Mẹo bấm huyệt giúp giảm căng thẳng stress hiệu quả
Bấm huyệt giảm stress, căng thẳng là phương pháp có nguồn gốc từ y học cổ truyền. Các nghiên cứu cho thấy, tác động từ liệu pháp này kích thích não bộ tăng sản xuất endorphin và serotonin, đồng thời giúp thư giãn cơ, an dịu thần kinh và bình thường hóa quá trình lưu thông máu.
Bấm huyệt giảm căng thẳng, stress có hiệu quả không?
Căng thẳng thần kinh (stress) là một phần tất yếu của cuộc sống hiện đại. Áp lực tài chính, khó khăn trong công việc, học tập và mâu thuẫn trong các mối quan hệ đều có thể gây ra căng thẳng. Xét về mặt tích cực, stress tạo ra động lực để con người có thể vượt qua những thử thách và nhiệm vụ khó khăn. Tuy nhiên, căng thẳng kéo dài gây ra rất nhiều tác động tiêu cực đến sức khỏe tinh thần và thể chất.
Căng thẳng có liên quan mật thiết đến các chứng rối loạn tâm lý, tâm thần như trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn giấc ngủ,… Do đó, học cách kiểm soát căng thẳng là vấn đề rất cần thiết giúp mỗi người bảo vệ sức khỏe thể chất và tinh thần. Ngoài điều chỉnh lối sống, xoa bóp bấm huyệt cũng là liệu pháp được áp dụng để thư giãn và giảm căng thẳng.
Xoa bóp bấm huyệt là phương pháp hỗ trợ phòng ngừa và điều trị bệnh có nguồn gốc từ y học cổ truyền. Phương pháp này sử dụng bàn tay tác động lên gân, khớp, da thịt và kinh lạc để thư giãn cơ, tăng tuần hoàn máu và thúc đẩy tốc độ phục hồi, tái tạo cơ quan bị tổn thương. Hiện nay, hiệu quả của xoa bóp bấm huyệt đã được nghiên cứu và chứng minh qua trên cơ sở khoa học.
Các nghiên cứu cho thấy, xoa bóp bấm huyệt có thể thư giãn cả thể chất và tinh thần. Tác động cơ học từ bàn tay, ngón tay thúc đẩy não bộ sản sinh serotonin và endorphin, hỗ trợ giảm cảm xúc khó chịu, tức giận, lo âu và phiền muộn. Ngoài ra, xoa bóp bấm huyệt còn thúc đẩy tuần hoàn máu, từ đó cải thiện tình trạng căng cơ, đau đầu, uể oải và mệt mỏi.
Khi rơi vào trạng thái căng thẳng, cơ thể thường hạn chế lưu lượng máu đến cơ quan tiêu hóa và giảm chức năng của hệ miễn dịch để bảo tồn năng lượng. Đây là lý do vì sao khi bị stress, bạn dễ gặp phải tình trạng khó tiêu, táo bón, đau dạ dày và hay ốm vặt. Với tác dụng thúc đẩy tuần hoàn, xoa bóp bấm huyệt giúp khôi phục quá trình lưu thông máu, từ đó cải thiện hệ miễn dịch và bình thường hóa chức năng tiêu hóa.
Hiện nay, xoa bóp bấm huyệt đã được sử dụng như liệu pháp hỗ trợ giảm stress, cải thiện triệu chứng của trầm cảm và rối loạn lo âu. Tuy nhiên, liệu pháp này chỉ mang lại hiệu quả ngắn hạn nên cần phải thực hiện mỗi ngày. Ngoài ra, bạn cũng nên cải thiện nguyên nhân gây stress để giảm tình trạng căng thẳng triệt để.
Hướng dẫn xoa bóp giúp giảm căng thẳng, stress ngay tại nhà
Đối với chứng căng thẳng thần kinh, xoa bóp bấm huyệt chủ yếu tác động đến vùng da đầu và cổ vai gáy. Một số trường hợp bị căng cơ nhiều có thể kết hợp xoa bóp thêm vùng lưng, tay chân và bụng để cải thiện triệu chứng hiệu quả hơn.
Trước khi bấm huyệt, bạn nên xoa bóp trước để thúc đẩy tuần hoàn máu và thư giãn cơ.
