Stress gây ung thư không? Mối liên hệ và điều cần biết

Stress là một trong các phản ứng tâm lý thường gặp của mỗi người. Nếu tình trạng này biểu hiện ở mức độ nhẹ thì có thể tạo thêm động lực giúp con người thích ứng tốt với cuộc sống. Tuy nhiên, căng thẳng stress kéo dài sẽ làm ảnh hưởng tiêu cực đối với sức khỏe và có thể gây ra căn bệnh ung thư quái ác. 

Stress Kéo Dài Có Thể Gây Ung Thư
Căng thẳng stress kéo dài là yếu tố nguy cơ có thể gây ra bệnh ung thơ

Stress (căng thẳng) là gì?

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), stress (căng thẳng) là tình trạng lo lắng, căng thẳng quá mức về mặt tinh thần xảy ra khi một người chịu áp lực về tinh thần, thể chất hoặc cảm xúc. Đây là phản ứng tự nhiên của cơ thể, thôi thúc chúng ta nỗ lực giải quyết các thách thức và những mối đe dọa trong cuộc sống.

Khi căng thẳng, cơ thể sẽ sản xuất ra nhiều cortisol, epinephrine và norepinephrine. Gây ra các phản ứng vật lý như tăng huyết áp, toát mồ hôi, căng thẳng cơ bắp, tăng lượng đường trong máu và khiến chúng ta tỉnh táo về mặt tinh thần.

Căng thẳng khiến cơ thể rơi vào trạng thái lo âu, cáu kỉnh, khó thư giãn, khó tập trung. Đặc biệt, căng thẳng mãn tính có thể làm trầm trọng các vấn đề về sức khỏe. Là nguyên nhân gia tăng nguy cơ mắc các rối loạn về sức khỏe tâm thần.

Stress có gây ung thư không?

Không có bằng chứng để có thể khẳng định stress gây ung thư. Mặc dù căng thẳng mãn tính có thể gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe, tuy nhiên, việc stress có gây ung thư hay không vẫn là vấn đề đang được nghiên cứu. Có rất nhiều kết quả khác nhau khi nghiên cứu về stress và ung thư.

Một nghiên cứu của Đại học Brighton, Đại học Sussex  và Trường Y Brighton đã chỉ ra rằng, những người đàn ông có mức cortisol cao và mức 8-OHdG trung bình cao có nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt cao đáng kể. Nghiên cứu tại Montreal, Canada cũng tìm thấy mối liên hệ giữa căng thẳng và ung thư tuyến tiền liệt.

Một nghiên cứu của Giáo sư Melanie Flint (Đại học Brighton) nhận thấy rằng, những phụ nữ có mức hormone glucocorticoid cortisol cao, liên quan đến căng thẳng có nguy cơ ung thư vú cao. Trong khi đó, một nghiên cứu ở hơn 100.000 phụ nữ Anh cho biết, không có mối liên hệ nào giữa căng thẳng và nguy cơ ung thư vú được ghi nhận.

Trong phân tích tổng hợp ở 142 nghiên cứu ở Châu Á, Châu Âu, Châu Mỹ và Châu Úc cho thấy, người thường xuyên căng thẳng có tỷ lệ mắc ung thư phổi cao. Một phân tích nghiên cứu tổng hợp đăng trên Tạp chí Ung thư Quốc tế 2019, chỉ ra có mối liên hệ giữa căng thẳng với nguy cơ ung thư phổi, ung thư trực tràng, ung thư thực quản…

Không thể khẳng định stress là nguyên nhân gây ra ung thư. Tuy nhiên, có thể nhận thấy mối liên hệ mật thiết giữa stress và ung thư. Stress là yếu tố gián tiếp, làm suy giảm sức khỏe, suy yếu hệ miễn dịch, tạo điều kiện để các tế bào ung thư phát triển.

Mối liên hệ giữa stress và bệnh ung thư

Stress không trực tiếp gây ra ung thư nhưng có liên quan mật thiết đến sự phát triển của tế bào ung thư. Có 3 vấn đề chính trong mối liên hệ giữa stress và ung thư như sau:

1. Stress làm suy yếu hệ miễn dịch, tạo điều kiện cho ung thư phát triển

Stress sẽ được chia thành 2 loại là ngắn hạn và mãn tính. Stress ngắn hạn chỉ xuất hiện trong thời gian ngắn và nhanh chóng biến mất. Trong khi đó stress mãn tính thì nguy hiểm hơn, nó kéo dài liên tục và không xác định được điểm kết thúc cụ thể.

Căng thẳng kéo dài có thể giết chết những tế bào não, làm suy giảm trí nhớ và gia tăng nguy cơ mắc phải bệnh ung thư. Giáo sư Anil K Sood(Đại học Texas) cho biết, khi stress kéo dài sẽ làm cho hệ miễn dịch của cơ thể bị suy yếu, từ đó khiến cho người bệnh dễ mắc phải các vấn đề sức khỏe như tiêu hóa, trầm cảm, tim mạch, ung thư,….

Stress khiến cơ thể sản sinh nội tiết tố có khả năng bất hoạt quá trình anoikis (quá trình ngăn ngừa và tiêu diệt tế bào ung thư). Stress cũng khiến cơ thể sản sinh ra nhiều hormone cortisol, có vai trò chuyển hóa Carbohydrate và chất béo.

Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí “Journal of Clinical Investigation” chỉ ra rằng, stress kéo dài làm tăng hormone gây stress – epinephrine. Có khả năng tạo ra những phản ứng sinh hóa có lợi cho sự lây lan và phát triển nhanh chóng của những tế bào ung thư vú.

Stress Kéo Dài Có Thể Gây Ung Thư
Phụ nữ làm việc căng thẳng quá mức có thể làm tăng nguy cơ bị ung thư vú lên đến 30%

Một số nhà khoa học Israel cũng đã thực hiện nhiều nghiên cứu và nhận thấy, những phụ nữ trẻ tuổi gặp phải các biến cố trong đời sẽ có nguy cơ ung thư vú cao. Những người phụ nữ đã từ trải nghiệm trên 2 biến cố nặng nề sẽ có 62% nguy cơ phát triển ung thư vú. Ngược lại, những người có lối sống lạc quan, yêu đời, ít gặp phải sự kiện đau buồn sẽ có nguy cơ mắc bệnh ung thư vú thấp hơn, khoảng 25%. .

2. Stress đẩy nhanh tốc độ di căn ung thư

Ngoài nguy cơ gây nên căn bệnh ung thư thì stress kéo dài còn có thể thúc đẩy nhanh tốc độ di căn của căn bệnh quái ác này. Qua một thực nghiệm được tiến hành trên chuột, các nhà nghiên cứu tại Úc đã nhận thấy tình trạng stress mãn tính có khả năng tạo ra một số biến đổi sinh lý, khiến cho các tế bào ung thư di căn với tốc độ rất nhanh đến những cơ quan khác trên cơ thể.

Cụ thế, các chuyên gia đã tìm ra Adrenalin – một chất dẫn truyền thần kinh được sản sinh bởi stress. Loại chất này có thể làm gia tăng kích thước và số lượng của những mạch bạch huyết bên trong và xung quanh khối u. Chúng làm gia tăng tỉ lệ của dòng chảy qua hệ thống của mạch bạch huyết và thúc đẩy các tế bào gây ung thư đi khắp cả cơ thể.

Một số nhà nghiên cứu của Mỹ cũng đã chứng minh và khẳng định về việc stress có thể làm phát tán các tế bào gây ung thư theo nhiều cách khác nhau. Khi căng thẳng kéo dài liên tục và không được kiểm soát tốt sẽ thúc đẩy quá trình sản xuất các yếu tố tăng trưởng khiến cho nguồn cấp máu gia tăng đáng kể, từ đó tốc độ phát triển các khối u ác tính cũng tăng nhanh đột ngột.

3. Người bệnh ung thư có nguy cơ bị stress cao

Bệnh ung thư và tình trạng stress kéo dài có mối quan hệ qua lại với nhau. Căng thẳng có thể dẫn đến ung thư và ngược lại những người bệnh ung thư cũng có nhiều khả năng bị stress, mệt mỏi, lo lắng quá mức. Thông thường, khi được chẩn đoán mắc phải chứng bệnh hiểm nghèo này thì hầu hết người bệnh đều bị cuốn vào những cảm xúc hoang mang, tiêu cực và bi quan.

Bên cạnh đó, quá trình điều trị ung thư vô cùng khó khăn và gian nan, người bệnh phải trải qua rất nhiều giai đoạn hóa trị, xạ trị và hàng loạt các ca phẫu thuật khác nhau. Điều này khiến cho bệnh nhân bị suy kiệt về cả sức khỏe thể chất lẫn tinh thần. Nhiều trường hợp không còn đủ nghị lực để cố gắng và dần cảm thấy chán nản, tuyệt vọng, đau khổ, căng thẳng.

Ngoài ra, tình trạng căng thẳng, stress ở người bệnh ung thư còn là yếu tố cản trở và gây khó khăn cho quá trình điều trị bệnh. Tâm lý không ổn định có thể làm cho người bệnh không thể theo đúng liệu trình điều trị ung thư và gây ảnh hưởng xấu đến kết quả điều trị. Do đó, việc sớm phát hiện và kiểm soát tốt tình trạng stress kéo dài cũng là một phần quan trọng đối với quá trình chữa trị ung thư.

Cách giảm stress, phòng ngừa bệnh ung thư

Những áp lực, thay đổi nhỏ trong cuộc sống đôi khi cũng là yếu tố khiến bạn trở nên căng thẳng và mệt mỏi. Đặc biệt là những người mắc bệnh ung thư càng phải chú ý nhiều hơn đối với sức khỏe tinh thần của mình. Việc xây dựng một lối sống lành mạnh sẽ giúp bạn phòng chống tốt tình trạng căng thẳng, stress kéo dài và ngăn ngừa nguy cơ mắc ung thư hiệu quả.

Stress Kéo Dài Có Thể Gây Ung Thư
Người bệnh ung thư nên duy trì tập luyện thể dục phù hợp để giảm stress nhanh chóng

Một số cách giảm stress và phòng ngừa bệnh ung thư mà bạn có thể áp dụng:

Sắp xếp thời gian biểu hợp lý

Hãy lên kế hoạch cụ thể cho lịch trình cả ngày của bạn. Sắp xếp các công việc phải thực hiện để tránh việc ôm đồm quá nhiều thứ cùng lúc. Mỗi người nên tự thiết lập cho mình một thời gian biểu trong ngày hoặc tuần để tránh tình trạng căng thẳng, mệt mỏi do khối lượng công việc quá nhiều.

Thường xuyên tập luyện thể dục

Tùy vào sức khỏe của mỗi người mà bạn nên lựa chọn các bài tập phù hợp và tập luyện với cường độ vừa phải. Mỗi ngày chỉ cần đi bộ khoảng 30 phút và duy trì 6 ngày/ tuần cũng sẽ giúp cho sức khỏe thể chất được gia tăng, giảm bớt các triệu chứng của stress. Tốt nhất bạn nên lựa chọn các không gian thoáng mát, môi trường thiên nhiên để sức khỏe được cải thiện tốt hơn.

Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh

Việc duy trì một chế độ ăn uống khoa học cũng góp phần quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe tổng thể của con người. Đặc biệt là những người bệnh ung thư cần phải chú ý bổ sung các thực phẩm dinh dưỡng để duy trì năng lượng tích cực, phòng tránh và kiểm soát stress hiệu quả.

Đảm bảo giấc ngủ

Những đối tượng bệnh nên chú ý nhiều hơn đến giấc ngủ của mình và duy trì thói quen ngủ tối thiểu 7 tiếng mỗi đêm. Giấc ngủ sẽ giúp cơ thể được nghỉ ngơi, thư giãn và phục hồi tốt nguồn năng lượng tích cực để xua tan các mệt mỏi và căng thẳng.

Dành thời gian để thư giãn

Cách để giảm stress hiệu quả đó chính là dành nhiều thời gian để thư giãn, nghỉ ngơi. Những lúc rảnh rỗi bạn có thể thực hiện một số hoạt động yêu thích như nghe nhạc, đọc sách, xem phim, chăm sóc cây cảnh,…để tinh thần được thoải mái hơn.

Chia sẻ với người thân

Việc tâm sự và nói về những lo lắng, khó khăn của bản thân cũng giúp cho bạn cảm thấy thoải mái hơn rất nhiều. Hãy cố gắng giao tiếp nhiều hơn với những người xung quanh để tinh thần được dễ chịu và xua tan bớt các suy nghĩ tiêu cực.

Căng thẳng, stress kéo dài có thể làm gia tăng nguy cơ gây ra bệnh ung thư và rất nhiều các vấn đề sức khỏe khác. Do đó, bạn cần phải giữ cho mình một tinh thần lạc quan, xây dựng lối sống lành mạnh để có được một cuộc sống thoải mái, phòng tránh tốt các nguy cơ gây hại cho sức khỏe.

Tham khảo thêm:

Nguồn tham khảo: 

  • National Cancer Institute: https://www.cancer.gov/about-cancer/coping/feelings/stress-fact-sheet
  • Standford Medicine: https://med.stanford.edu/survivingcancer/cancer-and-stress/stress-and-cancer.html
  • Medical News Today: https://www.medicalnewstoday.com/articles/145855
  • World Health Organization (WHO): https://www.who.int/news-room/questions-and-answers/item/stress
5/5 - (1 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *