Bệnh trầm cảm có nguy hiểm không?
Là một trong các rối loạn tâm thần vô cùng phổ biến, nếu không thể kịp thời phát hiện và điều trị đúng cách thì trầm cảm có thể khiến cho người bệnh hình thành những suy nghĩ tiêu cực, thậm chí là thực hiện hành vi tự sát để kết liễu cuộc đời. Vì thế, việc nắm được thông tin và hiểu được bệnh trầm cảm có nguy hiểm không sẽ giúp bản thân người bệnh và người thân của họ tìm được giải pháp khắc phục hiệu quả.
Đôi nét về bệnh trầm cảm
Trầm cảm được đánh giá là một trong các chứng rối loạn tâm thần phức tạp và phổ biến nhất hiện nay. Ở các nước đang phát triển, tỉ lệ người mắc bệnh trầm cảm đang gia tăng đáng kể và có xu hướng trẻ hóa rất cao. Thực tế, căn bệnh này có thể khởi phát ở bất kì đối tượng nào, không phân biệt độ tuổi hay giới tính. Tuy nhiên, theo số liệu thống kê nhận thấy thì tỉ lệ phụ nữ mắc bệnh cao gấp 2 lần so với đàn ông.
Căn bệnh này có thể khởi phát từ rất nhiều nguyên nhân khác nhau như thay đổi nồng độ hormone, gặp biến cố, áp lực từ công việc, học tập, sự biến đổi các chất dẫn truyền thần kinh, chấn thương não,…Những tình trạng này đều gây ra sự căng thẳng, mệt mỏi kéo dài khiến cho con người dần bị suy kiệt về sức khỏe thể chất lẫn tinh thần. Nếu không thể kịp thời giải quyết và khắc phục đúng cách sẽ làm cho họ mất dần niềm tin vào cuộc sống, trở nên bi quan và khởi phát chứng bệnh trầm cảm.
Tùy vào mức độ bệnh, nguyên nhân khởi phát và nhiều yếu tố khác mà các triệu chứng của mỗi người bệnh cũng có phần riêng biệt. Thông thường, dựa vào tần suất xuất hiện, mức độ biểu hiện và số lượng triệu chứng của từng người bệnh mà các chuyên gia sẽ chẩn đoán về cấp độ bệnh cụ thể. Các nhà khoa học đã chia trầm cảm thành 3 cấp độ khác nhau, đó là trầm cảm nhẹ, vừa và nặng
Đối với những trường hợp phát hiện bệnh sớm, các triệu chứng bệnh chưa quá nghiêm trọng thì có thể dễ dàng khắc phục bằng cách thay đổi chế độ sinh hoạt, nghỉ ngơi và tập luyện thể dục thường xuyên. Tuy nhiên, hầu hết các đối tượng trầm cảm sau khi phát hiện bệnh và tiến hành điều trị đều ở trong giai đoạn vừa hoặc nặng. Lúc này thời gian điều trị sẽ kéo dài lâu hơn, đồng thời người bệnh phải kết hợp nhiều biện pháp cùng lúc mới có thể khống chế và cải thiện sức khỏe tốt nhất.
Vì thế, việc có thể sớm nhận biết được các triệu chứng của bệnh ở những giai đoạn đầu tiên sẽ góp phần quan trọng trong việc điều trị bệnh. Sau đây là một số dấu hiệu giúp bạn nhận biết được chứng trầm cảm.
- Khí sắc trầm buồn, chán nản, luôn cảm thấy buồn bã, u sầu.
- Không có sức sống, động lực làm bất cứ điều gì và không còn hứng thú với những sự việc, hoạt động xảy ra xung quanh, ngay cả những điều mà bản thân đã từng yêu thích.
- Lười vận động, di chuyển chậm chạp, hầu như không muốn bước chân ra ngoài và dễ kích động.
- Rối loạn giấc ngủ, có thể mất ngủ liên tục, ngủ không ngon giấc, hay mơ gặp ác mộng hoặc buồn ngủ không thể kiểm soát.
- Thay đổi khẩu vị ăn uống hàng ngày, có thể trở nên chán ăn, ăn không ngon miệng hoặc thèm ăn quá nhiều.
- Cảm thấy cô đơn, tội lỗi và cho rằng bản thân vô dụng, không có ích cho xã hội.
- Mất tập trung, giảm chú ý, không thể lựa chọn hoặc đưa ra quyết định, đồng thời người bệnh còn bị suy giảm trí nhớ.
- Suy nghĩ nhiều về cái chết và có ý định muốn tự sát.
Ngay khi nhận thấy các triệu chứng của bệnh kéo dài liên tục trong tối thiểu 2 tuần thì người bệnh hoặc những người thân bên cạnh nên chủ động đưa đối tượng đến thăm khám và điều trị tại các cơ sở chuyên khoa. Sau khi chẩn đoán chính xác về tình trạng bệnh của mỗi bệnh nhân, các bác sĩ sức khỏe tâm thần sẽ cân nhắc đưa ra phác đồ điều trị phù hợp nhất.
Bệnh trầm cảm có nguy hiểm không?
Bệnh trầm cảm có nguy hiểm không còn tùy thuộc vào mức độ bệnh của mỗi bệnh nhân. Đối với những tình trạng bệnh nhẹ thì trầm cảm vẫn chưa gây ảnh hưởng quá nhiều đến sức khỏe hay đời sống hàng ngày của người bệnh và có thể nhanh chóng cải thiện bằng các biện pháp an toàn, chưa cần sử dụng đến thuốc.
Tuy nhiên khi bệnh tình chuyển biến nghiêm trọng hơn, các triệu chứng xuất hiện liên tục thì mức độ nguy hiểm cũng tăng cao. Lúc này người bệnh sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, sinh hoạt hàng ngày hoặc thậm chí là đe dọa đến cả tính mạng.
Theo thống kê từ WHO nhận thấy, hiện nay có đến khoảng 800.000 người tử vong do căn bệnh quái ác này, đây cũng được xem là một trong các nguyên nhân hàng đầu gây ra các vụ tự sát. Đặc biệt hơn, trong đó chỉ có khoảng 25% các trường hợp được phát hiện và điều trị kịp thời bằng những phương pháp chuyên khoa.
Trầm cảm được đánh giá là một trong các bệnh lý nguy hiểm bậc nhất hiện nay. Cũng bởi các triệu chứng của bệnh diễn ra một cách lặng lẽ và âm thần, nếu người bệnh hoặc những người thân bên cạnh không quan tâm, chú ý sẽ rất khó nhận biết được những sự thay đổi trong cảm xúc, suy nghĩ, lời nói, hành vi. Vì thế, theo số liệu thống kê cho biết hầu hết các trường hợp trầm cảm tìm đến sự giúp đỡ của y khoa đều đã chuyển biến sang các giai đoạn nghiêm trọng và gây ảnh hưởng lớn đối với sức khỏe của người bệnh.
Hơn thế, khi tình trạng trầm cảm cứ kéo dài dai dẳng và không được can thiệp đúng cách sẽ khiến cho cơ thể của người bệnh dần bị suy kiệt cả về thể chất lẫn tinh thần. Những đối tượng bị trầm cảm thường sẽ gặp phải rất nhiều các triệu chứng gây khó chịu như mất ngủ, chán ăn, đau nhức cơ thể, vận động kém. Từ đó khiến cho hệ miễn dịch dần suy giảm, cơ thể không có nhiều khả năng chống chọi lại các tác nhân gây hại từ bên ngoài. Vì thế sẽ rất dễ thấy các bệnh nhân trầm cảm hay bị cảm cúm, cảm lạnh và khó cải thiện.
Các chuyên gia cho biết rằng, hầu hết những người bị trầm cảm luôn cảm thấy buồn chán, suy nghĩ và nhìn nhận cuộc sống theo chiều hướng tiêu cực, họ luôn nghĩ về cái chết và cho rằng đó là con đường duy nhất để giải thoát bản thân. Những tình huống tự sát có thể được chuẩn bị trước hoặc diễn ra đột ngột, điều này sẽ luôn tiềm ẩn trong suy nghĩ và thôi thúc người bệnh hành động. Thông thường, đối với những bệnh nhân trầm cảm là nam giới sẽ có nguy cơ tự sát cao hơn. Bởi họ sẽ có xu hướng giải quyết và đưa ra lựa chọn quyết liệt và mạnh mẽ hơn nữ giới.
Như vậy, trầm cảm là một căn bệnh có mức độ nguy hiểm nghiêm trọng ở những giai đoạn nặng. Vì thế, để hạn chế được các hệ lụy trầm trọng và giúp bệnh tình mau chóng cải thiện tốt hơn thì bạn nên chú ý quan sát để kịp thời nhận biết được những hành vi, suy nghĩ, cảm xúc bất thường của bản thân hoặc những người bên cạnh.
Những hậu quả nghiêm trọng mà bệnh trầm cảm gây ra
Như đã chia sẻ ở trên, trầm cảm được giới chuyên môn đánh giá là một trong các căn bệnh tâm thần nguy hiểm, đặc biệt là ở giai đoạn nặng. Đồng thời, trầm cảm cũng được xem là một loại bệnh lý đứng đầu trong việc gây nên những gánh nặng cho xã hội. Nếu không thể phát hiện và điều trị bệnh đúng phương pháp sẽ làm gia tăng nguy cơ gây ra rất nhiều hậu quả nghiêm trọng ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần và thể chất của người bệnh.
1. Những hậu quả về mặt thể chất
- Thay đổi cân nặng
Đối với những người mắc bệnh trầm cảm thì việc rối loạn ăn uống là một trong các triệu chứng đặc trưng của bệnh. Hầu hết các đối tượng bị trầm cảm đều rơi vào trạng thái thay đổi khẩu vị đột ngột. Một số trường hợp sẽ cảm thấy chán ăn, ăn không ngon miệng và thường xuyên bỏ bữa. Một vài bệnh nhân khác sẽ cảm thấy thèm ăn và ăn uống không kiểm soát.
Điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc cung cấp nguồn dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể. Khi chế độ ăn uống không được đảm bảo sẽ làm ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, khả năng hấp thu và đặc biệt là làm thay đổi cân nặng, vóc dáng của người bệnh. Trong thực tế có rất nhiều các trường hợp bệnh nhân trầm cảm phải tiến hành giảm cân song song với quá trình điều trị bệnh.
- Mất ngủ kéo dài
Triệu chứng nổi bật nhất của những người bị trầm cảm là trạng thái buồn bã, chán nản, suy sụp, lo lắng, bi quan về mọi thứ. Điều này cũng là lý do chính khiến cho giấc ngủ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Bên cạnh đó, một số trường hợp bị trầm cảm lại có xu hướng tìm đến các chất kích thích, chất gây nghiện làm cho não bộ bị hưng phấn, kích động quá mức dẫn đến tình trạng mất ngủ triền miên.
Theo thống kê nhận thấy có đến hơn 80% các trường hợp người bệnh thường xuyên cảm thấy khó ngủ, giấc ngủ bị gián đoạn, gặp ác mộng, dễ tỉnh giấc nhiều lần trong đêm. Tình trạng này nếu không được khắc phục sớm sẽ khiến cho cơ thể người bệnh bị suy kiệt nghiêm trọng, họ sẽ không còn minh mẫn, tỉnh táo để thực hiện bất kì công việc gì.
- Suy giảm sức đề kháng
Những người bệnh trầm cảm thường có xu hướng lười vận động, chỉ muốn ở yên một chỗ. Bên cạnh đó, họ còn gặp phải hàng loạt các triệu chứng như mất ngủ, chán ăn, suy nghĩ tiêu cực,…Điều này làm cho cơ thể dần bị suy giảm về hệ miễn dịch, sức đề kháng cũng yếu đi đáng kể, bệnh nhân cũng mất dần khả năng chống chọi lại các yếu tố xấu tác động từ bên ngoài. Do đó, những đối tượng này sẽ rất dễ gặp phải các căn bệnh thông thường như cảm cúm, cảm lạnh kéo dài liên tục.
- Cơ thể mệt mỏi, suy kiệt
Những triệu chứng về cơ thể và tinh thần cứ liên tục xuất hiện và kéo dài không được khắc phục sẽ khiến cho cơ thể người bệnh dần trở nên kiệt quệ. Người bệnh sẽ luôn cảm thấy mệt mỏi, không có năng lượng để thực hiện bất cứ việc gì. Khi tình trạng bệnh trở nên thậm chí bệnh nhân còn không có khả năng tự thực hiện các công việc đơn giản như vệ sinh cá nhân.
- Giảm ham muốn tình dục
Khi mắc phải chứng bệnh trầm cảm, hầu hết các bệnh nhân đều không còn hứng thú với bất kì hoạt động nào xung quanh, ngay cả ham muốn tình dục. Người bệnh sẽ bị suy giảm chức năng sinh lý, không muốn gần gũi với bạn tình và luôn tìm mọi cách để tránh né. Đối với nam giới thường sẽ gặp phải các tình trạng như rối loạn cương dương, không xuất tinh, xuất tinh sớm, liệt dương,…Còn đối với nữ giới có thể bị khô âm đạo, không đạt được khoái cảm, thăng hoa. Tình trạng này cũng có gây ra một số ảnh hưởng đến khả năng sinh sản và làm gia tăng nguy cơ bị vô sinh.
- Hay nhức đầu, đau lưng
Bên cạnh những triệu chứng, hậu quả mà trầm cảm gây ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần thì người bệnh còn phải đối diện với những cơn đau nhức cơ thể, đau đầu, đau lưng dữ dội. Điều này không chỉ gây ảnh hưởng đơn thuần đến sức khỏe mà còn làm cản trở nghiêm trọng đến chất lượng công việc, các sinh hoạt hàng ngày của bệnh nhân.
- Tác động xấu đến huyết áp
Theo một số nghiên cứu khoa học nhận thấy rằng, khi con người rơi vào trạng thái buồn bã, chán nản, tuyệt vọng thì cơ thể sẽ sản sinh ra nhiều cortisol và epinephrin. Hai loại hormone này khiến cho con người trở nên căng thẳng hơn, đồng thời gây nên áp lực đến nhịp tim và huyết áp của người bệnh. Khi ấy quá trình lưu thông máu của cơ thể sẽ gặp nhiều khó khăn, các mảng bám sẽ dần xuất hiện trên các thành động mạch và làm gia tăng nguy cơ đột quỵ.
- Nguy cơ gặp các vấn đề về tim mạch
Khi các triệu chứng căng thẳng, áp lực, mệt mỏi kéo dài liên tục sẽ gây tổn thương cho tim mạch và dẫn đến tình trạng viêm nhiễm do thiếu oxi. Các chuyên gia cũng nhận thấy rằng, tim là một trong các cơ quan bị ảnh hưởng nặng nề nhất khi bạn rơi vào trạng thái trầm cảm. Bệnh nhân có thể phải đối mặt với những cơn đau tim bất chợt hoặc biến chuyển nặng hơn thành nhồi máu cơ tim.
- Khả năng bị ung thư cao
Dựa vào số liệu thống kê nhận thấy, có khoảng 25% các đối tượng mắc bệnh ung thư đều có dấu hiệu khởi phát các triệu chứng của bệnh trầm cảm. Hơn thế, trầm cảm cũng là một trong các yếu tố làm cản trở và gây khó khăn cho quá trình điều trị bệnh ung thư. Nếu không thể áp dụng được các phương pháp chữa bệnh phù hợp sẽ khiến cho cả 2 tình trạng bệnh chuyển biến nặng nề hơn. Các chuyên gia còn cho biết thêm, tỉ lệ tái phát và tử vong ở những đối tượng bị ung thư có kèm trầm cảm sẽ tăng cao.
- Bệnh tiểu đường
Đối với những trường người bệnh trầm cảm bị thay đổi khẩu vị, thường xuyên thèm ăn và ăn uống không kiểm soát sẽ dễ có nguy cơ rơi vào trạng thái béo phì, thừa cân. Đặc biệt là những đối tượng bệnh có tiền sử bị tiểu đường đang trong giai đoạn trầm cảm thì sẽ có nguy cơ phát triển tiểu đường thành loại 2 cao hơn so với bình thường.
2. Những hậu quả về mặt tinh thần
- Mất dần các mối quan hệ
Thông thường người bệnh trầm cảm sẽ có xu hướng muốn tự cô lập bản thân, họ ngại giao tiếp và không muốn trò chuyện với bất kì ai, kể cả những người thân thiết. Đồng thời đôi lúc người bệnh sẽ trở nên nhạy cảm và dễ cáu gắt với những người xung quanh. Điều này sẽ khiến cho các mối quan hệ dần bị rạn nứt, người bệnh sẽ cảm thấy cô đơn và bi quan hơn.
- Mất tập trung, suy giảm trí nhớ
Khi bị trầm cảm, các chất dẫn truyền thần kinh sẽ bị thay đổi, đồng thời trí não cũng bị ảnh hưởng rất nhiều. Do đó, bệnh nhân sẽ dễ rơi vào trạng thái mất tập trung, không thể chú ý vào bất kì vấn đề nào. Tình trạng này cũng khiến cho hiệu suất công việc, học tập bị suy giảm nhanh chóng.
Ngoài ra, trầm cảm và mất trí nhớ còn có mối quan hệ mật thiết với nhau. Hầu hết các người bệnh trầm cảm đều rơi vào tình trạng suy giảm trí nhớ, đặc biệt là những người cao tuổi. Họ có thể quên ngay những nhiệm vụ vừa được giao hoặc câu chuyện vừa được nghe. Đặc biệt hơn, người mắc bệnh trầm cảm sẽ có nhiều khả năng bị bệnh Alzheimer.
- Lạm dụng nhiều các chất kích thích, chất gây nghiện
Các chuyên gia cho biết rằng, các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá, ma túy, thuốc lắc,…cũng là một trong các lý do có thể làm khởi phát các triệu chứng của bệnh trầm cảm. Ngược lại, những đối tượng mắc bệnh trầm cảm sẽ có xu hướng muốn tìm đến những chất này để giải tỏa tâm trạng, tìm kiếm cảm giác hưng phấn, thoải mái. Tuy nhiên, nếu người bệnh trầm cảm rơi vào tình trạng nghiện chất sẽ khiến cho quá trình điều trị bệnh gặp nhiều trở ngại, đồng thời bệnh tình cũng sẽ chuyển biến nguy hiểm hơn.
- Suy nghĩ về cái chết và tự sát
Đây được xem là một trong các hậu quả nghiêm trọng có thể cướp lấy tính mạng của người bệnh bất cứ lúc nào. Khi những suy nghĩ tiêu cực, buồn chán, bế tắc cứ lẩn quẩn và không có cách thoát ra, người bệnh thường suy nghĩ về cái chết và muốn thực hiện hành vi tự sát để thoát khỏi những tổn thương. Theo số liệu thống kê thì trầm cảm là nguyên nhân phổ biến thứ 2 trên thế giới gây ra các vụ tử vong, cụ thế nó chỉ đứng sau các vụ tai nạn giao thông.
Tóm lại, bệnh trầm cảm có nguy hiểm không còn phải phụ thuộc vào mức độ biểu hiện và giai đoạn bệnh của mỗi người. Nếu không thể kịp thời phát hiện và điều trị bệnh đúng cách sẽ gây ra rất nhiều các hậu quả vô cùng nghiêm trọng ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống hoặc thậm chí là cướp đi tính mạng của người bệnh.
Tham khảo thêm:
- Bị trầm cảm lâu năm nên điều trị như thế nào?
- Hậu quả của bệnh trầm cảm ở học sinh cha mẹ nên cảnh giác
- Nguy cơ tự sát do trầm cảm bạn nên cảnh giác
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!