1. Xoa bóp giảm stress
Xoa bóp sử dụng bàn tay để tạo ra kích thích cơ học lên da thịt và gân cơ nhằm giúp an dịu thần kinh, thư giãn và cải thiện chất lượng giấc ngủ. Nếu thực hiện tại nhà, bạn có thể nhờ người thân hỗ trợ. Để mang lại tác dụng tốt nhất, nên chọn nơi sạch sẽ, yên tĩnh khi xoa bóp và có thể kết hợp với nằm gối thảo dược và xông tinh dầu thơm.
Dưới đây là một số kỹ thuật xoa bóp giảm stress bạn có thể thực hiện:
- Ấn day chân tóc: Sử dụng đầu ngón tay cái đặt lên chân tóc và ấn day theo hình lò xo. Thực hiện liên tục và di chuyển khắp đầu để thúc đẩy tuần hoàn máu. Ngay sau khi thực hiện, cảm giác căng thẳng, đau đầu và mệt mỏi sẽ được cải thiện đáng kể.
- Chải đầu: Sử dụng hai bàn tay như chiếc lược, đan ngón tay vào tóc, ấn đầu ngón xuống da đầu và chải thẳng, chải ngang. Khi chải, nên kéo nhẹ chân tóc để tăng lưu thông máu và kích thích dẫn truyền thần kinh ở não bộ.
- Vỗ đầu: Dùng đầu ngón tay vỗ nhẹ quanh đầu, thực hiện cùng lúc hai tay theo hai hướng ngược chiều nhau. Vỗ hai lần để giảm căng thẳng và thư giãn cơ.
- Bóp đầu: Đặt ngón tay cái 1 bên và 4 ngón tay còn lại 1 bên, thực hiện bóp đầu nhẹ nhàng từ dưới lên trên. Nên thực hiện đồng thời cả 2 tay để đạt kết quả tốt nhất.
- Gõ đầu: Áp hai lòng bàn tay vào nhau, sử dụng mô ngón út chặt xung quanh đầu để đả thông kinh mạch và thúc đẩy tuần hoàn máu. Kỹ thuật này tác động sâu hơn đến tuần hoàn máu và tế bào thần kinh nên mang lại cảm giác thư giãn rõ rệt.
Nếu không có nhiều thời gian, bạn có thể xoa bóp đầu hằng ngày để giảm stress và căng thẳng. Để tăng hiệu quả, có thể kết hợp với xoa bóp vùng vai gáy, tay chân và bụng nhằm cải thiện một số triệu chứng thể chất do căng thẳng gây ra.
2. Bấm huyệt giảm căng thẳng
Ngoài xoa bóp, bạn cũng có thể kết hợp thêm với bấm huyệt để thư giãn và giải tỏa căng thẳng thần kinh. Kỹ thuật này được thực hiện bằng cách dùng đầu ngón tay trỏ hoặc cái ấn lên bề mặt da với lực thích hợp để thư giãn cơ, giảm đau, kích thích dẫn truyền thần kinh,…
Đối với căng thẳng thần kinh, bạn nên bấm huyệt vào những vị trí sau:
– Huyệt Đầu duy:
Huyệt Đầu duy nằm ở 2 ở góc trán, nơi tiếp giáp giữa đầu và trán. Huyệt cách bờ chân tóc 0.5 thốn và cách huyệt Thần Đình 4 thốn. Bên dưới huyệt là cơ thái dương dính vào cân sọ và bị chi phối bởi dây thần kinh sọ não số V.
Huyệt Đầu duy có tác dụng trấn thống, tiết hỏa và khu phong. Trong y học cổ truyền, huyệt vị này thường được dùng để chữa chứng rung giật mí mắt, đau dây thần kinh trước trán, đau nửa đầu và giảm căng thẳng. Huyệt Đầu duy nằm ở vùng đầu khi nên day ấn, cần điều chỉnh lực vừa phải, tránh day ấn quá mạnh gây chảy máu và xây xước da.
– Huyệt Bách hội:
Huyệt Bách hội nằm ở chính giữa đỉnh đầu. Để xác định huyệt, cần kéo một đường ngang từ đỉnh vành tai trái sang phải, sau đó kéo một đường dọc chính giữa đầu. Điểm giao nhau của 2 đường này chính là vị trí của huyệt Bách hội.
Tác động vào huyệt Bách hội có tác dụng tăng lưu thông khí huyết, cân bằng âm dương và giúp tinh thần trở nên hưng phấn hơn. Trong y học cổ truyền, huyệt vị này thường được dùng để chữa rối loạn tiền đình, huyết áp thấp, giảm mệt mỏi và tăng cường trí nhớ. Do đó, bạn cũng có thể day ấn huyệt Bách hội để giảm tình trạng căng thẳng thần kinh.
– Huyệt Phong phủ:
Huyệt Phong phủ nằm ở vị trí chỗ lõm giữa gáy, đo từ chân tóc lên 1 thốn ở giữa khe đốt sống cổ thứ I và xương chẩm. Huyệt vị này có tác dụng tiết khí hỏa, thanh thần chí, lợi cơ quan và khu phong tà. Huyệt Phong phủ thường được ứng dụng để điều trị nhiều chứng bệnh khác nhau như hồi hộp, tim đập nhanh, điên cuồng, hoa mắt, ù tai, hay quên, trúng phong, bệnh trĩ, đau đầu và căng thẳng.
Khi day ấn huyệt Phong phủ, nên tác động lực từ nhẹ đến mạnh để tạo ra kích thích vừa đủ. Day ấn huyệt vị này giúp mang đến cảm giác thư giãn, thoải mái, giải tỏa phiền muộn và stress do áp lực từ cuộc sống.
– Huyệt Phong trì:
Huyệt Phong trì nằm ở vị trí lõm phía sau mang tai, nơi giao nhau của bờ ngoài cơ thang bám vào đáy hộp sọ và cơ ức đòn chũm. Bên dưới huyết là dây thần kinh cổ số 2. Do đó tác động vào huyệt Phong trì có thể cải thiện cả tình trạng căng thẳng thần kinh, đau đầu và nhức mỏi vùng cổ vai gáy.
Đối với huyệt Phong trì, thực hiện day ấn bằng cách xoa lòng bàn tay. Đặt ngón trỏ hai bên vào hai vị trí huyệt Phong trì, các ngón tay còn lại ôm lấy phần đầu. Khi day ấn, nên dùng lực nhẹ, sau đó xoa theo hình tròn và tăng dần lực để thúc đẩy tuần hoàn máu và kích thích dẫn truyền của dây thần kinh cổ số 2.
Ngoài ra khi làm việc, bạn cũng có thể tự day ấn huyệt Phong trì để giảm tình trạng uể oải, đau đầu và kém tập trung. Chỉ sau một vài phút, các triệu chứng này sẽ giảm đi đáng kể.
– Huyệt Tứ thần thông:
Tứ thần thông là một trong những huyệt vị đặc biệt nhất trên cơ thể. Trước tiên, cần xác định huyệt Bách hội, sau đó đo ngang ra trái phải và trước sau mỗi đoạn 1 thốn, 4 vị trí này chính là huyệt Tứ thần thông. Huyệt nằm ở trên đỉnh đầu nên thường được dùng để điều trị chứng động kinh, đau đầu, căng thẳng và suy nhược thần kinh.
Đối với huyệt Tứ thần thông, người thực hiện đặt cả 2 ngón tay cái vào hai huyệt (trái phải hoặc trước sau), dùng các ngón tay còn lại bám chặt vào da đầu. Sau đó, tiến hành day ấn với lực từ nhẹ đến mạnh. Khi ấn, nên day nhẹ để kích thích dẫn truyền thần kinh. Sau khi day huyệt trái – phải rồi chuyển sang huyệt ở vị trí trước – sau hoặc có thể làm ngược lại.
– Huyệt Thái dương:
Thái dương là huyệt vị được ứng dụng phổ biến nhất. Khi bị căng thẳng, đau đầu, day ấn huyệt vị này có thể giảm nhanh triệu chứng và giúp an dịu thần kinh. Huyệt Thái dương nằm sau đuôi lông mày, ở vị trí hõm sát mỏm xương ổ mắt và xương gò má.
