Body Shaming (miệt thị ngoại hình) đáng sợ như thế nào?

Rate this post

Body Shaming (miệt thị ngoại hình) là tình trạng cực kỳ phổ biến hiện nay, khiến những nạn nhân dần đánh mất nụ cười, niềm tin và hạnh phúc của chính mình, thậm chí tìm đến hành vi dại dột. Tình trạng này cần được quan tâm nhiều hơn nữa để tránh những hệ lụy đáng tiếc xảy ra.

Body Shaming (miệt thị ngoại hình) là gì?

Body Shaming hay hiểu chính xác hơn là miệt thị ngoại hình là thuật ngữ dùng để chỉ các lời nói, hành vi mang tính chất sỉ nhục, hạ thấp, phán xét, chê bai một cách ác ý về ngoại hình của người khác. Những từ ngữ này thường mang tính chất “sát thương” khá cao, luôn nhắm vào các khuyết điểm của người khác và khiến nạn nhân cảm thấy buồn bã, tổn thương, khó chịu, thậm chí là ám ảnh đến suốt đời.

Body Shaming
Body Shaming là những hành vi, lời nói mang tính miệt thị, chê bai, hạ nhục về ngoại hình của người khác, khiến người đó bị tổn thương và đau khổ

Trong những năm gần đây, cụm từ body Shaming cũng đã bắt đầu xuất hiện nhiều hơn bởi có quá nhiều người bị ảnh hưởng nặng nề từ hành động này. Cần hiểu rằng những cụm từ, câu nói về ngoại hình được đánh giá là body shaming không mang tính chất góp ý, chia sẻ hay khuyên nhủ về việc người đó nên thay đổi, chăm sóc hơn cho bản thân mà mang tính công kích, hạ nhục và miệt thị một cách rõ ràng.

Bản thân chính chúng ta đôi lúc cũng có thể lỡ miệng nên có những câu nói mang tính chất nhắm vào khuyết điểm của người khác khiến họ tổn thương, nhưng khi ý thức được điều đó chúng ta thường xin lỗi ngay. Tuy nhiên với những kẻ chuyên body shaming họ lại coi đó là niềm vui, cảm thấy vui sướng khi chỉ trích hay khiến người khác cảm thấy xấu hổ với khuyết điểm của chính mình.

Theo các chuyên gia, nạn miệt thị ngoại hình có thể được bắt đầu từ những năm 1997. Lúc này ở một số quốc gia, vấn đề thực phẩm dần được giải quyết, cái ăn cái mặc dư dả hơn nên rất nhiều người trở nên to béo hơn trong khi tiêu chuẩn cái đẹp thời đó là những người có vóc dáng thanh thoát, mảnh mai và phải trắng trẻo. Những người có ngoại hình khác với thứ gọi là “quy chuẩn” của xã hội thì tự nhiên mặc định sẽ là người bị chỉ trích và bị người khác coi thường.

Thực tế ở rất nhiều người, đặc biệt là những người có xu hướng thiếu tự tin, hay bị người khác body shaming thì họ cũng tự miệt thị chính mình. Họ luôn cảm thấy mình xấu xí, chiếc chân của mình thật đáng loại bỏ, khuôn mặt này thật kinh khủng. Tự bản thân họ vì phải lắng nghe quá nhiều những lời chỉ trích từ những người xung quanh nên tự mình xát muối vào vết thương của chính mình.

ads bùi thị hải yến chuyên gia tâm lý

Một số dạng miệt thì ngoại hình phổ biến như:

  • Miệt thị thân hình, vóc dáng: chỉ vào các khiếm khuyết như béo, lùn, gầy của người khác, thậm chí còn so sánh những người này với động vật hay đồ vật… Chẳng hạn “béo như heo”, “chân như cái cột đình”.. chính là những câu body shaming cực kỳ phổ biến.
  • Miệt thị làn da: Nạn nhân của dạng này thường là những người có da quá đen, da nhiều mụn, da bị nám tàn nhang, đặc biệt dễ gặp ở phụ nữ hay các những người đang trong độ tuổi dậy thì dễ bị mụn.
  • Miệt thị màu da: hay nói chính xác hơn chính là phân biệt chủng tộc. Phân biệt giữa người da đen và da trắng, da vàng chính ra nguồn gốc gây ra rất nhiều cuộc chiến về chủng tộc ở nhiều quốc gia.
  • Face – shaming: chê bai các đường nét trên khuôn mặt người khác, chẳng hạn mặt quá to, mắt quá bé, mũi tẹt, miệng rộng, răng hô.. cũng chính là một dạng của miệt thị ngoại hình.

Những người thường dễ trở thành nạn nhân chính là người vượt ngoài “quy chuẩn vô hình” mà xã hội tự đề ra, chẳng hạn da đen, mập, gầy, lùn, quá cao, mũi thấp, mắt một mí, tóc xoăn… Đặc biệt với những người có các khiếm khuyết nghiêm trọng, chẳng hạn chân đi cà nhắc, mắt lệch, thiếu tay hay chân lại càng rơi vào nạn miệt thị ngoại hình nghiêm trọng hơn.

Đặc biệt hiện nay, với sự phát triển của mạng xã hội, tình trạng body shaming còn được thực hiện trên cả internet. Không ít các diễn đàn được thành lập chỉ để miệt thị, chê bai, cười cợt những người có ngoại hình kém hoàn hảo. Đáng buồn là điều này không hề hiếm, thậm chí được thực hiện với cả những người mà họ chẳng hề quen biết.

Thực trạng body shaming

Thực tế, những người chuyên đi chê bai, miệt thị ngoại hình của người khác không phải là người lúc nào cũng đẹp, cũng hoàn hảo, cũng đạt đúng thứ gọi là “quy chuẩn cái đẹp”. Có những người da vốn có rất nhiều mụn nhưng lại đi body shaming, chê bai những người có cân nặng quá cỡ. Có những người chỉ ở mức ăn mặc vừa mắt nhưng lại đi cười cợt với một người mặc đồ trông có vẻ bình dị.

Body Shaming là gì
Nạn miệt thị ngoại hình được thực hiện trên cả ngoài đời thực và mạnh mẽ hơn trên thế giới ảo

Hay với vấn nạn “anh hùng bàn phím”, nhiều người còn lén đi chụp hình những người xa lạ có ngoại hình khác biệt mà họ vốn chẳng hề quen biết để cùng bình luận, chê bai, cợt nhả với những người khác. Lướt các trang Facebook hay hội nhóm cũng không khó để tìm thấy những bình luận mang tính chất body shaming người khác trên các diễn đàn, topic. Chẳng hạn chê cô ca sĩ chân to quá, chê cô B quá gầy, nói anh diễn viên D mũi quá tẹt, chả hiểu sao được đóng vai chính.

Bên cạnh đó, nhóm đối tượng cực kỳ dễ bị body shaming hiện nay chính là những người nổi tiếng. Những kẻ anh hùng bàn phím luôn cố gắng soi mói những khuyết điểm nhỏ nhất để chỉ trích, hạ bệ những người đó. Trong mắt những kẻ xấu xa này, người nổi tiếng phải có ngoại hình chuẩn 100%, dù chỉ có một chút mỡ thừa cũng không được và luôn tìm ra những điểm xấu để chê bai.

Tất nhiên nạn miệt thị ngoại hình, đặc biệt trên mạng xã hội hay ngoài đời thực vẫn được lên án từng ngày, nhưng sự thật là nó chưa bao giờ chấm dứt. Những người này luôn tự cho mình quyền tự do ngôn luận, cho rằng có sao thì nói vậy, bởi thế thực trạng này sẽ còn kéo dài rất lâu nữa trước khi mỗi người tự nâng cao nhận thức của chính mình.

Vì sao lại có nạn miệt thị ngoại hình?

Một điều có thể gặp ở hầu hết những kẻ chuyên đi miệt thị ngoại hình người khác chính là họ không chấp nhận họ là kẻ xấu xa, và luôn có thể đưa ra hàng tá lý do để biện minh cho các hành động xấu xí của bản thân. Chẳng hạn họ không cho rằng đó là miệt thị mà là sự thật, là lời góp ý để người khác thay đổi. Tuy nhiên thái độ, từ ngữ của họ lại không mang tính chất góp ý nhẹ nhàng như họ nói.

nguyên nhân của body shaming
Những kẻ tự cao, tự cho mình đúng quy chuẩn xã hội tự cho mình cái quyền coi thường và hạ thấp những người khác biệt

Thậm chí có những kẻ còn photoshop hình ảnh của những người khác một cách cố tình xấu xí hơn sau đó lan truyền nó hay tung lên cả các trang mạng xã hội để mọi người cùng nhau cười cợt với nhau. Việc bàn tán vấn đề này hay chính là người chụp và chỉnh sửa các bức ảnh này và được mọi người bàn tán rôm rả khiến họ cảm thấy hài lòng và tự hào với hành vi vốn cực kỳ xấu xí của mình.

Có 3 kiểu người thường đi body shaming người khác, tuy nhiên đặc điểm chung đều là những người thích soi mói, thích lấy sự đau khổ của người khác làm niềm vui cho bản thân:

  • Người quá quan trọng về hình thức: với những người luôn thích vẻ đẹp bên ngoài, quá coi trọng hình thức, bản thân họ cũng luôn chăm sóc quá mức cho vẻ ngoài của mình nên họ cực kỳ khó chịu hay coi thường những người có vẻ ngoài trông bình thường, nhiều khuyết điểm. Với những người này, họ chấp nhận cho dù có nợ nần cũng phải có một vẻ ngoài chỉn chu, đẹp đẽ khi ra ngoài. Họ cũng rất hay coi thường hay tỏ thái độ không tốt với những người có về ngoài không giống với quy chuẩn cái đẹp của họ. Từ đó họ dễ dàng buông những lời lẽ mang tính chất cay độc với người khiến họ không hài lòng.
  • Người có những vướng mắc trong tâm trí: thực tế, rất nhiều người có ngoại hình không đặc biệt nhưng lại đi body shaming người khác, nhóm này thường có xu hướng sử dụng mạng xã hội ảo để thực hiện các hành vi của bản thân. Nguyên nhân xuất phát từ chính việc họ có quá nhiều căng thẳng, áp lực , tiêu cực, tinh thần lúc nào cũng cảm thấy chán ghét tất cả mọi thứ nên họ tìm cách “xả” những bực tức của mình ra người khác. Họ sử dụng chính những lời nói cay độc, khó nghe của mình để khiến một người nào đó bị tổn thương, hoặc thậm chí họ còn cố tình tạo ra các tình huống gây tranh cãi bởi điều này có thể khiến họ thỏa mãn, xoa dịu được sự bực tức vô cớ của chính mình.
  • Tính cách: thói quen thích đi chỉ trích, thích soi mói có thể chính là đặc trưng tính cách của một nhóm người. Họ thường rất tự cao, luôn cho rằng bản thân là nhất, cho rằng quy chuẩn của mình là đúng. Việc một ai đó chưa hoàn hảo và “được” họ “góp ý” thậm chí còn được họ cho rằng đó là vinh hạnh. Trong khi ngược lại, nếu ai đó góp ý với họ thì lại bị họ cho rằng đang ghen tị với mình. Tính cách này hoàn toàn có thể hình thành do yếu tố môi trường hay bị ảnh hưởng thì tính cách của những người trong gia đình.

Rất nhiều người luôn cho rằng những câu nói như ” dạo này béo thế”; “không có ý gì đâu nhưng giảm cân đi” hay “sau sinh trông xồ xề thế”; ” gầy quá có nghiện ngập gì không” là những câu bình thường, mang tính góp ý hay muốn cho người khác tốt lên, thậm chí họ còn cho rằng đó là một câu nói đùa cho vui. Tuy nhiên ranh giới hài hước và vô duyên lại cực kỳ mỏng manh, chỉ cần thay đổi tông giọng, thay bằng một từ đồng nghĩa cũng đủ để thay đổi ý nghĩa một câu nói.

Đáng buồn hơn là khi người thực hiện body shaming lại chính là người thân trong gia đình, là người yêu hay thậm chí là chồng. Chúng ta thường cho rằng khi đã quá thân quen với nhau thì không cần phải câu nệ quá nhiều về câu từ, vì thế cứ mặc định chê vợ xấu, vợ béo, chê chồng hôi hám mà chẳng nghĩ đến cảm xúc của đối phương.

Miệt thị ngoại hình – hình thức “tàn sát” bằng lời nói

Những người chuyên đi miệt thị, chê bai, cười cợt người khác không thể hiểu được hành vi của họ đã gây ra hệ lụy đáng sợ thế nào với nạn nhân. Một người từ hoạt bát, vui vẻ, yêu đời có thể trở nên tiêu cực, không dám thể hiện bản thân, không còn là chính mình sau khi bị những người xung quanh body shaming.

hệ quả của miệt thị ngoại hình
Nạn nhân bị body shaming thường bị tổn thương sâu sắc về tinh thần, thậm chí có thể tự sát vì không thể chịu được những lời miệt thị từ người khác

Miệt thị ngoại hình có thể gây ra rất nhiều hệ lụy nghiêm trọng đến tinh thần của một người, chẳng hạn

  • Đánh mất sự tự tin: khi phải nghe quá nhiều điều tiêu cực, tinh thần sẽ bị ảnh hưởng, ngay cả việc soi gương cũng khiến người đó cảm thấy mình thật xấu xí, đúng như những người đấy nói. Cảm giác chính bản thân mình cũng thấy mình đầy khiếm khuyết vô cùng đáng sợ, họ dần đánh mất sự tự tin, trốn tránh hiện thực và đánh mất chính mình.
  • Tách biệt bản thân: bị bị body shaming quá nhiều, những người này dần hình thành cảm giác sợ người khác nhìn mình, cảm giác rằng mọi người đang soi mói để chỉ trích họ tiếp tục nên có xu hướng dần tách biệt với tất cả. Một số nạn nhân thậm chí còn không dám ra ngoài, không dám gặp gỡ bạn bè thân thiết vì sợ ai đó sẽ lại nói về các khiếm khuyết ngoại hình của mình.
  • Sử dụng các phương pháp làm đẹp tiêu cực: chẳng hạn ở những người bị chê béo, chê chân to có thể sử dụng các loại thuốc giảm cân hay nhịn ăn để giảm cân nhanh chóng; người bị chê đen có thể sử dụng kem trộn hay những người bị mụn có thể sử dụng các loại mỹ phẩm không rõ nguồn gốc để nhanh chóng có làn da mịn màng. Họ không có các biện pháp khoa học mà chỉ thực hiện vô tội vạ do muốn có kết quả nhanh chóng, dẫn đến ngoại hình không hề cải thiện mà thậm chí còn tồi tệ hơn. Không ít người phải cấp cứu vì thuốc giảm cân hay phải vào bệnh viện da liễu điều trị tốn rất nhiều chi phí vì hỏng da.
  • Tăng nguy cơ mắc các vấn đề tâm lý: chứng sợ xã hội, trầm cảm, rối loạn lo âu cùng hàng loạt vấn đề tâm lý khác đều được hình thành từ chính những suy nghĩ tiêu cực, căng thẳng, đau khổ kéo dài vì bị body shaming. Họ tự cảm thấy sợ hãi chính bản thân mình, những lời chê bai của những người xung quanh cứ luôn hiện hữu trong tâm trí làm họ bị ám ảnh không thể thoát ra được. Thậm chí có những còn dẫn đến tự tử vì bị miệt thị ngoại hình trong thời gian dài.
  • Thay đổi về mặt tính cách: Từ một người năng động, hoạt bát, tích cực nhưng khi bị chê bai quá nhiều những người này có thể ngày càng sống khép kín, ít nói, ít chia sẻ hơn. Hay một số khác có thể có xu hướng ngày càng tiêu cực, dễ trở nên bực tức, kích động, dễ bạo lực, đặc biệt khi bị người khác trêu chọc về ngoại hình. Thực tế cũng rất nhiều trường hợp sau khi bị những người xung quanh miệt thị, trêu chọc quá nhiều dẫn tới tấn công người đó, từ nạn nhân trở thành hung thủ giết người, đây là những tình huống cực kỳ đáng buồn do không ngăn chặn nạn body shaming kịp thời.

Trên thực tế, các trường hợp bị trầm cảm hay mắc các vấn đề tâm lý khác do bị body shaming không hề hiếm. Chẳng hạn trong nền âm nhạc Kpop, những idol luôn bị đòi hỏi phải có độ hoàn hảo cao. Việc một idol có bụng mỡ, có hình thể kém hoàn hảo, không kiểm soát được bản thân được cho không chấp nhận được và rất dễ bị “ném đá”, chỉ trích, có thêm nhiều anti. Bởi thế những người có tâm lý yếu, chịu áp lực trong thời gian dài, thường xuyên phải hứng chịu những lời nói tiêu cực cùng việc hoạt động quá cường độ rất dễ mắc các bệnh tâm lý.

Làm sao để vượt qua tình trạng bị body shaming

Khi hằng ngày phải đối diện với những lời nói chê bai bản thân thì việc tự ti, tiêu cực là điều khó tránh khỏi. Đặc biệt với những người vốn đã hay suy nghĩ, sống nội tâm, vốn đã tự ti từ trước đó. Nếu không sớm tìm cách vượt qua được giai đoạn này sẽ càng càng làm chất lượng đời sống, tinh thần của người bệnh tụt giảm nghiêm trọng hơn.

Body Shaming
Hãy luôn yêu thương và thay đổi bản thân đúng cách, vì chính bản thân mình chứ không phải vì bất cứ một ai khác

Thực tế thì trên thế gian này chẳng có bất cứ một quy chuẩn nào cho cái đẹp. Người mập có nét đẹp của mập, người gầy có nét đẹp của gầy, người 1m5 nếu biết mặc đồ trông không khác gì 1m6 hay một người có da nâu hoàn toàn có thể khiến người khác phải thầm ước rằng mình có làn da khỏe mạnh như cô ấy bởi sự cá tính của mình. Chẳng có bất cứ sách vở hay bộ luật nào ghi rằng cứ phải da trắng, phải thon thả, phải tóc thẳng, phải mắt to mới là đẹp, đấy là do chúng ta tự lấy quy chuẩn của bản thân để áp đặt lên tất cả.

Tất nhiên để vượt qua những lời nói miệt thị đang nhắm thẳng vào những khiếm khuyết của bản thân chưa bao giờ là điều dễ dàng, đặc biệt nếu phải nghe hằng ngày. Học cách yêu thương bản thân, tránh xa những điều tiêu cực, chăm sóc mình theo hướng tích cực sẽ mang đến cho bạn nhiều cải thiện tích cực hơn. Cụ thể

  • Tránh xa những thứ khiến bạn đang cảm thấy tiêu cực. Chẳng hạn nếu đang bị bạo lực mạng, bị chê bai, về ngoại hình trên mạng xã hội thì bạn hãy bỏ qua những bình luận xấu xí kia, thậm chí là không lên mạng để không phải tiếp xúc với những lời lẽ thiếu văn minh này.
  • Tranh luận chứ không tranh cãi, bạn đừng nên mất thời gian đấu khẩu quá nhiều với những kẻ chuyên đi body shaming bởi họ thường rất ngang ngạnh, thiếu văn hóa. Nếu phải tranh luận hãy làm cho họ tâm phục khẩu phục bằng những lời nói mạnh mẽ, chắc chắn, đanh thép, rành mạch, tuy nhiên nên tránh lôi khuyết điểm của họ ra để mỉa mai vì nếu làm vậy thì bản thân cũng sẽ chẳng khác gì kẻ đó.
  • Mặc dù việc chê bai và cười cợt về ngoại hình của người khác là hoàn toàn không đúng nhưng thực sự có những người họ không hoàn toàn có chủ ý xấu hay miệt thị về ngoại hình của bạn. Bạn cần phân biệt hai trường hợp này, nếu họ thực sự không có ý xấu thì bạn có thể phản ứng rõ rằng mình không muốn bị nói như thế, đảm bảo những người này hoàn toàn có thể thay đổi.
  • Chọn lọc và tiếp thu những ý kiến mang tính đóng góp thực sự để thay đổi một cách tốt hơn. Chắc chắn rằng sẽ luôn có những người thực sự muốn bạn cải thiện bản thân mình hoàn hảo hơn. Do đó bạn cần học cách chắt lọc những ý kiến từ những người có thiện chí bởi không phải lúc nào cứ cố chấp, coi bản thân là số một cũng là đúng.
  • Chăm sóc và hoàn thiện bản thân một cách tích cực. Chẳng hạn nếu cần giảm cân thì tập thể dục, giảm tinh bột, dùng rau xanh, trái cây hoặc tham gia các khóa tập gym, yoga để cải thiện vóc dáng đúng cách, tuyệt đối không nên nhịn ăn hay dùng các loại thuốc giảm cân nguy hiểm. Hay nếu da đang bị mụn nhiều, lâu năm bạn nên đến bệnh viện da liễu để được tư vấn thăm khám, skin care khoa học, ăn uống lành mạnh chứ không nên sử dụng kem trộn hay bất cứ sản phẩm nào không rõ nguồn gốc.
  • Yêu thương cả chính khuyết điểm của bản thân mình, nếu ngay cả bản thân bạn còn thấy ghét chúng thì bạn chẳng thể nào phản kháng lại khi bị body shaming. Hãy sống cứ là bạn, kể bạn có béo, có đen, có cục mịch nhưng khi bạn yêu thương chính mình thì cách bạn nhìn nhận và sửa chữa các khiếm khuyết bản thân cũng sẽ rất khác.
  • Chia sẻ nỗi lo lắng, tiêu cực của bản thân với những người tích cực để tìm cách giải quyết. Những người lạc quan không chỉ giúp bạn vơi đi nỗi lo mà còn có thể đưa cho bạn những lời khuyên hữu ích để bạn định hướng bản thân hay thay đổi hợp lý hơn.
  • Không nên so sánh bản thân với một ai khác bởi bạn chính là bản giới hạn duy nhất tuyệt đối, không ai có thể bắt chước được. Bạn cũng có thể biến chính những khuyết điểm về ngoại hình để trở thành lợi thế giúp người khác luôn ấn tượng, luôn nhớ đến mình.
  • Bước ra vòng giới hạn của bản thân, đừng vì những lời miệt thị ngoại hình từ những người không tốt mà phải bỏ bê cuộc sống của chính mình. Hơn hết, chỉ khi bạn trở nên hạnh phúc và vững vàng trước những lời chê bai của người khác thì những kẻ body shaming mới trở nên cực kỳ tức giận.
  • Phát triển giá trị của bản thân, khiến những người khác thay đổi cách nhìn nhận về bản thân bạn thông qua năng lực, tài năng, sự chăm chỉ, trách nhiệm và chân thành. Ngoại hình là thứ có thể gây ấn tượng từ lần đầu nhưng vẻ đẹp nội tâm mới là thứ có thể gắn kết bạn với tất cả mọi người, là giá trị mãi mãi. Một người dù có bề ngoài hoàn hảo nhưng có nhiều tính cách xấu, thích body shaming người khác chắc chắn sẽ không thể nào được yêu quý bằng một người dù có dáng về bình thường nhưng lúc nào cũng vui vẻ, tốt bụng và có trách nhiệm.

ads cao kim thắm chuyên gia tâm lý trị liệu

Bạn hoàn toàn có thể thấy rất nhiều người được ngưỡng mộ, yêu thích cho dù họ có ngoại hình hoàn toàn khác biệt với thứ gọi là “quy chuẩn cái đẹp” mà mọi người vẫn nhầm tưởng. Chẳng hạn như ca sĩ Hwasa thuộc nhóm Mamamoo hay Jessica Ho chính là hai trường hợp điển hình của nền công nghiệp Kpop có ngoại hình hoàn toàn khác biệt nhưng lại cực kỳ được yêu mến chính bởi tài năng và sự tự tin của chính họ.

Nếu lướt trên các nền tảng xã hội như tik tok, facebook như hiện nay, bạn cũng thấy có những người chuyên làm reviews quần áo dù họ vốn không có hình thể đẹp, chẳng hạn như quá mập, quá gầy hay quá lùn. Họ đã biết tận dụng chính vẻ ngoài khác biệt của bản thân để thực hiện những công việc mà chẳng ai nghĩ tới. Những người đó làm được thì chắc chắn bạn cũng sẽ làm được.

Mặt khác hiện nay, với vấn nạn body shaming ngày càng nặng nề hơn cùng những trường hợp đáng tiếc của những nạn nhân bị miệt thị ngoại hình dẫn tới tổn thương về tinh thần, hiện nay cũng đã có nhiều quy định, bộ luật để giải quyết vấn đề này. Trong đó, người có các lời nói, hành vi xúc phạm danh dự, ngoại hình người khác có thể bị phạt hành chính từ  100 – 300 nghìn đồng, nếu nạn nhân gặp các vấn đề nghiêm trọng về tinh thần hay có ý định tự sát thì bị phạt tới 30 triệu đồng; thậm chí là ngồi tù 5 năm.

Tất nhiên cho dù đã được lên án rất nhiều, thậm chí có cả các bộ luật để xử phạt về các hành vi này nhưng nạn body shaming vẫn đang diễn ra hằng ngày, hằng giờ. Miệt thị ngoại hình hay chê bai người khác cũng chẳng làm bạn đẹp hơn, thậm chí còn hạ thấp giá trị về đạo đức của bản thân trong mắt những người xung quanh. Yêu thương bản thân, suy nghĩ và hành động một cách văn minh hơn, tránh là tổn thương người khác bằng những lời nói vô thưởng vô phạt của bản thân là điều ai cũng cần thay đổi từ ngay bây giờ.

Có thể bạn quan tâm:

ArrayArray
Rate this post
Array

Bình luận

  1. Nguyễn Thị Tâm says: Trả lời

    Hay quá! Đây là thực tế đang diễn ra. Hi vọng các bạn sẽ có những giải pháp sáng tạo để hạn chế tối đa vấn đề này

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *