Dấu hiệu bị quá tải công việc và hệ luỵ có thể gặp
Tinh thần lúc nào cũng mệt mỏi, chỉ nghĩ đến việc đi làm cũng cảm thấy hoang mang, không có thời gian riêng cho bản thân có thể chính là dấu hiệu cho thấy bạn đang bị quá tải công việc. Điều này nếu kéo dài lâu có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến cả thể chất lẫn tinh thần, thậm chí là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới trầm cảm trong công việc nên cần sớm tìm cách cải thiện nhanh chóng.
Dấu hiệu nhận biết bị quá tải công việc
Sau khi đi làm về, bạn có bao giờ có cảm giác toàn thân cạn kiệt năng lượng, không còn muốn giao lưu trò chuyện với ai, dễ dàng cáu gắt khó chịu hơn, hay luôn cảm thấy sợ đến ngày mai vì sẽ phải đi làm? Rất có thể bạn đang ở trong trạng thái kiệt sức, bị quá tải công việc. Tình trạng này khiến cuộc sống của bạn chỉ xoay quanh công việc, không có thời gian cho bản thân nên rất dễ stress.
Cảm giác kiệt sức hay quá tải với công việc thường bắt nguồn từ vô vàn yếu tố, chẳng hạn như công việc quá nhiều, tính chất công việc không phù hợp với mong muốn bản thân, có những xung đột với sếp hay với đồng nghiệp. Nói chung, để tiến tới trạng thái quá tải, mệt mỏi từ công việc chắc chắn do rất nhiều yếu tố tác động trong thời gian dài chứ không phải ngày 1 ngày 2.
Vậy đâu là dấu hiệu nhận biết bản thân đang bị quá tải công việc?
Cuộc sống chỉ xoay quanh “công việc”
Sáng dậy sớm việc đầu tiên là check mail, check tin nhắn xem có thông báo từ công việc, từ sếp, từ khách hàng hay không; trưa vừa ăn vừa phải tư vấn cho khách hàng qua tin nhắn; tối về vẫn tiếp tục làm việc đến tối khuya, chuẩn bị sẵn sàng lịch trình cho cả ngày mai mới dám đi ngủ. Liệu bạn đã bao giờ rơi vào tình cảnh này?
Thậm chí khi mở điện thoại lên bạn cũng chỉ toàn thấy tin nhắn về công việc mà không có bất cứ tin nhắn, cuộc gọi nào từ bạn bè hay người thân. Tất cả thời gian, công sức, cảm xúc hay suy nghĩ bạn đều hướng tới công việc, công việc và chỉ có công việc, không có một chút thời gian nào dành riêng cho mình. Bởi thế việc bị quá tải công việc chắc chắn là điều hiển nhiên.
Thực trạng này đang gặp ở rất nhiều người, đặc biệt ở những người có tham vọng lớn. Họ gần như chỉ tập trung vào công việc và bỏ quên hết những giá trị xung quanh, những mối quan hệ không giúp cho họ thăng tiến. Hay những người trẻ mới đi làm, họ luôn muốn thể hiện bản thân một cách tốt nhất, chỉ biết làm việc không ngừng nghỉ để thể hiện năng lực bản thân, như thế mới được sếp chú ý đến.
Mệt mỏi, uể oải, cạn kiệt sức lực
Bị quá tải công việc khiến bạn lúc nào cũng trong trạng thái cực kỳ mệt mỏi, toàn thân cạn kiệt sức lực, chỉ còn nằm bẹp một chỗ, không buồn làm gì, kể cả ăn uống hay đi chơi cùng bạn bè. Cảm giác như chỉ cần không làm việc thì sức lực cũng không còn một chút nào, toàn thân rã rời, tinh thần cũng ” tụt mood” nghiêm trọng. Bởi thế mà khi hết giờ làm việc họ cũng chỉ ở nhà chứ không muốn đi đâu.
Sự mệt mỏi vì bị quá tải công việc không chỉ thể hiện ở mặt tinh thần mà còn liên quan đến cả thế chất. Lịch trình công việc quá dày đặc, quá nhiều công việc phải lo khiến họ không còn thời gian ăn uống hay chăm sóc cho bản thân. Chẳng hạn đến chiều mới ăn trưa, ăn qua loa, thường sử dụng các loại đồ ăn nhanh. Do đó những người này cũng thường gặp các vấn đề về dạ dày, tiêu hóa, đau đầu..
Một dấu hiệu khác ở những người đang bị stress áp lực công việc do quá tải chính là thường cảm thấy bị căng cơ. Nguyên nhân là do stress có thể khiến quá trình tuần hoàn máu kém, cơ thể tiết ra một số hormone làm căng cơ. Do đó bạn mới cảm thấy vùng cổ, tay hay lưng sẽ có xu hướng ê ẩm hơn bình thường. Mặt khác việc ngồi làm việc không đúng tư thế cũng rất dễ gây ra tình trạng này.
Bị quá tải công việc dễ trở nên cáu gắt hơn
Công việc quá áp lực khiến bản thân bạn vốn cảm thấy cực kỳ, mệt mỏi, bí bách, đặc biệt nếu tiến độ công việc không đúng như dự tính ban đầu. Điều này khiến bạn trở nên dễ dàng rơi vào stress, cáu gắt, khó chịu, bực bội hơn và dễ dàng “phát hỏa”, cau có với tất cả những người xung quanh khi đã bị quá tải công việc.
Chẳng hạn nếu là sếp bạn sẽ có xu hướng cáu kỉnh, la rầy cấp dưới nhiều hơn, tạo áp lực nhiều hơn cho cấp dưới. Trong khi đó nếu chỉ là một nhân viên bình thường, bạn không thể tỏ thái độ không tốt với sếp hay đồng nghiệp nên có xu hướng “xả cục tức” với bạn bè, người yêu hay cả những người thân trong nhà khiến mọi người có xu hướng muốn xa lánh bạn.
Ngay cả với những việc rất nhỏ, chẳng hạn như giờ ngủ trưa, đồng nghiệp vô tình mở đèn sớm trước 5 phút cũng có thể khiến bạn nổi nóng, tranh luận và cho rằng đồng nghiệp không tôn trọng mình. Bị quá tải công việc khiến bạn cần mất kiểm soát với cảm xúc, dù sau đó bạn có thể nhận ra rằng mình sai nhưng vẫn không thể ngưng lại được những cảm xúc tiêu cực này.
Mất tập trung, giảm sự linh hoạt
Khi tinh thần không được tỉnh táo, suy nghĩ quá nhiều, ngủ không đủ, tinh thần cạn kiệt năng lượng thì tất nhiên kèm theo đó độ linh hoạt của bạn cũng giảm dần. Trạng thái lơ mơ, thiếu tập trung, chậm chạp, thiếu linh hoạt được thể hiện cả trong công việc và các lĩnh vực khác. Điều này cũng đồng nghĩa với việc hiệu quả công việc giảm sút và càng khiến bạn cảm thấy stress hơn.
Chẳng hạn khi đang họp nhưng bạn luôn cảm thấy không hiểu sếp nói gì, dù đã cố gắng tập trung nhưng vẫn cứ cảm thấy quay cuồng, mỗi khi sếp hỏi bạn đều không biết nên trả lời thế nào. Hay về nhà cũng thường làm rơi rớt đồ, qua đường không chú ý trước sau, người khác gọi tên cũng không nghe thấy.. Đây cũng chính là những dấu hiệu rõ ràng về việc bạn đang bị quá tải công việc, kiệt quệ về tinh thần.
Cảm thấy thiếu thời gian do bị quá tải công việc
Có những người bận rộn, nhiều công việc nhưng khi họ cảm thấy yêu thích điều này sẽ mong muốn có thêm thời gian để làm thêm nhiều việc, để cống hiến. Mặt khác những người ôm đồm quá nhiều việc, khối lượng công việc quá lớn còn tồn đọng lại mà chỉ có một mình họ xử lý, đồng thời cũng không biết phân bổ thời gian hợp lý khiến họ luôn cảm thấy mỗi ngày đều thật ngắn ngủi, thời gian quá ít.
Một dấu hiệu điển hình nhất cho trường hợp này chính là không chỉ tốn 8 tiếng ở công ty phải làm việc mà còn phải phải đem việc về nhà làm thêm.Và nếu đó là phần việc bạn bắt buộc phải hoàn thành, dù làm thêm ở nhà cũng chẳng hề được tính thêm lương thì mức độ stress, cạn kiệt năng lượng sẽ càng tăng lên.
Họ dường như chẳng thể ra ngoài chơi vào cuối tuần, chẳng thể hẹn hò bởi phải xử lý hàng đống công việc tồn đọng. Ngay cả trong giấc mơ, bạn dường như cũng thấy công việc, thấy bị sếp mắng, thấy bị cho nghỉ việc do không hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Bởi thế ngay cả đang giữa đêm, nhiều người cũng phải choàng tỉnh dậy vì sợ điều vừa mơ thấy đã thành hiện thực.
Mất động lực với công việc
Dù trước đó bạn luôn đặt mục tiêu KPI tháng này phải gấp đôi tháng trước, dù trước đó bạn có thể hoàn thành tốt điều này nhưng khi bị quá tải công việc, bạn thậm chí còn không hoàn thành đủ chỉ tiêu của tháng. Cho dù bình thường nhắm mắt bạn cũng có thể hoàn thành xong công việc, cho dù yêu thích công việc đó đến nhường nào thì trong trạng thái quá tải dường như không có động lực cống hiến, KPI dường như cũng chẳng còn quan trọng.
Tình trạng bị quá tải công việc dường như lấn át hoàn toàn đam mê, hy vọng, năng lực của bạn. Trong tâm trí bạn dường như chỉ cảm thấy công việc này thật mỏi mệt, thật muốn nghỉ việc chứ không thể tìm ra niềm vui khi làm việc như trước. Bởi thế bạn có xu hướng trì hoãn, lười biếng hay thậm chí mặc kệ công việc, để đến đâu thì đến, không muốn suy nghĩ đến kết quả.
Các hệ lụy do bị quá tải công việc gây ra
Là người trưởng thành, ai cũng cần phải đi làm. Công việc chính là thứ tạo ra thu nhập giúp chúng ta có thể nuôi sống bản thân, để ta hiểu được giá trị của đồng tiền, để tạo ra được các mối quan hệ. Công việc nhiều có thể đồng nghĩa với việc bạn có thể gia tăng nguồn thu nhập để nâng cao chất lượng sống cho bản thân, đây cũng chính là nguyên nhân khiến rất nhiều người thường ôm đồm rất nhiều công việc cùng lúc.
Tuy nhiên bất cứ vấn đề gì cũng có 2 mặt, nếu bạn không biết cách phân bổ thời gian làm việc và nghỉ ngơi hợp lý dẫn tới trạng thái bị quá tải công việc xảy ra thì những hệ lụy dẫn tới cũng không hề đơn giản.
Gặp các vấn đề về sức khỏe
Khi bạn ngủ không đủ giấc, làm việc quá sức, lối sống vô độ, thường xuyên sử dụng các loại thức ăn nhanh hay bỏ bữa, không dành thời gian nghỉ ngơi thì sức khỏe suy giảm chính là điều cực kỳ hiển nhiên. Hàng loạt vấn đề liên quan đến thể chất thường gặp ở những người thường làm việc không nghỉ ngơi, bị quá tải công việc như
- Các vấn đề về dạ dày, tiêu hóa như viêm loét dạ dày do ăn uống thiếu lành mạnh, thường ăn mì tôm, đồ ăn nhanh, ăn quá khuya hay ăn không đúng bữa
- Bị trĩ do chế độ ăn uống không lành mạnh, thiếu rau xanh, ngồi quá nhiều mà không vận động
- Đau đầu do căng thẳng thần kinh và thiếu ngủ
- Cao huyết áp do thường xuyên căng thẳng, stress, sinh hoạt kém lành mạnh
- Suy giảm sức đề kháng khiến cơ thể dễ mắc các bệnh cảm lạnh, cảm cúm
- Cân nặng tăng giảm bất thường do chế độ ăn không khoa học
- Da dẻ xanh xao, thiếu sức sống
- Các bệnh về tim mạch
- Rối loạn giấc ngủ
Chúng ta thường mong muốn đi làm được thật nhiều tiền để có cuộc sống ở cả hiện tại và tương lai tốt hơn, để khi về già có thể an nhàn hưởng thụ mà không cần phải suy nghĩ điều gì. Tuy nhiên chính thói quen sống không lành mạnh, cạn kiệt sức lực vì làm việc mà những nỗ lực ở hiện tại của chính ta lại được dùng để chăm sóc sức khỏe cho tương lai vì đã từng bị “tàn phá” ở quá khứ.
Xa rời các mối quan hệ
Công việc quá bận rộn khiến bạn dường như chẳng còn thời gian cho các mối quan hệ bên ngoài, mỗi ngày chỉ xoay quanh công việc, sếp, đồng nghiệp hay khách hàng. Đồng thời với sự thay đổi tích cách, thường xuyên cáu gắt khó chịu, nhăn nhó của bạn khiến những người xung quanh thường e dè, không muốn tiếp xúc với bạn, cảm thấy bạn đưa đến nguồn năng lượng tiêu cực không cần thiết.
Không chỉ xa cách với bạn bè, thậm chí sự bận rộn và khó chịu của bạn còn làm tạo ra khoảng cách với cả những người thân trong gia đình. Bạn thường không nhận ra điều này cho tới một ngày, khi bạn cảm thấy cực kỳ cô đơn, mệt mỏi, cầm điện thoại lên và muốn tìm ai đó nói chuyện nhưng chợt phát hiện, đã quá lâu rồi mình chẳng hề liên lạc với ai ngoài những người liên quan đến công việc. Và buồn hơn là, cũng chẳng ai tìm bạn.
Rõ ràng, việc trò chuyện hay chia sẻ với ai đó dường như là một nhu cầu của mỗi chúng ta. Khi chia sẻ với một ai đó chúng ta dường như có thể trút bỏ được nỗi lòng, cảm thấy tinh thần thoải mái hơn rất nhiều. Khi mà bạn đã mệt mỏi vì bị quá tải công việc lại thêm việc cô đơn, không có ai để chia sẻ sẽ dần tích tụ những điều tiêu cực và tăng nguy cơ mắc trầm cảm vì công việc cao.
Tăng nguy cơ các vấn đề tâm lý
Một điều đặc biệt là chúng ta thường cảm thấy bị quá tải công việc do muốn chứng tỏ năng lực bản thân, muốn kiếm thật nhiều tiền, muốn thăng tiến nhanh nên mới bỏ qua tất cả chỉ để chú tâm vào công việc. Thế nhưng khi tinh thần đã mệt mỏi, cơ thể cũng không hoạt động theo ý muốn của bản thân, kiệt quệ sức lực khiến chất lượng công việc của bạn cũng giảm sút theo.
Khi hiệu suất công việc không như mong muốn, đồng thời các mối quan hệ xung quanh cũng dần xa cách khiến lòng tự trọng, sự tự tin của rất nhiều bị tụt giảm. Họ dần không tin vào năng lực của bản thân, cảm thấy kém cỏi, không còn mục tiêu phấn đấu, tinh thần cũng dần trở nên tiêu cực hơn.
Khi chất lượng công việc giảm thì mức độ stress của bạn lại gia tăng, tình trạng mất ngủ, áp lực, chán chường lại càng tăng lên. Những suy về việc có nên tiếp tục công việc này, có thật sự cần công việc này, thậm chí chỉ cần nghĩ đến việc trời sáng là phải đi làm cũng khiến rất nhiều người hoảng sợ. Các vấn đề tâm lý như trầm cảm, rối loạn lo âu cũng hình thành chính từ những nguyên nhân này.
Bị quá tải công việc nên làm gì để cải thiện?
Có một thuật ngữ có thể dùng cho những người đang bị quá tải công việc chính là – Hội chứng Burnout (có thể hiểu là trạng thái “cháy sạch” nơi làm việc). Những người trong trạng thái này luôn cảm thấy cạn kiệt năng lượng, mệt mỏi, chán nản khi nghĩ đến việc đi làm hay tại nơi làm việc, dần dần dẫn tới không còn động lực để đi làm. Lộ trình dẫn tới trạng thái này cũng thường liên quan đến việc làm việc quá sức, môi trường làm việc tiêu cực, chế độ sinh hoạt kém lành mạnh..
Tuy nhiên dù liên quan đến bất cứ nguyên nhân nào thì bị quá tải công việc cũng gây ra nhiều hệ lụy đến cả thể chất lẫn đời sống tinh thần của mỗi người. Hơn hết, khi tinh thần không thoải mái, thì dù làm bất cứ việc gì cũng không cho kết quả tốt, nhìn đâu cũng cảm thấy khó chịu bực bội, tự bạn khiến cho chính bạn tiêu cực, do đó cần tìm cách giải quyết càng sớm càng tốt.
Một số cách giúp bạn cân bằng lại được cuộc sống, tránh để các vấn đề công việc khiến bạn cảm thấy mệt mỏi và quá tải như
- Phân chia thời gian giữa làm việc và nghỉ ngơi một cách rõ ràng. Thay vì ôm việc về nhà làm thêm, bạn hãy cố gắng hoàn thành tốt nhất công việc trên công ty, tránh dây dưa quá nhiều đến khi về nhà. Hoặc nếu nhận thêm việc, phải hoàn thành đúng tiến độ, bạn cũng nên phân định rạch ròi giờ giấc làm việc để có thể sắp xếp thời gian phù hợp hơn.
- Đảm bảo ngủ đủ 7-8 tiếng một ngày, thay vì thức khuya để làm việc bạn nên ưu tiên việc dậy sớm hơn
- Duy trì thói quen luyện tập thể dục thể thao hằng ngày để có một thể lực và tinh thần khỏe khoắn, tích cực, dù có bị quá tải công việc như thế nào cũng không gục ngã
- Trao đổi với đồng nghiệp hay cấp trên nếu cảm thấy khối lượng công việc hiện tại quá sức, bản thân không thể hoàn thành tốt nhất để tìm được phương hướng hỗ trợ. Tuy nhiên bạn đừng nên than vãn mà nên có kế hoạch chiến lược rõ ràng để sếp hiểu được quan điểm của bạn, tránh trường hợp cấp trên có thể cho rằng bạn là người lười biếng, không muốn nỗ lực vì công việc
- Dành thời gian để bản thân nghỉ ngơi mỗi ngày, mỗi tuần chỉ đơn giản để ngủ, đi chơi hoặc làm bất cứ điều gì yêu thích để phục hồi năng lượng. Đừng đợi đến khi quá mệt mỏi mới bắt đầu nghĩ đến việc nghỉ ngơi
- Giữ liên lạc với bạn bè và người thân để chia sẻ những cảm xúc. Tất nhiên không phải lúc nào bạn cũng cần nhắn tin, gọi điện mỗi ngày, nhưng hãy luôn dành sự quan tâm đến những người tuyệt vời quanh mình. Khi có một người để bạn có thể than vãn hay chia sẻ niềm vui, chắc chắn tinh thần cũng vui vẻ, thoải mái hơn rất nhiều.
- Yêu thương và chăm sóc cho bản thân nhiều hơn, hãy luôn dành những điều tốt nhất cho chính mình. Chẳng hạn hãy thưởng cho bản thân những món quà yêu thích bởi đã hoàn thành tốt công việc. Điều này có thể tạo động lực để bạn cố gắng hơn từng ngày.
- Gặp gỡ nhà trị liệu nếu cần thiết. Khi tinh thần luôn trong trạng thái quá kiệt quệ, muốn từ bỏ mọi thứ, có rất nhiều suy nghĩ tiêu cực trong đầu mà bản thân không thể nào tìm cách giải tỏa được thì nhà trị liệu chính là người có thể giúp đỡ bạn lúc này. Chỉ khi tinh thần khỏe mạnh thì bạn làm bất cứ điều gì cũng mang lại kết quả tốt.
Nói chung, trong mỗi chúng ta, hầu như cũng từng có một giai đoạn nào đó rơi vào trạng thái bị quá tải công việc. Một lối sống lành mạnh, ăn ngủ đầy đủ, cân bằng thời gian làm việc và nghỉ ngơi, đồng thời tìm kiếm sự chia sẻ từ bạn bè, người thân sẽ giúp bạn sớm thoát khỏi những hệ lụy không mong muốn từ tình trạng này.
Có thể bạn quan tâm:
- Thanatophobia: Nỗi sợ về cái chết vượt qua bằng cách nào?
- Chứng sợ đi máy bay (Pteromerhanophobia) gây khó khăn gì?
- Chứng sợ có bầu và sanh con có phải là sự ích kỷ ở phụ nữ?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!