Stress sau sinh: Nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết và điều trị

Stress sau sinh có liên quan đến rối loạn nội tiết tố và sự gia tăng hormone cortisol, epinephrine khi chuyển dạ. Các yếu tố này làm tăng mức độ nhạy cảm khiến mẹ bỉm dễ lo lắng, buồn bã, chán nản, mệt mỏi,… Dù không quá nguy hiểm nhưng stress kéo dài ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống, sức khỏe của mẹ và bé.

stress sau sinh là gì
Stress sau sinh là vấn đề khá phổ biến bên cạnh trầm cảm và rối loạn lo âu

Stress sau khi sinh là bệnh gì?

Bên cạnh trầm cảm sau khi sinh, stress (căng thẳng) cũng là vấn đề mà nhiều sản phụ gặp phải. Thực tế sau khi sinh nở, mẹ bỉm phải đối mặt với nhiều sự thay đổi về thể chất, tinh thần, thói quen ăn uống, sinh hoạt và phải tập làm quen với việc chăm sóc trẻ nhỏ. Những yếu tố này khiến cho mẹ bỉm không tránh khỏi tình trạng căng thẳng thần kinh.

Thực tế, stress là phản ứng thường gặp của cơ thể khi cố gắng thích nghi với những khó khăn và thay đổi từ môi trường. Do đó, tình trạng này không thực sự đáng lo ngại nếu chỉ diễn ra trong thời gian ngắn. Thông thường, cơ thể có thể tự điều chỉnh stress sau khoảng vài ngày đến vài tuần. Tuy nhiên ở phụ nữ sau khi sinh, sức khỏe suy giảm cộng với tinh thần không ổn định khiến stress có xu hướng kéo dài.

Stress có thể xảy ra sau khi sinh thường và sinh mổ. Nếu không có biện pháp khắc phục kịp thời, căng thẳng thần kinh có thể khiến mẹ bỉm phải đối mặt với nhiều vấn đề như suy nhược cơ thể, mất sữa, rụng tóc, thiếu máu, thậm chí có thể phát triển thành các rối loạn tâm lý – tâm thần như trầm cảm, rối loạn lo âu.

Nguyên nhân gây stress sau khi sinh

Có khá nhiều nguyên nhân gây stress sau khi sinh. Trong đó, luôn có vai trò của rối loạn nội tiết tố và những thay đổi về thể chất (huyết áp, thể tích máu, hệ miễn dịch và quá trình chuyển hóa). Những yếu tố này khiến tâm lý của mẹ bỉm trở nên nhạy cảm và có nguy cơ bị stress cao hơn bình thường.

Dưới đây là một số nguyên nhân gây stress sau khi sinh thường gặp:

1. Do sự gia tăng của hormone gây stress khi chuyển dạ

Khi chuyển dạ, cơ thể mẹ sẽ sản sinh một lượng lớn hormone cortisol và epinephrine (tăng lên khoảng 500%). Các hormone này tạo điều kiện để quá trình sinh nở diễn ra thuận lợi. Tuy nhiên sau khi sinh, nồng độ hormone trong cơ thể vẫn khá cao. Đây chính là nguyên nhân gây ra những vấn đề tâm lý ở sản phụ như căng thẳng, lo lắng, buồn bã, bi quan,…

Sự gia tăng của hormone gây stress trong quá trình sinh nở cũng là yếu tố gia tăng nguy cơ trầm cảm và rối loạn lo âu sau khi sinh. Vì vậy, bên cạnh việc chăm sóc sức khỏe thể chất, gia đình cần có sự quan tâm nhất định đến tinh thần của sản phụ.

2. Rối loạn nội tiết tố sau khi sinh

Sau khi sinh nở, hormone estrogen và progesterone giảm thấp đột ngột khiến tâm trạng của mẹ bỉm trở nên nhạy cảm, bất ổn hơn. Trong thời gian này, tác động dù nhỏ cũng có thể khiến mẹ bỉm bị căng thẳng và buồn bã quá mức.

Ngoài ra sau khi sinh, hormone tuyến giáp cũng có dấu hiệu suy giảm dẫn đến tình trạng mệt mỏi và cảm xúc bị giảm thấp. Đây chính là yếu tố thuận lợi gia tăng nguy cơ bị stress, lo âu và trầm cảm sau khi sinh.

3. Chưa thích nghi được với việc chăm sóc trẻ

Việc chăm sóc trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ thật sự không dễ dàng – nhất là với những người lần đầu tiên làm mẹ. Sau khi sinh, thể trạng mẹ bỉm chưa được phục hồi cộng với việc phải thức khuya cho trẻ bú và chăm sóc trẻ khiến không ít người gặp phải tình trạng mất ngủ, mệt mỏi và stress.

dau hieu bi stress sau sinh
Không ít mẹ bỉm bị stress do chưa thích nghi được với việc chăm sóc trẻ nhỏ

Thông thường sau một thời gian, mẹ bỉm sẽ biết cách điều chỉnh giờ giấc sinh hoạt của bé. Từ đó có thời gian để nghỉ ngơi, ngủ đủ giấc và thư giãn. Tuy nhiên, việc này cần phải có sự hỗ trợ từ người thân trong gia đình. Trong trường hợp gia đình neo người, bạn đời bận rộn với công việc, không ít mẹ bỉm phải tự mình chăm sóc con và phải đối mặt với nhiều vấn đề sức khỏe bao gồm cả stress – căng thẳng thần kinh.

4. Gặp phải nhiều vấn đề sức khỏe sau khi sinh

Sau khi sinh nở, mẹ bỉm phải đối mặt với rất nhiều vấn đề sức khỏe như đau ở vùng đáy chậu, tiểu không tự chủ, tắc tuyến sữa, rụng tóc, đau nhức cơ thể, mệt mỏi, rối loạn giấc ngủ,… Những vấn đề sức khỏe này cũng có thể là nguyên nhân gây stress sau khi sinh.

Ngoài ra, không ít mẹ bỉm bị stress do mất đi vóc dáng thon gọn vốn có, da bị rạn và chùng nhão. Đây là phản ứng thường gặp ở những người lần đầu tiên làm mẹ.

5. Các vấn đề tài chính

Các vấn đề tài chính là nguyên nhân gây stress khá phổ biến. Phụ nữ sau khi sinh luôn lo nghĩ về sức khỏe và tương lai của con cái. Do đó, tài chính eo hẹp hoặc các sự cố liên quan đến tài chính như chồng mất việc, bị cắt giảm lương, gia đình phá sản,… có thể khiến mẹ bỉm bị stress, thậm chí có thể phát triển thành trầm cảm.

nguyên nhân stress sau sinh
Vấn đề tài chính là một trong những nguyên nhân gây stress sau khi sinh thường gặp

6. Mâu thuẫn trong gia đình

Mang thai và sau khi sinh là thời điểm khá nhạy cảm. Ở thời điểm này, tâm trạng sẽ trở nên nhạy cảm và dễ bất ổn nếu có các yếu tố tác động. Trong đó, mâu thuẫn giữa các thành viên trong gia đình có thể là nguyên nhân khiến phụ nữ sau khi sinh bị stress, lo âu và suy nghĩ quá nhiều.

Mâu thuẫn có thể xảy ra giữa vợ và chồng hoặc với các thành viên khác trong gia đình như anh chị em, bố mẹ ruột, bố mẹ chồng,… Mâu thuẫn khiến mẹ bỉm luôn phải suy nghĩ, lo lắng nên khó có thể tránh khỏi căng thẳng thần kinh. Ngoài ra, mâu thuẫn cũng khiến gia đình thiếu sự quan tâm đến nhau dẫn đến tình trạng mẹ bỉm phải tự mình chăm sóc bản thân và con cái.

7. Một số nguyên nhân khác

Ngoài những nguyên nhân đã đề cập, phụ nữ sau khi sinh cũng có thể bị stress do các nguyên nhân và yếu tố sau:

  • Trẻ sinh ra bị dị tật bẩm sinh hoặc có các vấn đề về sức khỏe
  • Làm mẹ đơn thân và không nhận được sự ủng hộ, quan tâm từ gia đình
  • Stress sau sinh cũng có thể bắt nguồn từ những vấn đề trong đời sống tình dục như lãnh cảm, khó đạt khoái cảm, mất hứng thú, cảm thấy tự ti do mất đi vóc dáng thon gọn như trước.
  • Bạn đời ngoại tình, không quan tâm đến vợ con.
  • Yếu tố di truyền
  • Đối mặt với các sang chấn tâm lý như tai nạn giao thông, người thân mất đột ngột, hỏa hoạn,…
  • Có sẵn các vấn đề tâm lý trong thời gian mang thai
  • Tiền sử bị stress và trầm cảm sau khi sinh
  • Làm mẹ khi còn trẻ, thiếu kinh nghiệm sống và tài chính chưa vững vàng
  • Từng trải qua các biến chứng thai kỳ như sảy thai, thai chết lưu,…

Triệu chứng nhận biết phụ nữ sau khi sinh bị stress

Mẹ sau sinh thường bị stress (căng thẳng) trong thời gian ngắn và tình trạng sẽ thuyên giảm khi nội tiết tố ổn định. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp stress kéo dài dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe tâm thần và thể chất. Chính vì vậy, nhận biết sớm tình trạng stress sau khi sinh để có biện pháp khắc phục kịp thời là vô cùng cần thiết.

Các dấu hiệu nhận biết stress sau khi sinh:

1. Lo lắng và suy nghĩ quá nhiều

Sau khi sinh nở, mẹ bỉm thường có xu hướng lo lắng nhiều cho sức khỏe của bản thân và trẻ nhỏ. Tuy nhiên, nếu lo lắng và suy nghĩ quá mức, đây có thể là dấu hiệu của stress. Theo các chuyên gia, mẹ bỉm thường dành nhiều thời gian để suy nghĩ về nguyên nhân gây đau lưng, đau vùng chậu, đau ngực,… Đồng thời lo lắng về việc chăm sóc và tương lai của con trẻ.

triệu chứng stress sau sinh
Lo lắng, suy nghĩ quá nhiều là triệu chứng điển hình của stress ở phụ nữ sau khi sinh

Với những người lần đầu tiên làm mẹ, cảm giác lạ lẫm khiến không ít người cảm thấy căng thẳng và lo lắng quá mức khi chăm sóc trẻ. Nếu không có sự đồng hành từ bạn đời và người thân, cảm giác lo lắng có thể kéo dài dẫn đến stress và nhiều vấn đề tâm lý khác.

2. Mệt mỏi kéo dài – Biểu hiện của stress ở phụ nữ sau sinh

Sau khi trải qua quá trình sinh nở, cơ thể cần một khoảng thời gian để hồi phục hoàn toàn. Tuy nhiên nếu bị stress, cảm giác mệt mỏi có thể kéo dài trong nhiều tháng. Nguyên nhân là do khi căng thẳng thần kinh, cơ thể sản sinh nhiều hormone gây stress như cortisol, norepinephrine, adrenaline,… Các hormone này gây ra cảm giác mệt mỏi, uể oải, chán nản, tim đập nhanh, hồi hộp và bất an.

3. Căng cơ, đau nhức cơ thể

Khi bị căng thẳng thần kinh, mẹ bỉm sẽ gặp phải tình trạng căng cơ do ảnh hưởng của các hormone gây stress. Do đó, stress sau khi sinh cũng có thể biểu hiện qua một số dấu hiệu như căng cơ, đau vùng vai gáy, đau lưng và nhức mỏi toàn bộ cơ thể.

Nếu để kéo dài, tình trạng căng cơ ở vùng cổ vai gáy có thể dẫn đến đau đầu, choáng đầu, hoa mắt do giảm lưu lượng máu lên não. Vì vậy khi nhận thấy đau cơ và xương khớp kéo dài, mẹ bỉm nên có các biện pháp khắc phục sớm để phòng tránh những vấn đề sức khỏe liên quan đến stress.

4. Rối loạn giấc ngủ

Stress và rối loạn giấc ngủ là hai vấn đề sức khỏe có tác động qua lại lẫn nhau. Phụ nữ sau sinh bị stress sẽ phải đối mặt với những vấn đề về giấc ngủ như mất ngủ, ngủ không ngon giấc, dễ thức giấc và đôi khi gặp phải ác mộng.

phụ nữ sau khi sinh bị stress
Stress sau khi sinh thường đi kèm với các vấn đề liên quan đến giấc ngủ như khó ngủ, mất ngủ, ngủ chập chờn,…

Ban đầu, tình trạng này thường do trẻ quấy khóc vào ban đêm. Tuy nhiên, việc lo lắng và suy nghĩ quá nhiều do stress cũng là nguyên nhân khiến giấc ngủ của mẹ bị gián đoạn. Ngoài ra, rối loạn giấc ngủ ở phụ nữ sau khi sinh cũng có thể xảy ra do rối loạn nội tiết tố và các vấn đề sức khỏe thường gặp như đau mỏi vai gáy, đau vùng chậu, rối loạn kinh nguyệt, thiếu máu,…

5. Mất tập trung và giảm trí nhớ

Mất tập trung, suy giảm trí nhớ,… là những biểu hiện thường gặp của stress (căng thẳng thần kinh). Ở phụ nữ sau khi sinh, các biểu hiện này có thể bị nhầm lẫn với suy nhược cơ thể thông thường. Do ảnh hưởng của quá trình sinh nở, mẹ bỉm sẽ phải đối mặt với tình trạng suy giảm trí nhớ, khó tập trung và đãng trí.

Tuy nhiên nếu bị stress, tình trạng này thường có mức độ nghiêm trọng và kéo dài hơn. Trong trường hợp không được điều trị sớm, mẹ bỉm rất khó để quay trở lại với công việc và gặp nhiều phiền toái trong cuộc sống.

6. Buồn bã, bi quan

Tâm trạng buồn bã, bi quan cũng là dấu hiệu thường gặp ở mẹ bỉm bị stress và căng thẳng. Khi phải đối mặt với nhiều mối bận tâm, phụ nữ sau khi sinh sẽ hình thành tâm lý buồn chán, tiêu cực, uể oải và mệt mỏi. Nếu để kéo dài, cảm giác buồn bã và chán nản có thể sâu sắc theo thời gian, từ đó phát triển thành các dạng rối loạn tâm lý như rối loạn cảm xúc, rối loạn lo âu và bệnh trầm cảm.

7. Các triệu chứng khác

Ngoài những triệu chứng trên, mẹ sau sinh bị stress còn có một số dấu hiệu như:

mẹ stress sau sinh
Mẹ bị stress sau sinh cũng có thể gặp phải tình trạng chán ăn, ăn uống kém và sụt cân đột ngột
  • Chán ăn, ăn uống kém, táo bón, đầy hơi,…
  • Đau đầu, choáng đầu, hoa mắt
  • Da sạm nám, rụng tóc
  • Cơ thể mệt mỏi, suy nhược và thiếu sức sống
  • Giảm tính linh hoạt, nhạy bén, suy nghĩ chậm chạp
  • Tâm trạng bất ổn, dễ cáu gắt và đôi khi nổi nóng vì những vấn đề không quá nghiêm trọng
  • Sụt cân hoặc tăng cân không kiểm soát

Mẹ bị stress sau sinh có ảnh hưởng gì không?

Stress là vấn đề thường gặp ở phụ nữ sau sinh bên cạnh những bệnh lý thể chất như rụng tóc, rạn da, suy nhược cơ thể, rối loạn tiêu hóa,… Thống kê cho thấy, căng thẳng ảnh hưởng đến hơn 80% mẹ bỉm và đây là phản ứng hoàn toàn bình thường do tác động của hormone. Tuy nhiên, điều quan trọng là mẹ bỉm cần phải biết cách kiểm soát stress để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và đảm bảo sự phát triển của trẻ nhỏ.

Nếu để kéo dài, stress sau khi sinh có thể gây ra những ảnh hưởng sau:

  • Mất sữa, giảm chất lượng sữa khiến trẻ chậm phát triển, sức khỏe kém và dễ mắc các bệnh truyền nhiễm
  • Sức khỏe của mẹ bỉm bị ảnh hưởng, dễ sụt cân, suy nhược,…
  • Stress kéo dài còn gia tăng nguy cơ trầm cảm, rối loạn cảm xúc, rối loạn lo âu,…
  • Làm nghiêm trọng các bệnh lý sẵn có ở mẹ bỉm
  • Gia tăng mâu thuẫn trong gia đình do tâm lý bất ổn, dễ nổi nóng
  • Mẹ bỉm bị stress cần nhiều thời gian hơn để quay trở lại với công việc do tâm lý bất ổn, giảm trí nhớ và khó tập trung.

Stress sau khi sinh gây ra nhiều ảnh hưởng đối với sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Nếu không được điều trị, mẹ bỉm có thể bị trầm cảm, rối loạn lo âu, từ đó gia tăng ý nghĩ và hành vi tự sát. Trong những năm gần đây, tỷ lệ phụ nữ sau khi sinh có các hành vi tự hủy hoại và tự sát là không nhỏ. Do đó, chính bản thân mẹ bỉm và người thân trong gia đình cần có sự quan tâm đến sức khỏe thể chất và tinh thần.

Bị stress sau sinh phải làm sao? Các phương pháp điều trị hiệu quả

Stress sau khi sinh là vấn đề khá phổ biến nên mẹ bỉm không nên quá lo lắng khi gặp phải. Nếu điều trị kịp thời và đúng cách, các triệu chứng do stress gây ra sẽ thuyên giảm dần theo thời gian. Trong trường hợp đang băn khoăn “Bị stress sau sinh phải làm sao?”, mẹ bỉm có thể tham khảo một số phương pháp điều trị hiệu quả sau:

1. Chia sẻ và nhận sự hỗ trợ từ người thân

Sư quan tâm, chia sẻ từ người thân trong gia đình là “liều thuốc” hiệu quả nhất đối với stress và trầm cảm sau sinh. Thay vì giữ sự lo lắng, mẹ bỉm nên chia sẻ với bạn đời những vấn đề mà bản thân đang suy nghĩ để nhận được sự chia sẻ và đồng cảm.

Thực tế, phụ nữ sau khi sinh có thể nghĩ nhiều về những vấn đề không quá nghiêm trọng do rối loạn nội tiết làm tăng mức độ nhạy cảm. Vì vậy thay vì gạt đi, người thân cần lắng nghe và đưa ra lời khuyên để mẹ bỉm có thể an tâm trong việc chăm sóc bản thân và con cái.

bi stress sau sinh phai lam sao
Sự hỗ trợ từ bạn đời và những người thân trong gia đình sẽ giúp mẹ bỉm giảm stress, lo lắng nhanh chóng

Ngoài ra, nên chia sẻ việc nhà và chăm sóc trẻ với người thân để có thời gian nghỉ ngơi. Khi được nghỉ ngơi điều độ và ngủ đủ giấc, những cảm xúc tiêu cực như căng thẳng, lo lắng, buồn bã và chán nản sẽ thuyên giảm dần. Hơn nữa khi được người thân quan tâm và chia sẻ, phụ nữ sau sinh sẽ cảm thấy bản thân được trân trọng, từ đó hạn chế những suy nghĩ tiêu cực và bi quan.

2. Tổ chức lại lối sống

Sau khi sinh nở, thời gian biểu của mẹ sẽ bị xáo trộn bởi giờ giấc sinh hoạt của trẻ. Khác với người trưởng thành, trẻ sơ sinh dành khá nhiều thời gian để ngủ, giấc ngủ thường ngắn và hay tỉnh giấc vào ban đêm. Do đó, mẹ bỉm cần thiết lập thời gian biểu cho bé để đảm bảo bản thân có đủ thời gian để nghỉ ngơi và ngủ đủ giấc.

Để có thời gian nghỉ ngơi, mẹ bỉm nên hút sữa và bảo quản trong tủ lạnh. Đồng thời nhờ người thân trong gia đình hỗ trợ việc hâm nóng sữa và cho trẻ bú để giấc ngủ không bị gián đoạn. Khi trẻ lớn hơn, nên giảm thời gian ngủ vào ban ngày để trẻ ngủ nhiều và sâu giấc hơn vào ban đêm.

mẹ sau sinh bị stress
Mẹ nên điều chỉnh giờ ăn – ngủ của bé để có thời gian nghỉ ngơi và chăm sóc bản thân

Khi trẻ ngủ, mẹ nên kéo rèm để não bộ của trẻ nhận biết đã đến thời gian ngủ. Cách này sẽ giúp trẻ ăn – ngủ đúng giờ, từ đó giúp mẹ bỉm dễ dàng xây dựng lối sống lành mạnh. Bên cạnh việc đảm bảo thời gian ngủ nghỉ, mẹ bỉm cũng cần ăn uống điều độ và tập thể dục thường xuyên. Ngoài các món ăn giàu dinh dưỡng, nên bổ sung món ăn giảm stress căng thẳng để xoa dịu cảm xúc tiêu cực và mang lại tinh thần thoải mái.

3. Áp dụng các biện pháp thư giãn

Khi sinh nở, các hormone gây stress sẽ được giải phóng với nồng độ cao. Do đó, mẹ bỉm sẽ dễ bị căng thẳng, hay suy nghĩ, lo âu và căng cơ trong khoảng vài tháng đầu. Để giải tỏa stress và giảm các triệu chứng đi kèm, nên thực hiện một số biện pháp thư giãn như:

bị stress sau khi sinh
Ngồi thiền là một trong những cách giải tỏa stress hữu hiệu, an toàn với phụ nữ sau khi sinh
  • Ngồi thiền: Ngồi thiền là liệu pháp thư giãn mang lại hiệu quả cao. Liệu pháp này không tác động quá nhiều đến xương khớp nên có thể thực hiện ngay sau khi sinh nở. Ngồi thiền giúp thư giãn các cơ, điều hòa huyết áp, nhịp thở và ổn định nội tiết tố. Đồng thời giúp giải tỏa căng thẳng và giảm các cảm xúc tiêu cực như lo âu, phiền muộn, chán nản, bi quan.
  • Ngâm nước ấm: Sau khi sinh nở, cơ thể thường bị đau nhức nhiều. Để cải thiện, mẹ bỉm có thể ngâm mình với nước ấm cùng các loại thảo dược như lá trầu không, chè xanh và ngải cứu. Biện pháp này có thể giảm đau cơ, thúc đẩy tuần hoàn máu, từ đó cải thiện tình trạng đau mỏi xương khớp, nhức đầu và mang lại cảm giác thư thái.
  • Dùng trà hoa cúc: Trà hoa cúc là loại trà không chứa caffeine và an toàn với phụ nữ đang cho con bú. Nhờ có hàm lượng apigenin dồi dào, loại trà này có tác dụng an thần, thư giãn. Do đó, mẹ sau sinh bị stress, mất ngủ và khó ngủ có thể dùng 1 tách trà hoa cúc vào mỗi buổi tối.
  • Liệu pháp mùi hương: Liệu pháp mùi hương là biện pháp thư giãn hiệu quả, an toàn với phụ nữ sau khi sinh. Liệu pháp này sử dụng mùi hương để tạo cảm giác thư giãn, giải tỏa căng thẳng thần kinh và mang lại tinh thần thoải mái. Tùy theo sở thích, mẹ bỉm có thể ngửi trực tiếp tinh dầu, thêm tinh dầu vào nước tắm, máy khuếch tán hoặc pha tinh dầu với các loại dầu nền để massage, chăm sóc da, tóc và móng. Với phụ nữ sau sinh, nên chọn các loại tinh dầu có tính ấm như quế, vỏ cam, khuynh diệp,…
  • Tập thể dục: Khi cơ thể đã được phục hồi, mẹ bỉm nên dành 30 phút mỗi ngày để thực hiện các bài tập nhẹ nhàng. Tập thể dục giúp cải thiện độ dẻo dai của xương khớp và thúc đẩy cơ thể phục hồi nhanh chóng hơn. Ngoài ra khi luyện tập, cơ thể sẽ sản sinh endorphin, mang lại cảm giác phấn chấn và thoải mái.

4. Tư vấn, trị liệu tâm lý

Trên thực tế, stress sau sinh do một số vấn đề như sức khỏe, tài chính, mâu thuẫn trong gia đình,… thường rất khó khắc phục. Nếu cần thiết, phụ nữ sau khi sinh nên tìm gặp chuyên gia tâm lý để được tư vấn/ trị liệu kịp thời.

Liệu pháp này được thực hiện bằng hình thức giao tiếp nhằm giúp mẹ bỉm nhận ra vấn đề mà bản thân đang gặp phải, đồng thời đánh giá khách quan hơn mức độ nghiêm trọng của những vấn đề này. Đối với tư vấn tâm lý, chuyên gia sẽ đưa ra những lời khuyên hữu ích để mẹ bỉm biết cách điều chỉnh tâm trạng và tìm hướng giải quyết thỏa đáng cho các vấn đề xảy ra trong cuộc sống.

giai đoạn stress sau sinh
Trong trường hợp cần thiết, mẹ bỉm nên tiếp nhận trị liệu tâm lý để vượt qua giai đoạn stress sau khi sinh

Trị liệu tâm lý thường được thực hiện nếu stress sau sinh xảy ra do các sang chấn tâm lý như gia đình vỡ nợ, chồng mất việc, người thân mất đột ngột, từng bị mất con, trải qua biến chứng thai kỳ,… Liệu pháp này sẽ giúp mẹ bỉm vượt qua nỗi đau tinh thần và hướng đến những điều tốt đẹp hơn. Đồng thời trị liệu tâm lý cũng giúp phụ nữ sau khi sinh có tâm thế vững vàng và có thể đối mặt với những vấn đề, khó khăn trong cuộc sống.

Can thiệp tư vấn, trị liệu tâm lý sẽ giúp mẹ bỉm giảm stress và chủ động trong việc điều chỉnh những cảm xúc tiêu cực như lo lắng, phiền muộn, bi quan, buồn bã,… Từ đó giúp phục hồi cả sức khỏe thể chất, tinh thần và phòng ngừa được những rối loạn tâm lý thường gặp sau khi sinh như trầm cảm, rối loạn lo âu.

5. Sử dụng thuốc

Khi có dấu hiệu stress nặng, cần đến ngay bệnh viện để được thăm khám và điều trị sớm. Bởi stress nặng có thể gây ra nhiều hệ lụy và tình huống đáng tiếc. Đối với phụ nữ đang cho con bú, sử dụng thuốc có thể ảnh hưởng đến nguồn sữa và gây ra một số tác dụng không mong muốn. Tuy nhiên trên thực tế, bác sĩ vẫn sẽ cân nhắc dùng thuốc trong trường hợp cần thiết.

Thông thường, mẹ bị stress sau sinh sẽ được chỉ định dùng các viên uống bổ não, viên uống bổ sung vitamin và khoáng chất tốt cho hệ thần kinh. Sử dụng các sản phẩm này kết hợp với lối sống lành mạnh có thể kiểm soát stress hiệu quả. Trong trường hợp stress gây ra các triệu chứng có mức độ nặng, bác sĩ xem xét việc sử dụng thuốc an thần và thuốc chống trầm cảm.

Phòng ngừa stress ở phụ nữ sau khi sinh

Stress ở phụ nữ sau khi sinh là nguồn cơn của nhiều vấn đề sức khỏe và gây ra không ít phiền toái trong cuộc sống. Chính vì vậy sau khi sinh nở, bản thân mẹ bỉm và những người thân trong gia đình cần hỗ trợ để phòng ngừa tình trạng này.

điều trị stress sau sinh
Người thân nên động viên, chia sẻ với mẹ bỉm để có thể phòng ngừa stress và các vấn đề tâm lý thường gặp

Các biện pháp phòng ngừa stress ở phụ nữ sau khi sinh:

  • Người thân cần động viên, lắng nghe và chia sẻ với phụ nữ sau khi sinh để tránh mẹ bỉm hình thành tâm lý buồn bã, bi quan và chán nản.
  • Gia đình cần tham gia vào việc chăm sóc trẻ nhỏ để phụ nữ sau khi sinh có thời gian ngủ nghỉ và chăm sóc bản thân.
  • Trong trường hợp mẹ bỉm có tiền sử trầm cảm và stress nặng sau khi sinh, bác sĩ sẽ xem xét tiêm progesterone liều cao. Liệu pháp này có thể phòng ngừa stress và các vấn đề tâm lý nghiêm trọng sau khi sinh nở.
  • Bản thân mẹ bỉm cũng cần thay đổi suy nghĩ, gạt bỏ những cảm xúc tiêu cực để giữ tinh thần ổn định và thoải mái. Ngoài ra, nên giữ lối sống lành mạnh và chia sẻ trực tiếp với bạn đời nếu bản thân cảm thấy lo lắng và suy nghĩ quá mức.
  • Nếu chưa mang thai, bạn nên chuẩn bị vững vàng về tài chính, sức khỏe thể chất và tinh thần để hạn chế tối đa các vấn đề tâm lý trong thai kyyf và sau khi sinh. Bên cạnh đó, có sự chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi mang thai cũng giúp bạn dễ dàng hơn khi chăm sóc con trẻ.

Stress sau khi sinh có thể xảy ra cả trường hợp sinh thường và sinh mổ. Hy vọng qua bài viết, bạn đọc đã nắm rõ nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết và cách điều trị stress an toàn. Nếu cần thiết, nên tìm gặp bác sĩ tâm lý khi các biện pháp tại nhà không mang lại hiệu quả.

Tham khảo thêm:

Rate this post

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *