Thực trạng trầm cảm ở Việt Nam: Người bệnh gia tăng nhưng nguồn lực điều trị khan hiếm

Tình trạng trầm cảm tại Việt Nam có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây nhưng việc điều trị trầm cảm còn rất hạn chế. Theo một số thống kế mới nhất tại Việt Nam, cứ 5 người thì có ít nhất 1 người gặp rối loạn tâm thần (trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn cảm xúc…). Tuy nhiên, chỉ có khoảng 20% trong số đó được điều trị.

Trầm cảm có xu hướng gia tăng và trẻ hóa, độ tuổi vị thành niên đáng báo động

Cách đây khoảng 10, tỷ lệ dân số mắc các vấn đề về tâm thần tại Việt Nam ước tính khoảng 15% thì đến nay, con số này đã lên tới khoảng 30% (trong đó, trầm cảm chiếm 25%). Tại các cơ sở y tế chuyên khoa, số lượng bệnh nhân đến thăm khám các bệnh liên quan đến trầm cảm ghi nhận tăng 20 – 30% mỗi năm.

Nếu như trước kia, trầm cảm thường được biết đến ở đối tượng phụ nữ sau sinh và người cao tuổi thì hiện nay trầm cảm có thể xảy ra với bất kỳ ai. Đặc biệt là tình trạng trầm cảm ở đối tượng thanh thiếu niên từ 14-29 tuổi đang ở mức đáng báo động.

Theo số liệu công bố trong nước, Việt Nam có ít nhất ba triệu thanh thiếu niên bị rối loạn tâm thần, chỉ 20% trong số đó được chẩn đoán và điều trị thích hợp. Số đông tìm đến rượu bia, ma túy, và các chất kích thích như những giải pháp tạm thời.” (theo bài viết Báo động bệnh trầm cảm ở Việt Nam trên báo điện tử Vietnamnet.vn). Các giải pháp tạm thời mà người trẻ sử dụng để xoa dịu những dấu hiệu khó chịu từ các rối loạn tâm thần khiến cho tình trạng bệnh ngày một nặng hơn và có thể trở thành mối nguy hiểm của xã hội.

Và nữ giới có xu hướng bị trầm cảm cao hơn nam giới. Trung bình, cứ 2 người nữ mắc trầm cảm mới có 1 người nam mắc trầm cảm.

Tỷ lệ mắc trầm cảm gia tăng trong đại dịch Covid-19

Sự xuất hiện của dịch Covid cũng khiến cho số người trầm cảm, rối loạn lo âu tăng đột biến, kể cả số người tự tử do trầm cảm. Sự xuất hiện của đại dịch Covid-19 là điều mà không ai mong muốn. Nó làm ảnh hưởng đến sức khỏe và nhiều khía cạnh đời sống của con người. Nó khiến con người rơi vào tình trạng lo âu, sợ hãi, suy nghĩ tiêu cực và tạo ra một sang chấn tâm lý trên diện rộng. Sang chấn tâm lý này có thể phát triển thành trầm cảm. Đặc biệt là những người đã từng bị nhiễm vi rút, đã trải qua quá trình điều trị Covid, chứng kiến sự ra đi của người thân hoặc người xung quanh. Bên cạnh đó, sang chấn tâm lý này còn tiếp tục tác động đến tình trạng hậu covid, khiến nó kéo dài, dai dẳng với các triệu chứng phức tạp, không rõ nguyên nhân, lặp lại hay phát triển ngày một nghiêm trọng hơn.

Một khảo sát do Bệnh viện Chợ Rẫy thực hiện tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19 TP Thủ Đức từ tháng 9 cũng cho thấy 53,3% bệnh nhân tại đây bị rối loạn lo âu, 16,7% stress và 20% trầm cảm. Đặc biệt, những bệnh nhân từng thở HFNC, thở oxy qua mặt nạ, hoặc thở máy, tỷ lệ trầm cảm và rối loạn lo âu lên tới 66,7%. (theo bài viết “Hậu Covid-19, nhiều người gặp vấn đề tâm thần” của báo điện tử Vnexpress.net).

Thực trạng trầm cảm ở Việt Nam có xu hướng gia tăng sau sự xuất hiện của dịch bệnh Covid

Tỷ lệ người mắc trầm cảm gia tăng trong đại dịch Covid không chỉ diễn ra tại Việt Nam mà còn diễn ra ở nhiều quốc gia khác trên thế giới như Nhật, Mỹ, Ấn Độ…

Kết quả phân tích 66 nghiên cứu trên thế giới cho thấy tỷ lệ hiện mắc các rối loạn tâm thần trong đại dịch COVID-19 gia tăng đáng kể như tỷ lệ mắc rối loạn trầm cảm (31,4%), rối loạn lo âu (31,9%) và rối loạn giấc ngủ (41,1%). (theo bài viết “Thứ trưởng Bộ Y tế: Tỷ lệ mắc các rối loạn tâm thần trong đại dịch COVID-19 gia tăng” trên báo điện tử của Bộ Y tế moh.gov.vn).

Chuyên gia tâm lý, Master Coach Bùi Thị Hải Yến, Giám đốc Trung tâm Tâm lý trị liệu NHC Việt Nam chia sẻ: “Hiện nay, Trung tâm Tâm lý trị liệu NHC Việt Nam đã và đang trị liệu tâm lý cho người khách hàng gặp các rối loạn tâm lý như trầm cảm, rối loạn lo âu. Tình trạng của họ có thể đã xuất hiện từ trước Covid (ở thể nhẹ hoặc) hoặc sau khi có Covid. Nhưng có một điều chắc chắn, Covid đã ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe tinh thần của họ cả trước, trong và sau khi mắc Covid. Bằng phương pháp tâm lý trị liệu không sử dụng thuốc, chúng tôi đã giúp khách hàng hồi phục sức khỏe tâm trí, để từ đó cải thiện sức khỏe thể chất”.

Mạng xã hội và tình trạng trầm cảm trong xã hội hiện đại ngày nay

Nguyên nhân dẫn đến trầm cảm của con người khá đa dạng. Nó có thể là những ám ảnh, sợ hãi từ bạo lực học đường, nó cũng có thể là một vài nốt mụn trứng cá trên mặt bạn gái đang tuổi dậy thì hay nó cũng có thể xuất phát từ những nỗi lo toan thái quá của bà mẹ sau sinh với đứa con thơ… Nói chung, nó là những áp lực, những khó khăn mà chúng ta không có đủ khả năng để làm chủ, để giải quyết vấn đề hoặc tìm cách vượt qua được.


Áp lực của học sinh, sinh viên thường đến từ việc học tập và hoàn cảnh gia đình.

Áp lực thì thời nào cũng có nhưng xã hội hiện đại ngày nay còn tiềm ẩn nguy cơ là sự phát triển của internet, của mạng xã hội. Không thể phủ nhận sự phát triển của internet, mạng xã hội đã mang đến cho con người rất nhiều lợi ích. Tuy nhiên, mạng xã hội cũng gây ra cho con người nhiều vấn đề về sức khỏe, mối quan hệ, khả năng tập trung trong học tập, làm việc…

Một số nghiên cứu cho thấy có sự tương quan giữa thời gian sử dụng mạng xã hội và vấn đề trầm cảm ở lứa tuổi thanh thiếu niên. Nhóm thanh thiếu niên dành nhiều thời gian sử dụng mạng xã hội có tỷ lệ trầm cảm cao hơn đáng kể (từ 13% đến 66%) so với những người dành ít thời gian cho mạng xã hội.

Sử dụng mạng xã hội quá nhiều làm ảnh hưởng đến sự tập trung của con người. Rất nhiều người trong chúng ta đang vừa làm việc/vừa học tập nhưng lại vừa sử dụng điện thoại. Có rất nhiều người tự hào về khả năng nắm bắt thông tin, đa nhiệm của mình nhưng chính điều này đã khiến cho họ bị gián đoạn sự tập trung, giảm hiệu quả học tập, giảm hiệu suất công việc. Thậm chí, có nhiều người lướt mạng xã hội như một thói quen không có điểm dừng mà quên mất rằng mình đang ở bên cạnh ai, mình đang cần làm việc gì. Đôi khi chúng ta tự nhủ với bản thân rằng chỉ lướt mạng xã hội 5 phút thôi nhưng đến khi chúng ta dứt ra khỏi nó có lẽ đã là 50 phút rồi.

Mạng xã hội cũng là nơi chứa một lượng thông tin giải trí khổng lồ, nó như một liều thuốc chữa lành tức thì giúp bạn giảm stress, căng thẳng, xoa dịu nỗi đau, cảm xúc tiêu cực ngay lúc đó. Điều này cũng khiến nhiều người nghiện sử dụng mạng xã hội để khỏa lấp đi những khoảng trống, sự buồn chán của bản thân một cách tức thì mà không biết rằng vấn đề của họ vẫn còn đó.

Sự xuất hiện của mạng xã hội đã tạo ra sự so sánh lớn hơn trước kia rất nhiều. Trên mạng xã hội, chúng ta có thể nhanh chóng biết được thông tin của bất kỳ ai, từ bạn bè, người thân cho đến những người xa lạ, người nổi tiếng. Những thông tin, hình ảnh đôi khi được cắt gọt đến lung linh, huyền ảo trên mạng có thể khiến chúng ta soi xét, ganh tỵ, thấy mình thấp kém, trở nên thiếu tự tin, làm giảm lòng tự trọng của chính mình…

Thực trạng trầm cảm ở Việt Nam đang có xu hướng gia tăng cùng với sự phát triển của mạng xã hội

Một bộ phận không nhỏ coi trọng hình ảnh, đời sống của mình trên mạng xã hội nhiều hơn là đời sống thực tế. Họ đang cố gắng chứng tỏ với mọi người rằng họ có một cuộc sống hoàn hảo, hạnh phúc và thành công. Điều này đã khiến họ quên đi hoặc có thói quen che dấu những cảm xúc thật của mình, quên đi cách quan tâm, tương tác đến những người thân đang hiện hữu xung quanh mình như thế nào, quên đi cách kết nối với chính mình, kết nối với thế giới xung quanh. Sử dụng mạng xã hội càng nhiều, chúng ta càng ít suy nghĩ về thực tại, dễ dàng bị cô lập với thế giới xung quanh và quên đi những người thân cần quan tâm, chăm sóc bên cạnh.

Một nghiên cứu khác vào năm 2018 đối với thanh niên ở Mỹ (độ tuổi 19-32) cho thấy mối tương quan giữa thời gian dành cho mạng xã hội và sự cô lập xã hội (PSI). Các tác giả nhận ra rằng những người cảm thấy bị cô lập về mặt xã hội dành nhiều thời gian cho mạng xã hội hơn.

Nghiện mạng xã hội cũng khiến cho chúng ta ít hoạt động thể chất hơn. Các hoạt động thể chất không chỉ giúp nâng cao sức khỏe thể chất mà còn giúp cơ thể sản sinh ra các hóc môn “hạnh phúc” như serotonin, endorphin… Đây là các chất dẫn truyền thần kinh mà sự thiếu hụt của nó được cho rằng là nguyên nhân gây ra chứng trầm cảm.

Những người nghiện mạng xã hội cũng bị ảnh hưởng giấc ngủ, đặc biệt là những người dùng điện thoại thông minh trước khi đi ngủ. Hơn nữa, giấc ngủ và trầm cảm có mối liên hệ mật thiết với nhau.

Người trầm cảm gia tăng nhưng nguồn lực điều trị khan hiếm

Trong một cuộc khảo sát năm 2014 của Tổ chức Y tế thế giới, WHO báo cáo rằng chỉ có 0, 91 bác sĩ tâm thần trên 100.000 dân ở Việt Nam, tức là gần 110.000 dân mới có một bác sĩ tâm thần. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng chăm sóc sức khỏe tâm thần ở nước ta còn kém phát triển so với nhiều nước trong khu vực châu A. Ở nước ta hiện nay có khoảng 36 bệnh viên và 6000 giường bệnh dành cho bệnh nhân nặng. Hơn nữa, nguồn nhân lực và cơ sở vật chất về sức khỏe tâm thần không được phân bổ đều ở các khu vực, tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh, một số tỉnh còn không có bác sĩ và khoa tâm thần.

Tâm lý trị liệu đang là giải một pháp hiệu quả, an toàn và triệt để với người trầm cảm.

Tâm lý trị liệu cho người trầm cảm là một giải pháp hiệu quả, an toàn mà rất nhiều quốc gia tiên tiến đang áp dụng. Tuy nhiên, dịch vụ này còn chưa được phổ biến ở Việt Nam do nguồn nhân lực cho tâm lý trị liệu còn rất khan hiếm cùng nhiều nguyên nhân khác.

Hơn nữa, việc điều trị các rối loạn tâm thần rất khác so với các vấn đề sức khỏe thể chất khác vì chúng khó có thể nhìn thấy bằng mắt thường và chưa có thời gian phục hồi tiêu chuẩn. Việc điều trị trầm cảm bằng thuốc mới chỉ mang lại hiệu quả thuyên giảm triệu chứng bệnh nhưng chưa thể giải quyết được nguyên nhân gây bệnh. Trầm cảm có thể đến từ rất nhiều nguyên nhân khác nhau và phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như kinh nghiệm sống, hoàn cảnh sống, trải nghiệm trong quá khứ, sự mạnh mẽ của nội lực… Bởi vậy, khả năng tái phát trầm cảm hiện đang rất cao. Việc điều trị bằng thuốc lâu dài mang đến nhiều hệ lụy về sức khỏe, khả năng hòa nhập cộng đồng, khả năng lao động cho con người.

Sự hiểu biết của người dân về sức khỏe tâm thần còn rất hạn chế cộng với sự kỳ thị sẵn có cũng là rào cản cho việc sớm phát hiện, mạnh dạn chia sẻ, giúp đỡ và điều trị cho người trầm cảm.

Vấn đề kỳ thị người trầm cảm

Vấn đề kỳ thị, phân biệt đối xử với người mắc các rối loạn tâm thần nói chung và các rối loạn trầm cảm nói riêng vẫn đang tồn tại ở Việt Nam và nhiều quốc gia khác trên thế giới.

Ở trong suy nghĩ, niềm tin của nhiều người, người mắc các chứng rối loạn tâm thần là những người có hành vi khác thường, rất đáng sợ và cần tránh xa. Suy nghĩ, niềm tin này có thể do chúng ta đã từng gặp những người có rối loạn tâm thần nặng đi lang thang ở ngoài đường, ăn mặc nhếch nhác và có thể làm hại người khác. Tuy nhiên, cũng có những người bị rối loạn tâm thần, không nơi nương tựa bị ức hiếp, lạm dụng, lợi dụng sức lao động.

Thực tế, sức khỏe tâm thần có rất nhiều loại và cấp độ khác nhau. Nếu vấn đề sức khỏe tâm thần được phát hiện và điều trị sớm, người bệnh sẽ khỏe mạnh và sinh hoạt như người bình thường. Theo thống kê, Việt Nam đang có khoảng 25-30% dân số gặp các vấn đề về sức khỏe tâm thần. Và có lẽ, mỗi người trong chúng ta đều có thể gặp các vấn đề về sức khỏe tâm thần một lần trong đời, chỉ là chúng ta chưa có đủ kiến thức, sự hiểu biết đúng đắn về sức khỏe tâm thần.

Hơn nữa, việc kỳ thị người mắc các rối loạn trầm cảm, rối loạn tâm thần sẽ làm vấn đề sức khỏe của họ nặng hơn. Sự kỳ thị khiến cho họ xấu hổ, sợ hãi, không dám chia sẻ, không dám thừa nhận mình có vấn đề về sức khỏe tâm thần, cô lập bản thân với xã hội, mất đi cơ hội để làm việc, hòa nhập với xã hội, mất đi niềm tin vào bản thân mình, thậm chí là rơi vào tình trạng tuyệt vọng, bị kích động gây ra tổn thương cho chính mình và người khác, hoặc bị bắt nạt, bạo lực, quấy rối. Sự kỳ thị cũng mang đến những ảnh hưởng tiêu cực đến người thân của họ.

Bởi vậy, các chương trình, sự kiện nhằm tuyên truyền đến người dân kiến thức về sức khỏe tinh thần là rất cần thiết. Điều này sẽ giúp cho người dân xóa bỏ niềm tin, tư duy không đúng đắn về người trầm cảm, giúp cho người dân nhận biết vấn đề khi còn mức độ nhẹ và kịp thời có các giải pháp phù hợp cho chính bản thân, giảm gánh nặng cho y tế, xã hội…

Có thể bạn quan tâm:

4.1/5 - (45 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *