Bạo lực gia đình: Thực trạng, hệ quả và cách ngăn chặn

5/5 - (1 bình chọn)

Bạo lực gia đình được xem là một vấn đề nhức nhối của toàn cầu và để lại nhiều hậu quả nặng nề đối với con người, đặc biệt là trẻ em và phụ nữ. Đây không chỉ là những hành vi về bạo lực thể chất mà còn là những hình thức tra tấn về tinh thần vi phạm đến quyền con người và cần được can thiệp kịp thời. 

Bạo lực gia đình
Phụ nữ và trẻ em là đối tượng dễ trở thành nạn nhân của bạo lực gia đình.

Bạo lực gia đình là gì? Thực trạng hiện nay

Bạo lực gia đình đã và đang là một trong các tình trạng đáng báo động tại nước ta và cả trên toàn thế giới. Đây được xem như một vấn nạn nghiêm trọng của toàn xã hội và nó để lại rất nhiều hậu quả nặng nề đối với con người, gia đình và xã hội. Theo như quy định của bộ Luật phòng chống bạo lực gia đình năm 2007 thì “Bạo lực gia đình là hành vi cố ý của thành viên trong gia đình gây tổn thương hoặc có khả năng gây tổn hại về mặt thể chất, tinh thần, kinh tế đối với những thành viên khác trong gia đình”.

Bạo lực gia đình hiện không còn là vấn đề của riêng bất kì quốc gia nào mà nó đang ảnh hưởng đến toàn nhân loại. Tại nước ta, tình trạng này đang xảy ra rất phổ biến và càng ngày càng có dấu hiệu gia tăng đáng kể. Theo số liệu thống kê được từ các cơ quan tổ chức chức năng, tổ chức xã hội nhận thấy thì cứ khoảng trong 100 hộ gia đình thì có đến 30 hộ đang xảy ra tình trạng bạo lực, tỉ lệ chiếm đến 30%.

Tính từ năm 2009 cho đến năm 2017 thì có đến hơn 292.000 vụ bạo lực gia đình được ghi nhận trong cả nước. Có thể thấy, trung bình mỗi năm sẽ có khoảng 36.00 vụ bạo lực xảy ra. Tuy nhiên, con số này vẫn chưa thực sự đúng với thực tế bởi có rất nhiều vụ không được phát hiện và báo cáo cụ thể. Trong thực tế thì tình trạng bạo lực gia đình cũng đã được quan tâm và có biện pháp ngăn chặn, số lượng nạn nhân cũng được giảm qua từng năm nhưng chưa đáng kể.

Vào năm 2010, Tổng cục thống kê cũng đã đưa ra báo cáo về tình trạng bạo lực gia đình đối với phụ nữ Việt Nam. Cuộc khảo sát được thực hiện trên 5000 phụ nữ đã từng kết hôn và nhận được kết quả như sau:

  • 54% phụ nữ phải đối diện với nỗi đau của bạo lực tinh thần
  • 32% phụ nữ bị bạo hành thể xác
  • 10% phụ nữ trải nghiệm bạo lực tình dục
  • 5% phụ nữ từng bị đánh đập, tra tấn trong giai đoạn mang thai mà thủ phạm chính là chồng mình.

Bạo hành gia đình không đơn giản chỉ là những sự tổn thương về mặt thể chất, sức khỏe mà còn là nỗi đau khó lành về mặt tinh thần, đeo bám nạn nhân đến suốt cuộc đời. Chính vì thế, bạo lực gia đình dù được thực hiện với bất kì hình thức nào cũng cần phải được can thiệp và trừng phạt thích đáng.

Hành vi nào được xem là bạo lực gia đình

Khi nhắc đến bạo lực gia đình, đa phần mọi người đều sẽ nghĩ ngay đến các hành vi hành hạ về thể chất, gây tổn thương đến cơ thể như đánh đập, hành hung, tra tấn thể xác. Tuy nhiên, trong thực tế, bạo hành gia đình bao gồm nhiều hình thức khác nhau, trong đó có thể thể chất, tinh thần, tình dục và tài chính. Cụ thể như sau:

1. Bạo hành thể chất

Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam từng công bố kết quả của một cuộc điều tra cho thấy có đến 7,3% phụ nữ đã kết hôn từng phải đối diện với những hành vi bạo hành thể chất của chồng. Tuy nhiên, đây chỉ là con số được đưa ra dựa trên những vụ bạo hành được phát hiện và can thiệp, còn trong thực tế con số này có thể cao hơn rất nhiều lần.

Bạo hành thể chất được xem là hình thức bạo hành phổ biến và gây nên nhiều ảnh hưởng nặng nề nhất trong đời sống gia đình. Đối tượng thường xuyên phải đối mặt với những hậu quả nghiêm trọng của hành vi này đó chính là phụ nữ và trẻ em, thậm chí có không ít các trường hợp nặng nề gây thiệt hại về cả tính mạng của con người, để lại những tổn thương không thể chữa lành.

Một số biểu hiện thường thấy của bạo hành thể chất như:

  • Thực hiện các hành vi đánh đập, đá, tát, kéo giật, quăng, xô xát,…gây thương tích đến cơ thể.
  • Sử dụng tay chân hoặc các dụng cụ như dao kéo, roi, chổi, cây, các vật dụng nặng để gây tổn thương và làm đau cơ thể.
  • Ép buộc các thành viên trong gia đình phải lao động, làm việc nặng nhọc, thực hiện các công việc quá sức, không phù hợp với tuổi tác khiến sức khỏe thể chất bị suy kiệt.
  • Một số trường hợp có thể bắt nhốt, giam giữ trong phòng kín, không có tiếp xúc với bên ngoài, ép nhịn ăn, nhịn uống, tra tấn da thịt.
  • Cố ý cho nạn nhân sử dụng các chất độc hại, các thực phẩm ôi thiu hoặc hành hạ gây bệnh, không có phép thăm khám, chữa trị.

Tất cả các hành vi gây tổn thương đến thể chất giữa các thành viên trong cùng gia đình đều có thể được xem là bạo hành thể chất. Hình thức này khá dễ để phát hiện bởi nó để lại những vết thương trên da thịt, khiến cho thể xuất hiện nhiều vết trầy xước, bầm tím,…Bên cạnh đó, nạn nhân và cả những người xung quanh cũng có thể nhìn thấy và hiểu rõ được nỗi đau về thể chất do bạo lực thể chất để lại.

2. Bạo lực tinh thần

Không giống với hình thức bạo hành thể chất, bạo hành tinh thần dường như không để lại những tổn thương trên cơ thể và rất khó để nhận biết. Những kẻ bạo hình thường sẽ sử dụng thái độ, lời nói, cử chỉ để tấn công và tra tấn về mặt tâm lý của nạn nhân, khiến cho họ cảm thấy tổn thương và nỗi đau này có thể kéo dài dai dẳng.

Thông thường, những kẻ bạo hành trong gia đình sẽ sử dụng những lời nói chê bai, miệt thị, đay nghiến, mắng chửi hoặc tra tấn bằng sự im lặng. Đối với hình thức này, dường như chỉ có bản thân nạn nhân mới thấu hiểu được những sự mệt mỏi, tổn thương và đau đớn bên trong. Tuy không gây ra những vết thương ngoài thể chất nhưng những nỗi đau bên trong lại càng có sức mạnh giết chết con người nhiều hơn gấp trăm nghìn lần.

Trong thực tế thì hình thức bạo lực gia đình này sẽ thường gặp ở các mối quan hệ nhữ cha mẹ và con cái hoặc giữa các cặp vợ chồng với nhau. Hiện nay, có rất nhiều các bậc làm cha mẹ vì mong muốn con cái học tập tốt hoặc ngoan ngoãn nghe lời nên đã liên tục sử dụng những lời nói mắng chửi, la rầy con cái thậm tệ. Hơn thế, không ít các trường hợp dùng lời nói nhục mạ, đay nghiến, mạt sát chính con cái của mình. Họ thường tự cho mình cái quyền làm cha mẹ nên thoải mái tạo áp lực, sử dụng lời lẽ khó nghe với con.

Bạo lực gia đình
Tra tấn, hành hạ tinh thần của các thành viên trong gia đình cũng là hành vi bạo hành.

Còn đối với các cặp vợ chồng, có thể do những áp lực trong cuộc sống hoặc do sự bất đồng quan điểm nên có thể thường xuyên chửi mắng, quạt nạt nhau. Đặc biệt là những gia đình phụ nữ lo việc nội trợ, bếp núc trong nhà thường dễ bị chồng, gia đình chồng khinh khi, dùng những lời nói hạ nhục, coi thường.

Một số biểu hiện của bạo lực tinh thần trong gia đình như:

  • Dùng những lời lẽ, từ ngữ khó nghe, lăng mạ, xúc phạm, đay nghiến, chì chiết, hạ thấp danh dự và nhân phẩm của người khác.
  • Cô lập, xa lánh, bắt nhốt nạn nhân và không có họ tiếp xúc với bất kì người nào.
  • Vô tâm, lạnh nhạt, thờ ơ, thái độ hời hợt, im lặng nhằm đả kích, gây tổn thương đến tinh thần.
  • Ép buộc nạn nhân phải thực hiện theo mong muốn của mình, theo dõi và chen vào cuộc sống, đời tư của họ, cấm đoán họ duy trì các mối quan hệ lành mạnh.
  • Bắt ép kết hôn không theo ý muốn.

Bạo hành tinh thần là hình thức nguy hiểm và gây nên nhiều hậu quả nghiêm trọng nhưng lại không được nhiều người quan tâm. Thậm chí có nhiều trường hợp, ngay cả bản thân nạn nhân cũng không biết rõ mình đang phải đối diện với nạn bạo hành và âm thầm gánh chịu những tổn thương tinh thần kéo dài dai dẳng.

3. Bạo lực tình dục

Nhiều người thường nghĩ rằng, tình dục được xem như một nhu cầu bình thường của mối quan hệ vợ chồng và tất nhiên không thể xảy ra được vấn đề bạo lực tình dục. Tuy nhiên, trong thực tế nhận thấy rằng, ngay cả trong một cuộc hôn nhân tự nguyện cũng có thể xuất hiện những hành vi ép buộc, cưỡng chế quan hệ tình dục. Nhưng đa phần vấn đề này không được quan tâm, đặc biệt là đối với văn hóa của nước ta, chuyện vợ chồng thường không được trao đổi và nhắc đến thoải mái.

Theo chia sẻ của các chuyên gia thì bạo lực tình dục là những hành vi cưỡng ép, lời nói đe dọa, ép buộc đối phương phải thực hiện hành vi quan hệ tình dục. Và đặc biệt, dù hành vi này có tiến tới hành động tình dục hay không nhưng mang tính chất cưỡng ép cũng được xem là bạo lực gia đình, vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền riêng tư của người khác.

Cho dù chuyện quan hệ tình dục đối với vợ chồng là một nhu cầu thiết yếu và cần thiết. Tuy nhiên, cũng có không ít các trường hợp đối phương muốn gần gũi, quan hệ những không được đáp ứng nên dễ hình thành các hành vi cưỡng bức, đe dọa, khống chế gây tổn thương nghiêm trọng về mặt thể chất lẫn tinh thần.

Một vài dấu hiệu để nhận biết như:

  • Cưỡng bức quan hệ tình dục.
  • Dùng lời lẽ hăm dọa, cưỡng chế, ép buộc thực hiện hành vi quan hệ tình dục.
  • Thực hiện các hành vi tra tấn, sử dụng các dụng cụ hoặc dùng tay chân để tấn công, gây thương tích bộ phận sinh dục, làm tổn thương cơ thể trong quá trình “yêu”.
  • Ràng buộc trong hôn nhân hoặc ép buộc ly hôn.
  • Dùng những từ ngữ, lời nói miệt thị, nhục mạ, đả kích trong lúc quan hệ tình dục khiến đối phương cảm thấy mặc cảm, xấu hổ, tổn thương.
  • Bắt ép xem những video hoặc chứng kiến cảnh quan hệ tình dục.

So với các hình thức bạo lực gia đình khác, có thể thấy, bạo lực tình dục là hình thức khó nhận biết và can thiệp nhất, đặc biệt là tại Việt Nam. Với những quan niệm xưa cũ, những sự ràng buộc từ thời phong kiến khiến cho nhiều người phụ nữ luôn cố gắng chịu đựng và chấp nhận sự hành hạ về tình dục. Thậm chí, sự hiểu biết người dân về hình thức bạo hành này cũng còn nhiều sự hạn hẹp nên khó có thể phát hiện và can thiệp kịp thời.

4. Bạo lực tài chính

Bạo hành tài chính là một khái niệm còn khá xa lạ đối với nhiều người nhưng trong thực tế nó lại diễn ra một cách thường xuyên. Đây là hình thức chiếm đoạt, kiểm soát, bắt ép về mặt kinh tế của đối phương, thao túng về mặt tài sản. Một số trường hợp khác có thể hủy hoại, tiêu xài lãng phí tài sản riêng hoặc chung của các thành viên trong gia đình cũng được xem là bạo lực gia đình.

Bạo lực gia đình
Quản lý quá chặt về mặt tài chính, thâu tóm kinh tế của vợ/ chồng cũng là hình thức bạo hành gia đình phổ biến.

Dấu hiệu giúp bạn nhận biết như:

  • Chiếm đoạt, tịch thu tất cả tài sản của đối phương khi chưa được sự đồng thuận của họ.
  • Quản lý và kiểm soát tài chính quá mức, khiến các thành viên trong gia đình không thể tự làm chủ kinh tế, phụ thuộc hoàn toàn vào người bạo hành.
  • Không có nạn nhân được quyền sử dụng tài sản trong gia đình dù họ có đóng góp.
  • Ép buộc nạn nhân phải cống hiến và đóng góp tài chính lớn, vượt qua khả năng và thu nhập của bản thân.
  • Cố tình phá hoại, cất giấu tài sản riêng của các thành viên khác trong gia đình.
  • Sử dụng tài sản chung vào mục đích cá nhân nhưng không được sự đồng ý của mọi người hoặc tiêu xài phung phí.

Đây chỉ là một số hình thức phổ biến, trên thực tế nó còn được biểu hiện đa dạng và phức tạp hơn rất nhiều. Tất cả những hành vi, lời nói gây tổn thương và thiệt hại đến con người đều được xem là hình thức bạo hành và cần được can thiệp càng sớm càng tốt.

Bạo lực gia đình do đâu?

Bạo lực gia đình có thể đến từ rất nhiều nguyên nhân khác nhau. Theo chia sẻ của các chuyên gia thì có 2 nhóm lý do phổ biến đó chính là nguyên nhân từ phía xã hội và nguyên nhân đến từ phía cá nhân. Trong một cuộc điều tra đến từ Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội thì phần lớn nguyên nhân dẫn đến bạo lực gia đình đó là do chồng say rượu, nghiện rượu bia, các chất gây nghiện, hoàn cảnh gia đình khó khăn, do các quan niệm phong kiến xưa cũ,….

Để có thể phòng tránh và khắc phục tốt tình trạng bạo lực học đường, chúng ta cần phải hiểu rõ về nguyên nhân gây ra nó. Cụ thể một số lý do thường gặp như sau:

1. Bạo lực gia đình do rượu bia, ma túy

Theo số liệu thống kê cho biết, nghiện rượu bia, các chất kích thích, chất gây nghiện là một trong các nguyên nhân phổ biến có thể gây ra tình trạng bạo lực gia đình. Có đến khoảng hơn 60% các trường hợp được can thiệp bạo lực đều có liên quan đến rượu bia, ma túy.

Với những áp lực quá lớn từ cuộc sống, con người thường xuyên rơi vào trạng thái căng thẳng, mệt mỏi và chán chường. Nhiều người hay tìm đến rượu bia, thuốc lá hoặc các chất gây nghiện nhằm giải tỏa cảm xúc, xua tan phiền muộn. Tuy nhiên, những chất này sẽ làm ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm trí và làm thay đổi hành vi của con người.

Khi sử dụng rượu bia, con người sẽ dần mất đi nhận thức, có thể thực hiện các hành vi không kiểm soát như đánh đập, hành hung, cưỡng hiếp. Đặc biệt là nam giới thường có nhiều xu hướng giải quyết tình huống bằng bạo lực, họ có thể lấy cớ đang say xỉn nên hành hạ, chửi mắng, bắt nạt vợ con. Điều này không chỉ gây ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất mà còn tạo ra những tổn thương tinh thần to lớn, trẻ nhỏ khó phát triển nhân cách và nhiều xu hướng trở thành người bạo lực gia đình trong tương lai.

2. Hoàn cảnh gia đình khó khăn

Điều kiện kinh tế cũng là một trong các yếu tố quan trọng góp phần tạo nên hạnh phúc gia đình. Theo thống kê, những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, điều kiện tài chính eo hẹp sẽ có nhiều xu hướng xảy ra xung đột, mâu thuẫn giữa vợ chồng, con cái. Cũng bởi, tất cả các thành viên đều phải vất vả bươn chải, cố gắng kiếm sống nên dễ rơi vào trạng thái căng thẳng, mệt mỏi, áp lực về thần kinh, từ đó khó có thể thông cảm, thấu hiểu cho nhau.

Khi vấn đề kinh tế trong gia đình không được giải quyết và đáp ứng tốt thì rất dễ nảy sinh các tranh cãi, mâu thuẫn và nhiều trường hợp nam giới do sự bất lực và dồn nén của bản thân sẽ có xu hướng bạo lực thể chất với vợ. Hoặc ngược lại, người vợ do sự bức xúc nên dễ dùng những lời lẽ khó nghe, xúc phạm, hạ nhục đến chồng.

Tuy nhiên, điều này không thể khẳng định hoàn toàn tất cả các gia đình có điều kiện kinh tế không ổn định đều xảy ra tình trạng bạo lực. Trong thực tế, cũng có rất nhiều gia đình tuy không đầy đủ về mặt vật chất nhưng họ vẫn sống vui vẻ, hạnh phúc và dung hòa với nhau.

3. Do tính cách và học vấn thấp

Phần lớn các trường hợp bạo lực gia đình sẽ xuất hiện nhiều ở nông thôn, các vùng quê hoặc những gia đình nông dân, học thức thấp. Cũng bởi họ không được tiếp xúc nhiều với những kiến thức về bình đẳng giới, những luật lệ bảo vệ quyền của từng cá nhân, những sự vi phạm về hành vi bạo lực gia đình.

Nam giới sẽ luôn tự cho mình cái quyền làm trụ cột trong gia đình, họ nghĩ rằng đó chính là vợ con của mình nên bản thân có quyền đánh đập, chửi bới hoặc làm những điều mà họ thích. Còn đối với phụ nữ, do sự hạn hẹp về kiến thức nên không biết cách đấu tranh, luôn chịu đựng, cam chịu trước những đòn roi, sự nhục mạ của chồng.

Bạo lực gia đình
Trình độ học vấn thấp cũng là một trong các nguyên nhân dẫn đến bạo lực trong gia đình.

Tuy nhiên, cũng có không ít các trường hợp xảy ra bạo lực trong những gia đình có học thức cao. Nhiều người thường tự cho mình có trình độ, có kiến thức nên lợi dụng điều đó để thâu tóm người khác. Thông thường thì ở những gia đình này sẽ xảy ra tình trạng bạo lực tinh thần, khiến cho các thành viên trong gia đình phải đối diện với những tổn thương tâm lý vô cùng nặng nề. Tình trạng này thường sẽ xuất hiện ở những người độc tài, gia trưởng, ích kỷ, thiếu sự cảm thông, đồng cảm.

4. Ảnh hưởng từ văn hóa phong kiến

Hiện nay xã hội đã phát triển, văn hóa cũng dần thay đổi, con người dần thoải mái hơn với những sự bình đẳng, đời sống hôn nhân không còn bó hẹp trong các khuôn khổ phong kiến. Tuy nhiên, đâu đó vẫn còn tồn tại những định kiến của xã hội xưa, những phong tục tập quán, những truyền thống văn hoá chuẩn mực đạo đức xưa cũ vẫn còn mang đậm nét.

Những quan niệm, tư tưởng lỗi thời như “trọng nam khinh nữ”, “chồng chúa, vợ tôi” hoặc phụ nữ phải luôn nhường nhịn, cam chịu, cung phụng chồng con vẫn còn hiện diện đâu đó trong các hộ gia đình Việt Nam. Cũng chính những tư tưởng này khiến cho người phụ nữ lúc nào cũng thu mình lại, căm chịu và người đàn ông tự cho mình cái quyền được chà đạp, xúc phạm họ. Họ luôn tự cho rằng mình chính là trụ cột của gia đình, tiếng nói của mình là quan trọng nhất và tất cả các thành viên khác phải tuân theo.

5. Nhận thức sai lệch

Bạo lực gia đình cũng có thể xuất phát từ những nhận thức sai lệch của mỗi người. Nhiều người bạo hành tự cho rằng bản thân có quyền thực hiện những điều đó, họ không quan tâm đến cảm xúc và mong muốn của người khác. Còn đối với những người bị bạo hành lại bị hạn chế về khả năng đấu tranh, họ chấp nhận chịu đựng hoặc thậm chí tự cho rằng mình xứng đáng phải đối diện với những điều đó.

Không chỉ ở mối quan hệ vợ chồng mà nhiều gia đình còn xảy ra bạo lực đối với con cái do sự nhận thức chưa phù hợp của mình. Nhiều người hay giáo dục con cái theo quan niệm “thương cho roi cho vọt”. Chính vì thế không ít các ông bố bà mẹ vì muốn con cố gắng, nỗ lực và đạt nhiều thành tích tốt hơn nên liên tục sử dụng đòn roi, các hình thức tra tấn tinh thần đối với con nhỏ.

Trẻ nhỏ vẫn chưa đủ hiểu biết để có thể thấu hiểu được hết những mong muốn và sự yêu thương của bố mẹ. Trẻ nhỏ chỉ quan tâm đến những vết thương mà mình phải gánh chịu, cho rằng bố mẹ không thật sự yêu mình và dần có những tổn thương nghiêm trọng về mặt tâm lý lẫn thể chất.

6. Sự vô tâm của xã hội

Mặc dù hiện nay các thông tin về bạo lực gia đình cũng đã được tuyên truyền rộng rãi. Tuy nhiên, các biện pháp xử phạt vẫn chưa thực sự rõ ràng và xã hội cũng không quá xem trọng vấn đề này. Nhiều người thường sống theo quan điểm “đèn nhà ai nấy sáng”, nếu không phải việc của mình thì chẳng có lý do gì mình phải xen vào để gánh lấy phiền phức cho bản thân.

Trong thực tế, những sự can thiệp hoặc lên án của cộng đồng, làng xóm, địa phương chỉ mang tính chất tạm bợ, hời hợt, mờ nhạt. Chính vì thế mà tình trạng bạo lực gia đình luôn có điều kiện để tồn tại và phát triển lâu dài.

Bạo lực gia đình gây nên hậu quả gì?

Những hậu quả mà bạo lực gia đình gây ra là vô cùng nghiêm trọng. Nó không chỉ làm ảnh hưởng đối với cá nhân người bị bạo hành mà còn đối với người gây bạo lực, trẻ em, gia đình và toàn xã hội. Cụ thể một số hệ lụy to lớn mà tình trạng này có thể gây ra như:

1. Đối với nạn nhân

Hậu quả dễ thấy nhất của bạo lực gia đình đó chính là gây ra những tổn thương về mặt thể chất, làm ảnh hưởng đối với sức khỏe của con người, hủy hoại thân thể, thậm chí có nhiều trường hợp phải đối diện với những khuyết tật đến cuối đời hoặc mất đi tính mạng. Việc liên tục phải đối diện với những hành vi tra tấn, đánh đập, hành hung dữ tợn sẽ khiến cho nạn nhân bị suy kiệt về mặt thể chất, cơ thể đầy thương tích và đối diện với những nỗi đau thể chất nghiêm trọng.

Bên cạnh đó, nạn nhân của bạo lực gia đình còn phải chịu đựng những sự tổn thương nặng nề về mặt tinh thần. Nỗi đau thể chất đôi khi còn có thể chữa lành những những vết rạn nứt từ trong tâm trí sẽ khó có thể bù đắp được. Nhiều người bị ám ảnh về mặt tinh thần, luôn cảm thấy căng thẳng, lo sợ, hoảng loạn, dần mất tự tin hoặc trầm cảm, rối loạn lo âu. Nhiều trường hợp nạn nhân đã không còn bị bạo lực nhưng vẫn sống với tâm lý nặng nề, mệt mỏi, chán chường và tuyệt vọng.

2. Đối với người bạo lực gia đình

Nhiều người cho rằng, bạo lực gia đình chỉ gây ảnh hưởng đến nạn nhân nhưng trong thực tế, kể cả những người thực hiện hành vi bạo lực cũng phải đối diện với những hậu quả khôn lường, họ phải trả giá cho những hành vi sai trái mà mình gây ra. Khi liên tục thực hiện hành vi ngược đãi, tra tấn các thành viên trong gia đình thì người bạo lực chính tay phá hủy mối quan hệ của mình, khiến cho vợ chồng, con cái, cha mẹ, anh chị em trong nhà rạn nứt tình cảm, thậm chí là thù ghét.

Xét về mặt pháp luật, hành vi bạo lực gia đình phải đối diện với những hình phạt thích đáng theo từng cấp độ khác nhau. Đối với các trường hợp nhẹ, ít nghiêm trọng thì người bạo hành cần phải đóng tiền phạt cho hành vi sai trái mà mình đã gây ra đối với người thân trong gia đình. Hoặc khi hành vi bạo hành trở nên nghiêm trọng và gây ra những thiệt hại lớn cho nạn nhân thì họ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Bạo lực gia đình
Bạo lực gia đình chính là nguyên nhân lớn nhất dẫn đến sự đổ vỡ trong hôn nhân.

3. Đối với trẻ em

Phụ nữ và trẻ em là đối diện phổ biến phải đối mặt với những hành vi bạo hành gia đình nghiêm trọng. Đặc biệt đối với trẻ nhỏ phải gánh chịu những tổn thương và hậu quả nghiêm trọng, có thể ảnh hưởng đến tương lai của trẻ. Theo chia sẻ của các chuyên gia, bạo lực trẻ em sẽ tác động trực tiếp đối với sự phát triển tổng thể của trẻ.

Trẻ nhỏ khi là nạn nhân hoặc chứng kiến cảnh bạo lực trong gia đình sẽ dễ hình thành tâm lý sợ hãi, lo lắng, suy nghĩ tiêu cực. Nhiều trẻ nhỏ khi sống trong gia đình bạo lực sẽ có xu hướng sống tách biệt, cảm thấy xấu hổ và lẩn tránh hầu hết các mối quan hệ bên ngoài, thậm chí nhiều trẻ do sự ám ảnh quá lớn nên hình thành nỗi sợ hôn nhân, không muốn yêu đương và kết hôn.

Mặt khác cũng có không ít các trường hợp trẻ nhỏ hình thành tâm lý chống đối, nổi loạn và có xu hướng thích phá phách, nghỉ học, thực hiện các hành vi phạm tội, nghiện chất,…Trẻ phải liên tục chứng kiến hành vi bạo hành từ cha mẹ cũng sẽ dần bị lệch lạc về mặt nhận thức, có nhiều khả năng thực hiện các hành vi bạo hành giống với người lớn.

4. Đối với kinh tế

Bạo lực gia đình để lại những tổn thất nặng nề về mặt kinh tế. Đối với tất cả các hình thức bạo hành đều gây ra những tổn thương to lớn về thể chất lẫn tinh thần. Điều này phải tốn một khoản kinh tế lớn cho việc điều trị và phục hồi sức khỏe. Đồng thời, trong thời gian đó, nạn nhân sẽ không thể lao động hoặc khả năng lao động sẽ bị giảm sút đáng kể, từ đó khiến mức thu nhập cũng bị giảm đi rất nhiều.

5. Đối với xã hội

Bạo lực gia đình gây ra nhiều ảnh hưởng gián tiếp đối với xã hội. Khi người lao động bị tổn thương về mặt thể chất hay tinh thần cũng sẽ bị suy giảm nghiêm trọng về mức độ đóng góp với xã hội. Hoặc nó cũng có thể tạo ra một lực lượng lao động có sức khỏe yếu kém, thiếu sự chủ động sáng tạo cho tương lai. Điều này gây ra những hậu quả to lớn đối với sự phát triển của đất nước, khiến xã hội ngày càng tụt dốc.

Làm sao để ngăn chặn bạo lực gia đình?

Dù đã được tuyên truyền và hỗ trợ nhiều về vấn đề bạo lực gia đình nhưng nó vẫn còn hiện diện phổ biến trong đời sống hiện nay. Nguyên nhân chính của tình trạng này đó chính là những suy nghĩ lệch lạc, nhận thức yếu kém của con người về nạn bạo lực trong gia đình. Thậm chí có nhiều phụ nữ vẫn giữa quan điểm “xấu chàng hổ ai” nên họ không bao giờ thừa nhận việc bản thân đang bị bạo hành, luôn cố gắng che giấu cho hành vi xấu xa đó.

Điều này chính là lý do lớn nhất khiến cho tình trạng bạo hành gia đình càng phát triển rộng rãi và có cơ hội để tồn tại lâu dài. Chính vì thế, để có thể khắc phục và ngăn chặn vấn nạn này, cần phải có sự nỗ lực của cả bản thân nạn nhân và xã hội, cộng động.

Bạo lực gia đình
Nạn nhân bị bạo lực cần phải mạnh dạn đứng lên chống đối và chủ động nhờ đến sự trợ giúp của mọi người xung quanh.

Cụ thể một số biện pháp giúp bạn có thể phòng tránh và vượt qua được nạn bạo lực gia đình đó là:

1. Đối với bản thân nạn nhân

Nguồn gốc cốt lõi gây ra tình trạng bạo lực gia đình đó chính là sự sai lệch nhận thức của nạn nhân. Chính vì thế, để thoát khỏi vấn nạn này, bản thân họ phải tự trang bị cho mình những kiến thức và kỹ năng cần thiết để chống lại hành vi bạo hành. Bên cạnh đó, cần phải loại bỏ tốt các quan điểm, tư duy không phù hợp để không bị lún sâu vào cuộc hôn nhân tiêu cực này.

Một vài biện pháp hữu hiệu như:

  • Nhận biết các dấu hiệu và hình thức của bạo lực gia đình.
  • Thừa nhận việc bản thân đang là nạn nhân của bạo lực gia đình và cần lên án hành vi tồi tệ đó.
  • Chủ động chia sẻ và nhờ đến sự giúp đỡ của những người xung quanh.
  • Luôn trang bị một chiếc điện thoại bên cạnh hoặc trong nhà để thuận tiện cho việc liên hệ, nhờ đến sự trợ giúp từ bên ngoài trong trường hợp bản thân bị đe dọa, bắt nhốt.
  • Cần tìm hiểu và lưu giữ số điện thoại của các cán bộ, cơ quan chức năng tại địa phương để liên hệ khi cần thiết.
  • Để tránh tình trạng bạo lực gia đình do rượu bia, say xỉn thì bạn cần hạn chế đôi co, tranh cãi với người bạo hành. Tốt nhất hãy giữ im lặng và thái độ bình tĩnh để tự bảo vệ bản thân.
  • Luôn có một khoản kinh phí để dự trù cho những việc cần thiết. Tốt nhất bạn cần có công việc và ổn định về mặt tài chính để không phải phụ thuộc vào bất kì ai.
  • Cần tìm và ghi lại những hình ảnh, đoạn hội thoại mang tính chất bạo lực để phục vụ tốt cho việc kiện tụng, điều tra.
  • Nếu tình trạng bạo lực gia đình diễn ra quá mức, bạn cũng có thể yêu cầu được ly hôn. Tuy nhiên, bạn cần phải đảm bảo sự an toàn cho bản thân và các con, chuẩn bị đủ nguồn tài chính trước khi đề cập đến vấn đề này.
  • Nếu không thể tự giải quyết được vấn đề này, bạn cũng có thể tìm đến sự hỗ trợ của chuyên gia tâm lý.

2. Đối với xã hội

Bạo lực gia đình không chỉ là vấn đề của mỗi cá nhân mà còn là thực trạng chung của toàn xã hội. Chính vì thế, song song với những nỗ lực của nạn nhân thì rất cần sự nỗ lực và góp sức của toàn xã hội và cộng đồng. Các tổ chức xã hội và cơ quan chức năng cần phải chung tay đưa ra các biện pháp phòng chống và khắc phục để trị dứt điểm tình trạng này, mang lại đời sống ổn định và hạnh phúc cho mỗi gia đình.

Một số giải pháp cần nhanh chóng thực hiện như:

  • Mở rộng tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân về bạo lực gia đình. Cần có những buổi vận động, cập nhật kiến thức về tình trạng này để thay đổi và củng cố tư tưởng cho mọi người.
  • Đẩy mạnh công tác hòa giải, tránh để bạo lực gia đình phát triển và làm rạn nứt mối quan hệ.
  • Cơ quan chức năng, cán bộ địa phương cần phải dành nhiều thời gian để quan tâm, can thiệp kịp thời đến những gia đình có xuất hiện dấu hiệu bạo hành.
  • Cần có hình phạt và biện pháp xử lý nghiêm ngặt đối với hành vi bạo lực gia đình.
  • Tạo đường dây nóng để sẵn sàng hỗ trợ những trường hợp khẩn cấp.

Bạo lực gia đình là một vấn đề đã có từ rất lâu nhưng hiện nay vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Hi vọng qua thông tin của bài viết này, bạn đọc sẽ hiểu hơn về những hậu quả nghiêm trọng của nó và có cách phòng chống, can thiệp để khắc phục hiệu quả nhất.

Tham khảo thêm:

ArrayArray
5/5 - (1 bình chọn)
Array

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *