Chán nản sau hôn nhân do đâu? Hậu quả và cách vượt qua
Không còn những lời ngọt ngào, không còn những hành động lãng mạn, những xung đột về tiền bạc, con cái là nguyên nhân khiến nhiều cặp đôi rơi vào trạng thái chán nản sau hôn nhân. Chia sẻ suy nghĩ, lắng nghe nhau, chấp nhận những thiếu sót của đối phương và thay đổi vì nhau chính là những điều cần thực hiện nếu cả hai muốn vun vén hạnh phúc trong gia đình.
Nguyên nhân gây chán nản sau hôn nhân
Hôn nhân được coi là một cái kết viên mãn cho tình yêu mà bất cứ cặp đôi nào cũng hướng tới. Khi yêu nhau, bất cứ ai cũng hướng đến một cuộc sống hạnh phúc ngôi nhà và những đứa trẻ lúc nào cũng tràn ngập tiếng cười và tình yêu thương. Thế nhưng, thực tế luôn không thể song hành với tưởng tượng, bởi thế mà không ít cặp vợ chồng đã rơi vào chán nản sau hôn nhân chỉ trong thời gian ngắn.
Chán nản sau hôn nhân là trạng thái mệt mỏi, tiêu cực, chán nản, bức bối và không hạnh phúc trong hôn nhân. Trạng thái này có thể xuất hiện ở vợ, ở chồng hoặc đồng thời cả hai. Trạng thái này nếu không sớm được loại bỏ sẽ khiến những xung đột giữa vợ chồng xảy ra với tần suất ngày càng tăng và hoàn toàn có thể đưa cả hai đến bờ vực tan vỡ.
Vậy đâu là nguyên nhân làm hình thành cảm xúc chán nản sau hôn nhân?
1. Cuộc sống hôn nhân không như mong đợi
Người ta thường nói rằng, năm đầu tiên của hôn nhân là quãng thời gian hạnh phúc nhất bởi lúc nào tình cảm vẫn còn vô cùng mặn nồng, ai cũng mơ mộng về một hạnh phúc viên mãn. Khi mới bắt đầu giai đoạn hôn nhân, lúc nào cả hai cũng chỉ mong ngóng được nhanh chóng về nhà gặp nhau, cùng ăn bữa cơm gia đình, sung sướng vì mỗi khi tỉnh giấc lại bên cạnh nhau.
Thế nhưng chỉ sau một khoảng thời gian, cả hai bắt đầu cảm thấy “ngán” khi phải nhìn thấy nhau mỗi ngày, thậm chí tìm cách trốn tránh những bữa cơm nhà vì không muốn gặp nhau. Những thứ cứ lặp đi lặp lại mỗi ngày, phải nhìn thấy nhau mỗi ngày dần khiến các cặp vợ chồng bắt đầu chán nản, sự hào hứng từ sau giai đoạn hôn nhân mặn nồng cũng dần phai nhòa đi.
Thực tế, khi bước vào cuộc sống hôn nhân, có vô vàn thứ xuất hiện hoàn toàn không giống với những mong đợi ban đầu của chúng ta. Nào là những tật xấu của đối phương bắt đầu xuất hiện ngày càng nhiều; vấn đề tài chính phát sinh quá mức, việc phân chia công việc nhà, những dự định cho tương lai cả hai bị mâu thuẫn… Sự chán nản sau hôn nhân ngày càng thể hiện sâu sắc hơn.
2. Những mâu thuẫn thường trực
Kể cả dù đã từng sống thử nhưng khi đã bước vào hôn nhân thực sự, những diễn biến tương lai vẫn là điều không phải ai cũng có thể mường tượng. Có vô vàn những mâu thuẫn xuất hiện hằng ngày khiến không khí gia đình trở nên ngày càng ngột ngạt. Sự khó chịu xuất hiện sau những mâu thuẫn khiến cả lúc nào cũng chỉ nhìn thấy những điểm xấu của đối phương.
Mỗi giai đoạn, những vấn đề gây xung đột của cả hai hoàn toàn có thể liên quan đến nhiều chủ đề khác nhau. Những cặp vợ chồng trẻ có thể tranh luận về tiền bạc; về nhà cửa trong khi những người đã có con dễ có những mâu thuẫn về nuôi dạy con cái. Một số mâu thuẫn phổ biến gây chán nản sau hôn nhân như
- Vấn đề tiền bạc: đây là một trong những nguyên nhân phổ biến gây xung đột ở vợ chồng, bắt gặp ở hầu hết các cặp đôi. Sử dụng tiền như thế nào, để dành bao nhiêu, được tiêu xài những gì.,. Rồi mỗi dịp lễ tết biếu cha mẹ bao nhiêu, hằng tháng gửi về cho ông bà bao nhiêu. Khi có con lại phải tính toán lại chi tiêu để có tiền mua sữa bỉm, tiền cho con đi học.. Nếu cả hai không có tài chính ổn định, mỗi ngày lại nghĩ đến tiền, làm việc cật lực mà vẫn thiếu thốn sẽ vô cùng mệt mỏi, ngày càng hục hặc nhau nhiều hơn, chồng đổ cho vợ không biết quản lý chi tiêu, vợ chê chồng không có năng lực nuôi sống gia đình.. những tranh cãi vì tiền bạc có thể xuất hiện hằng ngày, trong mỗi câu chuyện của cả hai và rất dễ bị đẩy lên đỉnh điểm nếu cả hai không thấu hiểu nhau.
- Việc nhà: chán nản sau hôn nhân hoàn toàn có thể xuất phát từ những vấn đề vô cùng đơn giản, chẳng hạn như việc nhà. Dù ở thế kỷ 21 đầy văn minh hiện đại nhưng không ít người đàn ông vẫn giữ tư tưởng việc nhà là của người phụ nữ. Người vợ đi làm về vẫn phải đi chợ, nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa trong khi chồng về lại chỉ luôn nằm một chỗ xem phim. Chưa kể nếu có con và dù vợ ở nhà chăm con cũng có vô vàn các “công việc không tên” mà người chồng không thể nào thấu hiểu được.
- Những mối quan hệ bên ngoài: sự chán nản sau hôn nhân hoàn toàn có thể hình thành từ những mối quan hệ bên ngoài. Khi đã về chung sống 1 nhà nhưng người chồng suốt ngày đi cà phê, đi nhậu mà không về ăn cơm cùng vợ hay người vợ lúc nào cũng mải mê đi mua sắm cùng hội “bà tám” thì không thể tạo ra thứ được gọi là “không khí gia đình”. Bên cạnh đó, những mối quan hệ như ” bạn thân khác giới”; “em gái mưa”; “đồng nghiệp cùng công ty” cũng dễ làm nảy sinh mâu thuẫn giữa cả hai. Không chỉ vậy, tình cảm vợ chồng rạn nứt, xa cách đôi khi còn do chính sự công kích, “thêm mắm dặm muối” từ những người mang mác “hôi bạn thân”. Chưa kể có nhiều người còn có xu hướng coi trọng người ngoài hơn người trong gia đình, chỉ cần bạn bè cần là nhanh chóng chạy đến giúp đỡ, sẵn sàng cho bạn bè mượn tiền trong khi vợ phải ứng lương để chi tiêu.
- Cách nuôi dạy con cái: Nuôi con khoa học hay lúc nào cũng ôm ấp chăm sóc con; ai là người cho con ăn; ai nghỉ làm để trông con; nuông chiều hay luôn ép buộc con phải làm theo ý mình.. tất cả đều làm nảy sinh xung đột và trở thành tiền đề cho những chán nản sau hôn nhân của các cặp đôi.
- Tình dục: tình yêu và tình dục luôn là những vấn đề song hành với nhau bởi đây là những nhu cầu tất yếu tự nhiên của con người. Khi cả hai không thể đáp ứng được nhu cầu này cũng dễ dẫn đến trạng thái chán nản, xa cách nhau. Chẳng hạn người chồng trong lúc vợ mang thai vì có nhu cầu lớn đã không kiểm soát được mà đi ngoại tình để thỏa mãi nhu cầu. Từ đó mà nảy sinh những mâu thuẫn lớn; người vợ mất niềm tin; người chồng vừa tội lỗi nhưng cũng vừa tìm hàng loạt lý do để bản thân biện minh và đổ lỗi tại vợ. Đây cũng chính là lý do khiến rất nhiều cặp đôi ly hôn.
Những mâu thuẫn chính là khởi nguồn của sự chán nản. Bởi những cảm xúc tiêu cực nếu không sớm được giải tỏa sẽ khiến cả hai chỉ luôn nhìn thấy những tính xấu của nhau, lúc nào cũng “bới móc” những điểm xấu của đối phương để hạ bệ, để chì chiết. Không khí ngôi nhà nhỏ lúc nào cũng trong trạng thái nghiêm trọng, ngột ngạt nên không thể tránh khỏi cảm giác chán nản sau hôn nhân.
3. Thiếu “hương vị tình yêu”
Khi còn yêu, người ta luôn không ngừng nói ra những lời yêu thương ngọt ngào; luôn háo hức mỗi khi được nhìn thấy nhau, lúc nào cũng chỉ nghĩ đến ngày chung đôi để thỏa ước mơ nhìn thấy nhau hằng ngày. Vậy mà khi đã cùng về chung sống, việc phải nhìn thấy nhau hằng lại khiến cả hai chán nản, thậm chí là hối hận vì đã bước vào cuộc sống hôn nhân quá sớm.
Nguyên nhân dẫn đến trạng thái chán nản sau hôn nhân xuất phát chính từ việc cả hai không còn dành cho nhau những hương vị mặn nồng như thời yêu đương. Không còn một nụ hôn tạm biệt mỗi sáng, không còn những cái ôm mỗi khi gặp nhau, không còn những hành động bất ngờ, không còn sự ân cần vội vã mỗi khi bị ốm và cũng chẳng còn những giây phút háo hức chuẩn bị quần áo chỉn chu mỗi khi hẹn hò khiến tình cảm của cả hai có phần phai nhạt hơn.
Ngay cả chuyện chăn gối, cả hai cũng chỉ “làm” cho qua, không còn sự vui sướng, thỏa mãn như ngày nào, thậm chí nhiều cặp đôi còn không muốn đụng vào người nhau. Căn nhà trở nên ngày càng lạnh lẽo, cả hai vợ chồng giống như hai người khách trọ, cả ngày chẳng buồn nói chuyện với nhau. Bởi thế sự chán nản sau hôn nhân là điều rất khó tránh khỏi.
4. Thiếu sự chia sẻ
Chúng ta đều có thể trở thành người xấu trong câu chuyện của một ai đó. Người vợ có thể cảm thấy người chồng vô tâm, thiếu tinh tế, không biết yêu thương vợ con; người chồng cũng cảm thấy không hiểu vì sao lúc nào vợ cũng càm ràm trong khi họ luôn không ngừng nỗ lực kiếm tiền. Góc nhìn của mỗi người là khác nhau và nếu cả hai không chia sẻ với nhau sẽ không thể nào thấu hiểu.
Thay vì nói rõ để giải quyết vấn đề, nhiều người lại có thói quen chọn cách im lặng bởi họ nghĩ rằng chỉ cần mình nhẫn nhịn một chút thì chuyện cũng qua đi, giữ được không khó hòa thuận cho gia đình. Nhưng điều này cũng đồng nghĩa với việc sự bức bối trong lòng họ ngày càng tăng lên, giống như một quả bom có thể phát nổ bất cứ lúc nào bởi rõ ràng, sự khó chịu vẫn ở trong tâm trí chứ không hề biến mất.
Có những trường hợp, cả vợ cả chồng đều không ngoại tình, không có người khác, không đi sớm về khuya, lúc nào cũng ăn cơm với nhau, gặp nhau hằng ngày giống như một gia đình hạnh phúc, nhưng thực sự không phải thế. Do một trong hai hoặc cả hai không chấp nhận mở lòng chia sẻ nên dù gặp nhau hằng ngày nhưng lại chẳng buồn nói chuyện, không khí lúc nào cũng ngột ngạt, bức bối, cả hai dần trở nên xa cách nhau.
5. Bản chất thật của đối phương được bộc lộ
Dù yêu nhau lâu, cả hai vẫn có chút gì đó giữ kẽ với nhau, có thể là trong cách ăn mặc hay những quan điểm sống. Thế nhưng khi đã về chung một nhà, bao nhiêu tính xấu của đối phương bắt đầu được lột tả một cách trần trụi. Sự bất ngờ, lạ lẫm, thất vọng, hụt hẫng khiến cho rất nhiều cuộc hôn nhân ngày càng trở nên khó thở, dừng lại thì không nỡ, tiếp tục thì quá mệt mỏi.
Chẳng hạn như người chồng bừa bộn, về tới nhà quần áo mỗi thứ để một nơi khiến vợ đã đi làm mệt vẫn phải tốn thêm thời gian dọn dẹp; người vợ tiêu xài hoang phí quá mức, lúc nào cũng chỉ lo chăm chút bề ngoài; người đàn ông trước khi cưới lúc nào cũng hứa hẹn sẽ làm việc nhà, lúc nào cũng thề nguyền sẽ yêu thương và làm tất cả vì vợ con nhưng hóa ra tất cả chỉ là những lời sáo rỗng.
Chán nản sau hôn nhân cũng có thể xuất hiện từ sự gia trưởng hay tính thích kiểm soát của người vợ. Ai cũng mong muốn mình trở thành “nóc nhà”, trở thành người nắm “quyền hành” trong gia đình. Họ luôn cho là bản thân mình đúng và muốn tất cả mọi người phải làm theo ý mình mà không hề quan tâm đến cảm xúc của đối phương. Khi một trong hai có cảm giác không được tôn trọng thì tất nhiên sự chán nản, mệt mỏi trong mối quan hệ cũng xuất hiện kèm theo.
Hậu quả của sự chán nản sau hôn nhân
Cảm giác chán nản sau hôn nhân có thể dẫn đến nhiều hậu quả tiêu cực nếu không được giải quyết kịp thời. Một số hậu quả phổ biến bao gồm:
- Suy giảm kết nối tình cảm: Khi cảm giác chán nản tồn tại, các cặp vợ chồng có thể dần dần mất đi sự kết nối tình cảm với nhau. Điều này có thể dẫn đến cảm giác cô đơn, thiếu sự đồng cảm và sự chia sẻ, làm giảm chất lượng của mối quan hệ.
- Gia tăng xung đột: Cảm giác chán nản thường đi kèm với việc gia tăng xung đột trong hôn nhân. Các cặp vợ chồng có thể dễ dàng nổi nóng hoặc tranh cãi về những vấn đề nhỏ nhặt, làm căng thẳng thêm mối quan hệ.
- Ngoại tình: Một số người có thể tìm kiếm sự thỏa mãn từ bên ngoài hôn nhân khi họ cảm thấy không còn hạnh phúc trong mối quan hệ hiện tại. Điều này có thể dẫn đến sự phản bội và làm tổn thương sâu sắc mối quan hệ.
- Ly thân hoặc ly hôn: Nếu cảm giác chán nản sau hôn nhân kéo dài và không được giải quyết, nó có thể dẫn đến quyết định ly thân hoặc ly hôn. Đây là hậu quả nghiêm trọng nhất, khi mối quan hệ không thể được cứu vãn và hai người quyết định chia tay.
- Ảnh hưởng đến sức khỏe tâm lý: Cảm giác chán nản kéo dài có thể gây ra các vấn đề về sức khỏe tâm lý như lo âu, trầm cảm, và stress. Những vấn đề này không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân mà còn có thể lan tỏa và ảnh hưởng đến cả gia đình, đặc biệt là con cái.
Việc nhận thức và giải quyết cảm giác chán nản sau hôn nhân là rất quan trọng để bảo vệ và duy trì mối quan hệ gia đình lành mạnh, hạnh phúc.
Cách vượt qua cảm giác chán nản sau hôn nhân
Khi đã lập gia đình, bất cứ ai cũng mưu cầu, hướng tới hôn nhân hạnh phúc, lâu bền, có thể đi cùng nhau đến khi “răng long đầu bạc”. Thế nhưng trên thực tế, hầu như trong bất cứ gia đình nào cũng phát sinh rất nhiều mâu thuẫn, dù là lớn hay nhỏ, đây là điều rất khó tránh. Có vô vàn sự thay đổi, bất ngờ trong cuộc sống gia đình mà bạn không thể nào lường trước, hay cả khi đã chuẩn bị tinh thần.
Những cảm xúc chán nản sau hôn nhân nếu không sớm được loại bỏ sẽ khiến cả hai ngày càng trở nên xa cách. những xung đột lên tới đỉnh điểm hoàn toàn có thể đẩy cả hai đi đến bờ vực tan vỡ. Vậy làm thế nào để vun vén hạnh phúc sau khi kết hôn?
1. Giải quyết những mâu thuẫn
Im lặng không phải cách để giải quyết vấn đề mà nó chỉ làm tình trạng tồi tệ hơn, đặc biệt với chính bản thân bạn. Nếu bạn không nói ra cảm xúc của bản thân thì đối phương không thể nào hiểu được bởi đôi khi lỗi sai của họ vốn chỉ là vô tình. Mặt khác bạn càng im lặng, càng đè nén cảm xúc thì sự bức bối trong tâm trí càng lớn dần, khiến bạn có những suy nghĩ, hành vi sai lầm với thực tế.
Đôi lúc cảm xúc chán nản sau hôn nhân hoàn toàn xuất phát từ những hiểu lầm nho nhỏ mà cả hai không giải thích với nhau. Vốn dĩ 1 nửa sự thật không phải là sự thật, việc bạn chính mắt nhìn thấy cũng không diễn biến như bạn tưởng tượng. Nếu cả hai không trao đổi, không chia sẻ thì không làm cách nào để thấu hiểu nhau.
Khi đã là vợ chồng, mọi thứ cần có sự thống nhất, hòa làm một, bao gồm cả suy nghĩ mới có thể lâu bền. Do đó hãy luôn thẳng thắn chia sẻ những vấn đề khiến bản thân cảm thấy không hòa hợp để đối phương hiểu và không lặp lại sai lầm. Sự thay đổi của đối phương chính là minh chứng rõ nét của sự tôn trọng lẫn nhau và có thể đẩy lùi cảm giác chán nản sau hôn nhân.
Tuy nhiên cần chú ý rằng, bạn nên nhắc nhờ, chia sẻ với đối phương một cách khéo léo, nhẹ nhàng, thay vì gắt gỏng khó chịu. Muốn được người khác tôn trọng trước tiên bạn cũng cần phải tôn trọng đối phương. Thẳng thắn không có nghĩa là thô lỗ, chỉ trích đối phương, điều này chỉ khiến người ấy khó chịu và càng cố tình làm những thứ trái ngược với ý bạn mà thôi.
2. Nhìn nhận vấn đề theo góc nhìn khác
Con người không ai là hoàn hảo hay không có khuyết điểm. Bản thân bạn có thể không hài lòng về một tính nào đó của người bạn đời và ngược lại, chắc chắn họ cũng sẽ có những điều khó chịu nào với bạn. Bao dung, chấp nhận sự thiếu sót của nhau ( tất nhiên là trong một mức độ nào đó) chính là cách để duy trì hạnh phúc hôn nhân mà bạn không nên bỏ lỡ.
Đôi lúc bạn cũng có thể đứng ở góc nhìn của đối phương để hiểu vì sao họ cảm thấy hay lại hành xử như vậy. Chẳng hạn người chồng không làm việc nhà bởi anh ta thực sự mệt mỏi vì áp lực công việc quá lớn, lúc nào cũng chạy ngoài đường với mong muốn sẽ mang đến cuộc sống đủ đầy cho vợ con. Người vợ hay cằn nhằn cáu kỉnh cũng chỉ vì muốn chồng thay đổi tốt hơn chứ không hề mang ý định kiểm soát.
Nhiều người lầm tưởng rằng vợ chồng cần phải hòa hợp, cái gì cũng phải giống nhau tuy nhiên điều này không hề đúng. Vốn dĩ nam và nữ đã là hai cá thể đối lập hoàn toàn, vậy vì sao có thể đòi hỏi sự tương đồng 100%? Hai mảnh ghép khuyết – lồi khác nhau đôi khi mới có thể khớp lại và tạo thành một bức tranh hoàn thiện cuối cùng.
Khi hiểu rõ vì sao đối phương làm như thế, cảm xúc của họ sẽ dần thay đổi, không còn quá khó chịu hay khó khăn mà hoàn toàn có thể xem xét bao dung, bỏ qua cho sự thiếu sót của đối phương. Kỳ thực trong bất cứ mối quan hệ nào cũng luôn cần phải bao dung, chấp nhận khiếm khuyết của nhau hoặc thậm chí là thay đổi vì nhau mới có thể lâu bền.
3. Luôn tạo ra sự tươi mới
Để hôn nhân không phải là “nấm mồ của tình yêu” hãy luôn tạo ra những cảm xúc như thời còn yêu đương mặn nồng. Một cái hôn mỗi sáng trước khi đi làm, một lời nhắn chúc ngủ ngon, một món quà bất ngờ không nhân một dịp nào khác hoàn toàn có thể hâm nóng tình cảm của đối phương. Đừng nên nghĩ rằng khi đã là vợ chồng thì việc bỏ đi các quy tắc này là hiển nhiên.
Bất cứ thứ gì lặp đi lặp lại thường ngày thì việc hình thành cảm xúc chán nản là điều khó tránh khỏi. Vợ chồng không chỉ chung sống với nhau 1 tháng, 1 năm mà là cả đời, là hàng chục năm vì thế nếu lúc nào cũng để cảm giác nhàm chán xâm lấn thì cả hai sẽ không thể hiểu thế nào là hạnh phúc. Sự tươi mới dù trong tình yêu hay hôn nhân cũng luôn là điều cần thiết.
Để vượt qua chán nản sau hôn nhân vốn chẳng hề khó, quan trọng là bạn có thực sự muốn thay đổi hay không. Đôi khi chỉ cần cùng nhau đi ăn một bữa tối lãng mạn vào cuối tuần để “đổi gió”, người chồng tự tay về nấu một bữa ăn ấm cúng, người vợ trang trí bữa ăn sáng hình trái tim cũng đủ để mang lại cảm giác ngọt ngào không khác gì thời gian mới yêu đương.
4. Luôn yêu thương bản thân
Dù lập gia đình bận rộn, dù đã yêu đương hàng chục năm và đối phương hoàn toàn biết mọi tật xấu của bạn thì bạn cũng không được để bản thân buông thả, trông xuề xòa, luộm thuộm. Tất nhiên tình yêu hay hôn nhân được duy trì bởi sợi dây liên kết về mặt tâm hồn, không phải do bề ngoài nhưng nếu bạn quá cẩu thả với bản thân mình thường sẽ không được coi trọng.
Sự tươi mới sau hôn nhân bằng việc chăm chút, thay đổi ngoại hình, nuông chiều bản thân cũng chính là bí quyết đẩy lùi cảm giác chán nản. Chỉ cần thay đổi mái tóc dài thành ngắn, thay đổi phong cách ăn mặc, thay đổi cách trang điểm mỗi khi dạo phố hay chỉ đơn giản là đổi mùi nước hoa cũng đủ để đối phương có những cảm xúc khác lạ.
5. Nhìn lại quá khứ, tiến đến tương lai
Khi sự chán nản sau hôn nhân đã lên tới đỉnh điểm nhưng rõ ràng đối phương không hề cư xử tệ bạc với bạn và cũng chẳng hề ngoại tình, lúc này bạn muốn ly hôn cũng không được, vì nó không đáng; nhưng nếu cứ tiếp tục lại chẳng hề vui vẻ được. Vậy cần phải làm thế nào?
Không phải ai cũng có một chặng đường yêu đương suôn sẻ trước khi đến với hôn nhân, cả hai cũng đã từng có vô vàn những kỷ niệm hạnh phúc bên nhau. Nếu đối phương không làm gì sai với bạn mà chỉ dừng ở mức vô tâm, hãy nên tạo cơ hội để người ấy sửa đổi. Nhìn lại hành trình đã trải qua cùng nhau khó khăn như thế nào thì việc bao dung cho đối phương thêm một lần nữa sẽ giúp bạn không phải hối hận.
Dù vậy, con người luôn cần hướng về phía trước, tiến về tương lai chứ không thể mãi chìm đắm trong quá khứ dù nó có tươi đẹp thế nào. Sức chịu đựng mỗi người đều có giới hạn, không ai có thể mãi mãi chờ đợi sự thay đổi của một người mà không biết có kết quả tốt hay không. Khi đối phương vẫn mãi vô tâm, vẫn luôn chỉ cho rằng bản thân mình đúng, không chấp nhận thay đổi, luôn đổ lỗi cho người khác thì đôi lúc bạn cũng cần có những quyết định dứt khoát để mang lại hạnh phúc cho chính mình.
Chặng đường hôn nhân có thể gặp rất nhiều khó khăn và chẳng biết bao giờ là hồi kết. Tuy nhiên để giữ được ngọn lửa hôn nhân, chỉ một mình thì không bao giờ là đủ. Nếu sự cố gắng vun vén của bạn không được đền đáp mà ngược lại, sự chán nản sau hôn nhân càng mãnh liệt hơn thì việc bạn nghĩ đến việc chấm dứt chuỗi ngày đau khổ này bằng tờ đơn ly hôn cũng khó tránh. Tuy nhiên hãy làm tất cả hết sức mình để cứu vãn cuộc hôn nhân để cho dù có thực sự kết thúc thì bản thân bạn cũng không bao giờ phải hối tiếc.
Có thể bạn quan tâm:
- Khủng hoảng tiền hôn nhân là gì? Làm sao để vượt qua?
- Có nên sống thử trước hôn nhân để hiểu nhau hơn không?
- Hôn nhân không hạnh phúc có nên tiếp tục sống vì con không?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!