Cách chăm sóc trẻ bị rối loạn hành vi cha mẹ nên biết

Rate this post

Chăm sóc trẻ bị rối loạn hành vi có vai trò quan trọng không kém các phương pháp điều trị. Chăm sóc đúng cách có thể nâng đỡ tinh thần, thể chất và tạo cho trẻ mối liên kết chặt chẽ với gia đình, từ đó có động lực hơn trong quá trình trị liệu.

chăm sóc trẻ bị rối loạn hành vi
Gia đình cần chăm sóc trẻ bị rối loạn hành vi đúng cách để nâng đỡ thể chất và tinh thần cho con trẻ

Hướng dẫn chi tiết cách chăm sóc trẻ bị rối loạn hành vi

Rối loạn hành vi là một dạng rối loạn tâm lý được chẩn đoán ở người dưới 18 tuổi. Phần lớn những trường hợp mắc bệnh đều khởi phát triệu chứng khá sớm (thường trước 12 – 13 tuổi). Rối loạn hành vi đặc trưng bởi các hành vi xâm phạm nghiêm trọng đến thể chất, tinh thần của người khác có tính chất lặp đi lặp lại và dai dẳng. Trẻ mắc chứng bệnh này thường vi phạm các quy tắc trong gia đình, nhà trường mặc cho bị ngăn cấm và trừng phạt nặng nề.

Rối loạn hành vi khiến trẻ trở nên hung hăng, tàn bạo và có các hành vi thiếu lương tâm. Một đặc trưng khác ở trẻ mắc chứng bệnh này là thường giữ sự thù địch, căm hận, phẫn uất, tâm trạng dễ kích động và tức giận vì các hành động không ác ý từ người khác. Trẻ thường xuyên giữ sự hận thù và có các hành vi trả thù đối với những người xung quanh, thậm chí cả súc vật.

Vì trẻ không biết cách đồng cảm với nỗi đau của người khác, không có cảm giác sợ hãi hay đau đớn nên các hành vi hung bạo có thể gia tăng mức độ theo thời gian. Trẻ mắc chứng bệnh này không chỉ giảm khả năng tiếp thu, kết quả học tập kém mà còn dễ vướng phải các tệ nạn xã hội và có nguy cơ phát triển thành rối loạn nhân cách chống đối xã hội (ASPD) khi trưởng thành.

Hiện nay, tỷ lệ trẻ bị rối loạn hành vi tăng lên đáng kể do ảnh hưởng của bạo lực, xung đột trong xã hội và tình trạng thiếu quan tâm từ gia đình. Mặc dù là bệnh lý phổ biến nhưng điều trị rối loạn hành vi còn nhiều thách thức, khó khăn. Chính vì vậy, gia đình cũng cần lên kế hoạch chăm sóc hợp lý bên cạnh các phương pháp y tế để giúp trẻ thay đổi các hành vi tiêu cực, hình thành thói quen tốt và phát triển nhân cách một cách bình thường.

ads chuyên gia tâm lý bùi thị hải yến tư vấn ngay

Chăm sóc trẻ bị rối loạn hành vi có vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh hành vi và cách nhận thức. Ngược lại, nếu không có sự hỗ trợ từ gia đình, khả năng trẻ phát triển nhân cách méo mó là rất cao và thậm chí có thể trở thành mầm móng đe dọa đến an sinh xã hội trong tương lai.

Hướng dẫn chi tiết cách chăm sóc trẻ bị rối loạn hành vi:

1. Thay đổi môi trường sống cho bé

Môi trường là yếu tố quan trọng trong cơ chế bệnh sinh của rối loạn hành vi. Các chuyên gia nhận thấy, đa phần trẻ mắc chứng bệnh này đều sống trong gia đình không hạnh phúc như bố mẹ ly dị, ly thân khi trẻ còn quá nhỏ, gia đình thường xuyên có mâu thuẫn, xung đột và có các hành vi bạo lực trước mặt con trẻ.

Ngoài ra, trẻ cũng có thể bị ảnh hưởng bởi lối sống của hàng xóm và các bạn đồng trang lứa. Khi chứng kiến cảnh bạo lực và xung đột thường xuyên, trẻ sẽ cho rằng đây là cách giải quyết mâu thuẫn hoàn toàn bình thường và được chấp nhận. Dần dần, trẻ sẽ phát sinh các hành vi hung hăng, bạo lực khi không thể giải quyết mâu thuẫn bằng lời nói. Các sự kiện này xảy ra thường xuyên khiến trẻ mất đi tính kiên nhẫn và không dùng lời nói để giải quyết vấn đề mà thay vào đó là các hành vi hung hăng.

chăm sóc trẻ bị rối loạn hành vi
Xây dựng môi trường sống lành mạnh chính là yếu tố quan trọng khi chăm sóc trẻ bị rối loạn hành vi

Vì những lý do trên, vấn đề quan trọng nhất là phải thay đổi môi trường sống khi nhận thấy trẻ có biểu hiện rối loạn hành vi. Đầu tiên, gia đình cần xác định môi trường ảnh hưởng tiêu cực đến hành vi và nhận thức của trẻ. Nếu trong gia đình bố mẹ hay cãi vả và thường xuyên có xung đột, cần thống nhất cách giải quyết để xây dựng cho trẻ gia đình trọn vẹn. Đồng thời cả hai người phải có cách ứng xử tôn trọng nhau, dựa trên lời nói để giải quyết mâu thuẫn thay vì dùng hành động như trước đây. Điều này sẽ giúp trẻ dần thay đổi suy nghĩ và giảm thiểu tối đa các hành vi không phù hợp.

Ngoài môi trường gia đình, bố mẹ cũng cần xem xét môi trường sống xung quanh và bạn bè của trẻ. Trong độ tuổi dậy thì, trẻ chịu ảnh hưởng đáng kể từ bạn bè nên gia đình cũng cần giám sát việc kết bạn của con cái. Tuy nhiên, không nên thể hiện sự cấm đoán quá mức vì điều này có thể kích thích phản ứng chống đối của bé.

2. Thiết lập mối quan hệ thân thiết với con trẻ

Phần lớn trẻ bị rối loạn hành vi đều xa cách và không nhận được tình thương từ bố mẹ. Vì không cảm nhận được mối liên kết với bố mẹ nên trẻ hoàn toàn không có trách nhiệm với hành vi và lời nói. Do đó, việc thiết lập mối quan hệ thân thiết với con trẻ cũng là yếu tố quan trọng không thua kém việc xây dựng môi trường sống cho bé.

Khi trẻ có các hành vi bất thường, bố mẹ nên lên kế hoạch để gần gũi hơn với con cái. Ban đầu, nên dành nhiều thời gian hơn ở cạnh con, chăm sóc con cái từ bữa ăn, lựa chọn quần áo và dành thời gian đưa trẻ đến trường. Ngoài ra, ba mẹ cũng nên cùng con cái đi du lịch, bơi lội, chơi thể thao để giúp trẻ cảm nhận được mối liên kết chặt chẽ giữa các thành viên trong gia đình.

3. Giáo dục trẻ đúng cách

Khi xây dựng mối quan hệ thân thiết với trẻ, gia đình không nên nuông chiều và bảo bọc trẻ quá mức. Hãy đưa ra lời khen khi trẻ thực hiện các hành vi tốt, tặng phần thưởng để khuyến khích trẻ tiếp tục duy trì các thói quen tốt và nghiêm khắc khuyên bảo khi trẻ có các hành vi sai lệch.

Khi phê bình trẻ, nên lựa chọn các lời nói nhẹ nhàng nhưng thái độ phải nghiêm khắc. Không nên chỉ trích trẻ bằng những lời nói nặng nề hay uốn nắn thông qua vũ lực. Ngoài ra, bố và mẹ cần thống nhất cách giáo dục. Tình trạng bố quá nghiêm khắc, trong khi mẹ nuông chiều và bảo bọc quá mức có thể khiến trẻ bị lệch lạc trong suy nghĩ và nhận thức.

Trên thực tế, không ít trẻ bị rối loạn hành vi có bố mẹ bị rối loạn nhân cách xã hội và các rối loạn tâm thần. Vì vậy, việc yêu cầu bố mẹ thay đổi cách giáo dục gần như là rất khó. Đối với những trường hợp này, gia đình sẽ được trị liệu và tư vấn tâm lý để thay đổi nhận thức, suy nghĩ sai lầm, từ đó thống nhất được cách giáo dục đúng đắn và phù hợp với tiêu chuẩn xã hội.

4. Cho trẻ theo học tại các trung tâm giáo dục đặc biệt

Việc theo học tại các môi trường giáo dục thông thường có thể làm nghiêm trọng các biểu hiện rối loạn hành vi. Trẻ thường kết giao với bạn bè có cùng suy nghĩ, nhận thức, sau đó cùng thực hiện các hành vi xâm phạm đến bạn bè đồng trang lứa như trấn lột, đánh đập, ăn cắp, thậm chí có thể cưỡng ép người khác phải thực hiện hành vi tình dục với bản thân.

Đôi khi, trẻ có thể che giấu suy nghĩ và hành vi của bản thân. Thay vào đó, thường xuyên nói dối để thôi thúc trẻ khác thực hiện các hành vi theo ý muốn của trẻ. Tất cả những hành vi này được trẻ thực hiện để đạt được mục đích của bản thân và đôi khi chỉ đơn giản là bỡn cợt với người khác.

chăm sóc trẻ bị rối loạn hành vi
Trẻ có biểu hiện rối loạn hành vi nên được giáo dục tại các trung tâm giáo dục đặc biệt

Chính vì những lý do này, trẻ có các biểu hiện rối loạn hành vi nên được theo học tại các trung tâm giáo dục đặc biệt. Tại đây, trẻ được sẽ được giáo dục theo các phương pháp phù hợp nhằm thu hút sự hứng thú và tăng khả năng tập trung. Ngoài ra, các thầy cô ở những trung tâm giáo dục đặc biệt cũng được trang bị kỹ năng và có khả năng thấu hiểu tâm lý của trẻ nên sẽ hạn chế được hình thức giáo dục truyền thống, áp đặt.

Một vấn đề khác gặp ở thanh thiếu niên bị rối loạn hành vi là chỉ số IQ tương đối thấp (những trường hợp này thường bị tổn thương não do biến chứng chu sinh). Với trẻ có chỉ số IQ thấp, các thầy cô tại trung tâm sẽ định hướng cho trẻ học các ngành nghề như thủ công, nông nghiệp, may mặc,… để có thể cạnh tranh khi tìm kiếm việc làm. Điều này sẽ giúp trẻ có hy vọng vào cuộc sống và nỗ lực để trở thành công dân tốt.

Trẻ có thể phải học nội trú trong các trung tâm giáo dục đặc biệt. Tuy nhiên, gia đình vẫn nên liên lạc hỏi thăm về tình hình học tập và những vấn đề mà trẻ gặp phải. Sự quan tâm từ gia đình chính là động lực để trẻ nỗ lực hoàn thiện mình và hình thành các thói quen, hành vi tích cực hơn.

5. Tham gia trị liệu cùng với trẻ

Trong điều trị rối loạn hành vi, tâm lý trị liệu là phương pháp có vai trò quan trọng bên cạnh sử dụng thuốc – nhất là với trẻ dưới 6 tuổi. Phương pháp này có thể giúp trẻ thay đổi quan niệm, nhận thức sai lầm và hình thành cách nhìn nhận phù hợp hơn với tiêu chuẩn xã hội.

Khi trẻ được chỉ định trị liệu tâm lý, gia đình nên thực hiện cùng để trẻ tránh cảm giác bỡ ngỡ. Sự góp mặt của những thành viên trong gia đình cũng giúp trẻ có cảm giác an tâm và thoải mái hơn. Không chỉ có ý nghĩa với trẻ, tâm lý trị liệu cũng giúp những thành viên trong gia đình hiểu hơn về tâm lý của trẻ nhỏ, từ đó có các hành vi và phản ứng phù hợp. Tránh các cách cư xử có tính chất cực đoan khiến trẻ gia tăng những hành vi hung hăng, tàn bạo và giữ thái độ thù hằn với gia đình.

ads chuyên gia tâm lý cao kim thắm

6. Khuyến khích trẻ tập thể thao và vui chơi lành mạnh

Bên cạnh việc điều trị và học tập, gia đình cũng cần chú ý đến việc tập thể dục thể thao và vui chơi khi chăm sóc trẻ bị rối loạn hành vi. Đối với trẻ mắc chứng bệnh này, nên cho trẻ bơi lội, tập yoga,… để rèn luyện thể chất và cải thiện tính kiên nhẫn. Trong yoga, tư thế thiền còn giúp trẻ kiểm soát tốt cảm xúc, tránh giữ sự thù địch và giảm thiểu các hành vi ác ý với những người xung quanh.

Trẻ bị rối loạn hành vi cũng có nhu cầu được vui chơi để phát triển về tư duy và kỹ năng sống. Tuy nhiên, gia đình cần tránh cho trẻ chơi các trò game bạo lực trên máy tính. Thay vào đó, nên khuyến khích trẻ tham gia các trò chơi tư duy để cải thiện chỉ số IQ. Thông thường, trẻ sẽ không chấp nhận tham gia trò chơi nên cả gia đình nên cùng tham gia và có phần thường nhỏ khi trẻ hoàn thành trò chơi.

Ngoài ra, các bộ môn như vẽ tranh, chơi nhạc cụ,… cũng rất thích hợp với trẻ bị rối loạn hành vi. Các bộ môn này đã được chứng minh giúp trẻ phát triển tư duy, nhận thức và tăng khả năng sáng tạo. Nếu không có điều kiện đến các trung tâm, bố mẹ cũng có thể cùng con cái vẽ tranh và sáng tạo các đồ vật xinh xắn làm từ giấy, đất sét. Các hoạt động vui chơi sẽ giúp điều chỉnh hành vi, tâm trạng của bé, đồng thời có thể tạo mối liên kết chặt chẽ giữa trẻ và gia đình.

7. Xây dựng cho trẻ chế độ ăn hợp lý

Trong kế hoạch chăm sóc trẻ bị rối loạn hành vi, gia đình cũng cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng – đặc biệt là ở trẻ dưới 15 tuổi. Trong độ tuổi này, chế độ ăn góp phần thúc đẩy sự phát triển trí não và thể chất của bé. Việc thiết lập thực đơn ăn uống khoa học sẽ góp phần cải thiện sức khỏe và hỗ trợ quá trình điều trị rối loạn hành vi đáng kể.

chăm sóc trẻ bị rối loạn hành vi
Chế độ dinh dưỡng cũng là yếu tố quan trọng khi chăm sóc trẻ bị rối loạn hành vi bố mẹ cần chú ý

Chế độ ăn của trẻ bị rối loạn hành vi phải cung cấp đầy đủ vi chất dinh dưỡng cần thiết, đặc biệt là phải chứa vitamin, khoáng chất và các loại axit béo. Để được tư vấn cụ thể hơn, bố mẹ cũng có thể trao đổi trực tiếp với chuyên gia dinh dưỡng.

Nhìn chung, chăm sóc trẻ bị rối loạn hành vi gặp khá nhiều khó khăn và thách thức. Do đó, bố mẹ cần phải kiên trì và nỗ lực để giúp con cái vượt qua chứng bệnh này. Với những trường hợp chăm sóc đúng cách, trẻ sẽ được nâng đỡ về tinh thần, thể chất và có những bước cải thiện rõ rệt hơn so với các trẻ khác.

Tham khảo thêm:

Rate this post

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *