…
Ảnh hưởng của hội chứng ám ảnh sợ hãi
Như đã đề cập, hội chứng ám ảnh sợ hãi có ảnh hưởng khá đa dạng tùy thuộc vào mức độ nỗi sợ và đối tượng gây ám ảnh. Với những đối tượng như động vật, sấm sét, độ cao,… người bệnh hoàn toàn có thể tránh né những sự vật này để tránh tâm lý lo lắng. Dù vậy, việc né tránh những sự vật xung quanh vẫn có thể gây ra phiền toái trong cuộc sống – đặc biệt là quá trình học tập và làm việc.
Người bệnh có thể phải đối mặt với những ảnh hưởng nặng nề nếu mắc phải chứng ám ảnh sợ xã hội, ám ảnh sợ đám đông, không gian trống,… Những ám ảnh sợ này khiến bệnh nhân gần như không thể duy trì hiệu quả làm việc và học tập, đồng thời tác động tiêu cực đến kỹ năng xã hội và dần dần có xu hướng cô lập bản thân.
Trước nỗi sợ quá mức và không thể kiểm soát, nhiều người có xu hướng sử dụng rượu bia và chất gây nghiện – đặc biệt là những người đã có các hành vi kích động tại nơi làm việc và trường học. Một số trường hợp bị rối loạn ám ảnh sợ hãi nghiêm trọng có thể dẫn đến hành vi tự sát. Nguy cơ tự sát tăng lên đáng kể nếu lạm dụng chất gây nghiện và kết hợp với rối loạn trầm cảm.
Chẩn đoán rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi
Rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi được chẩn đoán thông qua biểu hiện lâm sàng và dựa vào tiêu chuẩn DSM-5. Bệnh nhân được chẩn đoán mắc hội chứng này khi có cảm giác lo sợ quá mức, rõ ràng và kéo dài ít nhất 6 tháng về đối tượng và tình huống cụ thể (đặc điểm này khác biệt hoàn toàn với rối loạn lo âu lan tỏa – GAD).
Ngoài ra, bệnh nhân chỉ được chẩn đoán bị rối loạn ám ảnh sợ khi nỗi lo sợ quá mức đi kèm với những triệu chứng sau:
- Luôn luôn xuất hiện cảm giác lo âu và sợ hãi ngay khi tiếp xúc với sự vật/ tình huống
- Người bệnh có xu hướng né tránh những tình huống và sự vật gây ám ảnh
- Sự lo âu thường quá mức so với mức độ nguy hiểm của sự vật và tình huống (người bệnh có xu hướng sợ hãi thái quá với những tình huống và sự vật hết sức bình thường)
- Sự lo âu, sợ hãi quá mức và tâm lý né tránh gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc học, nghề nghiệp và các mối quan hệ xã hội.
Bác sĩ cũng có thể yêu cầu thực hiện thêm một số xét nghiệm cận lâm sàng để xác định nguyên nhân thực thể và một số bệnh lý có liên quan.
Các phương pháp điều trị rối loạn ám ảnh sợ hãi
Hầu hết các trường hợp bị rối loạn ám ảnh sợ hãi đều có thể kiểm soát bằng một số biện pháp điều trị và cải thiện. Hội chứng này có biểu hiện khá đa dạng nên điều trị cần phải được cá thể hóa tùy theo độ tuổi, mức độ sợ hãi và đối tượng gây ám ảnh.
Các phương pháp điều trị có thể được áp dụng cho bệnh nhân mắc hội chứng ám ảnh sợ hãi:
1. Sử dụng thuốc
Thuốc được sử dụng nhằm giảm sự lo lắng và sợ hãi quá mức trước những đối tượng gây ám ảnh. Ngoài ra, sử dụng thuốc còn giúp cải thiện các phản ứng thể chất có liên quan đến nỗi sợ hãi tột độ. Tùy theo tình trạng cụ thể của từng trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định một số loại thuốc điều trị sau:
- Thuốc chẹn beta: Thuốc chẹn beta giúp làm giảm các phản ứng thể chất do rối loạn ám ảnh sợ hãi gây ra thông qua ức chế epinephrine. Thuốc được sử dụng trước khi đối mặt với những đối tượng gây ám ảnh khoảng 1 – 2 giờ. Loại thuốc này có thể giảm nhanh tình trạng tim đập nhanh, đổ mồ hôi, run lẩy bẩy,…
- Thuốc chống trầm cảm: Thuốc chống trầm cảm được sử dụng rất phổ biến trong điều trị rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi. Loại thuốc được sử dụng nhiều nhất là thuốc ức chế tái hấp thu serotonin (SSRIs) nhờ có độ an toàn cao và mang đến cải thiện tích cực. Nếu nhóm thuốc này không mang lại hiệu quả, bác sĩ có thể thay thế bằng thuốc ức chế monoamin oxydase (MAOI) hoặc thuốc chống trầm cảm 3 vòng (TCA).
- Thuốc chống lo âu: Thuốc chống lo âu nhóm benzodiazepines có thể được sử dụng trong điều trị hội chứng ám ảnh sợ hãi. Thuốc có thể giảm bớt sự lo lắng và sợ hãi quá mức. Tuy nhiên, người nghiện rượu và sử dụng các chất kích thích không nên sử dụng nhóm thuốc này. Thuốc chống lo âu tiềm ẩn nhiều rủi ro nên cần phải được theo dõi chặt chẽ và hầu hết đều chỉ được sử dụng trong thời gian ngắn.
Trong tất cả các loại thuốc, thuốc chống trầm cảm là nhóm thuốc được sử dụng lâu dài để kiểm soát nỗi sợ hãi quá mức và ngăn chặn tình trạng tái phát. Các loại thuốc khác chỉ được sử dụng khi cần thiết vì tiềm ẩn nhiều rủi ro và không mang lại lợi ích dài hạn đối với hội chứng ám ảnh sợ hãi.
2. Liệu pháp hành vi
Liệu pháp hành vi có thể được thực hiện đơn lẻ hoặc áp dụng đồng thời với điều trị bằng thuốc. Mục tiêu của phương pháp này là giúp người bệnh kiểm soát sự sợ hãi, lo lắng và chế ngự các hành động quá khích khi phải đối mặt với những đối tượng gây ám ảnh. Với bệnh nhân ám ảnh sợ xã hội, chuyên gia sẽ hướng dẫn thêm kỹ năng để bình thường hóa cuộc sống và dễ dàng thích nghi với các tình huống xã hội.
Một số liệu pháp được áp dụng trong điều trị rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi:
– Liệu pháp tiếp xúc
Liệu pháp tiếp xúc được thực hiện bằng cách cho phép người bệnh đối diện trực tiếp với đối tượng gây ám ảnh. Ban đầu là tiếp xúc bằng ý nghĩ, sau đó người bệnh sẽ được thực hành với mô hình và cuối cùng là thực hành thực tế. Liệu pháp này giúp người bệnh thay đổi dần phản ứng với sự vật/ tình huống gây sợ hãi.
Liệu pháp tiếp xúc mang lại hiệu quả cao với các ám ảnh cụ thể như sợ đi máy bay, sợ động vật, sợ không gian hẹp, sợ tiêm chích, sợ máu,…
– Liệu pháp nhận thức hành vi
Liệu pháp nhận thức hành vi được áp dụng cho những trường hợp ám ảnh sợ xã hội, đám đông, không gian trống,… Thông qua hoạt động giao tiếp, các chuyên gia sẽ giúp người bệnh tìm hiểu nguồn gốc của sự sợ hãi. Sau đó, tác động qua nhận thức để thay đổi hành vi và phản ứng của người bệnh trước những đối tượng gây ám ảnh.
Dần dần, người bệnh có thể xóa bỏ cảm giác sợ hãi và lo âu tột độ. Trong quá trình trị liệu, bệnh nhân bắt buộc phải tiếp xúc với những tình huống thực thể để học cách đối phó thông qua việc kiểm soát cảm xúc và suy nghĩ. Quá trình trị liệu sẽ kéo dài ít nhất 3 tháng nhằm đảm bảo người bệnh có thể đối diện hoàn toàn với những sự việc/ tình huống gây ra ám ảnh sợ trước đây.
Rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi gây ra nhiều phiền toái trong cuộc sống và có thể gia tăng nguy cơ lạm dụng rượu bia, trầm cảm. Tuy nhiên, phần lớn những trường hợp được điều trị đúng cách đều có thể chế ngự được nỗi sợ của bản thân và có khả năng làm việc, học tập một cách bình thường. Vì vậy, người bệnh nên chủ động điều trị để quản lý nỗi sợ của bản thân và trải nghiệm cuộc sống một cách trọn vẹn nhất.
Tham khảo thêm:
- Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) là gì? Biểu hiện và hướng điều trị
- Tác hại của thuốc chống trầm cảm bạn nên cảnh giác
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!