Stress mệt mỏi ở người cao tuổi: Nguyên nhân và phòng ngừa
Stress mệt mỏi ở người cao tuổi thường có liên quan đến sự thoái hóa của hệ thần kinh, mâu thuẫn trong gia đình, mắc các bệnh mãn tính, nan y,… So với người trẻ, sức khỏe của người già suy sụp nhanh chóng và bị ảnh hưởng nặng nề hơn nếu stress kéo dài.
Stress mệt mỏi ở người cao tuổi – Dấu hiệu nhận biết
Stress (căng thẳng) thường gặp ở sinh viên, người làm các công việc trí óc, thường xuyên phải đối mặt với áp lực và những vấn đề khó khăn trong cuộc sống. Tuy nhiên, stress cũng có thể gặp ở người cao tuổi (đặc biệt là người trên 60 tuổi).
Người cao tuổi hầu như đã về hưu nên không phải chịu áp lực từ công việc và đây thường là giai đoạn để hưởng thụ cuộc sống và vui khỏe bên con cháu. Bên cạnh đó, cũng có không ít người già phải đối mặt với nhiều vấn đề nhưng không còn sức khỏe và năng lực để giải quyết nên dễ bị stress – căng thẳng thần kinh.
So với người trẻ tuổi, tình trạng mệt mỏi và stress ở người già khó phát hiện hơn. Do đặc điểm chung của người cao tuổi là buồn bực, khó tính, mệt mỏi, dễ bị đau đầu và mất ngủ. Nếu không chú ý đến những dấu hiệu bất thường của bố mẹ/ ông bà, stress có thể phát triển dẫn đến nhiều vấn đề tâm lý và thể chất.
Các dấu hiệu nhận biết stress, mệt mỏi ở người cao tuổi:
- Tâm trạng buồn bực, khó chịu hay cáu gắt, nổi nóng
- Khuôn mặt thể hiện rõ sự căng thẳng và phiền muộn
- Khó ngủ, mất ngủ, ngủ chập chờn và không sâu giấc
- Stress ở người già cũng gây ra các triệu chứng thể chất như nhức mỏi, đau đầu, rối loạn tiêu hóa, mệt mỏi, choáng đầu, hoa mắt, suy giảm trí nhớ,…
Các nguyên nhân gây stress ở người già thường gặp
Stress, mệt mỏi ở người già thường không liên quan đến áp lực trong công việc và học tập vì đa phần người cao tuổi đều đã về hưu. Mặc dù vậy, người già vẫn có thể bị stress do nhiều nguyên nhân khác nhau bao gồm:
1. Do hệ thần kinh bị lão hóa
Yếu tố trực tiếp gây ra tình trạng căng thẳng (stress), mệt mỏi ở người già là do hiện tượng lão hóa của hệ thần kinh. Khi bước vào tuổi trung niên, các cơ quan trong cơ thể sẽ bắt đầu quá trình lão hóa và quá trình này sẽ trở nên rõ rệt khi bước sang tuổi 60. Về cơ bản, lão hóa chính là quá trình tự nhiên của cơ thể với đặc điểm là sự suy giảm về chức năng, cấu tạo của tất cả các tế bào trong cơ thể.
Khi hệ thần kinh bị thoái hóa, cảm xúc, tư duy và hành vi ở người già sẽ trở nên nhạy cảm hơn. Đồng thời ngưỡng chịu đựng với stress cũng giảm đi đáng kể. Chính vì vậy, chỉ với một tác động nhỏ, người già có thể nảy sinh ý nghĩ bi quan, tiêu cực và bị stress.
Ngoài ra khi hệ thần kinh bị lão hóa, người già sẽ đối mặt với nhiều vấn đề như suy giảm trí nhớ, giảm tính nhạy bén, linh hoạt và giảm khả năng ngôn ngữ. Lúc này, người cao tuổi sẽ khó có thể diễn đạt được hết suy nghĩ của bản thân khiến cho những người xung quanh không hiểu rõ. Từ đó gia tăng nguy cơ stress, rối loạn lo âu, trầm cảm và nhiều rối loạn tâm lý khác.
2. Do tâm lý trở thành gánh nặng của gia đình
Những người cao tuổi rất dễ hình thành tâm lý bản thân vô dụng và trở thành gánh nặng của gia đình khi không thể tạo ra thu nhập – nhất là trong trường hợp gia đình khó khăn và bản thân người già mắc phải các bệnh lý mãn tính.
Khi còn trẻ, với sức khỏe và năng lực sẵn có, bản thân mỗi người sẽ dễ dàng vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Tuy nhiên khi đã già, những gánh nặng sẽ dồn lên vai của con cái khiến người già không tránh khỏi tâm lý bi quan và những suy nghĩ tiêu cực.
Ngoài ra, người già cũng bị hạn chế môi trường giao tiếp và ít có cơ hội gặp gỡ bạn bè. Thông thường, người cao tuổi thường ít chia sẻ và đề cập đến những vấn đề phiền muộn vì sợ con cháu lo lắng. Do đó nếu không được chia sẻ, những cảm xúc và suy nghĩ tiêu cực bị dồn nén cũng là nguyên nhân gây stress.
3. Ảnh hưởng của các bệnh mãn tính
Khi bước sang giai đoạn tuổi già, tất cả các cơ quan trong cơ thể đều phải đối mặt với quá trình lão hóa. Vì vậy, người già thường mắc các bệnh lý mãn tính như cao huyết áp, tiểu đường, sa sút trí nhớ, viêm đại tràng,… Các bệnh lý này cũng là nguyên nhân gây stress ở người cao tuổi, trong đó phổ biến nhất là bệnh tiểu đường.
Khi mắc các bệnh mãn tính, cơ thể thường xuyên phải đối mặt với sự mệt mỏi, cơn đau và cảm giác khó chịu. Tình trạng này kéo dài gây ra tâm lý bức bối, căng thẳng và gia tăng nguy cơ bị stress. Ngoài ra, các bệnh mãn tính cũng khiến cho người già khó có thể chủ động trong việc đi lại, sinh hoạt phải sống lệ thuộc vào gia đình. Từ đó khiến không ít người hình thành suy nghĩ bản thân đang trở thành gánh nặng của gia đình.
Quá trình điều trị các bệnh mãn tính thường phải kéo dài trong suốt cả cuộc đời nhưng đôi khi không mang lại hiệu quả. Tình trạng này cũng có thể khiến người già bị căng thẳng, cảm thấy bản thân vô dụng vì tiêu tốn quá nhiều tiền bạc và thời gian của con cái.
Hơn nữa khi chứng kiến sự ra đi của những người bạn thân thiết, không ít người già rơi vào trạng thái buồn bã, u uất, bi quan,… Tác động này cũng với sự thoái hóa của tế bào thần kinh chính là nguyên nhân dẫn đến stress và nhiều vấn đề tâm lý ở người cao tuổi.
4. Do sang chấn tâm lý
Tương tự như stress ở người trẻ tuổi, người già cũng có thể bị căng thẳng thần kinh khi phải trải qua các sang chấn tâm lý như:
- Cái chết đột ngột của người thân
- Bị chẩn đoán mắc các bệnh nan y
- Gia đình phải đối mặt với tổn thất kinh tế nặng nề
- Con cái không hòa thuận, gia đình mâu thuẫn do tranh chấp tài sản,…
- Người thân mắc phải các bệnh lý nan y, khó chữa trị (thường là bạn đời hoặc con cháu trong gia đình)
- Tai nạn bất ngờ (hỏa hoạn, thiên tai, tai nạn giao thông,…)
5. Không nhận được sự quan tâm từ người thân
Stress, mệt mỏi ở người già có thể do người thân ít quan tâm và trò chuyện. Như đã đề cập, người cao tuổi bị hạn chế về các mối quan hệ, khả năng giao tiếp giảm và không bắt kịp với sự thay đổi của xã hội nên rất dễ buồn bã, chán nản.
Thực tế, không ít gia đình không có thời gian trò chuyện với ông bà và bố mẹ do quá bận rộn với công việc. Điều này khiến cho người cao tuổi dễ buồn bực, chán nản, cảm thấy bản thân vô dụng và thừa thãi – nhất là khi người già mắc các bệnh mãn tính và không thể chủ động đi lại hay sinh hoạt.
Stress ở người già có ảnh hưởng gì không?
Ở người trẻ tuổi, stress (căng thẳng) làm giảm hiệu suất học tập, lao động, gia tăng mâu thuẫn trong các mối quan hệ và tăng tỷ lệ sử dụng rượu bia, thuốc lá, chất kích thích,… Tuy nhiên đối với người già, ảnh hưởng lớn nhất của stress là sức khỏe thể chất và tâm thần. Lúc này, tất cả các cơ quan trong cơ thể đều phải đối mặt với quá trình lão hóa nên việc sức khỏe sẽ suy giảm nhanh chóng nếu stress kéo dài.
Các ảnh hưởng của stress đối với người cao tuổi:
- Rối loạn giấc ngủ: Stress khiến cho người cao tuổi bị mất ngủ, khó ngủ và dễ thức giấc. Chất lượng giấc ngủ giảm đồng nghĩa với việc cả thể chất và tinh thần đều giảm sút. Hơn nữa, tình trạng này kết hợp với sự suy giảm của các hệ thần kinh cũng khiến cho rối loạn giấc ngủ trở nên nghiêm trọng hơn.
- Gia tăng nguy cơ mắc các rối loạn tâm lý: Tương tự như người trẻ, stress ở người già cũng làm gia tăng nguy cơ mắc các rối loạn tâm lý như rối loạn lo âu, bệnh trầm cảm, rối loạn hoang tưởng và nhiều vấn đề khác. Ở người già, hệ thần kinh bị thoái hóa và ngưỡng chịu đựng stress cũng giảm đi đáng kể. Chính vì vậy, nguy cơ mắc các rối loạn tâm lý sẽ cao hơn so với người trẻ tuổi.
- Tăng nguy cơ mắc các bệnh thể chất: Không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần, stress ở người già cũng gia tăng nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe thể chất như tiểu đường, cao huyết áp, đau nhức xương khớp, sa sút trí tuệ, bệnh Alzheimer,… Ngoài ra, stress còn đẩy nhanh tốc độ lão hóa và gia tăng các chất gây viêm trong cơ thể. Đây chính là yếu tố làm tăng mức độ nghiêm trọng của những bệnh lý sẵn có và hậu quả là làm giảm tuổi thọ.
Ngoài những ảnh hưởng đối với sức khỏe, stress và mệt mỏi ở người cao tuổi còn làm giảm chất lượng cuộc sống. Khi bị stress, người già khó có thể kiểm soát được tâm trạng và lời nói. Nếu những người xung quanh không thấu hiểu và chia sẻ, rất dễ xảy ra tình trạng tự cô lập và sống khép kín. Hơn nữa, tâm trạng bất ổn do stress cũng gia tăng mâu thuẫn với bạn đời, con cái và người thân trong gia đình.
Các biện pháp khắc phục stress, mệt mỏi ở người cao tuổi
Stress, mệt mỏi ở người cao tuổi gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng cả về sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Nếu phát hiện sớm, tình trạng này sẽ nhanh chóng cải thiện sau một thời gian ngắn. Tuy nhiên với những trường hợp stress nặng, gia đình cần xem xét việc thăm khám và điều trị y tế.
1. Dành thời gian chăm sóc ông bà, bố mẹ
Phần lớn những trường hợp người già bị stress là do thiếu sự quan tâm, chia sẻ từ con cháu. Tương tự như người trẻ, người già cũng cần có người để chia sẻ những buồn vui trong cuộc sống, lắng nghe và đồng cảm những vấn đề vướng mắc. Do đó, trong gia đình nên có người lắng nghe và chia sẻ để người già luôn có cảm giác được quan tâm.
Nếu gia đình quá bận rộn, hãy dành chút ít thời gian vào buổi tối để trò chuyện với ông bà, bố mẹ. Những khoảnh khắc dù rất nhỏ thôi cũng giúp tâm trạng của người già trở nên thoải mái và thư giãn hơn. Trong trường hợp gia đình không có người có ở nhà vào ban ngày, có thể cân nhắc cho bố mẹ/ ông bà sinh hoạt tại các trung tâm dành riêng cho người cao tuổi. Tại đây, người già sẽ dễ dàng tìm bạn bè và có cơ hội gặp gỡ, giao lưu với những người có cùng sở thích, suy nghĩ.
Hiện nay ngoài các trung tâm dưỡng lão, một số trung tâm chỉ đón nhận người già vào ban ngày, sau đó người nhà sẽ đến đón vào buổi chiều tối nên rất thích hợp với những gia đình neo người, bận rộn với công việc.
Bên cạnh việc giúp các cụ ông, cụ bà mở rộng mối quan hệ và được lắng nghe, chia sẻ, các trung tâm còn có các hoạt động cộng đồng để người cao tuổi có thể tham gia. Các hoạt động này vừa giúp người già giải tỏa căng thẳng vừa mang đến tâm trạng lạc quan, tích cực hơn.
2. Giúp người già xây dựng lối sống lành mạnh
Bên cạnh việc lắng nghe và chia sẻ, gia đình cũng cần xây dựng lối sống lành mạnh để cải thiện thể chất và tinh thần cho người cao tuổi. Khi bước vào giai đoạn tuổi già, sức khỏe sẽ suy giảm rõ rệt. Do đó, cần duy trì lối sống lành mạnh để đẩy lùi bệnh tật nói chung và stress nói riêng.
Lối sống lành mạnh giúp cải thiện tình trạng stress ở người già:
- Xây dựng chế độ dinh dưỡng phù hợp với hàm lượng chất xơ, tinh bột, đạm và khoáng chất cân đối. Nên hạn chế chất béo bão hòa, đường và caffeine bởi các thành phần này đều gia tăng mức độ lo âu, căng thẳng. Ngoài ra, chất béo và đường còn tăng nguy cơ bị tiểu đường, cao huyết áp và nhiều bệnh lý mãn tính khác.
- Khuyến khích người già ăn đủ bữa để cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho cơ thể. Khi về già, vị giác giảm cộng với tâm trạng không ổn định nên khá nhiều người gặp phải tình trạng bỏ ăn và chán ăn.
- Ngoài ra, gia đình nên cùng ông bà/ bố mẹ tập thể dục hằng ngày để giảm căng thẳng và cải thiện sức khỏe. Các bài tập đơn giản như đi bộ, đạp xe, tập yoga,… mang lại hiệu quả cao trong việc giải tỏa căng thẳng. Hơn nữa khi được con cái quan tâm, người già sẽ giảm dần những ý nghĩ tiêu cực và hình thành lối sống tích cực, lạc quan hơn.
- Người già thường gặp phải tình trạng mất ngủ, giấc ngủ đến muộn và ngủ không sâu giấc. Để cải thiện tình trạng này, có thể xoa bóp bấm huyệt, ngồi thiền hoặc dùng trà thảo mộc. Sự quan tâm nhỏ nhất của con cái sẽ giúp cho người già cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa, từ đó có thể tận hưởng quãng thời gian cuối cùng một cách trọn vẹn nhất.
3. Cải thiện mối quan hệ giữa các thành viên
Thực tế cho thấy, không ít người già bị stress do mâu thuẫn giữa các thành viên trong gia đình. Lúc này, con cái đã có cuộc sống riêng nên không phải ai cũng muốn đảm nhiệm việc chăm sóc bố mẹ và lo lắng những vấn đề chung của gia đình. Ngoài ra, việc tranh chấp tài sản cũng là nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn giữa con cái khiến người già muộn phiền và stress.
Khác với người trẻ tuổi, sức khỏe của người già suy sụp rất nhanh nếu tinh thần không ổn định. Ngay khi nhận thấy các dấu hiệu stress ở người cao tuổi, gia đình cần phải trò chuyện để tìm ra hướng giải quyết. Trên tất cả, sức khỏe vẫn là yếu tố quan trọng cần đặt lên hàng đầu. Chính vì vậy, cần giải quyết những mâu thuẫn trong gia đình và xây dựng môi trường sống lành mạnh, hạnh phúc để mang đến cho người cao tuổi tinh thần lạc quan và vui vẻ.
4. Tìm gặp bác sĩ
Tâm lý ở người cao tuổi tương đối phức tạp. Do đó, đôi khi gia đình không thể nắm bắt và tìm ra phương án khắc phục phù hợp. Nếu nhận thấy tình trạng stress, mệt mỏi ở người già có xu hướng nghiêm trọng dần theo thời gian, gia đình nên đưa bệnh nhân đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị.
Với những trường hợp bị stress, bác sĩ thường sẽ chỉ định dùng các viên uống hỗ trợ, một số loại thuốc và tư vấn tâm lý để người cao tuổi gạt bỏ suy nghĩ tiêu cực, bi quan và có thêm niềm tin vào cuộc sống. Tuy nhiên những trường hợp stress đã chuyển biến nặng và đi kèm với các vấn đề tâm lý khác sẽ gặp nhiều khó khăn hơn khi điều trị.
Phòng ngừa stress, mệt mỏi ở người già
Stress, mệt mỏi ở người già ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống và sức khỏe thể chất lẫn tinh thần – nhất là khi người cao tuổi có các bệnh lý mãn tính, nan y. Dưới đây là một số cách gia đình có thể áp dụng để phòng ngừa stress ở người cao tuổi:
- Dành nhiều thời gian để trò chuyện và chia sẻ với người già. Ngoài ra, nên lựa chọn nơi sinh sống yên tĩnh, văn hóa để người cao tuổi có thể thể dễ dàng xây dựng mối quan hệ thân thiết với những người xung quanh.
- Luôn lắng nghe và nên cố gắng thực hiện theo những lời khuyên từ ông bà/ bố mẹ. Đồng thời phải thể hiện sự biết ơn và cảm kích qua hành động, lời nói để người cao tuổi không cảm thấy bản thân là gánh nặng của con cháu.
- Gia đình cần giữ hòa thuận và hạn chế tối đa mâu thuẫn để giữ cho người cao tuổi tâm trạng thoải mái, vui vẻ.
- Xây dựng chế độ ăn uống và sinh hoạt hợp lý để cải thiện sức khỏe cho người cao tuổi một cách toàn diện.
- Chú ý biểu hiện bất thường ở người cao tuổi và chủ động thăm khám khi cần thiết. Tuy nhiên, cần tạo tâm trạng thoải mái, tránh chăm sóc quá mức khiến người già cảm thấy bản thân là gánh nặng của gia đình.
Stress, mệt mỏi ở người cao tuổi là vấn đề cần được khắc phục sớm để phòng ngừa các ảnh hưởng và biến chứng nặng nề. Do đó, gia đình cần chú ý đến những biểu hiện bất thường ở người già, từ đó xem xét các phương án khắc phục hợp lý nhất.
Tham khảo thêm:
- Mẹo Giảm Căng Thẳng Lo Lắng Trước Phẫu Thuật Bạn Nên Thử
- Mẹo bấm huyệt giúp giảm căng thẳng stress hiệu quả
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!