Các loại bệnh tâm thần thường gặp và thực trạng hiện nay
Các loại bệnh tâm thần thường gặp như rối loạn lo âu, trầm cảm,…. ngày càng có xu hướng gia tăng do áp lực cuộc sống và tác động tiêu cực từ môi trường xung quanh. Vì vậy nhận diện và hiểu rõ chúng là cách hỗ trợ tốt hơn cho những người đang đối mặt với những thách thức này.
Bệnh tâm thần là gì?
Bệnh tâm thần là thuật ngữ chung dùng để chỉ các loại bệnh về tâm thần có liên quan tới sự thay đổi về suy nghĩ, cảm xúc và hành vi của một người. Các tình trạng bệnh này có thể khiến cho người bệnh cảm thấy đau khổ và gây ra các vấn đề rắc rối trong cuộc sống thường ngày.
Theo thống kê của Viện sức khỏe Tâm thần Trung ương thì tỉ lệ người Việt Nam mắc phải các bệnh tâm thần một lần trong đời có thể lên tới khoảng 15 – 20%. Tùy thuộc vào từng loại bệnh cụ thể mà người bệnh sẽ gặp phải các triệu chứng khác nhau.
Nguyên nhân gây bệnh tâm thần
Bệnh tâm thần không chỉ phát sinh từ một nguyên nhân duy nhất, mà là kết quả của sự tương tác phức tạp giữa nhiều yếu tố khác nhau, cụ thể bao gồm:
- Nguyên nhân sinh học: Tổn thương trực tiếp mô não, nhiễm khuẩn thần kinh, nhiễm độc thần kinh, chấn thương sọ não và các bệnh mạch máu não có thể góp phần vào sự phát triển của bệnh tâm thần. Những bất thường về cấu trúc và chức năng não cũng đóng vai trò quan trọng trong việc gây ra các triệu chứng tâm lý.
- Nguyên nhân di truyền: Yếu tố di truyền có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tâm thần, đặc biệt khi có tiền sử bệnh tâm thần trong gia đình. Sự thay đổi gen và di truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác có thể ảnh hưởng đến khả năng phát triển bệnh.
- Yếu tố tâm lý: Các trạng thái phản ứng của loạn thần, bệnh tâm căn có thể dẫn đến bệnh tâm thần. Những trải nghiệm tiêu cực và căng thẳng lâu dài thường là yếu tố kích thích và làm trầm trọng thêm các vấn đề tâm lý.
- Yếu tố môi trường và xã hội: Áp lực từ xã hội và cuộc sống, mất ngủ, lạm dụng chất gây nghiện, cảm giác cô đơn và sang chấn có thể làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh tâm thần. Những yếu tố này tạo ra môi trường không thuận lợi cho sức khỏe tâm lý và dẫn đến sự phát triển của bệnh.
Các loại bệnh tâm thần thường gặp
Sự hối hả của cuộc sống hiện đại có thể khiến cho nhiều người bỏ quên đi việc chăm sóc sức khỏe tinh thần. Điều này khiến cho các bệnh tâm thần tiềm ẩn nhưng không được phát hiện sớm. Từ đó gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng, thậm chí là dẫn đến những hành vi nguy hiểm cho tính mạng.
Sau đây là các loại bệnh tâm thần thường gặp nhất hiện nay:
1. Bệnh trầm cảm
Trầm cảm (Depression) là một dạng rối loạn cảm xúc đặc trưng bởi khí sắc trầm buồn, mất hứng thú, buồn bã và bi quan kéo dài. Người mắc bệnh thường bị giảm hoặc mất hẳn sự quan tâm với tất cả mọi thứ xung quanh. Trong những năm gần đây, tỉ lệ người mắc phải chứng bệnh này đang có xu hướng gia tăng, nhất là ở người trẻ tuổi.
Tổ chức Y Tế Thế giới (WHO) đánh giá trầm cảm là chứng rối loạn tâm thần phổ biến nhất hiện nay, ảnh hưởng đến hơn 264 triệu người trên toàn thế giới. Thống kê của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) cũng cho thấy, có khoảng 8.1% người Mỹ nói riêng và 5% dân số thế giới nói chung bị rối loạn trầm cảm.
Triệu chứng của bệnh trầm cảm có xu hướng diễn tiến chậm, thường phát triển từ từ trong thời gian dài. Bên cạnh những ảnh hưởng về mặt cảm xúc thì người bệnh sẽ dần phát sinh nhiều biểu hiện bất thường về nhận thức, hành động và có các triệu chứng cơ thể đi kèm.
Bệnh ảnh hưởng rất lớn tới hiệu suất học tập, lao động và các mối quan hệ. Về lâu dài, người bệnh có xu hướng tự cô lập và tách rời với cộng đồng. Thậm chí trong nhiều trường hợp còn phát sinh hành vi tự sát. Do đó cần sớm phát hiện và có biện pháp can thiệp kịp thời khi xuất hiện các dấu hiệu trầm cảm.
2. Rối loạn lưỡng cực
Rối loạn lưỡng cực còn được gọi là rối loạn hưng – trầm cảm. Thuật ngữ này đề cập đến những thay đổi đột ngột và nghiêm trọng về tâm trạng của một người. Người bệnh có lúc phấn khích vui vẻ quá nhưng có lúc lại rơi vào trạng thái buồn chán cực độ.
Theo ước tính của Tổ chức Y Tế Thế giới (WHO) thì bệnh rối loạn lưỡng cực đang ảnh hưởng đến hơn 45 triệu người trên toàn thế giới. Trong đó đối tượng những người trẻ từ 18 – 24 tuổi chịu nhiều ảnh hưởng nhất. Phụ nữ mang thai hoặc đang trong thời kỳ nuôi con bú cũng có nguy cơ cao bị rối loạn lưỡng cực.
Các triệu chứng bệnh có thể xuất hiện nhiều lần trong ngày nhưng cũng có thể vài tuần hay vài tháng tùy vào mức độ nghiêm trọng ở từng người. Nó trực tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe tâm lý, gây phiền toái cho sinh hoạt thường ngày và làm giảm chất lượng cuộc sống. Đối với bệnh lý này, bệnh nhân cần điều trị bằng thuốc ổn định tâm trạng và các liệu pháp khác theo chỉ định của bác sĩ.
3. Tự kỷ
Tự kỷ là thuật ngữ đề cập đến những triệu chứng xảy ra do rối loạn phát triển hệ thần kinh. Bệnh lý này khởi phát từ rất sớm (chủ yếu là dưới 36 tháng tuổi). Nguy cơ mắc bệnh có sự khác biệt về giới tính. Trong đó, nam giới có nguy cơ bị tử kỷ cao hơn nữ giới đến 4.5 lần. Tuy nhiên, chứng bệnh này lại có xu hướng nghiêm trọng hơn ở nữ giới.
Căn bệnh này đặc trưng bởi sự khiếm khuyết về các mặt ngôn ngữ, tư duy, hành vi và tương tác xã hội. Bên cạnh đó, những trẻ mắc phải chứng bệnh này còn có sở thích và hành động rất đặc trưng, dễ nhận biết.
Bệnh tự kỷ gây ra rất nhiều hệ lụy cho cuộc sống của một người. Chỉ có 1 – 2% người bệnh có khả năng bình thường hóa cuộc sống và tự lo được cho bản thân. 2/3 người trưởng thành bị bệnh phải sống phụ thuộc hoàn toàn vào gia đình hay sống trong bệnh viện.
4. Rối loạn lo âu lan tỏa
Rối loạn lo âu lan tỏa (GAD) được xác định là dạng thường gặp nhất của bệnh rối loạn lo âu. Đặc trưng của bệnh tâm thần này là sự lo lắng quá mức, kéo dài và thường trực về mọi khía cạnh của cuộc sống.
Số liệu thống kê chỉ ra rằng, có khoảng 3% dân số thế giới chịu ảnh hưởng của rối loạn lo âu lan tỏa. Trong đó, nữ giới có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Đây đang là bệnh tâm thần xảy ra phổ biến trong cuộc sống hiện nay mà mỗi người cần phải cảnh giác.
Rối loạn lo âu lan tỏa có khả năng tiến triển mãn tính cao hơn các dạng rối loạn lo âu khác và xảy ra đồng thời với các loại rối loạn tâm lý khác. Những người mắc chứng này thường không thể kiểm soát được sự lo lắng quá mức của bản thân. Nỗi lo quá mức kéo dài, mơ hồ và lặp đi lặp lại nếu không sớm cải thiện và khắc phục thì tình trạng này dẫn đến nhiều hệ quả rất nặng nề.
5. Rối loạn ám ảnh cưỡng chế
Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (Obsessive Compulsive Disorder – OCD) đề cập đến tình trạng một người bị ám, ảnh bởi những ý nghĩ, cảm giác và biểu tượng xuất hiện một cách cưỡng bức. Sự ám ảnh quá mức khiến họ phải thực hiện các hành động để làm giảm căng thẳng và lo âu.
Số liệu thống kê cho thấy rằng, rối loạn này ảnh hưởng đến khoảng 2 – 3% dân số thế giới gồm cả trẻ em và người lớn. Tuy nhiên ở người trưởng thành thì tỷ lệ mắc bệnh dường như không có sự chênh lệch giữa các giới. Trong khi đó, ở trẻ em và thanh thiếu niên thì nguy cơ mắc bệnh ở nam giới chiếm tới 70%.
Trong hầu hết các trường hợp thì bệnh nhân có thể ý thức được sự vô lý trong suy nghĩ và hành vi nhưng lại không kiểm soát được. Triệu chứng của bệnh lý này gây ra rất nhiều phiền toái cho cuộc sống của người bệnh bởi những thay đổi cảm xúc đột ngột dẫn đến hành vi không phù hợp, gây ra xung đột và căng thẳng trong các tình huống xã hội.
6. Rối loạn giao tiếp
Rối loạn giao tiếp hiện đang là chứng rối loạn xảy ra rất phổ biến ở trẻ em. Theo NIDCD (Viện Quốc gia về điếc và rối loạn giao tiếp khác) thì có 8 – 9% trẻ bị rối loạn âm thanh giọng nói. Tỷ lệ này giảm xuống còn 5% đối với trẻ em ở lớp 1.
Ngoài ra, chứng bệnh còn tương đối phổ biến ở người lớn. Cũng theo NIDCD, khoảng 7.5 người trưởng thành ở Hoa Kỳ gặp vấn đề khi sử dụng giọng nói của mình. Ngoài ra, có từ 6 – 8 triệu người mắc một số loại bệnh về ngôn ngữ.
Rối loạn giao tiếp có thể ảnh hưởng đến cách mà một người nhận, gửi, xử lý hay hiểu các khái niệm. Cùng với đó là gặp khó khăn khi nói, bị giảm khả năng nghe và hiểu thông tin. Các triệu chứng có thể phụ thuộc vào từng loại rối loạn giao tiếp như sử dụng sai từ, âm thanh lặp đi lặp lại, giao tiếp khó hiểu, không có khả năng hiểu thông tin…
Hầu hết những người bị bệnh sẽ được hưởng lợi từ liệu pháp ngôn ngữ nói tùy thuộc vào nguyên nhân, phân loại và mức độ nghiêm trọng của rối loạn. Đối với trẻ em việc điều trị cần phải bắt đầu càng sớm càng tốt để tránh khỏi các hệ lụy không mong muốn như trên.
7. Rối loạn cảm xúc
Rối loạn cảm xúc cũng là một trong những bệnh tâm thần rất phổ biến hiện nay. Nó ảnh hưởng đến khoảng 5% dân số thế giới. Đặc trưng của rối loạn cảm xúc là các trạng thái vui – buồn xuất hiện quá mức mà chính bản thân chủ thể không thể tác động vào để thay đổi chúng.
Số liệu thống kê cho thấy, bệnh thường xuất hiện ở những thanh niên 20 – 30 tuổi. Ngoài ra, những người có đời sống kinh tế cao, người từng gặp phải các vấn đề tâm lý khác cũng có nhiều khả năng mắc bệnh.
Các triệu chứng của bệnh kéo dài có thể gây suy giảm khả năng tập trung, giảm hiệu suất làm việc và học tập, ảnh hưởng đến mối quan hệ xã hội và gia đình. Bệnh nhân có thể trải qua cảm giác cô đơn, thất vọng và có nguy cơ cao mắc các vấn đề sức khỏe tâm lý khác như trầm cảm cùng rối loạn lo âu.
8. Bệnh Alzheimer
Bệnh Alzheimer là một trong những căn bệnh tâm thần dễ bắt gặp ở người già (thường là từ 65 tuổi trở nên). Trên thực tế, tuổi tác càng cao thì nguy cơ mắc phải bệnh lý này sẽ càng gia tăng.
Khảo sát cho thấy, khoảng 30% người mắc bệnh có ảo giác, 30% có hoang tưởng, 40 – 50% có các triệu chứng trầm cảm và lo âu. Diễn tiến của bệnh sẽ nặng dần lên một cách từ từ với thời gian sống trung bình từ lúc phát bệnh cho tới lúc mất thường từ 8 – 10 năm. Nguyên nhân của sự ra đi có thể do suy kiệt hay do các bệnh lý phối hợp.
Bệnh Alzheimer thường khởi phát chậm và có xu hướng nặng dần lên theo thời gian. Những triệu chứng ban đầu thường là thay đổi tính cách, giảm trí nhớ, dễ tức giận, lo âu và mệt mỏi. Lâu dần, trí nhớ ngày càng tệ, khả năng nhận thức và tư duy suy giảm khiến người bệnh trở nên lú lẫn, ra khỏi nhà thì thường đi lang thang và không tìm được đường về. Ngoài ra còn bị khó ngủ, không thể nói chuyện mạch lạc, quên tên, không nhận ra con cái. Thậm chí không làm được những việc cơ bản thường ngày như ăn uống, vệ sinh cá nhân.
9. Rối loạn tăng động giảm chú ý
Rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) là một trong những dạng rối loạn phát triển thần kinh thường gặp ở trẻ nhỏ. Rối loạn này đặc trưng bởi sự giảm chú ý, bốc đồng và hiếu động quá mức. Ngoài ra, người bị rối loạn tăng động giảm chú ý còn có thể gặp vấn đề trong việc điều chỉnh cảm xúc và kiểm soát chức năng điều hòa.
Theo thống kê, chứng rối loạn này ảnh hưởng đến khoảng 7.2% người dưới 18 tuổi. Trong đó tỷ lệ mắc bệnh ở bé trai cao gấp 2 lần so với bé gái. Bệnh thường khởi phát ở trẻ từ 6 – 12 tuổi, các triệu chứng tiến triển trong vòng ít nhất 6 tháng.
ADHD ảnh hưởng đáng kể tới khả năng học tập và tiếp thu của trẻ. Ngoài ra do tính cách bốc đồng và hung hăng nên bé sẽ dễ bị cô lập, tâm trạng trở nên phức tạp và bất ổn. Nếu không được quan tâm kịp thời thì con có thể phát triển một số bệnh tâm thần khác đáng lo ngại.
10. Tâm thần phân liệt
Tâm thần phân liệt là một loại bệnh tâm thần nặng có thể kéo dài suốt cuộc đời. Ước tính cứ khoảng 100 người sẽ có 1 người bị ảnh hưởng bởi bệnh lý này. Trên thực tế, các nước phát triển có tỷ lệ mắc phải cao hơn so với các nước công nghiệp hiện đại. Tại Việt Nam, số liệu được thống kê vào năm 2002 cho thấy có khoảng 0.47% dân số mắc bệnh tâm thần phân liệt.
Đặc trưng của căn bệnh này là người bệnh xuất hiện những ý nghĩ lệch chuẩn, không phù hợp với xã hội. Tuy nhiên những người xung quanh sẽ không thể giải thích hay giúp đỡ để hiểu đúng vấn đề. Biểu hiện cũng thường khác nhau ở từng người, điển hình là trạng thái hoang tưởng, ảo thanh, rối loạn suy nghĩ, giảm biểu lộ tình cảm, mất đi ý muốn làm việc, tự cách ly xã hội…
Quá trình điều trị các loại bệnh về tâm thần gặp phải rất nhiều khó khăn mà nguyên nhân thường là do bệnh nhân không thể nhận thức được tình trạng của bản thân. Hơn nữa đây còn là bệnh mãn tính nên việc điều trị sẽ cần phải duy trì cả đời.
11. Rối loạn căng thẳng sau chấn thương
Theo WHO, rối loạn căng thẳng sau chấn thương (Post-traumatic stress disorder, PTSD) là một rối loạn tâm thần thường gặp. Xảy ra sau khi một cá nhân bị chấn thương hoặc trải qua một sự kiện nghiêm trọng, đe dọa đến sự tồn tại hoặc cảm giác an toàn của người đó. Chẳng hạn như thảm họa lũ lụt, động đất, tai nạn nghiêm trọng, bị bạo hành thể xác, lạm dụng tình dục…
Rối loạn căng thẳng sau chấn thương rất phổ biến, chiếm tỷ lệ 5 – 10% ở người từng trải qua chấn thương. Đặc biệt, loạn rối loạn này rất phổ biến ở phụ nữ, tỷ lệ mắc PTSD ở phụ nữ có xu hướng cao hơn nam giới. Tỷ lệ mắc PTSD trong suốt cuộc đời của một người là khoảng 9%.
Các triệu chứng của PTSD được chia thành 4 loại gồm: Xâm nhập (ác mộng, hồi tưởng); tránh né (không muốn nhớ hoặc nói đến); thay đổi về suy nghĩ và tâm trạng (sợ hãi, kinh hoàng, mất trí nhớ); có những thay đổi về sự kích thích và phản ứng (dễ giật mình, cáu kỉnh, nổi giận).
12. Rối loạn nhân cách
Rối loạn nhân cách (Personality Disorders) là một nhóm gồm 10 vấn đề về sức khỏe tâm thần liên quan đến hành vi, suy nghĩ, tâm trạng và các mối quan hệ. Có 10 loại rối loạn nhân cách, được chia thành 3 nhóm chính.
Theo Sổ tay Chẩn đoán và thống kê các rối loạn tâm thần DSM-5, 10 loại rối loạn nhân cách này gồm:
- Rối loạn nhân cách hoang tưởng
- Rối loạn nhân cách phân liệt schizoids
- Rối loạn nhân cách phân liệt chizotypal
- Rối loạn nhân cách chống đối xã hội
- Rối loạn nhân cách ranh giới
- Rối loạn nhân cách kịch tính
- Rối loạn nhân cách ái kỷ
- Rối loạn nhân cách tránh né
- Rối loạn nhân cách phụ thuộc
- Rối loạn nhân cách ám ảnh cưỡng chế (OCPP)
Rối loạn nhân cách rất phổ biến, có khoảng 6% dân số thế giới mắc phải tình trạng này. Trong đó, rối loạn nhân cách chống đối xã hội và rối loạn nhân cách ranh giới là 2 loại được chẩn đoán thường xuyên nhất.
13. Rối loạn ăn uống
Rối loạn ăn uống là bệnh lý tâm thần thường gặp, gây ra những rối loạn nghiêm trọng trong hành vi ăn uống liên quan đến suy nghĩ và cảm xúc đau khổ của một người. Có nhiều loại rối loạn ăn uống gồm chán ăn tâm thần, ăn uống vô độ, rối loạn ăn uống vô độ, rối loạn hạn chế ăn uống…
Có 5% dân số thế giới mắc phải tình trạng rối loạn ăn uống, phổ biến nhất là người trong độ tuổi vị thành niên và thanh thiếu niên. Rối loạn ăn uống có thể xảy ra ở mọi giới tính, mọi độ tuổi nhưng chủ yếu xuất hiện ở phụ nữ liên quan đến ám ảnh cân nặng, ngoại hình, ám ảnh về thức ăn.
Các triệu chứng của rối loạn ăn uống rất đa dạng, tùy vào loại rối loạn mắc phải. Người bệnh có thể chán ăn, ăn ít hoặc ăn quá nhiều, ăn nhanh; giảm cân hoặc tăng cân quá mức… Người mắc loại rối loạn tâm thần này thường có nỗi sợ bệnh lý về việc kiểm soát cân nặng, có những suy nghĩ méo mó về hình thể và ngoại hình, từ đó gây ra các hành vi ăn uống không lành mạnh.
14. Rối loạn sử dụng chất
Rối loạn sử dụng chất (Substance Use Disorder, SUD) cũng là một rối loạn tâm thần thường gặp. Đây là tình trạng một cá nhân có vấn đề trong việc sử dụng chất, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống và sức khỏe.
Các chất này khiến não giải phóng dopamine khiến người sử dụng thoải mái trong ngắn hạn. Lâu dần dẫn đến phụ thuộc, lạm dụng, ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe, hành vi, cảm xúc, thậm chí đe dọa đến tính mạng.
Các chất thường được sử dụng bao gồm rượu, cần sa, thuốc lá, cocaine, methamphetamine, thuốc phiện… Một người có thể mắc nhiều loại rối loạn sử dụng chất cùng lúc, như vừa nghiện rượu bia vừa nghiện thuốc lá.
Các triệu chứng thường gặp ở người mắc rối loạn sử dụng chất gồm:
- Ngộc độc: Cảm thấy buồn ngũ, bình tĩnh, phấn khích, vui vẻ, thoải mái… ngay sau khi sử dụng chất. Các triệu chứng này xuất hiện tức thời và ngắn hạn, có thể ảnh hưởng đến thể chất và tinh thần của người sử dụng.
- Hội chứng cai: Buồn nôn và nôn, đổ mồ hôi, khó ngủ, chuột rút, thay đổi tâm trạng… Xảy ra khi tác dụng ngắn hạn của chất được sử dụng mất đi.
15. Rối loạn hành vi
Rối loạn hành vi (Conduct Disoder, CD) là một loại rối loạn tâm thần thường gặp ở trẻ em. Theo CDC Hoa Kỳ, rối loạn hành vi là tình trạng trẻ liên tục thể hiện các hành vi hung hăn với người khác, vi phạm nghiêm trọng các quy tắc, chuẩn mực xã hội ở nhà hoặc trường học. Những hành vi này khiến trẻ khó hòa đồng với bạn bè thậm chí có thể vi phạm pháp luật.
Rối loạn hành vi là bệnh tâm thần, vì nó gây ra những thay đổi trong hành vi, cảm xúc ảnh hưởng đến khả năng tương tác và xã hội của trẻ. Trẻ mắc loại rối loạn này thường:
- Có hành vi gây hấn, bạo lực (đánh đập bạn bè, hành hạ động vật)
- Phá hoại tài sản (của mình hoặc của người khác)
- Lừa dối hoặc trộm cắp
- Sử dụng tài sản của người khác một cách bất hợp pháp
- Phá vỡ các quy tắc nghiêm trọng (trốn học, ra ngoài vào ban đêm)
Việc nhận diện các loại bệnh tâm thần thường gặp giúp con người hiểu rõ hơn về các vấn đề tâm lý và tìm ra các phương pháp điều trị hiệu quả. Điều này nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của bệnh nhân mà còn tạo điều kiện cho sự phát triển bền vững của cộng đồng.
Có thể bạn quan tâm:
- Tổn Thương Khi Bị Gia Đình Khinh Thường Và Cách Vượt Qua
- Bạo Hành Bằng Lời Nói: Những Ảnh Hưởng Tâm Lý Và Cách Ứng Phó
- Cha Mẹ Độc Hại Là Gì? Dấu hiệu Nhận Biết Và Cách Vượt Qua
Nguồn tham khảo:
- https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/mental-disorders
- https://medlineplus.gov/mentaldisorders.html
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!