Căng thẳng stress có thể làm tăng đường huyết gây tiểu đường
Stress có thể làm tăng đường huyết do tác động của hormone adrenaline và cortisol. Đối với người đang có sẵn bệnh tiểu đường, tâm lý căng thẳng sẽ khiến cho nồng độ đường trong máu tăng mạnh làm bệnh có xu hướng tiến triển theo chiều hướng tiêu cực.
Căng thẳng có làm tăng đường huyết không?
Căng thẳng thần kinh (stress) là phản ứng của cơ thể khi cố gắng thích nghi với những thay đổi từ bên trong và bên ngoài môi trường sống. Trong cuộc sống hiện đại, tình trạng này là một phần tất yếu không thể tránh khỏi. Stress có thể bắt nguồn từ rất nhiều yếu tố như khó khăn trong công việc, áp lực học tập, lo lắng về tài chính, sức khỏe, chăm sóc con cái,…
Những năm trước đây, sự hiểu biết về stress còn khá hạn chế. Tuy nhiên trước những ảnh hưởng nghiêm trọng của căng thẳng thần kinh đối với sức khỏe, rất nhiều nghiên cứu đã được thực hiện để làm rõ hơn những hậu quả của stress. Bất ngờ nhất là khi các chuyên gia nhận thấy, stress không chỉ gia tăng các vấn đề tâm lý mà còn là nguyên nhân sâu xa của nhiều bệnh lý thể chất như viêm loét dạ dày, mất ngủ, cao huyết áp và làm tăng đường huyết – yếu tố gia tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2.
Tăng đường huyết thường xảy ra khi dung nạp một lượng lớn đường trong chế độ ăn hằng ngày. Tuy nhiên trên thực tế, đường huyết có thể tăng lên đáng kể khi phải đối mặt với stress dù chế độ dinh dưỡng hoàn toàn không thay đổi. Nguyên nhân là do các hormone gây stress như adrenaline và cortisol “cố ý” giữ cho lượng đường trong máu luôn cao nhằm cung cấp cho cơ thể nguồn năng lượng dồi dào.
Ngoài ra, các hormone này cũng làm tăng huyết áp, nhịp tim và nhịp thở để cơ thể thích nghi với những thay đổi từ bên trong hoặc bên ngoài môi trường sống. Về cơ bản, phản ứng sinh học do stress được tạo ra với những mục đích tích cực. Tuy nhiên, tình trạng này kéo dài sẽ gây ra nhiều vấn đề, trong đó có tình trạng tăng đường huyết gây tiểu đường.
Ngoài việc giữ cho lượng đường trong máu luôn cao, stress còn gây ra nhiều rối loạn bên trong cơ thể. Các chuyên gia nhận thấy, hormone cortisol tăng mạnh dẫn đến hiện tượng viêm mãn tính ở nhiều cơ quan bao gồm cả tuyến tụy. Tuyến tụy là nơi sản xuất insulin để chuyển hóa đường. Tình trạng viêm tuyến tụy sẽ làm tăng tính kháng insulin khiến cho cơ thể không kiểm soát được lượng đường trong máu và hậu quả là gây ra bệnh tiểu đường.
Một lý do khác giải thích cho việc stress có thể làm tăng đường huyết là khi bị căng thẳng, sự thay đổi của các hormone có thể khiến bạn ăn uống không kiểm soát và đặc biệt ưa chuộng đồ ngọt. Bởi khi dung nạp đồ ngọt, não bộ sẽ sản sinh dopamine có tác dụng thư giãn, tạo cảm giác vui vẻ và thoải mái. Khi căng thẳng xảy ra thường xuyên, bạn sẽ liên tục dùng đồ ngột để cải thiện tâm trạng và hậu quả là tăng đường huyết, hay nghiêm trọng hơn là mắc bệnh tiểu đường type 2.
Mối liên hệ giữa stress và bệnh tiểu đường
Tiểu đường là một dạng rối loạn chuyển hóa mãn tính với đặc điểm là tăng đường huyết trong thời gian dài. Hiện tại, chưa có phương pháp điều trị dứt điểm nên người bệnh buộc phải sống chung với bệnh trong suốt cuộc đời. Nguyên nhân gây bệnh tiểu đường thường là do di truyền, thừa cân – béo phì, chế độ ăn uống nhiều đường và stress.
Như đã đề cập, stress kéo dài khiến cho hormone cortisol và adrenaline tăng mạnh. Hai loại hormone này giữ cho đường huyết trong máu luôn cao với mục đích cung cấp cho cơ thể nguồn năng lượng dồi dào. Ngoài ra, hormone cortisol còn gia tăng hiện tượng kháng insulin và kích thích cảm giác thèm ăn quá mức. Những yếu tố này đều làm gia tăng lượng đường trong máu và về lâu dài sẽ dẫn đến bệnh tiểu đường.
Trên thực tế, stress và tiểu đường là hai vấn đề sức khỏe có mối liên hệ chặt chẽ và tác động qua lại. Căng thẳng không chỉ làm tăng đường huyết và khiến triệu chứng của bệnh trở nên nghiêm trọng hơn mà tiểu đường cũng có thể là nguyên nhân gây stress.
Bệnh tiểu đường gây ra rất nhiều phiền toái trong cuộc sống và khiến sức khỏe suy giảm nghiêm trọng. Những ảnh hưởng của bệnh lý này chính là tác nhân gây stress khiến bệnh nhân dễ rơi vào trạng thái căng thẳng. Do đó trong quá trình điều trị tiểu đường, ngoài lối sống khoa học, bệnh nhân cần phải giữ tinh thần lạc quan và vui vẻ. Ngoài căng thẳng thần kinh, tiểu đường cũng làm gia tăng nguy cơ bị rối loạn lo âu, trầm cảm và nhiều rối loạn tâm thần khác.
Nhận biết sớm dấu hiệu tăng đường huyết do stress
Tăng đường huyết là phản ứng của cơ thể khi đối mặt với stress. Tuy nhiên, tình trạng này không có biểu hiện rõ ràng nên rất khó nhận biết. Nếu không phát hiện sớm và có biện pháp khắc phục kịp thời, bạn có thể phải đối mặt với nguy cơ mắc bệnh tiểu đường và hàng loạt các vấn đề sức khỏe mãn tính khác.
Dấu hiệu nhận biết sớm tình trạng tăng đường huyết do stress:
- Cơ thể mệt mỏi, uể oải
- Đi tiểu nhiều lần (dù không uống nhiều nước)
- Khát nước liên tục
- Mờ mắt, thị giác giảm
- Đau bụng
- Ăn uống kém hoặc ăn uống quá mức
- Buồn nôn
- Chảy máu kéo dài do chậm đông máu
Nếu có máy đo đường huyết tại nhà, bạn có thể sử dụng để đo lượng đường trong máu.
Cải thiện tình trạng tăng đường huyết do căng thẳng (stress)
Tăng đường huyết là phản ứng của cơ thể khi đối mặt với stress. Tình trạng này sẽ không dẫn đến bệnh tiểu đường nếu được kiểm soát kịp thời. Ngược lại, tâm lý chủ quan có thể gia tăng nguy cơ bị tiểu đường type 2 và hàng loạt các bệnh mãn tính khác.
Như đã đề cập, bệnh nhân tiểu đường rất dễ bị stress. Tuy nhiên, stress lại khiến cho đường huyết tăng cao và làm nghiêm trọng các ảnh hưởng của bệnh đối với cuộc sống, sức khỏe. Để thoát khỏi vòng luẩn quẩn này, bệnh nhân tiểu đường cũng cần trang bị các biện pháp giảm stress và kiểm soát đường huyết hiệu quả.
1. Giải tỏa stress kịp thời
Trước tiên, bạn cần giải tỏa stress để tránh tăng đường huyết kéo dài. Khi đối mặt với căng thẳng, não bộ sẽ truyền tín hiệu đến khắp các tế bào thần kinh trong cơ thể tạo ra một loạt những thay đổi sinh học. Ngoài việc gia tăng đường huyết, stress còn ảnh hưởng đến dạ dày, giấc ngủ, tim mạch,… Vì vậy, cần phải chế ngự căng thẳng thần kinh trong thời gian sớm nhất để phòng ngừa các vấn đề sức khỏe.
Các biện pháp giảm stress giúp phòng ngừa tiểu đường:
- Xác định nguyên nhân khiến bạn bị stress. Đối với những nguyên nhân có thể thay đổi (các mối quan hệ độc hại, khó khăn trong công việc, cuộc sống,…), bạn nên xem xét chấm dứt những mối quan hệ không lành mạnh và nỗ lực hoàn thiện bản thân để gặp nhiều thuận lợi trong công việc cũng như cuộc sống.
- Vào cuối ngày, nên dành cho bản thân khoảng thời gian thư giãn để thực hiện những hoạt động yêu thích như nghe nhạc, tập yoga, ngồi thiền, tắm nước ấm, sử dụng trà thảo mộc, chơi với thú cưng, viết nhật ký,… Những hoạt động này sẽ giúp xoa dịu tâm trạng tiêu cực và giải tỏa căng thẳng thần kinh hiệu quả.
- Nếu stress do áp lực công việc, bạn có thể massage vùng đầu và cổ vai gáy. Khi massage, nên sử dụng dầu nền hòa với một số loại tinh dầu mà bạn yêu thích để tăng hiệu quả thư giãn.
- Chia sẻ những khó khăn mà bản thân đang đối mặt với người thân và bạn bè cũng là cách giải tỏa căng thẳng hữu hiệu. Thay vì giữ trong lòng, thói quen chia sẻ sẽ giúp bạn cảm thấy thoải mái và nhẹ nhàng hơn. Ngoài ra, những lời khuyên hữu ích từ mọi người cũng sẽ giúp bạn có cái nhìn đúng đắn và tìm ra giải pháp phù hợp cho vấn đề đang phải đối mặt.
- Điều quan trọng nhất giúp bạn giải tỏa stress (căng thẳng) là thay đổi suy nghĩ của bản thân. Đừng quá chú ý đến những mặt tiêu cực, thay vào đó nên nhìn theo hướng tích cực để giữ tinh thần luôn lạc quan và vui vẻ. Chúng ta không thể tránh khỏi những khó khăn trong cuộc sống nhưng có thể lựa chọn thái độ khi đối mặt. Khi giữ cho mình suy nghĩ tích cực, bạn sẽ biết cách chế ngự stress và những cảm xúc tiêu cực.
Với những bệnh nhân tiểu đường, tinh thần có vai trò quan trọng trong quá trình điều trị bên cạnh chế độ dinh dưỡng và các phương pháp điều trị. Mặc dù những ảnh hưởng của bệnh khiến bạn gặp nhiều phiền toái nhưng thay vì căng thẳng, hãy giữ cho bản thân thái độ lạc quan. Tinh thần vui vẻ và thoải mái sẽ giúp cho đường huyết ổn định và mang lại kết quả điều trị khả quan nhất.
2. Giảm lượng đường trong chế độ dinh dưỡng
Khi bị stress, hormone cortisol và adrenalin sẽ giữ cho lượng đường trong máu luôn cao. Do đó, bạn cần giảm tối đa lượng đường trong chế độ dinh dưỡng. Bên cạnh đó, nên đa dạng thực phẩm trong chế độ ăn để duy trì sự ổn định của quá trình trao đổi chất.
Chế độ ăn giúp cải thiện tình trạng tăng đường huyết do stress (căng thẳng thần kinh):
- Hạn chế sử dụng đồ ngọt, đặc biệt là bánh kẹo và nước ngọt có gas. Để kiểm soát lượng đường trong máu, bạn có thể dùng các món ăn có vị ngọt tự nhiên như trái cây tươi và sử dụng mật ong, quả chà là, mật dừa,… để thay thế đường cát.
- Tăng lượng rau xanh trong chế độ ăn cũng là cách kiểm soát đường huyết hiệu quả. Rau xanh hầu như không chứa đường và có tác dụng trong việc làm chậm quá trình hấp thu đường. Từ đó giúp cho tuyến tụy có đủ thời gian sản xuất insulin để chuyển hóa đường.
- Các loại ngũ cốc cũng là nguồn cung cấp đường cho cơ thể. Để cải thiện tình trạng tăng đường huyết do stress, bạn nên hạn chế các loại ngũ cốc đã qua tinh chế như gạo trắng, bột mì,… Thay vào đó, nên sử dụng yến mạch, gạo lứt,… vì các loại ngũ cốc nguyên hạt chứa hàm lượng chất xơ cao và chỉ số đường huyết thấp.
- Để cơ thể tập trung chuyển hóa đường, bạn nên hạn chế dung nạp quá nhiều chất béo – đặc biệt là chất béo bão hòa. Bởi cơ thể sẽ tập trung chuyển hóa chất béo khiến cho lượng đường trong máu tăng cao và dẫn đến nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Do đó, nên tránh đồ chiên xào, mỡ, nội tạng động vật và có thể bổ sung chất béo lành mạnh thông qua các loại cá béo, hạt, đậu, quả bơ,…
- Đảm bảo ăn đủ 3 bữa/ ngày và cân đối thành phần dinh dưỡng trong bữa ăn. Nếu có vấn đề về dạ dày, bạn nên chia bữa ăn thành 4 – 5 bữa nhỏ để đảm bảo thức ăn được tiêu hóa và hấp thu tốt.
Chế độ dinh dưỡng không chỉ giúp cải thiện đường huyết mà còn hỗ trợ giảm stress và cải thiện sức khỏe. Đối với bệnh nhân tiểu đường, nên lên kế hoạch ăn uống theo hướng dẫn của bác sĩ để quản lý bệnh hiệu quả.
3. Tổ chức lại lối sống
Ngoài chế độ ăn uống, thói quen sinh hoạt cũng ảnh hưởng nhiều đến nồng độ đường trong máu. Bên cạnh đó, lối sống lành mạnh cũng giúp ích trong việc giải tỏa căng thẳng và ổn định tinh thần.
Lối sống khoa học giúp cải thiện tình trạng tăng đường huyết do căng thẳng, stress:
- Lười vận động khiến cho quá trình trao đổi chất bị ngưng trệ, từ đó gia tăng nguy cơ tiểu đường, rối loạn lipid máu, xơ vữa động mạch,… Do đó, bạn nên tập thể dục mỗi ngày để kiểm soát lượng đường trong máu. Ngoài ra, thói quen này còn kích thích não bộ sản sinh endorphin – hormone có tác dụng thư giãn, giảm stress và mang lại tinh thần thoải mái, lạc quan.
- Ngủ đủ giấc có thể giảm đường huyết đáng kể. Trong thời gian ngủ, tuyến tụy sẽ được nghỉ ngơi, tái tạo và sửa chữa các tế bào hư tổn. Nhờ vậy, cơ quan này sẽ hoạt động tốt hơn và có thể kiểm soát được nồng độ đường trong máu. Hơn nữa, ngủ đủ giấc cũng là biện pháp giảm căng thẳng hữu hiệu.
- Không hút thuốc lá và uống rượu bia. Bởi những thói quen này làm gia tăng nguy cơ bị tiểu đường, cao huyết áp và các vấn đề tiêu hóa. Ngoài ra, cồn và nicotine cũng đã được chứng minh có thể làm nghiêm trọng mức độ lo lắng, căng thẳng,…
- Cân đối thời gian học tập, làm việc và ngủ nghỉ để giải tỏa stress và kiểm soát nồng độ đường trong máu.
4. Tìm gặp bác sĩ chuyên khoa
Nếu nhận thấy các triệu chứng có xu hướng nghiêm trọng dần, bạn nên tìm gặp bác sĩ chuyên khoa để thực hiện các xét nghiệm cần thiết. Đến nay, các chuyên gia vẫn chưa tìm ra cách điều trị dứt điểm bệnh tiểu đường. Do đó, chủ động thăm khám sớm sẽ giúp ngăn chặn kịp thời tình trạng tăng đường huyết và hạn chế tối đa nguy cơ mắc bệnh.
Song song với việc kiểm soát đường huyết, bạn cũng cần trị liệu tâm lý nếu bị stress kéo dài. Bởi nếu không giải tỏa căng thẳng thần kinh, tình trạng tăng đường huyết sẽ tiếp diễn dẫn đến bệnh tiểu đường. Hơn nữa, can thiệp liệu pháp tâm lý kịp thời cũng sẽ giúp ngăn chặn các vấn đề tâm lý do stress như trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn phân liệt cảm xúc,…
Căng thẳng, stress là nguyên nhân làm tăng đường huyết và gia tăng nguy cơ bệnh tiểu đường mà ít người ngờ đến. Hy vọng những thông tin hữu ích trong bài viết sẽ giúp bạn đọc ý thức được những ảnh hưởng nghiêm trọng của stress đối với sức khỏe. Từ đó có biện pháp khắc phục kịp thời để bảo vệ sức khỏe và giảm thiểu những ảnh hưởng lâu dài đối với cuộc sống.
Tham khảo thêm:
- Stress có thể gây giảm ham muốn và chức năng tình dục
- Cách giúp bạn vượt qua stress về tiền bạc
- Căng thẳng stress gây mất ngủ và cách khắc phục hiệu quả
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!