Trầm cảm sau khi phá thai: Cách nhận biết và phòng tránh

Đối với phụ nữ, phá thai là một hành động vô cùng tồi tệ, tuy nhiên vì một lý do nào đó mà họ bắt buộc phải bỏ đi đứa con của mình. Hành động này sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đối với sức khỏe thể chất và tinh thần của người phụ nữ, nhiều trường hợp nghiêm trọng còn có thể rơi vào tình trạng trầm cảm sau khi phá thai. 

Trầm cảm sau khi phá thai
Hành động phá thai sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đối với sức khỏe thể chất và tinh thần của người phụ nữ

Hậu quả nghiêm trọng của việc phá thai

Phá thai là biện pháp sử dụng thuốc hoặc thủ thuật chuyên môn nhằm chấm dứt sớm giai đoạn thai kì của chu kỳ mang thai. Phôi thai hoặc thai nhi trong bụng mẹ sẽ bị loại bỏ ra bên ngoài tử cung trước thời hạn sinh nở. Trong thực tế, tất cả các bà mẹ đều không muốn bỏ đi đứa con của chính minh, tuy nhiên vì một số lý do hoặc trường hợp bắt buộc nào đó mà các mẹ phải đưa ra quyết định đau lòng này.

Hiện nay, tình trạng nạo phá thai đang trở thành vấn đề nhức nhối đối với rất nhiều quốc gia trên toàn thế giới. Rất nhiều đất nước đã ban hành hẳn một luật nhằm phòng tránh tình trạng phá thai, đặc biệt là ở giới trẻ. Tuy nhiên trên thực tế thì số liệu về các ca nạo phá thai không có dấu hiệu thuyên giảm, đặc biệt là giới trẻ.

Theo số liệu thống kê nhận thấy có đến khoảng 30% các trường hợp phá thai đều là ở giới trẻ chưa lập gia đình. Đặc biệt hơn là có đến 57% các trường hợp phá thai muộn, không an toàn và phá thai nhiều lần. Theo GS.BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng – Giám đốc của bệnh viện Từ Dũ tại TPHCM cho biết, thực trạng nạo phá thai hiện đang rất đáng lo ngại. Hàng năm ở nước ta có đến khoảng 700.000 phụ nữ tiến hành nạo phá thai với nhiều nguyên nhân khác nhau.

Trầm cảm sau khi phá thai
Tình trạng nạo phá thai đang trở thành vấn đề nhức nhối đối với rất nhiều quốc gia trên toàn thế giới

Các chuyên gia cho biết rằng, hành động nạo phá thai có thể để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý và tương lai, chất lượng giống nòi. Về mặt sức khỏe việc phá thai có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng như:

