Bệnh Tâm Thần Phân Liệt: Nguyên Nhân, Dấu Hiệu Và Hướng Chữa Trị

4.6/5 - (77 bình chọn)

Tâm thần phân liệt là một dạng bệnh loạn thần mức độ nặng, tiến triển từ từ và có xu hướng mạn tính. Phát hiện và điều trị sớm sẽ giúp kiểm soát triệu chứng tốt hơn và hạn chế các biến chứng nghiêm trọng phát triển.

bệnh tâm thần phân liệt
Tâm thần phân liệt là một căn bệnh loạn thần nặng gây ra nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng

Bệnh tâm thần phân liệt là gì?

Tâm thần phân liệt là một dạng bệnh loạn thần nghiêm trọng, ảnh hưởng tới cách mà một người suy nghĩ, nhận thức, hành động, thể hiện cảm xúc và quan hệ với người khác. Mặc dù đây không phải là bệnh tâm thần quá phổ biến nhưng nó lại có xu hướng tiến triển mãn tính và gây ra nhiều vấn đề nguy hại.

Bệnh lý này ảnh hưởng đến khoảng 1% dân số trên toàn thế giới. Tuổi khởi phát trung bình ở nam giới rơi vào khoảng cuối tuổi thiếu niên cho tới đầu những năm 20 tuổi. Còn ở nữ giới rơi vào cuối những năm 20 đến đầu tuổi 30. Bệnh không phổ biến ở trẻ dưới 12 tuổi và người trưởng thành trên 40 tuổi.

Sự phức tạp của bệnh tâm thần phân liệt khiến nhiều người có quan niệm sai lầm về bệnh lý này. Tâm thần phân liệt không có nghĩa là đa nhân cách. Căn bệnh này đặc trưng bởi các triệu chứng hoang tưởng, ảo giác, hành vi lố lăng quá mức, suy nghĩ rời rạc hay căng trương lực.

Những người bị tâm thần phân liệt sẽ cần phải điều trị suốt đời. Việc can thiệp sớm giúp kiểm soát các triệu chứng trước khi biến chứng nghiêm trọng phát triển. Tuy nhiên, bệnh nhân vẫn có khả năng tử vong sớm hơn so với dân số nói chung. Phần lớn là do làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim và tiểu đường.

ads chuyên gia tâm lý bùi thị hải yến tư vấn ngay

Các dấu hiệu nhận biết bệnh tâm thần phân liệt

Bệnh tâm thần phân liệt có liên quan tới một loạt các vấn đề về nhận thức, hành vi và cảm xúc. Các dấu hiệu và triệu chứng có thể khác nhau ở từng người bệnh. Tuy nhiên sẽ thường liên quan đến hoang tưởng, ảo thanh, lời nói vô tổ chức hay khả năng hoạt động bị suy giảm.

Các triệu chứng của bệnh có thể bao gồm:

1. Hoang tưởng

Hoang tưởng là thuật ngữ dùng để mô tả những ý tưởng sai lầm, xa rời thực tế. Tuy nhiên, người bệnh tâm thần phân liệt lại cho rằng những ý tưởng này hoàn toàn đúng, không thể giải thích hay phê phán được. Bệnh nhân sẽ có các phản ứng lại tùy thuộc vào nội dung hoang tưởng.

triệu chứng bệnh tâm thần phân liệt
Hoang tưởng là triệu chứng xảy ra phổ biến ở hầu hết bệnh nhân tâm thần phân liệt

Dưới đây là ba chứng hoang tưởng thường thấy nhất:

  • Hoang tưởng tự cao: Người bệnh nghĩ rằng mình có thể làm được những điều mà trên thực tế là không thể làm được. Chẳng hạn như bệnh nhân nghĩ mình có thể chưa khỏi bệnh dù không học ngành y, có thể làm tướng nhưng chưa từng tham gia quân đội…
  • Hoang tưởng bản thân bị hại: Bệnh nhân luôn có suy nghĩ rằng người thân, những người xung quanh hay ai đó đang tìm cách đầu độc và hãm hại họ.
  • Hoang tưởng bản thân bị chi phối: Bệnh nhân có suy nghĩ rằng, tồn tại một thế lực vô hình đang kiểm soát nhận thức và hành động của mình. Thế lực đó có thể là thần tiên, ma quỷ hay vô hình.

2. Ảo thanh

Đây là một trong những triệu chứng xảy ra ở hầu hết bệnh nhân tâm thần phân liệt. Họ có thể nghe giọng nói, âm thanh vang bên tai hoặc vang lên trong đầu. Ảo thanh thường có tính tiêu cực như lời chửi bới, cười nhạo hay đe dọa buộc tội…

Khi nghe thấy ảo thanh, bệnh nhân cũng sẽ có các phản ứng tùy thuộc vào nội dung của ảo thanh. Chẳng hạn như bệnh nhân sẽ sợ hãi ngồi thu mình, bịt tai lại, phản ứng lại hay nổi điên…

3. Rối loạn khả năng suy nghĩ

Lời nói của người bệnh tâm thần phân liệt đôi khi vô cùng khó hiểu. Khi đang nói bệnh nhân có thể đột ngột ngừng lại rồi một lúc sau mới tiếp tục chủ đề cũ hoặc nói sang chuyện khác.

Thậm chí một số người bệnh còn nói lung tung và lộn xộn. Điều này khiến cho người nghe không thể hiểu được bệnh nhân muốn nói hay truyền đạt vấn đề gì.

4. Các triệu chứng khác

Ngoài các triệu chứng đặc trưng nêu trên thì người bệnh tâm thần phân liệt còn có thể gặp phải một số triệu chứng khác. Bao gồm:

dấu hiệu nhận biết tâm thần phân liệt
Bệnh nhân tâm thần phân liệt thường bị mất ý muốn làm việc nhưng hoàn toàn không phải do lười biếng
  • Giảm sự biểu lộ tình cảm: Người bệnh sẽ không còn phản ứng trước các sự kiện buồn vui. Có thể bị mất cảm xúc hoặc không có biểu lộ tình cảm nhiều. Ngoài ra, một số trường hợp còn có phản ứng ngược lại so với bình thường. Chẳng hạn như trước sự kiện buồn thì người bệnh tỏ ra vui còn với sự kiện vui lại tỏ ra buồn bã.
  • Mất ý muốn làm việc: Người bệnh dần mất đi ý muốn làm việc, thường tỏ ra thần thờ. Tuy nhiên, tình trạng này hoàn toàn không phải do lười biếng. Người bệnh sẽ không thể tiếp tục làm việc tốt ở cơ quan hay học tập ở trường. Thậm chí còn không làm tốt các công việc đơn giản thường ngày như nấu ăn, giặt giũ, làm việc nhà… khi bệnh nặng. Nghiêm trọng hơn, người bệnh không còn chú ý đến vệ sinh cá nhân, ăn uống kém…
  • Không nhận thức được bệnh tình của bản thân: Rất nhiều bệnh nhân tâm thần phân liệt không nghĩ rằng bản thân mắc bệnh. Do đó họ thường từ chối việc thăm khám bác sĩ để điều trị. Thậm chí còn nổi giận với những người nghĩ họ bị bệnh tâm thần.
  • Sự cách ly xã hội: Bệnh nhân thường không muốn tiếp xúc với người khác. Ngay cả với những người thân trong gia đình thì họ cũng tìm cách né tránh.

5. Triệu chứng ở thanh thiếu niên

Triệu chứng tâm thần phân liệt ở thanh thiếu niên cũng tương tự như ở người lớn. Tuy nhiên, tình trạng bệnh có thể sẽ khó nhận biết hơn. Điều này một phần có thể là do một số triệu chứng ban đầu của bệnh thường phát triển điển hình trong những năm thiếu niên. Phải kể đến như:

  • Thành tích ở trường sa sút
  • Sự cách ly khỏi bạn bè và gia đình
  • Khó ngủ
  • Tâm trạng khó chịu hay chán nản
  • Thiếu động lực

So với các triệu chứng bệnh tâm thần phân liệt ở người lớn thì thanh thiếu niên thường ít có khả năng bị ảo tưởng. Trong khi đó lại có nhiều khả năng bị ảo giác hơn.

Nguyên nhân gây bệnh tâm thần phân liệt

Mặc dù đã có rất nhiều nghiên cứu được thực hiện nhưng nguyên nhân gây ra bệnh tâm thần phân liệt vẫn chưa được biết đến. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu tin rằng, sự kết hợp giữa yếu tố di truyền, sinh hóa và môi trường có thể góp phần vào sự phát triển của bệnh.

nguyên nhân gây tâm thần phân liệt
Yếu tố di truyền có thể làm tăng nguy cơ mắc chứng tâm thần phân liệt

Các yếu tố liên quan cụ thể như sau:

  • Di truyền học: Bệnh tâm thần phân liệt hoàn toàn không phải do một biến thể di truyền gây ra. Nó là sự tác động lẫn nhau phức tạp của yếu tố di truyền và ảnh hưởng của môi trường. Trong đó, di truyền đóng vai trò rất quan trọng. Khả năng phát triển bệnh tâm thần phân liệt của một người cao hơn đến 6 lần nếu có cha mẹ hay anh chị em mắc chứng rối loạn này.
  • Yếu tố sinh hóa: Vấn đề về một số hóa chất trong não bao gồm cả chất dẫn truyền thần kinh là dopamine và glutamate cũng có thể góp phần gây ra bệnh tâm thần phân liệt. Chất dẫn truyền thần kinh cho pháp các tế bào trong não giao tiếp với nhau. Ngoài ra, mạng lưới nơron cũng có thể liên quan.
  • Yếu tố gia đình: Các khảo sát cho thấy, bệnh tâm thần phân liệt có xu hướng dễ xảy ra hơn ở những gia đình không hạnh phúc, thường xuyên mâu thuẫn hay không khí căng thẳng.
  • Yếu tố môi trường: Nhiều nghiên cứu chứng minh, việc tiếp xúc với virus hay suy dinh dưỡng trước khi sinh, nhất là trong tâm cá nguyệt thứ nhất và thứ hai có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tâm thần phân liệt. Những nghiên cứu gần đây cũng cho thấy, rối loạn tự miễn dịch và sự phát triển của rối loạn tâm thần có mối quan hệ với nhau.
  • Sử dụng thuốc hoặc chất kích thích: Việc dùng thuốc thần kinh hay thuốc hướng thần trong những năm thanh thiếu niên có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Ngoài ra, hút cần sa cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc phải chứng rối loạn tâm thần này. Càng trẻ và sử dụng thường xuyên thì nguy cơ sẽ càng lớn.
  • Yếu tố tâm lý: Tâm lý mệt mỏi, căng thẳng, stress quá độ hay sang chấn tâm lý cũng có thể góp phần thúc đẩy bệnh.

Bệnh tâm thần phân liệt có nguy hiểm không?

Theo đánh giá từ các chuyên gia, tâm thần phân liệt là một dạng bệnh loạn thần có mức độ nặng nề. Nếu không sớm điều trị thì bệnh sẽ gây ra rất nhiều vấn đề nghiêm trọng ảnh hưởng tới mọi lĩnh vực của cuộc sống.

Số liệu thống kê cho thấy, khoảng 5 – 6% bệnh nhân tâm thần phân liệt tự sát thành công, khoảng 20% có hành động tự sát và số lượng nhiều hơn có ý tưởng tự sát đáng kể. Tự sát cũng chính là nguyên nhân chính gây tử vong sớm ở người mắc phải bệnh lý này. Đồng thời cũng phần nào giải thích vì sao rối loạn này giảm tuổi thọ trung bình xuống 10 năm so với dân số nói chung.

tâm thần phân liệt có nguy hiểm không
Người bị tâm thần phân liệt thường có ý nghĩa và hành vi tự sát

Một số vấn đề nguy hại khác của bệnh có thể bao gồm:

  • Tăng nguy cơ bị rối loạn lo âu và rối loạn ám ảnh cưỡng chế
  • Phiền muộn
  • Lạm dụng rượu và các chất kích thích, bao gồm cả nicotine
  • Không có khả năng đi học hoặc đi làm
  • Vấn đề tài chính và tình trạng vô gia cư
  • Cách ly xã hội
  • Các vấn đề sức khỏe và y tế
  • Trở thành nạn nhân của các vấn nạn trong xã hội
  • Hành vi bạo lực (thường không phổ biến)

Chẩn đoán bệnh tâm thần phân liệt

Trên thực tế, việc chẩn đoán bệnh tâm thần phân liệt không hề đơn giản. Bởi đôi khi sử dụng ma túy cũng có thể khiến một người gặp phải triệu chứng tương tự. Khó khăn trong việc chẩn đoán căn bệnh này lại càng gia tăng bởi nhiều người bệnh không tin rằng họ mắc bệnh.

1. Chẩn đoán xác định

Các chuyên gia cho biết, việc chẩn đoán bệnh tâm thần phân liệt có liên quan tới việc loại trừ các rối loạn sức khỏe tâm thần khác. Đồng thời xác định rằng các triệu chứng không phải do thuốc, lạm dụng chất kích thích hay tình trạng bệnh lý.

Xác định chẩn đoán tâm thần phân liệt có thể bao gồm:

  • Khám sức khỏe: Điều này có thể thực hiện nhằm loại trừ các vấn đề khác có thể gây ra các triệu chứng tương tự. Đồng thời giúp kiểm tra bất cứ biến chứng nào liên quan.
  • Kiểm tra và sàng lọc: Có thể bao gồm các xét nghiệm để loại trừ các tình trạng có triệu chứng tương tự. Ngoài ra còn giúp sàng lọc rượu và ma túy. Một số trường hợp bác sĩ có thể yêu cầu xét nghiệm hình ảnh. Ví dụ như chụp CT hay MRI.
  • Đánh giá tâm thần: Bác sĩ thường kiểm tra tình trạng tâm thần bằng cách quan sát phong thái và ngoại hình. Bên cạnh đó còn hỏi về suy nghĩ, tâm trạng, ảo giác, hoang tưởng, sử dụng chất kích thích và khả năng bạo lực, tự tử. Điều này còn có thể bao gồm một cuộc khảo sát về lịch sử cá nhân và gia đình.
  • Tiêu chuẩn chẩn đoán: Bác sĩ có thể dựa vào các tiêu chí trong Sổ tay Chẩn đoán và Thống kê về Rối loạn Tâm thần (DSM-5) để đưa ra chẩn đoán xác định.
chẩn đoán tâm thần phân liệt
Bác sĩ có thể khai thác tiền sử bệnh để hỗ trợ chẩn đoán tâm thần phân liệt

2. Chẩn đoán phân biệt

Trong chẩn đoán bệnh tâm thần phân liệt, loạn thần do các rối loạn thể chất khác hay do lạm dụng chất phải được loại trừ. Thường là thông qua tiền sử bệnh và kiểm tra bao gồm các xét nghiệm trong phòng thí nghiệm cùng hình ảnh thần kinh.

Một số bệnh nhân tâm thần phân liệt có thể có bất thường về cấu trúc não hiện diện trên hình ảnh. Tuy nhiên những bất thường này lại không đủ đặc hiệu để có giá trị chẩn đoán.

Các rối loạn tâm thần khác có triệu chứng tương tự cần chẩn đoán phân biệt với tâm thần phân liệt bao gồm:

  • Rối loạn loạn thần ngắn hạn
  • Rối loạn hoang tưởng
  • Rối loạn phân liệt cảm xúc
  • Rối loạn nhân cách loại phân liệt
  • Rối loạn dạng phân liệt

Trong đó, một số rối loạn nhân cách (nhất là loại phân liệt) gây ra các triệu chứng tương tự như bệnh tâm thần phân liệt. Tuy nhiên chúng có mức độ nhẹ hơn và không có loạn thần.

Hướng điều trị bệnh tâm thần phân liệt

Bệnh nhân tâm thần phân liệt cần điều trị duy trì cả đời, ngay cả khi các triệu chứng của bệnh đã thuyên giảm. Việc điều trị cần hướng đến các mục tiêu sau:

  • Giảm mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng loạn thần
  • Ngăn ngừa tái phát các giai đoạn triệu chứng và suy giảm chức năng
  • Giúp người bệnh hoạt động chức năng ở mức độ cao nhất có thể

Các phương pháp điều trị tâm thần phân liệt thường bao gồm:

1. Thuốc men

Thuốc được cho là nền tảng đối với điều trị tâm thần phân liệt. Trong đó, các thuốc chống loạn thần là được kê đơn phổ biến nhất. Chúng sẽ giúp kiểm soát triệu chứng bằng cách ảnh hưởng tới chất dẫn truyền thần kinh dopamine của não.

Mục tiêu của việc điều trị bằng thuốc chống loạn thần là quản lý hiệu quả các triệu chứng ở liều thấp nhất có thể. Bác sĩ tâm thần có thể thử các loại thuốc với liều lượng khác nhau. Ngoài ra có thể kết hợp theo thời gian để đạt được hiệu quả mong muốn.

thuốc chữa tâm thần phân liệt
Các thuốc chống loạn thần được dùng phổ biến trong điều trị tâm thần phân liệt

Các thuốc chống loạn thần thường được dùng trong điều trị tâm thần phân liệt bao gồm:

– Thuốc chống loạn thần thế hệ 2:

Các loại thuốc thế hệ thứ 2 mới hơn thường sẽ được ưa chuộng hơn. Bởi chúng ít gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng như loại thuốc chống loạn thần thế hệ 1. Một số thuốc thường được kê toa là:

  • Aripiprazole (Abilify)
  • Asenapine (Saphris)
  • Brexpiprazole (Rexulti)
  • Lurasidone (Latuda)
  • Olanzapine (Zyprexa)
  • Paliperidone (Invega)
  • Risperidone (Risperdal)
  • Ziprasidone (Geodon)

– Thuốc chống loạn thần thế hệ 1:

Các thuốc chống loạn thần thế hệ 1 thường có tác dụng phụ thần kinh tiềm ẩn đáng kể và thường xuyên. Bao gồm khả năng phát triển chứng rối loạn vận động có thể phục hồi hoặc không. Một số thuốc có thể được cân nhắc kê toa bao gồm:

  • Haloperidol
  • Perphenazine
  • Chlorpromazine
  • Fluphenazine

Thuốc chống loạn thần thế hệ 1 thường rẻ hơn các thuốc ở thế hệ 2. Cho nên đây có thể là một cân nhắc quan trọng trong trường hợp người bệnh cần điều trị lâu dài.

– Thuốc chống loạn thần tiêm tác dụng kéo dài:

Một số loại thuốc chống loạn thần có thể được sử dụng dưới dạng tiêm bắp hay tiêm dưới da. Chúng có thể được dùng với tần suất 2 – 4 tuần/ lần tùy thuộc vào từng loại. Các loại thuốc phổ biến có sẵn ở dạng tiêm bao gồm:

  • Paliperidone (Invega Sustenna, Invega Trinza)
  • Aripiprazole (Abilify Maintena, Aristada)
  • Fluphenazine decanoate
  • Haloperidol decanoate
  • Risperidone (Risperdal Consta, Perseris)

Bên cạnh thuốc chống loạn thần, bác sĩ có thể chỉ định dùng một số thuốc khác. Ví dụ như các thuốc chống trầm cảm hay chống lo âu. Tuy nhiên phải mất vài tuần để người bệnh nhận thấy sự cải thiện các triệu chứng.

2. Tâm lý trị liệu

Khi rối loạn tâm thần đã thuyên giảm thì ngoài việc tiếp tục dùng thuốc, bác sĩ sẽ chỉ định kết hợp các biện pháp can thiệp về tâm lý và xã hội. Đây được cho là một yếu tố rất quan trọng với quá trình kiểm soát tâm thần phân liệt.

điều trị tâm thần phân liệt
Tâm lý trị liệu đóng vai trò quan trọng với việc kiểm soát bệnh tâm thần phân liệt

Các biện pháp can thiệp tâm lý xã hội có thể bao gồm:

  • Liệu pháp cá nhân: Liệu pháp tâm lý cá nhân sẽ giúp người bệnh bình thường hóa các kiểu suy nghĩ. Ngoài ra, việc học cách đối phó với căng thẳng cũng như xác định các dấu hiệu cảnh báo sớm tái phát cũng sẽ giúp người bệnh kiểm soát tốt hơn bệnh tật của họ.
  • Đào tạo kỹ năng xã hội: Biện pháp này tập trung vào việc cải thiện chức năng giao tiếp và tương tác xã hội cho người bệnh. Đồng thời cải thiện khả năng tham gia vào các hoạt động hằng ngày.
  • Liệu pháp gia đình: Đây là giải pháp cung cấp hỗ trợ và giáo dục cho các gia đình có bệnh nhân tâm thần phân biệt. Từ đó giúp đối phó và hỗ trợ người bệnh trong quá trình kiểm soát bệnh tật.
  • Phục hồi nghề nghiệp và hỗ trợ việc làm: Tập trung và vào việc giúp đỡ người bệnh chuẩn bị, tìm và giữ việc làm.

3. Liệu pháp sốc điện

Đối với những người trưởng thành bị tâm thần phân liệt không đáp ứng với điều trị bằng thuốc thì liệu pháp sốc điện (ECT) có thể được cân nhắc. Nhất là trong trường hợp bệnh nhân bị trầm cảm nặng, nảy sinh ý định hay hành vi tự sát.

Liệu pháp sốc điện mang lại hiệu quả đáng kể, giúp cải thiện các triệu chứng về cảm xúc, tư duy và hành vi. Tuy nhiên, phương pháp này có thể tiềm ẩn nhiều tác dụng phụ. Do đó chỉ cân nhắc trong các trường hợp thật sự cần thiết.

4. Các biện pháp hỗ trợ khác

Đối phó với chứng tâm thần phân liệt được cho là một thách thức lớn với cả người bệnh và gia đình, bạn bè. Dưới đây là một số giải pháp có thể hỗ trợ tốt hơn:

  • Tìm hiểu về bệnh: Giáo dục về chứng rối loạn này sẽ giúp người bệnh hiểu hơn về tầm quan trọng của việc tuân thủ kế hoạch điều trị. Ngoài ra còn giúp gia đình và bạn bè hiểu hơn, đồng cảm và cùng giúp đỡ người bệnh trong quá trình điều trị.
  • Tập trung vào các mục tiêu: Quản lý bệnh tâm thần phân liệt được xác định là một quá trình liên tục. Người bệnh cần ghi nhớ các mục tiêu điều trị để duy trì động lực.
  • Tránh sử dụng rượu và ma túy: Sử dụng rượu, nicotine hoặc chất kích thích có thể cản trở quá trình điều trị. Nếu người thân của bạn bị nghiện rượu và ma túy thì việc cai nghiện là một thách thức lớn. Cần tìm đến các nhóm chăm sóc sức khỏe để tiếp cận vấn đề này tốt hơn.
  • Hỏi về hỗ trợ dịch vụ xã hội: Các dịch vụ này có thể bao gồm hỗ trợ nhà ở giá cả phải chăng, phương tiện đi lại hay các hoạt động hằng ngày khác.
  • Học thư giãn và quản lý căng thẳng: Người bị tâm thần phân liệt và người thân của họ có thể được hưởng lợi ích từ các kỹ thuật làm giảm căng thẳng. Chẳng hạn như yoga, thiền, thái cực quyền, massage, liệu pháp mùi hương,…
chữa bệnh tâm thần phân liệt
Người bệnh cần tránh uống rượu để hạn chế các triệu chứng nặng nề hơn

Tiên lượng của bệnh tâm thần phân liệt

Đối với bệnh tâm thần phân liệt thì việc điều trị càng được bắt đầu sớm, kết quả sẽ càng khả quan. Một số bằng chứng cho thấy rằng, mức độ nghiêm trọng của bệnh sẽ giảm đi khi về già, nhất là ở phụ nữ.

Tâm thần phân liệt có thể xảy ra cùng lúc với một số rối loạn tâm thần khác. Khi kết hợp với mức độ đáng kể của các triệu chứng ám ảnh nghi thức thì tiên lượng đặc biệt kém. Còn kết hợp với các triệu chứng rối loạn nhân cách ranh giới thì tiên lượng là tốt hơn.

Có khoảng 80% người bị tâm thần phân liệt sẽ phải trải qua một hay nhiều giai đoạn trầm cảm điển hình ở một thời điểm nào đó trong cuộc đời của họ. Trong năm đầu tiên sau khi được chẩn đoán, tiên lượng của bệnh có liên quan chặt chẽ tới việc sử dụng các thuốc hướng thần.

Nhìn chung, 1/3 người bệnh đạt được sự cải thiện đáng kể kéo dài, 1/3 cải thiện phần nào nhưng sẽ có sự tái phát liên tục và để lại loạn hoạt năng. Trong khi đó, 1/3 là tàn tật nghiêm trọng và vĩnh viễn. Chỉ có khoảng 15% số bệnh nhân có thể trở lại mức độ chức năng bình thường như trước khi mắc bệnh.

ads chuyên gia tâm lý cao kim thắm

Tâm thần phân liệt là căn bệnh gây ra nhiều mối nguy hại cho sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Cần sớm thăm khám bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Việc can thiệp chậm trễ có thể dẫn đến nhiều hệ lụy nghiêm trọng.

Có thể bạn quan tâm:

ArrayArray
4.6/5 - (77 bình chọn)
Array

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *