Nguy cơ tự sát do trầm cảm bạn nên cảnh giác
Dựa vào báo cáo của Viện sức khỏe tâm thần được đưa ra tại hội thảo truyền thông giáo dục sức khỏe với chủ đề “Trầm cảm – Hãy cùng trò chuyện”, thì mỗi năm số lượng người tự sát do trầm cảm ở nước ta chiếm từ 36.000 đến 40.000 người. Ngoài ra, trong báo cáo còn nhắc đến tỉ lệ mắc bệnh rối loạn tâm thần ở Việt Nam chiếm đến 30% dân số, trong đó có đến 25% số người mắc phải các triệu chứng của bệnh trầm cảm.
Tình trạng trầm cảm hiện nay
Trầm cảm là một chứng rối loạn tâm thần thường gặp và rất phổ biến trên toàn thế giới. Theo thống kê đưa ra từ WHO thì vào năm 2014 có khoảng 298 triệu người mắc phải các triệu chứng của bệnh trầm cảm, con số này chiếm gần 4,3% dân số của toàn cầu.
Ở một nghiên cứu khác cũng được tiến hành vào năm 2014 tại Mỹ nhận thấy mỗi năm có khoảng 17,6 nghìn người mắc bệnh trầm cảm. Đặc biệt hơn là có khoảng 2/3 trong tổng số người bệnh không thể nhận ra tình trạng bệnh lý của mình và không được tiến hành điều trị. Điều nguy hiểm hơn là có đến 48% số người bị trầm cảm có ý tưởng đến cái chết và muốn tự sát, trong đó có đến 24% số người có ý định tự sát nhưng không nhận được sự hỗ trợ hoặc điều trị nào.
Chủ tịch Hội Tâm thần học Việt Nam – Phó Giáo Sư, Tiến Sĩ Trần Văn Cường cũng đã từng chia sẻ, trầm cảm là một trong các bệnh lý vô cùng phức tạp với 13 thể bệnh khác nhau. Trong số đó có rất nhiều thể với những biểu hiện tương tự như chấn thương hoặc giống với các bệnh nội khoa. Điều này cũng khiến nhiều người không thể tự phân biệt được mà cần tiến hành hội chẩn nhiều lần mới có thể phát hiện ra được tình trạng trầm cảm.
Tiến Sĩ Nguyễn Doãn Phương, Viện trưởng Viện Sức khỏe Tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) cũng cho biết thêm, tại Việt Nam hiện đang có khoảng 30% dân số mắc phải các chứng rối loạn tâm thần, trong đó trầm cảm chiếm đến 25%. Vào năm 2016 Viện đã khám và điều trị ngoại trú cho gần 18.000 lượt bệnh trầm cảm và điều trị nội trú khoảng 446 lượt bệnh.
Trưởng phòng Điều trị bệnh nhân liên quan Stress – Tiến Sĩ, Bác Sĩ Dương Minh Tâm cũng cho biết, trung bình hàng năm có đến khoảng 200 bệnh nhân đến thăm khám và điều trị về bệnh trầm cảm. Trong số đó có khoảng 10 đến 20 trường hợp bắt buộc phải nhập viện theo dõi vì giai đoạn trầm cảm nặng.
Các chuyên gia nhận thấy, trầm cảm có thể khởi phát ở bất kì lứa tuổi nào, tuy nhiên chúng sẽ tập nhiều vào đối tượng từ 18 đến 45 tuổi. Đặc biệt hơn là phụ nữ sẽ có khả năng mắc bệnh cao hơn so với nam giới gấp 2 lần. Cũng bởi phụ nữ phải trải qua rất nhiều các giai đoạn bị thay đổi hormone đột ngột, ví dụ như dậy thì, chu kì kinh nguyệt, mang thai, sau khi sinh con, tiền mãn kinh, mãn kinh,…
Ngoài ra chứng rối loạn tâm thần này cũng có nhiều nguy cơ khởi phát ở những người thất nghiệp, ly hôn, nhân cách yêu, dễ bị tổn thương,…Tỉ lệ mắc bệnh trầm cảm cũng sẽ gia tăng đối với những trường hợp người bệnh thần kinh, tim mạch có kèm theo Parkinson, đột quỵ,…Trầm cảm cũng sẽ làm gia tăng nguy cơ gặp phải một số bệnh nguy hiểm như nhồi máu cơ tim, suy tim, tăng huyết áp,…
Tại sao trầm cảm thường đi kèm với những ca tự tử?
Theo thống kê từ Tổ chức Y tế Thế giới WHO cho biết thì cứ khoảng 20 người sẽ có 1 người từng trải qua một giai đoạn trầm cảm ở mức độ khác nhau, từ nhẹ đến nặng. Chứng rối loạn tâm thần này thường sẽ khởi phát khá sớm, khi tuổi đời còn trẻ. Điều này gây ảnh hưởng và làm suy giảm đến khả năng lao động của người bệnh và rất dễ tái phát vào những năm sau đó.
Trầm cảm được chia thành 3 giai đoạn khác nhau, cụ thể là trầm cảm nhẹ, trầm cảm vừa và trầm cảm nặng. Ở hai giai đoạn đầu nếu sớm phát hiện và áp dụng các biện pháp can thiệp phù hợp sẽ giúp bệnh tình được thuyên giảm tốt hơn, hạn chế các tác động xấu đến người bệnh. Tuy ở những giai đoạn vừa mới khởi phát, các triệu chứng trầm cảm lại khá mơ hồ và rất khó để nhận biết. Vì thế rất nhiều trường hợp khi tiến hành thăm khám và điều trị thì tình trạng bệnh đã chuyển biến sang giai đoạn nghiêm trọng.
Hiện nay, trầm cảm nặng cũng chính là một trong các yếu tố làm gia tăng gánh nặng ngân sách bệnh tật trên toàn cầu, chỉ đứng sau các vụ tự tử và bệnh tim. Hàng năm có đến hơn một triệu các trường hợp trầm cảm nặng tìm đến cái chết vì phải chịu nhiều sự ám ảnh mà bệnh gây ra.
Các triệu chứng trầm cảm thường tái diễn rất nhiều lần, lâu dài sẽ trở thành căn bệnh mãn tính. Tình trạng này làm suy giảm khả năng tự chăm sóc bản thân và làm gia tăng nguy cơ tự sát ở người bệnh. Các chuyên gia cho biết rằng, đối tượng nào cũng có thể mắc phải bệnh, đặc biệt nữ giới sẽ có khả năng bị bệnh cao hơn so với nam giới. Tuy nhiên, tỉ lệ nam giới tự sát do trầm cảm lại cao hơn so với nữ giới.
Không chỉ dừng lại ở đó, căn bệnh trầm cảm còn có thể gây ra nhiều nguy hiểm đối với những người bên cạnh bởi những suy nghĩ về cái chết, ý tưởng tự sát của len lỏi trong tâm trí của họ. Không ít các trường hợp bệnh nhân trầm cảm thực hiện những hành vi giết hại người khác. Điển hình là những trường hợp mẹ giết con sơ sinh, thanh thiếu niên giết người già cao tuổi, giết hại cha mẹ hoặc các vụ giết người hàng loạt,…
Thông thường những vụ tự sát do trầm cảm đều xuất phát từ những suy nghĩ cảm thấy bản thân tội lỗi, vô dụng, không còn xứng đáng để tồn tại trong cuộc sống. Phần lớn những trường hợp này sẽ có xu hướng phát triển thành dạng mãn tính và cứ tái diễn nhiều lần khiến cho người bệnh cảm thấy tuyệt vọng và bế tắc.
Trong thực tế nhận thấy, có khoảng 50% các trường hợp trầm cảm có nguy cơ tái diễn sau cơn đầu tiên, tỉ lệ này sẽ gia tăng lên khoảng 70% sau các cơ tái diễn thứ 2 và chiếm đến 90% cho cơn tái diễn thứ 3. Tình trạng tái phát bệnh nhiều lần có thể xuất hiện ngay sau khi người bệnh gặp phải một cú sốc tinh thần nào đó, ví dụ như chia tay người yêu, sau khi sinh, mâu thuẫn gia đình, mất người thân,….
Tuy rằng trầm cảm là một chứng rối loạn nguy hiểm nhưng có thể chữa được nếu người bệnh sớm phát hiện và áp dụng các biện pháp điều trị phù hợp. Vì thế, ngay khi nhận thấy các triệu chứng của bệnh bạn nên chủ động trong việc thăm khám và phối hợp tốt với các chuyên gia để cải thiện tốt tâm trạng và dần tái hòa nhập với xã hội, đồng thời hạn chế nguy cơ tự sát do trầm cảm.
Dấu hiệu nhận biết nguy cơ tự sát do trầm cảm
Như đã chia sẻ ở trên thì các trường hợp trầm cảm nặng, tái phát nhiều lần và chuyển biến thành mãn tính sẽ có nguy cơ tự sát cao hơn so với bình thường. Để ngăn chặn được tình trạng nguy hiểm này, người bệnh và những người thân xung quanh nên nắm rõ các dấu hiệu và yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến hành vi tự sát do trầm cảm.
Yếu tố nguy cơ dẫn đến tự sát do trầm cảm
Một số yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến tình trạng tự sát ở người bệnh trầm cảm như:
- Thường xuyên suy nghĩ về cái chết và có ý tưởng muốn tự sát hoặc thực hiện các hành vi gây hại cho bản thân.
- Người bệnh có tiền sử gia đình từng có người tự sát
- Những đối tượng phạm tội bị tống giam
- Cảm giác tuyệt vọng, bế tắc khi gặp phải những biến cố.
- Đã từng cố gắng thực hiện hành vi tự sát trong quá khứ.
- Gia đình có tiền sử mắc các chứng rối loạn tâm thần hoặc lạm dụng nhiều các chất kích thích, chất gây nghiện.
- Đã từng hoặc đang trong giai đoạn sử dụng các chất gây nghiện như bia rượu, thuốc lá, ma túy,…
- Trong phòng có cất giữ các dụng cụ sắc bén hoặc vũ khí nguy hiểm.
Đây chỉ là một số yếu tố có thể làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh tự sát ở người bệnh trầm cảm. Tuy nhiên, không phải bất kì người bệnh nào có các yếu tố này cũng đều thực hiện hành vi tự kết liễu đời mình.
Dấu hiệu cảnh báo nguy cơ tự sát
Tổ chức National Suicide Prevention Lifeline (Ngăn ngừa Tự sát Quốc gia) cũng đã chỉ ra một số dấu hiệu cảnh báo nguy cơ tự sát do trầm cảm như:
- Thường xuyên nói về cái chết và ý định muốn tự sát của bản thân
- Mất ngủ liên tục, ngủ quá ít hoặc buồn ngủ không kiểm soát.
- Tâm trạng thay đổi một cách thất thường và đột ngột.
- Luôn nói đến việc cảm thấy bản thân đang là gánh nặng của những người xung quanh.
- Lo lắng hoặc kích động quá mức, cư xử thiếu suy nghĩ và liều lĩnh.
- Tự cô lập bản thân, tách biệt khỏi cộng đồng, không muốn giao tiếp hoặc gặp gỡ bất kì ai.
- Lạm dụng nhiều vào việc sử dụng các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá, ma túy, chất gây nghiện,…
- Thể hiện những cơn thịnh nộ dữ dội hoặc luôn nhắc đến việc phải trả thù.
- Nói về cảm thấy bất lực, vô dụng của bản thân và không còn lý do để tiếp tục sống.
- Thường xuyên nhắc về cảm giác tuyệt vọng hoặc cảm thấy đau đớn đến mức không thể chịu đựng được.
- Tìm nhiều cách để tự sát ví dụ như chuẩn bị sẵn vũ khí, công cụ,…
Cách ngăn ngừa nguy cơ tự sát do trầm cảm
Trầm cảm là một căn bệnh nguy hiểm, nó có thể cướp đi tính mạng của người bệnh bất cứ lúc nào. Do đó, nếu bạn nhận thấy người thân đang xuất hiện các dấu hiệu cảnh báo nguy cơ tự sát do trầm cảm thì hãy thử áp dụng một số cách ngăn ngừa sau đây:
1. Dành nhiều thời gian để trò chuyện, chăm sóc
Những người bệnh trầm cảm đang có ý định muốn tự sát đều cảm thấy buồn chán, tâm trạng suy sụp tột độ và luôn tìm cách tránh né, thu mình lại. Vì thế, những người thân xung quanh nên chú ý dành nhiều thời gian ở bên cạnh họ để tâm sự, trò chuyện và lắng nghe những nỗi đau mà họ đang gặp phải. Việc có thể nói ra được những khó khăn, nỗi buồn của bản thân cũng sẽ giúp người bệnh cảm thấy thoải mái và dễ chịu hơn rất nhiều.
Cách tốt nhất để giúp người bệnh trầm cảm dần cởi mở và vui vẻ hơn là đồng hành và khuyến khích họ tham gia vào các câu lạc bộ hoặc tự tạo một thói quen mới dựa trên sở thích của họ. Bạn bè, người thân có thể gợi ý cho họ thực hiện việc nấu ăn, đọc sách, nghe nhạc, xem phim, viết nhật ký, đi du lịch ở những nơi bình yên,…
Đặc biệt hơn là những người thân trong gia đình cần phải chú ý quan sát và thận trọng xem người bệnh có cất giấu những vật dụng , công cụ, vũ khí nguy hiểm nào hay không. Nếu thấy trên cơ thể của bệnh nhân có xuất hiện những vết thương, vết trầy xước thì cần sắp xếp thời gian để ở bên cạnh họ nhiều hơn, tốt nhất là nên phân chia để luôn có người ở cạnh họ. Tuy nhiên, những người xung quanh không nên bắt nhốt hoặc quá căng thẳng với họ, hãy tạo cho họ cảm giác thoải mái, dễ chịu nhất có thể.
2. Hỗ trợ người bệnh giải quyết các vấn đề gây căng thẳng
Hầu hết những người bệnh trầm cảm muốn tự sát đều xuất phát từ những căng thẳng, áp lực không thể giải tỏa, lâu dần làm cho họ bị bế tắc và tuyệt vọng. Vì thế những người thân xung quanh nếu có thể hiểu được những khó khăn mà bệnh nhân đang gặp phải thì nên tìm cách để đưa ra hướng giải quyết phù hợp với họ.
Một số vấn đề căng thẳng mà người bệnh thường gặp phải như tài chính, các mối quan hệ, công việc,…Trong thực tế có rất nhiều các trường hợp muốn tự sát sau khi trải qua một số biến cố như chia tay người yêu, mất người thân, ly hôn, phá sản,….Nếu trong trường hợp không thể giải quyết định vấn đề hiện tại, tốt nhất bạn nên cách ly người bệnh với những đối tượng, sự việc gây căng thẳng.
3. Trị liệu tâm lý
Cách tốt nhất để giúp người bệnh ổn định được tinh thần đó chính là tìm đến sự hỗ trợ của bác sĩ tâm lý. Hiện nay, các biện pháp trị liệu tâm lý mang lại hiệu quả rất tốt cho người bệnh, các chuyên gia tâm lý sẽ giúp bệnh nhân nhìn nhận được rõ vấn đề sức khỏe của bản thân, từ đó đưa ra những hướng giải quyết phù hợp nhất.
Trị liệu tâm lý là phương pháp điều trị sử dụng ngôn ngữ để khai thác tình trạng và tìm ra nguyên nhân gây ra chứng trầm cảm. Người bệnh sẽ được trò chuyện, trao đổi trực tiếp với nhà trị liệu tâm lý, từ đó biết được các hành vi, suy nghĩ, cảm xúc tiêu cực của bản thân và điều chỉnh chúng tốt nhất.
Bên cạnh đó, sau quá trình trị liệu tâm lý, các bệnh nhân trầm cảm còn được hướng dẫn cách kiểm soát và cân bằng cảm xúc tốt hơn. Học được cách đối mặt và xử lý các vấn đề khó khăn trong cuộc sống, nhờ đó mà hạn chế được nguy cơ tái phát bệnh về sau.
4. Sử dụng thuốc
Thông thường đối với những trường hợp trầm cảm nặng, người bệnh có những biểu hiện cảnh báo nguy cơ tự sát sẽ được bác sĩ chỉ định sử dụng một số loại thuốc chống trầm cảm. Những loại thuốc này tuy không có tác dụng điều trị tận gốc bệnh nhưng sẽ giúp kiểm soát tốt các triệu chứng bệnh, làm thuyên giảm ý muốn tự sát ở bệnh nhân trầm cảm.
Tuy nhiên, hầu hết các loại thuốc chống trầm cảm được áp dụng hiện nay đều có khả năng gây ra một số tác dụng phụ không mong muốn như buồn nôn, chóng mặt, đau đầu, suy giảm chức năng sinh dục,…Vì thế người bệnh cần tuân thủ nghiêm ngặt các chỉ định dùng thuốc của bác sĩ, không được tự ý thay đổi liều dùng hoặc ngưng sử dụng thuốc đột ngột để hạn chế những tác hại nguy hiểm.
Trong thực tế, trầm cảm là một căn bệnh rất đáng sợ và tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tự sát ỏ người bệnh. Vì thế ngay khi nhận thấy các triệu chứng của bệnh bạn cần nhanh chóng tiến hành thăm khám và điều trị tại các cơ sở chuyên khoa để ngăn chặn được các hệ lụy nghiêm trọng.
Tham khảo thêm:
- Các giai đoạn và mức độ tiến triển của bệnh trầm cảm
- Trầm cảm có tự khỏi được không? Có chữa được không?
- Trầm cảm nặng có triệu chứng loạn thần có chữa được không?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!