Rối loạn ngôn ngữ ở trẻ là gì? Dấu hiệu và cách điều trị

Rối loạn ngôn ngữ ở trẻ xảy ra rất phổ biến, chiếm 10 – 15% ở trẻ dưới 3 tuổi. Trẻ gặp phải tình trạng này thường gặp khó khăn trong việc hiểu lời nói của người khác và diễn đạt ý nghĩa của bản thân. Trẻ mắc rối loạn ngôn ngữ cần được phát hiện và can thiệp kịp thời để tránh ảnh hưởng đến quá trình phát triển và tương lai của trẻ. 

Rối loạn ngôn ngữ ở trẻ là gì?

Rối loạn ngôn ngữ ở trẻ là tình trạng trẻ gặp khó khăn trong việc hiểu hoặc truyền đạt ý nghĩ của mình thông qua lời nói, chữ viết hoặc hành động, cử chỉ. Đây là tập hợp những vấn đề về khả năng phát triển kỹ năng ngôn ngữ ở trẻ.

Rối loạn ngôn ngữ ở trẻ
Trẻ rối loạn ngôn ngữ sẽ gây ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống hàng ngày nếu không được khắc phục sớm.

Trẻ mắc rối loạn ngôn ngữ vẫn có thể nghe, phát âm và nói rõ ràng. Tuy nhiên, trẻ lại gặp khó khăn trong việc hiểu ý nghĩa lời nói của người khác hoặc gặp khó khăn trong việc diễn đạt ý nghĩa lời nói của bản thân. Đôi khi, có những trẻ gặp khó khăn trong cả 2 trường hợp.

Sự phát triển ngôn ngữ bình thường ở trẻ như sau:

  • Trẻ từ 1 – 2 tuổi có thể hiểu những lời nói đơn giản của người khác.
  • Trẻ 2 – 3 tuổi biết cách diễn đạt ý nghĩ của bản thân thông qua hành vi, cử chỉ, ánh mắt và các từ ngữ đơn giản.
  • Trẻ từ 3 – 4 tuổi có thể hiểu được những gì người khác nói và diễn đạt tốt suy nghĩ của bản thân (trừ các vấn đề quá phức tạp). Trẻ sử dụng từ ngữ tốt, nói được câu dài, ý nghĩa rõ ràng, dễ hiểu.

Tuy nhiên, nếu trẻ 3 – 5 tuổi gặp khó khăn trong việc hiểu những từ mà trẻ nghe được. Hoặc gặp khó khăn trong việc nói chuyện, bày tỏ suy nghĩ và cảm xúc của bản thân được xem là mắc rối loạn ngôn ngữ.

Các loại rối loạn ngôn ngữ thường gặp ở trẻ em

Có 3 loại rối loạn ngôn ngữ ở trẻ em gồm rối loạn ngôn ngữ tiếp nhận, rối loạn ngôn ngữ diễn đạt và rối loạn ngôn ngữ hỗn hợp. Trong đó, rối loạn ngôn ngữ tiếp thu – biểu đạt hỗn hợp là loại phổ biến, thường gặp nhất ở trẻ em.

Rối loạn ngôn ngữ tiếp nhận

Rối loạn ngôn ngôn ngữ tiếp nhận là tình trạng trẻ gặp khó khăn trong việc hiểu ý nghĩa của những điều trẻ nghe thấy và nhìn thấy. Trẻ có thể không hiểu lời nói khi lắng nghe, không hiểu cử chỉ khi quan sát hoặc gặp khó khăn trong việc đọc và viết.

Trẻ gặp khó khăn trong việc hiểu lời nói, cử chỉ của người khác
Trẻ gặp khó khăn trong việc hiểu lời nói, cử chỉ của người khác

Trẻ không hiểu lời nói của người khác khi giao tiếp với trẻ hoặc không hiểu các hướng dẫn quanh cuộc sống của bản thân có thể được xem là rối loạn ngôn ngữ tiếp nhận.

Trẻ có thể không hiểu các cử chỉ như đến đây, ngồi yên; không hiểu các hướng dẫn bằng hình ảnh trên các bảng chỉ dẫn; khó hiểu lời người khác nói hoặc các từ được viết ra. Các khó khăn về tiếp thu khiến trẻ không hiểu đúng nội dung giao tiếp bằng lời nói, cử chỉ, chữ viết, hình ảnh hướng dẫn.