Đối với huyệt Thái dương, nên dùng ngón cái hoặc ngón trỏ ấn vào đến khi có cảm giác ê tức thì dừng lại. Day nhẹ với lực vừa phải để thúc đẩy tuần hoàn máu và giảm căng thẳng.
– Huyệt Ế phong:
Huyệt Ế phong nằm phía sau tai, ngay chỗ lõm được tạo thành bởi gai xương chũm và xương hàm dưới. Huyệt có tác dụng chống lão hóa, tăng lưu thông máu và tăng cường trí nhớ. Ngoài ra, bạn cũng có thể day ấn huyệt vị này để thư giãn và giảm căng thẳng.
Sau khi xác định huyệt vị, dùng đầu ngón tay cái ấn và giữ trong vòng 10 giây. Khi ấn, nên tăng dần lực cho đến khi có cảm giác ê tức là được. Thực hiện khoảng vài lần để tăng lưu thông khí huyết và giảm căng thẳng hiệu quả.
Lưu ý khi xoa bóp bấm huyệt giảm căng thẳng
Xoa bóp bấm huyệt là liệu pháp thư giãn rất thích hợp với người bị căng thẳng thần kinh, mệt mỏi, uể oải và mất ngủ. Tuy nhiên để đạt hiệu quả cao khi áp dụng liệu pháp này, bạn nên lưu ý một số vấn đề sau:
- Bấm huyệt giảm căng thẳng là phương pháp an toàn và dễ thực hiện. Vì vậy, bạn nên áp dụng phương pháp này mỗi ngày để giải tỏa căng thẳng và loại bỏ những cảm xúc tiêu cực như lo lắng, bồn chồn, tức giận, chán nản,…
- Trong trường hợp căng thẳng mãn tính, xoa bóp bấm huyệt được xem như là liệu pháp hỗ trợ bên cạnh sử dụng thuốc và trị liệu tâm lý.
- Xoa bóp bấm huyệt mang lại tác dụng ngắn hạn. Do đó để đạt được hiệu quả lâu dài, cần thực hiện mỗi ngày và mỗi lần kéo dài khoảng 30 – 40 phút.
- Ngoài ra, bạn cũng nên trang bị một số kỹ thuật xoa bóp bấm huyệt đơn giản để cải thiện tình trạng đau đầu và uể oải trong thời gian làm việc.
- Xoa bóp bấm huyệt chỉ dùng bàn tay để tạo ra tác động vật lý nên tương đối an toàn và phù hợp với nhiều đối tượng. Tuy nhiên, bạn không nên áp dụng phương pháp này nếu tinh thần không ổn định và vùng da bên ngoài huyệt vị bị trầy xước, có vết thương hở hoặc đang gặp phải các vấn đề da liễu.
- Trước khi xoa bóp bấm huyệt, cần vệ sinh cơ thể và bàn tay. Đồng thời cắt ngắn móng để tránh tình trạng da trầy xước và chảy máu.
- Căng thẳng là một phần của cuộc sống nên gần như không thể tránh khỏi. Ngoài xoa bóp bấm huyệt, bạn cũng nên áp dụng thêm một số liệu pháp thư giãn như tắm nước ấm, tập thể dục, liệu pháp mùi hương,… Bên cạnh đó, nên học cách kiểm soát những tình huống căng thẳng để ổn định tâm trạng và hạn chế tối đa các cảm xúc tiêu cực.
Bấm huyệt giảm căng thẳng, stress là phương pháp tương đối dễ thực hiện, an toàn và phù hợp với nhiều đối tượng. Vì vậy, bạn nên áp dụng phương pháp này lâu dài để kiểm soát stress và chế ngự những cảm xúc tiêu cực do áp lực cuộc sống. Nếu nhận thấy căng thẳng kéo dài, nên tìm gặp bác sĩ để được thăm khám và tư vấn điều trị.
Tham khảo thêm:
- Căng thẳng mệt mỏi kéo dài có nguy hiểm không? Khắc phục thế nào?
- 17 Cách giảm stress, căng thẳng nhanh chóng hiệu quả
- Căng thẳng sau kỳ nghỉ lễ: Nguyên nhân và Cách khắc phục
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!