Stress oxy hóa là gì? Tác hại và cách kiểm soát, phòng ngừa

Stress oxy hóa là hiện tượng sinh học phổ biến do sự mất cân bằng giữa các gốc tự do và chất chống oxy hóa trong cơ thể, từ đó dẫn đến nhiều bệnh lý nguy hiểm. Việc tìm hiểu sâu hơn về vấn đề này cùng cách kiểm soát sẽ giúp con người có những biện pháp bảo vệ sức khỏe một cách toàn diện.

Stress oxy hóa là gì?

Sự mất cân bằng giữa các gốc tự do và chất chống oxy hóa được gọi là stress oxy hóa hay căng thẳng oxy hóa. Trạng thái này sẽ gây ra các phản ứng bất lợi có hại cho cơ thể, làm phá hủy cả các các mô, cơ quan bên trong và theo thời gian dẫn tới rất nhiều vấn đề bệnh lý nguy hiểm khác.

Stress oxy hóa là gì
Stress oxy hóa là quá trình các gốc tự do làm tổn thương tế bào bên trong cơ thể

Quá trình gây ra stress oxy hóa là bởi các gốc tự do (vốn rất không ổn định và có tính phản ứng cao) bắt đầu tấn công các tế bào và DNA trong cơ thể. Khi các tế bào bị tấn công, chúng sẽ bị tổn thương và bắt đầu giải phóng thêm nhiều gốc tự do mà nó lại tiếp tục tấn công các tế bào và DNA khác, tạo ra một chuỗi phản ứng liên tục. Chính chuỗi phản ứng này gây ra tổn hại nghiêm trọng đến các cơ quan trong cơ thể, làm ảnh hưởng đến sức khỏe toàn diện.

Phân biệt gốc tự do và chất chống oxy hóa

Gốc tự do là các phân tử có chứa oxy với số lượng electron không đồng đều, khiến chúng rất không ổn định và dễ phản ứng. Chúng tấn công các tế bào, DNA và các cơ quan trong cơ thể, gây ra các chuỗi phản ứng oxy hóa có thể dẫn đến lão hóa và bệnh tật.

Mặt khác, chất chống oxy hóa lại có vai trò bảo vệ cơ thể khỏi sự tấn công của các gốc tự do. Nó bao gồm các chất dinh dưỡng như vitamin C, E và các hợp chất từ thực vật như flavonoid. Chúng hoạt động bằng cách cung cấp electron cho gốc tự do, giúp trung hòa và ngăn chặn quá trình oxy hóa mà không làm thay đổi tính chất của mình.

Như vậy, trong khi các gốc tự do có thể gây hại cho cơ thể bằng cách tấn công các tế bào và DNA, thì chất chống oxy hóa đóng vai trò như một “lá chắn” bảo vệ, giúp ngăn chặn các thiệt hại này. Việc hiểu rõ sự khác biệt giữa chúng giúp con người biết cách chăm sóc sức khỏe tốt hơn, đặc biệt là thông qua việc bổ sung các chất dinh dưỡng cần thiết để tăng cường chất chống oxy hóa.

Nguyên nhân gây Stress oxy hóa

Stress oxy hóa là hiện tượng xảy ra khi có sự mất cân bằng giữa các gốc tự do và chất chống oxy hóa trong cơ thể. Quá trình này không chỉ gây hại cho các tế bào và DNA mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tổng thể. Các nguyên nhân gây stress oxy hóa có thể bắt nguồn từ nhiều yếu tố khác nhau trong cuộc sống hàng ngày.

Stress oxy hóa
Có rất nhiều yếu tố hình thành quá trình stress oxy hóa ngay trong môi trường sống
  • Môi trường ô nhiễm: Khói thuốc lá, bụi mịn, khí thải xe cộ và các hóa chất độc hại trong môi trường là những tác nhân làm tăng sự sản xuất gốc tự do, dẫn đến stress oxy hóa gây tổn hại cho cơ thể.
  • Tia X và tia cực tím: Tiếp xúc với các tia này có thể dẫn đến việc hình thành các loại ROS (Reactive Oxygen Species) trong tế bào da, gây ra stress oxy hóa dẫn đến lão hóa sớm và các vấn đề về da.
  • Căng thẳng và lo âu: Tình trạng căng thẳng, lo âu kéo dài không chỉ ảnh hưởng đến tâm lý mà còn làm gia tăng lượng ROS trong cơ thể, góp phần gây ra stress oxy hóa.
  • Chế độ ăn uống thiếu lành mạnh: Việc tiêu thụ nhiều chất béo, rượu và đường làm tăng sản xuất các gốc tự do. Một chế độ ăn uống không cân đối sẽ đẩy nhanh quá trình oxy hóa trong cơ thể.

Triệu chứng của stress oxy hóa

Stress oxy hóa có thể không dễ nhận biết ngay lập tức vì nó thường phát triển âm thầm trong cơ thể. Tuy nhiên, những dấu hiệu và triệu chứng cụ thể sau đây có thể giúp nhận diện được tình trạng này:

  • Stress oxy hóa làm hỏng các tế bào và ty thể, khiến cơ thể thiếu năng lượng, dẫn đến tình trạng mệt mỏi kéo dài
  • Viêm do stress oxy hóa ảnh hưởng đến não, gây ra các cơn đau đầu và đau nửa đầu thường xuyên
  • Viêm ở cơ và khớp, gây ra cảm giác đau và cứng khớp, giảm khả năng vận động
  • Khả năng miễn dịch kém làm cơ thể dễ bị nhiễm trùng và mắc bệnh hơn
  • Lão hóa sớm, có nếp nhăn và các vấn đề khác về da
  • Có vấn đề về thị lực như đục thủy tinh thể và thoái hóa điểm vàng do tuổi tác
  • Suy giảm nhận thức và có vấn đề về trí nhớ
  • Rối loạn cảm xúc, trầm cảm và các rối loạn tâm trạng khác
  • Có vấn đề tiêu hóa như đầy hơi, táo bón khi các tế bào lót đường tiêu hóa bị tổn thương
  • Có vấn đề hô hấp như hen suyễn và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD)
  • Kháng insulin và bệnh tiểu đường loại 2
  • Tổn hại mạch máu, tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch như đau tim và đột quỵ
  • Các gốc tự do có thể gây tổn hại tế bào và DNA, dẫn đến các bệnh mãn tính như ung thư, bệnh Alzheimer và Parkinson.

Các tác hại của stress oxy hoá với cơ thể

Khi cơ thể không thể phòng ngự trước các gốc tự do, các mô quan trọng như mỡ, DNA, và protein bị tổn thương, dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, cụ thể như:

tác hại stress oxy hóa
Stress oxy hóa kéo dài gây ra rất nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe mỗi người
  • Gây ra viêm mạn tính: Stress oxy hóa có thể làm gia tăng quá trình viêm, khiến chấn thương và nhiễm trùng trở nên trầm trọng hơn. Tình trạng này kéo dài có thể gây ra nhiều bệnh lý như bệnh tim mạch, viêm khớp và tiểu đường.
  • Thoái hóa thần kinh: Não bộ là cơ quan tiêu thụ oxy lớn nhất trong cơ thể nên rất nhạy cảm với stress oxy hóa. Khi các gốc tự do tích tụ quá mức, chúng có thể làm tổn thương tế bào não, dẫn đến các bệnh thoái hóa như Alzheimer và Parkinson.
  • Xơ vữa động mạch: Stress oxy hóa làm thay đổi quá trình chuyển hóa lipid, dẫn đến tích tụ cholesterol xấu trong động mạch, gây xơ vữa động mạch, làm tắc nghẽn mạch máu và dễ tăng huyết áp và đột quỵ.
  • Nguy cơ mắc bệnh ung thư: Khi các gốc tự do tấn công và làm hỏng DNA, quá trình này có thể gây đột biến gen, dẫn đến sự hình thành và phát triển của các tế bào ung thư.
  • Thúc đẩy quá trình lão hóa: Một trong những hậu quả rõ rệt nhất của stress oxy hóa là thúc đẩy quá trình lão hóa nhanh chóng với nếp nhăn, sạm da và suy giảm chức năng cơ thể.

Cách kiểm soát và phòng ngừa stress oxy hoá

Kiểm soát stress oxy hóa và giảm thiểu nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe liên quan là điều vô cùng quan trọng. Cá nhân có thể áp dụng một số phương pháp hiệu quả như sau:

1. Cách kiểm soát stress oxy hóa

Stress oxy hóa là một tình trạng khi cơ thể sản xuất quá nhiều gốc tự do, dẫn đến tổn thương tế bào và có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe. Để kiểm soát stress oxy hóa hiệu quả, chúng ta cần áp dụng một số phương pháp như:

Bổ sung chất chống oxy hóa:

  • Vitamin: Vitamin C, vitamin E và beta – carotene.
  • Khoáng chất: Selen, kẽm và đồng.

Thay đổi lối sống:

  • Chế độ ăn uống: Ăn nhiều trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt và hạn chế thực phẩm chế biến sẵn.
  • Giảm tiếp xúc độc tố: Hạn chế khói thuốc, rượu và các hóa chất độc hại.
  • Tăng cường vận động để cải thiện khả năng chống oxy hóa

Sử dụng thuốc chống viêm: NSAID có thể giúp giảm stress oxy hóa trong một số tình trạng viêm cấp tính hoặc chấn thương.
Liệu pháp thay thế: châm cứu, xoa bóp, thiền giúp giảm căng thẳng oxy hóa bằng cách thúc đẩy quá trình giảm viêm.

2. Biện pháp phòng ngừa stress oxy hóa

Để ngăn ngừa stress oxy hóa, hãy tập trung bổ sung các thực phẩm giàu chất chống oxy hóa như quả mọng và cam, cùng với rau củ như bông cải xanh và cà rốt để bảo vệ cơ thể khỏi các tổn thương do gốc tự do. Đồng thời, hạn chế tiêu thụ thực phẩm chế biến sẵn, nhiều đường, dầu mỡ và gia vị sẽ hỗ trợ tốt cho sức khỏe tổng thể.

Tập thể dục đều đặn, vừa phải ít nhất 30 phút mỗi ngày không chỉ giúp cải thiện hệ thống chống oxy hóa tự nhiên mà còn tăng cường sức khỏe tim mạch và tinh thần. Ngoài ra, việc kiểm soát căng thẳng bằng cách thực hành thiền, tập yoga còn làm giảm bớt áp lực và cải thiện sức khỏe tổng thể.

giảm stress oxy hóa
Các nhóm quả mọng giúp chống lại quá trình oxy hóa có hại trong cơ thể đáng kể

Bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân gây hại từ bên ngoài như tránh hút thuốc, tiếp xúc với khói thuốc thụ động, hạn chế uống rượu bia giúp giảm stress oxy hóa. Đồng thời, sử dụng kem chống nắng khi ra ngoài để bảo vệ làn da khỏi tia UV và giảm thiểu tổn thương do oxy hóa.

Và đảm bảo bản thân phải có đủ giấc ngủ để duy trì cơ thể cân bằng và chống lại stress oxy hóa. Kết hợp tất cả những thói quen này với một chế độ ăn uống phong phú bao gồm thực uống thảo mộc và gia vị trong bếp như tỏi, quế sẽ giúp duy trì sức khỏe tốt và giảm thiểu ảnh hưởng của stress oxy hóa trong cuộc sống hàng ngày.

Chúng ta hoàn toàn có thể góp phần phòng tránh stress oxy hóa thông qua những hành động đơn giản trong cuộc sống hàng ngày. Chẳng hạn sử dụng phương tiện công cộng, xe đạp hoặc đi bộ, để giảm lượng khí thải từ xe cộ và bảo vệ môi trường. Ngoài ra, việc không xả rác bừa bãi, ưu tiên sử dụng đồ tái sử dụng và hạn chế túi nilon cũng giúp giảm ô nhiễm cũng như bảo vệ hệ sinh thái.

Các phương pháp trên không thể thay thế chẩn đoán và điều trị y tế chuyên môn. Trước khi áp dụng các biện pháp bổ sung hay thay đổi chế độ ăn uống, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Stress oxy hóa với những tác hại tiềm tàng là vấn đề không thể xem nhẹ trong cuộc sống hiện đại. Nhưng với sự hiểu biết đúng đắn về stress oxy hóa và cách kiểm soát, phòng ngừa nó sẽ giúp mỗi người duy trì sức khỏe tổng thể và ngăn ngừa các bệnh tật.

Nguồn tham khảo: https://my.clevelandclinic.org/health/articles/oxidative-stress
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5551541/

Có thể bạn quan tâm:

5/5 - (3 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *