Hậu quả của bệnh trầm cảm ở học sinh cha mẹ nên cảnh giác
Trầm cảm là một căn bệnh nguy hiểm, nó ảnh hưởng sâu sắc đến tâm lý, nhận thức của người bệnh. Đặc biệt là tình trạng trầm cảm ở học sinh còn để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng hơn như học tập sa sút, nhận thức kém, suy giảm trí nhớ, phát sinh tệ nạn xã hội,…hoặc thậm chí có thể dẫn đến việc tự sát.
Tình trạng trầm cảm ở học sinh hiện nay
Học sinh là đối tượng đang trong độ tuổi phát triển cả về thể chất và tinh thần, do đó trẻ thường rất nhạy cảm đối với những tác động bên ngoài. Hơn thế, thời gian này trẻ cũng phải chịu nhiều áp lực đến từ học tập, gia đình, xã hội nên rất dễ dẫn đến tình trạng chán nản, bi quan, lâu dần sẽ dẫn đến căn bệnh trầm cảm.
Trầm cảm ở học sinh có thể kéo dài trong suốt thời gian đi học, nó khiến cho trẻ luôn cảm thấy chán nản, mệt mỏi, buồn bã, tuyệt vọng và không còn hứng thú trong bất kì hoạt động nào. Theo Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia (NIHM) thì căn bệnh này hiện đang có xu hướng gia tăng đáng kể.
Dựa vào số liệu đã thống kê vào năm 2016 cho biết:
- Ước tính có khoảng 3,1 triệu các đối tượng từ 12 đến 17 tuổi sinh sống tại Hoa Kỳ xuất hiện ít nhất một giai đoạn trầm cảm lớn vào năm 2016.
- Các chuyên gia cũng cho biết rằng, con số này chiếm khoảng 12,8% dân số của Hoa Kỳ vào độ tuổi đó. Đặc biệt hơn là tỉ lệ học sinh nữ bị mắc phải chứng bệnh trầm cảm sẽ cao hơn so với học sinh nam. Cụ thể là nữ giới chiếm 19,4% và nam giới chiếm 6,4%.
- Một điều đáng lo ngại đó chính là chỉ có khoảng 19% trong số đối tượng bị trầm cảm là học sinh nhận được sự quan tâm và hỗ trợ từ các chuyên gia y tế.
Còn ở nước ta, các nhà nghiên cứu cũng đã tiến hành một cuộc khảo sát dựa trên 1.727 học sinh THCS tại Hà Nội. Kết quả nhận thấy có đến 25,76% trên tổng số học sinh đó gặp phải những vấn đề về sức khỏe tâm thần. Trong một cuộc khảo sát khác nhận thấy có khoảng 20,65% các em học sinh lớp 1 có xuất hiện các triệu chứng lo âu ở mức độ nhẹ và vừa. Nguyên nhân chủ yếu của các trường hợp này đó chính là áp lực, căng thẳng đến từ những hoạt động kiểm tra kiến thức trên lớp học.
Một khoa Tâm lý – Giáo dục của trường ĐH Sư phạm – ĐH Huế cũng đến tiến hành một cuộc nghiên cứu về mối quan hệ giữa stress trong học tập và kỹ năng quản lý thời gian đối với học sinh lớp 12 (khảo sát tiến hành tại trường THPT chuyên Quốc học Huế). Kết quả nhận thấy hầu hết các học sinh lớp 12 tại trường đều đã từng trải qua tình trạng stress trong học tập, đặc biệt là biểu hiện ở mức độ khá cao.
Gần toàn bộ các em học sinh lớp 12 đều cho biết họ phải thường xuyên học tập, trao dồi kiến thức trong những ngày nghỉ. Trong số đó có hơn 20% các học sinh lao đầu vào việc học mà quên cả thời gian nghỉ ngơi, ăn uống, thư giãn, vui chơi. Ngoài ra, có khoảng hơn 1 nửa số học sinh cho biết rằng chỉ trò chuyện và trao đổi về vấn đề học tập kể cả khi gặp gỡ bạn bè, người thân.
Trên đây là những số liệu thống kê đáng lo ngại về tình trạng trầm cảm ở học sinh. Nếu căn bệnh này không được sớm phát hiện và ngăn chặn kịp thời sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đối với sức khỏe, cuộc sống và cả tính mạng của bệnh nhân.
9 hậu quả của bệnh trầm cảm ở học sinh thường gặp
Trầm cảm là căn bệnh tâm thần có thể gây ra rất nhiều hậu quả nguy hiểm ảnh hưởng đến cuộc sống của người bệnh, đặc biệt là lứa tuổi học sinh. Nó có thể khiến họ rơi vào trạng thái rối loạn cảm xúc, làm suy giảm chất lượng cuộc sống, thậm chí có thể cướp mất tính mạng bệnh nhân bất cứ khi nào.
Trầm cảm ở học sinh cũng thế, nếu các triệu chứng bệnh cứ lặp đi lặp lại liên tục và không được can thiệp kịp thời thì có thể gây nên một số tác hại nghiêm trọng sau đây:
1. Học tập sa sút
Hậu quả lớn nhất của tình trạng trầm cảm ở học sinh đó chính là các ảnh hưởng đến kết quả học tập. Trẻ sẽ không còn hứng thú đối với việc học, dễ mất tập trung, trí nhớ cũng dần suy giảm và không thể hoàn thành được những công việc được giao. Tình trạng này kéo dài sẽ làm cho kết quả học tập bị sa sút đáng kể.
Nhiều trường hợp trẻ bị trầm cảm nặng sẽ có nhiều khả năng không thể tiếp tục đến trường để học tập như các bạn cùng trang lứa. Lúc này trẻ sẽ cảm thấy mệt mỏi, chán nản và cảm thấy khó chịu khi phải ngồi vào bàn học.
2. Nhận thức sai lệch
Nếu các triệu chứng của bệnh trầm cảm không sớm được phát hiện và có biện pháp khắc phục kịp thời sẽ khiến cho trẻ dần xuất hiện các suy nghĩ lệch lạc. Đặc biệt là ở độ tuổi học sinh, trẻ đang trong giai đoạn phát triển toàn diện về nhận thức và hành vi.
Do đó nếu sức khỏe tinh thần không được ổn định sẽ khiến cho trẻ dần bị lệch hướng, trẻ sẽ nhận thức không đúng về cuộc sống, những người xung quanh hoặc ngay chính bản thân mình. Trong thực tế cũng có rất nhiều trường hợp trẻ bị trầm cảm bị lệch lạc về giới tính của bản thân, gây nên nhiều ảnh hưởng xấu về sau.
3. Mất dần các mối quan hệ
Những trẻ bị trầm cảm thường sẽ rất ngại giao tiếp và trò chuyện với người khác, kể cả những thành viên trong gia đình. Trẻ sẽ có xu hướng muốn tự cô lập bản thân và tự tách biệt khỏi xã hội. Nếu tình trạng bệnh chuyển biến nghiêm trọng hơn, có thể trẻ sẽ không chịu nói chuyện, trở nên khép kín hơn. Từ đó sẽ làm hạn chế và mất dần các mối quan hệ từ bạn bè cho đến những người thân thiết trong gia đình.
4. Phát sinh các tệ nạn xã hội
Các chuyên gia cho biết rằng, nếu các triệu chứng mệt mỏi, chán nản, tuyệt vọng, bi quan của bệnh trầm cảm không sớm được cải thiện sẽ khiến cho trẻ dễ rơi vào tình trạng lạm dụng các chất kích thích, gây nghiện như rượu bia, thuốc lá, ma túy,…
Các chất này có thể giúp cho người bệnh tạm thời giảm bớt các lo âu, căng thẳng. Tuy nhiên, việc sử dụng chúng lại gây hại rất lớn đối với sức khỏe, thậm chí sẽ làm gia tăng mức độ của bệnh lý. Đặc biệt hơn, khi trẻ lạm dụng quá nhiều có thể dẫn đến những hành vi mất kiểm soát, gây ra các tệ nạn xã hội và hậu quả đáng tiếc.
5. Ảnh hưởng đến sự phát triển lâu dài
Hầu hết những trẻ bị trầm cảm ở lứa tuổi học sinh dễ rơi vào trạng thái rối loạn ăn uống. Trẻ thường sẽ chán ăn, ăn không ngon miệng và luôn bỏ bữa, một số trường hợp sẽ thèm ăn liên tục, ăn không kiểm soát. Việc ăn uống thất thường sẽ làm ảnh hưởng đến mức độ dinh dưỡng và sự phát triển cơ thể ở trẻ.
Việc cơ thể không được bổ sung đầy đủ các chất cần thiết sẽ làm ảnh hưởng đến cân nặng, chiều cao, sức đề kháng, tư duy, trí tuệ của trẻ. Đặc biệt hơn, ở lứa tuổi này, trẻ em đang có nhiều sự thay đổi về cả thể chất lẫn tinh thần. Do đó, nhiều trẻ không được quan tâm và khắc phục tốt các triệu chứng bệnh sẽ làm ảnh hưởng lớn đến sự phát triển lâu dài của trẻ.
6. Nguy cơ mắc phải các chứng rối loạn khác
Trầm cảm ở học sinh luôn khiến cho trẻ rơi vào trạng thái bất ổn về tâm lý. Trẻ luôn cảm thấy buồn bã, chán nản, mất dần niềm tin vào cuộc sống và không còn hứng thú với các hoạt động xung quanh, ngay cả những việc mà bản thân từng yêu thích. Nếu tình trạng bệnh chuyển biến nặng hơn có thể khiến cho xuất hiện các suy nghĩ tiêu cực, trầm cảm nặng có thể gây nên nhiều hoang tưởng, ảo giác, làm gia tăng nguy cơ mắc phải các chứng rối loạn tâm thần khác như rối loạn lo âu, ám ảnh cưỡng chế, rối loạn cảm xúc,…
7. Rối loạn giấc ngủ
Tình trạng mất ngủ là một trong các hậu quả phổ biến của căn bệnh trầm cảm ở học sinh. Theo thống kê nhận thấy có khoảng hơn 80% các trường hợp bị trầm cảm bị mất ngủ liên tục, người bệnh cảm thấy khó ngủ, thường xuyên mơ gặp ác mộng, hay tỉnh giấc giữa đêm,…Tuy nhiên, cũng có một số đối tượng bệnh cảm thấy luôn buồn ngủ, đặc biệt là ban ngày.
Tình trạng rối loạn giấc ngủ kéo dài sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đối với sức khỏe của bệnh nhân, thậm chí nó còn làm gia tăng mức độ căng thẳng của người bệnh. Bệnh nhân sẽ luôn ở trong trạng thái lờ đờ, chán chường, thiếu sức sống, không muốn thực hiện bất kì việc gì, kể cả những việc đơn giản nhất.
8. Giảm sức mạnh của hệ miễn dịch
Trầm cảm kéo dài sẽ ảnh hưởng đến khả năng hoạt động của các cơ quan trong cơ thể, từ đó làm suy giảm hệ thống miễn dịch. Vì thế những trẻ bị trầm cảm sẽ thường rất dễ bị những bệnh vặt như cảm cúm, cảm lạnh.
Các chuyên gia cũng cho biết rằng, tình trạng này có thể xuất phát từ các hormone gây stress được sản sinh quá nhiều và tồn tại quá lâu trong cơ thể. Điều này cũng có thể giải thích cho tình trạng thường xuyên bị cảm của những người phải chịu nhiều áp lực, căng thẳng.
9. Tự sát
Những người bị trầm cảm luôn cảm thấy bản thân vô dụng, cho rằng mình đang là gánh nặng của mọi người. Do đó họ sẽ dần mất niềm tin vào cuộc sống, luôn nghĩ rằng bản thân không xứng đáng được sống. Lâu dần họ sẽ có suy nghĩ về cái chết và xuất hiện các hành vi tự làm tổn thương bản thân hoặc nguy hiểm hơn là tự sát. Các chuyên gia cũng cho biết, hiện có rất nhiều trường hợp trầm cảm ở học sinh tự sát vì không nhận được sự quan tâm và hỗ trợ kịp thời từ gia đình và nhà trường.
Cách thoát khỏi tình trạng trầm cảm ở học sinh
Hậu quả của bệnh trầm cảm ở học sinh mang tính chất rất nguy hiểm. Do đó, để hạn chế các tình huống đáng tiếc, người bệnh và những người thân xung quanh có thể áp dụng một số cách hiệu quả sau đây:
1. Trò chuyện với những người mà bạn tin tưởng
Người bệnh và những người bên cạnh nên hiểu rằng: Trầm cảm không phải là lỗi của bất kì ai và người bệnh hoàn toàn không cố ý tự tạo ra căn bệnh này. Do đó, bạn hoàn toàn có khả năng kiểm soát các cảm xúc của bản thân. Việc đầu tiên mà người bệnh cần làm đó là nhờ đến sự giúp đỡ của những người bên cạnh.
Các chuyên gia luôn khuyến khích những bệnh nhân trầm cảm nên cố gắng chia sẻ các vấn đề của bản thân với những người họ cảm thấy tin tưởng. Nếu bạn không cảm thấy tin tưởng bất kì ai thì có thể tìm đến sự hỗ trợ của các trung tâm xã hội hoặc bác sĩ tâm lý.
Hãy chủ động nói chuyện với một ai đó, đặc biệt là khi bạn đang có ý định muốn làm tổn thương đến bản thân hoặc những người xung quanh. Nếu bạn có thể mạnh dạn yêu cầu sự giúp đỡ từ người khác thì đây được xem là một bước khởi đầu hoàn hảo cho quá trình vượt qua trầm cảm.
2. Cố gắng không tự cô lập bản thân
Như đã chia sẻ ở trên, những người mắc bệnh trầm cảm luôn có xu hướng muốn tự cô lập chính bản thân của mình. Họ không muốn gặp gỡ hay trò chuyện với bất kì ai, thậm chí họ còn không muốn rời khỏi giường và thực hiện các công việc hàng ngày. Tuy nhiên, tình trạng này chỉ làm cho các triệu chứng bệnh trầm cảm trở nên nghiêm trọng hơn.
Do đó, để thoát khỏi trạng thái trầm cảm, người bệnh cần cố gắng hòa nhập hơn với xã hội. Nên tập cho mình thói quen kết nối với mọi người hoặc tham gia vào các hoạt động mà mình yêu thích.
- Dành thời gian cho những cuộc hẹn: Đối với học sinh có thể gặp gỡ bạn bè, thầy cô, những người mang lại năng lượng tích cực và tạo cho bạn cảm giác thoải mái.
- Tham gia vào các hoạt động tập thể: Người bệnh có thể lựa chọn các câu lạc bộ, đội nhóm sinh hoạt dựa theo sở thích của bản thân. Ví dụ như vẽ tranh, ca hát, khiêu vũ,…
- Tham gia vào các hoạt động tình nguyện: Trong môi trường học tập cũng có rất nhiều các hoạt động tình nguyện bổ ích. Người bệnh có thể đăng kí tham gia để cảm thấy bản thân có ích, từ đó hiểu được cảm giác hạnh phúc, vui vẻ.
- Hạn chế việc sử dụng mạng xã hội: Đây cũng được xem là một trong các yếu tố làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh trầm cảm. Do đó, người bệnh cần hạn chế sử dụng và tương tác trực tuyến. Tốt nhất nên giao tiếp trực tiếp, sử dụng cử chỉ, lời nói, ánh mắt để trò chuyện với nhau.
3. Rèn luyện các thói quen lành mạnh
Xây dựng một lối sống lành mạnh và tích cực cũng chính là phương pháp cải thiện tâm trạng tốt nhất. Cha mẹ và những thành viên trong gia đình nên cùng trẻ tập luyện thói quen ăn uống, ngủ nghỉ, vui chơi lành mạnh để góp phần đẩy lùi các triệu chứng nguy hiểm của bệnh trầm cảm.
- Thường xuyên vận động và tập luyện các bài tập thể dục thể thao phù hợp với sức khỏe. Các bạn học sinh có thể tìm đến những môn thể thao yêu thích hoặc đơn giản là đi bộ, đạp xe đạp hàng ngày cũng giúp nâng cao sức khỏe hiệu quả.
- Chú ý nhiều hơn đến chế độ ăn uống, nên lựa chọn những thực phẩm giàu dinh dưỡng để bổ sung đầy đủ cho cơ thể. Ngoài ra người bệnh cũng cần ăn đủ 3 bữa chính mỗi ngày, tuyệt đối không được nhịn ăn.
- Cố gắng ngủ đủ 8 tiếng mỗi ngày và tập thói quen ngủ trước 23 giờ. Đối với lứa tuổi học sinh, giấc ngủ đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển thể chất và tinh thần. Có được một giấc ngủ chất lượng sẽ giúp cho trẻ được bổ sung năng lượng, có được tinh thần minh mẫn để học tập và sinh hoạt tốt hơn.
- Tuyệt đối không được sử dụng rượu bia, thuốc lá, chất kích thích. Bởi vì những chất này sẽ làm cho bệnh tình càng trở nên nghiêm trọng, khả năng tự sát sẽ càng tăng cao.
4. Giảm bớt sự căng thẳng, áp lực
Theo thống kê nhận thấy, tình trạng trầm cảm ở học sinh chủ yếu xuất phát do áp lực, căng thẳng việc học tập. Nhiều nhà trường, gia đình còn đặt mục tiêu quá cao cho trẻ, tạo sức ép quá lớn trong mỗi kì kiểm tra hay thi cử. Điều này sẽ khiến cho các bạn học sinh rơi vào trạng thái căng thẳng, lo lắng kéo dài và dần dẫn đến trầm cảm.
Do đó, để khắc phục tình trạng này hiệu quả, cách tốt nhất đó chính là giúp trẻ giảm bớt các áp lực trong cuộc sống, đặc biệt là vấn đề học tập. Cha mẹ và giáo viên không nên đặt kì vọng quá nhiều ở trẻ, ngược lại hãy tìm cách giúp trẻ quản lý thời gian và luôn động viên trẻ. Ngoài ra, phía nhà trường cũng cần cố gắng kiểm soát tình trạng bạo lực học đường, tạo môi trường học tập tốt nhất cho trẻ phát triển.
Về phía gia đình cần phải dành nhiều sự quan tâm, học cách lắng nghe những chia sẻ của trẻ. Ngoài ra, cha mẹ cũng nên tạo cho trẻ một không khí thoải mái để học tập và vui chơi tốt hơn. Tạo điều kiện cho trẻ tham gia các hoạt động yêu thích, tránh gây áp lực lớn đối với quá trình học tập của trẻ.
Hậu quả của bệnh trầm cảm ở học sinh rất nguy hiểm, nó không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, kết quả mà còn có thể cướp đi tính mạng của trẻ. Do đó, nhà trường và gia đình nên chú ý quan tâm để kịp thời phát hiện các triệu chứng bất thường ở trẻ. Việc có thể nhận biết được sớm tình trạng bệnh sẽ góp phần quan trọng trong việc cải thiện sức khỏe và ngăn chặn các tác hại nguy hiểm của bệnh.
Tham khảo thêm:
- Dấu hiệu nhận biết trầm cảm ở tuổi dậy thì và cách chữa trị
- Cách chữa bệnh trầm cảm bằng phương pháp Đông y
- Trầm cảm nặng có triệu chứng loạn thần có chữa được không?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!