Rối loạn ngôn ngữ biểu đạt

Rối loạn ngôn ngữ biểu đạt là tình trạng trẻ gặp khó khăn khi sử dụng ngôn ngữ, bao gồm lời nói, cử chỉ và hình ảnh biểu tượng, chữ viết để diễn đạt suy nghĩ, cảm xúc của mình.

Trẻ mắc rối loạn ngôn ngữ biểu đạt thường gặp những vấn đề như:

  • Cảm thấy khó khăn khi gọi tên đồ vật
  • Không thể kể lại một câu chuyện mà trẻ trải qua
  • Không biết sử dụng cử chỉ để truyền đạt ý nghĩ của mình
  • không thể biểu đạt đúng ý muốn của chính mình, dẫn đến người khác hiểu sai ý trẻ.

Ngoài ra, trẻ cũng gặp các vấn đề khác như thường cố gắng nói nhưng bố mẹ hoặc người lớn không thể hiểu đúng những gì trẻ nói. Trẻ gặp thách thức trong việc đặt và trả lời câu hỏi, các từ không nằm đúng trật tự trong câu.

Rối loạn ngôn ngữ hỗn hợp

Rối loạn ngôn ngữ hỗn hợp là loại phổ biến, thường gặp nhất ở trẻ. Đây là dạng phúc tạp, xảy ra khi trẻ gặp khó khăn trong cả việc hiểu ngôn ngữ lẫn việc diễn đạt ngôn ngữ.

Rối loạn ngôn ngữ tiếp thu – biểu đạt khiến trẻ chậm phát triển ngôn ngữ hơn trẻ khác. Trẻ gặp nhiều khó khăn trong việc phát triển kỹ năng ngôn ngữ cơ bản, dễ trở nên tự ti, nhút nhát, ngại giao tiếp với người khác và có khả năng học tập kém do không hiểu cũng như không biết cách sử dụng ngôn ngữ.

Nguyên nhân gây rối loạn ngôn ngữ ở trẻ

Nguyên nhân của rối loạn ngôn ngữ ở trẻ vẫn chưa được hiểu rõ. Đến này các chuyên gia vẫn cố gắng nghiên cứu và xác định chính xác nguyên nhân của tình trạng này. Đây là lý do rối loạn ngôn ngữ nằm trong nhóm rối loạn phát triển.

Rối loạn ngôn ngữ ở trẻ
Rối loạn ngôn ngữ ở trẻ thường là do các bệnh thực thể hoặc một số tổn thương ở não bộ

Nguyên nhân gây rối loạn ngôn ngữ ở trẻ:

Rối loạn thần kinh phát triển

Trẻ mắc các rối loạn phát triển như tự kỷ, chậm phát triển trí tuệ thường gặp vấn đề trong vấn đề phát triển ngôn ngữ. Trẻ tự kỷ rất dễ bị rối loạn ngôn ngữ, trẻ gặp khó khăn trong việc hiểu lời nói, cử chỉ, hành động của người khác và không biết dùng lời nói, cử chỉ để biểu đạt suy nghĩ, cảm xúc của bản thân.

Chấn thương não

Chấn thương hoặc có khối u trong não khiến vùng não chịu trách nhiệm cho việc xử lý ngôn ngữ bị rối loạn, gây ra rối loạn ngôn ngữ. Trong đó, vùng Broca là vùng não liên quan đến ngôn ngữ biểu đạt, vùng Wernicke là vùng liên quan đến ngôn ngữ tiếp nhận.

Hội chứng mất ngôn ngữ

Hội chứng mất ngôn ngữ (Aphasia) là tình trạng mất khả năng sử dụng hoặc tiếp nhận ngôn ngữ. Xảy ra khi tổn thương phần não bộ chịu trách nhiệm ngôn ngữ do va đập đầu, đột quỵ, nhiễm trùng não.

Di truyền

Di truyền có thể là nguyên nhân khiến trẻ gặp khó khăn trong việc hiểu và tiếp thu ngôn ngữ. Nếu gia đình có người từng gặp vấn đề về ngôn ngữ, con cái sinh ra cũng có nguy cơ rối loạn phát triển ngôn ngữ. Ngoài ra, một số gen liên quan đến ngôn ngữ có thể bị ảnh hưởng hoặc đột biến dẫn đến vấn đề về ngôn ngữ ở trẻ.

Vấn đề về thính giác

Trẻ mắc rối loạn ngôn ngữ thường được ưu tiên kiểm tra thính giác. Trẻ suy giảm thính giác hoặc mắc các bệnh lý về tai, viêm tai giữa tái phát thường gặp khó khăn trong việc nghe và hiểu ngôn ngữ.

Hội chứng di truyền

Trẻ mắc các hội chứng di truyền như hội chứng Down, hội chứng Fragile X… thường đi kèm với rối loạn phát triển ngôn ngữ và các bất thường về phát triển thể chất lẫn tinh thần.

Dị tật bẩm sinh

Các vấn đề về cơ miệng như sứt môi, hở hàm ếch, dị tật tại màng hoặc khe hở thanh quản cũng có thể là nguyên nhân gây rối loạn ngôn ngữ ở trẻ. Trẻ gặp phải tình trạng này thường khó khăn trong việc phát ra âm thanh và sử dụng ngôn ngữ.

Yếu tố môi trường

Các yếu tố môi trường có thể gây ra vấn đề về ngôn ngữ như thiếu sự tiếp xúc ngôn ngữ; trẻ không được khuyến khích giao tiếp, tương tác. Hoặc có thể do trẻ sống trong gia đình sử dụng quá nhiều ngôn ngữ.

Dấu hiệu trẻ bị rối loạn ngôn ngữ

Các dấu hiệu trẻ bị rối loạn ngôn ngữ như khó hiểu lời nói, cử chỉ, các khái niệm; khó khăn trong việc học từ mới, trả lời câu hỏi, làm theo hướng dẫn; kể chuyện khó hiểu, sử dụng từ ngữ sai cách, các từ đặt sai trật tự trong câu… Tùy theo loại rối loạn ngôn ngữ mắc phải mà biểu hiện rối loạn ở mỗi trẻ là không giống nhau.

Rối loạn ngôn ngữ ở trẻ
Những trẻ bị rối loạn ngôn ngữ thường gặp nhiều khó khăn trong việc nghe, nói và hiểu ngôn ngữ.

Dấu hiệu trẻ rối loạn ngôn ngữ tiếp thu

Trẻ mắc rối loạn ngôn ngữ tiếp thu thường gặp khó khăn trong việc hiểu các từ ngữ, hình ảnh, cử chỉ mà trẻ nghe và nhìn thấy. Bao gồm lời nói của người khác khi nói chuyện với trẻ, từ ngữ trẻ đọc được trên sách hoặc hình ảnh chỉ dẫn trên biển báo.

Dấu hiệu rối loạn ngôn ngữ tiếp thu ở trẻ:

  • Tỏ ra khó hiểu với những gì mọi người nói
  • Khó khăn trong việc hiểu cử chỉ
  • Không hiểu các khái niệm và biểu tượng
  • Không hiểu những gì trẻ đọc được
  • Khó khăn trong việc học từ mới
  • Không thể trả lời câu hỏi ngay lập tức hoặc trả lời không đúng vấn đề
  • Không biết cách làm theo hướng dẫn
  • Khó khăn trong việc nhận dạng đối tượng
  • Có cảm giác căng thẳng giao tiếp

Dấu hiệu trẻ rối loạn ngôn ngữ biểu đạt

Trẻ mắc rối loạn ngôn ngữ biểu đạt có thể hiểu được lời người khác nhưng gặp khó khăn trong việc dùng lời nói, cử chỉ để diễn đạt cảm xúc và suy nghĩ. Trẻ sử dụng ngôn ngữ ký hiệu cũng có thể gặp khó khăn trong việc diễn đạt.

Dấu hiệu rối loạn ngôn ngữ biểu đạt ở trẻ:

  • Sử dụng từ ngữ không chính xác hoặc sai trật tự câu
  • Từ ngữ nghèo nàn, vốn từ hạn chế, hay lặp từ
  • Chỉ nói những câu ngắn, không đủ ý hoặc không hoàn chỉnh
  • Khó khăn trong việc nói ra suy nghĩ, ý tưởng, cảm xúc của bản thân
  • Không biết cách đặt câu hỏi
  • Khó khăn trong việc hát hoặc đọc thơ
  • Khả năng kể chuyện kém, câu từ lộn xộn, bỏ sót nhiều chi tiết
  • Gọi sai tên sự vật, con vật
  • Bối rối, lo lắng, căng thẳng hoặc tránh giao tiếp do sợ không diễn đạt rõ ràng
  • Không biết cách sử dụng cử chỉ giao tiếp…

Khi nào trẻ cần gặp bác sĩ?

Các bất thường về sự phát triển ngôn ngữ ở trẻ cần được sớm phát hiện để có biện pháp can thiệp kịp thời. Phụ huynh cần đưa con đến gặp bác sĩ hoặc chuyên gia ngôn ngữ khi:

  • Trẻ không nói được từ nào khi được 16 – 18 tháng tuổi
  • Trẻ không thể làm theo hướng dẫn đơn giản khi được 18 tháng
  • Trẻ biết không chỉ vào đồ vật hoặc bộ phận cơ thể theo yêu cầu khi 18 tháng
  • Trẻ không nói được 2 từ khi được 2 tuổi
  • Trẻ không nói được câu hoàn chỉnh khi được 3 tuổi
  • Trẻ 3 tuổi lặp lại hoặc bắt chước một phần câu hỏi, mệnh lệnh mà không trả lời
  • Trẻ nói câu ngắn, lộn xộn khi đã 4 tuổi
  • Trẻ đã 4 tuổi nhưng thường xuyên dùng từ không chính xác…

Ảnh hưởng của chứng rối loạn ngôn ngữ ở trẻ

Rối loạn loạn ngôn ngữ ở trẻ là một vấn đề nghiêm trọng, cần được phát hiện và can thiệp kịp thời. Trẻ có thể bị rối loạn tạm thời do di truyền, môi trường thiếu yếu tố kích thích hoặc đa ngôn ngữ.

Trẻ gặp khó khăn trong giao tiếp do rối loạn ngôn ngữ
Trẻ gặp khó khăn trong giao tiếp do rối loạn ngôn ngữ

Tuy nhiên, trẻ cũng có thể mắc rối loạn ngôn ngữ liên quan đến các vấn đề như chấn thương não, tự kỷ, chậm phát triển trí tuệ, dị tật bẩm sinh… Đây là những vấn đề nghiêm trọng, trẻ cần được can thiệp chuyên sâu càng sớm càng tốt.

Các ảnh hưởng của rối loạn phát triển ngôn ngữ ở trẻ bao gồm:

  • Trẻ gặp khó khăn trong giao tiếp: Trẻ không hiểu hoặc không biết cách diễn đạt nhu cầu, suy nghĩ cảm xúc có khả năng giao tiếp, tương tác kém. Điều này ảnh hưởng nhiều đến quá trình học hỏi, tiếp thu và phát triển của trẻ.
  • Ảnh hưởng đến sự phát triển tâm lý của trẻ: Trẻ có thể trở nên tự ti, rụt rè, nhút nhát, dễ căng thẳng, lo lắng thậm chí sợ giao tiếp do không hiểu lời người khác hoặc không diễn đạt được suy nghĩ của bản thân. Điều này khiến trẻ có cảm giác cô đơn, ít bạn bè và dễ bị cô lập.
  • Gây ức chế tâm lý: Khi không hiểu lời người khác hoặc người khác không hiểu ý mình, trẻ có thể bị ức chế tâm lý, cảm thấy thất vọng, bực tức, giận dữ.
  • Hạn chế phát triển tư duy và kỹ năng: Trẻ rối loạn ngôn ngữ sẽ gặp khó khăn trong việc hình thành tư duy trừu tượng, hiểu khái niệm và lập luận logic. Trẻ cũng thiếu kỹ năng giải quyết vấn đề do không hiểu rõ tình huống.
  • Gây căng thẳng, mâu thuẫn trong gia đình: Trẻ gặp vấn đề về ngôn ngữ khiến bố mẹ lo lắng và gặp nhiều áp lực trong việc tìm giải pháp hỗ trợ con phát triển ngôn ngữ.
  • Ảnh hưởng đến tương lai: Nếu không can thiệp kịp thời, trẻ có thể gặp khó khăn trong việc học tập, phát triển tư duy. Trẻ bị bạn bè trêu chọc, xa lánh, có các hành vi không phù hợp, bị tách biệt khỏi các hoạt động nhóm. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển và tương lai của trẻ.

Biện pháp chẩn đoán trẻ bị rối loạn ngôn ngữ

Để chẩn đoán rối loạn ngôn ngữ, trước hết, chuyên gia y tế sẽ tiến hành kiểm tra thính lực để xác định trẻ có bị mất hoặc suy giảm thính lực hay không. Điếc hoặc suy giảm thính lực là nguyên nhân phổ biến hàng đầu gây ra các vấn đề về ngôn ngữ ở trẻ.

Trường hợp trẻ không có vấn đề về thính lực, trẻ sẽ được kiểm tra, đánh giá bởi một nhà trị liệu ngôn ngữ – giọng nói. Các phương pháp để đánh giá trẻ như sau:

  • Quan sát trẻ trực tiếp
  • Sử dụng bảng câu hỏi cho phụ huynh
  • Sử dụng bài test về khả năng ngôn ngữ của trẻ
  • Đánh giá giá năng học tập của trẻ

Các khía cạnh được xem xét khi đánh giá trẻ gồm:

  • Nghe
  • Nói
  • Khả năng thực hiện theo hướng dẫn
  • Khả năng hiểu tên các sự vật
  • Lặp lại âm điệu hoặc cụm từ

Cách điều trị rối loạn ngôn ngữ ở trẻ em

Trẻ mắc rối loạn ngôn ngữ cần được can thiệp càng sớm càng tốt, đặc biệt là khi tình trạng này có liên quan đến tự kỷ và vấn đề về thính giác. Các biện pháp điều trị rối loạn ngôn ngữ ở trẻ em rất đa dạng, phổ biến là ngôn ngữ trị liệu, tâm lý trị liệu và hỗ trợ tại nhà.

1. Ngôn ngữ trị liệu

Ngôn ngữ trị liệu hay âm ngữ trị liệu được xem là giải pháp hàng đầu trong điều trị rối loạn ngôn ngữ ở trẻ. Phương pháp này giúp trẻ luyện phát âm, hiểu và biết cách xử lý thông tin ngôn ngữ từ người khác; phát triển vốn từ, cải thiện cấu trúc câu để diễn đạt suy nghĩ, cảm xúc của bản thân.

Ngôn ngữ trị liệu được xem là giải pháp hàng đầu trong điều trị rối loạn ngôn ngữ
Ngôn ngữ trị liệu được xem là giải pháp hàng đầu trong điều trị rối loạn ngôn ngữ

Âm ngữ trị liệu còn giúp trẻ phát triển kỹ năng giao tiếp phi ngôn ngữ, biết cách sử dụng cử chỉ, hình ảnh, biểu cảm khuôn mặt để giao tiếp. Thông thường ngôn ngữ trị liệu thường được kết hợp với các hoạt động trị liệu khác để tăng cường hiệu quả.

2. Tâm lý trị liệu

Tâm lý trị liệu hay liệu pháp trò chuyện không phải phương điều trị chính đối với rối loạn ngôn ngữ. Tuy nhiên, liệu pháp có thể giúp cải thiện các khó khăn về mặt cảm xúc, hành vi và tâm lý ở trẻ. Có hiệu quả với trẻ căng thẳng, áp lực khi giao tiếp, trẻ tăng động giảm chú ý, tự kỷ đi kèm rối loạn ngôn ngữ.

Các liệu pháp thường được sử dụng gồm:

  • Liệu pháp hành vi nhận thức (CBT)
  • Liệu pháp tương tác cá nhân IPT
  • Liệu pháp nhóm
  • Liệu pháp gia đình

3. Hỗ trợ trẻ tại nhà

Sự đồng hành và hỗ trợ của bố mẹ sẽ giúp trẻ tiến bộ tốt hơn trong quá trình cải thiện rối loạn phát triển ngôn ngữ. Chúng ta có thể hỗ trợ con bằng cách:

  • Sử dụng các trò chơi phát triển ngôn ngữ, trò chơi rèn luyện khả năng phát âm cho trẻ
  • Tăng cường tương tác, trò chuyện với trẻ mọi lúc mọi nơi, nói rõ ràng, chậm rãi, súc tích
  • Đưa ra thông điệp và kiên nhẫn chờ đợi, cho con thời gian để phản hồi
  • Duy trì bầu không khí thoải mái, cởi mở, vui vẻ để trẻ bớt lo lắng, căng thẳng
  • Yêu cầu con diễn đạt lại lời nói của bố mẹ theo cách hiểu của con
  • Đọc truyện, đọc thơ, hát cùng con để giúp con phát triển ngôn ngữ
  • Khuyến khích con đặt câu hỏi và trả lời câu hỏi, khuyến khích trẻ kể chuyện.

Cách phòng ngừa rối loạn ngôn ngữ ở trẻ

Trong rất nhiều các nghiên cứu khoa học đã chia sẻ rằng, để có thể phòng tránh và hạn chế được nguy cơ bị rối loạn ngôn ngữ ở trẻ em thì cách tốt nhất đó chính là gia đình, phụ huynh cần phải chú ý đến môi trường sinh hoạt của trẻ từ 0 đến 3 tuổi. Giai đoạn này là lúc mà trẻ dễ dàng tiếp thu và xây dựng ngôn ngữ của riêng mình nên bố mẹ nên giúp trẻ hạn chế tiếp xúc với những thiết bị điện tử như điện thoại, tivi, máy tính, máy chơi game,….

Hình thức học nói nhanh nhất ở trẻ nhỏ đó chính là lắng nghe, chính vì thế bố mẹ nên thường xuyên trò chuyện với trẻ, cùng trẻ đọc sách, khám phá những điều thú vị. Đồng thời cần phải hạn chế việc những ngôn ngữ lóng, phải phát âm chính xác để trẻ có thể dễ dàng nghe, hiểu và học được.

Để nâng cao kỹ năng nghe nói của trẻ, bố mẹ nên tăng cường đọc sách cho con, đây được xem là một trong các biện pháp hữu hiệu giúp trẻ phát triển tốt về mặt ngôn ngữ. Hãy lựa chọn những câu chuyện thú vị kèm theo những hình ảnh sinh động phù hợp với lứa tuổi để gây sự chú ý cho trẻ, đồng thời giúp trẻ học ngôn ngữ nhanh hơn. Bố mẹ cũng có thể thường xuyên hát cho con nghe những bài hát thiếu nhi với ngôn từ dễ hiểu. Âm nhạc là một công cụ vô cùng tuyệt vời để trẻ có thể học nói tốt.

Đối với các trường hợp trẻ có dấu hiệu nói lắp, khi trò chuyện cùng con, bố mẹ hãy cố gắng nhìn thẳng vào mắt con và nói chậm rãi từng từ. Điều này sẽ giúp trẻ có thể dần học hỏi theo và có thể khắc phục tốt được tình trạng nói lắp của bản thân. Đồng thời, khi trò chuyện cùng con, gia đình cũng nên tạo không khí thoải mái, vui vẻ, yên bình để tránh gây áp lực, căng thẳng cho con.

Trên đây là một số thông tin cần thiết nói về tình trạng rối loạn ngôn ngữ ở trẻ em. Hy vọng rằng các bậc phụ huynh có được cách nhìn nhận khách quan về hội chứng này, từ đó dễ dàng tìm ra được biện pháp khắc phục phù hợp và hiệu quả để giúp trẻ mau chóng phục hồi được khả năng ngôn ngữ của mình.

Tham khảo thêm:

Nguồn tham khảo:

  • Verywell Mind, https://www.verywellmind.com/language-disorders-definition-types-causes-remedies-5220386
  • National Library of Medicine, https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK356270/
  • Stanford Medicine, https://www.stanfordchildrens.org/en/topic/default?id=language-disorders-in-children-160-238
5/5 - (1 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *