Stress vì thất nghiệp cần sớm vượt qua để tránh những hệ lụy
Stress vì thất nghiệp khiến nhiều người cảm thấy bản thân trở nên vô dụng, không có giá trị, tự hạ thấp lòng tự trọng của bản thân. Cảm xúc xấu hổ khi thấy những người xung quanh đều đã có sự nghiệp ổn định trong khi bản thân không có việc làm, thiếu thốn tài chính cùng những áp lực từ những người xung có thể gây ra rất nhiều hệ lụy tiêu cực đến cuộc sống của những người này.
Thất nghiệp khiến ai cũng rơi vào stress!
Mỗi con người đều phải trải qua các giai đoạn sơ sinh, đi học, đi làm và đây giống như một quy luật tất yếu của tự nhiên không thể nào chối bỏ. Một người dù có gia đình khá giả đến thế nào cũng cần phải làm việc và cống hiến. Làm việc không chỉ nhằm một mục đích là để kiếm tiền mà còn để phát triển và hoàn thiện bản thân mình mỗi ngày, mang đến những giá trị tốt đẹp cho xã hội.
Stress vì thất nghiệp hoàn toàn là một điều hiển nhiên mà bất cứ ai trong trạng thái này cũng gặp phải, đặc biệt là những người trưởng thành. Thất nghiệp khiến bản thân chúng ta tự nhìn nhận mình là người yếu kém đồng thời phải chịu những áp lực, đánh giá từ chính những người xung quanh nên càng tăng thêm mức độ stress.
Thực tế cảm giác khi những người xung quanh, những bạn bè đồng trang lứa, thậm chí là những người ít tuổi hơn đều đã đi làm trong khi bản thân vẫn còn đang chông chênh, không có lấy một công việc ổn định khiến ai cũng cảm thấy bi quan. Bản thân họ tự nhìn nhận bản thân mình kém cỏi, hạ thấp năng lực của chính mình và ngày càng thêm stress, thiếu tự tin.
Stress vì thất nghiệp xuất phát phần lớn do sự thiếu thốn về mặt tài chính. Bởi không đi làm đồng nghĩa với việc không có thu nhập, điều này có thể gây khó khăn với rất nhiều người, nhất là người sống xa nhà. Một số người còn phải trả tiền nhà trọ, tiền điện nước, hay thậm chí phải gánh vác việc nuôi sống gia đình. Thất nghiệp lâu ngày khiến bản thân họ không hoàn thành các trọng trách này nên cảm giác rất tội lỗi.
Nhiều người bị stress vì thất nghiệp chính bởi các áp lực lớn từ gia đình. Nhiều bạn trẻ khi mới ra trường chưa tìm được công việc phù hợp đã không ngừng bị phụ huynh chỉ trích, la mắng, chê bai, so sánh con với người này, người kia. Hay những người là trụ cột của gia đình khi không có việc làm, không đảm bảo được cuộc sống gia đình cho con cái, vợ chồng cũng không tránh khỏi căng thẳng.
Mặt khác, khi thất nghiệp chúng ta thường có rất nhiều thời gian rảnh rỗi hơn bình thường. Cảm giác không có việc gì làm, quá nhiều thời gian rảnh lại càng khiến chúng ta suy nghĩ lung tung nhiều hơn. Khi nhìn thấy những người xung quanh được đi chơi, đi du lịch, vui vẻ cùng đồng nghiệp lại càng làm tăng cảm giác ghen tị, tự ti dẫn tới stress, căng thẳng vì thất nghiệp.
Có rất nhiều những điều khiến chúng ta dễ rơi vào stress, tiêu cực khi không có việc làm. Mức độ stress tỷ lệ thuận với thời gian không có việc làm và vai trò của người đó với gia đình. Thời gian không có việc càng lâu, mức độ thiếu thốn tài chính càng tăng lên khiến người đó càng stress nhiều hơn, sự tiêu cực chán chường càng được biểu lộ một cách mạnh mẽ.
Stress vì thất nghiệp cùng những hệ lụy tiêu cực
Có rất nhiều vấn đề xảy ra với bản thân những người đang trong tình trạng thất nghiệp. Không phải ai cũng có sẵn một khoản dư, không phải gia đình nào cũng có thể hỗ trợ con cái mãi mãi bởi bản thân mỗi chúng ta đều là một cá thể độc lập nên cũng cần phải tự chăm sóc, tự nuôi sống mình. Thất nghiệp đồng nghĩa với không có nguồn tài chính để đảm nhiệm các trách nhiệm cá nhân này.
Các hệ lụy tiêu cực sẽ xuất hiện trên những người bị stress vì thất nghiệp trong thời gian dài như
- Tài chính khó khăn khiến nhiều người còn phải đi vay mượn từ những người xung quanh, thậm chí là vay nặng lãi nếu không nhận được sự hỗ trợ từ gia đình. Điều này khiến cuộc sống của họ đã khó khăn lại càng chồng chất khó khăn do không có đủ tiềm lực để chi trả lãi suất nếu sau đó tình trạng thất nghiệp vẫn còn kéo dài.
- Suy giảm lòng tự trọng do bị những người xung quanh chỉ trích, cảm thấy bị mọi người coi thường vì không có việc làm, đây cũng là lý do khiến nhiều người thà chấp nhận đi vay nặng lãi chứ không tìm kiếm sự giúp đỡ từ gia đình.
- Gia tăng nguy cơ gặp các vấn đề tâm lý như áp lực đồng trang lứa, trầm cảm, lo âu do tình trạng những người stress vì thất nghiệp luôn trong tình trạng mất ngủ kéo dài, suy nghĩ chán nản, mất tinh thần, cô lập bản thân.. Việc luôn cảm thấy ghen tị với những bạn bè xung quanh, cảm giác thua kém bạn bè, cảm giác bị người khác coi thường khiêm tâm lý những người này vô cùng tiêu cực và có các suy nghĩ lệch lạc về chính bản thân mình
- Nhiều người có xu hướng lạm dụng bia rượu, chất kích thích hay nghiện các trò game online để giết thời gian nhưng lại khiến tâm trí tiêu cực hơn
- Ảnh hưởng đến các mối quan hệ bởi cảm xúc tiêu cực và tự ti khiến những người này luôn trốn tránh việc gặp gỡ mọi người, tự cô lập bản thân hoặc có xu hướng bi quan, dễ cáu gắt và kích động hơn bình thường.. Stress vì thất nghiệp khiến họ sợ hãi việc gặp gỡ bạn bè hay người thân vì họ sẽ hỏi về tình trạng công việc hiện tại làm họ cảm thấy xấu hổ, không biết phải trả lời thế nào.
- Đánh mất giá trị của bản thân, làm các công việc không chân chính, chẳng hạn lừa đảo, cướp bóc vì muốn nhanh chóng làm giàu, kiếm tiền, lấy lại danh dự cá nhân, để không bị người khác coi thường.
- Dễ bị lừa đảo hơn do tâm lý vội vàng muốn có việc làm cũng là tình trạng rất nhiều người gặp phải hiện nay. Chẳng hạn có nhiều người sau một thời gian dài không có việc làm, khi lướt mạng thấy các thông tin “việc nhẹ lương cao”; các công việc chỉ cần nạp tiền vào tài khoản để đợi sinh lời đã vội vàng đăng ký, kết quả là bị lừa đảo hết số tiền còn lại. Thực tế đây là một trong những chiều trò lừa đảo chiếm đoạt tài sản đánh vào tâm lý những người thiếu hiểu biết, thiếu kiến thức nhưng lại muốn kiếm tiền nhanh chóng mà rất nhiều người gặp phải hiện nay
Có những người muốn hỏi thăm, chia sẻ, giúp đỡ khi thấy bạn thất nghiệp tuy nhiên chính những cảm xúc tiêu cực lại khiến bạn cho rằng người đó đang soi mói, mỉa mai khi thấy mình không có việc làm. Hay đôi khi chỉ là lời động viên hỏi hạn bình thường từ gia đình nhưng cảm xúc stress vì thất nghiệp khiến người này luôn cho rằng gia đình chỉ biết tạo áp lực chứ không hề thấu hiểu cho mình.
Những hệ lụy từ việc stress vì thất nghiệp đều được hình thành từ chính những tâm lý tiêu cực, những gánh nặng vô hình do chính bản thân người đó tạo ra. Thất nghiệp không phải một vấn đề gì quá to tát bởi trong giai đoạn trưởng thành, hầu như ai cũng từng có giai đoạn này, bởi thế hầu như ai cũng thấu hiểu được những khó khăn trong khi thất nghiệp.
Làm thế nào để vượt qua stress vì thất nghiệp?
Stress nếu biết “tận dụng” đúng cách có thể trở thành nguồn “sức mạnh tiềm ẩn” để bạn cố gắng, thành công hơn ở tương lai. Thấu hiểu những khó khăn, sự đáng sợ trong giai đoạn thất nghiệp sẽ giúp bạn quyết tâm tìm việc và phát triển bản thân hơn nữa để giai đoạn này không quay trở lại. Tuy nhiên để làm được điều này thì bản thân bạn cần phải thay đổi góc nhìn về việc thất nghiệp.
Xác định lý do khiến bạn thất nghiệp
Nếu bạn đã và đang thất nghiệp trong suốt một thời gian dài thì điều quan trọng cần làm chính là xác định đâu là nguyên nhân khiến cho bạn không có việc làm. Chẳng hạn do năng lực của bạn không đủ so với những nơi bạn xin việc; do bạn có mong muốn quá lớn về công việc hay do bạn chưa đủ nghiêm túc khi tìm việc? Bạn sẽ không thể thoát khỏi stress vì thất nghiệp nếu không giải đáp được các câu hỏi này.
Chẳng hạn như khi bạn mới ra trường nhưng cho rằng phải tìm được công việc lương 15 – 20 triệu vì thấy những người khác cũng được như thế, cảm thấy không công bằng nếu lương mình ít hơn nên quyết định không làm. Hay khi bạn chỉ bập bẹ tiếng Anh nhưng lại luôn nộp vào các công ty nước ngoài, yêu cầu có bằng ielts thì cũng là điều rất khó.
Đôi khi hạ thấp các yêu cầu của bản thân, tìm kiếm các công việc phù hợp với năng lực hiện tại chính là điều bạn cần thật sự nghiêm túc nhìn nhận. Giá trị của bạn sẽ được công nhận khi công việc có kết quả tốt, khi đó tự động công ty sẽ xem xét thay đổi vị trí, lương bổng cho bạn mà thôi. Hoặc hãy coi đó là cơ hội để có thêm kinh nghiệm, kỹ năng thay vì cứ luôn đặt mục tiêu quá cao trong khi năng lực không đủ.
Một thực tế là có những người cầm trên tay tấm bằng tốt nghiệp đại học, thậm chí loại xuất sắc nhưng vẫn không có việc và rơi vào stress vì thất nghiệp. Đấy là bởi dù họ có kiến thức nhưng lại chỉ mang tính lý thuyết trên ghế nhà trường, không có kỹ năng thực hành, không am hiểu thực tế nên cũng không được đánh giá cao. Vì vậy cần luôn phải nhìn vào vấn đề của bản thân nếu muốn giải quyết vấn đề.
Tận dụng thời gian rảnh
Trong giai đoạn thất nghiệp, chắc chắn bạn sẽ dư rất nhiều thời gian, trừ những thời điểm mà bạn đi phỏng vấn hay đi gửi CV. Để bạn không phải nghĩ về những cảm xúc stress, tiêu cực, buồn chán, thất vọng về bản thân vì thất nghiệp thì hãy tận dụng tối đa thời gian này để làm các công việc có ích cho quá trình xin việc sắp tới.
Hãy nghĩ một cách nhẹ nhàng rằng đây là khoảng thời gian để bạn nghỉ ngơi, thư giãn, nâng cao kiến thức, trau dồi giá trị cho bản thân để không cảm thấy thời gian trôi qua vô nghĩa. Chẳng hạn bạn có thể dành thêm thời gian để học thêm tiếng anh hoặc bất cứ ngôn ngữ nào đó; hay nếu bạn có chuyên môn về IT thì vì sao không dành thêm thời gian để trau dồi thêm năng lực.
Thời gian là thứ đã qua thì không bao giờ quay trở lại, vì vậy đừng lãng phí thời gian vào những nỗi buồn vô bổ, không đem lại giá trị gì cho bạn. Hoặc để vượt qua những cảm xúc tiêu cực, stress vì thất nghiệp bạn cũng có thể dành thời gian để chăm sóc sức khỏe tinh thần, làm đẹp cho bản thân bằng cách chăm chỉ tập thể dục, ngủ sớm, ăn uống hợp lý.
Tìm kiếm công việc ngắn ngày hoặc Freelance
Nếu bạn vẫn chờ đợi công việc tương xứng với giá trị, mục tiêu mà bạn mong muốn thì cách tốt nhất là nên có thêm một công việc ngắn ngày hay công việc Freelance tự do trong thời gian chờ đợi. Cũng có lúc bạn cần phải chờ đợi thời cơ hợp lý, chỉ là chưa biết phải chờ đến bao giờ thì đây sẽ thực sự là một gợi ý phù hợp để vượt qua những cảm xúc tiêu cực do stress vì thất nghiệp.
Chẳng hạn như nếu có kỹ năng viết lách, bạn có thể dễ dàng tìm kiếm được các công việc content online, hay nếu có vốn tiếng Anh tốt hãy thử các công việc dịch thuật.. Đây đều là các công việc làm từ xa, hoàn toàn có thể tạo cho bạn một nguồn thu nhập lớn nếu chăm chỉ và có các dự án phù hợp, lâu dài.
Bạn cũng có thể tìm kiếm các công việc bán thời gian tạm thời để ít nhất có thể nuôi sống bản thân mà không cần phải vay mượn hay phụ thuộc vào một ai khác. Đây hoàn toàn có thể chính là cơ hội để bạn thay đổi định hướng bản thân, cần gì và muốn gì, phù hợp với điều gì. Biết đâu bạn có thể thay đổi hoàn toàn mục tiêu công việc so với những dự định ban đầu và thành công hơn.
Đừng ngần ngại tìm sự giúp đỡ khi stress vì thất nghiệp
Như đã nói, trừ những người quá xuất sắc, nhưng người đã có nền tảng sẵn thì hầu như ai cũng từng có giai đoạn chông chênh, mệt mỏi, chán nản, stress vì thất nghiệp. Không ai là có thể dễ dàng thuận lợi trên con đường tìm kiếm được một công việc phù hợp với mọi nhu cầu cá nhân, vì thế đừng ngần ngại chia sẻ và tìm kiếm sự giúp đỡ khi cần thiết.
Bạn có thể tìm kiếm sự giúp đỡ cả về mặt tinh thần lẫn công việc. Chẳng hạn như các bạn cùng học đại học, có cùng chuyên ngành có thể làm các công việc cùng với năng lực của bạn. Hoặc tìm kiếm cơ hội nghề nghiệp nhờ sự giới thiệu của người thân, gia đình, bạn bè.
Dù vậy không phải ai cũng thích làm việc do gia đình hay bạn bè giới thiệu vì sợ rắc rối, ngại người quen. Tuy nhiên bạn có thể chia sẻ để giải tỏa nỗi căng thẳng, stress vì thất nghiệp để cảm thấy tinh thần thoải mái hơn. Những người đã đi làm có thể dành cho bạn những lời khuyên tích cực để bạn có thể tìm kiếm các công việc phù hợp.
Với những người bị stress vì thất nghiệp quá mức dẫn tới nguy cơ trầm cảm, lo âu thì tốt nhất nên tìm kiếm sự giúp đỡ từ nhà trị liệu để tránh các hành vi tiêu cực, bốc đồng có thể gây hại cho bản thân. Tâm lý khi còn tiêu cực, còn chán nản, mất tự tin thì bạn sẽ chẳng làm việc gì thành công nên rất cần có sự giúp đỡ từ các chuyên gia tâm lý để giải tỏa gánh nặng về tinh thần.Hầu như bất cứ ai trên giai đoạn trưởng thành, độc lập cũng đã từng ít nhất một lần cảm thấy stress vì thất nghiệp. Thực tế thì thất nghiệp vốn không đáng sợ, thứ khiến nó trở nên khủng hoảng chính là suy nghĩ của chính chúng ta. Dù như thế nào, bạn cũng không được ngừng nỗ lực, tìm kiếm cơ hội cho bản thân ở khắp nơi, vượt qua thử thách của chính bản mình để hoàn thiện bản thân hơn từng ngày.
Có thể bạn quan tâm:
- Dấu hiệu nhận biết bị quá tải công việc và Các hệ lụy gây ra
- 10 Cách Giải Tỏa Áp Lực Công Việc Bạn Nên Biết
- 7 Lời khuyên cho người mệt mỏi vì áp lực công việc
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!