Trẻ bị công kích trên mạng xã hội: Thực trạng và giải pháp
Tình trạng bị công kích, đe dọa, bắt nạt trên mạng xã hội hiện không còn là hành vi quá xa lạ đối với nhiều người, đặc biệt là đối tượng trẻ tuổi, các trẻ em tuổi vị thành niên. Những nạn nhân của hành vi này sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng về mặt sức khỏe tinh thần lẫn thể chất và bị cản trở rất nhiều đến cuộc sống hàng ngày. Vậy cha mẹ cần làm gì khi trẻ bị công kích trên mạng xã hội?
Hiện nay, công nghệ đang phát triển, hàng loạt các trang mạng xã hội ra đời nhằm phục vụ nhu cầu cập nhật thông tin, học tập và giải trí cho nhiều đối tượng khác nhau. Bên cạnh đó, mạng xã hội còn là một công cụ quảng cáo, kinh doanh mang lại rất nhiều lợi ích cho cộng đồng. Nhờ vào những trang mạng này mà nhiều người có thể kết nối với nhau, không bị giới hạn bởi khoảng cách hoặc thời gian.
Song song với những lợi ích nổi bật đó thì mạng xã hội cũng tiềm ẩn không ít những nguy cơ, rủi ro làm ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống của con người. Vì thế, mỗi người chúng ta cần phải có được kỹ năng, kinh nghiệm và sự hiểu biết nhất định để tránh khỏi những hệ lụy nguy hiểm mà mạng xã hội có thể gây nên. Hiện nay, vấn đề đáng báo động nhất đó là chính nguy cơ bị công kích trên mạng xã hội, bất cứ ai cũng có thể đối mặt với tình trạng này, nhất là các đối tượng trẻ em, trẻ vị thành niên.
Làm sao để nhận biết trẻ đang bị công kích trên mạng xã hội?
Bị công kích trên mạng xã hội hay còn được gọi là Cyberbullying có thể gây ra rất nhiều hậu quả làm ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất lẫn tinh thần. Không những thế nó còn làm suy giảm chất lượng cuộc sống, nhiều trường hợp bị công kích ở trẻ em còn khiến cho trẻ mất dần các kỹ năng và kinh nghiệm sống.
Chính vì thế, ngoài việc quan tâm đến quá trình học tập của các con thì cha mẹ cũng phải nắm vững kiến thức và kỹ năng để bảo vệ trẻ trước những sự tác động tiêu cực của mạng xã hội. Đặc biệt hơn, những trẻ bị bắt nạt, công kích trên các trang mạng xã hội thường có xu hướng muốn giấu giếm, tự chịu đựng bởi trẻ luôn lo sợ cha mẹ sẽ trách mắng.
Tuy vậy, nếu cha mẹ chú ý quan sát vẫn có thể nhận ra các biểu hiện bất thường về mặt hành vi và tâm lý ở trẻ. Một số dấu hiệu thường thấy khi trẻ bị công kích trên mạng xã hội:
- Khuôn mặt thường thể hiện sự buồn rầu, chán nản, lo lắng, bất an, đặc biệt là khi sử dụng mạng xã hội.
- Thường xuyên cố gắng che giấu, lẩn tránh cha mẹ khi sử dụng điện thoại, máy tính. Chẳng hạn như nhanh chóng tắt các trình duyệt đang sử dụng hoặc nhanh chóng gập màn hình máy tính khi cha mẹ vào phòng,…
- Dành hầu hết thời gian rảnh trong ngày để online trên các trang mạng xã hội vì tâm lý lo lắng sợ đối tượng xấu có những lời nói, hành vi xúc phạm, chà đạp nhân phẩm, danh dự của bản thân. Một số trường hợp khác có thể sợ hãi và không muốn tiếp tục sử dụng mạng xã hội vì không thể đối mặt với những lời bình luận ác ý.
- Thói quen ăn uống của trẻ cũng sẽ thay đổi bất thường, trẻ có thể chán ăn, thường xuyên bỏ bữa, ăn uống không ngon miệng dẫn đến việc sụt cân quá mức.
- Nếu quan sát kỹ thì cha mẹ cũng có thể dễ dàng nhận thấy sự thay đổi tâm trạng bất thường ở trẻ. Những trẻ bị công kích trên mạng xã hội sẽ trở nên nhạy cảm, dễ kích động, bất an, nóng giận không rõ nguyên do.
- Thói quen sinh hoạt cũng dần bị thay đổi, thường xuyên mất ngủ, ngủ không sâu giấc, lười vận động, có xu hướng chỉ muốn ngồi yên một chỗ, không còn nhiều hứng thú với những hoạt động xảy ra xung quanh.
- Trẻ dần không còn chú tâm đến việc học tập, kết quả bị sa sút, cảm thấy chán chường khi học hoặc đến trường, thậm chí một số trẻ bày tỏ ý nghĩ không muốn đi học.
- Trẻ sẽ có xu hướng muốn tự tách biệt với mọi người xung quanh, thu mình lại, không muốn gặp gỡ hay trò chuyện với bất kì ai.
Dựa vào số liệu thống kê nhận thấy, các đối tượng bị công kích trên mạng xã hội chủ yếu là trẻ em ở độ tuổi vị thành niên, tuổi dậy thì dưới 20 tuổi. Đây cũng chính là một trong các giai đoạn vô cùng nhạy cảm của trẻ nhỏ, lúc này trẻ bắt đầu có sự phát triển về cả mặt thể chất lẫn tinh thần. Tuy nhiên, sự phát triển này vẫn chưa thực sự toàn diện để trẻ có thể thấu hiểu được hết các vấn đề xảy ra xung quanh.
Đặc biệt ở lứa tuổi dậy thì, nhiều trẻ thường có mong muốn thể hiện bản thân, trẻ bắt đầu có nhận định và suy nghĩ riêng của chính mình. Nhiều bậc phụ huynh không thể thấu hiểu hoặc không dành nhiều thời gian cho trẻ khiến khoảng cách giữa hai thế hệ càng bị xa dần. Điều này khiến trẻ không thể tâm sự và có nhiều xu hướng muốn che giấu. Vì thế, cha mẹ cần phải chú và dành nhiều thời gian quan tâm, trò chuyện với trẻ để kịp thời phát hiện ra những điều bất thường và giúp trẻ mau chóng xử lý.
Cha mẹ cần làm gì khi trẻ bị công kích trên mạng xã hội?
Những hành vi, lời nói công kích, phỉ báng, bắt nạt trên mạng xã hội có thể gây ra rất nhiều hậu quả ảnh hưởng đến tâm lý, sức khỏe thể chất và cả cuộc sống của mỗi người, đặc biệt là đối tượng trẻ em. Thậm chí một số trường hợp trẻ còn rơi vào các vấn đề sức khỏe tinh thần nguy hiểm như stress kéo dài, rối loạn lo âu, trầm cảm, rối loạn giấc ngủ,….Thời gian gần đây cũng đã ghi nhận được một vài trường hợp tự tử do sự đả kích quá lớn đến từ cộng đồng mạng.
Tuy rằng sự phát triển của khoa học công nghệ mang lại không ít những lợi ích cho con người và xã hội. Song song với đó nó cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại nếu chúng ta không biết cách sử dụng và khai thác đúng chừng mực. Để giúp trẻ có thể vượt qua những khủng hoảng tinh thần do sử dụng mạng xã hội sai cách thì cha mẹ cũng cần phải biết được một số biện pháp sau:
1. Chặn tài khoản, số điện thoại của đối tượng công kích
Việc đầu tiên mà cha mẹ cần giúp trẻ đó chính là chặn tất cả các tài khoản, số điện thoại của đối tượng có những bình luận, bài viết sử dụng hình ảnh, lời lẽ công kích, ác ý với trẻ. Nếu các đối tượng cứ cố ý và liên tục gọi điện gây rối, làm phiền thì cha mẹ cũng cần cân nhắc đến việc thay đổi số điện thoại liên lạc của con.
Hầu hết các trang mạng xã hội hoặc các ứng dụng giải trí hiện nay đều có tính năng giúp đảm bảo sự riêng tư và quyền lợi của người dùng. Vì thế gia đình có thể tìm kiếm và rà soát lại các thông tin, bài viết, hình ảnh làm ảnh hưởng đến con và tiến hành xóa hoặc ẩn. Ngoài ra, cha mẹ cũng nên điều chỉnh lại quyền riêng tư của các trang mạng mà trẻ đang sử dụng, nhằm hạn chế tình trạng cắt ghép, chỉnh sửa hình ảnh, các đoạn tin nhắn khiến cho danh dự, nhân phẩm của trẻ bị xúc phạm.
Một số trang mạng sẽ có tính năng báo xấu đối với những đối tượng gây rối hoặc có những nội dung gây xúc phạm. Do đó, các bậc phụ huynh cũng có thể tìm hiểu và báo cáo để nền tảng này có thể rà soát và đánh giá lại chất lượng bài viết. Thông thường, các bài viết có nội dung vi phạm với quy tắc công đồng sẽ bị ẩn, xóa hoặc thậm chí cá nhân người đăng tải sẽ bị tạm thời hoặc vĩnh viễn khóa tài khoản.
2. Chia sẻ và tâm sự với trẻ nhiều hơn
Khi rơi vào trạng thái bị công kích trên các trang mạng xã hội thì trẻ em thường có tâm lý lo sợ, bất an, buồn chán, ủ rũ. Đồng thời, đối với những trẻ đang ở tuổi dậy thì không có nhiều kinh nghiệm cũng như các kỹ năng ứng phó với khó khăn, trở ngại trong cuộc sống lại càng trở nên khủng hoảng và không thể kiểm soát tốt cảm xúc của bản thân.
Cũng chính vì vậy, cha mẹ cần phải là điểm tựa vững chắc cho con, giúp con vượt qua được những cảm xúc, suy nghĩ tiêu cực. Các bậc phụ huynh nên dành nhiều thời gian quan tâm, chia sẻ với con về những vấn đề xoay quanh cuộc sống. Bạn cũng đừng vội ép con phải nói ra vấn đề của bản thân mà hãy từ từ tâm sự để con cảm thấy an tâm và tin tưởng hơn.
Lúc này cha mẹ cũng không nên trách mắng hay phê bình trẻ. Thay vào đó hãy phân tích và chia sẻ kinh nghiệm để trẻ dần lấy lại tinh thần. Bên cạnh đó hãy dành cho con nhiều lời động viên, an ủi và cho con biết rằng cha mẹ luôn sẽ ở cạnh và bảo vệ con tránh khỏi những lời nói công kích bên ngoài.
3. Liên lạc với nhà trường
Thông thường, đối với trẻ nhỏ thì các trường hợp bị công kích đa phần sẽ đến từ những người thân thiết, các bạn học cùng trang lứa. Không ít các đối tượng bị đả kích mạnh mẽ trên các trang confession của trường lớp. Các bài viết, hình ảnh này được quản trị viên đăng tin và ẩn đi người gửi. Chính vì thế mà một số đối tượng xấu lợi dụng điều này để tung các tin đồn hoặc bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của một người nào đó.
Từ những tin đồn đó khiến cho nhiều người bị cuốn vào, họ bắt đầu rêu rao, bàn tán và dành những lời bình luận ác ý đối với trẻ mặc dù vẫn chưa biết rõ thực hư sự thật thế nào. Cũng bởi ở độ tuổi dậy thì, trẻ vẫn chưa thể ý thức hoàn toàn về những lời nói, hành vi của mình. Trẻ xem nhẹ việc xúc phạm, công kích, thóa mạ người khác mà không biết đến những hậu quả khôn lường của nó.
Đối với các trường hợp này thì phụ huynh nên liên hệ trực tiếp với giáo viên chủ nhiệm, nhà trường để trao đổi và đưa ra biện pháp khắc phục phù hợp. Đồng thời, người lớn cũng cần tìm hiểu và làm rõ vấn đề để minh oan và lấy lại danh dự cho trẻ. Đối với các đối tượng cố ý công kích, bắt nạn, phỉ báng danh dự của trẻ trên mạng xã hội thì cũng cần phải được răng đe và xử lý.
4. Trình báo lên cơ quan chức năng
Đôi lúc các đối tượng công kích trẻ trên các trang mạng xã hội nằm ngoài phạm vi nhà trường. Đối với các trường hợp này thì cha mẹ cần phải thu thập được các bằng chứng và trình báo cụ thể lên cơ quan có chức năng để được xử lý và ngăn chặn kịp thời. Đặc biệt là nếu các đối tượng xấu này có những hành vi, lời nói muốn đe dọa giết hại, tung các hình ảnh nhạy cảm đối với trẻ.
Tuy nhiên, nhiều trẻ có thể phản đối việc cha mẹ khai báo điều này cho cơ quan giải quyết. Cũng bởi trẻ sẽ cảm thấy mặc cảm và xấu hổ nếu có quá nhiều người biết đến vấn đề nhạy cảm của bản thân. Tuy nhiên, cha mẹ cần phải bình tĩnh và giải thích cặn kẽ cho con biết được đâu là giải pháp tốt nhất cho con. Nếu cố gắng che giấu và không nhờ đến sự hỗ trợ của cơ quan chức năng thì những đối tượng này sẽ càng lấn tới và gây nên nhiều hậu quả khó lường.
Hiện nay, tình trạng trẻ bị công kích trên mạng xã hội đang là một vấn đề đáng báo động cho các bậc phụ huynh. Cha mẹ nên dành nhiều thời gian quan tâm và chia sẻ với con. Đồng thời giúp trẻ trang bị các kiến thức, kỹ năng cần thiết để có thể phòng tránh tốt các ảnh hưởng tiêu cực từ việc sử dụng công nghệ.
Tham khảo thêm:
- Thực Trạng Áp Lực Học Tập Hiện Nay Và Những Hậu Quả Khôn Lường
- Tác Hại Của Việc Học Quá Nhiều Phụ Huynh Cần Cảnh Giác
- Đọc Sách Giúp Giảm Stress Căng Thẳng Rất Hiệu Quả Bạn Nên Thử
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!