  • Vô sinh: Dựa vào số liệu thống kê nhận thấy, có đến khoảng 20% các trường hợp phụ nữ rơi vào tình trạng vô sinh, vĩnh viễn không có khả năng sinh con sau khi tiến hành phá thai. Hậu quả này thường sẽ dễ gặp ở những trường hợp phá thai không an toàn, phá thai muộn, tiến hành phá thai ở những cơ sở bất hợp pháp, phá thai nhiều lần,…
  • Dính buồng tử cung: Tình trạng dính buồng tử cung sẽ không xuất hiện ngay sau khi phá thai nhưng nó sẽ âm thầm tiến triển và bộc phát sau một thời gian. Nếu tình trạng dính nặng sẽ làm gia tăng nguy cơ không thể đậu thai hoặc sảy thai sau đó.
  • Thủng tử cung, rách tử cung: Tình trạng này có thể xảy ra do tư thế tử cung bất thường hoặc do sự yếu kém trong tay nghề của bác sĩ.
  • Băng huyết: Đây là trường hợp chảy máu quá nhiều sau khi nạo phá thai. Hậu quả này sẽ thường xuyên xuất hiện đối với những phụ nữ lựa chọn các cơ sở phá thai chui, không có giấy phép hoạt động cụ thể. Nếu tình trạng này không được kịp thời xử lý có thể gây nên tình trạng mất máu cấp và dẫn đến tử vong.
  • Viêm nhiễm vùng chậu: Sau khi phá thai, bạn có thể cảm thấy đau lưng, đau bụng, âm đạo tiết ra nhiều dịch có mùi hôi khó chịu. Đây chính là một trong các triệu chứng thường gặp nếu bạn bị viêm nhiễm vùng chậu sau khi phá thai.
  • Rối loạn ăn uống: Theo chia sẻ của các chuyên gia cho thấy rằng, phụ nữ sau khi trải qua quá trình phá thai có thể bị ảnh hưởng làm thay đổi khẩu vị ăn uống. Điều này có thể dẫn đến tình trạng biếng ăn, ăn không ngon miệng, thường xuyên bỏ bữa. Nếu kéo dài tình trạng này sẽ khiến cho đối tượng bị suy dinh dưỡng, sụt cân liên tục, cơ thể suy kiệt. Tuy nhiên cũng có một vài trường hợp phụ nữ sau khi phá thai lại thèm ăn quá mức, ăn uống không thể kiểm soát.
  • Rối loạn tâm lý: Có rất nhiều các trường hợp bị rối loạn tâm lý sau khi tiến hành phá thai, đặc biệt là các trường hợp trẻ vị thành niên, phá thai ngoài ý muốn,…Thông thường, sau khi phá thai, phụ nữ sẽ cảm thấy rất tội lỗi, lo lắng, hoang mang hoặc thậm chí là bị ấm ảnh về tâm lý. Bên cạnh đó, một số trường hợp không nhận được sự đồng cảm, thường xuyên bị chỉ trích, phê phán sẽ khiến họ cảm thấy lo sợ, tự ti và dần tách biệt, thu nhỏ bản thân lại.
  • Trầm cảm sau khi phá thai: Thông thường các trường hợp phá thai ngoài ý muốn sẽ khiến cho phụ nữ dễ rơi vào tình trạng trầm cảm. Theo nhận định từ các chuyên gia thì có từ 5 đến 30% các trường hợp phụ nữ rơi vào tình trạng trầm cảm sau khi phá thai. Nếu các triệu chứng của bệnh không được phát hiện và ngăn chặn kịp thời sẽ khiến cho người mẹ càng trở nên buồn chán, tuyệt vọng và làm gia tăng nguy cơ tự sát.

Ngày nay cuộc sống càng có nhiều điều mới lạ và phát triển rộng rãi hơn, nhiều giới trẻ cũng có cách nhìn và suy nghĩ thoáng hơn trong việc yêu đương và quan hệ tình dục. Tuy nhiên lại không có nhiều người nắm vững các kiến thức cơ bản về điều này hoặc họ có suy nghĩ đơn giản và cho rằng việc nạo phá thai không quá nghiêm trọng. Tình trạng này cũng gây cản trở rất nhiều đối với việc phòng chống tình trạng phá thai và làm gia tăng nguy cơ gây ra các hậu quả nghiêm trọng ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý và khả năng sinh sản về sau.

Nguyên nhân gây ra trầm cảm khi phá thai

Hậu quả nghiêm trọng và kéo dài dai dẳng nhất của việc phá thai đó chính là tình trạng trầm cảm. Nguyên nhân chủ yếu có thể gây nên chứng bệnh này đó là:

  • Các chuyên gia cho biết rằng, bất kì kỹ thuật, loại thuốc phá thai nào khi được áp dụng cũng có thể gây ra nhiều hậu quả nặng nề như nhiễm trùng buồng trứng, vô sinh, băng huyết,….Các biến chứng này sẽ làm cho phụ nữ cảm thấy hoang mang, lo sợ và bất an, nhất là những trường hợp muốn tiếp tục có con sau này. Khi các nỗi lo lắng này cứ kéo dài và không được giải tỏa đúng cách sẽ làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh trầm cảm ở phụ nữ sau khi phá thai.
  • Phá thai là một hành động được xem là không nhân đạo và gây ra rất nhiều nỗi ám ảnh đối với người mẹ, đặc biệt là những trường hợp phá thai ngoài mong muốn. Khi các trạng thái tội lỗi, buồn chán, tuyệt vọng không được khắc phục tốt sẽ khiến cho họ dần trở nên tiêu cực, từ đó hình thành nên căn bệnh trầm cảm.
  • Sau khi phá thai, phụ nữ gặp phải nhiều sự kỳ thị, chỉ trích, những người thân bên cạnh không quan tâm, chia sẻ khiến cho họ cảm thấy cô đơn và chán nản. Đây cũng là một trong các lý do thường gặp có thể dẫn đến tình trạng trầm cảm sau khi phá thai.

Những yếu tố trên đây có thể  làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh trầm cảm. Vì thế bản thân người phá thai và những người thân bên cạnh cũng nên chú ý quan tâm, chăm sóc sức khỏe, giữ tinh thần thoải mái và lạc quan để hạn chế các hậu quả nguy hiểm làm ảnh hưởng đến tâm lý.

Cách nhận biết trầm cảm khi phá thai

Thông thường, các triệu chứng của bệnh trầm cảm không xuất hiện liền ngay sau khi phá thai và âm thần tiến triển từ từ. Đôi lúc người bệnh và những người xung quanh cho rằng các biểu hiện buồn bã, chán nản chỉ là tình trạng bình thường, vì thế rất ít trường hợp có thể sớm nhận biết được trong giai đoạn đầu tiên.

Trầm cảm sau khi phá thai
Trầm cảm sau khi phá thai khiến cho phụ nữ trở nên buồn chán, tuyệt vọng, suy sụp.

Sau đây là một số triệu chứng để bạn có thể nhận biết được chứng trầm cảm khi phá thai để ngăn chặn được những hậu quả nghiêm trọng của nó.

  • Sau khi tiến hành phá thai, phụ nữ vẫn tồn tại các triệu chứng của mang thai kéo dài. Họ sẽ cảm thấy cơ thể mệt mỏi, chướng bụng, dịch liên tục tiết ra ở phần đầu ngực. Điều này cũng khiến cho họ cảm thấy hoang mang và lo lắng rằng quá trình phá thai bị thất bại. Một số trường hợp còn cảm thấy đau đầu, tức ngực, rối loạn tiêu hóa,….
  • Cảm thấy chán nản, tuyệt vọng, buồn bã, không có sức sống, đầu óc trống rỗng, khí sắc kém.
  • Xuất hiện một số hội chứng về tâm lý như cảm thấy bản thân tội lỗi, vô dụng, thường xuyên suy nghĩ và liên tưởng về đứa con của mình, cho rằng bản thân độc ác, không xứng đáng, kèm theo triệu chứng khóc lóc không rõ lý do.
  • Mất tập trung, giảm chú ý, không thể đưa ra bất kì lựa chọn hay quyết định nào, kể cả những việc đơn giản.
  • Suy giảm trí nhớ, hay quên, không thể ghi nhớ được những việc cần làm hay những điều cần muốn nói, không hoàn thành tốt các công việc được giao.
  • Thay đổi thói quen ăn uống, trở nên chán ăn, ăn không ngon miệng hoặc có thể liên tục thèm ăn, ăn mất kiểm soát.
  • Rối loạn giấc ngủ, thường xuyên mất ngủ, ngủ không sâu giấc, hay giật mình lúc nửa đêm và mơ gặp ác mộng. Một số trường hợp sẽ buồn ngủ cả ngày lẫn đêm, ngủ rất nhiều nhưng cơ thể vẫn uể oải.
  • Người bệnh sẽ trở nên nhạy cảm, dễ kích động, hay cáu gắt, nóng giận vô cớ với những người xung quanh.
  • Thường xuyên suy nghĩ về cái chết, xuất hiện các hành vi tự làm hại bản thân hoặc có ý định muốn tự sát để giải thoát khỏi những căng thẳng, áp lực.

Tùy vào mức độ và tình trạng bệnh của mỗi người mà các triệu chứng bệnh cũng sẽ có phần khác nhau. Tuy nhiên, ngay khi nhận thấy các biểu hiện bất thường nêu trên bạn nên liên hệ với bác sĩ và tiến hành thăm khám cụ thể để biết rõ được tình trạng sức khỏe của bản thân. Sau khi được chẩn đoán mắc phải chứng trầm cảm sau khi phá thai, người bệnh cần phải nhanh chóng thực hiện đúng theo phác đồ điều trị của bác sĩ để kiểm soát và phục hồi sức khỏe tốt nhất.

Xem thêm: Rối loạn Estrogen có thể gây trầm cảm ở phụ nữ

Cách phòng tránh trầm cảm sau khi phá thai

Sau quá trình phá thai, phụ nữ thường dễ rơi vào trạng thái bất an, lo lắng và tội lỗi. Họ có xu hướng muốn thu mình lại và không muốn chia sẻ điều này với bất kì ai. Điều này cũng sẽ khiến cho họ dễ phải đối mặt với các vấn đề sức khỏe tâm thần, đặc biệt là căn bệnh trầm cảm.

Vì thế để phòng tránh tốt tình trạng trầm cảm sau khi phá thai và phục hồi sức khỏe tốt nhất, bạn cần thực hiện một số điều sau đây:

1. Dành thời gian nghỉ ngơi nhiều hơn

Sau khi trải qua quá trình phá thai, phụ nữ nên dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi, thư giãn để phục hồi lại sức khỏe và tránh những suy nghĩ tiêu cực. Cũng bởi sau khi nạo phá thai, cơ thể của phụ nữ sẽ bị mất đi một lượng máu đáng kể, họ có thể cảm thấy mệt mỏi, suy nhược nếu không có chế độ nghỉ ngơi, thư giãn hợp lý.

Trầm cảm sau khi phá thai
Dành thời gian nghỉ ngơi nhiều hơn là cách phòng tránh tốt nhất căn bệnh trầm cảm sau khi phá thai

Tuy nhiên việc nghỉ ngơi cũng cần phải được sắp xếp một cách khoa học và lành mạnh. Bạn cũng không nên chỉ nằm yên một chỗ trên giường hoặc cứ sinh hoạt trong một không gian bó hẹp, ít ánh sáng. Việc bước ra ngoài hít thở luồn không khí trong lành và mát  mẻ của ngày mới cũng giúp cho bạn cảm thấy thoải mái và dễ chịu hơn rất nhiều.

Trong một số nghiên cứu chuyên khoa nhận thấy rằng, ánh sáng tự nhiên của mặt trời có thể giúp kích thích cơ thể sản sinh ra nhiều serotonin – chất dẫn truyền thần kinh quan trọng có tác dụng tạo ra sự hạnh phúc, vui vẻ. Nhờ đó mà các cảm xúc căng thẳng, tiêu cực, bi quan cũng dần được hạn chế.

2. Chú ý nhiều hơn về chế độ dinh dưỡng

Bên cạnh việc nghỉ ngơi thì phụ nữ sau khi phá thai nên tìm hiểu và chú ý nhiều hơn về chế độ dinh dưỡng của mình. Tốt nhất bạn nên tham khảo trước với ý kiến của bác sĩ để biết được những loại thực phẩm cần bổ sung và hạn chế. Thông thường chị em nên bổ sung nhiều rau xanh, hoa củ quả và các loại thực phẩm giàu vitamin, khoáng chất để giúp cơ thể phục hồi sức khỏe tốt hơn.

Ngoài ra, sau khi phá thai bạn cũng cần hạn chế các món ăn có nhiều đường, những loại thực phẩm hay thức uống có chứa caffeine. Bên cạnh đó tuyệt đối không được sử dụng các chất kích thích, chất gây nghiện như rượu bia, thuốc lá, ma túy, thuốc lắc,…Các chất này không chỉ làm ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn làm gia tăng nguy cơ mắc phải chứng trầm cảm sau khi phá thai.

3. Đảm bảo chất lượng giấc ngủ

Giấc ngủ cũng là yếu tố quan trọng đối với sức khỏe của mỗi con người. Tuy nhiên sau khi phá thai nhiều phụ nữ lại cảm thấy lo lắng và bất an nên thường rơi vào trạng thái mất ngủ. Tình trạng này cũng là nguyên nhân chủ yếu có thể gây ra các triệu chứng của bệnh trầm cảm. Theo nghiên cứu thì tình trạng mất ngủ và trầm cảm có mối quan hệ tương tác lẫn nhau, mất ngủ có thể làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh trầm cảm và trầm cảm sẽ làm cho chứng mất ngủ trở nên nghiêm trọng hơn.

Trầm cảm sau khi phá thai
Phụ nữ sau khi phá thai nên chú ý đảm bảo chất lượng giấc ngủ của mình.

Vì thế để phòng tránh tốt nguy cơ mắc bệnh trầm cảm sau khi phá thai, chị em nên chú ý nhiều hơn đến giấc ngủ của mình. Cố gắng đảm bảo giấc ngủ đủ 7 đến 8 tiếng mỗi ngày và nên hình thành thói quen ngủ trước 23 giờ. Nếu cảm thấy khó ngủ bạn nên bố trí lại không gian giường của mình, lựa chọn nơi thoáng mát, ít tiếng ồn, nhiệt độ và ánh sáng trong phòng cũng phải điều chỉnh phù hợp. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể áp dụng một số mẹo đơn giản như ngâm chân với nước ấm, thiền định, nghe nhạc, sử dụng tinh dầu thơm,….

4. Cân bằng cảm xúc

Hầu hết những phụ nữ sau khi phá thai đều cảm thấy buồn bã, lo lắng, các cảm xúc tồi tệ liên tục xuất hiện, nhất là những trường hợp sảy thai hoặc phá thai ngoài ý muốn. Vì thế để phòng tránh nguy cơ gặp phải các vấn đề về tâm lý, bạn cần học cách cân bằng và điều chỉnh cảm xúc của mình. Nếu cảm thấy đang trong trạng thái tiêu cực, bạn hãy chủ động tìm kiếm người thân để chia sẻ và bày tỏ những suy nghĩ trong lòng. Việc có thể nói ra được những khúc mắc, lo lắng của mình sẽ giúp bạn cảm thấy thoải mái và dễ chịu hơn.

Bên cạnh đó bạn cũng có thể tự tìm cho mình một hoạt động, câu lạc bộ thư giãn, giải trí nào đó để giải tỏa tâm trạng tốt hơn. Việc tham gia vào các câu lạc bộ như vẽ tranh, ca hát, nhảy múa, nấu ăn, sáng tác thơ,…cũng là một gợi ý tuyệt vời để bạn cân bằng các cảm xúc hiện tại. Nếu cảm thấy căng thẳng bạn cũng có thể đọc một quyển sách, nghe một bài nhạc hoặc thưởng thức một món ăn yêu thích cũng giúp cho tâm trạng được ổn định tốt hơn.

5. Học cách suy nghĩ tích cực và lạc quan

Cho dù bạn phá thai với bất kì nguyên nhân nào thì bạn cũng cần phải cố gắng giữ cho mình một trạng thái lạc quan, tích cực. Tốt nhất bạn hãy suy nghĩ về tương lai tươi sáng với những đứa con kháu khỉnh, mạnh khỏe của mình. Tuy phá thai có thể để lại rất nhiều hậu quả nghiêm trọng, nhưng cũng không ít các trường hợp phụ nữ vẫn có thể sinh con và có được sức khỏe bình thường sau đó.

Các chuyên gia đã tiến hành một cuộc nghiên cứu áp dụng trên 1000 cặp vợ chồng sau khi đã trải qua quá trình phá thai ở độ tuổi từ 29 đến 30. Kết quả nhận thấy rằng có đến khoảng 765 cặp vợ chồng đã có con sau khoảng 3 tháng và có đến hơn 77% các trường hợp mẹ bầu sinh con thuận lợi và đứa trẻ vẫn rất khỏe mạnh. Vì thế hãy cố gắng lạc quan và thoải mái sau khi phá thai, bạn hoàn toàn vẫn có khả năng sinh con nếu có được một sức khỏe tốt.

6. Sự quan tâm từ người thân

Sự quan tâm, chia sẻ từ những người thân bên cạnh cũng đóng vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe tinh thần của những phụ nữ sau khi phá thai. Vì thế bạn bè, gia đình nên dành nhiều thời gian bên cạnh, chăm sóc, động viên và khích lệ để họ cảm thấy bớt cô đơn và thoải hơn. Đặc biệt, nên tránh tình trạng đả kích, chỉ kích hoặc dành những lời nói khó nghe, xúc phạm đối họ. Hạn chế tối đa các mâu thuẫn, tranh cãi không đáng có xảy ra trong giai đoạn nhạy cảm này.

Thông tin của bài viết trên đây đã giúp cho bạn đọc hiểu thêm về tình trạng trầm cảm sau khi phá thai và đưa ra một số cách phòng tránh hiệu quả. Tuy nhiên hành động phá thai có thể dẫn đến rất nhiều hậu quả nghiêm trọng ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống sau này của người mẹ. Vì thế bạn nên cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định này.

Tham khảo thêm:

5/5 - (1 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *