Rối loạn nhân cách chống đối xã hội (ASPD): Triệu chứng và chữa trị

Rối loạn nhân cách chống đối xã hội (Antisocial Personality Disorder/ ASPD) là trạng thái nhân cách không bình thường, đặc trưng bởi việc coi thường luật pháp, các quy chuẩn đạo đức và xã hội. Dạng nhân cách này thường phát triển ở người có biểu hiện rối loạn hành vi từ thời thơ ấu.

hội chứng rối loạn nhân cách chống đối xã hội
Rối loạn nhân cách chống đối xã hội gặp ở 1 – 3.6% dân số thế giới với tỷ lệ cao hơn ở nam giới

Rối loạn nhân cách chống đối xã hội (ASPD) là gì?

Rối loạn nhân cách chống đối xã hội (Tiếng Anh: Psychopath hoặc Antisocial Personality Disorder/ ASPD) là trạng thái bất thường của nhân cách đặc trưng bởi việc coi thường, không quan tâm đến các quy tắc đạo đức, pháp luật dẫn đến những hành vi lừa dối, liều lĩnh ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi và sức khỏe của người khác. Dạng nhân cách này thuộc nhóm rối loạn nhân cách nhóm B bên cạnh rối loạn nhân cách ái kỷ, rối loạn nhân cách thể kịch tính và rối loạn nhân cách ranh giới.

Rối loạn nhân cách chống đối xã hội được chẩn đoán ở người từ 18 tuổi trở lên (đây là độ tuổi mà mỗi cá thể đều đã hoàn thiện về nhân cách). Với người dưới độ tuổi này, các biểu hiện coi thường quy tắc, nảy sinh các hành vi hung hăng, lừa dối để đạt được lợi ích bất kể xâm phạm đến người khác được chẩn đoán là rối loạn hành vi. Ngoài rối loạn hành vi, trẻ nhỏ bị rối loạn thách thức chống đối và rối loạn tăng động giảm chú ý cũng nguy cơ phát triển dạng nhân cách này.

Ước tính, khoảng 1 – 3.6% dân số bị rối loạn nhân cách chống đối xã hội với tỷ lệ 3% ở nam giới và 1% ở nữ giới. Bệnh có tính chất di truyền và nguy cơ cao hơn ở người thuộc tầng lớp kinh tế – xã hội thấp. Người có dạng nhân cách này có khả năng phạm tội cao và đa phần đều trở thành tù nhân (chiếm 75%).

ads bùi thị hải yến chuyên gia tâm lý

Dấu hiệu nhận biết người bị rối loạn nhân cách chống đối xã hội

Thông thường, các biểu hiện của ASPD đều khởi phát trong giai đoạn từ 6 – 15 tuổi với chẩn đoán là rối loạn hành vi. Chỉ khi những biểu hiện này tiến triển cả trong giai đoạn trưởng thành mới được xem là rối loạn nhân cách chống đối xã hội.

Như đã đề cập, người có dạng nhân cách này luôn coi thường những quy tắc của xã hội, chuẩn mực đạo đức và pháp luật. Do đó, bệnh nhân thường có các hành vi bất chấp đúng sai, thậm chí đe dọa đến quyền lợi, sức khỏe và tính mạng của người khác.

dấu hiệu rối loạn nhân cách chống đối xã hội
Người bị ASPD thường xuyên có các hành vi vi phạm pháp luật, lừa dối, bóc lột người khác

Các biểu hiện thường gặp ở người rối loạn nhân cách chống đối xã hội:

  • Có biểu hiện coi thường người khác và những chuẩn mực đạo đức, pháp luật (đôi khi không thể hiện rõ nhưng cũng có người biểu hiện sự coi thường thông qua lời nói, hành vi một cách rõ ràng)
  • Thường xuyên ăn cắp, ăn trộm
  • Quấy rối, làm phiền người khác
  • Phá hủy tài sản của người khác (thường là phóng hỏa)
  • Thao túng người khác để đạt được lợi ích cá nhân (thường là quyền lợi, tiền bạc và đôi khi là tình dục).
  • Để đạt được lợi ích, người bệnh có thể sử dụng bí danh và cải trang thành người khác
  • Thường xuyên lừa dối, thực hiện các hành vi lừa đảo, bóc lột người khác
  • Tính cách bốc đồng, thích gây hấn, hay nóng nảy và tức giận
  • Thường làm việc, cư xử không có suy nghĩ hay kế hoạch, đặc biệt bệnh nhân hoàn toàn không nghĩ đến sự an toàn của bản thân và những người xung quanh. Các hành vi không lường trước hậu quả thường thấy ở bệnh nhân ASPD là lái xe khi đang say rượu, chạy xe với vận tốc cao, thay đổi công việc đột ngột, chấm dứt các mối quan hệ mà không có lý do, quan hệ tình dục bừa bãi, dùng chất gây nghiện, rượu bia,…
  • Trong các mối quan hệ, bệnh nhân thường thiếu trách nhiệm, lợi dụng bạn đời/ bạn tình và có xu hướng ngoại tình. Hầu hết người có dạng nhân cách này không thể xây dựng gia đình tiêu chuẩn 1 vợ 1 chồng và thường ly hôn, ly thân sau một thời gian chung sống.
  • Người bệnh thiếu trách nhiệm với bản thân và những người xung quanh, thể hiện qua những hành vi như không trả nợ, không thanh toán hóa đơn, không chu cấp tiền nuôi dạy con cái,…
  • Tương tự như trẻ bị rối loạn hành vi, người bị rối loạn nhân cách chống đối xã hội hoàn toàn không hối hận về những hành vi thiếu lương tâm của bản thân. Không có sự đồng cảm và thấu hiểu với nỗi đau của người khác.
  • Bệnh nhân thường thờ ơ, thậm chí khinh thường cảm xúc của người khác.
  • Khi bị chỉ trích về hành vi, bệnh nhân có thể hợp lý hóa hành vi của mình bằng một số lý giải ích kỷ như cuộc sống không công bằng, những người đó xứng đáng phải chịu trừng phạt, bản thân phải có được những thứ tốt nhất,…
  • Hầu hết người bệnh đều cho rằng bản thân có năng lực và ngoại hình hơn người khác, luôn thể hiện sự kiêu ngạo, tự tin, ngoan cố và không bao giờ biết lắng nghe.
  • Đặc điểm thường thấy ở bệnh nhân ASPD là thích thể hiện sự hiểu biết của bản thân, kỹ năng giao tiếp tốt, nhanh nhẹn nhằm đạt được mục đích. Đôi khi, bệnh nhân chú ý chăm chút ngoại hình và cố gắng quyến rũ người khác để lợi dụng tiền bạc, tình dục,…

Những người mắc ASPD có thể bộc lộ rõ suy nghĩ méo mó của bản thân hoặc che giấu bằng các hành vi phù hợp. Tuy nhiên sâu bên trong, bệnh nhân luôn coi thường các quy chuẩn đạo đức, pháp luật và nguyên tắc xã hội.

Nguyên nhân gây rối loạn nhân cách chống đối xã hội

Rối loạn nhân cách chống đối xã hội thường gặp ở người thuộc tầng lớp kinh tế – xã hội thấp, tiền sử gia đình bị rối loạn nhân cách, nghiện rượu và mắc các vấn đề tâm thần (kể cả con nuôi). Hiện nay, các chuyên gia đều ủng hộ giả thuyết, ASPD là kết quả của các yếu tố sinh học – thần kinh và môi trường.

rối loạn nhân cách hệ chống đối xã hội
Bất thường trong não bộ là yếu tố gia tăng nguy cơ phát triển rối loạn nhân cách chống đối xã hội

Các nguyên nhân, yếu tố có thể gây ra rối loạn nhân cách chống đối xã hội:

  • Bất thường ở não bộ: Các nghiên cứu cho thấy, ASPD chủ yếu gặp ở người có tiền sử gia đình mắc ASPD, tiền sử viêm não, chấn thương sọ não và tổn thương não do biến chứng chu sinh. Các tổn thương này thường ảnh hưởng đến vùng não ở thái dương và vùng trán khiến cho chức năng vận chuyển serotonin bị rối loạn. Một số bệnh nhân còn có hiện tượng hạch hạnh nhân giảm hoạt động (cơ quan kiểm soát sự sợ hãi). Những bất thường này khiến bệnh nhân ASPD gần như không biết sợ hãi, kích động, dễ gây hấn,…
  • Yếu tố môi trường: Ngoài các tổn thương thực thể bên trong não bộ, dạng nhân cách này cũng có thể phát triển ở trẻ từng trải qua những sự kiện gây tổn thương tâm lý như cha mẹ hung hăng, thường xuyên trừng phạt con cái bằng các hành vi bạo lực, môi trường sống tù túng, hà khắc, bị lạm dụng hoặc bỏ rơi từ nhỏ.
  • Đặc điểm tính cách: Tương tự như các rối loạn nhân cách khác, ASPD cũng có liên quan đến đặc điểm tính cách của từng cá thể. Các chuyên gia nhận thấy, đa phần người phát triển dạng nhân cách này đều có tính cách khổ dâm/ bạo dâm (Sadomasochisme) và ái kỷ.
  • Mắc các bệnh lý tâm thần: Như đã đề cập, rối loạn nhân cách chống đối xã hội thường xảy ra ở người có biểu hiện rối loạn hành vi, rối loạn thách thức chống đối, rối loạn tăng động giảm chú trước 15 tuổi,… Ngoài ra, người bị trầm cảm cũng có nguy cơ phát triển trạng thái nhân cách bất thường này.

Rối loạn nhân cách chống đối xã hội có ảnh hưởng gì?

Rối loạn nhân cách chống đối xã hội là một trong những dạng rối loạn nhân cách có tiên lượng xấu nhất. Bởi người mắc chứng bệnh này có biểu hiện coi thường và đi ngược lại với những quy chuẩn đạo đức, pháp luật, tiêu chuẩn xã hội,… Thái độ coi thường khiến người bệnh liên tục có những hành vi vi phạm để đạt được lợi ích của bản thân, bất kể xâm phạm đến quyền lợi và thể chất của người khác.

Đặc biệt, người bệnh hoàn toàn không ý thức được sự méo mó, sai lệch trong nhận thức và hành vi của bản thân. Bệnh nhân luôn đưa ra những lý lẽ để hợp lý hóa hành vi và cho rằng bản thân có quyền thực hiện những hành vi đó.

ảnh hưởng của rối loạn nhân cách hệ chống đối xã hội
Phần lớn người phát triển dạng nhân cách ASPD đều trở thành tội phạm và tù nhân (chiếm 75%)

Khoảng 90% bệnh nhân đến phòng khám đều do cưỡng chế và chỉ có một số ít người bệnh chủ động đến phòng khám do một vấn đề sức khỏe đi kèm như trầm cảm, rối loạn giấc ngủ và các vấn đề thể chất bắt nguồn từ những hành vi thiếu suy xét (đua xe, gây hấn, quan hệ tình dục không an toàn,…). Có đến 70% bệnh nhân bỏ dở điều trị vì không tin rằng bản thân mắc bệnh và coi thường lời nói của bác sĩ.

Bệnh nhân ASPD thường có xu hướng dùng rượu bia, chất gây nghiện, quan hệ tình dục không an toàn,… Lối sống thiếu trách nhiệm và các hành vi không xem xét đến hậu quả khiến người bệnh có nguy cơ mắc các bệnh cao (bao gồm cả các bệnh xã hội). Bệnh nhân cũng phải đối mặt với nguy cơ chấn thương, tử vong do đua xe, các hành vi gây hấn và quá khích với những thành phần tệ nạn khác trong xã hội.

Với mức độ nguy hiểm của dạng nhân cách này, đa phần các bác sĩ đều khuyến khích gia đình cho bệnh nhân điều trị nội trú lâu dài. Từ 40 tuổi trở đi, các hành vi chống đối, vi phạm pháp luật và quyền lợi của người khác sẽ giảm đi. Tuy nhiên từ giai đoạn này, bệnh nhân cũng có thể phát triển thêm một số dạng rối loạn tâm thần khác.

Nhìn chung, tiên lượng của rối loạn nhân cách chống đối xã hội rất xấu, điều trị còn nhiều thách thức và khó khăn. Do đó, việc phát hiện và điều trị sớm ngay khi các triệu chứng mới khởi phát chính là “chìa khóa vàng” để giúp bệnh nhân cải thiện những méo mó trong nhận thức, đồng thời giảm đi các hành vi gây hại cho bản thân và những người xung quanh.

Chẩn đoán rối loạn nhân cách chống đối xã hội

Rối loạn nhân cách chống đối xã hội được chẩn đoán dựa trên biểu hiện lâm sàng thông qua tiêu chuẩn DSM-5. Tiêu chuẩn này chẩn đoán khi bệnh nhân có sự coi thường kéo dài, dai dẳng về quyền lợi của người khác, triệu chứng xuất hiện từ trước 15 tuổi và đáp ứng được ít nhất 3 tiêu chuẩn sau:

  • Không có khả năng hòa nhập và coi thường chuẩn mực xã hội, thể hiện thông qua các hành vi vi phạm và thường xuyên bị bắt giữ.
  • Nói dối liên tục, sử dụng bí danh để bỡn cợt, lừa dối và lợi dụng người khác
  • Thường xuyên gây hấn
  • Có các xung động nhất thời (hành vi bốc đồng, không suy nghĩ đến hậu quả có thể xảy ra)
  • Xem thường sự an toàn của bản thân và những người xung quanh
  • Vô trách nhiệm ở mọi khía cạnh của cuộc sống (thể hiện rõ nhất là bỏ việc một cách đột ngột, không quan tâm đến con cái, không thanh toán hóa đơn,…)
  • Hoàn toàn lãnh đạm, không cảm thấy hối hận về những hành vi của bản thân và luôn hợp lý hóa hành vi của bản thân bằng các lý giải vô lý, ích kỷ.

Các biểu hiện trên chỉ được chẩn đoán là rối loạn nhân cách chống đối xã hội với người từ 18 tuổi trở lên. Với người dưới độ tuổi này, chẩn đoán thường là rối loạn hành vi. Ngoài ra, các biểu hiện này không được xuất hiện trong giai đoạn hưng cảm của rối loạn lưỡng cực và giai đoạn tiến triển của tâm thần phân liệt.

Các triệu chứng ASPD cũng cần phải được chẩn đoán phân biệt với hội chứng đối kháng xã hội ở người lớn, chậm phát triển tâm thần, loạn thần, rối loạn tâm thần do ma túy, rối loạn nhân cách ranh giới và bệnh ái kỷ.

Các phương pháp điều trị rối loạn nhân cách chống đối xã hội

Điều trị rối loạn nhân cách chống đối xã hội còn nhiều hạn chế do người bệnh luôn cho rằng bản thân hoàn toàn bình thường và coi thường lời nói, quyền lợi của mọi người. Do đó, phần lớn người bệnh đều thiếu tin tưởng bác sĩ và hơn 70% trường hợp bỏ dở điều trị.

Hiện nay, phương pháp hiệu quả nhất đối với dạng rối loạn nhân cách này là liệu pháp nhận thức hành vi và đôi khi phải sử dụng thuốc để kiềm chế các hành vi hung hăng, gây hấn.

1. Tâm lý trị liệu

Tâm lý trị liệu là phương pháp chính trong điều trị rối loạn nhân cách, bao gồm cả rối loạn nhân cách chống đối xã hội. Trong đó, liệu pháp hành vi nhận thức là phương pháp mang lại hiệu quả rõ rệt nhất. Liệu pháp này tập trung vào việc giúp bệnh nhân hiểu rõ suy nghĩ, nhận thức của bản thân là sai lầm, từ đó giảm thiểu các hành vi vi phạm pháp luật và các quy chuẩn đạo đức, xã hội.

Bệnh nhân ASPD có xu hướng coi thường pháp luật và quyền lợi của những người xung quanh nên không thể dựa vào lời nói hoàn toàn. Chuyên gia sẽ sử dụng sức mạnh của luật pháp để bệnh nhân hiểu rõ hậu quả của các hành vi và những biện pháp trừng phạt có thể phải gánh chịu.

điều trị rối loạn chống đối xã hội
Trị liệu tâm lý là phương pháp chính trong điều trị ASPD nhưng hiệu quả và cải thiện vẫn còn hạn chế

Khi bệnh nhân đã ổn định, các chuyên gia sẽ hướng dẫn những kỹ năng cần thiết để kiểm soát cơn giận dữ, nóng nảy và chế ngự các hành vi hung hăng của bản thân. Ngoài ra, tâm lý trị liệu cũng giúp cải thiện các triệu chứng do những rối loạn tâm thần đi kèm. Mặc dù là biện pháp được đánh giá cao nhưng đối với bệnh nhân ASPD, phương pháp này không phải lúc nào cũng mang lại hiệu quả – nhất là khi bệnh nhân có biểu hiện nặng và thiếu sự quan tâm, chia sẻ từ gia đình.

2. Sử dụng thuốc

Không có loại thuốc nào mang lại hiệu quả với các triệu chứng do rối loạn nhân cách chống đối xã hội gây ra. Tuy nhiên, bệnh nhân có thể được chỉ định thuốc khi có biểu hiện trầm cảm, lo âu và phát sinh các hành vi hung hăng, đe dọa đến sự an toàn của bản thân và những người xung quanh.

Các loại thuốc được dùng cho bệnh nhân ASPD thường là thuốc chống co giật (Valproat, Lithium), chất ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRIs) và thuốc an thần. Mặc dù có thể làm giảm triệu chứng nhưng các loại thuốc này dễ gây ra tình trạng phụ thuộc, lạm dụng. Do đó, bác sĩ sẽ cân nhắc kỹ lưỡng trước khi chỉ định.

Lưu ý:

Ngoài các phương pháp trên, gia đình cũng cần có những biện pháp hỗ trợ, động viên bệnh nhân kiên trì điều trị. Bên cạnh đó, cần giảm thiểu tối đa mâu thuẫn, xung đột trong gia đình để tạo môi trường sống lành mạnh giúp người bệnh giảm thiểu hành vi hung hăng, đe dọa đến sự an toàn của bản thân và những người xung quanh.

Những người sống chung với bệnh nhân cũng cần tham gia trị liệu để tránh những phản ứng mà bệnh nhân không mong đợi, đồng thời chủ động bảo vệ bản thân, trẻ em và người già trong gia đình khỏi các hành vi thiếu lương tâm của người bệnh.

ads cao kim thắm chuyên gia tâm lý trị liệu
Rối loạn nhân cách chống đối xã hội (ASPD) là một dạng rối loạn nhân cách tương đối ít gặp. Mặc dù vậy, đây là dạng nhân cách có tiên lượng xấu nhất, điều trị còn rất nhiều hạn chế và thách thức. Người phát triển dạng nhân cách này đa phần đều trở thành tù nhân và đe dọa đến an sinh xã hội nếu không được thăm khám – điều trị sớm.

THAM KHẢO THÊM:

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *